Tựa
Phóng sự chiến trường của nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên

Tôi vẫn thích tiểu thuyết về chiến tranh, thích những cơn lốc cảm xúc ghê gớm của con người trong những tình thế cực đoan, những sự hãi đến kinh hoàng, những mừng vui như sóng ùa vào, như núi đổ xập xuống làm cười to, làm lặng căm, làm bùi ngùi nhỏ lệ. Đúng thế, ở đó, chỉ có ở đó, ở bờ vực của sự sống và cái chết, mới có tình bạn, mới có ý nghĩa của sự sống và tình ái tới mức đam mê. Bi kịch, với những người sống chết ở chiến trường được dựng lên trên sân khấu lớn của thiên nhiên với bối cảnh là núi thật, sông thật, tiếng súng thật vang vang, viên đạn thật xuyên qua cơ thể, màu đỏ tươi chuyển qua đỏ sẫm trước khi chuyển qua tím đen chan hoà trên mặt đất thật sự, thì làm gì còn có tình cảm giả trá, yêu đương trục lợi, nhớ hão thương hờ. Tình bằng hữu ở đó là người bạn lao mình lên phía trước truy cản đở lấy viên đạn cho người bạn còn ở lại phía sau. Hình ảnh của người tình, người vợ, hình cha mẹ, dù nhỏ bằng bàn tay, dù cất dấu trong trí nhớ là những mặt trời của giao thông hào, của đêm biên trấn, của chiều bay trên lửa đạn, mặt trời kỳ lạ, có hơi ấm của mặt trời thiên nhiên tích tụ một ngàn năm. Sợ như chưa từng sợ, vui như chưa bao giờ vui thế, cảm xúc ở chỗ vũ bão nhất của cảm xúc, đam mê đến tận cùng, cho nên, những người từ cõi chết đó trở về hơn một người trở thành xa cách trong thế giới bình an, thế giới của những đam mê phân nửa, cảm xúc nhẹ nhàng, thế giới mà sự sống, so với sự sống bên bờ vực cái chết, chỉ còn là một phó bản của sự sống.

Tôi thích tiểu thuyết chiến tranh từ khi còn đi học. Thích Chiến tranh và hoà bình. Thích Pilote de guerre. Thích Le silence de la mer. Thích Hồi chuông báo tử đổ cho ai? St Exupery, tác giả Pilote de Guerre, nhìn chiến tranh từ trời cao. Vercors, trong Niềm Im Lặng Của Biển Cả, nhìn chiến tranh từ một thành phố bị chiếm đóng. Có cây viết nhìn chiến tranh từ Bộ tham mưu hành quân, người này ở mặt trận miền Tây, người kia trong tiểu đội du kích Tây Ban Nha, có người mang lại cho chúng ta cuộc chiến nhìn từ một giao thông hào, cuộc chiến từ tiềm thủy đĩnh ở đáy biển.

Chinh Chiến Điêu Linh của Kiều Mỹ Duyên là cuộc chiến nhìn từ lỗ châu mai của những đồn Địa phương quân ở Sơn Tịnh, ở Minh Lang, ở Sa Huỳnh, ở Đức Phổ, ở Ba Tơ. Cuộc chiến của đoàn quân mà Kiều Mỹ Duyên yêu mến bị vây hãm bởi Sư Đoàn 3 Sao Vàng, trước, Sư Đoàn 304 và 308, sau, bị pháo kích như mưa bởi những họng đại bác của Trung Đoàn Pháo 38, bởi những dàn phóng của Trung Đoàn Tên Lửa 84.

Điêu linh của chiến tranh không phải chỉ có mặt tại những đồn binh bị vây khổn, còn có mặt ở những làng mạc bốc cháy, những ngôi trường học bỏ hoang vu. Kiều Mỹ Duyên di chuyển cùng những em học sinh bị thổi bay trong lửa đạn di tản từ phía Nam khởi đi từ Hương Trà, Phú Vang, từ Cam Lộ, La Vang, Hải Lăng, Quảng Trị. Kiều Mỹ Duyên, cùng với những đồng nghiệp, những Barney Seibert, của UPI, Sam Kai Faye, của ABC, cùng Enrico Iacobucci, Ý, Ted Kurrus, Mỹ, nhìn cuộc chiến từ bên bờ sông Mỹ Chánh, từ điểm tựa đóng quân nhất định không lùi thêm một tấc đất nào nữa của Đại tá Phạm Văn Chung. Kiều Mỹ Duyên nhìn cuộc chiến ngày đó ở ngay chân cổ thành Quảng Trị, nhìn lá cờ được kéo vút lên cao trong đêm, lá cờ bay, "cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu" được nhìn thấy lần đầu ngay khi tiếng súng còn vang động cùng khắp, lá cờ bay mà Ted Kurrus so sánh với lá cờ ở Iwo Jima. LŸ cờ bay ở cổ thành Quảng Trị mà nhiều người trong chúng ta nhìn thấy qua hình ảnh bài hát của Phạm Duy, nhiều người đã đến vùng đất cằn sỏi đá này đã nhìn thấy tận mắt nền vàng sọc đỏ, Kiều Mỹ Duyên đã nhìn thấy cờ bay trên trời cao và cờ bay trong đáy mắt anh Binh Nhất Hồ Khang, người giữ và cắm lá cờ trên đỉnh cao của Cổ Thành, Hồ Khang Binh Nhất, trong Toán Quyết Tử cắm cờ của Binh Nhất Trưởng Toán Trần Tâm. Kiều Mỹ Duyên nhìn thấy lá cờ bay trong mắt Hồ Khang, khi đi. Không bao giờ nhìn thấy trong mắt Hồ Khang trở về, người anh hùng đã chết khi thi hành nhiệm vụ. Lá cờ bay bằng Máu quê hương.

Người ký giả chiến trường và nhà văn viết tiểu thuyết chiến tranh khác biệt: người thứ nhất có trong tay sức mạnh của thực tại, người thứ nhì xử dụng quyền lực của hư cấu. Tiểu thuyết chiến tranh là sự sâu thẳm đào xuống sâu hơn nữa, có khi xuống tới kiếp người, khởi đi từ hố sâu của chiến hào, phóng sự chiến trường là chiều rộng, là cái rộng lớn mênh mông ghê gớm của những thân người đã đổ la liệt trên chiến địa, là chiều rộng chi chít những sự kiện có thật, thật đến nỗi phần đất nhỏ còn dành lại cho tác phẩm như chữ, như dụng văn, như hoàn chỉnh bố cục dù sáng chói đôi lúc vẫn hiện ra bị lấn áp. Chiến trường của Kiều Mỹ Duyên trong Chinh Chiến Điêu Linh cũng mênh mông. Khi thì người nữ ký giả chiến trường này mang lại cho chúng ta cái nhìn đêm cổ thành kéo cờ oanh liệt, cặp mắt ngơ ngác của những em nhỏ bỏ trường học Hương Trà lại phía sau lưng, khi thì Kiều Mỹ Duyên mang lại cho chúng ta cuộc chiến nhìn từ bờ sông Mỹ Chánh. Kiều Mỹ Duyên nhìn cuộc chiến từ phi cơ L19, cái nhìn hướng dẫn hành quân, quan sát mục tiêu, phối hợp hoả lực. Chương khác là cái nhìn cuộc chiến từ trực thăng tải thương. Chương Biên Trấn là cuộc chiến nhìn từ căn cứ hoả lực 5 Tam Biên với Liên đoàn 81 Biệt cách Dù với bác sĩ nhà văn Ngô Thế Vinh, với Trung Tá Lân, Trung TŸ Thông, người đóng phim Người Tình Không Chân Dung, Trung tá Phan Văn Huấn, Liên đoàn trưởng. Phóng sự chiến trường bám sát thực tế, bay lượn cùng khắp với kích thước của thực tế, chi chít thực tế, sôi động thực tế, bát ngát thực tế, ngơ ngác thực tế, ngậm ngùi thực tế, Chinh Chiến Điêu Linh của Kiều Mỹ Duyên, sách gấp lại còn bàng hoàng, còn nhớ mãi trên trời cao có những giải mây tuyệt vời có những cái tên rất văn chương như "Mùi Máu Tươi Trong Rừng Cây Khuynh Diệp", như "Chiều Mưa Trên Đồi Sim", như "Bay Trên Lửa Đạn", như "Chàng Từ Khi Vào Nơi Gió Cát", còn nhớ mãi trên mặt đất những thân thể của bằng hữu ngã đổ, máu đỏ chan hoà cùng khắp, trong mắt, trên mặt, trên thân thể, dưới vạt áo của Mẹ Quê Hương.

Tôi rất yêu cuốn sách này của Kiều Mỹ Duyên.

Nguyên Sa