1921 -Ông Tú nhà Nho bị tù đày ở Côn-lôn lúc được trả tự do về nhà mở trường dạy chữ Quốc Ngữ, chữ Tây và Toán. -Sữa hộp con chim ( Nestlé ) là món xa xỉ phẩm chỉ để các quan dùng. -Học trò "đi Tết" Thầy, và đọc "đít cua" (discours) mừng tuổi Thầy. -Tình hình các trường Nhà Nước khắp ba kỳ Trung Nam Bắc. -Một bộ đồ Tây gởi vô Saigòn may. -Một ông Đốc học nịnh "Mẫu quốc". -Một ngày lễ Quốc Khánh Pháp. Và những trò giải trí nhục nhả cho người An-Nam. Chiếc máy bay lần đầu tiên kiểu Farman 1915, đáp xuống một khu đất hoang gần tỉnh lỵ, một buổi chiều thứ sáu năm 1920, trước một công chúng vài ngàn người đã gây được một uy tín lớn lao cho người Pháp và thêm được một yếu tố tâm lý vững chắc cho chính sách chinh phục mà họ gọi là "Bảo Hộ". Thời kỳ này các nhà Văn Thân có đầu óc ái quốc đã hoạt động chống Pháp từ 1906-1908, theo phong trào Duy-Tân, phong trào xin xâu "giặc đồng bào", hầu hết đã bị đày đi Côn Lôn, Lao Bảo đều đã lần lượt trở về, và sống yên thường thủ phận. Các ông không hoạt động chính trị nữa, chỉ mở trường tư tại nhà dạy học trò. Ông Tú Phong thầy học cũ của Ký Thanh và của Phán Tuấn, sau khi bị đi tù ở Côn Lôn về, liền mở trường dạy chữ quốc ngữ và bỏ hẳn chữ Nho. Người ta ngạc nhiên thấy ông Tú sau chín năm đi tù về, đã cúp tóc carré và cách thức ăn ở đã tiêm nhiễm ''văn minh Âu Tây". Ông viết chữ quốc ngữ rất thạo, và có đem về một quyển tập dầy khoảng 200 trang chép bằng mực tím tất cả những gì ông học được trong nhà lao Côn Lôn. Ông đem quyển tập ấy dạy lại cho đám học trò của ông, độ vài ba chục thanh thiếu niên, con những nhà khá giả nhưng không thích đi học "trường nhà nước". Nhiều cậu đã lớn tuổi sắp làm ông Hương, ông Xã. Đại khái về Toán thì ông Tú dạy cách đo bóng cây để biết cây cao mấy thước, đo ngọn núi cao, và diện tích hình vuông, hình chử nhật, hình tam giác, hình chữ nhật lệch, hình thoi, v.v... Ông cho học trò làm những bài toán bằng thơ, thí dụ như sau: Vừa gà vừa chó Bó một bó cho tròn 36 con 100 cái cẳng Hỏi mấy gà, mấy chó? v.v.. Về địa dư, ông dạy vẽ địa đồ "ngũ đại châu" và bôi đủ các thứ mầu, vẽ bậy bạ không trúng vào đâu cả, nhưng đại khái cũng phân biệt châu Âu, châu Á, châu Mỹ, vv... Về Lịch sử, ông viết ra một quyển sách quốc ngữ nhan đề "Nam Quốc Sử diễn ca" bằng thơ lục bát. Ông cho học trò học thuộc lòng quyển sử của ông, một bản duy nhất, chép bằng tay, thay vì học "Tứ Thư Ngũ kinh" như ông đã dạy trước kia. Quyển "Nam Quốc Sử diễn ca" của ông Tú mở đầu như sau đây: Nước ta đã bốn ngàn niên Hồng Bàng lập quốc con Tiên cháu Rồng Âu Cơ kết với Lạc Long Sanh ra trăm trứng, chuyện không hoang đường Mới nghe thì khó tỏ tường Nhưng dòng Lạc Việt hùng cường biết bao! Đất nhiều, sông rộng, núi cao, Dân hăm lăm triệu, dễ đâu thua người! v.v... Tuy thế, ông Tú cũng thích chữ Tây lắm. Thỉnh thoảng ông dạy học trò của ông học chơi cho vui vài ba câu tiếng Pháp mà ông đã học lỏm được ở Côn Lôn, thí dụ như "Bông-xua Bà Đầm, Bông-xua Mông xừ, v.v..." Mồng một Tết, ông Tú đến nhà ông Cử Phạm, chúc mừng bằng một câu tiếng Tây: "Bon-an-nê!" điểm theo một nụ cười bông đùa rất có duyên. Đó là triệu chứng chữ Pháp đã bắt đầu thịnh hành vào khoảng năm 1920 trong dân gian vậy. Ông Tú cũng dạy học trò của ông học chữ số của Tây theo giọng ta: - "On. đơ, toa, cách, xanh, xít, nớp, đít, ông, đui..." Hơn nữa, ông Tú đặt tên cho đứa cháu ngoại đầu lòng của ông là Lê văn On ( theo chữ Un của Pháp ), và đứa cháu nội thứ ba là Trần văn Toa ( theo chữ Trois ). Ông Tú dạy cả khoa vệ sinh nữa, một môn học mà trước kia chính ông cũng chưa biết. Thí dụ, ông dạy rằng sáng dậy phải lấy cục than đen trong bếp, chà trên răng rồi súc miệng, cho sạch miệng và sạch răng. Tất cả học trò ông đều làm đúng theo lời ông dạy. Ký Thanh là học trò cũ của ông Tú, trước kia rất kính trọng thầy, nhưng từ ngày ông bị bắt vì quốc sự và bị đày đi Côn Lôn, chàng không dám nhắc đến tên thầy nữa. Hôm ông Tú ở tù về, bà con trông phố và trong tỉnh mừng rỡ đến thăm tấp nập, chật nhà cửa, và tỏ lòng quyến luyến cảm phục ông Tú. Duy có Ký Thanh là không dám bước chân đến hỏi thăm thầy một câu. Chàng sợ "liên luỵ" đến bổn thân, tìm cách tránh thầy cũ như tránh người cùi. Phán Tuấn, trái lại, thường đến thăm thầy luôn, tuy rằng hồi nhỏ '"thằng Chuột" mới được ông Tú dạy cho học bập bẽ vài chữ "thiên trời, địa đất" mà thôi, vì nhà nghèo nó đâu có đi học được thường xuyên. Nhớ tình thầy trò cũ, Trần anh Tuấn thường "đem kỉnh" ông Tú một gói trà hoặc một cân đường, một chai rượu hổ cốt, một hộp sữa bò. Thời buổi ấy chỉ có một thứ sữa hộp duy nhất là sữa con chim và là một món xa xỉ. Ai có tiền mới mua được một hộp về nhà để dành pha uống cả nửa tháng mới hết. Trong tỉnh chỉ có các nhà quan và các thầy làm việc Nhà-nước, có lương bổng nhiều mới dám uống sữa bò. Cho nên lâu lâu Phán Tuấn đem biếu ông Tú một hộp sữa Nestlé, ông quý lắm, vui mừng cám ơn "thầy Phán". Mỗi lần Tuấn đến thăm, chàng thích hỏi ông Tú về đời sống của tù ở Côn Lôn. Chàng thích nghe ông Tú kể chuyện các bạn đồng lao của ông như ông Nghè Huỳnh thúc Kháng, ông Nghè Ngô đức Kế, ông Tây Hồ Phan châu Trinh, ông Tú Tân Hội, vv... Tuấn nghe say mê. Có lần Tuấn khẽ hỏi: - Thưa thầy, vua Duy-Tân có ở Côn Lôn không? - Không. Nghe nói Tây đày Ngài qua đâu tận bên Phi châu lận. - Thưa thầy còn vua Thành Thái? - Ngài, thì hình như cũng bị lưu đồ qua bên đó. - Vua Hàm Nghi? - Vua Hàm Nghi cũng bị đày qua Phi châu. Tuấn hỏi cho biết thôi, chứ Tuấn không dám thổ lộ tâm sự riêng tư gì của chàng. Chàng biết chàng đang bị Ký Thanh "dòm ngó" và tìm đủ các cách để làm hại chàng. Tuấn đến thăm ông Tú Phong, đã là một hành động táo bạo và liều lĩnh lắm rồi.