Nhưng những cuộc khám nghiệm tử thi cuộc chiến, cũng giống những trò chơi chiến tranh, thường rất ít tương đồng với cuộc chiến thật. Trong thực tế, những người cộng sản tỏ ra rất cuồng nhiệt trong ý đồ thống nhất nước Việt Nam dưới sự kiểm soát của họ. Họ nhìn cuộc chiến đấu chống Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam như một chương mới trong cuộc chiến đấu hàng ngàn năm của dân tộc Việt chống lại sự thống trị của Trung Quốc và sau này là Pháp. Và họ đã sẵn sàng chấp nhận những mất mát vô hạn để đạt được mục đích thiêng liêng của họ. Ông Hồ Chí Minh, một gương mặt khổ hạnh dẫn dắt cuộc thánh chiến của họ, đã làm một sự so sánh rất rõ ràng cho người Pháp ngay trước lúc nổ ra cuộc chiến tranh Việt-Pháp năm 1946. Ông cảnh báo một sĩ quan Pháp: “Các ông có thể giết mười người của chúng tôi đổi lại việc chúng tôi giết một người của các ông, nhưng cho dù như vậy cuối cùng các ông sẽ thua và chúng tôi sẽ thắng”. Lúc ấy, đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh các lực lượng cộng sản, cũng nhắc lại ý chí đó, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Ông nói: “Mỗi phút trên trái đất này có hàng trăm ngàn người chết. Sống chết của hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn con người, kể cả đồng bào của chúng tôi, cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Khi tôi phỏng vấn ông vào tháng 3 năm 1990 tại Hà Nội, ông đã nhắc lại rằng mối quan tâm chính của ông là chiến thắng chứ không phải là số thương vong. Tôi hỏi: “Đại tướng sẽ tiếp tục chiến đấu chống Mỹ bao lâu nữa?” Ông đáp ngay: “Hai mươi năm nữa, cũng có thể là một trăm năm nữa, cho đến bao giờ chúng tôi giành chiến thắng, bằng mọi giá”. Những chiến lược gia của Mỹ đã lầm lẫn khi gán cho người cộng sản những giá trị của mình. Westmoreland là một người như vậy. Ông ta tin chắc rằng mình biết rõ cái ngưỡng chịu đựng của người cộng sản: bằng cách làm họ “chảy máu”, ông sẽ buộc giới lãnh đạo cộng sản nhận thức rằng họ đang vắt kiệt nhân dân mình “tới mức gây ra một tai họa quốc gia cho nhiều thế hệ”, và như vậy sẽ khiến họ phải tìm kiếm hòa bình. Ngay cả sau này khi chiến tranh đã kết thúc, dường như Westmoreland vẫn còn hiểu sai kích thước sự quyết tâm của người cộng sản. Ông nói: “Bất kỳ viên tư lệnh Mỹ nào mà nướng quân như tướng Giáp sẽ bị cách chức ngay lập tức”. Nhưng tướng Giáp không phải là một người Mỹ đang đối đầu với một dân tộc xa lạ ở một xứ sở xa lạ. Bộ đội của ông ta, và những thường dân hỗ trợ họ, chiến đấu trên đất đai quê hương mình; họ tin tưởng rằng cuộc kháng chiến trường kỳ cuối cùng sẽ quét sạch lòng kiên nhẫn của quân thù và đưa họ đến mục đích cuối cùng là thống nhất tổ quốc. Chiến lược này đã giúp ông Giáp đánh bại người Pháp và ông tin rằng nó sẽ lại phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống lại người Mỹ. Ông Giáp giải thích cho tôi: “Chúng tôi không đủ mạnh để đuổi nửa triệu quân Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhưng đó không phải là mục đích của chúng tôi. Chúng tôi tìm cách bẻ gãy ý chí kéo dài chiến tranh của chính phủ Mỹ. Westmoreland đã sai lầm khi dựa vào sức mạnh hỏa lực vượt trội của ông ta để nghiền nát chúng tôi. Các đồng chí Liên Xô và Trung Quốc của chúng tôi cũng không nắm bắt được cách giải quyết của chúng tôi khi họ cật vấn rằng, chúng tôi có bao nhiêu sư đoàn, ít hay nhiều so với quân Mỹ, làm thế nào chúng tôi đối phó nổi kỹ thuật của Mỹ, pháo binh Mỹ hoặc các cuộc tấn công của người Mỹ. Chúng tôi đang tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, à la manière vietnamienne (theo kiểu Việt Nam) – một cuộc chiến tranh toàn diện, tổng lực trong đó mỗi người đàn ông, mỗi người phụ nữ, mỗi đơn vị, dù lớn hay nhỏ, đều được duy trì từ toàn dân đã được động viên. Cho nên, những vũ khí tinh vi của người Mỹ, những thiết bị điện tử và những thứ đại loại như vậy đều vô dụng. Cho dù có sức mạnh quân sự, người Mỹ đã tính toán sai những hạn chế trong sức mạnh của mình. Trong chiến tranh chỉ có hai yếu tố - con người và vũ khí. Dù vậy, cuối cùng con người vẫn là nhân tố quyết định. Con người! Con người!”. Điều khôi hài là nhiều sĩ quan Mỹ đồng tình với luận điểm của ông Giáp. Sau chiến tranh đại tướng Palmer đã viết: “Quân đội Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam đã bộc lộ xu hướng dựa vào hỏa lực và kỹ thuật vượt trội hơn là vào những phẩm chất người lính và kỹ năng tác chiến chuyên nghiệp… Có những quan chức Mỹ thường xuyên tìm kiếm, mong chờ một sự đột phá khoa học thần kỳ nào đó – một cái gì tương tự như Dự án Manhattan trong Thế chiến thứ II, khi quả bom nguyên tử đầu tiên được chế tạo – có thể sản sinh ra những kết quả ngoạn mục và đưa cuộc chiến đến chỗ kết thúc nhanh chóng. Nhưng đó chỉ là ước vọng hão huyền, không thể có được, một ước vọng ngu ngốc”. Trong cuộc trò chuyện với tôi, tướng Giáp thừa nhận rằng người cộng sản nhiều phen điêu đứng trong những giai đoạn khó khăn. “Nhưng – ông lớn giọng - chúng tôi không bao giờ bi quan. Không bao giờ! Không bao giờ!” Ông nói giống y như các vị tướng lĩnh ở khắp nơi, những người thường che đậy các khuyết điểm và chỉ nhớ các thắng lợi của mình. Nhưng ít người Mỹ nào từng phục vụ ở Việt Nam mà có thể phủ nhận đức tính kiên cường của bộ đội ông Giáp. Tướng Palmer viết: “Họ có khả năng hồi phục phi thường, họ chịu đựng những tổn thất mà chúng ta không thể nghĩ tới nổi; sau đó họ thay người, tái huấn luyện, tái giáo dục chính trị và rồi họ phản công… Ý chí kiên cường của họ quả thật không thể nào dập tắt nổi”. Konrad Kellen, một chuyên viên dân sự chuyên thẩm vấn tù binh, miêu tả những binh lính cộng sản: “Trừ phi bị hủy hoại về mặt thể chất, họ không có năng lực sụp đổ, đầu hàng hoặc rã đám”. Trung tá Stuart Herrington, một cố vấn quân sự Mỹ, nhớ lại rằng ông “không thể không thán phục sự gan lì, hung hăng và dũng cảm” của những người lính Bắc Việt Nam, những người tin tưởng một cách thành thật rằng họ đang “cứu những người anh em ruột thịt miền Nam ra khỏi nanh vuốt của chủ nghĩa đế quốc”. Một viên tướng Mỹ gọi họ là “những kẻ địch tốt nhất mà chúng tôi chạm trán trong lịch sử nước Mỹ”. Còn đại tá David Hackworth, một sĩ quan bộ binh được tuyên dương, đã miêu tả như sau về một căn cứ cộng sản bị bom Mỹ dập tơi bời: “Các vị trí vững chắc thì được điều khiển bởi các bà mẹ trung kiên không bao giờ rời chỗ cho dù màng nhĩ tai họ đã bị các cơn chấn động xé rách và máu me từ lỗ mũi của họ chảy ròng ròng”. Tính kiên cường của bộ đội Bắc Việt và du kích Việt Cộng càng rõ ràng trước cảnh xác đồng đội của họ chất thành đống như đống củi sau mỗi trận đánh. Ở Việt Nam sau chiến tranh tôi đã phỏng vấn những cựu binh cộng sản đã từng trải qua bảy tám năm chiến đấu ở miền Nam và nhiều người đã nói rất thành thật về nỗi sợ hãi của họ khi ấy – nhất là khi bom Mỹ trút xuống các căn cứ của họ ở trong rừng. “B-52 rải thảm thì khủng khiếp lắm”, đại tá Bùi Tín nhớ lại. Ông là người sống sót sau hơn hai chục trận bom. “Máy bay bay quá cao cho nên chúng tôi không được báo động trước. Bỗng nhiên bom nổ bên cạnh chúng tôi. Chúng tôi chỉ còn cách bịt tai lại, tản ra khắp mọi hướng, tìm những chỗ trũng trên mặt đất, cố gắng tránh bị dính mảnh bom. Trận bom chỉ kéo dài vài phút, sau đó chúng tôi bò ra chôn cất thi thể của các đồng đội xấu số, nhiều thi thể không còn nhận dạng được nữa”. Bom napalm cũng khủng khiếp như vậy. Bom napalm đốt các nạn nhân của nó thành một thứ chất lỏng bầy nhầy. Một số người sống sót nhưng bị biến dạng một cách gớm ghiếc; xấu hổ vì bộ dạng của mình họ đã ẩn nấp trong những hang đá hoặc những nơi xa xôi hẻo lánh. Khi tôi trở lại Việt Nam năm 1990, tôi nghe nói có một số người lẩn trốn từ thời chiến tranh đến lúc ấy mới trở về với hy vọng được phục hồi dáng vẻ bình thường của một con người. Nhưng Việt Nam không có đủ tiền để thực hiện giải phẫu tạo hình cho những người lính ấy. Lính Mỹ, nhìn thấy những tử thi bầm dập, bê bết máu của bộ đội Bắc Việt thường chỉ coi họ là những “người da màu”, những người xa lạ với quan niệm của phương Tây về sự sống. Cũng với một thái độ như vậy, tướng Westmoreland thường nói trong chiến tranh: “Họ là người Á châu, họ không nghĩ tới cái chết theo cách mà chúng ta nghĩ”. Thật kỳ quặc, những nhận xét sặc mùi phân biệt chủng tộc như vậy đã vô hiệu hóa lời khẳng định chính thức của Mỹ là họ đang bảo vệ nền tự do cho người Nam Việt Nam, tất nhiên cũng là người châu Á. Những nhận xét như vậy cũng khiến tôi nghĩ tới những bức ảnh cũ của Mathew Brady miêu tả những thi thể của lính Liên bang (Union) miền Bắc và lính Các bang ly khai miền Nam (Confederate) [1] trên các mặt trận ở Antietam và Gettysburg, nơi hàng chục ngàn thanh niên Mỹ đã hy sinh cho một lý tưởng. Nhưng lý tưởng của họ là cái lý tưởng mà người Mỹ có thể hiểu được. Tất cả những cựu chiến binh cộng sản mà tôi có dịp phỏng vấn sau chiến tranh đều nói lên lý tưởng của họ. Họ nói rằng, bất chấp gian khổ hy sinh, nhiệm vụ của họ là “giải phóng Tổ quốc”. Cái khẩu hiệu mà tôi nghe như rập khuôn sáo rỗng nhưng tôi biết khá rõ về lịch sử Việt Nam đến mức tôi có thể nắm được điều họ muốn nói. Đất nước này, bãi chiến trường trong suốt hàng ngàn năm, luôn tôn kính những vị anh hùng – những anh hùng có thật và anh hùng huyền thoại – những người đã chống lại sự xâm lăng của ngoại bang, chủ yếu là Trung Quốc. Bên cạnh việc sản sinh ra một quan niệm rằng trong mỗi con người Việt Nam tiềm tàng một chiến binh, ký ức về những trận chiến đấu ấy đã tôi luyện nên một ý thức mãnh liệt về bản sắc dân tộc vẫn đập đều đặn trong văn chương, kịch nghệ và nghệ thuật dân gian ở Việt Nam. Tôi nhận thấy hiện tượng này khi thăm một ngôi chùa gần Hà Nội, nơi trẻ con quỳ lạy và thắp hương trước tượng của những vị anh hùng truyền thuyết đã chiến đấu cho đất nước. Đại tướng Giáp nói với tôi: “Cái ý thức hệ sâu sắc nhất, cái tình cảm sâu rộng nhất của nhân dân chúng tôi là chủ nghĩa yêu nước. Và trong những lúc có chiến tranh, cảm xúc đó tiến gần tới sự bài ngoại”. Dean Rusk, bộ trưởng ngoại giao dưới thời tổng thống Kennedy và Johnson, mà cuộc trường chinh chống chủ nghĩa cộng sản của ông đã có từ thời chính phủ Truman, cuối cùng đã phải thừa nhận vào năm 1971 rằng “về mặt cá nhân ông ta đã đánh giá quá thấp” khả năng chống cự của miền Bắc Việt Nam và du kích quân Việt Cộng. Ông ta nói: “Họ chấp nhận hy sinh bảy trăm ngàn người – nếu xét về quy mô dân số thì số người đó tương đương với - cái gì nhỉ? Tương đương với 10 triệu người Mỹ chăng?” Sau này một sĩ quan cao cấp ở Hà Nội tiết lộ với tôi rằng gần một triệu bộ đội cộng sản đã hy sinh và nhiều triệu người khác bị thương. Khi tôi hỏi ông ta về số thương vong của thường dân thì ông đáp: “Chúng tôi không tính được”. Đại tướng Maxwell Taylor, một trong các cố vấn của tổng thống Kennedy về Việt Nam và sau này là đại sứ của tổng thống Johnson ở Sài Gòn, đã từng là một kiến trúc sư chủ chốt của sự can thiệp của người Mỹ vào Việt nam. Nhưng không lâu trước khi ông qua đời năm 1987, ông thú nhận với tôi rằng cuộc dính líu của Mỹ vừa là một sai lầm vừa là một bài học. “Trước tiên chúng ta đã không hiểu được mình. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sắp đi vào một cuộc chiến tranh Triều Tiên nữa, nhưng đây là một đất nước khác. Hai là, chúng ta không biết các đồng minh Nam Việt Nam của chúng ta. Chúng ta không bao giờ hiểu được họ và đó là một điều ngạc nhiên nữa. Và chúng ta biết về Bắc Việt Nam còn ít hơn nữa. Ông Hồ Chí Minh là ai? Không ai biết rõ cả. Vì vậy chừng nào chúng ta chưa biết rõ về kẻ thù, về đồng minh và về chính chúng ta thì tốt hơn hết là chúng ta đừng có dây vào cái công việc bẩn thỉu ấy. Rất nguy hiểm”. Henry Kissinger cũng bị cộng sản làm cho lúng túng và chán nản trong những cuộc hòa đàm bí mật giữa họ với ông ta. Hơn hết thảy, ông tìm cách tránh né sự lặp lại những cuộc đối thoại về ngừng bắn nhưng không kết thúc được của chiến tranh Triều Tiên – những cuộc đối thoại đã kéo dài suốt hai năm bởi vì ông tin rằng người Mỹ đã không đưa ra chính sách ngoại giao cứng rắn đi kèm với sức mạnh quân sự. Ông ta tính ra rằng Bắc Việt Nam chỉ chấp nhận thỏa hiệp một khi họ đau khổ vì một sự hủy diệt hoàn toàn – một giải pháp mà trong chốn riêng tư được tổng thống Nixon gán cho cái tên là “lý thuyết của người điên”. Nhưng rồi cũng giống những người tiền nhiệm của mình, Kissinger đã không bao giờ tìm thấy gót chân A-sin của đối thủ. Về sau thì ông đòi hỏi điều ngược lại: tháng 10 năm 1972 phía cộng sản chỉ đồng ý ký hiệp định ngừng bắn sau khi Kissinger đã trao cho họ nhiều nhượng bộ chủ yếu gây nguy hiểm cho tương lai của chính phủ Nam Việt Nam. Áp lực thực sự buộc chính quyền Nixon phải tiến tới một sự dàn xếp ở Việt Nam đến từ công chúng Mỹ lúc đó đang mong muốn hòa bình bằng bất cứ giá nào – vì những lý do mà bản thân ông Kissinger đã hiểu được từ bốn năm trước. Đầu năm 1968, trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán, quân cộng sản đã tiến hành một cuộc tấn công ngoạn mục vào các thành phố và đô thị khắp miền Nam – cuộc tấn công mà Kissinger coi như “bước ngoặt” của những nỗ lực của người Mỹ tại Việt Nam. “Từ lúc đó trở đi, bất kể những hành động của chúng ta có hiệu quả đến đâu đi nữa thì cái chiến lược chung cũng không còn có thể đạt được những mục tiêu giai đoạn của nó hoặc bằng những cấp độ sức mạnh mà công chúng Hoa Kỳ có thể chấp nhận được về mặt chính trị”. Người Mỹ sẵn sàng hy sinh máu và tài nguyên đất nước như họ đã từng làm trong các cuộc chiến tranh khác. Nhưng họ phải được nhìn thấy sự tiến triển, họ phải được thông báo khi nào thì chiến tranh chấm dứt. Trong Thế chiến thứ II, họ có thể cắm lên bản đồ những cọc tiêu nhỏ để theo dõi bước tiến của quân đội Mỹ trên khắp Âu châu; ở Việt Nam – nơi cuộc chiến không có một mặt trận cụ thể, một giới tuyến cụ thể nào – họ chỉ được hứa hẹn và được cung cấp những con số vô nghĩa về “tổn thất của đối phương”. Thế là nước Mỹ, bị dẫn tới việc sử dụng sức mạnh quân sự lớn chưa từng thấy để bẻ gãy ý chí của cộng sản, cuối cùng thì chính mình lại bị tơi tả dưới sức căng của một cuộc chiến đấu có vẻ như không bao giờ kết thúc. Mục đích ban đầu của sự can thiệp vào Việt nam như tổng thống Eisenhower phát biểu, là bảo vệ toàn vùng Đông Nam Á mà các quốc gia ở đó giả định sẽ “liên tiếp xô ngã nhau như các quân cờ đô-mi-nô” nếu như cộng sản chiếm được Việt Nam. Điều trớ trêu là quân cờ đô-mi-nô thực sự bị xô ngã chính là dư luận công chúng Mỹ, theo quan sát của Leslie Gelb của tờ The New York Times. Công chúng Mỹ, đau buồn vì số thương vong ngày càng nhiều, thuế má tăng vọt và không thấy có triển vọng về một giải pháp, đã quay sang chống chiến tranh từ rất lâu trước khi các lãnh đạo chính trị của Mỹ có thái độ tương tự. Nỗi hoài nghi đã xâm chiếm nhiều đại biểu Quốc hội. Nhưng chỉ vài nghị sĩ diễn dịch mất mát cá nhân của mình thành sự bất mãn công khai ngoại trừ một nhóm nhỏ các nghị sĩ như William Fulbright, Wayne Morse, Ernest Gruening, Gaylord Nelson và Eugene McCarthy. Cho đến tháng 3 năm 1968 khi quyết định ra ứng cử tổng thống, thượng nghị sĩ Robert Kennedy bang New York- em trai cố tổng thống John Kennedy – mới lên tiếng tố cáo sự dính líu của Mỹ với miền Nam Việt Nam, một việc mà lúc đầu ông là một trong những người nhiệt liệt ủng hộ. Cũng không có nhiều người bất đồng chính kiến trong hàng ngũ cao cấp của bộ máy hành chính, trừ ông George Ball – một viên chức ngoại giao cao cấp trong chính quyền của các tổng thống Kennedy và Johnson. Sau này Ball nhìn lại cuộc chiến “có lẽ là sai lầm lớn nhất mà người Mỹ phạm phải trong lịch sử của mình”. Robert McNamara, người có vai trò chủ yếu trong việc hoạch định chính sách về Việt Nam với tư cách là bộ trưởng quốc phòng dưới thời tổng thống Kennedy và Johnson, đã bắt đầu mất niềm tin vào các nỗ lực của Mỹ ngay từ năm 1967 khi ông dần dần nhận ra sự phù phiếm của các nỗ lực ấy. Ông đã gần như sụp đổ về mặt cảm xúc và trong nhiều năm sau khi cuộc chiến kết thúc ông từ chối thảo luận về nó dù công khai hay trong chốn riêng tư. Ông đã nhiều lần lảng tránh yêu cầu của tôi đề nghị phỏng vấn ông để chuẩn bị cho cuốn sách này; ông giải thích rằng ông không bao giờ nói chuyện về cuộc chiến ngay cả với người trong gia đình hoặc với bạn bè thân thiết. Nhưng tại một hội nghị tổ chức ở Nhật Bản tháng 4 năm 1991, để chống lại cố gắng đầy thách thức của nhà báo Jonathan Mirsky của báo London Observer nhắc lại vai trò của ông trong cuộc chiến Việt Nam, Mc Namara đã nhất thời đánh mất thái độ điềm tĩnh vốn có. Mặt ông tái xám và căng thẳng, ông hét lên: “Tôi đã sai lầm! Lạy Chúa, tôi đã sai lầm!”. Trước đó, tôi chưa bao giờ nghe ông thừa nhận lỗi lầm (mea culpa), dù rất là ngắn gọn – và sau cuộc hội thảo tôi đã ép buộc ông phải nói rõ hơn. Tuy vậy cuộc bùng nổ cảm xúc của ông là giới hạn cuối cùng ông có thể đi tới. Để tập hợp lại những kinh nghiệm của ông một cách chi tiết cần phải có một công trình nghiên cứu quy mô, ông nhấn mạnh như vậy. Ngoài ra, ông nói thêm rằng ông không muốn tự cho phép mình xuất hiện trong một bản hồi ký có thể được suy diễn như một việc “tự phục vụ mình”. Đó là một lời cáo lỗi không thỏa đáng và tôi đã nói thẳng với ông ấy rằng ông mắc nợ hậu thế việc kể lại câu chuyện của chính ông. Cuối cùng ông đã làm công việc đó vào năm 1995 trong cuốn sách Hồi tưởng, trong đó ông nhắc lại rằng: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Rõ ràng, mười sáu năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam vẫn còn giằng xé tâm tư ông. Và theo nghĩa đó ông cũng là một nạn nhân của cuộc chiến, giống như hàng ngàn lính Mỹ đã bị tổn thương sâu sắc vì chiến tranh mà không bao giờ hồi phục được. Người kế tục sự nghiệp của McNamara, ông Clark Clifford, trước khi đảm nhiệm chức bộ trưởng quốc phòng, đã từng là một người đề xuất mạnh mẽ giải pháp quân sự quyết liệt cho vấn đề Việt Nam. Là một con thú chính trị nhạy cảm, cái ăng-ten thu nhận tín hiệu của ông bắt nhịp một cách sắc sảo với trạng thái của dân tộc, ông thay đổi ngay tức khắc và khéo léo vận động để thay đổi con đường của tổng thống Johnson. Năm 1981 khi tôi phỏng vấn ông trong văn phòng luật sư sang trọng của ông ở thủ đô Washington ông vẫn cố gắng trình bày kinh nghiệm Việt Nam trong viễn cảnh của nó: “Các quốc gia, cũng giống như con người, cũng có lúc sai lầm. Chúng ta đã phạm phải một sai lầm thành thực. Tôi không cảm thấy xấu hổ về chuyện đó. Đất nước chúng ta cũng không nên có mặc cảm xấu hổ. Chúng tôi cảm thấy rằng mình đã làm cái cần phải làm. Có điều đó là việc tỏ ra không chính đáng”. Những thú nhận như vậy đã không an ủi được người miền Nam Việt Nam, những người mà ngay từ năm 1973 đã đau đớn phát hiện ra rằng sau hai mươi năm, người Mỹ đã không gánh chịu cuộc chiến tranh một cách vô hạn định. Bùi Diễm, cựu đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Washington và sau này định cư ở Mỹ, đã rút ra được một bài học có ý nghĩa rộng lớn hơn từ hiện tượng đó: “Các nước nhỏ cần phải thận trọng với người Mỹ bởi vì các chính sách của Mỹ thay đổi nhanh chóng khi chính trị quốc nội và công luận thay đổi. Đối với chúng tôi, cuộc đấu tranh là vấn đề sinh tử. Nhưng đối với người Mỹ, đó chỉ là một chương không vui trong lịch sử của họ và họ có thể lật sang trang khác. Chúng tôi đã từng là đồng minh nhưng chúng tôi có những lợi ích khác nhau”. Điều may mắn là thất bại ở Việt Nam đã không đẩy nước Mỹ vào một cuộc tố cáo lẫn nhau gay gắt và đau đớn như lúc Trung Quốc rơi vào tay cộng sản. Không một ủy ban nào của Quốc hội tiến hành điều tra về những công dân bị cáo buộc là “Mỹ-gian”. Cũng không có một chiến dịch mị dân nào sánh được với chiến dịch của nghị sĩ Joseph McCarthy – người mà những cuộc săn đuổi cay độc của ông trong thập niên 1950 đã đẩy cả một thế hệ ra trước vành móng ngựa. Mặc dù ông hình dung cuộc chiến đấu như một “lý tưởng cao quý” bị các chính trị gia phản bội, tổng thống Ronald Reagan đã tự kiềm chế, không biến nó thành một vấn đề nghiêm trọng. Có lẽ sự hỗn loạn xáo trộn nuớc Mỹ suốt thời chiến tranh đã khiến người dân mệt mỏi đến mức không thể lao vào cuộc truy tìm ai là người phải chịu trách nhiệm. Hoặc có lẽ vụ chấn thương quá sâu sắc đến mức họ muốn quên đi. Tuy vậy, như Kissinger đã nói, “Việt Nam vẫn còn với chúng tôi. Nó đã tạo nên mối nghi ngờ về phán đoán của người Mỹ, về độ tin cậy của người Mỹ, về sức mạnh của Mỹ - không chỉ ở ngay trong nước Mỹ mà trên khắp thế giới. Nó đã đầu độc cuộc tranh luận quốc nội của chúng tôi. Thế là chúng tôi phải trả cái giá cắt cổ cho những quyết định mà chúng tôi đã đưa ra trong niềm tin tốt lành vì những mục tiêu tốt đẹp”. Trên đất Mỹ, ít có địa phương nào phải trả giá đắt hơn là thị trấn Bardstown, một cộng đồng nhỏ ở bang Kentucky. Thị trấn có bảy ngàn dân nhưng mười sáu chàng trai của họ đã chết trong chiến tranh Việt Nam. Đầu năm 1983, đúng một thập niên sau ngày người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, một nhóm phóng viên đài truyền hình CBS đã đến Bardstown để ghi lại trạng thái tinh thần của thị trấn thời hậu chiến. Một cựu chiến binh nói: “Về phương diện cá nhân, tôi không thấy chúng ta đã làm được điều gì”. Và một người khác thêm vào: “Rất nhiều người muốn biết chắc rằng chúng ta sẽ không bao giờ lâm vào những tình trạng như vậy nữa”. Ông Gus Wilson, từng làm thị trưởng thời mà các thanh niên Bardstown tòng quân năm 1968 và nay vẫn còn là thị trưởng, cho biết: “Tôi tin rằng, việc đầu tiên mà bạn phải làm cho đất nước mình là bảo vệ nó. Điều đó không cần bàn cãi. Nhưng tôi nghĩ khi chúng ta làm công việc bảo vệ đất nước, hoặc là về sau này, ta chợt nhận ra rằng chính phủ đã chơi trò lừa đảo. Chúng ta không được tiếp cận sự thật. Đối với nhân dân, cuộc chiến tranh Việt Nam đã bị xuyên tạc – cả cái mục đích tối hậu của nó lẫn phương thức tiến hành nó. Mặc dù tôi vẫn là một người yêu nước mình, cuối cùng tôi đã hết sức thất vọng”. Hàng triệu người Mỹ chia sẻ cái cảm xúc của Gus Wilson. Và sự tỉnh ngộ của họ vẫn thường được nói tới như là “hội chứng Việt Nam” đã ngăn cản các tổng thống Mỹ sau này, không cho họ tham gia vào các cuộc phiêu lưu quân sự nguy hiểm ở nước ngoài trong suốt một thập niên sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc. Nếu không vì Việt Nam thì có lẽ chính quyền Carter đã hành động để ngăn chặn các phong trào cách mạng ở Angola và Ethiopia hoặc bảo vệ vương triều Shah ở Iran chống lại phe Hồi giáo chính thống. Trong cuộc vận động tranh cử năm 1980 tổng thống Reagan đã cam kết khôi phục sự vượt trội của Mỹ trên thế giới nhưng ông vẫn nhớ rằng Việt Nam là một trở ngại chính trị đối với những người tiền nhiệm của ông. Thế là, sau khi hơn hai trăm lính thủy đánh bộ Mỹ chết trong một cuộc đánh bom khủng bố vào doanh trại của họ ở thủ đô Beirut vào tháng 10 năm 1983, ông đã thận trọng cho rút phần quân lính còn lại thay vì gia tăng quân số ở đó – một việc mà có lẽ tổng thống Lyndon Johnson sẽ làm. Tuy nhiên sau đó không lâu ông đã cho quân xâm lược Grenada, hòn đảo nghỉ dưỡng nhỏ bé trên biển Caribbea, và lật đổ nhà lãnh đạo của nó – một người mà ông miêu tả là người đại diện của Cuba. Chiến dịch như một vở hài kịch, kéo dài chưa tới một tuần, đã tạo cho ông Carter cơ hội để làm co giãn cơ bắp của dân Mỹ và để thỏa mãn nỗi hoài niệm của đất nước về sự siêu việt trước kia – mà không làm tăng nỗi lo lắng ở trong nước. Ông cũng hô hào Quốc hội cung cấp viện trợ cho những nỗ lực tiêu diệt lực lượng cộng sản ở Trung Mỹ, ông dám chắc rằng Liên Xô và Cuba sử dụng các lực lượng đó để đe dọa an ninh Hoa Kỳ. Nhưng ông liên tục bị cự tuyệt bởi đa số dân Mỹ, những người đã nao núng trước khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lâu dài trong rừng rậm Trung Mỹ, có vẻ giống như là sự tái diễn cuộc chiến tranh lâu dài trong rừng rậm Việt Nam. Sự từ chối của công chúng Mỹ không muốn bị lôi kéo vào Trung Mỹ tương phản sâu sắc với thái độ của người Mỹ trước phong trào nổi dậy ngày càng mạnh mẽ ở miền Nam Việt Nam hai thập kỷ trước đó. Đến cuối năm 1963, Mỹ đã chi tiêu ở Việt Nam mỗi năm 400 triệu đô la. Có khoảng mười hai ngàn cố vấn quân sự Mỹ làm việc ở Việt Nam và năm mươi người trong số họ đã bị giết trong bốn năm trước đó – mặc dù họ chính thức được cách ly khỏi các trận chiến đấu trực tiếp. Tuy nhiên một cuộc thăm dò cho thấy rằng 63 phần trăm dân Mỹ “ít hoặc không quan tâm” tới tình hình đó. Người ta cũng không quan tâm khi tháng 8 năm 1964 Quốc hội Mỹ tra vấn về “sự kiện” không rõ ràng xảy ra ở vịnh Bắc Bộ ở miền Bắc Việt Nam và với chỉ hai phiếu chống, Quốc hội đã thông qua một nghị quyết cho phép tổng thống Johnson triển khai quân đội Mỹ ở Đông Nam Á. Việc không quan tâm nhiều đến Việt Nam vào lúc đó đã phản ánh đầy đủ hơn trong sự kiện là, trước khi người lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đặt chân lên bãi biển Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1965, chỉ có năm phóng viên làm việc toàn thời gian của Mỹ thường trú tại Sài Gòn. Để so sánh, các cuộc thăm dò ý kiến tiến hành trong thập niêm 1980 cho thấy rằng công chúng Mỹ theo dõi rất sát những biến cố ở Trung Mỹ để ngăn ngừa bất kỳ sự dính líu nào vào các xung đột ở đó. Phần lớn người Mỹ quan niệm rằng sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản ở khu vực này là điều nguy hiểm cho Mỹ nhưng họ thà chấp nhận rủi ro đó hơn là can thiệp vào khu vực. Hay như là David Reichart, một giáo viên ở Michigan, giải thích với báo New York Times: “Tôi không muốn chủ nghĩa cộng sản xuất hiện ở Tây bán cầu nhưng tôi không nghĩ rằng người dân của đất nước này lại phải có trách nhiệm đi đến đó và chiến đấu”. Nhạy cảm với những quan điểm như vậy, Quốc hội đã hạn chế viện trợ quân sự cho các chế độ cầm quyền ở Trung Mỹ và dựa vào chính quyền Reagan để giữ các cố vấn quân sự Mỹ trong khu vực dưới sự giám sát chặt chẽ. Theo cách đó, năm mươi lăm cố vấn quân sự Mỹ tại El Salvador lúc ấy đã bị cấm tháp tùng các cuộc hành quân của quân đội Salvador, thậm chí bị cấm mang bất kỳ loại vũ khí nào lớn hơn một khẩu súng ngắn. Năm 1983, ba sĩ quan Mỹ bị phát hiện có tham gia chiến đấu đã bị cách chức ngay lập tức. Gần như mọi cuộc nghiên cứu về dư luận Mỹ đều chỉ ra rằng người Mỹ nhìn vùng Trung Mỹ là “một Việt Nam khác”. Hai phần ba số người trả lời cuộc thăm dò của báo Washington Post năm 1982 nêu lên sự tương đồng đó; sự tương đồng đó cũng tràn ngập cuộc thăm dò của báo New York Times. Carl W. Koch, Jr., ở Collingswood, bang New Yersey nhận xét: “Việt Nam cứ tiếp tục năm này sang năm khác và tôi e rằng chúng ta sẽ bị lôi vào El Salvador theo cùng một cách như vậy”. Giữa một tâm trạng như vậy là những gợi nhớ về cái chủ nghĩa biệt lập đã thấm đẫm khắp nước Mỹ thời kỳ trước Thế chiến thứ II. Cynthia Crone ở Payne bang Ohio nhận xét: “Dường như chúng ta luôn luôn bị lôi kéo bởi những vấn đề của người khác. Chúng ta đã có quá đủ vấn đề của chính chúng ta để mà giải quyết”. “Hội chứng Việt Nam” đã gián tiếp sản sinh ra vụ bê bối chính trị tai tiếng nhất trong nhiệm kỳ của tổng thống Reagan. Tổng thống đã cố gắng một cách tuyệt vọng để tìm ngân quỹ tài trợ cho cuộc đấu tranh của nhóm “contra” chống Cộng nhằm lật đổ chế độ Sandanista ở Nicaragua, nhưng Quốc hội Mỹ, cảm nhận được ý kiến của công chúng, đã bác bỏ đề xuất của tổng thống. Do vậy mà giám đốc cơ quan tình báo CIA William Casey đã tranh thủ sự đồng tình của các thành viên cao cấp trong bộ máy công chức Nhà Trắng, đáng chú ý là Oliver North, trung tá lính thủy đánh bộ Mỹ và phó đô đốc hải quân John Poindexter, cùng tiến hành một kế hoạch bí mật nhằm tài trợ cho nhóm contra thông qua việc bán vũ khí bất hợp pháp cho Iran. Casey chết vì bệnh u não trước khi vụ bê bối lộ ra. North và Poindexter bị truy tố và chịu những bản án nhẹ. Tổng thống Reagan bối rối và không có thông tin, đã thoát hiểm nhưng hình ảnh của ông bị hoen ố. Tuy nhiên sau này ông xác quyết rằng chính áp lực của Mỹ đối với chế độ Sandanista đã dẫn tới việc phe này bị đánh bại trong cuộc tuyển cử ở Nicaragua năm 1990. Trước khi chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống năm 1989, Reagan đã đạt được thỏa thuận với Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo Liên Xô, nhằm cắt giảm kho vũ khí chiến lược. Những cải cách ngoạn mục của Gorbachev ở Liên Xô, cùng với việc Liên Xô rút quân ra khỏi Afghanistan và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đã làm cho người Mỹ tin rằng họ đã “chiến thắng” cuộc chiến tranh lạnh – một chiến thắng mà theo quan điểm của họ không chỉ đền đáp cho nỗi nhục nhã họ chuốc lấy ở Việt Nam mà còn hơn thế nữa. Cuối năm 1989 đa số người Mỹ đã hoan hô tổng thống George Bush khi ông đưa quân Mỹ vào Panama lùng bắt lãnh tụ của nước này là tướng Manuel Noriega, người mà Mỹ nghi ngờ buôn bán ma túy. Chiến dịch này, cũng giống như chiến dịch của tổng thống Reagan, diễn ra nhanh chóng và ít tốn kém. Từ tháng 8 năm 1990, ông Bush đã nhận lấy sự cam kết quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài kể từ sau chiến tranh Việt Nam thông qua việc bố trí một lực lượng Mỹ khổng lồ tại vùng vịnh Ba Tư nhằm bảo vệ nước Ảrập Saudi sau khi tổng thống Iraq Saddam Hussein tiến hành cuộc xâm lược và chiếm đóng Kuwait. Bằng cách áp đặt lệnh cấm vận Iraq, Liên hiệp quốc buộc ông Hussein phải rút quân. Ông Hussein từ chối và tháng Giêng năm 1991, ông Bush tiến hành cuộc chiến tranh chống Iraq. Trong quá trình xung đột leo thang, ký ức về Việt Nam nung nấu tâm can người dân Mỹ và tiếp tục làm họ phiền muộn ngay cả khi cuộc chiến đã nổ ra. Nhưng mặc dù hai cuộc chiến tranh hướng tới hai mục đích khác nhau, việc nhận biết sự giống nhau của chúng vẫn là một thực tế. Về bản chất, cuộc chiến Việt Nam là một cuộc nội chiến trong đó Hoa Kỳ hỗ trợ người khách hàng chống cộng của mình chống lại một đối thủ cộng sản được sự hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Quốc. Việc Iraq chiếm Kuwait là cuộc xâm lược hiển nhiên, ngay từ đầu đã bị cộng đồng quốc tế lên án – bao gồm cả Liên Xô, Trung Quốc và đa số các quốc gia Ả-rập. Du kích quân cộng sản hưởng lợi thế từ núi rừng, đồng lúa ở miền Nam Việt Nam, nơi lính Mỹ không thể nào phân biệt nổi trong đám nông dân kia ai là bạn ai là thù, còn miền Bắc Việt Nam không có nhiều mục tiêu để ném bom, do đó phần lớn các cuộc không kích chiến lược của Mỹ đều không hiệu quả. Trái lại ở Iraq, địa hình sa mạc rất phù hợp với các chiến thuật quy ước, quân thù có thể được nhận diện dễ dàng và căn cứ quân sự thì vừa có nhiều vừa tương đối dễ biến thành miếng mồi ngon cho những máy bay và tên lửa siêu hiện đại của Mỹ. Người Mỹ không thể nào cô lập nổi lực lượng cộng sản Việt Nam – họ nhận được rất nhiều vũ khí và trang bị từ Liên Xô, Trung Quốc đồng thời có thể rút về những căn cứ bí mật ở nước Lào và Cam Bốt láng giềng. Quân đội Iraq dựa chủ yếu vào thực phẩm và phụ tùng nhập khẩu cho nên rất dễ bị tổn thương do những cuộc cấm vận kinh tế. Tổng thống Lyndon Johnson đi vào cuộc chiến tranh Việt Nam một cách miễn cưỡng cho đến khi phải đối mặt với sự sụp đổ của chính phủ Sài Gòn ông mới cảm thấy rằng ông không có sự lựa chọn nào khác. Ngay cả khi ấy ông cũng rón rén đi vào chiến tranh; không bao giờ ông tin tưởng hoàn toàn rằng cuộc chiến đã lên tới cái quy mô to lớn như vậy. Tổng thống Bush thì có thể lựa chọn việc duy trì lệnh cấm vận Iraq; hàng loạt chuyên gia của ông, kể cả giám đốc CIA William Webster đều dự đoán rằng cuối cùng thì cuộc cấm vận sẽ bóp chết Saddam Hussein. Nhưng ông Bush lo sợ thời gian sẽ xói mòn cái liên minh quốc tế của ông, do đó ông nôn nóng gạt bỏ sự lựa chọn ấy. Các cố vấn quân sự của ông Bush, gồm cả đại tướng Colin Powell, một cựu chiến binh Việt Nam và là chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, từ lâu đã nói rất rõ rằng việc leo thang chiến tranh dần dần như kiểu Johnson sẽ là một tai họa. Thế là ông Bush tập trung một lực lượng mà nếu cộng với lực lượng của các đồng minh, sẽ lên tới hơn sáu trăm ngàn người – còn lớn hơn bộ máy quân sự của Mỹ ở Việt Nam trong thời kỳ cao điểm. Và cuộc tấn công đầu tiên vào Iraq của quân đội Mỹ, có mã hiệu là chiến dịch Bão Sa mạc, thực sự là một trận bão hỏa lực được dẫn dắt bằng công nghệ tinh vi; tính đa dạng và chủng loại của công nghệ đó chưa bao giờ được nhìn thấy trong lịch sử chiến tranh. Không đợi đến khi cuộc chiến tranh Việt Nam lan rộng hết cỡ thì công chúng Mỹ mới đặt câu hỏi về tính chính đáng của cuộc chiến trong một cao trào tranh cãi chua chát đã phân liệt nước Mỹ và kéo dài rất nhiều năm về sau. Tuy nhiên khi họ suy ngẫm về xung đột ở vùng vịnh Ba Tư người Mỹ tỏ ra cảnh giác, chia rẽ và trên tất cả là lo lắng. Một cuộc thăm dò do báo Los Angeles Times công bố tháng 10 năm 1990 cho thấy rằng, trong khi 38 phần trăm dân Mỹ ưa thích một hành động quân sự chớp nhoáng thì 53 phần trăm trả lời rằng, thay vì tìm giải pháp trong chiến tranh, chính phủ Bush nên tiếp tục các cuộc cấm vận chống Iraq “bất kể thời gian bao lâu”. Trong những cuộc thăm dò này, Việt Nam nhiều lần được nêu lên, cho dù người trả lời thường rút ra được những bài học khác nhau từ kinh nghiệm đó. Bill Gay ở Marlington bang West Virginia trả lời báo Washington Post: “Điều làm tôi phiền muộn nhất về Việt Nam là chúng ta đã chiến đấu rất lâu, đã đổ xuống cống hàng chục tỉ đô-la mà không thu được cái gì cả. Nếu bạn chiến đấu thì phải đấu cho tới ngày chiến thắng”. Bill Fournier, một cựu cảnh sát ở Auburn bang Maine thì khẩn cầu Quốc hội xem xét kỹ “cái giá nhân mạng” của chiến tranh. Ông nói: “Có quá nhiều nguy cơ. Có phải chúng ta đang muốn chết vì dầu mỏ không? Có phải chúng ta đang muốn hy sinh con cái chúng ta để kích thích nền kinh tế không? Chúng ta vẫn đang trả giá đắt cho Việt Nam”. Khác xa cuộc phản đối mới chớm nở chống lại sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam chủ yếu là từ một số các trường đại học, các nhóm nhân quyền và tôn giáo, những hoài nghi về cuộc chiến sắp diễn ra ở vịnh Ba Tư lan tràn khắp nước Mỹ. Có ít những người Mỹ nổi tiếng phản đối cuộc can thiệp ban đầu vào Việt Nam. Nhưng khi cuộc chiến ở vịnh Ba Tư lờ mờ hiện ra, tổng thống Bush được báo trước là phải kiềm chế, từ những tên tuổi nổi bật như Ross Perrot - doanh nhân tỉ phú bang Texas, nguyên bộ trưởng quốc phòng James Schlesinger, đô đốc Wiliiam J. Crowe Jr. và đại tướng David C. Jones – hai người sau đều là cựu chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân. Không giống với thái độ thụ động hờ hững của họ trong đêm trước cuộc chiến tranh Việt Nam, khi họ trao cho tổng thống Johnson tờ ngân phiếu khống chỉ để tổng thống tùy ý tiến hành chiến tranh, bây giờ các thành viên Quốc hội Mỹ đã tiến hành một cuộc tranh luận lâu dài và đầy cảm xúc về cách thức giải quyết vụ xung đột ở vịnh Ba Tư. Và cũng không giống sự phục tùng câm lặng mà họ đã giành cho tổng thống Johnson, nay họ chấp thuận yêu cầu sử dụng quyền lực chiến tranh của tổng thống Bush chỉ với sự chênh lệch rất nhỏ giữa số phiếu thuận và phiếu chống. Nhưng mặc dù sự khác nhau giữa chiến tranh Việt Nam và chiến tranh vịnh Ba Tư, công chúng Mỹ vẫn nhận ra sự tương đồng giữa hai vụ xung đột. Điều chủ yếu là cả hai đều thiếu một mục đích rõ ràng. Các tổng thống Mỹ từ Harry S. Truman đến Richard Nixon đều biện minh cho sự can thiệp của Mỹ tại Việt nam như là một phần của chính sách “ngăn chặn” chủ nghĩa cộng sản toàn cầu. Họ thúc đẩy “học thuyết đô-mi-nô”, trình bày rằng thất bại ở Đông Nam Á sẽ làm sụp đổ các quốc gia khác trong vùng – và hơn thế nữa, như tổng thống Lyndon Johnson đã cảnh báo, sẽ đe dọa “những bãi biển Waikiki” [2]. Những chủ đề như vậy lúc đầu đã làm nao núng Quốc hội và công chúng Mỹ; trong nhiều thập kỷ họ đã tin vào mối đe dọa cộng sản. Nhưng khi chiến tranh Việt Nam kéo dài và lan rộng, những lập luận đó đã mất dần tính hấp dẫn, sau này hồi tưởng lại chúng có vẻ thật phi lý. Tương tự như vậy, ông Bush đã không thể xác định được cái quan niệm nằm sau cuộc tấn công của ông chống lại Iraq. Ông ví Saddam Hussein với nhà độc tài phát xít Adolf Hitler. Ông khẳng định rằng không hành động gì cả chính là “khuyến khích xâm lược” giống như chính sách nhượng bộ phong trào Quốc xã (Nazis) đã có hồi thập niên 1930. Không đề cập chi tiết đến trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của vùng vịnh Ba Tư – vì nó có thể làm ông bị phê phán dữ dội rằng ông đang “đổi máu lấy dầu” – ông Bush lại nhấn mạnh rất nhiều đến giá trị kinh tế của khu vực. Ông cũng tuyên bố rằng không làm gì cả thì sẽ gây nguy hiểm cho “trật tự thế giới mới” – cái công thức đầy tham vọng của ông về một sự hài hòa quốc tế trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Nhưng ông đã không giải thích một cách hợp lý và đầy đủ tại sao Iraq lại trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với nước Mỹ. Ông cũng không làm sáng tỏ được những động cơ của việc giải phóng Kuwait trong khi nước Mỹ đã tự giới hạn không can thiệp vào nhiều vụ tranh chấp ở các quốc gia ngoại bang khác trong những năm gần đây. Thế là, bất chấp các lời lẽ hùng biện cao ngạo của ông Bush, không ai khẳng định chắc chắn được là cuộc chiến tranh vùng vịnh Ba Tư có phải là điều thật sự sống còn đối với quyền lợi của Mỹ hay không – hoặc giống như trường hợp Việt Nam, lại là một tầm quan trọng ảo tưởng. Lúc đầu đại đa số dân Mỹ ủng hộ sự can thiệp vào Việt Nam của tổng thống Lyndon Johnson. Rồi sau đó đau buồn vì mất mát ngày càng tăng và vì cuộc chiến dường như kéo dài bất tận, họ dần dần quay ra chống lại sự dấn thân đó và cuối cùng thì gạt bỏ luôn cả tổng thống Johnson. Phần lớn người Mỹ đã vứt bỏ nỗi day dứt buổi đầu và toàn tâm toàn ý chấp nhận cuộc tấn công ban đầu của tổng thống Mỹ vào Iraq. Tuy nhiên các cuộc khảo sát cho thấy rằng thái độ của công chúng Mỹ đối với hành động của ông ta có lẽ cũng sẽ thay đổi như họ đã làm đối với các chính sách của tổng thống Johnson nếu như cuộc chiến tranh vịnh Ba Tư kéo dài và gây thương vong lớn lao cho binh lính Mỹ. Một cuộc khảo sát ý kiến của báo Washington Post xuất bản chỉ một tuần trước khi nổ ra chiến tranh vùng Vịnh cho thấy, trong lúc 63 phần trăm ủng hộ việc sử dụng vũ lực trừ phi Saddam Hussein rút quân ra khỏi Kuwait thì chỉ có 44 phần trăm muốn chấp nhận con số 1.000 lính Mỹ chết, còn viễn tượng 10.000 lính Mỹ chết thì kéo tỉ lệ chấp nhận đó xuống 35 phần trăm. Như vậy nước Mỹ vẫn còn bị ám ảnh bởi những hồi tưởng về Việt Nam, chỉ sẵn sàng để chịu đựng một cuộc chiến tranh ít đổ máu. May mắn thay, số thương vong thấp một cách kỳ diệu đã làm phấn khởi tinh thần của công chúng Mỹ.
[1]Hai lực lượng đối chọi nhau trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ thập niên 1860.[2] Bãi biển du lịch nổi tiếng trên quần đảo Hawaii thuộc Mỹ.
[1]Hai lực lượng đối chọi nhau trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ thập niên 1860.[2] Bãi biển du lịch nổi tiếng trên quần đảo Hawaii thuộc Mỹ.