Phần II
Huyền thoại đạo sĩ Cấm Sơn

VI. 
  Qua bao đời, núi Cấm vẫn còn lưu truyền những chuyện kỳ bí, và cái thời thú dữ như hùm beo, mãng xà, rắn độc... còn ngự trị trên ngọn núi cao vời vợi này thì đây cũng là nơi các đạo sĩ, chí sĩ ẩn danh giúp đời. 
Dựa vào bộ sưu khảo "Nửa tháng trong miền Thất Sơn" và "Thất Sơn mầu nhiệm" do cụ Nguyễn Văn Hầu biên chép, chúng ta có thể biết thêm vô vàn chuyện kỳ bí về vùng đất bán sơn địa này. Cụ Hầu có đề cập đến các đạo sĩ tài danh ẩn thân thâm sơn cùng cốc như Bảy Do, Cử Đa và Đơn Hùng Tín..
 Được biết, từ năm 1919 tại sườn núi hoang vắng này xuất hiện một thảo am với một đạo sĩ quê Bến Tre khoác áo tràng đen, đi chân đất, đầu búi tóc, ngày hai buổi ngồi thiền, đến đêm lại luyện võ dưới bóng trăng. Đạo sĩ đó là Bảy Do tức Nguyễn Văn Do - cháu của người anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân. Chán cảnh nước mất, giặc Pháp bạo tàn nên ông Bảy Do lên núi Cấm tu đạo cứu đời. Ông xây chùa đặt tên Nam Cực Đường và thu nhận môn đồ, chí sĩ yêu nước.
Cụ Cử Đa chán cảnh ngoại bang ngang ngược nên bỏ chức lộc gia nhập theo nghĩa quân Thủ Khoa Huân chống Pháp. Khởi nghĩa thất bại cụ Cử Đa đã tới non cao hiểm trở này ẩn danh tu đạo lấy hiệu Ngọc Thanh.
 
Người dân còn truyền tụng về đạo sĩ Lê Văn Tín, vốn ở rạch Cái Sao, làng Nhị Mỹ, quận Cao Lãnh cũ. Tín là tá điền thấy địa chủ và thực dân bóc lột đàn áp dân nghèo nên căm phẫn lên non cao tầm danh sư. Sau đó, Tín xuống núi đi cướp của bọn giàu có bất nhân chia cho người nghèo. Tín rất thích biệt danh Đơn Hùng Tín - tên một vị tướng trung dũng Trung Quốc, riêng dân bạn Biển Hồ (Campuchia) tâm phục nên thành kính gọi Tín là Luôn Tín. Với tài nghệ xuất quỷ nhập thần, Tín đã gây kinh hoàng cho bọn ác bá và nhà cầm quyền Pháp. Nhà văn quá cố Nguyên Hùng khi đề cập đến các nhân vật "giang hồ lục tỉnh" đã thương cảm rằng Tín sanh bất phùng thời.
Sau thời của ông Bảy Do, Cử Đa, Đơn Hùng Tín, chúng tôi còn nghe có các đạo sĩ mai danh trên núi Cấm như ông Trương Minh Thành, Mười Hột, Sáu Phu. Ông Thành hiền lương, sống xa thế tục, chọn chốn non cao ngồi thiền, luyện võ thuật. Giỏi võ nhưng ông dùng sức mạnh đó để diệt trừ các loài mãng xà, ác thú hại người. Có truyền thuyết rằng có con mãng xà vương tên là Phi lân xà hại dân lành. Hay tin, ông Thành đã hạ sơn trừ hại rắn dữ…
Nhưng người khai hoang đầu tiên trên Núi Cấm không phải là đạo sĩ vừa kể mà là vào những năm 1850,ông Đoàn Minh Huyên, người đời sau còn gọi là Phật thầy Tây An đã cùng với rất nhiều môn đệ đặt những bước chân đầu tiên lên đỉnh Núi Cấm. Phật thầy đã thực hiện giáo lý tự tu tự độ, hướng dẫn môn đệ khai hoang nhiều nơi ở miệt An Giang, Núi Cấm là một vùng trong số đó.
 
Ban ngày các tín đồ đi khai hoang, đêm về thì lễ bái, niệm Phật, tham thiền. Theo tinh thần vô vi, nhập thế, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương dù xuất gia cũng vẫn phục sức như người thường và tự làm lấy để sống mà tu. Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương nhiều người đã tuân theo thuyết nhập thế ấy, hòa với chúng sinh để giúp đời.
Phật thầy Tây An có 2 đại đệ tử là cụ Đình Tây và cụ Tăng Chủ, 2 cụ có đức lớn, đạo pháp uyên thâm, võ dũng phi thường. Có một truyền thuyết về cụ Tăng Chủ thế này: cụ Tăng võ nghệ rất giỏi, hình vóc cao lớn, miệng rộng, tai dài, tiếng nói sang sảng. Ông có tài áp phục thú dữ, có lần ông Tăng Chủ một mình cầm mác rượt... cọp, khi đánh con cọp bất tỉnh, ông không giết mà lại thả cọp về rừng, từ đó, con cọp cũng “tu” và không dám bén mảng tới khu dân ở…
VII.Và đạo sĩ cuối cùng trên đỉnh Cấm Sơn
Háo hức với huyền thoại về các đạo sĩ một thời tạo nên truyền kỳ Thất Sơn, chúng tôi quyết định vượt dốc ngàn lên núi Cấm với hy vọng có chút cơ duyên gặp lại các truyền nhân mai danh ẩn tích. Anh xe ôm tên Lành quả quyết rằng trên núi này còn nhiều đạo sĩ lắm, đạo sĩ Tư Cao, đạo sĩ Năm, Ba Lưới. Vị đạo sĩ thâm niên nhất là Ba Lưới, có mặt trên núi Cấm thời trai trẻ và từng đánh chết mãng xà. Ba Lưới được dân núi kính trọng bởi ông sống một đời hiền lương. Ông cũng là người thông thạo các loại thuốc quý hiếm trên đỉnh Thất Sơn và hết lòng bốc thuốc cứu người.
 
Trước mắt chúng tôi là một đạo sĩ đạo mạo với gương mặt đẹp lão. Năm nay đã 88 tuổi nhưng ông Ba Lưới vẫn còn minh mẫn, tinh anh. Theo ông Lưới thì sau thời ông Trương Minh Thành, ở Vồ chư thần có hai anh em là Sáu Hột, Mười Phu tu luyện cùng thiên nhiên, mây ngàn. Hai ông rất giỏi võ và dùng võ học đánh thú dữ, trừng phạt kẻ bạo ngược. Những vị này đã tạ thế nhưng đạo hạnh và tấm lòng vì dân vẫn được truyền tụng.
 
 
Ba Lưới kể, ông tên thật là Nguyễn Văn Y, quê gốc ở Chợ Mới, An Giang. Năm 20 tuổi, mến cảnh rừng thiêng nên một mình can đảm vượt non xanh tầm sư. Lúc đó, núi Cấm đường dốc trơn tuột chưa có lối mòn sẵn như bây giờ, cây to che phủ tứ bề, sơn lam chướng khí trùng trùng, 3 - 4 giờ chiều là nắng hết rọi tới. Mỗi khi trèo non vượt núi phải gánh gạo, mắm thóc theo nên đi đứng khó khăn lắm. Giữa chốn u tịch hoang vắng rợn người này ai chân yếu, tâm linh xằng bậy, một tiếng hổ gầm, rắn độc ngáng lối cũng có thể khiến bủn rủn té nhào. Những năm 1945 - 1947, cọp beo, rắn rít, heo rừng tràn đầy, có lúc gặp cả thú hiếm như bạch hổ và hắc hổ. Còn rắn mãng xà to cỡ như rắn hổ mây thì lềnh khênh!
 
Ông Ba Lưới còn nhớ, nếu không có võ công và đảm lược mình đã làm mồi cho hổ mây đen. Trưa đó đang lên dốc núi, đột ngột thấy một khúc đen thui nằm vắt ngang cây, ông lạnh mình khi thấy đó là con rắn hổ mây trên 140 kg. Nghe động, nó ngóc đầu dậy nhìn ông bằng cặp mắt đỏ ngầu. Biết không tránh khỏi cuộc ác đấu nên ông lùi lại cầm cây đòn gánh xuống tấn thủ bộ. Từ trên cây, rắn rít lên và vung đuôi lao tới như gió lốc. Ông Ba Lưới bình tĩnh nhìn rõ cái chóp đuôi di chuyển rồi lấy sức quét cây đòn gánh vào cổ rắn. Chỉ nghe một tiếng rốp khô khan con rắn bất tỉnh và cây đòn gánh gãy làm đôi.
Lần thứ hai, ông Ba Lưới lại đụng đầu con rắn hổ mây đen khoảng 60 kg và cũng đánh chết nó. Ông Ba Lưới nói, 15 năm trước ông cũng mở cửa nhận môn đồ dạy võ công nhưng phần đông học để khoe mã, cậy thế làm xằng nên chán nản ông đóng cửa bế môn.
Nhưng núi Cấm đâu chỉ có hùm beo, mãng xà, nó còn là kho thuốc với các loại dược liệu quý hiếm. Trầm hương, một loại cây quý cũng từng mọc ở nơi này. Mỗi vị thuốc công năng công dụng khác nhau được ông Ba Lưới hết lòng vun dưỡng, nuôi trồng phòng ngừa giúp người gặp nạn. Người dân đánh nhau u đầu bể trán hoặc bệnh thổ tả, sốt rét hay đau khớp, gai sống, viêm thần kinh, động phong, đau đầu, đều tìm đạo sĩ Ba Lưới cầu cứu. Trên đỉnh núi xa lắc xa lơ này nếu không có những bài thuốc quý và tấm lòng như Ba Lưới dân núi khi lâm bệnh hiểm nghèo khó mà xoay xở được.
 
Ông Ba Lưới chỉ buồn một nỗi: "Các cây thuốc hiếm hồi xưa mọc nhiều nay mười phần tiêu hết tám. Mấy thứ dược liệu như dây điển điển núi, sâm đất, ngải móng trâu, đỗ trọng, hồng khấu, sa nhơn, kỳ nam, ngải tượng, cam thảo... khó tìm lắm, có khi phải mò khắp mấy triền núi vắng mới mong có mà bốc thuốc cho bệnh nhân. Ngày xưa, tao tầm được thuốc quý phải khấn vái chư thần, coi cây nào nhổ được cây nào dưỡng, không phải nhổ ráo trọi, bứng gốc bẻ cành láng lềnh như mấy "ông thầy bà" bây giờ đâu!".
 
Huyền thoại và sự thật về các đạo sĩ Cấm Sơn chân tu xưa nay là vậy. Song lần hồi, cuộc sống xô bồ xô bộn, nhiều "đạo sĩ dỏm" đã dựa vào chốn linh thiêng, lừa gạt nhân gian làm điều bất chính. Chẳng hạn như "đạo sĩ" H.K ở núi Bạch Hổ mượn các trò đồng cốt, hay như "đạo sĩ" H. mở am truyền đạo thu hút nhiều nữ đệ tử bày trò mờ ám. Hoặc là chuyện "đạo cô" Tư hay ngồi dưới gốc cây bồ đề gần chùa Phật Lớn để xủ quẻ bói xằng bậy cho khách…
VIII.Tạm kết bài viết:
Không có cái dáng dấp hùng vĩ và trùng điệp như những dãy núi ở Tây Nguyên, nhưng nơi núi non này nổi tiếng là vùng bốn mùa cây lá xanh tươi, khí hậu mát mẻ, trong lành; nên được mệnh danh là "Đà Lạt 2".Một ý nghĩa khác nữa, núi Cấm ở An Giang còn là một phên dậu mà thiên nhiên đã ban tặng để bảo vệ vùng đất phía tây của đất nước.
Điều đáng nói nữa là 70% cư dân trên núi Cấm sống nhờ vào nương rẫy như trồng su, tiêu, cải xà lách xon… nên cũng khá bấp bênh.Chỉ một số ít sống được nhờ vào “du lịch”.Kề cận chùa Phật Lớn giờ đây đã có nhiều nhà trọ giá rẻ; một khu chợ, hàng hóa cũng khá đủ đầy.Dọc đường đi, du khách có thể thưởng thức món trái su non đem luộc chín nguyên trái, tôi bảo đảm món bầu bí luộc phải nhường cho nó đứng đầu. Nhưng khoái khẩu nhất là món bánh xèo, bánh chay hay mặn đều có, ăn kèm với đủ loại rau rừng lắm hương vị mà ở đồng bằng không sao tìm được; với giá cả khá dễ chịu…
Hiện nay, tỉnh An Giang cho tráng nhựa tuyến đường mòn từ chân núi đến chùa Phật Lớn. Đây là tuyến đường chính giúp khách hành hương vừa rút ngắn cuộc hành trình vừa đỡ vất vả. Trong tương lai, sẽ có thêm các loại hình giao thông từng đoạn như cáp treo, xe ngựa...
 
Khu du lịch cũng sẽ ra sức bảo tồn rừng nhiệt - ôn đới, gồm cây, thú, rừng đặc chủng, rừng hỗn giao, rừng trồng để xanh hóa môi trường và làm phong phú cảnh quan, đồng thời mở thêm các cụm dịch vụ du lịch với các khu nghỉ dưỡng, khu di tích và làng văn hóa, khu du lịch hành hương với diện tích cả ngàn hec-ta, đặc biệt là khu chùa Vạn Linh nằm cạnh khu rừng bốn mẫu trồng toàn tràm bông vàng và keo tai tượng, quanh năm xanh mát.
Khi chùa Phật Lớn được trùng tu, nâng cấp, hồ chứa nước 60.000m3 đưa vào sử dụng, núi Cấm sẽ hình thành nét hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với cảnh quan nhân văn, giữa công trình kiến trúc và công trình thiên tạo…
Tất cả sẽ giúp nhiều người dân nơi đây có cuộc sống đủ đầy hơn và núi Cấm khi ấy thật sự trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, giáo dục, lịch sử; thật sự mang một sắc thái riêng của Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn
 
 Tài liệu tham khảo:
 
-Nguyễn Văn Hầu, sách “Nửa tháng trong miền Thất Sơn”.
-Theo Bảo Tuấn, báo Nhân Dân…
-theo web của sở du lịch An Giang
-Thanh Dũng, báo Thanh Niên ra ngày 01 tháng 01 năm 2002
-Trần Quang Mùi, báo Thất Sơn số 40, tháng 6 năm 1998

Xem Tiếp: ----