Hồi 2
Bạch Lộc Tiên dùng tuyết đánh Bàng Quyên
Quỷ Cốc từ giả sách trao Tôn Tẩn

Đạo đồng gánh Bàng Quyên và Tôn Tẩn ra tới giữa cầu giả đò như trật vai vài cái.
Tôn Tẩn chẳng e sợ gì, chỉ có Bàng Quyên thì kinh hoảng kêu to rằng:
- Anh ơi, gánh êm êm một chút, đừng làm vậy tôi sợ lắm.
Miệng thì nói mà tay thì níu chặt vào vành giỏ. Đạo đồng cười mà
rằng:
- Đừng lo, không sao đâu, hãy nhắm kín mắt lại, mở ra té chết ráng
chịu đa.
Bàng Quyên nghe dặn, nhắm mắt lại rất kín mà bụng hồi hộp lắm, trí
lại nghĩ: "Thằng này phách lối quá, để qua cầu rồi ta đánh cho một mẻ
mới hả giận".
Chẳng bao lâu, qua khỏi cầu đạo đồng để gánh giỏ xuống, kêu hai
người mở mắt ra. Bàng Quyên, Tôn Tẩn mở mắt bước ra ngoài giỏ thì
đạo đồng đâu chẳng thấy. Cả hai nghĩ là tiên tới tế độ, nên ngó mông
trên không mà lạy tạ. Đó thực là tiên đồng, người thắp hương của Quỷ
Cốc, vâng lệnh Quỷ Cốc đi đón đường thử tâm dạ của Bàng Quyên và
Tôn Tẩn vậy.
Cả hai qua khỏi Độc Mộc cầu rồi bèn dò lần đi tới. Đi được mấy
ngày trời mới tới núi Vân Mộng. Chốn ấy rõ ràng là nơi danh thắng, lắm
thứ kỳ hoa dị thảo, nhiều loại thoái thạch thác tiên, trên nhành công múa,
hạc kêu, dưới suối cá trừng, sen mọc, thật là phong cảnh tiêu diêu, bồng
lai thanh tịnh.
Bàng Quyên và Tôn Tẩn đi tới trước động, thấy cửa động đóng kín,
trên cửa động có một tấm bảng đá khắc sáu chữ: "Núi Vân Mộng, động
Thủy Liêm". Hai người còn đương bồi hồi suy nghĩ, bỗng thấy một kẻ
tiều phu đi thoáng qua ngang cửa động. Tôn Tẩn bèn đón lại hỏi rằng:
- Thưa đại huynh. Đây có phải là nơi của Quỷ Cốc tiên sinh ở hay
không?
Tiều phu đáp:
- Phải, vậy chẳng rõ hai người hỏi thăm ông có việc chi?
Tôn Tẩn nói:
- Chúng tôi là người nước khác, vì nghe ông là người tài giỏi nên tìm
đến mà học đạo.
Tiều phu nói:
- Nếu muốn gặp ông thì hãy lạy cho cửa rộng mở, còn chẳng thành
tâm thì dầu lạy một năm đi nữa cũng vô ích.
Tiều phu nói rồi vòng tay đi mất.
Tôn Tẩn ngó Bàng Quyên nói:
- Chúng ta chẳng ngại đường xa ngàn dặm mà tới đây, lẽ nào lại
chẳng thành tâm.
Nói rồi cúi đầu lạy Bàng Quyên chỉ lạy một lạy rồi bước lảng ra,
đứng suy nghĩ rằng: "Hễ ảnh lạy cho cửa mở ra, thì ta cùng vào mà gặp
thầy được, hà tất phải lạy cho mệt".
Tôn Tẩn lạy một hồi, trông lại sau thấy Bàng Quyên không lạy bèn
nói:
- Em chớ nên nguôi lòng đạo như vậy. Hãy bước tới lạy với anh đây.
Bàng Quyên nghe mấy lời, phải miễn cưỡng bước tới lạy. Cả hai lạy
tới giờ Ngọ ba khắc thì cửa động mở, trong cửa có một tên đạo đồng
bước ra hỏi rằng:
- Hai vị ở đâu tới đây?
Tôn Tẩn đáp:
- Tôi là người nước Yên tên Tôn Tẩn, người này là người nước Ngụy
tên Bàng Quyên, cả hai tới xin học đạo với Quỷ Cốc tiên sinh, phiền anh
vào trong thông báo.
Đạo đồng nghe dứt quày lưng đi vào trong.
Quỷ Cốc tiên sinh vốn là người nước Tần, thời vua Bình Công, họ
Cang tên Lợi, ở tại Thanh Khê hay vào núi hái thuốc, tu luyện được phép
trường sanh, nên xưng hiệu là Quỷ Cốc. Lúc bấy giờ Quỷ Cốc nghe báo
bèn sai đạo đồng nhắc ghế đay ra để ngoài cửa động, rồi ra ngồi gọi
rằng:
- Ai là người đi học đạo, hãy lại đây.
Tôn Tẩn và Bàng Quyên bước tới lạy ra mắt. Quỷ Cốc hỏi:
- Hai người tên họ là gì, quê ở nước nào?
Tôn Tẩn đáp:
- Đệ tử họTôn tên Tẩn người nước Yên, còn người này là bậu bạn
vừa giao kết giữa đường tên Bàng Quyên người nước Ngụy. Chúng tôi
xin tôn sư thâu nhận mà dạy cho mối đạo nhiệm màu.
Quỷ Cốc cười, nhắm tướng cả hai thì thấy Tôn Tẩn lưng gấu tay cọp,
cốt đạo Lang tiên, có vẻ người mến nghĩa trọng nhân, còn Bàng Quyên
thì đầu qủy mắt rắn, sọ lòi ra sau, lộ vẻ kẻ quên ơn phụ nghĩa, ghét lành
ganh giỏi, không sao tròn được kiếp đời. Vì vậy Quỷ Cốc bèn nói:
- Tôn Tẩn có thể học được, còn Bàng Quyên học không được, thôi
hãy về đi!
Tôn Tẩn nghe mấy lời, lật đật năn nỉ với Quỷ Cốc rằng:
- Lạy thầy, người ta đi đường gặp nhau làm quen mà còn quyến
luyến, huống chi chúng tôi làm bạn giao kết tử sanh. Nếu nay kẻ ở người
về, lòng nào lại nỡ, xin thầy thâu nhận cả hai.
Quỷ Cốc nói:
- Ừ, cũng được. Nhưng hãy thử trí tuệ đã. Đứa nào có trí thì ở học,
đứa nào ngu thì hãy trở về. Vậy cả hai nghĩ mưu kế làm sao cho ta dời ra
khỏi động thử coi!
Bàng Quyên nghe dứt, suy nghĩ giây lát rồi thưa rằng:
- Bẩm thầy, trên mây có hai con rồng đương giao chiến nhau, xin thầy
bước ra xem.
Quỷ Cốc cười nói:
- Lúc này là lúc mùa đông, dễ lại có rồng giao chiến à?
Bàng Quyên nói tiếp:
- Á, Lý lão quân ở Nam thiên môn tới thăm thầy kìa!
Quỷ Cốc nói:
- Lý lão quân mới cáo biệt ta mà ra về, lý nào còn trở lại.
Bàng Quyên nói bừa rằng:
- Không gạt được thầy, thì đệ tử lấy lửa đốt sau chỗ ngồi, thầy sợ
nóng ắt phải dời ra ngoài động.
Quỷ Cốc cười nói:
- Ừ, thôi ta cũng cho mi định mưu như vậy là giỏi đa!
Nói rồi hỏi tới Tôn Tẩn, Tôn Tẩn nói:
- Đệ tử ngu si, có mưu mô gì mà dời được thầy ra động. Nếu như thầy
đem ghế ngồi ngoài kia rồi đệ tử nghĩ cách dời trở lại thì họa may. Chớ
thầy ngồi đây dầu đệ tử có nghĩ tới cả đời cũng không sao dời ra được.
Quỷ Cốc gật đầu sai đạo đồng nhắc ghế dời ra khỏi cửa động. Tôn
Tẩn thấy vậy cả mừng nói:
- Bẩm thầy! Như vậy là con đã mời được thầy rồi!
Quỷ Cốc cười nói:
- À thôi, ta chịu là bị mi lừa rồi.
Nói dứt lời cho lạy tượng tổ sư rồi bảo ra sau yên nghỉ, sáng ngày sẽ
học tập.
Hôm sau Quỷ Cốc kêu Tôn Tẩn và Bàng Quyên tới mà dạy rằng:
Tục có nói: Học trò phải chịu nhọc với thầy. Vậy thì từ nay trở đi mỗi
ngày một đứa học, còn một đứa đi đốn củi, như nay Tôn Tẩn học thời
Bàng Quyên đi, rồi ngày sau đi thay phiên, Bàng Quyên học, Tôn Tẩn
phải đi.
Bàng, Tôn nghe dạy cúi đầu dạ dạ vâng mạng. Quì Cốc nói tiếp:
- Tôn Tẩn là anh, thời hôm nay Tôn Tẩn học trước, Bàng Quyên đi
đốn củi.
Bàng Quyên dạ lập tức ra đi. Bấy giờ Quỷ Cốc bèn trao cho Tôn Tẩn
một quyển sách và dặn rằng:
- Mi hãy đọc kỹ sách này mà không nên cho ai xem.
Tôn Tẩn dạ dạ, lãnh sách đem về phòng đọc rất kỹ.
Bàng Quyên là kẻ lanh xảo, đốn củi rất hối hả, nên về được sớm, ra
mắt Quỷ Cốc trước rồi vào phòng hỏi Tôn Tẩn rằng:
- Hôm nay thầy đưa sách gì cho anh đọc, thử trao lại em xem nào?
Tôn Tẩn nói:
- Ừ, anh em ta là sanh tử chi giao, lúc ở Châu tiên trấn đã có thề, có
sách cùng đọc, có nghề cùng học, anh nào giấu được sách quý vơiù em.
Nói đoạn trao sách cho Bàng Quyên xem, Bàng Quyên đọc đi đọc lại
mấy lượt là đã thuộc rồi.
Tới bữa thứ hai, đổi phiên. Tôn Tẩn đi đốn củi, Quỷ Cốc giao sách
cho Bàng Quyên học. Khi Tôn Tẩn đi đốn củi về, hỏi Bàng Quyên rằng:
- Hôm nay thầy dạy em học chi chi đâu, đưa cho anh xem với?
Bàng Quyên nói:
- Ối, bữa nay anh em bạn của thầy tới chơi đông quá, nào lo cơm, vất
vả tối ngày có học gì được đâu!
Tôn Tẩn tưởng thiệt, tin lời. Cứ mãi như vậy, hễ phiên Tôn Tẫn học
thì Tôn Tẩn cho Bàng Quyên coi mà phiên Bàng Quyên học thì Bàng
Quyên lại kiếm cớ không cho Tôn Tẫn coi. Tôn Tẩn bị thua thiệt luôn.
Trăng trên trời lặn, lật bật mà cả hai học đạo đã được một năm rồi.
Hôm no, Bàng Quyên nói với Tôn Tẩn rằng:
- Anh ạ, chúng ta học đạo đã lâu rồi, cũng biết ít nhiều thuật pháp
nhưng chưa rõ có dùng được gì chưa. Vậy ngày mai, hai anh em ta xin
phép xuống núi đốn củi rồi dợt thử coi.
Tôn Tẩn khen phải, ngày sau cả hai xin Quỷ Cốc ra đi. Xuống núi
Tôn Tẩn bèn lượm sắp thành một trận rồi bảo Bàng Quyên xem là gì?
Bàng Quyên xem qua bèn nói:
Đó là trận Thanh Long xuất thủy chớ trận gì? Cứ đánh từ phương
Đông dẫn ra phương Tây thì trận tan tành ngay.
Tôn Tẩn khen rằng:
- Em thông minh lắm. Đâu em thử lập một trận anh xem?
Bàng Quyên gật đầu lượm đá sắp thành trận. Tôn Tẩn xem không rõ
là trận gì bèn hỏi:
- Em lập trận gì lạ vậy?
Bàng Quyên nói:
- Em lập theo trận Thanh Long xuất thủy của anh đó chớ trận gì? Á!
Tại em lập sai nên anh xem không ra thôi.
Tuy miệng thì nói vậy mà bụng lại nghĩ khác rằng: "Được rồi, ta đã
học giỏi hơn ảnh rồi. Ảnh lập trận gì thì ta biết liền, còn ta lập trận ảnh
xem không ra. Thôi còn ai ăn qua ta được". Trọn ngày ấy Bàng Quyên cứ
kiếm cớ thế lừa gạt Tôn Tẩn như mọi lần. Mãi tới tối cả hai gánh củi về
động.
Một ngày khác, Quỷ Cốc nói với Tôn Tẩn, Bàng Quyên rằng:
- Nay thầy phải qua núi Chung Nam dự hội Tòng hoa, bốn mươi chín
ngày mới trở về. Vậy đúng ngày ấy hai người xuống núi mà rước thầy.
Dặn xong cưỡi một chòm mây mà bay đi.
Đúng bốn mươi chín ngày, Bàng Quyên và Tôn Tẩn y lời dặn đem
đào tiên, rượu tiên xuống núi đón.Khi cả hai tới nơi, bày đào rượu trên
một hòn đá vừa xong, thì có một con nai lông trắng như tuyết đi tới gần
đứng nhìn vào như muốn xin ăn. Tôn Tẩn lấy làm lạ, rót một chén rượu
đưa gần con nai: Con nai liền uống cạn. Rót một chén khác, nai cũng
uống luôn. Bàng Quyên trông thấy, nói rằng:
- Nai là thú rừng, cho nó uống rượu làm chi?
Tôn Tẩn nói:
- Anh xem con nai này có vẻ lạ như là của tiên nuôi vậy.
Bàng Quyên cả giận nói:
- À, nai của tiên! Đâu ta thử xáng cho một tảng đá cho chết đặng ta
sẽ thịt uống rượu chơi. Nè, nai tiên!
Tôn Tẩn lật đật can rằng:
- Nhỏ hay lớn cũng là tánh mạng, giết nó làm gì, lòng nào lại nỡ?
Bàng Quyên không nghe lời, hốt một nắm đá chọi đùa vào con nai.
Con nai bỏ chạy. Bàng Quyên rượt theo vài dặm đường thì không thấy
nai đâu, bỗng một trận gió thổi đến, rồi băng tuyết sa xuống làm cho anh
ta xể mặt, bầm mình té nằm dài dưới đất. Tôn Tẩn thấy băng tuyết
xuống bèn đi tìm Bàng Quyên, thấy Bàng Quyên nằm dưới đất bèn dìu
dắt về động nằm yên rồi trở ra chổ hòn đá mà đón thầy. Tôn Tẩn vừa tới
chỗ cũ bỗng thấy con nai khi nãy trở lại nói tiếng người rằng:
- Ta là Bạch Lộc đại tiên, bạn thân của Quỷ Cốc thầy mi. Vì thằng
Bàng Quyên muốn hại ta, nên ta đánh nó một trận. Lát nữa thầy mi về,
ổng có quyển thiên thơ, trong đó có bát môn độn pháp, lục giáp linh văn,
vậy mi nên yêu cầu ông ta truyền thọ cho.
Bạch Lộc tiên nói dứt, hóa ra một luồng gió mà đi. Giây lát trên
không nổi đám mây mù, Quỷ Cốc ngồi trên hổ xa sa xuống. Tôn Tẩn lạy
ra mắt rồi dâng đào và rượu lên, Quỷ Cốc ăn uống xong bèn hỏi tại sao
Bàng Quyên chẳng tới. Tôn Tẩn thưa rằng:
- Nó cũng có đi xuống đón thầy, xong gặp băng tuyết rơi xuống trúng
nên bị thương đã về động nằm rồi.
Quỷ Cốc cười nói:
- Tại nó muốn ăn thịt nai nên phải mang họa!
Dứt lời hai thầy trò dắt nhau về. Khi tới động Thủy Liêm, Tôn Tẩn
quỳ trước mặt Quỷ Cốc mà thưa rằng:
- Nghe người nói rằng thầy có ba cuốn thiên thơ gồm đủ bát môn độn
pháp, lục giáp linh văn, vậy cầu thầy truyền cho đệ tử.
Quỷ Cốc nói:
- Sách đó là sách bí truyền, người không đáng, thì không bao giờ cho
đọc.
Nói dứt sai đạo đồng mở rương lấy sách thiên thư giao cho Tôn Tẩn
rồi dặn thêm rằng:
- Con hãy giữ kỹ đừng giao cho ai!
Tôn Tẩn dạ dạ lãnh sách đem về phòng đốt đèn đọc. Bàng Quyên
nghe Tôn Tẩn đọc thì giả đò ngủ, giây lát chỗi dậy nói với Tôn Tẩn rằng:
- Hồi ở Châu Tiên trấn thề nguyền làm sao, mà bây giờ anh đọc sách
một mình không cho tôi đọc?
Nói rồi giựt sách mà xem. Xem mãi không hiểu gì hết, tức quá Bàng
Quyên vụt đại xuống đất nói:
- Thiên thơ mà khó quá vậy?
Nói đoạn nằm xuống ngủ. Tôn Tẩn cười, lượm sách lên cất rồi cũng
ngủ theo.
Chờ Tôn Tẩn ngủ mê, Bàng Quyên bèn chổi dậy lấy thiên thơ châm
vào đèn đốt quách đi. Lửa vừa cháy Bàng Quyên làm bộ hoảng hốt kêu
ầm lên rằng:
- Hoa đèn rớt cháy thiên thơ rồi, mau dậy chữa.
Tôn Tẩn nghe la lật đật chổi dậy thì lửa đã đốt thiên thơ ra tro, chàng
rầu buồn vô cùng. Sáng sớm Tôn Tẩn tới bên giường Quỷ Cốc lạy xin lỗi
vì vô ý làm cháy mất thiên thơ. Quỷ Cốc rầy la một hồi, chàng xụ mày
cúi mặt đi ra.
Cách mấy bữa tới trung tuần tháng tám lúc sập tối, Quỷ Cốc sai đạo
đồng kêu Tôn Tẩn, Bàng Quyên tới rồi dắt ra khỏi động. Tới trước một
cái hồ nước trong leo lẽo, họ cùng leo lên một nền đá phẳng sạch. Mặt
trăng như cái bánh xe chiếu xuống nước chói màu vàng cháy. Quỷ Cốc
nói với hai trò rằng:
- Từ ngày hai trò học với ta tới nay vẫn chưa biết rõ tâm chí. Vậy nay
nhân đêm trăng tỏ cảm tịnh, hai trò nói cho ta nghe.
Tôn Tẩn bẩm rằng:
- Chí của đệ tử muốn sao trong nước có vua minh, chánh thiện, tai
khỏi nghe trống giặt, mắt khỏi thấy máu đào, vui chơi trong cảnh thái
bình, trời thanh cảnh tịnh là đủ.
Quỷ Cốc giả cười nói:
- Lời nói hủ quá, sao đứng được ở cõi đời này?
Đoạn day qua hỏi Bàng Quyên. Bàng Quyên đáp:
- Chí của con muốn làm sao trở thành một người cầm quân trăm vạn
đánh đâu thắng đó, phá đâu tan đó, làm cho các nước chư hầu trong thiên
hạ thảy quy phục.
Quỷ Cốc nói:
- Ừ, cứ như lời, trong thời chiến quốc không có Bàng Quyên thì khó
nên nghiệp cả.
Dứt lời, Bàng Quyên, Tôn Tẩn đều quỳ trước mặt Quỷ Cốc mà thưa
rằng:
- Chúng con theo thầy học đạo đã ba năm rồi, nay bỗng nhớ tới cha
mẹ cố hương, cúi xin thầy cho phép ngày mai chúng con về thăm viếng.
Quỷ Cốc nói:
- Bàng Quyên khôn lanh hơn, học hay mau giỏi thì nên về. Chớ Tôn
Tẩn ngu độn quá, học chưa ra gì, về sao cho tiện?
Tôn Tẩn năn nỉ rằng:
- Con và Bàng Quyên đã kết bạn sanh tử cùng nhau đi tới, ắt cùng
nhau lui về, có trước phải có sau ấy mới tròn tình nghĩa. Cúi xin thầy
rộng lòng cho chúng con về chung với nhau.
Quỷ Cốc nói:
Ngươi đã quyết lòng về, ta còn cầm lại làm chi nữa. Thôi có về thì
mai hãy về.
Câu chuyện chỉ có chừng đó rồi ba thầy trò cùng nhau quày về động.
Sáng ngày mai, Bàng Quyên, Tôn Tẩn từ tạ Quỷ Cốc mà xuống núi.
Đi được một đỗi xa, thấy có bà già dùng dúi to mài vào hòn đá, Tôn Tẩn
hỏi:
- Bà mài chi vậy?
Bà già đáp:
- Chủ tôi làm mất kim thuê, kiếm đâu cũng không được, nên sai tôi
mài dùi này cho nhỏ lại mà dùng.
Tôn Tẩn nói:
- Dúi to như thế mà mài cho nên kim?
Bà già nói:
- Cậu há chẳng nghe câu tục ngữ "Chí công mài sắt có ngày nên
kim". hay sao?
Tôn Tẩn nghe câu ấy biết có ý tứ cao xa, cho lời thầy chê mình còn
khờ dạy là đúng sự thiệt, nên cố ý phải học hành thêm, muốn quay trở lại
núi.
Đi một đỗi nữa thấy có người to lớn cầm đục, đục núi. Tôn Tẩn hỏi:
- Anh đục làm chi vậy?
Người to lớn đáp:
- Đục lủng núi cho được thộn ra biển.
Tôn Tẩn nói:
- Núi như thế này mà đục sao cho lủng?
Người to lớn nói:
- Anh há chẳng nghe câu tục ngữ "Đục núi thông qua biển, chí bền đá
phải mòn". hay sao?
Tôn Tẩn thấy hai việc lạ như vậy, tự hối hận rằng mình còn dở mà
vội việc công danh, nên chí quyết trở lại núi học tập ít lâu nữa. Vậy bèn
nói với Bàng Quyên rằng:
- Em đã thành tài thì nên về trước, còn anh tự biết dở phải trở lại học
thêm. Vậy phiền em cầm thơ về U Châu trao cho cha anh, rồi ở đó, chờ
cha anh tiến cử vào làm quan. Khi nào anh về, sẽ cùng nhau lo việc triều
chánh.
Nói dứt lời, mở gói lấy viết giấy, viết thư trao cho Bàng Quyên. Bàng
Quyên lãnh thơ, cả hai từ giã nhau.
Tôn Tẩn trở lại núi lạy ra mắt Quỷ Cốc. Quỷ Cốc hỏi:
- Mi đã về sao còn trở lại?
Tôn Tẩn thưa:
- Con xuống núi thấy bà già mài kim, người to lớn đục núi nên tỉnh
ngộ. Vâng theo lời vàng ngọc của thầy, nay trở lại quyết học thêm cho
thành đạo.
Quỷ Cốc nói:
Hai người đó là ngưới thần ta sai ra điểm hóa cho mi tỉnh ngộ, ta thật
có ba quyển thiên thơ gồm bát môn độn pháp, lục giáp linh văn. Song khi
trước ta biết Bàng Quyên hay đố hiềm, tất nhiên thế nào nó cũng phá
hủy thiên thơ, nên ta chưa truyền thiệt cho mi, ta trao thiên thơ giả để cho
Bàng Quyên đốt được nó yên trí mà trở về. Còn mi ta sai người thần
điểm hóa cho mi trở lại đặng truyền thiên thơ thiệt mà tế thế an ban. Vậy
ta sửa hiệu mi lại là Thủ Ngu chớ có xưng là Bá Linh nữa.
Tôn Tẩn cả mừng cúi đầu lạy tạ.