Lão lục lung tung mớ giấy má của gia đình cất trong một đoạn ống bương có nắp đậy và vẫn còn giữ được nguyên vẹn cả một đoạn dây đeo bằng bả có thể choàng qua vai - vật còn lại của quãng đời nông ngư xam bán thỉnh thoảng "đi nghề" ra biển đánh cá, trong những năm lão hãy đang còn trẻ trai ở dưới làng Khơi.
Bỗng lão Khúng sực nhớ ra chiếc ba lô của thằng Dũng do anh bộ đội người Thanh Hóa đã mất công phu khoác về từ bên nước Kampuchea cho gia đình lão. Mấy ngày nay lão đã cẩn thận đem cất trong một cái chum đựng khoai lang khô tận trong buồng vợ và lão quên khuấy đi.
Lão vội vã chạy vào trong buồng mụ Huệ ôm cái ba lô ra nhà ngoài. Lão tin chắc thế nào cũng tìm thấy một bức ảnh của thằng Dũng thật đẹp, thật oai phong, đàng hoàng, trong bộ quân phục mới là thẳng nếp.
Nhưng lão Khúng chỉ thấy dội lên tận đáy lòng một nỗi đau xót tận lúc này lão mới có dịp nhìn kỹ cái kỷ vật vô cùng quý báu của đứa con đã chết để lại: cái ba lô sao mà bẩn thỉu, rách rưới, y như chiếc đẫy của đứa ăn mày, không cầm lòng đặng lão bật lên một tiếng khóc hu hu, kêu lên một tiếng rồi im bặt, lẳng lặng lôi các thứ đựng bên trong ra. Chẳng có gì ngoài vài cái quần, cái áo bộ đội cũng đã cũ rách và hôi hám như chiếc ba lô, một mẩu sắt tây hình tròn chạm hình một vũ nữ Kampuchea đứng múa uốn éo, cùng với một đôi đũa mà chắc con lão đang vót dở bằng một thứ gỗ gì đó hết sức lạ lùng, thớ gỗ nhỏ mịn và rắn như đá, màu đỏ sậm.
Lão cắp cái đẫy lính vào bên nách, xăm xắm bước ra ngõ. Trên dọc đường lúc băng qua ruộng lúa qua xóm, lão chả thèm nhìn ai, gần như chả trông thấy ai, người ta chào hỏi, lão cũng làm thinh. Lão đi thẳng đến trụ sở xã. Hai dẫy nhà nằm theo hình thước thợ cửa giả mở toang, cả nếp nhà trên đứng trên bậc thềm cao lẫn dãy nhà dưới chất một đống cây lạc, đứng ngoài ngó vào chỉ thấy những chiếc ghế băng cùng với những cái nồi nhôm đựng bã chè xanh vứt lăn lóc. Một cái mặt người vừa mảnh vừa khô như chiếc lá tre rụng ló ra giữa đống cây lạc. Lão Khúng nhận ra ngay là lão Kẹp chồng mụ Hái, giữ chức trách giao thông của ủy ban kiêm đóng, mở cửa trụ sở.
Trông thấy chồng mụ Hái, không biết nghĩ thế nào lão Khúng liền quay ngoắt trở ra và cứ thế hai chân bước thẳng một mạch trở về nhà. Vứt cái đẫy lính bẩn thỉu ra giữa thềm, lão chạy vào nhà xách ra chai rượu trắng cùng với hai chiếc chén. Lão rót đầy cả hai chiếc chén, nhón những ngón tay đẩy về phía trước mặt một chén, miệng lầu bầu:
-Uống đi, con! Ngày xưa bố cấm mày nhưng rồi mày vẫn uống, húp xoàm xoạp như húp canh rồi nhăn răng ra cười, rồi sặc, rồi nói năng lung tung với mấy đứa em... từ đấy mẹ mày đe tao... ừ mà bây giờ thì chắc mẹ mày cũng chẳng đe tao nữa. Bố cũng chẳng cấm nữa! Uống đi, uống đi con!
Chừng như lão đã say. Ngồi tựa vào bậc cửa ngay trước dải thềm nhà, lão cầm mân mê trên bàn tay khô rám của lão đôi đũa mà con lão đang vót dở, ừ, một đôi đũa dùng ăn cơm cũng như đũa con lão dùng ở nhà, nhưng đây là một đôi đũa vót bằng cái thứ gỗ màu hồng rắn như đá, thớ gỗ mà y như thớ đá dầy, nhỏ mịn, và lão nghĩ đến cái đất nước Kampuchea lạ lẫm có thứ đất mọc lên giống cây gỗ lạ lẫm này - ở đấy con lão đã chiến đấu và ngã xuống.
Giữa lúc ấy, mụ Hái từ dưới bếp đi lên trông thấy cái người bố đau khổ đang ngồi gục đầu xuống đầu gối, đôi đũa bằng gỗ hồng sắc để rơi dưới chân - Bỗng lão Khúng như bừng tỉnh ngủ ngước lên nhìn người đàn bà bằng hai con mắt trống rỗng vằn đầy tia máu từ đó những giọt nước mắt rơi xuống lã chã.
- Ông Khúng ạ, mụ Hái ngồi xuống bên cạnh lên tiếng an ủi lão, cháu Dũng dù sao cũng đã mất. Tôi biết là cái việc này nó nhọc lòng lắm. Ông chỉ mới có một lần đi qua cái cầu này chứ tôi với ông Kẹp đã đi qua đến ba lần. Tôi đã mất đến những ba đứa con...
Nghe mụ hàng xóm nói đến đấy, lập tức lão nhổm dậy, hai con mắt vằn đỏ ghé sát tận mặt mụ Hái, lão mếu máo, quát tướng:
- Ba đứa con của mụ cũng không bằng một đứa con của tui. Hừm, nói vậy mà cũng đòi nói...
3
Những chiếc móng bò gieo xuống chậm rãi, có phần quá chậm rãi đến lề mề nhưng đều đều trên nền đất cứng của vệt đường vặn vỏ đỗ.
Lão Khúng chợt rùng mình vô cớ, có lẽ bởi lão thấy đêm vẫn bát ngát và sâu hút chẳng có vẻ gì đêm tối của cõi dương gian cả. Con khoang đen và, chậc, biết đâu đấy, cả lão đang đi đến chỗ chết? Lão biết thế còn con vật có biết không nhỉ? - Chắc là nó biết, lão Khúng nghĩ. Sống gần trọn một khúc đời nhọc nhằn nhất của lão trên vùng rừng với con vật, lão Khúng cũng không hiểu hết nó, con vật bầu bạn, chả biết nó thông minh hay ngu si?
Người ta bảo: "Ngu như giống bò" thật không đúng một tí nào, bởi lắm trường hợp nó còn hiểu ra được đôi ba điều trước cả lão, lão chưa kịp hiểu ra nó đã hiểu, nhưng nói chung thì ngu, một sự ngu si đần độn cố hữu đầy hoang sơ và chả có gì đáng chê trách, thậm chí vì thế mà lão Khúng càng yêu nó vì sự nghễng ngãng, khờ khạo. Con vật thân quen của lão giống như một đứa trẻ thơ chẳng bao giờ lớn khôn lên được mặc dầu cái xác to kềnh càng.
Chiếc xe lắc một cái mạnh. Lúc bấy giờ, cuộn tròn mình trong tấm áo rét bằng dạ cứt ngựa đã sờn cũ, lão Khúng chợt nhìn thấy một ngôi sao sa ở mép trời, thật ra lão không nhìn thấy ngôi sao lúc trước đấy và sau đấy, mà chỉ nhìn thấy ở cuối chân trời đàng tây chợt lóe lên những đốm lửa bùi nhùi rơm rồi tắt ngấm mất hút. Lão cố tìm nhưng không thấy còn để lại cái gì cả. Phải không, như thế là điềm báo vừa mới có một người chết? Trên mặt đất mênh mông vô tận này có ai vừa mới chết, hoặc sắp chết?
Ngôi sao vừa sa xuống đó chắc hẳn không phải là điềm trời báo hiệu rằng con khoang đen nhà lão Khúng sắp "tử". Lão tin chắc chắn như thế, bởi lẽ Nam Tào, Bắc Đẩu họa là có rỗi rảnh lắm lắm mới làm cái việc ấy. Mà cũng không bao giờ người ta ban đặc ân cho con khoang đen cả một ngôi sao chiếu mệnh, mặc dầu nó đã có công cày vỡ bao nhiêu là đất cát, điều ấy chỉ có lão Khúng mới biết.
Hay ngôi sao sa vừa rồi là ngôi sao của con lão, đấy là vệt đường đi về cõi trời của một người anh hùng cứu quốc, của chính thằng Dũng cầm súng chiến đấu ở bên chiến trường Kampuchea? Cũng chắc không phải, lão nghĩ tiếp, trên thực tế thằng Dũng đã chết một năm rưỡi nay rồi cơ mà? Hay là điềm trời báo trước cho lão biết: lão sắp chết?
Tự nhiên lão lo quýnh lên, hai bả vai và tấm lưng rắn chắc cựa quậy hoài hủy trong tấm áo lụa. Lâu nay lão hay ho, hay nhức xương, lại hay nằm mê, mà toàn nằm mê gặp người chết. Mà tính nết thì hay quên, hay lú, lắm khi ăn rồi lại bảo chưa, trời vừa chập tối cứ ngỡ sắp sáng, giục giã con gái trở dậy đi làm cứ toáng lên khiến trong nhà rối tinh rối mù.
Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, lão Khúng thấy bình tâm hơn, bởi một anh nông dân suốt đời đi sau mông con bò như lão thì cái thá gì mà cũng đòi có một ngôi sao ứng mệnh ở tận trên trời? Có mà đến Tết! Ngồi thèo đảnh trên cái càng xe bò, tự nhiên lão Khúng tự thấy ngượng nghịu, tõn tẽn vì đã đề cao cá nhân mình lên quá mức, y như cái lần ông Bời cứ bắt buộc lão lên ngồi ghế chủ tịch đoàn trong đại hội nông dân xã. Rồi lão chặc lưỡi một cái thật kêu. Cái lão Khúng này thiết đếch gì! Sao với lại chả trăng! Cho cái mặt trời, ông cũng đếch thiết nữa là! Lão chỉ thiết cái mặt đất ở dưới chân với mảnh ruộng vỡ hoang được thuộc sở hữu gia đình lão.
Tuy thế lão Khúng vẫn ngửa mặt lên trời, rọi mắt lục tìm khắp bốn phía chân trời với một sự tò mò vừa kính cẩn vừa có ý khinh suất. Lão ngắm kỹ lưỡng một vài đốm sao sáng xanh, những vì sao to nhất, sáng nhất, và lão đinh ninh đấy là những ngôi sao định mệnh của các vị vua chúa hoặc lãnh tụ.
Chao ôi, cả một trời sao trên đầu, càng nhìn càng thấy lắm, trong khi ấy thì ở dưới mặt đất vào lúc này dường như chỉ có một mình lão và con bò đang thập thõm, mò mẫm đi giữa mặt đất bao la và tối tăm.
Bất giác trong khi vẫn ngửa mặt lên trời hứng bóng tối dày đặc và một làn gió đêm lạnh buốt, bỗng lão không kìm được, tự nhiên bật lên một tràng tiếng cười khùng khục từ trong cổ họng, khiến cho con bò đang đi phải dừng lại. Lão không dùng roi mà đưa tay đét một cái vào giữa cái chỗ uốn vồng lên của cuống đuôi con vật:
- Đi, đi! Không có việc gì cả đâu, lão vẫn tiếp tục cười khùng khục và đàm đạo với con vật bạn đường, đi đi, không phải tao cười mày. Hì... hì... tao đâu dám cười mày? Đấy là tao đang cười những ông sao trên trời! Vua chúa hoặc đại thần danh tiếng của thời nay cả đấy! Họ đang sống cả đấy! Ngôi sao mà chúng cứ ngỡ mình đang soi sáng mặt đất, không có mình thì mặt đất biến thành hũ nút, hàng nghìn, hàng triệu người mở mắt cũng không nhìn thấy lối mà đi! Vậy mà khổ chưa kia, không biết cơ man nào là sao, có ít ỏi đâu, các chư vị đang thi nhau nhấp nháy, đang toát mồ hôi hột ra để rặn ra ánh sáng như đàn bà rặn đẻ, không phải một ông mà nhiều ông, cả một trời sao đang chiếu sáng thế mà mặt đất thì vẫn tối thui tối mò thế này, con đường chúng mình đi xuống chợ Giát vẫn tối như hũ nút thế này?
ấy thế mà mới tài tình chứ. Lão đã nghiệm thấy lão và con bò đi đêm nhiều nhưng chưa bao giờ lạc. Không phải chỉ trên mặt đất mà lão Khúng cảm thấy trong cái đầu ngổn ngang đầy ý nghĩ của lão cũng tối mò mò, chỉ được một điều là lão có hai con mắt do ông trời cho tinh như mắt cú, có thể đi trong tối. Lão, một anh nông dân suốt đời đi sau con bò vạch những luống cày trong đêm tối...
*
Một lần nữa lão quay nhìn về phía ngôi sao vừa tắt, vừa rơi tõm vào bóng tối như đốm lửa trên đầu que đóm hút thuốc lào. Lão phỏng đoán có lẽ đây cũng chỉ là một ngôi sao be bé, vừa phải, hay đấy chính là ngôi sao chiếu mệnh của đồng chí bí thư huyện ủy nổi tiếng vừa mới đây đã thôi ngồi chiếc ghế ấy.
Quả có vậy thực thì đáng buồn thay và có lẽ đấy là luật lệ mới ở trên đời: người có chức quyền không còn giữ được chiếc ghế nữa thì sống cũng như chết, ngôi sao chiếu mệnh cũng tắt?
Thực tình mà nói, tận cho đến lúc này lão Khúng cũng không hiểu mình yêu hay ghét, ưa hay không ưa cái con người quyền uy lớn nhất huyện, quen thân với Tổng Bí thư Đảng đồng thời lại rất thích lão Khúng, coi lão như bạn. Về phần lão Khúng, mặc dầu ông Bời lúc nào cũng tỏ ra thân mật, bình đẳng nhưng riêng lão Khúng bao giờ cũng để một khoảng cách với kẻ bề trên. Tuy vậy, lão Khúng cũng có phần bái phục con người ấy, đầy trái ý, đầy hoài nghi nhưng vẫn phải bái phục.
Con người lãnh đạo ấy xuất thân là dân buôn bò, cũng là anh nông dân từ chỏm tóc đến gót chân như lão Khúng vậy mà không bao giờ thèm nghĩ những điều nhỏ mọn, tủn mủn như lão Khúng. Lão Bời toàn nghĩ những cái to tát phải dùng tới hàng trăm hàng nghìn người làm cật lực với những cờ quạt trưng ra rợp trời. Lão thích đông người, thích náo nhiệt, rất lãng phí sức người, làm hỏng cũng nhiều mà làm được cũng lắm. Cái gì lão làm được, dân đều biết cả!
Lão Khúng nghĩ: rồi cũng khó tìm ra một kẻ thay thế được lão Bời: lão không tham vặt, khó có người hiểu nông dân và lợi dụng tâm lý nông dân giỏi như lão, một con người lãnh đạo dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn luôn suy nghĩ, luôn luôn đi, luôn luôn nói, luôn luôn bày ra việc để làm, mà toàn bày ra những việc to tát, vĩ đại; lão Khúng nghĩ một cách bái phục lão Bời: đó là một con người mà mọi điều khôn dại trong công ăn, việc làm sẽ còn khuấy đảo sự làm ăn, no đói của hàng vạn người trong nhiều năm về sau này nữa. Ôi khủng khiếp quá, nhất là thời gian lão tiến hành đại cơ khí hóa nông nghiệp toàn huyện, lão đã xóa tên các làng xóm, ba xã đem gộp làm một xí nghiệp, đền chùa, miếu mạo bị dẹp đi, và không biết lão lôi ở đâu về mà nhiều máy móc đến thế, máy móc bò trên đường dưới ruộng như cua, trâu bò tưởng đã trở thành kẻ thất nghiệp!
Nhà cách mạng thường trực trong cái hồi ấy lúc nào cũng như một cái chảo nước đang sôi, hễ thích làm gì là làm, làm bất chấp tất cả, mà toàn chỉ thích làm những việc đảo lộn cả trời đất.
Người lãnh đạo huyện xuất thân cùng tầng lớp với lão Khúng ngày đêm lúc nào cũng chỉ nhằm "cách cái mạng" của người dân quê muôn đời nghèo khổ. Trong những năm này, uy tín ông Bời tăng vọt lên, ai cũng sợ, bởi gần như đã trở thành kẻ gần gũi, người thực thi mọi ý đồ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn của các cấp ở trên cao.
*
Từ thuở "hàn vi" khi đang còn làm chủ tịch huyện ông Bời đã thích kết thân với lão Khúng.
Lão Khúng thấy cũng là một sự lạ đời: ông chủ tịch huyện thỉnh thoảng đánh xe con lên rủ lão đi chơi lang thang ở đây đó và trên dọc đường bắt buộc lão phải tranh cãi với ông về một chuyện gì đó. ừ thì có khó gì, và lão Khúng sợ gì, lão đã tranh cãi những trận kịch liệt với người lãnh đạo huyện, cả hai mặt đỏ gay gắt, sùi bọt mép mà không phân thắng bại trong mọi chuyện.
Về sau khi đã ngồi vào ghế bí thư thì ông chủ tịch huyện không làm cái trò chơi dại ấy nữa. Có người lãnh đạo nào lại thích sự phản bác, trái ý! Ngay từ ngày đầu, lão Khúng cũng đủ khôn để biết thế cho nên thực ra lão cũng chỉ tranh cãi giả vờ, không bao giờ lão chịu nói ra ý nghĩ thực của lão với chủ tịch huyện. Mà cũng chính vì thế cho nên mối dây quan hệ bè bạn giữa lão với người cầm quyền còn giữ mãi được đến tận bây giờ.
Tuy thế, trong con mắt nhìn của lão Khúng đó là những thời kỳ mà con người ấy thật đáng mến vì người ta còn ít sợ. Ngày ấy ông Bời rất "mê" con khoang đen, ngày ấy ông Bời đang còn biết yêu trâu bò, súc vật. Vừa ngủ gà ngủ gật, lão Khúng đang nhớ lại những năm hòa bình mới chống Mỹ xong, cả huyện đang xúm vào xe cát làm đại công trường thủ công xây dựng đồng muối Quỳnh Thuận để cứu đói cho mấy ngàn dân biển: trâu bò trong toàn huyện đã kéo về tập kết ở đấy - mà ông Bời đặt tên là cuộc hội quân lớn về sức kéo.
Phải, hồi bấy giờ thằng Dũng hãy còn nhỏ, là một đứa chúa nghịch ở trong xóm, con khoang đen tuy đã đẻ vài lứa nhưng trông vóc dáng bề ngoài còn là một ả gái tơ đầy quyến rũ và cũng không hiểu sao y như thường xảy ra với những người đàn bà đặc biệt hấp dẫn đàn ông - những lão bò đực đầu đàn đầy hung dữ của ngoài chục xã cứ lăn xả vào mà húc nhau, rượt nhau, gây ra những trận kịch chiến khủng khiếp để quyết giành lấy con khoang đen cho kỳ được. Cũng từ ngày sinh ra đời chưa bao giờ con khoang đen và thằng Dũng được sống dưới bầu trời rộng rãi và náo nức là thế, trong một khung cảnh lao động lãng mạn là thế - một công trường thủ công - đúng như tên trong các sách vở của Mác thường nói và chủ tịch Bời là người đã có công biến thành sự thực nhãn tiền: khắp mọi xó xỉnh trong cả huyện, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con được điều về đông nghìn nghịt, người đã đông mà trâu bò lại càng đông hơn; dân các xã cùng trâu bò trước khi kéo quân về đã được phiên chế thành cơ ngũ: tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn đâu ra đấy với các vị tư lệnh cùng chính ủy, kèn tiến quân, kèn lui quân, trống cái, trống ếch, cờ đuôi nheo, cờ lá chuối, cờ rước thần, cờ đỏ sao vàng, những phù hiệu cấp chức bằng vải, bằng giấy lòe loẹt trên các bả vai và ống tay áo, loa phóng thanh từng buổi, từng giờ vang vang công bố cho toàn công trường những kỷ lục năng suất.
Sau ba tuần lễ tắm mình trong không khí đại công trường, hai cha con lão Khúng cùng con bò được trở về nhà. Hai cha con cùng với con vật về đến truông ách thì gặp chiếc xe của chủ tịch huyện cũng đang ngược dốc đi lên. Lúc bấy giờ lão Khúng trên dọc đường đang cáu. Lão đang tiếc của đến đứt ruột cho nên cáu gắt ầm ĩ. Ông Bời phóng xe com-măng-ca vượt lên trước, ngoái về sau trông thấy một lão già xương xẩu và gân guốc từ trên chiếc xe bò bánh lốp nhảy xuống vừa lớn tiếng mắng mỏ thằng con trai đang ngồi đực mặt trên càng xe.
Chủ tịch Bời "à" lên một tiếng, vui vẻ lập tức nhận ra cái con vật đang đi nhởn nhơ phía trước càng xe như một vũ nữ. Ông nhận ra đó là cái "ả đàn bà" đã từng gây náo loạn dưới đồng muối, con bòn cái khoang đen bất trị! Những đoàn xe chở cát dài dằng dặc từ dưới biển lên đang xếp hàng đi đứng có hàng ngũ bỗng chỉ cần cái ả đàn bà với bộ cánh mầu đen loang lổ này xuất hiện hoặc từ rất xa thốt lên một tiếng "ngò" khàn khàn là lập tức hàng ngũ đoàn xe bị phá vỡ không có cách gì thiết lập lại trật tự quân sự.
Chủ tịch huyện bảo cậu lái xe con dừng xe giữa truông ách. Vốn xuất thân là dân buôn bò cho nên ông có con mắt sành sỏi.
"Chả trách, chả trách" ông chủ tịch huyện đi sát lại bên con khoang đen với một nỗi đam mê của tay buôn bò khi đã bị quyến rũ không dứt ra được, cũng không kìm được lời tấm tắc khen ngợi phải thốt lên thành lời.
Máu mê dân buôn bò sống lại trong ông chủ tịch huyện, ông đi thêm mấy vòng để nhìn kỹ dung nhan phía trước mặt, càng nhìn càng ưng ý không thể chê được một nét gì.
- Chao ôi, nó đẹp quá, một con bò cái đẹp như Tây Thi - ông Bời cuối cùng thốt kêu to lên như thế rồi quay sang ngắm bố con người chủ bò và chiếc xe bò.
Lão Khúng đã thôi không mắng mỏ thằng Dũng nữa nhưng lão vẫn tiếc của đến đứt ra từng khúc ruột, lại thấy ức như bị bò đá - vì thằng con lão và cả lão nữa đã lơ là, để chúng nó tháo mất bộ díp xe. Cả một bộ díp ô-tô mà lão đã phải cất công ra tận thủ đô Hà Nội, cả nhà ông chú ngoài đó phải xoay trần ra mới lùng được cho lão cùng một lúc "đồng bộ" cả ổ bi, trục xo, bánh lốp... Vậy mà chúng nó "ăn cướp" mất của lão cái bộ díp bằng thép! Biết bao giờ mới tậu lại được cho nổi? Lắm khi có tiền cũng không sắm được. Cho nên từ sáng đến giờ, từ lúc xuất phát ra đi để trở về nhà mỗi lần lão đi qua một quãng đường dốc gập ghềnh, lão lại nhảy xuống chổng mông lên trời vừa cáu gắt nhặng xị vừa mắng mỏ thằng con trai, vừa giương mắt nhìn vào cái khoảng trống để lại dưới sàn xe - một cái khoảng trống do bàn tay bọn ăn cắp để lại kỷ niệm cho lão: nơi cái bộ díp ô-tô tải đã bị ăn cắp mất, nơi táng cái mả bố chúng nó đấy!
Dù sao thì việc ông chủ tịch huyện ngay giữa đường phải dừng xe lại để ngắm con vật nhà mình cũng làm lão Khúng phần nào vơi đi nỗi khổ tâm vì cú mất của quá xót.
Vượt qua đoạn dốc cuối cùng của truông ách, lão Khúng và nhà cầm quyền sóng vai nhau đi bên chiếc xe, người nào cũng tỏ ra không kém phần thông thạo trong khi bình phẩm tướng mạo và nhan sắc của con vật.
Nhưng khi ông chủ tịch huyện lân la hỏi sang cảm tưởng những ngày lao động xã hội chủ nghĩa đầy náo nhiệt vừa qua thì cái nỗi xót ruột bởi chuyến đi mất của lại đùng đùng trỗi dậy giữa cuống ruột cái lão già nông dân.
- Công trường với lại công triếc, toàn một lũ ăn cắp!
Ông chủ tịch huyện đã cảm thấy bị xúc phạm, da mặt đỏ gay, tuy vẫn cố kìm giữ:
- Sao thế?... Có việc gì thế hả ông lão?
- Toàn một lũ ăn cắp... Ông coi, chúng nó tháo mất của tôi cả một bộ díp - lão Khúng càng cau mặt lại - quân ăn cướp chứ không phải là ăn cắp nữa, cái quân công trường ấy!
Chủ tịch Bời thường ngày đã không thể nghe ai nói một lời đụng chạm đến cái công trường kiến thiết nại muối.
- Chả lẽ ông nỡ... nói đến vậy, hả ông lão?
- Thưa ông, mất cắp thì tôi nói mất cắp, mà rõ ràng là mới mất đêm qua, ở dưới công trường...
- Đúng chứ?
- Chẳng lẽ bằng chừng này tuổi đầu, không mất tôi lại nói mất?
- Biết vậy, biết vậy, ông người xã nào ở vùng trên này vậy hả?
- Hùng Tráng.
- Tên ông là gì?
- Ông hỏi để làm gì?
-...
- Tôi tên là lão Khúng, ai cũng biết.
Chủ tịch huyện tròn xoe mắt:
- Ông... ông chính là lão Khúng ở Hùng Tráng đấy ư?
- Phải.
- Nào, cho chủ tịch huyện bắt tay ông Khúng một cái đã nào.
Ông Bời mặt mũi hồ hởi, hai chân đi ủng dậm lộp bộp xuống mặt đường, ngó người đối thoại đầy tò mò và kính cẩn như ngó một người đã có công khai sơn lập địa của thời hồng hoang vừa mới hiện về đang đứng trước mặt.
Hai tháng sau, vào thời vụ cày vỡ đất của Hùng Tráng, tháng vất vả nhất của trâu bò và người đàn ông trong gia đình, ông Bời đánh xe lên thẳng nhà ông Khúng, tuyên bố sẽ ở nhà lão khoảng một tuần lễ để học cách làm ăn, nói theo chữ chính trị là "ba cùng" nghĩa là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia chủ.
Lão Khúng ban đầu đã chả tin một tí nào. Và cả nhà lão cứ sớn sác, lo sợ, tưởng lão vừa mắc vào cái tội gì to tát đến nỗi ông chủ tịch huyện phải thân hành đến tra xét. Mụ Huệ vội vã tuồn những chiếc bong bóng lợn chứa đầy rượu lậu giấu dưới đáy mấy cái chum ở trong buồng mụ sang nhà hàng xóm để giấu. Bữa cơm đầu tiên, mụ Huệ xua được một con gà mái vào nhà bếp, túm lấy hai cẳng, đã toan cắt tiết thì lão Khúng giơ tay ngăn lại: "Thường ngày nhà mình ăn thế nào thì dọn cho ông khách ăn vậy. Như thế mới là ba cùng" - lão giải thích ý nghĩa công việc của vị khách cho vợ hiểu - nhưng mụ Huệ vừa thả con gà ra lão đã chộp lại, đề nghị mụ cứ cắt tiết. "Chậc, phàm là con người ai chả thích ăn ngon? Chưa thể biết rõ hết mục đích lão đến ở nhà mình để làm gì thì hãy thết lão một bữa cơm thịt gà cái đã. Một ông chủ tịch huyện chứ có phải ít ỏi đâu? ấy, mà biết đâu lão đến ở nhà mình cũng có thể làm cho lão nên danh nên giá, và nhà mình cũng nên danh nên giá? Sự đời đôi khi có nhiều cái lạ lắm". Lão nghĩ trong đầu và mỉm cười.
Thế là suốt một tuần lễ, mọi sinh hoạt trong gia đình lão Khúng bị đảo lộn lên hết. Từ thằng Bút, hồi bấy giờ chưa đầy năm, đang men bờ hè tập đi cũng trở nên nhút nhát, lúc nào cũng nem nép, lấm lét, suốt cả ngày rúc dưới gian bếp với mẹ, giương hai con mắt mở thao láo nhìn ông khách lạ mới đến ở trong nhà, cái nhìn đầy thù nghịch. Cả hai vợ chồng lão Khúng cố tạo bầu không khí tự nhiên như cả xóm vẫn cứ phải để con mắt tọc mạch nhìn vào cái ngôi nhà ngói có cây vối trước ngõ, ở đấy đang diễn ra một sự kiện đầy lạ lùng: ông chủ tịch huyện không ngồi com-măng-ca giơ tay vẫy quần chúng đang cày cuốc hai bên đường, cũng không diễn thuyết thao thao trên bục gỗ của nhà hội trường huyện, cũng không khề khà ăn tiệc, đánh chén mà lại xắn quần lên tận bẹn cùng sát vai bên cạnh cha con lão Khúng làm lụng quần quật từ sáng đến tối. Đã thế lại còn đòi ăn uống kham khổ, mụ Huệ bưng lên một cái mâm gỗ có hai cái bát, hai đôi đũa cho chồng và ông khách ăn riêng thì ông khách lập tức bưng xuống nhà bếp, tự tay lượm một cái ghế con đến ngồi bên một góc cái mươn tre, hòa mình giữa đám con nhỏ vô cùng đông đúc của nhà chủ, cùng ăn những bát khoai lang khô thái lát chỉ dính vài hạt cơm làm phép như chúng.
Lão Khúng và cả mụ vợ đã lấy làm bực bõ lắm, như thấy con mắt người ngoài, một kẻ cao sang lúc nào cũng nhìn soi mói và tận đáy bát cơm nhà mình, và bàn tay thò vào cuộc sống hàng ngày của mình. Dù không ăn cắp, ăn trộm của ai nhưng cũng như mọi người, vợ chồng lão Khúng cũng không muốn người bên ngoài biết hết những cái không cần biết của nhà mình, kể cả những cái sự nhếch nhác, túng đói, cũng như cái sự sung túc, no đủ, kể cả những cái sự sống thực với nhau lặt vặt hàng ngày ở trong nhà.
Tất cả những cái điều riêng tây đó, ông Bời không hề biết và ông chỉ lấy làm bằng lòng về mình vô cùng: ông biết rằng chẳng chóng thì chầy những hành vi của ông ở đây sẽ loang đi trong khắp huyện, khắp tỉnh, được những cái miệng cán bộ lẫn dân thường bàn tán đến nát ra. Ông đã nghĩ rất đúng, trong cả huyện, ông chọn nhà lão Khúng để đến ở: đây là dinh lũy cuối cùng của sự làm ăn cá thể và chả biết ông nghĩ thật hay ông nghĩ đùa: ông phải biến lão Khúng thành một con người mới xã hội chủ nghĩa, ông tự giao cho mình công việc ấy như một nhà truyền giáo tự nguyện dấn thân vào vòng nguy hiểm và đầy cam co.
Mặc cho ông chủ tịch huyện lợi dụng mọi hoàn cảnh để lùa lão Khúng vào vòng tranh cãi với ông về lý luận "hai con đường", lão Khúng bao giờ cũng cố nín lặng lắng nghe ông chủ tịch nói một câu cung kính, cố giấu cái lưỡi thật kín để đừng dại dột thốt lên cái câu: "Tôi gần 10 đứa con vào hợp tác xã để mà chết đói à?" đã lấp ló ở cửa miệng.
Phải nói rằng hồi bấy giờ, trong cái tuần lễ đầy trọng đại ấy, cả gia đình lão Khúng chỉ có khoang đen là kẻ dám ra mặt trò chuyện với vị khách một cách sòng phẳng, thẳng thắn mặc dầu thiếu tinh thần lịch sự, tôn trọng khách: Chưa một lần nào ông Bời đặt nổi cái ách lên lưng nó và một lần nó đá vị chủ tịch huyện một phát vào giữa bụng khiến cho ông ta ngã bổ nhào, úp cả khuôn mặt phương phi đầy cởi mở vào giữa đám ruộng.
- "Lúc bấy giờ mày còn nhớ không - tự nhiên lão Khúng nói to thành tiếng cho con bò đang bậm bạch đi phía trước nghe được - tao đã phải vội vàng chạy lại giơ hai tay nâng ông chủ tịch huyện dậy rồi sau đó nhặt chiếc roi cày từ trong tay ông ta vừa văng ra, tao đã quất cho mày một trận. Có ông trời ở trên đầu chứng giám, ăn ở, làm lụng với nhau cả một đời, có bao giờ tao nỡ đánh mày một roi đâu, thịt da của mày cũng là thịt da của tao, đúng sự thực là thế, mày đau tức là tao đau, vậy mà lần ấy trước mặt ông chủ tịch huyện đang nằm ôm bụng quằn quại, miệng kêu hừ hự, ngay giữa luống cày, tạo đã nỡ lòng trở đầu roi cày để đánh mày, đánh thật lực, tay đánh miệng chửi, bới, nguyền rủa không còn sót một thứ lời lẽ độc địa nào nữa.
Cũng phải nói thêm: lúc ông chủ tịch bị mày "chơi" cú đá hậu, cái thằng Dũng đang đứng trên bờ đừng có nhăn răng ra cười, hềnh hệch đầy khoái chí một cách vô ý thức đến thế... thì chưa chắc tao đã phải đánh mày nặng tay đến như vậy. Có phải không, cái thằng Dũng đến là ngu! Nó trẻ dại chưa biết cách cư xử! Đáng lẽ những lúc như vậy dù tức cười đến vỡ bụng cũng phải mím chặt miệng lại.
Đừng có bao giờ cười cợt chế nhạo cấp trên... Người ta đường đường là chủ tịch huyện... Không biết trước khi chết, cái thằng con của lão có khôn ngoan hơn lên được tí nào không? Nhưng cái tính khí thẳng ruột ngựa của nó cũng là tính khí của mình hồi trẻ, của cái lão Khúng ngất ngưởng này trút sang cho nó từ trong máu thịt... Bây giờ nó ở đâu cái thằng Dũng vô ý vô tứ ấy, bây giờ con đang lang thang ở đâu?
Gần sáng lão Khúng đã ngủ quên mất. Sương rơi những hột to bằng hạt ngô, lộp bộp bên móng guốc của con khoang đen khiến con vật cũng thấy cong cóng dưới chân và nó phản ứng lại bằng cách đi nhanh hơn.
Phía biển ngập chìm trong sương trắng, thỉnh thoảng xuất hiện giăng giăng một hàng hạt cườm lóng lánh trong thoáng chốc rồi lại tắt. Đấy là ô tô tải chạy thành đoàn dưới đường Một vừa đi vào cái khúc ngoặt ở đầu phố Cầu Giát. Con đường đồi mang tên "Dốc bò lăn" thầy trò lão Khúng đang đi sắp phải vượt qua một cái truông ngắn thuộc vùng đất của một cái hợp tác xã miền xuôi vừa mới lên, chắc chắn đất vừa mới được cày vỡ chiều hôm qua, một vùng đất mới cày bát ngát... Con khoang đen lấy làm sung sướng chun mũi hít hít, chỉ có nó mới cảm nhận được đầy đủ mọi hương vị của đất mới được cày lên đang tỏa ra từ hai bên vệ đường.
Lão Khúng ban đầu còn dứt tai vò tóc cố chống cơn buồn ngủ đang ập đến giữa trí não đã trở nên tối lại mò mò. Cũng tại vì tự nhiên thấy đau lưng, lão tựa sát vào những bó củi, lão thấy thực dễ chịu, lại còn nghĩ được: lần này vợ lão gửi xuống cho con Hương toàn loại củi cành, rồi nó sẽ khó bán! Chả biết bán đến mấy phiên chợ mới hết? Rồi lão quờ tay sang bên đẩy cái đẫy đựng đầy khoang lang khô, lẫn gạo, phần ăn của đứa con gái trong nửa tháng, tay đẩy nhưng đầu lại tựa vào đấy lão cảm thấy êm ái quá! Có lẽ hoàng đế ngủ trong cung điện cũng chỉ sung sướng đến thế này là cùng - lão nghĩ một cách hài hước, tự nhiên hai tay bắt chéo trước bụng, khép chặt hai vạt áo dạ cứt ngựa vào sát thân mình - Kệ con khoang đen, kệ mụ già ấy! Sau cái ý nghĩ buông thả, hưởng lạc ấy là óc lão tối hẳn, không sao tự kiểm soát được nữa. Lão ngoẹo đầu về một bên, buông thõng hai tay, miệng bắt đầu ngáy một cách thực ngon lành theo cái điệu ngáy vo vo quen thuộc của lão ở nhà.
Lúc bấy giờ con khoang đen đã biết tỏng lão đã ngủ tuy nó không quay lại nhìn. Con vật bình thản một mình kéo chiếc xe lên dốc lại xuống dốc. Nếu lão Khúng vẫn ngủ tịt cho đến tận sáng thì con bò vẫn có thể tự lực đưa lão cùng chiếc xe xuống phố Cầu Giát, vào tận khu tập thể học sinh cấp ba ở nội trú tận bên kia cầu xi măng. Nó đã thuộc con đường ấy, qua nhiều lần xuống chợ Giát.
Một luồng ánh sáng chiếu sáng quắc từ phía sau. Trong khi chiếc xe tải lao vụt qua, con khoang đen cẩn thận đi sát vào bên đường, nó gần như dừng hẳn lại không bước tiếp nữa.
Cái quầng sáng lai láng đầy chói chang của cặp đèn pha chiếu từ phía sau cùng tiếng bánh xe lao ầm ầm ngay bên cạnh vẫn không thể đánh thức nổi lão Khúng, nhưng nó đã đánh thức dậy giữa giấc ngủ của lão với giấc mơ khủng khiếp khi ở nhà: lão lại nằm mơ, nhưng khác với lần trước, là chính lão bị đánh bằng búa tạ, chính lão là con bò! Lão tự nhìn mình trong cái thân hình nửa bò nửa người, máu mê đầm đìa, mà lão vẫn bình thản y như tuân thủ một cái điều đương nhiên mà trong những khi thức lão không hề được biết.
Vẫn bằng cái hình thù gớm ghiếc ấy, lão đang cùng bí thư Bời sóng đôi bước đi trên một dải đất bằng phẳng trên một vùng cao nguyên nóng như rang. Mang thân hình nửa bò nửa người, lão cùng lão Bời đi theo sau thằng Lạc, thằng con trai của lão đang đi khai hoang ở Đác Lắc, ba người cứ ngật ngưỡng đi như người đi kheo trên suốt một vùng đất được treo lên giữa lưng chừng trời, suốt một ngày đi không có một chỗ nào có được một giọt nước. Đất dưới chân lão Khúng bây giờ là một thứ đất đầy màu mỡ, khô không khốc đỏ như sơn mài, mới được cày vỡ bằng máy, từng làn đất bột màu hồng bay là là dọc theo những cánh rừng tốt tươi, lá cây cứ xanh biếc như vẽ.
Đêm tối sập xuống, bóng tối nhẹ như bấc và đầy huyền ảo, con bò hóa thân của lão Khúng bỗng chốc trở nên say sưa, ngây ngất trước hương vị của đất cày. Đến bây giờ nó đang đứng chỉ có một mình giữa vùng đất cao nguyên Đác Lắc mới được bàn tay những người khai hoang cày vỡ và nó thấy chỉ chốc lát nữa, trời sẽ sáng và nó phải rời những luống cày để trở về sống trong rừng cây xanh biếc kia. Nó chính là loài thú hoang, hay đúng hơn, một con vật gia súc đã trở nên hoang dã, đã tìm trở lại được cái cuộc sống tự do muôn thuở của nó.
Đến lúc này thì lão Khúng tỉnh ngủ. Lão lại trở về kiếp sống làm người như bình thường hàng ngày lão vẫn sống, tuy vậy vẫn chưa dứt bỏ được những ám ảnh cảm giác của loài vật do giấc mơ đã để lại giữa trí não. Lão duỗi thẳng chân tay, sờ nắn từng cái bắp tay, bắp chân một, thấy vẫn là loài người nguyên vẹn, lão lấy làm yên tâm.
Vẫn nằm ngả đầu vào bì khoai lang khô lẫn gạo đem xuống cho đứa con gái, vốn tính cẩn thận lão lại nắn tay nắn chân một lần nữa, lại còn sờ ra sau mông xem mình có còn cái đuôi hay không, lần này thì lão xác định hoàn toàn không có gì đáng lo ngại, tuy vậy hai mắt lão Khúng vẫn không rời cái hình dáng con bò với bốn cái chân đang đi từng bước thủng thỉnh trong đêm vắng phía trước mặt lão, ngay trước con mắt lão. Vẫn y như hình dáng của chính lão - cái hình dáng thật mà chỉ một lần lão vừa được nhìn thấy.
Rít xong một mồi thuốc lào, lão trở nên hoàn toàn tỉnh táo, và càng tỉnh ra, càng ngồi suy nghĩ, cái ý niệm lẫn lộn giữa mình và con bò lại cứ trở về lởn vởn trong trí óc lão.
Lão nhớ lại cánh rừng ở trong giấc mơ với tòa lá xanh thẫm, cây lim lẫn thông già mọc trên vách đá, những con bò hoang dã đi đứng trên vỉa núi đá đầy cheo leo hoặc bình yên gặm cỏ giữa những khoảng rừng bằng ngập đầy nắng. Trong đàn bò kia đã từng có mặt lão, cái dáng dấp thong dong và thư thái nhất trần đời của lão. Chuyện này giá có đem kể lại, chắc chả có một người nào tin.
Thế rồi đột nhiên lão Khúng đi đến một quyết định đầy điên rồ: lão quyết định giải thoát con vật! Tự nhiên lão thấy lão đang làm một công việc vô cùng vô nhân đạo. Cả một đời con vật nai lưng ra kéo cày để nuôi sống gia đình lão, và bây giờ lão đền ơn trả nghĩa cho con vật bằng việc đem bán nó cho người ta giết thịt? Lão thấy lão không còn là giống người nữa chứ còn đâu nửa người nửa thú vật? Một lát sau lão không lên án, tự xỉ vả mình nữa mà chỉ thấy trong người mình một cái nhu cầu đầy bức bách tự giải thoát.
Con bò đang kéo chiếc xe đi qua một quãng rừng thưa thớt.
Họ... họ...
Lão lên tiếng gọi con vật bằng cái giọng tự nhiên hơi sẵng. Con bò dừng bước, có vẻ nó lấy làm ngạc nhiên.
Lão nhảy xuống, đến bên cạnh con vật, đặt cả hai bàn tay lên cái cổ sần sùi đang đầy hơi sương lẫn mồ hôi, lão vỗ vỗ con vật một hồi rồi cầm cái ách đặt xuống bên cạnh hai chân trước của nó. Con vật ngẩng cao cổ, thè lưỡi liếm lên vai, lên cổ lão, mỗi lần cái lưỡi mềm và ram ráp đụng vào da thịt, lão lại sởn gai ốc, tưởng như con vật đã cảm thấy được lão đang nghĩ gì; đang toan tính những gì; lão đang cởi ách suốt đời cho nó! Lão Khúng tự nhiên trở nên vội vã, lão kéo chiếc xe sang vệ đường, đem dấu sang những đám bờ bụi lúp xúp lẫn những tảng đá rồi trở về bên con vật đang đứng đó, nguyên tại chỗ. - Nào, bây giờ thì tao giải thoát cho mày, lão lầm rầm nói với con vật thân yêu bằng cái giọng hơi cau có, mày hầu tao thế là đủ rồi đấy con ạ, bây giờ thì mày hãy đi đi, hãy vào rừng mà sống, cỏ đấy, cỏ trong rừng thiếu gì, mày ăn suốt đời không hết, khát thì có nước suối. Mày muốn sống một mình hay sống trong bầy cũng được. ở đây đi sâu vào bên trong sẽ có một bầy bò hoang. Chúng nó sướng như những bà hoàng ông hoàng giữa núi non, cây cỏ, chẳng bao giờ phải kéo cày, kéo xe... Hãy đi đi, nào!
Lão cuộn vào năm ngón tay trái cái dây chão đã được tháo ra khỏi mõm con khoang đen, dùng đầu dây đánh một cái thật đau vào bên hông, bắt nó phải chạy té vào rừng. Con đường đi đến thế giới tự do của con khoang đen thật chẳng khác nào con đường đi đày. Sau lưng nó, lão Khúng lúc nào cũng hầm hầm hè hè giơ cao thanh roi sẵn sàng quất vào mông đến đau điếng nếu nó dừng lại, hoặc ngoái nhìn trở lại.
Cuộc xua đuổi cứ thế diễn ra lặng lẽ giữa đêm trường. Càng xua được con vật dấn mình vào giữa rừng sâu càng xa con đường "bò lăn" ở ngoài kia, lão Khúng càng thấy yên tâm, lại thấy có một cái gì khoái lạc, tự thỏa mãn, chẳng lẽ lão cảm thấy được lão đang xua đuổi cái số phận quá đỗi nhọc nhằn của lão ra khỏi đời lão, cái số phận nửa người nửa con vật?
Càng đi sâu vào, rừng càng dày. Những thân cây dổi lâu năm ôm trên mình toàn lá rậm rịt. Qua hai ba ngọn suối thì đến một khu rừng cũng toàn dổi mọc trên dãy núi đá. Rừng tối hơn. Đây là giang sơn, nơi trú ngụ của bầy bò hoang. Từ ở đây vào những tháng hè nắng ráo, những con bò đã từng là gia súc thường nhớ vị mặn của muối, đêm đêm lần xuống các gia đình người kinh, sục vào bếp, thè lưỡi liếm hối hả lên mặt những chiếc kiềng sắt hoặc đầu ông núc. Có đôi khi vào nửa đêm lắm sao hoặc có trăng sáng, chúng kéo nhau từng bầy năm bảy con xuống phá phách hoa màu trên nương của bà con đồng bào địa phương ở bên kia sườn núi đá. Người ta rình, tổ chức phục kích, đào hào cắm chông nhưng vẫn chưa bắt được của chúng một con nào. Cái giống bò sống hoang dã thật ranh khôn...
Cuộc xua đổi đã kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Lão Khúng đã mệt nhoài nhưng vẫn chưa chịu cho vật dừng lại. Nó phải đi thật xa, phải bắt nó vào thật sâu giữa rừng thẳm, để không còn lối nào trở lại với lão. Rồi thì mai đây khi trở về nhà, lão nghĩ, lão sẽ nói thật với mụ Huệ, lão đã không đem xuống chợ Giát để bán mà trên dọc đường đã giải thoát cho nó, trả lại cho nó cuộc đời tự do, lão đã xua nó vào rừng, vào giữa giang sơn của một bầy bò hoang... Chắc hẳn mụ Huệ cũng không mè nheo lão. Mụ sẽ thông cảm với lão, với việc làm của lão.
Sau khi xua được con vật sang bên kia sườn núi đá, lão Khúng âu yếm chia tay với người bạn đời bằng cách trở đầu roi, cầm trên tay đánh một trận thực lực, tay đánh miệng chửi bới nguyền rủa. Giữa lúc con vật đau điếng, đang quằn quại suýt quỵ bốn chân xuống thì lão Khúng đột ngột quay lưng lại phía nó. Không nói thêm một lời nào. Lão bỏ đi, mất hút vào đêm tối. Lão trở về bên chiếc xe bò khi màn đêm đã nhợt trắng. Lão biết rằng từ đây trở đi chỉ còn một phần ba đường đất và đường sá cũng đỡ khốn khổ hơn.
Lão xem lại dây chằng những bó củi cùng đống chè xanh trên nóc xe, tranh thủ rít thêm một mồi thuốc lào rồi một thân một mình, lão kéo chiếc xe ra giữa đường cái, tiếp tục cuộc hành trình về xuôi.
Mùi mồ hôi bò khai khai, lâu đời phả ra nồng nặc trên cái ách gỗ đang bắt đầu thấm ướt đẫm mồ hôi muối của lão. Trên đầu lão, trời sao thưa ra, ngôi nào ngôi nấy trắng nhợt như sắp rơi rụng hoặc đi trốn vào bóng tối hết. Lão kéo chiếc xe lăn bánh lọc cọc giữa hàng đoàn những chiếc xe khác do trâu hoặc bò kéo đang vượt lên trước lão, thỉnh thoảng lại có một đoàn xe sộc chở than hoặc gỗ súc trẩy xuống chợ Giát trong tiếng kêu ken két rất là não nề.
Khoảng bảy giờ sáng lão Khúng mới lôi được chiếc xe xuống đầu phố Cầu Giát. Đến lúc này trên con đường số Một không còn lối mà len chân nữa. Lão Khúng tháo ách ra khỏi vai, ngồi xếp bằng ngay bên vệ cỏ của đoạn mút con đường bò lăn đã rải đá răm. Lão ngẩng cao cổ phóng tầm mắt nhìn theo con đường bò lăn cắt ngang con đường số Một để đi thẳng xuống miền biển. Đấy là con đường duy nhất để lão đi về làng, rải toàn đá lèn ban đêm cứ trắng lôm lốp. Lão ngồi xếp bằng ở đấy để nghỉ chân có lẽ đến nửa tiếng đồng hồ, ngay bên vệ đường, sau khi rít một lúc hai điếu thuốc lào cho thông, lão cảm thấy mệt đến đứt hơi nhưng lại khoan khoái vô cùng, như làm được một việc từ trước đến giờ lão vẫn hằng mơ ước nhưng chưa có cách gì để làm. Con người lão lúc này như đã phân thân ra, một nửa đang sống cuộc đời con khoang đen nhởn nhơ giữa nội cỏ trong rừng thẳm, một nửa đang chính là hình ảnh cuộc sống của lão trong hiện tại: một lão già nông dân đầy nhọc nhằn một mình với chiếc xe bò giữa đường.
Phố Cầu Giát, cái phố huyện nổi tiếng sầm uất đang tưng bừng sống dậy trong phiên chợ.
Đoạn đường số Một chạy qua phố Cầu Giát kể cả bên này và bên kia cầu dài có đến gần hai cây số. Cho đến lúc này một bên phía lề đường bên kia đã sực nức mùi thơm của cá nướng cùng mùi tanh tưởi của cá tươi, và một bên phía lề đường bên này đang xông lên ngùn ngụt mùi phân trâu bò; rùng rùng từng đàn bò, đàn trâu, con kéo xe, con đi không, đang đổ tất cả về phía chợ, cái đoàn súc vật cứ phình to ra mãi, lúc nào cũng chực lấn chiếm hết cả mặt đường.
Người ta thấy từ ngả rừng xuống cũng như ngả biển lên, người cứ đùn lên từng đám, từng đoàn, không lúc nào ngớt. Cùng với người là tiếng cười nói, tiếng cãi vã, tiếng bánh xe gỗ rú rít đầy riết nóng và não nề, tiếng đòn gánh kĩu kịt, tiếng trâu bò "nghé ọ", tiếng roi quất vào không khí vi vút hoặc đánh trúng hông trâu bò cứ đen đét. Từ trong cái đám súc vật lì xì đang lặng lẽ cất bước đều đặn bỗng các thứ xe cộ khiến thiên hạ vụt hét toáng... Nhưng bặm trợn nhất, cứ xô giạt hết cả các đoàn súc vật lẫn ôtô tải mà len lên, mà chạy giần giật về phía trước, là những đoàn đàn bà chạy cá tươi từ dưới biển lên. Họ chạy thành từng đám dăm bảy mụ, mươi mụ, mụ nào cũng cao lớn như hộ pháp, váy mụ nào mụ nấy bị xé gần tới đầu gối, yếm áo tơi tả, mà phần lớn ở trần, mồ hôi nhẫy ra, họ vừa chạy vừa la hét dẹp đường, vũ khí tấn công cũng như tự vệ là cặp khuỷu tay lúc nào cũng chĩa ra hai bên...
Lão Khúng cố ý tránh xa đám đàn bà "kẻ biển" đang say sưa "chạy cá". Lão sợ trong đà chạy đám "liễu yếu đào tơ" ấy có thể vô ý xô đổ cái xe bò chở củi lẫn chè xanh chất cao ngất ngưởng, lại chỉ có một mình lão đang ra sức kéo về phía bên kia cầu. Chẳng biết làm thế nào khác hơn là cứ lẽo đẽo theo sát một chiếc xe tải chở đầy lợn đang tiến về phía trước như người dẫn rượu. Như thế chiếc xe củi được an toàn mà lão đỡ mệt. Dù sao thì cho đến lúc này lão đã thấm mệt. Bởi vì càng tiến gần đến cổng chợ, cái đám người và súc vật trên đường càng trở nên quay cuồng mà mật độ càng lớn. Trong một lúc nào đó lão Khúng đưa cánh tay áo lau dòng mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt và lúc hai con mắt đã sáng sủa hơn, lão nhìn ra hai bên và phía trước phía sau lão thấy đưa cả một đám đông đúc xám xịt toàn trâu bò già người ta đập đi chợ để bán thịt. Chung quanh lão y như có ai bày ra cái trò gì để trêu lão? Bất giác lão nhìn sâu vào cặp mắt của một con bò đang mệt nhọc bước đi từng bước ậm ạch, lọc cọc ngay sát bên chiếc xe của lão. Đấy là một con bò đực ít nhất cũng đã từng sống trên vài chục năm, con vật gần như đã trụi hết lông, yếm chảy sát gối, và đặc biệt hai con mắt toét nhèm của nó nhìn sao mà cứ hướng vào lão - hai con mắt đầy âm thầm và nhẫn nhục của con vật già nua đang bình thản đi đến chỗ chết.
Lão Khúng cố xoay xở lôi chiếc xe củi ra khỏi đám trâu bò già đem bán thịt.
- Chào ông Khúng! Mời ông quá bộ vào ăn bát phở sốt vang nào!
Lão vừa kéo được chiếc xe ra bên vệ đường, ngước lên đã thấy lấp ló sau hàng cây vông đồng cả một hàng những quầy thịt bò treo giăng giăng cứ đỏ ối cả một quán phố, người vừa đon đả mời chào lão Khúng vẫn không ngừng tay thái thịt, lão bí mật quờ tay ra véo vào bên mạng sườn đầy non tơ của cô vợ vừa trẻ vừa đẹp đang đứng ngay phía sau lưng, rồi quay ra đon đả, mời chào:
- Quá bộ vào làm một bát sốt vang thịt bò tươi với bánh mướt nào ông Khúng! Trâu bò của nhà đi đâu cả mà ông phải gò lưng làm bò kéo xe thế này?
Lão gập lưng kéo chiếc xe đi nhanh qua cái quán phở mà lão chủ quán có quen biết lão từ nhiều năm nay. Nhưng kéo xe qua đoạn phố nào lão cũng chỉ thấy một mầu đỏ đầy ghê sợ của những quầy thịt bò treo trên những hàng móc sắt. Dân buôn, lái xe, cán bộ đi công tác, khách vãng lai từ bắc vào hoặc từ phía nam ra, mấy ai bỏ lỡ cơ hội mua một ít thịt bò tươi ở cái phố huyện nằm ngay trên đường Một, cái thị trấn sầm uất đang khủng hoảng thừa bò cày cũng như bò thịt thậm chí những người có đầu óc làm ăn kinh doanh của địa phương lại đang còn tính toán hùn vốn mua một hai chiếc xe có thiết bị ướp lạnh. Cái thứ thực phẩm cao cấp ở đây mỗi sáng sớm sẽ được chuyên chở cấp tốc ra Hà Nội hoặc đi các thành phố đang khan hiếm thực phẩm để cung cấp cho các cửa hàng ăn.
Như một kẻ đang chạy trốn một cuộc tàn sát đầy tàn nhẫn, lão Khúng hối hả kéo chiếc xe củi sang bên kia cầu. Nhưng bên kia cầu cũng vẫn thấy khắp nơi cái mầu đỏ ối của thi thể những con vật kéo cày. Lão rẽ vào một con đường lát đá phiến khấp khểnh, đi qua một cái nhà thờ đạo đầy vẻ tĩnh mịch rồi tiếp đến những dãy bức tường gạch sứt mẻ của nhà kho hợp tác đã bỏ hoang phế. Ngôi trường cấp ba mà con gái lão đang theo học lớp 12 đây rồi, đập ngay vào cảm giác lão là một sự bình yên của không khí nghiêm trang của các lớp đang giờ học, khiến cho lão trở lại bình tâm được đôi chút. Lão kéo chiếc xe củi đi vòng ra phía sau trường, đi qua mấy bãi mạ thì đến khu nhà nội trú của học sinh gia đình ở xa, mấy dãy nhà tranh vách đất đổ nát chả khác nào lán trại của dân công.
Lão Khúng đi thẳng đến trước một gian phòng ở cuối dãy mà lão vẫn quen thuộc, ở đấy con gái lão ở chung với mấy cô bạn học lớp dưới. Gian phòng của con lão khóa kín cửa. Lão đang toan dở đống củi xuống trước cửa phòng con gái lão thì tự nhiên lão ngớ ra: lão vừa nhìn thấy một con bò đang nằm nhai cỏ bên vạt sân bóng chuyền của đám con gái ở bên hồi nhà. Ngay lập tức lão giật nẩy mình sực nhận ra đích thị là nó, con khoang đen của nhà lão, cái con khoang đen mà trong đêm khuya khắt lão đã đích thân dắt vào tận trong rừng thật sâu, rồi lại còn phải dùng roi vọt đánh đập vô cùng tàn nhẫn để xua nó đi với cuộc sống tự do.
Con vật ngước cặp mắt đầy nhẫn nhục và sầu não lên nhìn lão Khúng. Đó là cái nhìn của một sinh vật tự nguyện chấp nhận số phận. Đứng lặng thinh bên chiếc xe chất đầy củi mà lão đã thay nó toát mồ hôi một mình kéo về được đến đây, lão Khúng cũng chả biết nói gì với con vật, lại càng không thể trách móc, lão chỉ đưa mắt nhìn người bạn đời làm ăn thân thiết bằng cái nhìn cũng đầy sầu não và phiền muộn.
Hết