Dịch giả: Phan Văn Các & Trịnh Trung Hiếu
PHẦN THỨ NHẤT - Chương Một

Có thể trước kia tôi có gặp cô ta mà không để ý, cũng có  thể tôi chưa từng gặp cô ta bao giờ. Dẫu sao lần này cô ta đã để lại cho tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Hai tháng trước, tôi được điều khỏI tổ lớn đi chăm sóc cánh đồng lúa nước. Ở đội lao động cải tạo, tôi là tổ trưởng tổ lớn, điều đến tổ chăm sóc ruộng đồng, tôi vẫn làm tổ trưởng. Đội trưởng Vương, người điều tôi ra đây, là một cán bộ vùng này, một ông già nhỏ thó xuất thân nông dân, ngồi hút thuốc cuốn sâu kèn bảo tôi: - Điều mày ra làm đội trưởng, là lãnh đạo tín nhiệm mày. Chà! Mười hai thằng này khó quản lắm! Thằng nào cũng làm giỏi, nhưng thằng nào cũng lắm khuyết tật. Đồ đĩ đực ạ, mày mà quản được mườI hai thằng cha này, ra trại sẽ làm giám đốc nhà máy quản được hàng trăm hàng nghìn người đấy.
Lúc đó ông ta ngồi xổm trên đập con mương nhánh cao cao, còn tôi thì vừa từ cửa mương tưới đã dẫn đầy nước bước lên, chân đất, đứng trước mặt ông. Ông hình như còn định nói gì nhưng lại thôi,chỉ lặng lẽ hút thuốc suy nghĩ đăm chiêu. Vẻ trầm tư hiện rõ trên khuôn mặt nhỏ gầy khô đầy nếp nhăn. Dĩ nhiên tôi không biết ông ta nghĩ gì, chỉ biết rằng bất cứ anh cán bộ lao động cải tạo nào cũng đều chưng ra vẻ mặt ấy, khi chỉ có một mình giao nhiệm vụ đặc biệt cho một phạm nhân lao cải ( lao động cải tạo ) nào đó. Vẻ trầm tư thể hiện sự nghiêm nghị, mà sự nghiêm nghị lại chứng tỏ rằng giữa ông ta và anh có một ranh giới không được vượt qua. Vẻ mặt ấy còn chứng tỏ sự bố trí sắp xếp của ông ta là thận trọng, đã được cân nhắc kỹ càng, tớI mức đã mở xem hồ sơ của anh và được một tập thể cấp cao hơn thảo luận và quyết định rồi, đồng thờI cũng nói lên tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao phó. Cán bộ trình độ văn hoá thấp nói năng kém cỏi, thường dùng vẻ trầm mặc để buộc anh không được coi thường cách nói năng cộc lốc của họ. Lặng yên không nói mà buộc anh phảI ý thức được là: từ bây giờ, vì sự << tín nhiệm >> này cái gánh nặng trên vai anh đã nặng hơn. Hơn nữa, đối với anh bây giờ không còn chỉ là sự cải tạo bình thường nữa, mà là sự cải tạo gấp bội, do đó thường có thể giúp anh có được cơ hội lập công, lĩnh thưởng, thậm chí còn được phóng thích trước thới hạn. Vì vậy đây lại thường thường là mấu chốt số phận cả đời anh. 
Trong vẻ trầm mặc ông ta cố tình tạo ra ấy chứa đựng cả phần thiện ý mà ông ta được phép bày tỏ nữa, tôi hiểu như vậy. 
Ông ngồi trên đập con mương hút thuốc, tôi đứng dưới đập, cứ phải lấy bàn chân bên này xoa mu bàn chân để trần bên kia, liên tục đổi bên mà cọ xát. Khi lúa mới gieo xuống ruộng thì muỗI chưa ra đời, nhưng từng đàn bọ chó tụ tập thành đám, kéo nhau ùa tới đốt anh đến điên người. Loại bọ này bé hơn cả hạt cát hạt bụi này, chui vào tai, vào mi mắt, vào cổ vào gáy,vào chân tóc, đũng quần người ta…..đúng là không lỗ hở nào chúng không chui vào được. Nó mà đốt chỗ nào, thì chỗ ấy lập tức sưng tấy lên một cục to bằng mấy trăm lần nó.Tôi vừa phải xoa chân, vừa phải vung tay xua, cứ thế mà huơ tay huơ chân ngước nhìn ông đội trưởng. Thế mà ông vẫn không nói. Ông đi tất sợi, đội mũ, tay lại đang cầm thuốc, ông có đầy đủ thiết bị phòng chống bọ chó, vì thế ông đâu có vội đi ngay. Đại đội đã đi khá xa. Cuối con đập nhánh cao cao, là chỗ ngoặt của dòng mương, dưới gốc liễu to, ánh chiều tà vàng óng dọi chiếu xuống quần áo đen của tù nhân. Họ đi thành hàng, vai vác cuốc, tay vung vẩy.Trông theo bóng họ xa dần, cảm thấy tinh thần họ phấn chấn thật là đáng mến. Chỗ dòng mương rẽ ngoặt ấy chính là chỗ đi qua làng xóm có đàn bà con gái. Dĩ nhiên tình thân thiết của tôi đối vớI họ, chủ yếu bởi tôi chính là một thành viên của họ. Trên thế giớI này, tôi thuộc về đội lao động cải tạo, chứ đâu phải thuộc về xứ sở nào khác. Huống hồ phía ấy còn văng vẳng tiếng hát sao mà quen thuộc, tiếng hát hoà vào nhịp chảy róc rách của dòng nước vang vọng trên cánh đồng vừa mớI gieo hạt:
… … … 
  Cải tạo, cải tạo, cải cái tạo này à! 
Buổi tối trở về, được một…. gáo đầy à! 
Hầy hầy! a hơ hầy hầy! a… hơ hầy.
 
Dẫu bị bọ chó đốt, bất giác tôi vẫn mỉm một nụ cười tinh nghịch đồng cảm. Đấy là mấy câu cuối bài << đội ca đội lao cải >> do anh em tù nhân chúng tôi tự sáng tác ra. Bài << đội ca đội lao cải >> kể lại đời sống hằng ngày của người tù lao cải bằng thổ ngữ địa phương - Tây Bắc khôi hài dí dỏm, phổ theo làn điệu << Ninh Hạ đáo tình >> hài hước nhẹ nhàng. Làn điệu chủ đạo ấy đã thể hiện vẻ lạc quan bên trong hàng rào đầy thép gai. << Cải tạo, cải tạo, cải cái tạo này a! >> hát lên theo thổ âm địa phương, rất là giống tiếng phổ thông đang được phổ cập <<  xúi quẩy, xúi quẩy, xúi cái quẩy lắm thay >> còn << buổI tối trở về, một gáo đầy…a >> đấy là một gáo đầy cháo thơm phưng phức xiết bao hấp dẫn rắc nhiều hành hoa, sợi gạo đặc quánh << Ộc ộc >>, << ộc ộc.. >> Cô cấp dưỡng khom lưng bên chiếc thùng to tướng bốc hơi nghi ngút, ráng sức vung lia lịa cánh tay to khoẻ, nhanh nhẹn và chính xác như máy, cầm chiếc gáo sắt ngắn cán to như cái bát tộ, múc từng gáo đầy, từng gáo đầy << cháo mì hổn hợp >> đổ vào chậu cơm của ngườI tù lao cải. Trong thứ << cháo mì hỗn hợp >>  ấy còn tưới thêm cả mồ hôi ngườI cấp dưỡng, bởi thế cái âm hưởng << ộc ộc, ộc ộc >> và cái động tác như máy ấy, đều thật sự chứa chan mùi vị tình người. 
Tôi muốn mau mau trở về với đội ngũ ấy, mau mau trở lại trại tù, mau mau về huởng nhận << một gáo đầy >> ấy. Cái tiếng húp cháo << xì xụp, xì xụp >> trong trại tù ấy mới tuyệt diệu làm sao! 
Nhưng đội trưởng Vương chưa ban lệnh tôi đâu dám đi. Đây là luật lệ quy củ của đội lao cải. Tôi đã am hiểu tường tận toàn bộ cái luật lệ ấy, vì tôi đã lao cải hai lần. Chính vì tôi đã hai lần lao cải, đã << hai lần bệ kiến >> chính vì tôi am hiểu toàn bộ luật lệ, nên vừa áp giải vào đội lao cải đã được vinh dự làm ngay đại tổ trưởng cai quản bốn nhóm gồm sáu mươi tư tù nhân. Nay thật hơn xưa, chuyến lao cải này sáng sủa hơn chuyến trước nhiều. Trong đội lao động cải tạo phải tuân thủ một hệ thống quan niệm và tiêu chuẩn hoàn toàn khác với thế giới bên ngoài. Kể thật kỳ quái nhưng nghĩ lại cũng bình thường thôi. Ở bên ngoài, những người có vấn đề chính trị thì bị khinh rẻ không được trọng dụng, những kẻ đạo đức đồi bại thường được đối xử như << mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân >> coi là mắc chút sai lầm trong sinh hoạt, thuộc về tiểu tiết, được xếp vào loại đối tượng đoàn kết và giáo dục. Trong đội lao cải, tù chính trị lại hầu như đều được cán bộ lao cải tín nhiệm. Dẫu rằng sự tín nhiệm ấy chỉ thể hiện trong phạm vi cực kỳ hạn hẹp, nhưng rõ ràng là thái độ đối vớI họ khác hẳn với đội hình sự. Không những thế đội lao cải còn biết thực hiện <<  nhân tận kỳ tài >> ai thạo nghề gì, người ấy được bố trí vào nơi phát huy được sở trường riêng. Bản thân đội lao cải là một vương quốc riêng, đủ mặt trăm nghề nông, công, thương nghiệp, bao dung được mọi nghề lao động khác nhau. Có một thầy thuốc ở ngoài chỉ suốt ngày quét dọn chuồng xí, vào đến đội lao cải lại làm bác sĩ chủ trì nội khoa. Ôi vào cái năm tháng rối ren hỗn loạn này, đội lao cải thật là thiên đường.
Dù rằng tên tù lao cải này chẳng được hết lòng cung kính đứng trước mặt ông, mà cứ khua tay múa chân lia lịa, vặn vẹo thân mình liên tục, xoa tai gãi má không ngừng, chốc chốc lại ngẹo đầu ngửa cổ, nhưng đội trưởng đội lao cải không hề trách mắng, vẫn ngồi trầm tư hút điếu thuồc cuốn to sù dài ngoẵng ấy. Tôi không đi, còn có một ý khác nữa, tôi cho rằng ông còn muốn tiết lộ với tôi một tin gì đó bên ngoài. Cũng như đội trưởng Tạ mà tôi từng quen biết, ông cán bộ lao cải này quả là con ngườI tốt bụng, hay nói hay cườI, lòng dạ lương thiện.
 Con người từ nhỏ lăn lộn làm ăn nơi cao nguyên hoàng thổ, tâm hồn lẽ đương nhiên cũng thuần phác như chất đất mầu vàng; lao động nông nghiệp thủ công truyền thống khiến đầu óc họ luôn giữ được những quan niệm truyền thống, khi bỗng dưng tung ra << phải đấu tranh giai cấp, ngày này sang ngày khác, tháng nọ tiếp tháng kia >> họ thật không sao hiểu nổi. Chẳng hạn như khi đám tù lao cải chúng tôi ở ngoài đồng vừa làm vừa hát bài << đội ca đội lao cải >> hay khi kể chuyện tiếu lâm cực kỳ tục tĩu trắng trợn giữa những năm tháng phải lên tiếng hát << bài ca ngữ lục >> này, thì ông ta chỉ ngồI xổm trên bờ ruộng lắng nghe, đã không quát mắng chúng tôi, lại còn bỏ mũ ra, vỗ vỗ cái chỏm đầu trọc lóc, hoác miệng cười than thở: << chà chà, chúng bay những thằng đĩ đực! Chà chà chúng bay những thằng đĩ đực!…>> ấy là ông bày tỏ lời tán thưởng chân thành. Khi nghe tin dân quân Việt Nam bắn rơi được nhiều máy bay Mỹ, ông cũng đã dùng << những thằng đĩ đực >> để tán dương dân quân Việt Nam. Chúng tôi còn để ý thấy khi ông nựng dỗ cháu ông - có một hôm, ông bế đứa cháu lên ba ra đám ruộng tù nhân lao cải đang làm, ông cũng nựng là thằng đĩ! Bởi thế tù nhân lao cải mỗI lần nghe ông gọI mình << thằng đĩ >> thì đều cảm nhận được hơi ấm gia đình. 
Mùa hè năm ngoái, vào cái tháng vừa bắt đầu << đại cách mạng văn hoá >> thì đại đội chúng tôi đang làm cỏ ở ruộng lúa nước. Đội trưởng Vương cùng công an cảnh sát được vào phố lị tham quan tập thể << Triển lãm thành qủa đại cách mạng văn hoá >> của tỉnh, khi về tớI nông trường ông không về nhà, mà đội xùm sụp cái mũ vải mỏng giống hệt chiếc bánh xèo, vội vội vàng vàng, sải chân bước như chạy ra ruộng. Ông đứng trên bờ đưa mắt tìm kiếm, rồi khi nhìn thấy tôi, ông liền băng qua hai con mương nhỏ, mừng rỡ gọi:
<< Chà chà! Thằng đĩ Chương Vĩnh Lân! Năm 57 mày làm cái thơ gì thế, chữ viết to bằng trái đào, treo ở phòng triển lãm đấy >>
Thời đó, mọi người đều nghĩ rằng ý nghĩa của câu chữ tỷ lệ thuận với cỡ chữ to hay bé, chả là người ta đã bắt đầu dùng chữ đậm cỡ to số một để in tất cả mọi câu << ngữ lục Mao chủ tịch >> trong tất cả mọi loại văn chương. Cứ thế ông cho bài thơ tôi viết năm 1957 nhất định là quan trọng lắm, chả thế mà chữ viết << to bằng cả hạt đào >>. Thật ra đây là bản << chứng cớ tội phạm >> trưng bày để phê phán, nhưng theo cách suy nghĩ đánh giá của ông nó lại giành được một vị trí đặc biệt. Nghe ông bô bô gào thét, các tù nhân lao cải khác đều quay nhìn cả về tôi, ánh mắt long lanh vẻ kinh ngạc và tôn kính. Tôi lẳng lặng không nói gì, vẫn lom khom cắm cúi làm cỏ, nhưng trong lòng bất giác vừa đau buồn, vừa kiêu hãnh. Chín năm đằng đẵng đã trôi qua, nhưng ở ngoài kia người ta vẫn túm chặt không buông tha tôi, lại còn đem thơ tôi ra << biêu giễu cảnh cáo >>
Nhưng mặt khác, điều ấy chẳng chứng tỏ tôi đã trở thành một nhân vật lịch sử đó sao? 
Nhân vật lịch sử thật ra là do quần chúng tạo dựng nên, không hoàn toàn do công hay tội lớn nhỏ của bản thân người ấy quyết định. Miễn là không bị lãng quên ta trong bất cứ << phong trào quần chúng >> nào là ngườI ấy đương nhiên giành được vị trí lịch sử nhất định. Và số phận của nhân vật lịch sử là do lịch sử chi phối, chứ không hề tùy thuộc vào ý chí của bản thân anh ta. Tôi đứng lên vo viên nắm cỏ dại trong tay, vứt lên bờ ruộng. Tôi nhìn ra dẫy núi xa xa trang nghiêm và trầm mặc. Tôi cúi xuống rẽ mạ ra tìm cỏ dại, mặt nước bùn đục ngầu lấp lánh phản chiếu những vòng sáng long lanh, triền miên biến ảo. Ôi! Hai bức tranh đó chính là lịch sử: ổn định và biến hoá. Là con người, thì vừa phải lấy bất biến ứng vạn biến, lại vừa phải ráng sức tìm kiếm cái đa biến, để thích ứng với lịch sử! 
Khi tôi một lần nữa đứng lên, vứt đám cỏ dại khác lên bờ ruộng, tôi chợt thấy mình to ra, cao lên khác nào một anh hùng trong bi kịch. Tôi đưa mắt nhìn các bạn tù đang cắm cúi làm cỏ ở quanh mình giống như chúa Giêsu trên cây giá thập tự ở Bãi Sọ nhìn hai tên cướp đứng hai bên tả hữu, tự nhận <<  tôi là con của thánh thần >>, vậy mà trong lòng trào dâng nỗi thương xót nẩy sinh từ cảm giác ưu việt về tinh thần. 
Cám ơn ông đã cung cấp tin cho tôi! 
Trong cảnh khốn cùng và khuất phục con người cần được thấy mình là đúng, cần được tự cao tự đại để nâng đỡ mình đứng vững. 
Quả nhiên lịch sử biến đổi nhanh chóng đến kinh người. Mùa thu gặt xong, đám tù lao cải bắt đầu gùi cõng từng bó lúa lên đường cái rồi chở tiếp bằng xe bò về sân to. Cánh đồng đã gặt quang, dưới các gốc rạ màu vàng dày đặc chi chít, đã lộ ra đất nguyên sơ nâu xỉn ẩm ướt. Từ trên đập mương nhánh cao cao nhìn ra chung quanh, mặt đất bốc hơi ngùn ngụt; trên cánh đồng mương, lạch và bờ ruộng ngang dọc chia cắt thành những ô nhỏ như bàn cờ, đám tù lao cải quần áo tù đen kịt đông như kiến tất bật chạy đi chạy lại. Chúng tôi xếp những lượm lúa nặng trĩu buộc bằng sợi cỏ lên bờ ruộng, chất gọn vào đoạn dây dài để sẵn trên bờ, sau đó thắt chặt nút dây ở lưng, ngồi thụp xuống, dùng dây néo thật lực sợi dây ở lưng đã buộc chéo chữ thập, rồi ráng sức nhướng người lên phía trước, chồng lúa cao ép chặt vào lưng, thế là gùi cõng đi. Tôi là đại tổ trưởng dĩ nhiên là phải đầu tầu gương mẫu, thông thường thì tôi cõng nhiều hơn mọi người. Ở đây không có gì phân biệt, chẳng kể gì xuất thân gia đình, trình độ văn hoá, lý lịch trong sạch hay không trong sạch, << lao động cải tạo >> là nghề nghiệp cố định của chúng tôi; thế nên chỉ biết lao động và lao động giỏi mới có thể giành được đãi ngộ đặc biệt. Tôi biết lao động và lao động giỏi thì tôi được quản lý người khác, trách mắng người khác, tôi được << tín nhiệm >> trở thành một tù nhân tự do, khi về trại tôi chẳng những được << một gáo đầy >>, mà ngoài << một gáo đầy >> ấy có thể còn thêm << một gáo đầy >> nữa. Lao động sáng tạo ra con người, vì thế bản tính nguyên thủy của con người tự nhiên hướng về lao động chân tay; lao động chân tay vất vả và căng thẳng sẽ làm sống dậy bản tính từ lâu đã trở thành ý thức tiềm tàng của con người trót bị nền văn minh vùi lấp, bỗng chốc đưa con người lùi ngược lại hằng triệu năm, cảm nhận được một thứ khoái cảm tâm lý rằng chính mình đang phát triển, chính mình đang đổi thay, phẩm chất của mình đang phong phú lên. 
Đi ngược lại hằng triệu năm về trước để tái hiện quá trình tiến bộ, hãy hưởng thụ lấy niềm thoả mãn và sướng vui trong quá trình ấy! 
Từ sau ngày tôi đọ tài lao động chân tay với Hải Hỷ Hỷ, từ sau ngày tôi được Mã Anh Hoa nuôi dưỡng thành một người lao động chân tay bình thường, tính đến nay năm năm đã trôi qua, không biết đã bao nhiêu lần trong lao động tôi được hưởng thụ niềm thỏa mãn và sướng vui của tổ tiên xa xưa. 
Hễ lao vào lao động cầm cán cuốc vào tay, đặt bao tải lên vai, ép bó lúa vào lưng là tôi mê mẩn đến phát cuồng lên, giống như nhân vật nữ đáng yêu trong truyện << Củ Ấu đỏ tươi >> cứ đi đôi hài qủy vào là nhẩy lấy nhẩy để, nhẩy mãi, nhẩy hoài cho tới lúc chết. 
Cứ cõng lúa lên lưng là tôi thường nảy sinh tâm lý tham lam, cứ muốn thử lượng xem bản thân mình rốt cuộc chịu đựng nổi một áp lực lớn bao nhiêu. Không có gì để chứng minh rõ mệnh đề << thế giới do vật chất tạo nên >> một mệnh đề căn bản của triết học, bằng trọng lượng đè trên lưng. Một bó lúa to bằng cái mông con trâu, tù lao cải thông thường chỉ cõng được hai đến ba bó, nhưng tôi cõng năm bó còn chưa đã, phải cõng sáu bó, sáu bó còn chưa đã, phải cõng bảy bó…đi qua cạnh đội trưởng Vương, đội trưởng Vương còn khen ngợi: << Chà chà, thằng đĩ này, thồ khoẻ hơn cả lừa! >> 
Hừ! Lừa kia đã thấm vào đâu?!
Tôi là tôi đấy chứ!
Hãy dẹp lòng tự trọng thương xót yếu mềm
Chuẩn bị một tinh thần khác hẳn
Giao tranh cùng số phận một phen!
 
Vi cõng nhiều lúa, tôi thường xuyên được đội trưởng Vương giúp đỡ. Khi tôi thít xong bó lúa, ngồi thụp xuống đất, néo gùi vào vai, chuẩn bị nhún người dậy, thì đội trưởng Vương chạy đến nâng giúp tôi phía sau. Có bàn tay nâng đỡ khác hẳn với không có bàn tay nâng đỡ. Giây phút nhún người đứng dậy, chẳng khác gì giây phút vận động viên cử tạ khi nắm lấy đòn tạ nặng chỉ cần hai chân đứng thẳng lên được, thì cái vật đè trên lưng nặng thế nào đi nữa cũng cất bước được
- Đừng dốc sức thế! Đừng dốc sức thế!
Ông bảo:
- Dốc sức thế, rồi thổ huyết, thì khổ cả đời đấy!
Có hôm tôi luồn hai vai vào dây néo ở lưng xong xuôi rồi, ông chạy đến, nhưng không nâng giúp, mà nhoài người lên trên bó lúa sau lưng tôi, thở dài bảo:
- Ôi chao! Thằng đĩ này, mày cứ ở lỳ trong đội lao cải mà lại hay.
Tôi nghe ông chép miệng sau lưng tôi
- Mày nghĩ thế nào nào? Hôm kia vào phố, tao thầy bí thư tỉnh ủy cùng với chủ tịch tỉnh đều bị người ta lôi đi diễu phố đấy! Đội mũ giấy cao ơi là cao tay lại còn gõ chậu thủng: << Tôi là phái đi theo đường lối tư bản! - Tôi là phái đi theo đường lối tư bản! >> Mày nghĩ thế nào nào? Lần trước bọn tao đi tham quan cái gì << Triển lãm thành quả đại cách mạng văn hóa >> Hồng vệ binh bảo rằng bọn đi theo đường lối tư bản âm mưu che dấu tội trạng của chúng nên dở trò bịp bợm, bảo là tỉnh chúng ta chưa hề làm << đại cách mạng văn hoá >>, bây giờ phải xếp bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh vào cùng loại với địa chủ, phú nông, phản động, phá hoại, hữu phái, tất cả sàng lọc lại một lần nữa. Hèn chi, ngoài phố, sau bí thư tỉnh ủy kéo cả một xâu dài loại người như chúng mày, trai có gái có, đếm không xuể nữa. Tất cả đều đội mũ giấy bồi nhé, có kẻ bị cạo trọc nửa đầu; có kẻ bị bôi mặt như hề… Ôi thằng đĩ ơi, tống mày vào đội lao cải là phúc đức cho mày lắm! Không thế, cứ để mày ở bên ngoài bây giờ, thì cũng như đám ấy thôi, người ta lại không trị cho mày đến chết à! 
Bông cỏ vực cọ vào mặt tôi, ngưa ngứa. Mùi lá thuốc già ở miệng ông xộc vào mũi tôi, đang cơn thèm thuốc mà không được hút, thì cái mùi ấy cũng giúp được mình đã thèm. Qua mẫu tin ông kể, tôi bỗng thấy toàn thân lâng lâng thư thái: lịch sử cứ biến đổi theo tốc độ này, thì cái thời cơ then chốt xoay chuyển vận mệnh cả nước và số phận từng người còn xa được nữa không? 
Thế là tôi càng làm như phát rồ, bảy bó chưa đã tôi cõng lên tám bó! Đội trưởng Vương thất kinh:
- Thằng đĩ ơi! Không muốn sống nữa hả? Còn hai mươi năm nữa mày mới ra khỏi đây còn khối việc cho mày làm đấy.
- Không sao ông giúp tôi nào. 
Tôi quay người lại, cởi dây néo lưng, thêm vào một bó nữa. Hồn quỷ bị đè dưới tầng đáy, dẫu trọng lượng mười bẩy tầng địa ngục trên đầu không giảm, nhưng chỉ cần phía trên lung lay chao đảo đôi chút, thì hồn quỷ cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng đôi phần. Huống hồ tôi lại còn có thêm << phúc phận >> quý hoá thế này: trong thế giới hôm nay, ai dám nghĩ rằng đội lao cải mà << sáu điều luật công an >> quy định rõ << không được đụng tới >> lại chính là chốn đào nguyên bên ngoài thế giới con người?
….
Nhưng lần này ông lại không tiết lộ cho tôi một tin gì, ông cứ ngồi im lặng lẽ hút thuốc tràn.Tôi rất thất vọng, bị bọ chó đốt đến là khốn khổ. Chiếc máy kéo, kéo theo máy gieo hạt hăm tư hàng đậu ở bên đường, suốt ngày nắng đốt bốc lên mùi dầu máy nồng nặc. Mùi dầu máy hoàn toàn lạc lõng với mùi bùn đất.. Đất đai cổ thuần phác xưa nay dường như chối từ công cụ hiện đại bằng sắt thép, và tẩy chay nốt mọi mùi vị của nó, bởi thế cái mùi dầu máy nồng nặc này hết sức khó ngửi. Cuối cùng không chờ đợi được nữa, tôi hỏi:
- Thưa đội trưởng Vương, còn việc gì nũa không?
- Hừm! - Ông quay đầu lại làm như lúc đó mới phát hiện ra tôi, vẫn còn đứng dưới đập mương nước nơi ông đang ngồi.
- Không.
Ông nói rồi nhoài người ra phía trước trao cho tôi nửa điếu thuốc lá cuộn hút dở:
- Mày về đi! 
<< Mày về đi >> tức là bảo tôi về trại của đội lao cải, chứ không phải về một nơi nào khác. Điều ấy tôi biết.Tôi cầm mẩu cuộn thuốc của ông, cấu phần đuôi ông đã ngậm ướt, nhưng vừa cấu thì cả mẩu thuốc rã ra. Mẹ kiếp kỹ thuật cuốn thuốc của ông thua tôi. Có điều chẳng sao cả, tôi cũng có thuốc. Đội lao cải hàng tháng có phát được mấy đồng tiêu vặt, và cũng có thuốc để mua, bây giờ không như năm 60 nữa rồi. Tôi rút hộp kim tiêm bằng nhôm nhặt được ở đống rác bên cạnh trạm xá ra, cẩn thận đổ dúm lá thuốc của ông ta vào trong, rồi lấy trong chiếc hộp kim tiêm rất giống hộp đựng thuốc bằng bạc này ra một điếu thuốc nguyên vẹn, châm lửa hút: << về thôi >> 
Tin tức ông để lộ cho tôi qua vẻ trầm mặc kéo dài ấy, còn nhiều hơn những gì ông nói ra. Cái hỗn loạn ở ngoài, sự biến đổi vũ bão của lịch sử, có lẽ chính ông ta cũng không nói được cho rõ ràng. Ông ta không nói, chứng tỏ rằng, loạn đến mức ông chẳng có cách nào nói cho được; ông ta không nói, chứng tỏ rằng, biến động đến mức khiến ông mắt trợn trừng miệng ớ ra rồi. Điều ấy không hề gì, tôi có thể tưởng tượng ra được. Tất thảy tù nhân lao cải đều là người theo chủ nghĩa Hê-Ghen: có thể từ << không >> làm thành<< có >> ngay. Trên thế giới này hoàn toàn không thể tồn tại không gian và thời gian trống rỗng, ở những chỗ thoạt trông tưởng chừng trống vắng ấy thật ra lại chứa chan niềm hy vọng sống động nhất.
Sự bố trí sắp xếp này của ông ta, đã khiến tôi gặp được cô ấy.