Chúng tôi được cấp một khoản kinh phí để dựng tượng đại thi hào Adam Mickiewicz [1]. Song vì có nhiều nhu cầu nên chúng tôi đã mượn tạm khoản tiền này để chi cho các việc khác. Thi hào vốn yêu quý dân tộc mình, cho nên chắc ông không phản đối. Tuy nhiên, sắp đến thời hạn khánh thành tượng với sự hiện diện của lãnh đạo cấp cao của địa phương. Chúng tôi bèn triệu tập một cuộc họp. - Thưa các quý vị! - Giám đốc khai mào. - Tình hình gay. Thi hào có nhiều cống hiến, tiền đã được cấp, tượng đài không. Làm sao bây giờ? Vấn đề quả là gay go. Bệ tượng thì dễ, chỉ cần một tảng đá to đặt lên vạt cỏ là xong. Nhưng hình người thì lấy đâu? Lại phải làm bằng đồng đỏ, móc đâu ra ngần ấy tiền. Còn phải thuê nghệ sĩ đúc tượng nữa chứ, khoản này cũng ngốn ối bạc. Trong thị trấn của chúng tôi có một ông về hưu. Chúng tôi bèn đến gặp ông ta và đề nghị: - Ông sẽ đứng trên bệ đá trong tư thế tượng đài và đóng vai Mickiewicz. Vinh dự cho ông mà lại được trả thù lao. Chỉ có điều, tuyệt nhiên ông không được nhúc nhích, dù chỉ là một milimét, không được nghiêng ngả, ngay cả gãi ngứa cũng không. Ông nghỉ hưu, ối thời gian, công việc nhẹ nhàng, ngoài trời, thoáng đãng, còn khoản thù lao ông sẽ được nhận cũng tốt cho ông - Thế liệu tôi nằm có được không? - ông già nói. - Chân tôi hồi này yếu lắm. - Ông muốn hơi nhiều đó. Trường hợp này là may cho ông, vì không phải là tượng Nữ thần chiến thắng. Nếu là Nữ thần chiến thắng thì ông phải đóng vai một phụ nữ, hở ngực, vác thanh kiếm nặng chịch, to đùng. Lễ khánh thành diễn ra suôn sẻ. Trước mắt những người dự lễ, thi hào hiện hữu như còn sống. Ngài vận y phục đuôi dài, sách cắp nách, một tay cầm bút lông, tay kia chỉ về phía xa. Đầu đội vòng nguyệt quế. - Đẹp, - đại diện chính quyền khen. - Rất thực. Phải cái nét mặt nom có vẻ không thông minh. Một thời gian sau mọi chuyện đều tốt đẹp. Mỗi ngày tám tiếng ông già đứng trên tảng đá theo đúng yêu cầu, lúc nào đau chân thì lão sang ngồi bên quán rượu đối diện và đợi tín hiệu khi có đoàn tham quan hoặc khách đến xem. Khi đó ông già bò trở lại và đứng trên bệ tượng, có khi đầu lão hơi lắc lư, khách tham quan cứ nghĩ đó là tại gió. Mỗi năm lão được bốn tuần nghỉ phép. Lúc đó chúng tôi treo lên bệ tượng tấm biển đề “Tượng đang sửa chữa”. Nhưng rồi ông già bắt đầu yêu sách. - Trong hợp đồng không nói gì đến khoản chim bồ câu, còn bây giờ chim bồ câu thường vô lễ đối với tôi. Tôi yêu cầu tăng thù lao. Lão được chiều theo ý, nhưng ngần ấy với lão vẫn chưa đủ. - Họ viết cả lên người tôi, - lão nói, - viết bằng bút chì hoặc bút bi thì không đến nỗi nào. Đằng này hôm qua có một thằng cha dùng đinh sắt nhọn viết lên người tôi: “Tôi đã đến đây. Zbyszek”. Chúng tôi đành thêm cho lão một ít tiền, nhưng ngay cả như vậy cũng không xong. Đòi hỏi mỗi ngày càng tăng. - Là Mickiewicz, - lão nói, - thì tôi phải được đi Paris để nghiền ngẫm nét nhớ cố hương hiện trên mặt. Độ hai tuần là đủ. Sang Paris thì quá lực của chúng tôi, rút cuộc chúng tôi đã gửi lão đi Matxcơva. Lão tha hồ mà nhớ. Chú thích: [1] Đại thi hào Ba Lan