Dịch giả:Mai Kim Ngọc
Chương 1
Chuông chùa cuối năm

Chiếc ghế cuối hàng kê dọc cửa sổ bỗng quay nhẹ theo đà con tầu lắc lư làm Oki Toshio chú ý. Hàng ghế bành có tay dựa bên phía ông thì thấp, cố định, và tất nhiên không quay.
Oki một mình trong toa vãn cảnh trên chuyến tốc hành đi Kyoto. Ngồi lún xuống đệm, ông ngắm chiếc ghế quay trước mặt. Nó không quay theo một chiều mà vận tốc cũng không đều. Nó quay lúc nhanh lúc chậm, có lúc dừng hẳn rồi quay ngược lại. Ngắm chiếc ghế quay trong toa vắng, ông cảm thấy cô đơn, và những vọng niệm ào ạt trở về.
Hôm nay 29 tháng chạp. Ông đi Kyoto để nghe chuông chùa tất niên. Lâu nay, phải chăng từ khi có chương trình truyền thanh này, Oki có lệ cứ giao thừa là mở đài nghe chuông chùa báo hiệu thời điểm năm cũ bước sang năm mới. Có lẽ ông chưa bao giờ lỡ dịp nghe chuông cũng như thưởng thức lời bình luận khi các xướng ngôn viên lần lượt giới thiệu những đại hồng chung nổi tiếng đang được thỉnh từ những cổ tự của đất nước.
Thời điểm thiêng liêng khi năm cũ đang qua và năm mới sắp tới, các xướng ngôn viên thường dùng ngôn từ hoa mỹ và cách phát âm trang trọng. Ông nhớ những tiếng chuông cách quãng của một đại hồng chung cổ, âm ba lướt thướt như tiếng thời gian, gợi lại linh hồn nước Nhật xa xưa.
Bắt đầu là chuông chùa miền bắc, tiếp đến là chuông chùa vùng Kyushu, nhưng đúng giao thừa thì bao giờ cũng là chuông chùa cố đô. Kyoto nhiều chùa và tu viện đến nỗi có lúc trên đài là một hòa tấu sôi động của vô vàn chiếc chuông lớn nhỏ đón mừng năm mới.
Ông thường ngồi phòng khách nghe chuông trên đài, trong lúc vợ và con gái bận rộn nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn xống áo, hay cắm hoa. Ôn lại năm cũ trong tiếng chuông ngân, ông thường nhớ lại một vài sự việc làm ông xúc động. Có năm, chuyện cũ có thể đau đớn hay tàn bạo, và nuối tiếc hay muộn phiền cắn xé tâm hồn, nhưng bao giờ tiếng chuông cũng tìm được đồng vọng trong tim ông, ngay cả những lúc ông đã chán từ nội dung đến giọng nói của xướng ngôn viên phụ trách chương trình.
Đã lâu, ông vẫn muốn đi Kyoto để trực tiếp nghe chuông giao thừa thay vì nghe qua đài. Năm nay nhất định thực hiện ước muốn, ông lên đường. Ông cũng thầm mong gặp lại Ueno Otoko bấy lâu xa cách, để cùng nghe chuông với nàng. Từ khi nàng dọn về Kyoto và trở thành một danh họa của trường phái cổ điển, ông kể như đã mất liên lạc. Ông không nghĩ nàng đã lấy chồng.
Ông hành động đột ngột theo cảm hứng. Không có thói quen kế hoạch trước chuyện gì, ông không giữ vé mà ra thẳng ga Yokohama leo lên chuyến tốc hành đi Kyoto. Dịp lễ cuối năm, tuyến đường Tokaido có thể đông nghẹt, nhưng ông hy vọng nhân viên hỏa xa là chỗ quen biết đã lâu, chắc thế nào cũng kiếm được cho ông một ghế.
Tính ưa ngủ trễ, ông rất thích chuyến tầu vì xế trưa nó mới rời Tokyo để xế chiều thì tới Kyoto. Lúc trở về, cũng đến chiều tầu mới chuyển bánh. Ông bao giờ cũng lấy chuyến này mỗi khi đi Kyoto, và các cô chiêu đãi đã quen mặt ông.
Lên tầu, ông ngạc nhiên thấy toa vắng khách. Ông nghĩ có lẽ vì mới 29 tết, và 30 hay 31 tàu mới đông. Ông đang mải ngắm chiếc ghế quay, miên man ngẫm nghĩ chuyện số mệnh con người, thì ông già nhân viên hỏa xa mang trà đến.
Oki nói:
«Tầu vắng quá bác nhỉ?»
«Thưa đúng. Cả tầu chỉ có năm sáu hành khách.»
«Chắc mùng một tầu sẽ đông?»
«Thưa không, tôi nghĩ tầu mùng một cũng sẽ vắng. Ông về lại Tokyo mùng một sao?»
«Tôi tính vậy.»
«Mùng một thì tôi nghỉ. Nhưng tôi sẽ thu xếp chu đáo cho ông.»
«Cảm ơn bác...»
Nhân viên hỏa xa đi rồi, Oki đảo mắt nhìn quanh, thấy hai chiếc va-li kiểu mới đặt dưới chân ghế bành cuối dãy. Hai chiếc va-li vuông mỏng bằng da trắng điểm những vệt nâu nhạt thuộc hạng sang ít thấy bán tại Nhật. Một cái xách lớn bằng da báo đặt trên ghế bên cạnh. Chủ nhân mấy món hành lý có lẽ người Mỹ và chắc đang ăn uống tại toa nhà hàng.
Ngoài cửa sổ, cánh rừng sương phủ dày như khói vùn vụt trôi qua. Trên cao, những đám mây trắng tắm trong làn ánh sáng nhẹ như từ đất chiếu lên. Trời sáng dần và nắng từ cửa sổ rọi xéo vào toa. Tầu qua một đồi thông, Oki thấy rác thông phủ đầy mặt đất. Rồi ông thấy một lùm tre vàng úa. Xa xa ngoài biển, từng làn sóng bạc chạy vào bờ, tan thành bọt trắng trên một mỏm đá màu thẫm.
Hai cặp người Mỹ trung niên từ toa nhà hàng trở về. Tàu qua Numazu và núi Phú sĩ còn xa, họ tới cửa sổ chụp ảnh không ngừng. Khi núi ngang tầm hiện ra sừng sững trên cánh đồng, thì chụp ảnh đã chán, họ ngồi xuống quay lưng ra ngoài và không để ý đến cảnh nữa.
Ngày sắp tàn. Ông ngắm con sông cong như dải bạc đã ngả màu, rồi ngẩng lên nhìn lại phía hoàng hôn. Những tia nắng trắng lạnh cuối ngày len lỏi trong kẽ mây đen, vương vấn thêm ít lâu rồi tắt hẳn. Đèn trong toa bật sáng. Con tầu bỗng lắc mạnh làm những chiếc ghế cao cùng nhau xoay nửa vòng rồi dừng lại, trừ chiếc ghế cuối vẫn tiếp tục quay.
Tới Kyoto, ông lấy khách sạn Miyako. Ông chọn một phòng tĩnh mặc, nghĩ thầm Ueno có thể đến thăm. Ông lên sáu bẩy tầng, nhưng khách sạn xây trên sườn đồi nên khi ra khỏi thang máy đi hết hành lang dài, ông lại thấy mình vẫn ở tầng trệt.
Khách sạn yên tĩnh nên ông đoán là vắng khách. Nhưng hơn mười giờ, phòng bên có tiếng ngoại quốc lao xao. Ông hỏi thăm người bồi phòng. Anh ta nói:
«Đó là hai gia đình đông con. Họ cả thẩy có đến mười hai đứa.»
Đám trẻ không những ồn ào mà còn chạy từ phòng này sang phòng kia, hay đuổi nhau ngoài hành lang. Ông nghĩ khách sạn vắng, không biết sao ông lại không may rơi vào giữa đám con nít rắn mắt này. Ông lấy chuyện bực mình làm nhẹ, nghĩ đám trẻ rồi cũng phải đi ngủ. Nhưng như bị kích thích vì được đi chơi xa, chúng chẳng chịu ngủ cho. Tiếng chân chúng chạy ngoài hành lang thật là quá đáng. Sau cùng ông ra khỏi giường.
Tiếng ngoại quốc vọng lại làm ông càng cảm thấy lẻ loi. Hình ảnh chiếc ghế quay trên toa trở lại trong đầu, và ông nghe nỗi cô đơn đang lặng lẽ quay trong tim.
Ông đi Kyoto để nghe chuông chùa cuối năm và để tìm gặp lại Ueno Otoko, nhưng ông tự hỏi chuyện nào là chính. Nghe chuông thì nhất định là sẽ được toại ý, nhưng gặp lại Ueno thì ông không chắc. Phải chăng nghe chuông chỉ là cái cớ, còn trong lòng, ông đã muốn gặp lại Ueno từ lâu. Được nghe chuông giao thừa với nàng ở Kyoto không hẳn là vô vọng, nhưng hai người đã bao nhiêu năm cách biệt. Xa nhau đã lâu mà còn ở vậy, nàng vẫn có thể không muốn gặp lại cố nhân. Ông tự trấn an là nàng không đến nỗi tệ bạc thế, nhưng thật tình ông không biết nàng đã thay đổi bao nhiêu.
Hình như Otoko đã thuê ngôi nhà khách của một tu viện cũ, và sống ở đấy với cô học trò. Ông thấy ảnh nàng trong một tập san hội họa. Nơi nàng ở không phải là một căn phố một hai phòng, mà là một biệt thự. Xưởng vẽ rộng, trang trí kiểu Nhật. Vườn rất đẹp.
Ảnh chụp nàng tay cầm cọ, mặt cúi xuống, nhưng vầng trán và sống mũi người đàn bà không lẫn được với ai. Bao nhiêu năm qua, nàng không mập ra, dáng người vẫn mảnh mai thanh tú.
Ngắm tấm hình, ông nghe ân hận trong lòng. Ông đã cướp đi hạnh phúc lứa đôi và khả năng làm mẹ của nàng. Tất nhiên là độc giả tờ nguyệt san khi ngắm ảnh không suy nghĩ và phản ứng như ông. Người ngoài cuộc chắc chỉ thấy chân dung một nữ nghệ nhân đã tới Kyoto sinh sống và trở thành một nhan sắc diễm kiều của cố đô.
Tới Kyoto chiều 29, ông phân vân không biết nên gọi điện thoại trước, hay thẳng đến thăm nàng. Sáng sau thức giấc khá sớm vì đám trẻ phòng bên huyên náo, ông vẫn còn ngần ngại. Ngồi trước bàn giấy, ông tính gửi cho nàng lá thư hỏa tốc. Nhìn tờ giấy trắng lạnh khách sạn để sẵn cho khách dùng, ông lại đổi ý. Ông nghĩ thật ra không cần phải gặp lại Otoko, và nghe chuông giao thừa xong ông sẽ lên tầu về nhà. Ông lên giường ngủ lại, khi thức giấc thì đã gần mười một giờ trưa.
°
Lúc thắt cà vạt, ông sực nhớ một sự việc cũ. Hôm ấy Otoko nói với ông:
«Để em thắt cho anh. Để em thắt cho...»
Nàng bấy giờ mười sáu tuổi, và vì ông, nàng đã trở thành đàn bà. Còn ông lúc đó chưa biết nói gì, chưa tìm ra câu gì để nói. Ông kéo cô bé vào lòng vuốt ve mái tóc mà đầu óc vẫn trống không. Otoko gỡ khỏi tay ông và mặc quần áo lại. Ông cũng ngồi dậy mặc lại sơ-mi. Lúc thắt cà-vạt thì ông bất chợt Otoko đang nhìn ông. Cô bé không khóc, nhưng mắt ướt. Ông nhìn đi chỗ khác. Ông nhớ khi hôn cô bé vẫn mở mắt, cho đến khi ông hôn lên mí mới nhắm lại.
Có chút gì êm mềm và bé thơ khi cô bé đòi thắt cà-vạt cho ông. Ông thấy nhẹ nhõm. Câu nói thật bất ngờ, có ý nghĩa của sự tha thứ. Hơn nữa nó như báo hiệu cô bé đã thoát ly ra khỏi cái bản thân bé bỏng, trong khi tay cô loay hoay với chiếc cà-vạt nút thắt còn vụng về. Ông hỏi:
«Em biết thắt không?»
«Chắc biết. Em đã thấy ba em thắt.»
Otoko mồ côi cha từ năm mười một.
Ông ngồi xuống ghế, kéo Otoko lên đùi và ngẩng cầm lên cho cô bé khỏi vướng tay. Otoko ngả người tới, mấy lần thắt rồi lại cởi cái nút cà-vạt vì chưa bằng lòng. Sau cùng thắt xong, cô tụt xuống đất. Nghiêng đầu ngắm nghía, cô nói:
«Cậu bé vừa ý chưa?»
Ông đứng dậy bước tới gương. Nút cà-vạt thắt đẹp không chê vào được đâu. Thấy trán và má mình bóng nhẫy mồ hôi, ông đưa tay lên xoa. Ông kể như đã hiếp cô bé và ông không chịu nổi cái bản mặt của chính mình. Trong gương cô bé kề má lại với ông. Ông xúc động vì cái trẻ cái đẹp của người con gái nhỏ. Sững sờ vì nét dung nhan mỹ miều quá sức tưởng tượng, ông quay lại. Otoko đặt tay lên vai ông. Ép đầu vào ngực ông, cô bé nói:
«Em yêu anh.»
°
Nghĩ lại, ông thấy thật là ngộ nghĩnh khi cô gái nhỏ mới mười sáu gọi người đàn ông ba mươi mốt là «cậu bé». Vậy mà đã hơn hai mươi năm rồi. Ông đã năm mươi lăm, còn Otoko chắc phải bốn mươi.
Tắm xong, ông mở chiếc đài có sẵn trong phòng, được tin sáng nay Kyoto có chút băng đóng. Đài cũng cho hay: mùa đông năm nay vào dịp cuối cũng không lạnh lắm.
Ông điểm tâm bằng cà phê và bánh mì nướng rồi thuê xe ra đi. Không dứt khoát đến thăm Otoko, lại cũng không biết làm gì, ông bèn lên núi Arashi ngoạn cảnh. Từ xe, ông thấy mấy rặng đồi phía bắc và phía tây đã lác đác nắng, nhưng vẫn như còn toát ra cái lạnh của mùa đông Kyoto. Mới sáng mà tưởng ngày sắp tàn. Ngang cầu Togetsu, ông xuống xe. Ông không qua cầu mà theo bờ sông bước về phía lâm viên Kameyama.
Núi Arashi từ xuân đến thu thường đầy du khách, vậy mà vào dịp cuối năm xem ra cũng vắng vẻ. Quả núi già đứng lặng, câm nín. Dưới chân núi, sông rộng ra thành một cái hồ màu lục trong vắt. Xa xa vẳng lại tiếng gỗ súc từ đám bè ven sông được bốc lên xe tải. Cảnh triền núi chạy thoai thoải xuống sông nổi tiếng đẹp giờ đây còn chìm trong bóng tối, trừ một dải nắng vắt ngang vai núi trên phía thượng nguồn.
Oki định ở lại ăn trưa một mình. Ngày xưa ông đã biết hai quán ăn tại vùng này. Một quán không xa cầu lắm nhưng cổng đóng kín. Chắc lúc năm cùng tháng tận, chẳng ai còn buồn tới đây để ngắm ngọn núi cô đơn. Ông nhẩn nha tản bộ dọc sông, thắc mắc không biết quán ăn phía thượng nguồn có đóng cửa nốt không. Ông nghĩ cùng lắm về phố ăn trưa cũng không sao.
Ông leo mấy bậc thềm đá lên tiệm. Cô người làm chận ông lại, cho hay nhân viên đã về Kyoto hết, và tiệm đóng cửa. Ông nhớ một hôm đã lâu giữa mùa măng, ông đã ăn những khoanh măng lớn nấu với cá thu muối tại đây.
Ông trở lại bờ sông, chợt thấy bà già đang quét lá phong khô trên những bực thềm thoai thoải dẫn lên quán ăn bên cạnh. Bà cho biết quán vẫn còn mở.
Ông nói:
«Ở đây yên tĩnh quá.»
Bà bảo:
«Đúng vậy, yên tĩnh đến nỗi tiếng người nói bên kia sông nghe cũng rõ.»
Tiệm ăn náu mình dưới một lùm cây, mái rạ cũ dầy và sũng nước. Cổng vào tối và khuất, khó có ai nghĩ đây là một tiệm ăn. Sau mái rạ, ba bốn cây thông tía thân thẳng mọc dựng lên sừng sững.
Ông được dẫn vào căn phòng trang hoàng theo lối Nhật. Tiệm vắng khách. Nhìn qua ô cửa, ông thấy những trái dâu đỏ hoe ngoài vườn. Không phải mùa, nhưng ông vẫn nhận ra một bụi đỗ quyên. Mấy cây dâu, mấy gốc tre và mấy cây thông tía ngăn tầm mắt, nhưng qua kẽ lá, ông thấy hồ nước tĩnh lặng màu ngọc thạch. Ông nảy ý niệm so sánh, thấy ngọn núi cũng tĩnh lặng như hồ nước.
Than hồng âm ỉ trong lò sưởi hầm dưới chân. Tựa tay lên bàn, ông ngồi nghe vẳng lại tiếng chim hót và tiếng gỗ súc đang được bốc lên.
Có tiếng còi tầu chạy ra từ hầm núi phía tây, âm thanh sầu não như tiếng trẻ sơ sinh khóc... Ông chạnh lòng nhớ hồi ấy Otoko mới mười bảy tuổi, mang thai mới tám tháng thì đẻ non. Người ta không cứu được em bé và Otoko không thấy mặt con gái.
°
Hôm ấy bác sĩ bảo Oki:
«Tốt hơn là đợi cô ấy lại người một chút rồi hẵng cho hay.»
Mẹ Otoko nói với ông:
«Ông Oki, làm ơn nói với con tôi rằng tôi đã không cầm được nước mắt khi nghĩ nó còn măng sữa mà đã phải gánh chịu bao nhiêu khốn khổ.»
Câu nói đầy trách móc, nhưng rồi bà cũng dằn được oán hận xuống. Bà chỉ có cô là con độc nhất. Cô đã có mang với ông, nên dù ông vợ con đùm đề, thương con, bà cũng không dám làm nhục ông. Người đàn bà còn cứng đầu hơn Otoko đã nhượng bộ. Vả lại, bà cũng cần ông để giữ bí mật cho con gái mình, cũng như lo liệu cho đứa bé khi nó ra đời. Sau hết, Otoko có bầu nên tính tình nóng nẩy, dọa sẽ tự vận nếu mẹ lăng mạ Oki.
Khi ông tới bên giường, Otoko quay lại nhìn ông, cặp mắt ướt và đầy tình mẫu tử của người con gái bắt đầu làm mẹ. Rồi bất thần từ khóe mắt, giọt lệ lớn dần và lăn xuống gối. Ông nghĩ nàng đã biết.
Otoko nghẹn ngào, nước mắt chảy thành dòng xuống thái dương. Khi ông lau má nàng, cô gái nắm lấy bàn tay ông và òa lên khóc. Nước mắt và tiếng nức nở trào ra như đê vỡ.
«Nó chết rồi? Con nó chết rồi phải không anh? Con chết rồi con ơi!»
Cô gái vật vã, dung nhan dị dạng vì đau thương. Ôm lấy cô gái để trấn an, Oki nghe cánh tay mình chạm vào cặp vú trẻ con căng sữa. Bà mẹ chắc vẫn để mắt theo dõi, từ ngoài cửa phòng bước vào. Mặc bà, ông vẫn ôm chặt Otoko.
«Anh làm em nghẹt thở. Anh buông em ra...»
«Nhưng em hứa phải nằm yên... Em không được vật vã nữa...»
«Em hứa.»
Oki buông tay. Cô gái thư giãn trở lại. Nước mắt lại ứa ra dưới mi, cô nói:
«Mẹ ơi, chắc người ta hỏa táng nó?»
Bà mẹ không trả lời.
«Bé tí tẹo mà cũng phải hỏa táng hở mẹ?»
Bà mẹ vẫn yên lặng.
«Mẹ ơi, mẹ vẫn nói khi mẹ sanh con ra, tóc con đen lắm phải không?»
«Đúng, tóc con sanh ra đã thật là đen.»
«Con gái của con, tóc nó cũng đen lắm phải không mẹ? Mẹ ơi, mẹ cắt một món tóc của nó cho con mẹ nhé?»
Bà mẹ lúng túng:
«Mẹ không biết có được không, Otoko.»
Rồi như quá xúc động mà thành vô ý thức, bà nói:
«Nhưng mà con vẫn còn có thể đẻ đứa khác.»
Nói xong đã thấy ân hận, bà cau mày quay đi. Ông nghĩ mẹ Otoko cũng như ông phải chăng đã thầm mong đứa bé chẳng bao giờ chào đời. Nhớ lại cái nhà bảo sanh ngoại ô tồi tàn, ông ân hận nghĩ nếu đã tới y viện tử tế, biết đâu đã chẳng giữ được đứa bé. Chính Oki là người đưa cô gái đi sanh. Bà mẹ lúng túng không biết xử trí làm sao nên đã ở nhà. Ông bác sĩ già, mặt đỏ ngầu vì rượu. Cô y tá nhìn Oki với đôi mắt nặng chê trách. Hôm ấy Otoko mặc chiếc kimono lụa màu đỏ tươi, cắt giản dị theo kiểu con nít.
Hai mươi ba năm sau, trên đỉnh Arashi, Oki như thấy lại hình ảnh đứa hài nhi thiếu tháng tóc đen nhánh, ẩn hiện trong những lùm cây trụi lá hay chìm dần xuống làn nước xanh.
°
Ông vỗ tay gọi chiêu đãi viên. Ông biết tiệm ăn không đợi khách nên sẽ chậm vì không sẵn sàng. Có lẽ để ông bớt sốt ruột, cô chiêu đãi tới rót cho ông tách trà nóng và ngồi xuống bên. Trong câu chuyện vặt, cô bảo vùng này có người bị chồn tinh mê hoặc. Một sáng tinh sương, người làng thấy anh ta lội dưới sông miệng lảm nhảm, «Ai cứu tôi với, tôi chết mất.» Anh ta vùng vẫy dưới chân cầu Togetsu chỗ nước nông sờ, có leo lên bờ một mình cũng chẳng khó gì. Khi được cứu, anh ta kể lại là đã lang thang trong núi suốt đêm như người mộng du và sau cùng thấy mình đang lội dưới sông mà không hiểu tại sao.
Nhà bếp bưng mâm cơm lên. Ông khai vị bằng món cá chép sống thái lát. Ông nhấm nháp chút sa-kê...
Khi rời tiệm ăn, ông nhìn lại mái nhà rạ. Ông thấy nó phủ rêu, và bắt đầu mục. Nó có cái đẹp riêng của nó, nhưng bà chủ lại chống chế là mái nhà này không bao giờ khô được vì bị cớm bóng cây. Mới lợp lại mười năm trước, mà tám năm nay đã như thế này.
Chênh chếch phía trái mái nhà, vừng trăng non mọc sớm trắng nhạt trên bầu trời. Đã ba giờ rưỡi chiều. Ông đi xuống con đường ven bờ sông, thấy mấy con chim bói cá bay là là mặt nước, màu lông sặc sỡ nổi bật lên trên cảnh. Gần cầu Tosetgu, ông lên xe tính trở lại nghĩa địa Asashino. Ông nghĩ chiều đông ngồi suy ngẫm cái phù du của kiếp người trước hằng hà những tấm mộ bia và tượng thần Jizo chắc cũng thú vị. Nhưng thấy bóng tối đã bao phủ những lùm tre của tu viện Giô, ông lại đổi ý cho tài quay xe ngược trở lại.
Ông quyết định dừng lại một tu viện khác trước khi trở về khách sạn. Vườn tu viện vắng tanh trừ một cặp vợ chồng mới cưới dường như đang hưởng tuần trăng mật. Lá thông khô vương vãi trên sân rêu, và bóng những lùm cây in trên mặt ao di chuyển theo bước chân ông. Oki trở về khách sạn theo ngả tây, nơi mấy ngọn đồi đang nhuộm ánh hoàng hôn.
Tắm nước nóng xong cho ấm người, ông mở niên giám tìm số điện thoại Otoko. Có giọng con gái trả lời, chắc là cô học trò ở trọ. Rồi máy được chuyển cho Otoko.
«A-lô.»
«Oki đây.»
«...»
«Anh là Oki, Oki Toshio.»
«Dạ. Lâu quá rồi nhỉ...»
Oki nghe giọng cố đô của nàng trên máy. Ông không biết nên nói như thế nào, để tránh lỡ lời mà cũng để cho Otoko tưởng rằng ông ngẫu hứng mà gọi nàng. Ông nói nhanh:
«Anh đến Kyoto để nghe chuông giao thừa...»
«Chuông ấy à...»
«Nghe chuông với anh nhé?»
«...»
Otoko lặng yên. Ông nhắc lại câu hỏi. Ông nghĩ nàng không nói được gì chắc tại quá ngạc nhiên.
«A-lô, A-lô,» ông nói tiếp.
Sau cùng nàng hỏi:
«Anh tới một mình?»
«Đúng, đúng, anh tới một mình.»
Otoko lại yên lặng.
«Nghe chuông xong, mùng một anh về sớm. Anh đến vì muốn nghe chuông giao thừa với em. Em, anh không còn trẻ nữa. Bao nhiêu năm rồi chúng mình không gặp lại nhau. Lâu quá rồi, nếu không có dịp như thế này anh chắc đã không dám rủ em...»
«...»
«Mai anh tới đón em được không?»
«Không, đừng» Otoko vội vã nói. «Em sẽ tới đón anh. Tám giờ tối nhé... Ô chắc sớm quá nhỉ. Chín giờ vậy, tại khách sạn anh. Vụ nghe chuông, em sẽ tìm chỗ cho.»
Oki đã tính tìm chỗ nào tĩnh mạc ăn tối với Otoko, nhưng chín giờ thì chắc nàng đã ăn rồi. Thôi thì ít nhất nàng đã chịu gặp lại ông. Cô gái nhỏ từ ký ức xa xôi dần dần sống lại.
Hôm sau, ông ở lì trong khách sạn suốt ngày chờ đến giờ hẹn. Thời gian đợi trông thường đã chậm lại càng chậm hơn vào ngày cuối năm. Oki không có gì làm. Ông có mấy người bạn ở Kyoto, nhưng mải đợi Otoko ông không muốn gặp ai. Ông cũng không muốn ai biết ông đang ở cố đô.
Tất nhiên ngoài phố không thiếu gì nhà hàng chuyên trị các món đặc sản, nhưng ông ăn bữa tối ngay trong khách sạn. Thế là suốt ngày cuối năm ông không đi đâu, một mình sống với kỷ niệm người xưa. Ký ức càng trở về lại càng tươi mát linh động. Sự việc hai mươi năm trước còn rành mạch hơn là mới xảy ra hôm qua.
Oki ngồi xa cửa sổ nên không thấy phố xá trước khách sạn, nhưng dẫy núi phía tây sau mấy mái nhà trông thật là gần. So với Tokyo, Kyoto quả là một tỉnh nhỏ an bình. Ông đang ngắm núi thì một dải mây vàng trong vắt bỗng trở màu xám lạnh, và chiều xuống đột ngột.
Khi Otoko theo mẹ dọn đi Kyoto, Oki đã nghĩ ông và nàng chia cách từ đấy. Ông không khỏi cảm thấy hổ thẹn và tội lỗi vì đã xáo trộn đời nàng, đã cản trở không cho nàng mãn khai thành người vợ, người mẹ. Nhưng ông tự hỏi có thực sự là nàng và ông đã vĩnh biệt nhau không. Nàng nghĩ gì về ông mà bao năm qua vẫn không lấy chồng. Còn ông, hôm nay ông còn nhớ tới nàng rành rọt và tha thiết như vậy, phải chăng hai người thật ra chưa từng chia tay.
Tuy không phải dân Kyoto, nhưng ông thấy ánh đèn đêm của thành phố này sao thân thuộc. Cố đô là cái nôi của mọi người Nhật đã đành, nhưng lý do quan trọng hơn là nơi đây là tỉnh nhà của Otoko. Bồn chồn, ông đi tắm. Ông thay quần áo, đi lui đi tới trong phòng, thỉnh thoảng lại ngắm mình trong gương. Sau cùng ông ngồi xuống đợi.
Có điện thoại từ phòng tiếp tân báo tin cô Ueno đã tới. Ông trả lời:
«Làm ơn mời cô ngồi chơi, tôi sẽ xuống ngay.»
Rồi ông tự hỏi, lẽ ra ông có nên mời nàng lên phòng không.
Otoko không có mặt ở phòng tiếp tân, nhưng một thiếu nữ bước lại phía ông.
Cô gái nói:
«Thưa có phải là ông Oki không ạ?»
«Chính tôi.»
«Cô Ueno em sai em tới kiếm ông.»
«Vậy sao?» ông làm bộ bình thản. «Cô thật là tử tế...»
Oki đã tưởng Otoko tới gặp ông một mình, nhưng nàng đã lẩn trốn. Những kỷ niệm về nàng tưởng mới sống lại, bỗng nhạt mờ đi.
Vào đến xe, ông yên lặng lúc lâu. Sau cùng ông hỏi:
«Cô có phải là học trò của cô Ueno không?»
«Dạ phải.»
«Cô ở chung với cô Ueno?»
«Dạ. Nhưng còn có người vú già nữa.»
«Cô người Kyoto?»
«Thưa không, em gốc ở Tokyo. Nhưng mê tranh của cô Ueno, em đã theo cô em về đây. Cô em cho em ở nhờ.»
Oki quay lại nhìn cô gái. Lúc ở khách sạn, ông đã thấy cô đẹp. Giờ đây nhìn lại, bán diện cô mỹ miều làm sao. Cổ cô mảnh cao, và vành tai xinh đẹp tuyệt vời. Dung nhan như cô bé, không ai có thể bỏ qua. Cô ăn nói lại chững chạc, tuy có chút dè dặt. Ông tự hỏi, không biết cô có biết câu chuyện tình giữa ông và Otoko ngày xưa, khi cô còn chưa ra đời.
Ông hỏi bâng qươ:
«Cô thường mặc kimono?»
«Thưa không. Ở nhà vận động nhiều, em thường mặc quần cho tiện, tuy như vậy không chỉnh tề lắm. Nhưng cô em dặn phải mặc kimono để đón năm mới và nghe chuông chùa hôm nay.»
Hóa ra cô bé không những đến khách sạn đón ông mà còn sẽ nghe chuông chung với ông và cô giáo nữa. Otoko rõ ràng không muốn gặp lại ông một mình.
Xe chạy qua công viên Maruyama về hướng tu viện Chion. Tới nơi, ông lại càng ngạc nhiên khi thấy hai cô ca kỹ ngồi với Otoko đợi ông trong phòng khách lối cổ, xem ra được thuê cho dịp này. Otoko một mình ngồi bên chiếc bàn có lò sưởi hầm phía dưới, trên đùi trải tấm chăn. Hai cô ca kỹ ngồi đối diện nhau bên lò sưởi gang. Cô gái bước qua ngưỡng cửa tới quỳ xuống chiếu, cúi đầu nói:
«Thưa cô, em đã về.»
Otoko kéo chân ra khỏi chăn. Nàng nói với Oki:
«Lâu lắm không gặp nhau... Em nghĩ anh thích nghe chuông chùa này, nên đã chọn tiệm đây. Nhưng cuối năm nhiều nhân viên về nhà ăn tết nên em không biết sự tiếp đón có được chu đáo không.»
«Anh cảm ơn em. Tha lỗi cho anh đã làm phiền em.»
Oki chỉ nói vỏn vẹn được có thế. Otoko đã cho cô bé học trò đi cùng mà lại còn mang theo hai cô ca kỹ, cảnh này thì ông không thể nào nhắc tới chuyện cũ, mà cũng không được lộ cảm xúc ra sắc diện. Hôm qua, khi nhận được điện thoại của ông, chắc Otoko lúng túng lắm nên mới nghĩ tới phương cách tiếp đón ông như thế này.
Ông nghĩ Otoko ngại gặp lại ông một mình đến như vậy, phải chăng nàng chưa hẳn cạn tình. Lúc bước vào phòng vừa thấy mặt nàng, Oki đã cảm thấy tình ấy vẫn còn. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ông biết mình chưa hẳn đã thành người dưng. Mọi người như không để ý, nhưng có thể cô học trò đã thấy điều ông thấy. Hai cô ca kỹ cũng vậy, họ tuy còn trẻ nhưng sinh sống ở chốn giang hồ tất phải từng trải. Chỉ có điều thấy mà không ai tỏ ra.
Otoko mời ông ngồi, rồi bảo cô học trò tới ngồi đối diện với ông. Nhường lò sưởi hầm cho hai người, Otoko sang ngồi với các cô ca kỹ.
Nàng giới thiệu:
«Đây là Keiko Sakami. Cô bé ở trọ nhà em. Cô bé trông thế mà hơi điên đấy.»
«Ô! Cô Ueno, cô lại ghẹo em.»
«Cô bé vẽ tranh trừu tượng theo kiểu riêng. Tranh cô bé đam mê đến nỗi trông như của người tâm bệnh. Nhưng em rất thích, có lúc còn thèm vẽ được như vậy. Khi vẽ, cô bé như người lên đồng.»
Nhà bếp bưng sa-kê và đồ nhắm lên. Hai cô ca kỹ rót rượu ra chén.
Oki nói:
«Anh không ngờ được nghe chuông chùa cuối năm trong cảnh đông đúc thế này.»
Mắt nhìn xuống, Otoko nói:
«Em nghĩ có thêm người trẻ nghe chuông thì chắc vui hơn. Giao thừa, chúng ta mỗi người già đi một tuổi, sợ có buồn chăng? Có lúc em tự hỏi sao mình còn sống đến hôm nay...»
Câu nói làm Oki chợt nhớ hai tháng sau khi con chết, Otoko đã uống thuốc ngủ toan tự vận. Phải chăng nàng cũng vừa nhớ lại chuyện cũ. Khi được mẹ Otoko cho hay tin dữ, ông đã vội vã tới bên nàng. Bà đã ép con phải đoạn tuyệt với ông, đẩy con đến chỗ tự vận.
Dù sao thì bà cũng đã cho gọi ông, và ông ở lại nhà hai mẹ con để săn sóc Otoko. Ông xoa bóp chỗ sưng nơi đùi nàng vì mũi tiêm. Bà mẹ đi đi lại lại trong bếp, thỉnh thoảng mang lên chiếc khăn nóng. Otoko không mặc đồ lót dưới lớp áo ngủ. Vết tiêm sưng lên làm xấu xí cặp đùi mảnh khảnh của tuổi mười bẩy. Ông nắn bóp chỗ sưng, có lúc quá tay trượt lên trên. Khi bà mẹ không có ở bên, ông lấy tay chùi sạch những vệt nước ứa ra từ thân thể nàng. Nước mắt của xấu hổ và xót thương rơi xuống lẫn với bài tiết của cô gái, ông tự hứa với lòng là dù sao đi nữa, ông sẽ cứu Otoko và sẽ không bao giờ bỏ nàng. Môi cô gái tím bầm. Nghe tiếng bà mẹ thổn thức, ông nhìn vào bếp thấy bà ngồi co ro trước lò sưởi điện. Bà than:
«Con tôi chết mất... Tại tôi mà con tôi chết mất.»
Ông an ủi:
«Bà đã hết tâm hết sức vì con. Bà không nên quá nghiêm khắc trách mình như vậy.»
Nắm chặt tay ông, bà nói:
«Ông Oki, ông cũng vậy. Ông cũng đã hết sức lo lắng cho con gái tôi. Tôi biết ông yêu nó...»
Ba ngày ba đêm không ăn không ngủ, ông ở bên giường săn sóc Otoko cho đến khi nàng mở mắt. Quằn quại trong cơn đau, Otoko như muốn tự cào nát thân thể mặt mày.
Nhìn thẳng Oki, nàng nói trong mê sảng:
«Không, không đâu. Anh đi đi.»
Hai vị lương y đã nỗ lực chữa trị cho nàng, nhưng Oki biết chính nhờ ông tận tụy mà nàng sống được. Có thể bà mẹ không cho con gái biết Oki đã săn sóc nàng. Nhưng Oki thì không thể quên. Ông không những nhớ lại rõ ràng tấm thân ông ôm trong tay, mà còn nhớ cặp đùi người con gái nửa sống nửa chết, cặp đùi ông đã tận tụy xoa bóp. Ai ngờ hai mươi năm sau ông thấy lại cặp đùi ấy phủ tấm mền bên lò sưởi, trong khi nàng ngồi đợi nghe chuông chùa giao thừa với ông.
Otoko cạn chén mỗi khi các cô ca kỹ hay chính ông chuốc rượu. Nàng xem ra tửu lượng khá. Một cô ca kỹ nói phải một giờ đồng hồ, chuông mới thỉnh xong một trăm lẻ tám tiếng. Cũng như cô bạn, cô không trang điểm theo dạ tiệc. Hai người chỉ mặc một chiếc kimono giản dị, trừ thắt lưng bằng loại hàng tốt và nhã. Họ cũng không dùng kẹp, mà chỉ cài lược để giữ mái tóc khỏi tuột. Họ chắc là chỗ thân tình với Otoko, nhưng Oki cũng ngạc nhiên vì chiều tất niên mà ăn mặc xoàng xĩnh như vậy.
Tuy nhiên, nghe hai cô nói chuyện mưa nắng bằng giọng cố đô, Oki thấy lòng thư giãn. Ông cho rằng Otoko thật là ý tứ. Nàng không muốn ngồi riêng với ông trong cuộc tái ngộ bất ngờ tối nay, chẳng qua là sợ không kiềm chế được xúc động. Như có luồng điện giữa hai người ngồi cùng bàn tiệc với nhau.
Chuông chùa Chion bắt đầu điểm.
Mọi người yên lặng. Chuông hơi rè có lẽ phần nào tại han rỉ vì thời gian, nhưng tiếng ngân trầm và sâu. Chuông ngưng một lúc rồi lại điểm. Bây giờ thì chuông nghe sát bên tai.
Otoko nói:
«Chúng mình ở gần chuông quá. Em đã tưởng ngồi đây mà nghe chuông tu viện này thì nhất. Nhưng nghĩ lại, có lẽ xa hơn một chút thì thích hơn. Chẳng hạn như từ bờ nam sông Namo.»
Oki đẩy cửa nhìn ra, thấy tháp chuông ngay tại khu vườn nhỏ phía dưới. Ông nói:
«Chuông kia kìa. Anh thấy cả người thỉnh chuông.»
Otoko nhắc lại:
«Chúng mình ngồi đây quả thật quá gần.»
Oki nói:
«Không sao, gần mới tốt. Sau nhiều năm nghe chuông qua đài, anh phải nghe như thế này mới đã.»
Nhưng Oki không thích cảnh đám đông lố nhố trước sân chùa. Ông đóng cửa và trở lại ngồi bên lò sưởi.
Khi không còn lắng tai nữa, ông nghe được một tiếng chuông đặc biệt mà chỉ một cái chuông cổ mới có thể phát ra, âm vang cái khí lực siêu hình của những thế giới xa xưa.
Họ rời tu viện để tới chùa Gion dự lễ giao thừa. Ông gặp nhiều người mang lửa xin từ chùa về nhà bằng dây bùi nhùi. Ông biết lửa này sẽ dùng để nấu món canh cá bánh dầy đặc biệt của bữa tiệc đầu năm.
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Pháp Tristesse et Beauté của Amina Okada, Albin Michel, 1961