Tôi chọn thuê căn phòng cao nhất của lâu đài Nghênh Phong trên khu biệt thự.  Người hướng dẫn kể lể với tôi về công chúa Phương Mai, con gái của vị vua cuối cùng nước Việt, đã từng là chủ nhân của tòa kiến trúc tráng lệ này.
Tôi không có ý định muốn được đóng ké vai trò người của cung đình thuộc một triều đại đã mất, khi mà nhiều bà con về thăm quê đều thích được mặc áo, mang đai, giả làm hoàng đế hay hoàng hậu nhất phen.  Còn tôi thì tối kỵ và ghét cay ghét đắng với trò rẻ tiền huênh hoang này.
Tính tôi vốn khắt khe, ngay khi ở Mỹ, nghe người ta lộng ngôn trong mấy màn quảng cáo sản phẩm, pha giọng Huế, ví von mình đã là hoàng hậu Nam Phương, tôi đã muốn lợm giọng, rác cả tai.
Nhưng tôi thích khu biệt thự vì nó nằm riêng biệt trên một ngọn đồi, xa trung tâm thành phố, dựa lưng vào một viện hải học, tối đến cửa đóng kín bưng, tôi chắc chắn sẽ không bị chọc tai vì những tiếng còi xe vô tội vạ, hay những đợt rú ga của mấy tay đua xe dưới phố.
Tối qua, nghe tin tôi về, vài con bạn ngày xưa cùng đi học đã kéo đến thăm tôi.  Chúng nó leo lên ngọn đồi than là mỏi chân và mệt bỏ mẹ.  Có đứa còn nhại tôi: con ranh ỉ có tiền muốn làm công chúa tề.  Tôi lại chói tai vì cái chữ tề bắt chước Huế nghe ngang như ghẹ.
Bây giờ, trời vừa mới sáng.  Khu biệt thự ở tít trên cao nên tôi đã nhìn thấy rõ hòn đảo ở phía biển bên kia, nơi mặt trời tròn vành vạnh, đỏ như quả cam chín đậm vừa nhô lên khỏi chóp núi.  Tôi thích giây phút bình minh trên biển, dù phía bên hòn đất còn ngật ngà ngật ngừ sau một đêm mệt oải ăn chơi.
Tôi ra khỏi lâu đài, bước xuống khu vườn ui ui còn ngậm sương sớm.  Chọn một cái ghế xi măng ngồi vào để nghe lòng lắng đi.  Vườn có vẻ vẫn được săn sóc, nhưng tôi có ý nghĩ như không còn dáng ngày trước nữa.  Thời đại huy hoàng của vua chúa đã theo ngày tháng tàn phai, nhưng tôi nhớ cách đây vài năm khi khu biệt thự vừa được mở làm nơi tham quan du lịch, thì cây cối còn sum suê nhiều.
Dạo ấy, tôi đã mê mẩn vì những hàng phượng vĩ nở bung chen với tiếng ve rền khi mùa hè chớm tới.  Tôi đóng vai một người đến thăm và ngợp đi vì màu hoa đỏ rưng rưng trong nắng.  Màu hoa học trò nở rộ khi mùa thi lấp ló hiện ra, báo hiệu chia tay sắp xảy đến và những quyển lưu bút trao nhau đầy ắp lời xẻ chia kỷ niệm.
Trường tôi nhiều cây phượng, mỗi lần ngồi trong lớp học, bỏ lãng du ý nghĩ theo những cành hoa đỏ đung đưa, ôi tuổi ngây thơ sao nhiều lưu luyến thế.  Bây giờ trở về, phượng trong khu biệt thự mất nhiều, cây nào còn sót cũng không um tùm như trước.  Có lẽ nếp nghĩ ngày một thay đổi hay là phế hưng thời cuộc bôi lên con người và cảnh vật những hình dáng tàn phai rồi chăng.
Tôi thở dài, búng tách tách cái nắp điện thoại cầm tay một cách lơ đãng, nghe tiếng lép xép của kim khí nhóc nhách vang lên trong khu vườn.  Tôi uể oải đứng lên, bước ra đầu gành xi măng, nhìn thông thống xuống những bậc xây đá chẻ khuất dần dưới lùm cây.  Chính lối đi này cũng hoang vắng như chính lòng tôi hoang vắng đang duềnh lên.
Tự nhiên, tôi có ý nghĩ đi xuống con đường để lần ra mỏm biển dưới kia.  Cái mỏm đá chất chồng mà những ngày biển động, sóng đánh vung lên làm ướt cả những người tò mò bò ra để chụp ảnh hay ngắm cảnh.
Trời mùa hè, nhưng sương vẫn có mùi thoang thoảng lạnh, một không khí mát dịu của biển, của sáng sớm, của hương hoa.  Đến nơi đầu mỏm, tôi phóng tầm mắt nhìn một vòng, chút hải cảng lọt tõm vào nhãn trường, vài chiếc tàu với cần cẩu đưa lên trời tựa những cánh tay đen muốn níu lấy trời cao.
Một vùng biển xanh nhờ pha màu xám đang len lỏi men theo con đường đá viền dài uốn éo, đưa tới một khu nhà hàng lấp ló trong vùng bãi cát có vòm cây xanh thẫm.  Tôi chợt nhận ra mấy chồng đá ong sắp thành những hồ cá lớn nhỏ đủ loại nay không còn nữa.  Bỗng tôi băn khoăn tự hỏi không biết những con cá cảnh giờ lưu lạc nơi nào.
Thì cũng y như cái triều đại đã nát tan, khu biệt thự đã bị dọn sạch sành sanh, nhưng người ta vẫn lưu giữ cái tên của chủ nhân để làm mồi câu khách.  Tôi ngán ngẩm cho tình đời, sụt sùi cho nhân thế.  Nếu thiên nhiên cất lời nói được hẳn nhiều phen cũng phải cau mặt với tang thương.
Thiên hạ nhân danh nhiều thứ quá, cố vơ vào chân lý cho mình, nhưng thời gian hờ hững trôi có gì còn trụ lại mãi đâu mà tranh giành, ghen tị.  Không dưng buổi sáng như mất màu thú vị, tim tôi nặng và đập dập dồn.  Tôi muốn bỏ con đường để quay ngược lên khu biệt thự trên kia.
Tiếng điện thoại kêu rich rich như dế, cắt đứt những ý nghĩ lộn xộn của tôi.  Tôi chưa kịp mở rộng cái nắp thì đã nghe giọng con Lan réo: mày làm gì vậy nhỏ.  Lười chẩy thây, chắc giờ này còn nằm ì trên giường.
Tôi bĩu môi như con nỡm đang ở trước mặt: đựng đoán mò nghe tụi.  Tao đang thả bộ xuống men biển đây, nhưng nhìn “ dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, thềm cũ lâu đài bóng tịch dương (TQ) “ mà buồn.  Thứ gì người ta cũng phế bỏ đi hết là thế nào.
Con bạn nghe tôi gắt gỏng, cười rẹt rẹt trong phôn: đừng “ chảnh “, nhỏ ơi.  Mày mà nặng tình cảm chỉ tổ buồn dằng dặc thôi.  Rồi nó rủ rê tôi: này sửa soạn, điểm trang đi rồi tao kéo mấy đứa nữa đến đón bà chúa đi ăn sáng.  Tôi đâm vặc với nó: mày kêu tao là chúa thì tao đếch đi nữa.  Nó hoảng lên phải xin lỗi lia chia.
Tôi phóng lên phòng thay cái quần jean mốc và chiếc áo voan đen, gồ ghề với đôi kính chống nắng to bụ xự để lên tóc và trở xuống khu vườn chờ.  Bốn năm cái xe Nova lẫn Dream, @ tươi rói màu sáng rực, mỗi chiếc đều có sẵn 2 đứa, chỉ riêng xe con Lan là trống nệm sau.
Nó xề xe lại, thắng trượt bánh sau và giục: mời cô nương lên cho.  Con này đúng là tếu, tính nó vẫn vậy, thời còn đi học.  Tôi phóc lên, cả bọn bóp còi toe toe như một thói quen rồi phóng vù xuống dốc.
Phố biển sáng sớm còn ngái ngủ, qua một trụ sở hành chính, len lách vào một dãy phố con và thong dong chạy theo con đường ven biển.  Ngang qua phi trường trống trơn, không còn tiếng C-47, C-123, C-130, Boeing rì rào như ngày nào.  Người ta đã dời trạm vào Cam Ranh, giờ những nhà cửa đều thành khách sạn, nhà trọ hay văn phòng cho thuê áo phao, chân vịt cho người đi lặn.
Bọn nhóc cười nói ồn ào.  Con Lan chúi đầu xuống rú ga, tôi phải ngăn sợ tai nạn xảy ra.  Nó liếc thấy quần tôi khen lấy khen để: hàng không đụng hiệu nhé, dân lắm tiền có khác.  Tôi nhức nhối vì những tiếng lạ lẫm khó nghe: gì là đụng hiệu, chảnh và hơi bị, rối tung rối mù.  Tôi nghiêm trang bảo nó: đi với tao, mày nói năng dễ dãi một chút, mày xài từ mới quá, tao chẳng hiểu, giá mày có chửi tao cũng lần không ra.  Nó khành khạch cười (lại cười).
Xe qua dài khúc biển, lướt cái bãi dương ngày xưa Mỹ vẫn ra tắm.  Mấy phòng tắm nước nóng che tôn cũng bị gỡ quẳng đâu mất.  Con Lan huyên thuyên giới thiệu: bây giờ mày nhận chẳng đâu vào đâu hết.  Đổi thay, đổi thay tất tần tận cả rồi, nó nói mà vung tay như sắp ăn thua với tôi.
Gió biển lồng lộng, trời không lạnh, nhưng tôi vẫn gây gây.  Tôi thu hai tay che lấy ngực, hơi khum người núp sau cái lưng lờ mờ sợi dây áo lót của con Lan.  Thấy tôi im im, nó bảo: mày nói gì đi chứ, sao lại câm hến vậy.  Hay là mày lại sầu vì vật đổi sao dời, khiếp, người từ hành tinh khác về có khác, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ.
Cả bọn chạy mút đến cuối bãi, nơi con đường Lê Lợi rẽ ngoặt bên hông bưu điện.  Những quán xá dọc biển đều bị dỡ đi, giờ là khu du lịch Bốn Mua, cửa hàng mỹ nghệ và các công viên với những công trình nghệ thuật bằng đá đục, trông lờ mờ những hình tượng như hư như thực chẳng nói lên một ý nghĩa rõ rệt.
Tôi nhớ vô cùng cái quán số 1 bé tí ở bãi biển, ngay bưu điện bước qua.  Ở đó ngày xưa cũng có một tàng phượng rụng hoa đầy trên cát đúng vào mùa thi.  Tôi sực nhớ ngày thi tú tài, tôi được sắp vào trung tâm trường Nam tiểu học, cái Lan cùng đi thi chung một năm.
Sau tiết thi sáng, buổi trưa cả hai ngại về nhà, rủ nhau lăn kềnh lên cát dưới chân quán số 1.  Bóng áo dài trắng điểm những cánh hoa phượng đỏ, trông đẹp và quyến rũ làm sao  Mỗi đứa gặm một khúc bánh mì nằm ngửa trông lên cành phượng rưng rưng trong nắng để chờ đợi tiết thi sau.  Trời trưa nồng nồng, nắng gay gắt chói chang, nhưng gió biển ồ ập thổi khiến chúng tôi chỉ hơi bực rực mà nằm đấu láo.  Ăn no bụng, hai đứa vào quán xin ca nước mát uống, mấy tay phục vụ trêu: hai cô ăn mặc lịch sự mà đi xin nước uống.  Tụi tôi không đáp một lời.
Ngày ấy, con Lan chỉ lên ngọn núi Cô Tiên ở phía lầu ông Tư mà hứa với tôi hai đứa chẳng bao giờ xa/quên nhau.  Vậy mà đùng một cái, tôi ra đi, con Lan kẹt ở lại.  Ngày tôi lên đường theo bố đi dạng H.O. con Lan khóc đến cạn nước mắt và xin lỗi không thể vào TSN tiễn chân tôi được.
Tôi cũng mủi lòng khóc theo nó và nài nỉ cho tôi được ứng chiếc vé xe đò để nó trọn tình trọn nghĩa với nhau.  Nó khăng khăng từ chối, tôi biết con bé chỉ bạo mồm bạo miệng, dương dương ra vẻ ta đây, nhưng yếu xìu trước cảnh “ biệt ly nhớ nhung từ đây (VC) “ nên lỉnh.
Năm đó, hai đứa đều đỗ.  Ăn mừng hai đứa tiêu béng số tiền ba má cho và tiền dành dụm từ đời thủa nào.  Hai đứa dung dăng dung dẻ nắm tay nhau như một cặp tình nhân, đi dưới bãi cát.  Thời đó bên phía trường HSQ Đồng Đế, các khóa quân dịch ùn ùn, chẳng đêm nào không có những buổi tập bắn.  Con Lan nhìn những lằn đạn đỏ bay vút lên không có vẻ thích thú khen là pháo hoa ngày hội.  Tôi thì tôi không ưa vì chiến tranh bao giờ cũng bạo tàn.  Nó vặn tôi: ba mày là lính mà mày tiêu cực quá.  Tôi lảng đi tránh đôi co.
Cả bọn định quẹo ở đường Lê Lợi để chạy ra chợ Đầm, nhưng con Lan rủ rê chạy vòng qua bưu điện.  Bức tượng bán thân Yến Phi rầu rầu bám trên trụ đá nhìn ra biển như một vết tích của thời tự thiêu tranh đấu.  Vườn công viên còn lòa xòa những tàng lá ngái ngủ chưa tan.  Một chị quét đường đang nhẫn nại lùa những nhát chổi bâng quơ trên lối mòn quanh đó.
Con Lan không biết tôi đang nghĩ gì nên lái xe vèo vèo.  Nó uốn dẻo lưng như cua rơ, lượn theo khúc quanh ngặt nghèo của đường trường để ngăn những tay đua khác qua mặt.  Con đường có những cây xà cừ gồ ghề bây giờ quang hẳn đi.  Nó chạy vòng qua Hàn Thuyên, vượt trường Nam, ôm sau lưng viện Pasteur, chạy một lèo qua Yersin và rẽ vào Lý Tự Trọng.
Trường Võ Tánh còn đó, vẫn im im với dãy tường cao lút tầm mắt người.  Lác đác vài ngọn thông còn sót trong sân, không cất nổi tiếng reo dù sáng nay có gió.  Hàng xà cừ cũng bị chặt hết rồi, giờ thay bằng những cây rậm um tùm lá với một khoảng đường xẻ nham nhở, định mở thêm một lối cho xe gắn máy chạy.
Dãy lớp ngày nao hai đứa ngồi học mà đầu óc để mãi ở đâu đâu.  Nghe như tiếng thầy Bạch đang giảng về môn khoa học, còn bọn học trò thì đang kháo nhau hè sắp tới rồi đó.  Tôi hỏi con Lan về thứ cây trồng mới này.  Con Lan nói dửng dưng: dào, có một độ lão Phú Quang lăng xê bài Hà Nội phố vào trong này, đi đâu cũng nghe các em hát ca tụng về hoa sữa.  Thế là thành phố vội bê thứ cây này vào, xà cừ, phượng, hoàng hậu, ngọc lan v.v… gì phế tuốt.  Giờ đi đâu cũng đụng đầu với thứ cây này.
Tôi cho con bé ở lâu nên dễ bị ấm đầu nổi tốc.  Tôi bảo: mày cứ vẽ vời, cây nào chẳng được miễn cho bóng mát thì thôi.  Con bé ứ ngay vào mặt tôi: ai can du đi má, con sẵn sàng đãi má một năm, mời má ở lại với con suốt mùa đông là má biết liền.  Chao ôi, cả thành phố kêu lên bị điếc mũi vì cái mùi sặc sụa của hoa sữa.  Người bị dị ứng đã đành, mà người mạnh cui cui rồi cũng bị tẩu hỏa nhập ma hết cả.
Thấy tôi có vẻ chưa tin, con nhỏ quay lại vẻ nghiêm trang, lảnh lót nói: tao nói thật đấy.  Mày ở chơi là sẽ biết đá biết vàng ngay.  Có thể trồng loáng thoáng thì cây không đến nỗi, đằng này các bố cứ hình dung ý vị hoa sữa theo lời nhạc Hà Nội mà trồng líu lo, nên đâm hại bà con.  Có nhà sực nức bị hành tội vì cái mùi hăng hắc ấy.
Tôi đâm cực kỳ hoang mang, tẽn tò.  Nửa muốn rút ý kiến lại, nửa lại chả biết sao.  Bọn bạn đưa tôi đến một quán bún bò giò heo, gọi nhao nhao lấy toàn gốc giò nạc.  Tô điểm tâm bưng ra nghi ngút khói, mùi cay cay và mùi lá xả bay lên, tôi nhìn vào trong tô những sợi bún to như bánh tầm, đang lượn lờ bên màu nước béo vàng ngậy.
Tôi sực nhớ đến những tô bún lưu vong ở rải rác nơi tôi đang sống.  Tôi cố tìm trong đó một chút gì hình ảnh quê tôi, nhưng chỉ loang loáng một màu trời vàng ệch.  Con Lan lăm lăm đưa đôi đũa lên gần miệng, nhìn dáng tôi đang tẩn mẩn xăm xoi, nó hét lên: mày nhìn gì thế, con quỉ.  Rồi cả bọn xúm nhau định trêu tôi, con Lan khệnh khạng như thủ lĩnh bảo với cả đám: tao vừa kể mùi hoa sữa, chắc là con nhỏ đang tìm xem có chiếc hoa sữa nào rơi vào bát bún của nó chưa cũng nên.
Cả bọn vứt đũa xuống bàn cười rần lên, khiến cả quán tưởng có lũ rồ vừa từ đâu kéo tới.  Mặc.  Cả mấy đứa cứ ngả ngớn cười.  Tôi nhợn như cũng vừa thoáng thấy có mùi hoa sữa bốc ra đâu đây.
Huân Long
 

Xem Tiếp: ----