Trong cuộc đời mỗi con người, hầu hết ai cũng mơ ước được đi tu nghiệp để có trình độ quản lý cao, giỏi về mọi lĩnh vực trong đời sống, kinh tế, xã hội tại các trường đại học danh tiếng, văn bằng được quốc tế công nhận, có công việc lương tiền cao. Có nhiều nhà quản lý giỏi chuyên môn, đóng góp nhiều cho các tổ chức, xã hội nhưng thực sự lại không quản lý nổi ba nghiệp (thân, khẩu, ý) của mình nên vẫn vô tù như thường. Ví dụ như tội tham nhũng, ban đầu xuất phát từ ý muốn tham lam thầm kín, khi ý muốn nầy đã gieo gặp đủ điều kiện là trổ quả liền tức khắc. Hành vi tham nhũng sẽ được thực hiện. Nghiệp tham nhũng đã gieo. Nghiệp nầy sẽ tới ngày trổ quả, hành vi tham nhũng được kết tội khi mọi yếu tố cấu thành tội phạm được chứng minh đầy đủ. Quả báo cho loại hình tội phạm nầy là vô tù ngay trong kiếp nầy. Đó là một dạng nghiệp báo ứng tức thì. Còn những con đường đi âm thầm của nghiệp mà chủ nhân của nó tìm cách chốn chạy và cứ tưởng chừng là thoát được tội đã gây ra, nhưng nào ngờ những tai ương giáng họa bất thình lình, chỉ khi ngẫm nghĩ xâu chuỗi sự kiện thì mới thấy được đó chính là nghiệp báo ứng của tội lỗi đã tạo mà thôi. Ví dụ về trường hợp đường đi thầm kín của nghiệp nầy thì cũng vô kể như trường hợp nghiệp báo ứng tức thời. Có lẽ nên để tự mỗi người chúng ta suy ngẫm về chính mình để thấu được thì mới hay. Ở đây xin bàn đến việc tu nghiệp theo Đạo Phật. Tu nghiệp trong nhà đạo chính là tu ba nghiệp. Muốn quản lý tốt ba nghiệp thân, khẩu và ý của mình, người Phật tử cần ghi nhớ những điều sau: Khước từ việc xấu. Luôn khởi ý niệm lành, nói điều lành, làm việc lành. Giữ tinh thần tỉnh giác đối với ba nghiệp thân, khẩu và ý. Nghiệp báo là một điều răn đối với người Phật tử sơ cơ và là một khích lệ đối với hạng trí thức. Đức Phật dạy: “Phước báu và tội lỗi mà con người tạo ra là tất cả những gì mà con người làm chủ, là những gì đưa con người đi, từ nơi nầy…, là những gì luôn chạy theo bén gót con người như bóng theo hình. Vậy, từ đây con người hãy tích trữ cái tốt để đem đi nơi khác, trong tương lai. Hãy tạo một nền tảng vững chắc cho thế gian ngày mai.” Cần phải hiểu về nghiệp như thế nào trong nhà đạo để có thể tu được ba nghiệp thân, khẩu và ý? “Con người là chủ nhân của nghiệp và thừa kế những nghiệp mà mình đã gây tạo.” Kinh Trung Bộ Vai trò và vị trí của thuyết nghiệp báo trong Đạo Phật Nghiệp báo là một trong những giáo lý căn bản của Đạo Phật. Từ thời trước Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, hai học thuyết Nghiệp báo và Tái sinh có liên quan mật thiết với nhau, đã được truyền bá sâu rộng tại ấn Độ. Mặc dù mục tiêu cuối cùng của Phật giáo là Niết bàn – sự chấm dứt tái sinh – có thể thành đạt được ngay trong kiếp sống hiện tại, nhưng Đức Phật với sự thấu rõ về Vô Thường – Vô Ngã và luật Nhân – Quả đã giải thích tường tận về Nghiệp báo và Tái sinh. Triết lý thâm sâu của thuyết Vô Thường – Vô Ngã và luật Nhân – Quả, là di sản vô song của Đức Phật để lại cho loài người, chỉ có thể tự chiêm nghiệm bởi mỗi cá nhân trong chính kiếp sống của mỗi con người. Mọi kiến thức khoa học và ngay cả đạo lý trên cũng chỉ là công cụ để giúp mỗi cá nhân tự kinh nghiệm cuộc đời chính mình mà thôi. Đức Phật thành tựu quả vị Phật, tới cõi Niết-bàn bằng con đường thực chứng tâm linh. Còn khoa học thì đi trên con đường thực nghiệm và nương nhờ phương tiện vật chất để chứng minh được điều nầy điều nọ. Đó chính là giới hạn của khoa học. Phật tánh, Niết-bàn vốn không tên nhưng để tìm phương tiện mô tả cái mà Đức Phật đã thực chứng được nên đành lòng gọi tên mà thôi. Vì thế, xin quí vị đừng bị sự bám víu vào ngôn từ, phương tiện truyền thông của loài người, để rồi tự tạo khó cho bản thân mình trong con đường tu học. Định luật Nhân – Quả trong lĩnh vực tinh thần đạo đức là Nghiệp. Tái sinh là hệ luận tự nhiên của Nghiệp. Thuyết Định Mệnh không phải là định luật Nghiệp báo trong Phật giáo. Nghiệp báo là một trong 5 định luật (lịch trình, Niyanma) chi phối sự tiến triển vật chất và tinh thần mà Phật giáo phân biệt: Utu Niyama là định luật liên quan đến sự tiến triển của vật lý thuộc loại vô cơ như hiện tượng thời tiết, mưa gió, nhiệt hàn… Bốn mùa tám tiết và đặc tính của mỗi mùa như hạ thì nóng, đông thì lạnh… Bija Niyama là định luật liên quan đến sự tiến triển của vật lý thuộc loại hữu cơ, những vật có tế bào như cây cỏ. Do định luật nầy thì giòng nào sinh giống nấy. Cây lúa do hạt lúa, cây cam thì do hạt cam… Luật âm dương đực cái, tế bào và bẩm thụ gène trong việc thụ thai cũng do định luật nầy chi phối. Sự giống nhau về thể chất của hai trẻ sinh đôi cũng vậy. Kamma Niyama là định luật Nhân – Quả hay là sự tiến triển từ hành động, thiện hoặc ác, đến quả lành hay dữ. Nhân gieo thì quả trổ. Nhân lành đem lại quả tốt. Nhân ác đưa đến quả xấu. Đó là định luật tự nhiên chứ không phải là hình thức thưởng hay phạt. Sự tiến triển từ nhân đến quả cũng tự nhiên và cần thiết như sự xoay chuyển của mặt trăng chung quanh mặt trời. Đó là nguyên tắc nhân quả tương xứng của định luật Nghiệp báo. Nguyên tắc thứ hai của luật Nhân – Quả là trổ quả liên tục. Một nhà bác học trong đời sống tìm tòi, học hỏi thu thập được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Đến lúc tái sinh, tất cả những kinh nghiệm và kiến thức ấy cũng được chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác. Đôi khi ta cũng phảng phất nhớ lại một vài kinh nghiệm và kiến thức trong kiếp trước, nhưng lắm lúc ta lại quên hẳn, cũng như ta quên một vài kinh nghiệm và kiến thức đã thu thập hồi còn nhỏ, cùng trong một kiếp sống. Do nguyên tắc quả trổ liên tục mà có những trường hợp thần đồng chưa học mà nói được nhiều thứ tiếng… Dhamma Niyama là định luật của vạn pháp như những hiện tượng xảy ra, như khi một vị Bồ-tát tái sanh trong kiếp chót; luật hấp dẫn lực và những định luật khác trong vũ trụ… đều có thể liệt vào lịch trình tiến triển nầy. Citta Ciyama là định luật tâm lý như lịch trình diễn tiến của tâm, những nguyên tố cấu tạo tâm, năng lực của tâm như thần giao cách cảm, biết quá khứ vị lai, huệ nhãn, huệ nhĩ, tha tâm thông và những hiện tượng tương tự mà khoa học hiện đại chưa giải thích được. Như tất cả các định luật trong vũ trụ, 5 lịch trình tiến triển kể trên không do một oai lực huyền bí nào tạo nên. Định luật liên quan đến sự tiến triển của vật lý, loại vô cơ, loại hữu cơ, định luật của vạn pháp là những lịch trình tiến hoá tự nhiên, mặc dầu trong một giới hạn nào đó con người cũng có khả năng kiểm soát được ở một mức độ nhất định. Ví dụ như lửa nóng có đặc tính làm phỏng da, tuyết lạnh đến mức dưới 0oC thì làm đông nước nhưng cũng có người có thể đi trên lửa mà không bị phỏng, cũng có người ngồi trên tuyết Lãnh sơn, khỏa thân, mà không sao, hay như là trường hợp hoa quả có thể được thụ nở trái khác mùa bằng phương pháp nhân tạo... Định luật thuộc về tâm linh cũng tác động tự nhiên, một cách vô ý thức, không cần kích thích, không tùy thuộc nơi ý muốn nào bên ngoài. Khi nhân đã gieo, do nghiệp báo, thì quả phải trổ. Trong luân hồi vô thường thì sự gieo nhân và trổ quả là liên tục từ kiếp nầy qua kiếp khác không ngừng nghỉ, trùng trùng điệp điệp tiến trình gieo và gặt xuyên kiếp, con người luôn có cơ hội để cải biến được cuộc đời mình ngay trong kiếp hiện tại bằng cách gieo hạt lành. Sự tu tập trong Phật giáo nhằm mục đích kiểm soát thân, khẩu, ý và sự kiểm soát nầy có thể thực hiện được nhờ hiểu biết chân chính và tư tưởng trong sạch. Chánh kiến và tác ý có thể sửa chữa được nghiệp quả, nghĩa là nghiệp lành có thể chuyển hoá nghiệp quả xấu. Định nghĩa về Nghiệp “Tác ý là Nghiệp” Tăng Nhất A-hàm Định nghĩa tột cùng của Nghiệp là tác ý. Tư tưởng, lời nói, việc làm đều khởi xuất từ động cơ ý muốn. Phật giáo gọi ý muốn hay ý chí ấy là tác ý. Những hành động có tác ý, dầu biểu hiện do thân, khẩu, hay ý đều tạo Nghiệp. Những hành động có tác ý, thiện hay bất thiện, đều tạo thành Nghiệp. Những hành động không cố ý, không có chủ tâm, mặc dầu đã biểu hiện bằng lời nói hay việc làm, đều chưa tạo Nghiệp. Tác ý là yếu tố tối quan trọng để tạo Nghiệp. Đức Phật dạy: “Nầy hỡi các Tỳ-kheo, Như Lai xác nhận rằng chính Tác ý là Nghiệp. Có ý muốn làm mới có hành động, bằng thân, khẩu hay ý.” Phân loại nghiệp Có nhiều cách phân loại nghiệp tùy thuộc vào tiêu chí căn cứ. ở đây, căn cứ trên khả năng báo ứng, Nghiệp có thể chia thành 4 loại: Trọng Nghiệp Nghĩa là hành động trọng yếu, nghiêm trọng, một Nghiệp nặng, vì nó chắc chắn trổ quả trong đời hiện tại hay kiếp sau hoặc kiếp vị lai. Nếu là một Trọng Nghiệp thuộc về loại “Thiện” thì đó là kết quả của thiền, chẳng hạn người đắc tứ thiền Sắc Giới thì hưởng quả vị của thiền ấy trong kiếp hiện tại và trong kiếp kế. Nếu là một Trọng Nghiệp thuộc về loại 5 tội ác (Ngũ Nghịch Đại Tội) là giết cha, giết mẹ, giết một vị A-la-hán, gây thương tích cho Đức Phật và chia rẽ Tăng đoàn. Cận tử Nghiệp Cận tử Nghiệp là nghiệp dẫn dắt đi thọ sanh. Cận tử Nghiệp là hành vi cuối cùng hay là hành vi nào mà chập tư tưởng cuối cùng nhớ nghĩ đến trước khi lâm chung. Người theo Đạo Phật thường có tập tục nhắc nhở người sắp lìa cuộc đời nên có những hành vi ý tưởng tốt đẹp đã làm trong cuộc đời, giúp đỡ, khuyến khích họ tạo một nghiệp lành ngay trước giờ phút lâm chung như: đọc kinh, niệm Phật… Đôi khi một người xấu có thể chết một cách yên ổn và tái sanh trong cảnh giới tốt đẹp nếu họ được may mắn hồi nhớ lại, hoặc làm một điều thiện trong giờ phút cuối cùng. Nhưng không có nghĩa là người ấy, dầu tái sanh trong nhàn cảnh, cũng không tránh khỏi quả dữ của nhân ác đã gieo trong quá khứ. Một người làm lành có thể thác sanh trong cảnh xấu, bởi bất thình lình trong giờ phút cuối cùng lại có một hành vi hay tư tưởng bất thiện. Tuy nhiên đó là do chập tư tưởng bất thiện cuối cùng nên người ấy phải chịu tái sanh trong cảnh khổ, những nhân lành người ấy đã gieo vẫn sẽ trổ quả đúng lúc khi đủ nhân duyên. Thường Nghiệp Là những việc, hành động hàng ngày hay làm, hay nhớ đến và ưa thích hơn hết. Những thói quen lành hay dữ dần trở thành bản chất và ít nhiều uốn nắn tâm tánh con người. Trong khi nhàn rỗi tâm thường duyên theo những tư tưởng, những hành vi quen thuộc một cách tự nhiên, đôi khi một cách vô ý thức. Trong giờ phút lâm chung, trừ khi bị một ảnh hưởng nào mạnh hơn, ta thường nhớ lại những hành vi và tư tưởng quen thuộc. Tích Trữ Nghiệp Tất cả những trường hợp không có kể trong 3 loại nghiệp trên gồm chung lại thành một loại Nghiệp Tích Trữ. Nghiệp nầy giống như vốn dự trữ của một cá nhân. Chú ý: Phân biệt giữa Nghiệp và Nghiệp báo Nghiệp là Nhân. Tạo Nghiệp là gieo Nhân. Nghiệp báo là Quả. Nhân duyên đủ thì trổ quả gọi là Nghiệp báo. Trong sự báo ứng của Nghiệp, Tâm là yếu tố tối quan trọng, bởi lẽ tất cả những việc làm, lời nói và tư tưởng đều do nơi Tâm. Trong chuỗi Nhân – Quả là liên hồi vô thủy vô chung, nhân đủ duyên thì trổ quả, đến lượt quả lại trở nên nhân mới và hội đủ duyên thành quả mới. Luân hồi vô thường là vậy. Tính chất của nghiệp “Gieo gì gặt nấy” Tạp A-hàm Thật hiển nhiên “gieo gì gặt nấy”. Nhưng nếu chúng ta cứ bám chặt vào câu nầy thì sẽ dễ rơi vào tình trạng bi quan cho rằng biết bao giờ mới trả hết nghiệp đã gieo của vô thủy kiếp, để rồi ngủ quên ngay trong đời sống hiện tại. Chúng ta chưa đủ khả năng thấu được vô lượng kiếp như Đức Phật. Chúng ta mang thân làm người đã là phước báo quý giá hơn những loài chúng sinh khác, nghĩa là chúng ta có cơ hội tu tập cho đến khi thành tựu quả vị Phật, bằng cách gieo những hạt giống lành hầu mong trổ quả ngay trong hiện đời, kiếp kế tiếp hay nhiều kiếp vị lai. Mỗi người chúng ta hãy tự chiêm nghiệm tính chất của nghiệp “gieo gì gặt nấy” với sự quán chiếu về lý Vô Thường – Vô Ngã và luật Nhân – Quả trong một bình diện rộng lớn đa chiều của vô lượng kiếp để tự tin mà tìm phương tiện chuyển hóa nghiệp báo của bản thân mình. Đồng thời chúng ta cần ghi nhớ rằng khi đã gieo nhân lành rồi thì đừng hối tiếc để tránh tình trạng quả trổ sanh không được tương xứng với nhân hoặc thậm chí trái ngược với nhân đã gieo. Ví dụ như một người có lòng tốt giúp đỡ người nghèo hay người bị sa cơ lỡ thế, nhưng khổ một nỗi là người giúp lại hay kể công nên làm cho người mang ơn mà có khi hết kiếp hiện tiền cũng chưa có đủ cơ hội để trả được hết ơn thì chẳng dám gần gũi, thậm chí còn có những trường hợp sau sự giúp đỡ đó một thời gian hai bên không còn muốn nhìn mặt nhau. Theo đạo lý thường tình thì mối quan hệ giữa người giúp đỡ và người thụ hưởng sự giúp đỡ phải là tốt đẹp mới đúng. Năng lực của nghiệp Nghiệp là một năng lực cá biệt được chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác. Nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc cấu tạo tâm tánh con người. Theo thuyết Vô Thường, mỗi người chúng ta luôn luôn biến đổi và luôn luôn đang trở thành một cái gì mới. Với luật Nhân – Quả thì cái mới ấy tùy thuộc nơi hành động của chính mỗi chúng ta. Trong từng sát-na ta có thể tự cải hóa cuộc đời mình tốt đẹp hơn, cũng như xấu xa hơn. Tất cả nhân (nghiệp thân, khẩu, ý) mà ta gieo vào vũ trụ nầy đều được ghi lại và vận hành theo luật Nhân – Quả. Nghiệp nầy sẽ cộng hưởng với các nghiệp khác (biệt nghiệp của bản thân hay cộng nghiệp của một cộng đồng, tổ chức lớn, nhỏ) để mà trổ quả (nghiệp báo) khi có đủ nhân duyên. Đó là lý do tại sao mà có thể quả của một nhân yếu mà trổ sanh tròn đủ, còn quả của một nhân mạnh lại được lắng dịu hoặc không trổ sanh nữa như trường hợp sự tu tập đạt đến quả vị A-la-hán. Đức Phật dạy: “Nầy các Tỳ-kheo, người kia không biết khép mình vào kỷ cương của thể xác, của luân lý, của tâm, của trí tuệ, kém đạo đức, kém giới hạnh và do đó, sống đau khổ. Dầu một hành động tầm thường của người ấy cũng đủ tạo quả đưa vào cảnh khổ.” “Nầy các Tỳ-kheo, người kia có nếp sống kỷ cương, về vật chất cũng như luân lý, tinh thần và trí tuệ, đạo đức cao thượng, biết làm điều thiện và lấy tâm Từ vô lượng đối xử với tất cả mọi chúng sanh. Người như thế dầu có một hành động tầm thường như người kể trên hành động ấy cũng không tạo quả trong kiếp hiện tại hay kiếp tương lai.” “Tỷ như có người cho một muỗng muối vào bát nước. Nầy các Tỳ-kheo, các thầy nghĩ thế nào? Nước trong bát có thể trở nên mặn và khó uống không? Bạch Đức Thế Tôn, có ạ. Tại sao? Bạch Đức Thế Tôn, vì nước trong bát thì ít mà cho một muỗng muối thì phải mặn. Bây giờ, tỷ như người ta đổ muối ấy xuống sông Hằng, nầy các Tỳ-kheo, các thầy nghĩ sao? Nước sông Hằng có vị muối ấy mà trở nên mặn và khó uống không? Bạch Đức Thế Tôn, không ạ. Tại sao? Thưa Đức Thế Tôn, vì sông Hằng rộng lớn, nước nhiều, chỉ bấy nhiêu muối ấy không đủ làm mặn. Cũng như thế, có trường hợp người kia vi phạm một lỗi mà chịu cảnh khổ, người khác cũng phạm lỗi tương tự mà chịu quả nhẹ hơn và sau khi chết, quả kia dầu nhỏ, không trổ sanh nữa.” Trong sự báo ứng của Nghiệp có những năng lực hỗ trợ tạo điều kiện cho quả sớm trổ sanh và ngược lại cũng có những năng lực kìm hãm ngăn chặn không cho quả trổ sanh. Những năng lực đó là: Sự sanh trưởng. Thời gian hay hoàn cảnh. Nhân cách hay sắc tướng. Sự nỗ lực cố gắng. Sự tái sanh tốt có thể là một năng lực kìm hãm không cho quả dữ trổ sanh, trong khí đó nếu sanh trưởng trong gia đình hoàn cảnh nghèo khó thì sự tái sanh bất hạnh của người nầy tạo điều kiện thuận lợi cho quả dữ trổ sanh. Người đã gieo nghiệp tốt được tái sanh trong hoàng tộc, mặc dù không thông minh tài giỏi nhưng cũng được thiên hạ kính cẩn, trong khi đó cũng người nầy mà sanh trong gia đình bình thường thì ắt không được trọng vọng như vậy. Vua A-xà-thế tuy phạm trọng tội giết cha, về sau tuy nhờ gần gũi học Phật mà trở nên một vị minh quân có tâm đạo nhiệt thành nhưng do trọng tội đã phạm nên phải tái sanh vào cảnh khổ, ở nơi bất thuận lợi nầy mà bao nhiêu nhân lành ông đã gieo sau nầy cũng không đủ duyên hỗ trợ để trổ quả. Thời gian hay hoàn cảnh cũng ảnh hưởng đến sự báo ứng của Nghiệp. Ví dụ như trường hợp tất cả mọi người đều phải cùng chung chịu một số phận trong một thiên tai. Dung mạo đẹp đẽ hay xấu xa cũng có thể hỗ trợ hay kìm hãm sự báo ứng của Nghiệp. Ví dụ như trường hợp có người nhờ Nghiệp lành mà được tái sanh thuận lợi vào hoàng tộc thành hoàng tử nhưng lại cũng vì Nghiệp ác mà bị chịu tật nguyền thì cũng không hoàn toàn trọng hưởng được phước báu của mình, không được vua cha chọn lựa để truyền ngôi báu. Lại có trường hợp đứa trẻ nhờ có diện mạo phương phi tuy sinh ra trong gia đình nghèo mà vẫn có thể gieo ít nhiều thiện cảm đến người khác. Sự nỗ lực cố gắng là quan trọng hơn cả trong các năng lực trợ duyên và nghịch duyên của Nghiệp. Trong sự báo ứng của Nghiệp, sự cố gắng và sự thiếu cố gắng giữ một vai trò chính yếu. Do sự cố gắng hiện tại ta có thể tạo Nghiệp mới, hoàn cảnh mới, môi trường mới, thậm chí cả một thế gian mới. Trong khi đó, dù có đủ điều kiện thuận lợi và được trợ duyên đầy đủ mà ta không nỗ lực cố gắng thì chẳng những ta bỏ lỡ một cơ hội quí báu mà có khi phung phí cả một sự nghiệp, vật chất hay tinh thần. Nắm vững đạo lý Nghiệp báo từ sự vận hành của Nghiệp và năng lực trợ duyên hay nghịch duyên đối với Nghiệp để mà can đảm vững bước trong cuộc đời mỗi người, biết khai thác phát triển các yếu tố thuận duyên, tìm phương tiện triệt tiêu nghịch duyên hầu tiếp nhận quả một cách an nhiên tự tại. Niềm tin nơi Nghiệp báo nâng cao giá trị của sự tinh tấn và kích thích lòng nhiệt thành, vì lý Nghiệp báo dạy mỗi người phải lãnh lấy trách nhiệm của chính mình. Quản lý nghiệp và nghiệp báo Nếu coi Nghiệp là đầu vào, khi gieo nhân tạo nghiệp càng cẩn trọng bao nhiêu thì gặt quả đầu ra Nghiệp báo càng an toàn bấy nhiêu. Làm sao có thể quản lý được đầu vào có từ vô thủy kiếp? Chúng sanh trong biển vô minh mù mịt cần phải làm gì? Mọi sự xảy ra trong cuộc đời mỗi người chúng ta đều do nghiệp chi phối. Sự có mặt của mỗi người là hiện hữu của nghiệp quá khứ. Muốn biết nhân đời trước, nhìn hiện tại họ đang hưởng. Muốn biết quả đời sau, tương lai, xét hiện tại họ đang tạo việc gì. Sự quán chiếu toàn diện của lý Vô Thường – Vô Ngã và luật Nhân – Quả soi rọi trong thuyết Nghiệp và Nghiệp báo của Phật giáo hoàn toàn có thể giải thích được cặn kẽ những điều kỳ diệu, hoặc tưởng chừng như bất công, vô lý hiện hữu trong mỗi kiếp người. Ai cũng phải tiếp nhận nghiệp báo, lớn hay nhỏ, lành hay dữ, và ai cũng vẫn đang tạo nghiệp mới trong từng nhịp sống của kiếp hiện tại. Mong ước tối hậu của con người là cả sự tiếp nhận và cả sự tạo mới sao cho được bình an. Hãy biết nhận thức để trong kiếp hiện tại nầy gieo thật nhiều nghiệp lành trong sự xoay vần không ngừng của luật Nhân – Quả thì ắt sẽ cải thiện được Nghiệp báo và gặt được những quả lành ngay trong kiếp nầy cũng như tương lai. Nhân lành phát xuất từ ý nghĩ, tư tưởng của chúng ta. Muốn làm việc lành thì phải khởi ý niệm lành. Ba nghiệp (thân, khẩu và ý) lành thì đời sống an lành, tốt đẹp. Tu tập ba nghiệp là rất cần thiết đối với người Phật tử. Tái sanh về đâu? Nghiệp và Nghiệp báo trong Đạo Phật đã chiếu giải được sự bí ẩn của cái được gọi là Số Mệnh và Tiền Định của một vài tôn giáo, và trên hết là giải thích được sự chênh lệch của nhân loại. Tuệ giác của Đức Phật là thành tựu từ sự thực chứng tâm linh vô cùng vô tận, còn khoa học bị giới hạn bởi sự thực nghiệm trên cơ sở vật chất. Vì thế nên tuệ giác của Đức Phật đã vượt xa các nhà khoa học cổ đại cũng như hiện đại. Những gì Đức Phật nói cách đây hơn 2550 năm mà cho đến ngày nay khoa học vẫn còn mù mờ chưa biết được về việc con người chết rồi đi về đâu, mặc dù khoa học và triết học Tây phương đã đổ công vào việc nghiên cứu Phật học rất nhiều. Hiện nay luân hồi tái sinh đang là một đề tài nóng bỏng ở xã hội phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Chương trình “60 Phút” ngày 30 tháng 10 năm 2005 có đề cập đến vấn đề luân hồi tái sinh và báo cáo hiện nay có đến 78% người Mỹ (vào khoảng 195 triệu dân) tin có kiếp trước kiếp sau. Raymond Moody, giáo sư Triết học, bác sĩ Y khoa, là một nhà nghiên cứu người Mỹ tiền phong về vấn đề luân hồi tái sinh, nói rằng, sự hiểu biết về hiện tượng có đời sống khác sau đời sống nầy (life after life) đã được giấu nhẹm rất kỹ cho đến bây giờ. Nếu ai muốn tìm hiểu xem người Mỹ nghĩ thế nào về luân hồi chỉ việc vào thăm Google, gõ chữ “books on reincarnation” thì thấy một con số khổng lồ, hơn hai triệu tài liệu gồm sách và các bài luận giải về nhân quả và luân hồi… Ai sinh ra rồi cũng đến ngày phải từ biệt cuộc đời theo qui luật sanh- già-bệnh-chết. Trong kiếp luân hồi vô định thì sanh, già, bệnh, chết rồi lại sanh... Tương tự như các mùa của thiên nhiên: xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân... Cứ như thế chuyển luân nhưng chẳng mùa xuân nào giống mùa xuân nào. Cũng vậy, chẳng sự tái sanh nào giống đời sống nào. Đó chính là bản chất của thuyết Vô Thường – Vô Ngã. Chỉ có sự kết ràng duy nhất đó là những hạt nghiệp mà ta đã gieo từ vô thủy kiếp cho đến nay và mãi về sau nữa. Những hạt nghiệp đã được gieo nầy chịu sự chi phối của luật Nhân – Quả. Nghiệp báo là những quả trổ sẽ quyết định hình thức tái sanh và kiếp sống tiếp theo của ta. Vậy thì điều quan trọng hơn cả là sự chuyên tâm chính ý tu nghiệp ngay trong kiếp hiện tiền để có được đời sống an lạc và đồng thời chính là chuẩn bị hành trang tốt để đi qua thế giới khác. Nói một cách nôm na thì hãy nên coi thân tứ đại nầy giống như một phương tiện giao thông để ta dùng trong hành trình không biết điểm khởi thủy cũng chẳng rõ chốn tận cùng. Phương tiện ấy ví như một chiếc xe, khi đã cũ hỏng phải rời bỏ thay cái khác thì nên vui chứ có chi phải buồn!