CHƯƠNG 1
MÂU THUẪN

Cuối thu năm Kỷ Sửu (929) bão tố trên biển Đông tạm lắng xuống, những cơn mưa dai dẳng đến khó chịu đã qua đi, người ta chợt nhận thấy một bầu không khí êm ái lạ thường tại đất Giao Châu. Buổi chiều hôm ấy khi cánh cổng thành Đại La còn mở cho từng đoàn xe lái buôn, gánh hàng tiểu thương lục tục rời khỏi, con dân trong thành cùng những vị khách lỡ độ đường lặng lẽ tiến vào dưới sự kiểm tra chặt chẽ của đội lính gác thì cánh cổng Phủ Tiết độ sứ đã đóng im ỉm. Nắng vàng nhạt rải lất phất từ cổng dọc theo con đường nhỏ, vượt khoảng sân rộng vòng qua Hán Văn đường, nghị đường của Tiết Độ Sứ, nhảy múa trên thảm cây xanh xen lẫn những khóm hoa rực rỡ đầy màu sắc rồi dừng chân bên cạnh Tĩnh Tại Đình. Đình Tĩnh Tại là ngôi đình bát giác xoay về phương bắc được dựng bằng gỗ lim, chóp nhọn mái vểnh nằm cạnh cái hồ nhỏ trong vườn, giữa đình đặt chiếc bàn tròn với ba chiếc ghế dựng chân kiềng, góc đình đặt chiếc ghế tựa nhìn ra hồ. Mặt nước hồ u tịch cùng những cành liễu rủ lờ lững trong cái không gian cô đọng này thường khiến Tiết độ sứ cảm thấy bình an. Ngài là người Hán nhưng phải cai quản cả vùng đất Giao Châu rộng lớn đầy biến cố của người Việt. Ngài phải lo con dân sống sao cho sung sướng bằng cách đặt ra vô số loại sưu thuế, phải giúp cho mảnh đất này phát triển bằng cách yêu cầu người ta đi phu, đi lính, khai thác triệt để những mỏ vàng, mỏ bạc, phải thể hiện cho chủ của ngài, đức vua Nam Hán anh minh, luôn thấy ngài làm tốt công việc chẳng như những lời sàm tấu từ đám cận thần đố kỵ cho rằng ngài không hết lòng với triều đình. Tiết độ sứ cần mẫn tìm ra những vướng mắc và nhanh chóng giải quyết, để đưa Giao Châu đến sự ổn định, nhiệt tình giúp dân Việt hiểu được giá trị quý giá của lao động và thay mặt Hán Vương bóc hết những mảnh màu mỡ tại nơi đây. Ngài kín đáo làm gia sản bản thân phình ra bên trong mà vẫn giữ sự thanh bạch bên ngoài và.. nhiều nữa chẳng thể kể xiết. Nói chung thì khó tìm được người nào xuất sắc hơn trong cương vị này và Hán Vương phải ghi nhận với nhiều lần trọng thưởng. Tốt đẹp là thế nhưng chẳng hiểu sao gần đây người ta thường thấy Tiết độ sứ  tìm đến đình Tĩnh Tại?? 
Mọi chuyện xuất phát từ đám phản tặc đang mọc lên loạn xị như nấm sau mưa, cháy lan tràn như lửa gặp gió lan vào đám cỏ khô tháng sáu. Tiết độ sứ  dập chỗ này nó bùng chỗ khác, chặn dằng trước nó vòng đằng sau. Với những nỗ lực to lớn, ngài dẹp được hết các đám nhỏ rồi chúng lại tụ thành một đám lớn, ngài cho người đàn áp bọn phản loạn ở Hồng Châu, Trường Châu, Hoan Châu để chúng chạy cả về ái Châu, nơi ẩn náu của kẻ thù đáng ghét nhất cũng như nguy hiểm nhất xứ này.
Chiều nay, Tiết độ sứ  lại mệt mỏi ngồi vào chiếc ghế tựa trên đình. Đầu ngài còn hơi váng sau bữa tiệc rượu buổi sáng cùng tướng quân Lê Khắc Chinh, Tổng chỉ huy quân đội, kỷ niệm 6 năm ngày nhậm chức. Còn nhớ mùa thu năm Quý Mùi (923), lấy cớ họ Khúc tự ý hủy bỏ giao hiếu giữa hai nước, Nam Hán Vương sai tướng Lê Khắc Chinh dẫn tám vạn quân vượt qua biên giới đánh một mạch đến thành Đại La. Quân Giao Châu tan tác, Tiết độ sứ  Giao Châu là Khúc Thời Mỹ bị bắt sống giải về kinh. Hán Vương Lưu Cung ban chiếu thiết lập ách đô hộ. Trong triều có quan Đô uý Lý Tiến tuổi sắp tứ tuần vốn là người cơ biến, nhận thấy con đường hoạn lộ của mình đang gặp trở ngại vì Lưu Vương chỉ tin dùng người trong họ, đã dâng biểu xin tiếp nhận chức Tiết độ sứ  nơi đất Việt xa xôi. Lưu Vương chấp thuận và độ hơn tháng sau khi người Hán làm chủ Đại La thành, tân Tiết độ sứ  Giao Châu lên đường nhậm chức. Thời gian thấm thoát trôi qua, bàn tay khôn khéo của Tiết độ sứ  cầm cương con ngựa Việt cùng lưỡi gươm cương quyết của Lê tướng quân phá bỏ những trở ngại trên đường, đã đưa cỗ xe Giao Châu chạy theo ý muốn của Hán Vương, hay đúng hơn là theo ý muốn của ngài. Vượt qua những thủ đoạn từ đơn giản đến tinh vi, những đòn công trực tiếp cũng như gián tiếp của cả kẻ thù lộ mặt lẫn đối thủ giấu mặt, sự kết hợp hài hoà của bộ đôi thống soái một nhu một cương này luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến đi trong suốt quãng đường dài. Thành công ấy đáng để ăn mừng lắm chứ!
DÙ RẰNG THỬ THÁCH MỚI THỰC SỰ BẮT ĐẦU
Ngày trước, quân Nam Hán với sức mạnh vượt trội dễ dàng đè bẹp mọi sự kháng cự của người Việt, đám thân tướng của Khúc Thời Mỹ lớp bị bắt, lớp tử trận, chỉ còn sót hai người là Võ Thiên Nam và Dương Đình Nghệ. Năm ngoái, Võ Thiên Nam trỗi dậy ở Hồng Châu, căn cứ cũ của họ Khúc, Lê Khắc Chinh đích thân đem quân chinh phạt, giằng co mất nửa năm cuộc bạo loạn mới bị dập tắt. Nhưng trận chiến cuối cùng tại Thanh Yên trấn, Võ Thiên Nam không biết bằng cách nào thoát khỏi vòng vây khiến Tiết độ sứ  phải vào cuộc. Một tấm lưới được giăng ra chờ con cá cùng đường kết hợp với những kế hoạch được sắp đặt lâu nay nhằm xoá luôn mối đe dọa mang tên Dương Đình Nghệ, thủ lĩnh ái Châu. Kẻ cướp đường đáng sợ này sinh ra tại làng Ràng (Dương Xá) nổi tiếng với mưu trí cùng tài thao lược, sớm nhìn thấy tham vọng mở rộng bờ cõi của Hán Vương đã lập ra một chiến lược phong thủ Giao Châu, tiếc rằng Khúc Thời Mỹ không dùng. Khi Giao Châu thất thủ, họ Dương chạy về quê, Lê Khắc Chinh dồn lực đuổi theo quyết tâm chặt đứt mầm họa. Chẳng may đường đi ái Châu lại xa xôi hiểm trở, quân Nam Hán như mũi tên bay hết tầm không còn đủ sức xuyên phá và cái tin tàn quân Phong Châu tập kích Đại La thành đã cứu thoát Dương Đình Nghệ…
Chiều tàn dần, đám gió thu bắt đầu chơi những bản đàn lá quen thuộc, đèn đuốc trong phủ được thắp lên kéo Tiết độ sứ  khỏi sự mơ màng. Ngài lững thững rời đình. Gió thổi mạnh, vài chiếc lá tách khỏi cành lả lướt trên không, một trong số chúng khẽ đậu vào vai Tiết Độ Sứ. Trời đất chuyển mùa khiến lòng người nao nao. Cách đó vài bước chân, người làm vườn đang cắt tỉa mấy khóm mẫu đơn thấy Tiết độ sứ  vội bỏ con dao, cúi mình chào. Tiết độ sứ đến gần, hỏi:
- Bác Tần, độ chừng nào thì hoa nở?
- Thưa đại nhân, cỡ dăm hôm nữa khi trời chớm đông. Người làm vườn đáp lời.
Tiết độ sứ  phu nhân mất đã gần ba năm nay, để lại cho ngài hai đứa con. Công tử theo nghiệp văn, đang học ở kinh thành, tiểu thư về thăm ông bà ngoại từ mùa xuân nên Tiết Độ phủ vốn rộng, càng mở theo chiều trống trải. Ngoài công việc, Tiết độ sứ đành tìm thú vui bên chén rượu, cuộc cờ, dồn sự quan tâm chăm sóc vào khu vườn. Ngài chuyển đá trên núi cao xây giả sơn, bứng gốc cổ thụ nơi rừng sâu tạo bóng mát, đốn gỗ lim dựng Tĩnh Tại đình và cho người lặn lội về Phúc Kiến tìm những khóm mẫu đơn quê hương trồng trong vườn. Nhưng do thủy thổ khác biệt, chúng không chịu nở hoa khiến Tiết độ sứ rất bứt rứt. Một bữa ngài đem chuyện kể với viên quân sư và ông này liền tiến cử bác quản gia họ Tần, cách nhật có mặt tại phủ Tiết độ sứ  trong vai trò của người làm vườn. Nhờ vậy, đám mẫu đơn được đưa vào khuôn khổ và đã sắp sửa ra hoa. Tiết độ sứ  hài lòng nhìn bác làm vườn, một ông già mặt xương mắt nhỏ có bộ râu thưa lốm đốm bạc, hỏi với giọng thân tình:
- Bác là người Sơn Đông?
- Vâng thưa, tôi sinh tại Tế Nam.
- Ngày trước ta cũng đã từng tới Sơn Đông. Mà lâu rồi chắc bác ít có dịp trở lại cố hương?
- Thưa, cũng đã hai chục năm.., từ ngày tệ nội qua đời.
- Ta rất tiếc, Tiết độ sứ bùi ngùi, bác có con cháu gì không?
Bác Tần se giọng:
- Tệ nội mất khi sinh cháu đầu lòng, thằng nhỏ chẳng sống được bao lâu. Tôi chẳng tục huyền và rời quê hương khi loạn lạc nổ ra.
Tiết độ sứ  cúi xuống khóm mẫu đơn:
- Nguyên nhân làm sao mà bác theo hầu Dương quân sư?
- Tôi bị cướp trên đường xuống Giang Nam. May nhờ chủ nhân cứu sống nên nguyện đem thân già đền ơn tái sinh.
- Nghe nói ngày xưa Dương quân sư vốn dĩ rất khỏe mạnh?
- Vâng, thưa đại nhân. Cũng chỉ bởi lúc còn trẻ, chủ nhân vì công việc phải qua lại rừng núi nhiều nên lam chướng tích tụ trong người, giờ phát thành bệnh, phải bỏ dở việc làm ăn
- Ta cũng mong quân sư sớm tiêu trừ hết bệnh tật, mà này…
Tiết độ sứ  giơ tay đón lấy một chiếc lá vàng, nói tiếp:
- Bác về thu xếp ít vật dụng cần thiết rồi quay lại ngụ luôn trong phủ này tới lúc mẫu đơn nở. Ta sẽ cho lão Tiền thay thế bên nhà.
- Vâng, thưa đại nhân.
Tiết độ sứ về thư phòng lấy giấy bút viết vài chữ rồi rung chuông gọi viên thư lại:
- Ngươi cùng lão Tiền sang mời Dương quân sư. Để lão Tiền ở lại đó mấy ngày.
Viên thư lại cung kính đón tờ giấy trong tay Tiết độ sứ, chạy đi tìm lão Tiền, phó quản gia phủ Tiết độ sứ, giúp lão chuẩn bị đồ đạc làm nhiệm vụ ngài giao.
Nằm trong ngõ nhỏ cách Tiết Độ phủ chỉ vài trăm bước chân có ngôi nhà cổng gạch với đôi cánh cửa gỗ sơn đen cùng người gác cổng vui vẻ và một hoa viên nhỏ hơn nhiều và thanh nhã hơn nhiều nơi chúng ta vừa rời khỏi. Bác Tần bước vội vã trên con đường lát đá trong cảm giác dễ chịu, đến cái giếng góc vườn, múc vài gầu nước mát lạnh rũ bỏ lớp bụi bám trên mặt mũi rồi sửa sang quần áo đi gặp chủ nhân.
Dương Phong, quân sư của Tiết độ sứ, năm nay bốn mươi tư tuổi, khổ người trung bình, dáng đi thâm trầm, nước da vàng ệch của người mắc bệnh mãn tính, giọng nói lạnh thỉnh thoảng bị ngắt quang bởi những tiếng ho. Trên khuôn mặt là cặp mắt tinh anh với hàng mi thanh tú, sống mũi thẳng, cái miệng nhỏ của người cương quyết, bộ ria mép xén kỹ và chòm râu dê để theo kiểu giảo hoạt. Ông ta ngồi trong thư phòng và đang suy tính chuyện gì đó.
- Thưa chủ nhân, tôi đã về. Người quản gia lên tiếng.
- Bác ngồi xuống đi. D ương Phong ngẩng đầu hỏi. Tình hình Tiết Độ phủ sao rồi?
- Thưa, mấy hôm nữa mẫu đơn sẽ nở, b ác Tần đáp, Tiết độ sứ  có vẻ rất hài lòng.
- Phải chăng ngài muốn giữ bác ở lại trong phủ dăm hôm?
- Vâng thưa.. lão Tiền đã qua rồi ạ? B ác Tần hơi ngạc nhiên.
- Chưa, là ta đoán thế.
- Vậy xin phép chủ nhân cho tôi qua bên đó. B ác Tần nói.
- Được. Bác xuống nhà chuẩn bị đồ dùng, sau bữa tối thì  sang.
Người quản gia vâng lệnh cáo lui. Còn lại một mình, Dương Phong đến bên kệ sách. Ngăn thứ hai có đặt cái tráp nhỏ bọc nhung. Ông mang cái tráp lại bàn đọc, mở ra. Trong tráp chứa ít giấy tờ không quan trọng lắm, một con dao cán gỗ không chạm trổ và 1 lá thư màu xám được gửi đến từ chiều. Dương Phong chậm rãi đọc một lượt. Thư khá dài. Cửa thư phòng đã được bác Tần khép lúc ra, Dương Phong đọc thêm lượt nữa, khuôn mặt không hề biểu hiện chút cảm xúc nào. Rồi ông châm lá thư vào ngọn lửa của cây nến. Lá thư vừa cháy hết thì nghe có tiếng gọi cha. Cửa mở, một chàng trai trẻ có đôi mắt sáng bước vào. Đó là Vân nhi, đứa con trai độc nhất của ông.
- Con đi đâu cả buổi?
- Thưa cha hôm nay có phiên chợ Đông, con chỉ định đi một lát.
- Sao không lo học?
- Dạ con học rồi. Nhưng con không muốn suốt ngày ôm sách ê a như mấy ông đồ gàn dở.
- Không muốn thành đồ gàn thì bỏ học đi chơi sao? Người cha nghiêm giọng, hỏi.
- Dạ không phải, là con muốn học từ thực tế cuộc sống. Cậu con vội thanh minh.
- Lần thứ năm trong tháng. Người cha nhíu mày. Dường như con muốn nối nghiệp cha ngay từ bây giờ?
- Con vẫn chưa biết. Nhưng sự thật là con có ước muốn được xông pha đây đó, đi nam về bắc giống cha ngày trước, hơn là ngồi nhà ninh nhừ kinh sử, nuôi mọt kiếm ăn. Mà ở đây có thi cử như bên Trung Nguyên đâu ạ.
- Cha muốn con học để hiểu lẽ sống chứ đâu cốt để đi thi. Con muốn giống cha cũng không nhất thiết theo nghề buôn. Cần cân nhắc kỹ vì nếu nối nghiệp cha, con sẽ phải đi 1 quãng đường dài thừa trắc trở và cạm bẫy. Nơi mà những thay đổi làm con bất an, những toan tính làm con mệt mỏi và những thủ đoạn làm con đau đớn. ở đó, luôn có sự đam mê đáng sợ, khiến con không muốn ra khi đã bước chân vào, là họa là phúc còn tùy con quyết định.
- Con không ngại khó, cái chính là được làm nghề mình mong muốn!
- Chỉ có ý chí lẫn sở thích là không đủ. Người cha lạnh lùng. Con cần học nhiều, rất nhiều và liên tục. Con có thể học từ cha lúc khởi đầu, có thể học từ bạn bè, từ cuộc sống cách phát triển và phải học từ thất bại kinh nghiệm để tồn tại.
Ông nói tiếp, ánh mắt sáng lên:
- Lúc này nếu con thấy hứng thú, ta có thể xem xét vài điểm cơ bản trong nghề như quan sát và nhận định. Cụ thể, hôm nay con đã bỏ cả buổi vào phiên chợ để thu được những gì, ngoài thời gian bên cô hàng vải xinh đẹp ngồi gần cửa nam?
Chàng trai thoáng đỏ mặt, đáp tảng lờ:
- Con vào bằng cửa nam rồi ra bằng cửa bắc, con tìm hiểu các loại hàng hóa giá cả, xem cách người ta trao đổi buôn bán. Theo quan sát thì phiên hôm nay diễn ra bình thường, duy chỉ có một điều lạ, gian hàng lớn của lái buôn Hà Tường, bán gạo, củi, dầu tại cửa Bắc, tăng giá gấp đôi bình thường dù vẫn bán loại hàng như trước.
- Ta nhận định là họ tính chuyện đuổi khách?
- Vâng, con cũng nghĩ như vậy. Nhưng theo quan sát có thể thấy cách đó rất dở, bởi nó lại làm người mua đổ xô đến. Chàng trai nói đùa.
- Trong chợ có hàng nào khác không?
- Dạ, chỉ vài hàng nhỏ. Còn lại đều được Hà Tường mua trên giá trước phiên.
- Hay lắm! D ương Phong chợt có hứng thú. Con nhận định ra sao về phiên chợ Tây sẽ diễn ra sau 2 ngày nữa?
- Lúc đó, giá sẽ còn hơn hôm nay nhiều, bởi có tin xe hàng của họ Hà bị quân khởi nghĩa cướp ngay tại Tống Bình. Theo con ông ta là phải đánh bài liều vì sắp có binh biến.
- Con quan sát thấy hàng có bán hết không?
- Dạ có, hàng mở đầu giờ Mùi, bốn người bán cùng ông chủ không ngơi tay đến giữa giờ Dần thì hết.
- Chuyện hàng bị tấn công do phu khuân vác tiết lộ hả?
- Vâng, con nghe nói thế, có gì không ổn thưa cha?
- ừ, D ương Phong ôn tồn. Theo cha thì giá cả tại phiên chợ Tây sẽ rẻ hơn nhiều
- Con chỉ lờ mờ hiểu ý cha. D ương Vân bối rối nói.
Dương Phong vuốt râu, cắt nghĩa:
- Ngày ở Trung Nguyên, cha rất hiếm khi gặp thương vụ buôn chuyến bán phiên nào có thể trụ được 3 canh giờ với độ mua hàng cao như con kể, dù phiên chợ lớn gấp đôi, gấp ba. Bởi tích trữ quá nhiều hàng đồng nghĩa với tích trữ quá nhiều rủi ro. Gần đây dân chúng trong thành luôn lo sợ xảy ra binh biến nên Hà Tường muốn lợi dụng điều này để chơi một ván cờ. Ông ta tận mua gạo, củi, dầu ém ngoài thành rồi tung tin bị cướp, sau đó công khai mua lại của các nhà buôn khác với giá cao để tạo thế độc. Việc tăng giá gấp đôi chính là nước quyết định khiến người mua tin nỗi lo sợ là có thật. Họ không thể không tranh nhau tích trữ. Tất nhiên là hàng bán chạy, khi số lượng mua được lái buôn khác gần hết, Hà Tường cho người bí mật chuyển lượng hàng ém vào thành và kết thúc thắng lợi kế hoạch. Cha nhận định rằng ông ta chơi cờ rất giỏi và những thương nhân khác trong phiên chợ này đã gặp may.
- Nhưng sẽ có nhiều người bắt chước dồn hàng, giá cả phiên tới làm sao giảm xuống được? D ương Vân hỏi lại.
- Thời điểm này, Tiết độ sứ không hề muốn lan tin phản loạn trong dân chúng nên sẽ sớm ra tay dẹp bỏ. Cha nhận định hết ngày mai có thể giải quyết xong và lệnh cấm nâng giá sẽ được ban bố trong phiên chợ tới.
- Có khi nào Hà Tường bị cướp thật không cha?
Dương Phong lắc đầu:
- Không thể, Lê Khắc Chinh tướng quân rải binh bao quanh thành đến hai chục dặm, đừng nói việc cướp xe hàng mà chỉ cần có vẻ khả nghi thôi cũng đã kịp vào đại lao chơi rồi. Bọn phản loạn chỉ là một đám ô hợp ngu ngốc, gặp quan quân như đê yếu gặp lũ hung, sau vài đợt đã tan hoang thành quách. Lê Phương, Phan Tú bỏ mạng trên Phong Châu, Võ Thiên Nam hút chết tại Thanh Yên, lũ lâu nhâu Hoan, Trường tan tác tứ tung, còn 1 nhúm ái Châu chờ diệt nốt là vừa bình ổn cả dải giang sơn... Con đang nghĩ gì thế?
- Dạ không, con vẫn nghe cha nói. Dương Vân giật mình đáp.
- Cha nghĩ là con có chuyện muốn nói với cha.
Dương Vân đắn đo, lòng tràn ngập suy tư, nhiều ngày nay chàng luôn bị ám ảnh bởi những mâu thuẫn. Chàng nhìn cha, bắt gặp ánh mắt thôi thúc của ông, quyết định nói thẳng:
- Nhà Hán mang quân phi nghĩa chiếm đất Giao Châu, bóc lột, tàn sát dân chúng, nơi nơi căm phẫn. Đã bao người đứng lên sẵn sàng đánh đổi cả cuộc sống giành tự do cho dân tộc. Còn  chúng ta cũng là người Việt, tại làm sao..
- Cha bỏ nguồn cội làm tay sai cho giặc nhằm hưởng vinh hoa?
- Con không dám nghĩ thế, con chỉ thật sự chưa hiểu được những suy tính của cha.
- Con đang hy vọng cha ẩn mình dưới vỏ bọc này chờ thời cơ phải không. D ương Phong lắc đầu. Cha về Đại La để dưỡng bệnh, do từng qua lại với Tiết độ sứ nên được ngài bổ nhiệm làm quan. Cha tự tin rằng mình đã làm được nhiều điều cho bá tánh. Con đang tự hỏi tại sao cha hết lòng giúp Tiết độ sứ bày mưu tính kế đàn áp những cuộc nổi loạn. Trả lời vì cha biết chiến tranh chỉ đem lại máu và nước mắt mà những kẻ nổi loạn chắc gì là không mang mộng bá vương vị kỷ. Đất Giao Châu vốn thuộc về phương bắc cả ngàn năm nay, chúng ta viết chữ Hán, sống theo phong tục Hán nên con đừng ngạc nhiên khi cha tin vào sự hòa trộn dòng máu giữa người Hán và người Việt. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp khi hai tộc người có thể sống hòa bình với nhau.
Dương Vân gần như bị thuyết phục. Chàng hiểu lòng cha nhưng vẫn không tán thành ý kiến của ông.
- Con muốn sống hoà bình nhưng chỉ khi được độc lập. Chỗ người Hán là phương bắc, còn đây là đất tổ của người Việt chúng ta, kẻ nào xâm phạm kẻ đó sẽ bị đánh đuổi, bị tiêu diệt.
Dương Phong lạnh lùng
- Con đã thấy sự phản kháng mỗi lần nổi lên là mỗi lần bị dìm xuống, mỗi lần bùng nổ là máu chảy đầu rơi, nhà tan cửa nát. Để đánh đuổi, để tiêu diệt người Hán thì sức cha không làm được và sức con cũng không.
- Con tin riêng sức cha con ta không làm được thì chung sức của tất cả mọi người sẽ làm được, nếu bây giờ chúng ta không làm được thì con cháu sẽ tiếp bước cho đến khi đuổi hết bọn giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.
Dương Vân dướn thẳng người, bầu nhiệt huyết tuổi trẻ đang đốt nóng trái tim chàng..
Tiếng bước chân rảo trên sàn gỗ, bác Tần vào báo người của phủ Tiết độ sứ đang đợi ngoài khách sảnh rồi lui ra, Dương Phong nói với con:
- Cha sang phủ Tiết độ sứ  bàn công việc. Con ở nhà nếu có người mang lệnh tín đến thì bảo chờ cha. 
Hai cha con rời khỏi thư phòng. Dương Phong khóa cửa lại, bỏ chìa vào túi rồi đi ra khách sảnh. Dương Vân im lặng nhìn cha, ngọn nến trong phòng vẫn cháy.