Khi viết những dòng này, mảnh đất Đức Đại đã phát triển thành một vùng quê trù phú. Chúng tôi đã dạo bước rất nhiều lần trên mảnh đất này, đã lượn qua rất nhiều ngõ ngách… đã đắm mình vào hương đất, hương cây, đã bắt tận tay vào bức tường xù xì thô tháp, ghê rợn của cái bốt Giỗ tàn ác một thời, đã thả hồn theo dòng chảy miên man của con sông đầy ắp phù sa giữa một chiều cả gió để thấy nắng lấp loá chiếu xuống như ngàn vì sao treo trên đầu ngọn sóng… Và cũng đã cảm cả tấm tình của người Đức Đại… Miên man, bồi hồi mà vẫn không sao lí giải nổi điều gì đã làm nên tất cả những gì đang hiện hữu trên mảnh đất này. Không còn tìm đâu thấy những con đường làng quanh co lát đá xanh, tên của những dòng sông, những mô đất gắn với bao chiến tích xưa giờ có lẽ cũng chỉ còn trong trí nhớ của rất ít người. Họ là những con người của rất nhiều những thế hệ trước, thế hệ hào hùng một thuở đã làm nên kỳ tích của một mảnh đất vốn bình dị như bao miền quê thuần hậu quanh tôi. Chúng tôi đã từng được ăn món cốm nếp dẻo ngọt dính dấp chân răng được làm nên bởi bàn tay khéo léo của những bà, những chị trên mảnh đất này, cũng chưa ngấm hết vị ngọt của đất đồng bãi thấm đẫm trong từng hạt cốm vặn mình từ đất để trong vắt như những hạt bích ngọc, nhưng những gì chúng tôi biết, chúng tôi được nghe kể về những con người đã sống, đã giành giật từng thước đất với quân thù khiến trong lòng rộn lên niềm trân trọng khó tả. Và cũng như bao người của thế hệ đi sau, chúng tôi bỗng thấy như mình mắc nợ mảnh đất này dù món nợ ấy khá mơ hồ nhưng cũng thật hiện hữu, vô hình mà lại rất hữu hình. Món nợ ấy gợi lên bởi bao nhiêu chuyện làng, chuyện nước chúng tôi đã nghe kể. Thầm thì, nhẹ nhàng mà như những giọt mưa tro thấm ướt tôi lúc nào không hay. Và chúng tôi tin, cũng như chúng tôi, món nợ về quê hương sẽ trở thành niềm trăn trở trong lòng những người con Đức Đại khi họ xa quê. Nó thành hành trang da diết trong cuộc đời mỗi con người dù họ có đi cùng trời cuối đất, có chìm nổi cùng bao hạnh phúc hay cay đắng ở đời. Sau năm một nghìn chín trăm năm ba, bác sỹ Nguyễn Đình Lân, người đảng viên kỳ cựu trong cuốn sách này rời làng thoát ly đi kháng chiến. Những gì ông cùng đồng đội đã làm trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù trên mảnh đất Đức Đại trở thành hành trang cho ông trên con đường công tác, ngay cả những khi là cán bộ của Sở y tế Hải Dương hay trong hành trình gian khó trên đất bạn Cam Pu Chia giữa những ngày rực lửa. Dẫu giờ đây, những người đang sống trên mảnh đất này, có những người không biết đã từng có một đoạn đường Đức Đại gian khó đến vậy, không biết đã từng có một thế hệ những con người hiếu lễ, kiên cường vò nhàu mình giữ làng, giữ xóm trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thì câu chuyện về cuộc đấu tranh của người dân Đức Đại ngày ấy cũng sẽ không giản đơn chỉ còn phảng phất trong trí nhớ của những người đã từng chứng kiến mà sẽ còn ghi dấu trong tâm khảm của rất nhiều thế hệ sau này, thế hệ được hưởng thành quả của chính những cuộc đấu tranh ấy đem lại. Cuộc chiến đã đi qua rất lâu. Những con người cùng thế hệ của các ông các bà ngày ấy theo dòng chảy của thời gian còn lại cũng chẳng bao người. Nhưng chúng tôi tin, chuyện làng, chuyện nước thì sẽ mãi còn đó. Nhiều người trong ban tranh đấu của Đức Đại ngày ấy mãi trở thành những chiến sĩ vô danh. Họ không hề nhận một tấm huân chương, một lời ghi nhận nhưng vẫn không một lời oán thán. Và đó cũng chính là lí do chúng tôi viết cuốn sách này. Viết để khắc ghi về một thời cha ông ta đã đi qua. Viết như lời tri ân với những người còn sống, một nén tâm nhang thắp lên cảm tạ những gì cha ông ta đã cống hiến, viết để bày tỏ tấm lòng, sự trân trọng của chúng tôi với chính những người con kiên trung của mảnh đất giàu truyền thống này.