THIÊN VI
HỮU ĐỘ

(CÓ PHÁP ĐỘ)

Không nước nào luôn luôn mạnh, không nước nào luôn luôn yếu. Người thi hành pháp luật mà cương cường (nghĩa là chí công vô tư) thì nước mạnh; người thi hành pháp luật mà nhu nhược thì nước yếu. Vua Kinh (Sở) Trang vương thôn tính hai mươi sáu nước, mở đất ba ngàn dặm mà khi mất rồi[1] thì nước Kinh suy vong. Vua Tề Hoàn Công thôn tính ba mươi nước, mở đất ba ngàn dặm mà khi mất rồi thì nước Tề suy vong. Vua Yên Chiêu vương[2] lấy sông Hoàng Hà làm biên giới, lấy đất Kế làm đô mà bình phong là đất Trác và đất Phương Thành[3], tàn phá nước Tề, bình định nước Trung Sơn, khiến cho nước láng giềng nào là bạn của vua Yên thì được coi trọng, nếu không thì bị khinh, vậy mà khi Chiêu vương mất rồi thì nước Yên suy vong. Vua Ngụy là An Li vương đánh nước Yên, cứu nước Triệu, chiếm đất Hà Đông, công phá hết đất Đào và đất Vệ, rồi đem binh đánh Tề, chiếm Bình Lục; lại đánh nước Hàn, chiếm đất Quản, đại thắng quân Hàn ở dưới sông Kì; trong trận Thư Dương, làm cho quân Kinh bị đình đốn quá lâu phải bỏ chạy; phá tan quân Kinh ở Thái và Triệu Lăng; binh Ngụy bốn lần giàn ra trong thiên hạ, uy thế lan khắp các nước (văn minh) “đội mão mang đai”, (tức khắp Trung Quốc), vậy mà An Li vương chết rồi thì nước Ngụy suy vong. Vậy có Trang Vương, Hoàn Công thì nước Kinh, nước Tề làm bá chủ; có Chiêu vương, An Li vương thì nước Yên và nước Ngụy mạnh lên. Nay các nước ấy đều bị suy nhược cả vì quần thần, quan lại của họ đều theo con đường loạn vong chứ không theo cái thuật trị cường. Nước đã loạn suy rồi, họ lại còn bỏ phép nước mà lo quyền lợi riêng, như vậy không khác gì vác củi để cứu lửa, càng loạn, suy hơn nữa.
°
Cho nên ở vào thời này, nhà cầm quyền nào biết bỏ tư lợi tà tâm mà theo phép công thì dân sẽ yên, nước sẽ lợi, biết bỏ hành động riêng tư mà mà làm theo phép công thì binh sẽ mạnh mà địch sẽ yếu. Cho nên vua (theo pháp độ mà) xét sự thành bại của việc[4], dùng người biết giữ pháp độ mà đặt lên trên các quần thần thì không kẻ nào gian trá gạt vua được; (theo pháp độ mà) xét sự thành bại của việc, dùng người biết cân nhắc mà giao cho các việc ở xa thì không kẻ nào lừa gạt về việc quan trọng hay không quan trọng trong thiên hạ được. Nếu nhờ vào danh tiếng mà được cất nhắc thì bề tôi xa bề trên (vua) mà kết bè phái ở dưới; nếu nhờ có phe đảng mà được làm quan thì dân sẽ chỉ lo kết giao với nhau mà không cần giữ pháp luật. Quan lại mà không được dùng đúng khả năng thì nước loạn. Nếu thưởng phạt ai chỉ do lời khen chê của người khác thì kẻ thích được thưởng, ghét bị phạt sẽ bỏ phép công mà chỉ theo thuật riêng, kết bè đảng để làm lợi cho nhau, quên vua mình mà giao thiệp với nước ngoài, để đưa phe mình lên, mà bề tôi sẽ ít phục vụ cho vua. Bề tôi kết giao với nhau nhiều, trong ngoài đều có bè đảng thì dù có tội lớn, cũng che lấp hết, vua không sao biết được. Do đó mà bề tôi trung chẳng có tội cũng bị giết, còn bọn gian thần chẳng có công gì lại được yên ổn hưởng lợi. Bề tôi trung không có tội mà bị giết thì hạng lương thần (bề tôi tốt) phải ẩn mình; bọn gian thần không có công mà được yên ổn hưởng lợi thì bọn gian thần tiến lên. Đó là nguồn gốc sự suy vong. Như vậy thì bề tôi bỏ pháp luật mà lo việc riêng tư, coi thường phép công; thường lui tới nhà riêng của bọn cầm quyền mà không tới triều đình của vua; trăm lần lo cái lợi cho tư gia mà không một lần mưu tính việc cho vua. Thuộc hạ tuy đông mà không phải để tôn quân, bách quan tuy đủ mà không phải để lo việc nước. Như vậy, vua chúa chỉ có cái danh là vua chúa mà thực tế thì phải nhờ cậy vào nhà của bề tôi. Cho nên thần (tức Hàn Phi) bảo: “Triều đình của nước suy vong không có người”. Triều đình không có người, không phải là triều đình trống không, mà là bề tôi chỉ nghĩ đến cái lợi của tư gia, không lo làm lợi cho nước, các quan lớn lo tôn lẫn nhau mà không tôn quân, còn các quan nhỏ dùng bổng lộc để kết giao chứ không làm việc nước. Sở dĩ như vậy là vì vua chúa ở trên không quyết đoán theo pháp luật mà tin lời khen chê của kẻ gian, thưởng phạt theo ý họ. Bậc minh chủ (trái lại) chọn người theo pháp luật, không theo ý riêng mà cất nhắc họ, xét công lao của bề tôi theo pháp luật, không theo ý riêng mà ước lượng, (như vậy) kẻ làm được việc không bị ghìm, kẻ làm hỏng việc không thể nói hay cho mình được; kẻ được khen (bậy) không được tiến cử (hay thăng chức), kẻ bị chê (oan) không bị cách chức (hay giáng chức); mà giữa vua tôi, thiện ác phân minh, nước dễ trị. (Tóm lại) vua theo đúng pháp luật thì thành công.
°
Người hiên làm bề tôi thì quay mặt về hướng Bắc dâng lễ vật[5] (thề) không có hai lòng, ở triều đình không dám từ chối địa vị thấp hèn, trong quân đội, không dám từ chối việc gian nan; một mực thuận tòng việc làm, pháp độ của vua, hư tâm[6] để đợi mệnh lệnh, không dám dị nghị phải trái, cho nên có miệng mà không nói ý riêng, có mắt không nhìn riêng, hoàn toàn do vua kiềm chế. Phận bề tôi, cũng như cánh tay, trên che đầu, dưới che thân, thân thể nóng hay lạnh thì phải cứu, dù lưỡi kiếm Mạc Da kề thân cũng không dám không bắt. Bề tôi hiền triết kẻ sĩ tài bằng làm việc riêng tư (mà phải lo việc công). Cho nên dân không dám ra khỏi làng mà giao du, không có thân thích ngoài trăm dặm. Sang hèn không lấn nhau, trí ngu đều có chỗ đứng. Như vậy là cực trị.
Hạng người khinh tước lộc, dễ dàng bỏ chức vụ mà đi chọn vua khác, thần không gọi là liêm. Hạng người đặt lỗi giả dối, trái pháp luật, không theo vua, một mực can gián, thần không gọi là trung. Hạng người thi hành ân huệ, phân phát lợi lộc, thu phục kẻ dưới để được tiếng tốt, thần không gọi là nhân. Hạng người lánh đời, ở ẩn, chê bai vua, thần không gọi là nghĩa. Hạng người ra ngoài giao thiệp với chư hầu (để làm lợi cho mình), ở trong làm hao tổn cho nước, rình lúc nước nhà gặp cơn nguy hiểm để dọa vua, bảo: “Việc ngoại giao không có tôi thì không kết thân với nước ngoài được; nước khác thù oán mình, không có tôi thì không giải cho được”, mà vua tin, giao việc nước cho, nhân đó họ làm cho uy danh của vua bị hạ thấp để cho uy danh của họ rực rỡ, hủy hoại thực lực của quốc gia làm lợi cho nhà họ, hạng đó thần không gọi là trí. Mấy hạng (liêm, trung, nhân, nghĩa, trí) đó, thời loạn người ta quí trọng, nhưng phép của tiên vương thì gạt bỏ họ ra. Phép của tiên vương bảo: “Bề tôi không được ra oai, không được gian ác mà phải theo đường lối của vua”. Đời xưa, khi quốc gia bình trị thì dân theo phép công, bỏ thuật riêng, thống nhất ý nghĩ và việc làm để đợi vua giao cho nhiệm vụ.
°
Làm vua mà đích thân xem xét bách quan thì không đủ thời giờ mà cũng không đủ sức. Vả lại người trên dùng mắt thì kẻ dưới tô điểm bề ngoài; người trên dùng tai thì kẻ dưới sửa giọng nói; người trên dùng trí óc để đoán xét thì kẻ dưới khéo nói, nói nhiều. Tiên vương cho ba cái đó (mắt, tai, trí óc) là không đủ nên không ỷ vào tài năng của mình mà theo pháp độ, xét kĩ việc thưởng phạt. Tiên vương chỉ giữ cái cốt yếu, nên pháp độ giản dị mà không bị vi phạm; một mình tự chế ngự dân trong bốn bể, khiến cho kẻ thông minh không gian trá được, kẻ miệng lưỡi không nịnh bợ được, kẻ gian tà không biết dựa vào đâu được, dù kẻ ở xa ngoài ngàn dặm cũng không dám đổi lời, kẻ thân cận như các lang trung cũng không dám che dấu cái tốt, tô điểm cái xấu; như vậy từ các bề tôi tại triều tụ tập ở bên vua cho tới những kẻ thấp hèn ở xa cũng không dám lấn nhau mà đều giữ chức phận mình[7]. Cho nên việc cai trị ít, ngày giờ dư, được vậy là do vua biết dùng quyền thế để trị nước.
°
Bề tôi lấn vua cũng như hình thế đất đai, mỗi ngày thêm một chút, lần lần làm cho vua mất đầu mối (tức pháp độ), đổi hướng từ đông sang tây mà không hay. Tiên vương đặt ra kim chỉ nam (tức quốc pháp) là để biết phương hướng mặt trời mọc và mặt trời lặn (tức biết đâu là chính, đâu là tà). Nhờ vậy mà bậc minh chủ khiến cho quần thần không dám nghĩ lông bông vượt ra ngoài pháp luật, không dám thi hành ân huệ quá sự qui định của pháp luật, mà nhất cử nhất động đều hợp pháp. Pháp luật nghiêm là để ngăn cấm tội lỗi, trừ bỏ riêng tư; hình phạt gắt là để lệnh được thi hành khắp và trừng trị kẻ dưới. Uy thế không thể ủy thác cho kẻ khác, quyền chế tài không thể cho người khác giữ chung. Hai cái đó mà vua tôi giữ chung thì vô số sự gian tà xuất hiện. Pháp luật mà không xác định thì hành động và lời nói của vua trái ngược nhau[8], hình phạt không kiên quyết thì không trừ được kẻ gian. Cho nên bảo: “Người thợ không khéo thì mắt nhìn và ý đoán không sai với dây mực, nhưng cũng phải dùng cái qui cái củ để đo trước đã: hạng thượng trí tuy xử sự nhanh chóng, thích đáng, nhưng cũng phải dùng pháp độ của tiên vương làm tiêu chuẩn”. Nhờ dây mực thẳng mà đẽo được cây cong làm cho thành ngay; nhờ cái thuỷ chuẩn bằng mặt mà san phẳng được chỗ lồi lõm; nhờ cái cán cân và quả cân treo lên mà bớt được bên nặng bù vào bên nhẹ; nhờ có cái đấu, cái thạch[9] mà giảm được chỗ nhiều thêm vào chỗ ít. Dùng pháp luật để trị nước chỉ là để khen đúng người phải, trách đúng kẻ quấy mà thôi. Pháp luật không thể a dua người sang cũng như dây mực không thể uốn theo gỗ cong. Áp dụng pháp luật thì kẻ trí phải treo mà kẻ dũng không dám cãi. Trị tội thì không chừa các quan lớn, thưởng công thì không bỏ sót dân thường. Kiểu chính lỗi của người trên, trách sự gian tà của kẻ dưới, trừ loạn, sửa tài, giảm cái hữu dư, bù cái bất túc[10] khiến cho toàn dân noi theo một đường, thì không gì bằng pháp luật. Khống chế quan lại, ra oai với nhân dân, trừ sự bậy bạ, biếng nhác, ngăn sự gian trá, thì không gì bằng hình phạt. Hình phạt nặng thì người sang không dám khinh kẻ hèn; pháp luật phân mình thì người trên được tôn trọng, không bị lấn. Người trên được tôn trọng, không bị lấn, thì vua mạnh, nắm được các mối quan trọng. Vì vậy mà tiên vương quý pháp luật mà truyền lại đời sau. Bậc vua chúa bỏ pháp luật mà theo ý riêng thì trên dưới không phân biệt (nước sẽ loạn)
Chú thích:
[1] Nguyên văn là chữ manh 氓 (nghĩa là dân), mỗi nhà bàn một khác; có nhà ngờ là chữ mẫn 泯(nghĩa là tiêu diệt). Chúng tôi lấy ý mà dịch.
[2] Có sách chép là Tương vương, sai.
[3] Có sách cho rằng Phương Thành ở trong đất Trác.
[4] Ý muốn nói trước khi dùng ai, vua phải xét xem người đó được việc hay không đã.
[5] Vì vua quay mặt về phương Nam (phương có nhiều ánh sáng). Thời xưa, khi mới yết kiến, người dưới dâng lễ vật cho người trên, như quan khanh dâng con dê con, quan đại phu dâng con nhạn lên vua.
[6] Không có sẵn ý riêng.
[7] Nguyên văn: triều đình trực tấu, đan vi bất cảm tương du việt. Câu đó tối nghĩa. Trần Khải Thiên hiểu là: các bề tôi tụ họp ở bên vua mà không tơ hào lấn áp nhau (chữ đan vi hiểu là tơ hào chứ không phải là kẻ thấp hèn ở xa); lại có nhà hiểu: bất cảm tương du việt là không dám vượt pháp độ.
[8] Chữ nguy 危 ở đây, các nhà chua giải bảo phải đọc là quí 詭, như trong chữ quỉ biện mà ta thường đọc là ngụy biện.
[9] Thạch là một đồ đo lường bằng 10 đấu.
[10] Nguyên văn: chuất tiện tề phi 絀羨齊非, có sách giảng là khen đúng người phải, trách đúng kẻ bậy. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên.