Dịch giả : Diệu Liên - Lý Thu Linh
Chương 17
Lời Mời Đến Phương Tây

Đại sư Dhammananda lúc đầu đã mời tôi đến Malaysia, tôi đoán vì ông mến tôi.  Tuy nhiên, dần dần tình bạn của chúng tôi trở nên lợt lạt.  Tôi không biết chắc chắn tại vì sao.
Có thể vì tôi quá khăng khăng trong trong việc dạy tiếng Anh.  Có thể do tuổi trẻ của tôi.  Có thể do những lớp học ngoại khóa tôi tham dự đã không cho phép tôi thường xuyên có mặt tại chùa, do đó thiếu sót các bổn phận ở chùa.
Số người này khó chịu vì tôi tiếp tục giảng pháp cho các em nhỏ bằng tiếng Anh.  Vì giai cấp trung lưu coi việc nói được tiếng Anh là thời thượng và tiến bộ, nên những đứa trẻ này đã được nghe tiếng Anh ở nhà.  Rồi ở trường học, trên radio, truyền hình, đâu cũng nói tiếng Anh.  Nhưng phụ huynh học sinh muốn chúng tôi, các tăng sĩ ở chùa nói tiếng Sinhala với con cái họ.
Tôi biết tốt nhất là nên sử dụng tiếng Anh, ngôn ngữ mà những đứa trẻ này cảm thấy dễ hiểu.  Các tư tưởng trong giáo lý đã đủ khó cho các em hiểu, cộng thêm, nếu tôi dạy bằng thứ ngôn ngữ mà chúng không hiễu rõ, chúng sẽ bức xúc và không muốn đến chùa chút nào.
Tôi đã trao đổi nhiều với các bậc phụ huynh về các vấn đề nầy.
“Chúng tôi dựa vào Sư để giúp chúng tôi bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa,” họ nói.  “Chúng tôi đã mời Sư đến đây để dạy con em chúng tôi tiếng Sinhala.  Thay vì làm thế, Sư luôn dạy chúng bằng tiếng Anh.”
“Điều đó không đúng,” tôi đáp lại.  “Tôi thuyết pháp bằng cả hai thứ tiếng Sinhala và tiếng Anh.  Tôi cũng đã tìm những người tình nguyện dạy tiếng Sinhala trong các lớp giáo lý ngày chủ nhật.  Nhưng tôi giảng Pháp bằng tiếng Anh.  Đó là cách tốt nhất.”
Tiếc thay, tôi không thuyết phục được các vị phụ huynh nầy.
Trong lúc đó, cơ quan di trú của Malaysia đã báo cho tôi biết họ không thể gia hạn visa của tôi nữa.  Họ đã gia hạn cho tôi chín năm liên tiếp, mỗi lần tôi nộp đơn.  Nhưng rõ ràng nó đã vượt giới hạn của họ.  Họ cảnh báo với tôi rằng họ không thể gia hạn lần thứ mười.  Tôi sẽ phải rời xứ này vào cuối năm 1968.
Vì thế tôi bắt đầu suy gẫm về những chọn lựa của mình.  Tôi đã gửi thư hỏi đến các chùa ở Hồng Kông, Đại Hàn, Indonesia, và Canada.  Phần đông đều sốt sắng, với những lời mời tôi đến trú ngụ và dạy ở đó.  Vấn đề chỉ còn là sự chọn lựa của tôi về nơi tôi muốn đến kế tiếp.
Năm 1967 tôi đã thực hiện một chuyến du hành thú vị qua tất cả các xứ ở Á châu, nhờ sự giúp đỡcủa Hội  Sasana Abhiwurdhiwardhana.  Trong thời gian sáu tháng, tôi đã viếng Campuchia, Lào, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật, Đài Loan, Phi Luật Tân, và Indonesia, cũng như là Hồng Kông.  Thật là một chuyến viễn du đầy ấn tượng đối với một vị tu sĩ trẻ và thật đúng là kỳ “nghỉ phép” đầu tiên mà tôi được hưởng.  Tôi không phải dạy lớp nào hay học hành gì.  Tôi chỉ ở trong các chùa và viếng thăm những địa danh tôn giáo ở bất cứ nơi nào tôi đến.
Đặc biệt là Việt Nam, rất thú vị.  Mặc dầu là thời điểm chiến tranh đang bắt đầu sôi bỏng trong nước, người Việt Nam rất tử tế với tôi.  Họ dẫn tôi đi thăm viếng các đền chùa và tổ chức những buổi diễn thuyết cho tôi ở khắp mọi nơi mà tôi đến.  Hằng trăm người đến lắng nghe, và luôn có người dịch các bài giảng của tôi từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Ở một thành phố của Việt Nam, là Đà Nẵng, cứ vài phút, bom B52 của Mỹ lại dội xuống vùng DMZ (vùng tự do oanh tạc).  Cả tòa nhà nơi tôi đang lưu trú rung chuyển với từng trái bom dội xuống.
Ở Lào, tôi thăm viếng các thành phố  của Luong Prabang và Vientiane.  Vì không có máy bay tư nhân nào, một vị đại sư Lào danh tiếng đã thu xếp để tôi có thể đi bằng máy bay quân sự.  Tất cả những người đồng hành với tôi đều là lính.
Ở Campuchia, tôi đã leo lên những bậc thang dốc đứng bằng đá của Angkor Wat, một kiến trúc các dãy chùa nổi tiếng của thế kỷ thứ 12, kéo dài hằng cây số xuyên qua rừng.
Ở Nhật, tôi gặp một vị sư người Sinhala khác, đại đức Ratmalane Sivali, người cũng đang du hành qua Đông Nam Á.  Tôi kể với Sư rằng visa của tôi ở Malaysia sắp hết hạn.  Sư cho tôi biết có một ngôi chùa Sinhala đã được thành lập ở Washington D.C., một trong những ngôi chùa Sinhala đầu tiên ở Mỹ.  Chùa này đang tìm một vị tu sĩ có thể nói tiếng Anh với kinh nghiệm truyền giáo để giúp đỡ sư trụ trì ở đó.  Đại đức Ratmalane Sivali cho tôi địa chỉ của chùa và tên vị trụ trì.  Sư khuyên tôi cũng nên viết thư đến cho Hội Sasanasevaka ở Ceylon, bày tỏ ý muốn đến Washington.
Cuối chuyến du hành sáu tháng ở châu Á, tôi trở về nhà ở Ceylon.
Tôi ở đó khoảng một tháng, thăm viếng tất cả thân quyến của tôi.  Tôi cũng đến viếng Thượng tọa Madihe Pannasiha Nayaka, người đỡ đầu của Hội Sasanasevaka, người đã trả lời thư của tôi về công việc ở Washington.  Sau một cuộc phỏng vấn ngắn, Sư nói rằng sẽ báo lại với các thành viên trong Hội về tôi và họ sẽ cho tôi biết quyết định sau.
Một ngày kia vào khoảng gần cuối thời gian tôi ở Ceylon, tôi đã thọ trai xong ở nhà anh tôi, Rambanda.  Rồi tôi đến ở chùa Yakkala, cách làng Henepola của tôi khoảng bảy mươi dặm.  Ngày hôm sau, em gái tôi đã nhắn tin.
Lời nhắn rằng, “Rambanda đã mất.  Sư phải về ngay.”  Cái gì?  Không thể nào.  Anh vẫn còn khỏe mạnh lúc dùng bữa trưa hôm qua với tôi.  Rambanda còn trẻ, chỉ mới bốn mươi lăm và hoàn toàn khỏe mạnh.
Tôi đưa mảnh giấy báo tin cho đại đức Candajoti. “Đây chắc là một sự nhầm lẫn,” tôi nói.  “Hay là một sự trêu đùa ác độc nào đó.”
“Không,” Sư trả lời.  “Tôi không nghĩ đó là trò đùa.  Tử thần có thể đến viếng bất cứ ai vào bất cứ lúc nào.  Tốt nhất sư nên về.”
Tôi mướn một chiếc taxi chạy đến nhà anh tôi.  Cả nhà đang ở đó, than khóc.
Tôi được biết rằng đêm hôm trước, chỉ vài giờ sau khi tôi ra về, Rambanda đã dẫn con trai lớn nhất của mình đi hái mít cho mấy con trâu nước ăn.  Anh đã dặn con trai ở dưới đất và rằng anh sẽ thải mấy trái mít to xuống cho nó.  Rambanda trèo cao lên cây, có thể là mười lăm mét.  Khi anh thải trái mít đầu tiên, nhánh cây mà anh đang đứng và đang tựa tay vào, cả hai đều gãy.  Anh té nhào xuống đất, gãy cổ.  Anh chết ngay lập tức.
Sáng hôm sau tôi đi đến Galagedara với vài người thân quyến để mua xấp vải trắng và những thứ khác mà chúng tôi cần dùng cho đám táng anh trai tôi.  Tôi tê tái người.  Những ngày sau đó chỉ là những ký ức nhạt nhòe.
Sau đám tang là lúc tôi phải trở lại Malaysia.  Tôi lên máy bay ở Colombo.  Khi ngồi xuống trong máy bay, tim tôi đau nhói, nhớ thương anh.  Lúc còn nhỏ, chúng tôi rất thân nhau, luôn gây ra lắm chuyện và cũng có nhiều điều kỳ thú.  Kỷ niệm tràn ngập đầu óc tôi.
Và rồi tôi nghĩ đến, lần nào khi tôi rời Ceylon, Rambanda cũng là người đưa tiễn tôi đến sân ga hay bến tàu.  Lần nầy, anh không có ở đó.
Tôi bắt đầu khóc.
Sau khi trở lại Malaysia không lâu, tôi nhận được lá thư quyết định một chương mới trong cuộc đời tôi.  Đó là lá thư của Hội Sasanasevaka chính thức mời tôi đến Washington D.C, để trở thành vị giảng sư lưu trú ở chùa họ.  Việc thuyên chuyển của tôi bắt đầu vào năm sau, 1968.
Tôi đã bốn mươi tuổi.  Cuối cùng tôi sẽ được làm những gì mà tôi luôn mong muốn –được giảng pháp bằng tiếng Anh, trong thủ đô của xứ sở có nhiều người nói tiếng Anh nhất trên thế giới.
Tôi sắp sửa đi Mỹ.

"Tòa đại sứ Ceylon.  Nó ở đâu vậy?" anh ta hỏi.
Tôi hoàn toàn mù tịt.
Giờ thì người hướng dẫn viên không còn bình tĩnh nữa. Đã qua giờ ăn tối.  Anh ta bảo rằng đã hết ngày làm việc của anh; anh phải về nhà.  Anh ta rất tiếc nhưng phải để tôi xuống giữa đường, và tôi phải tự mình tìm đường đến khách sạn hay tòa đại sứ.
Hằng giờ, tôi đi lang thang khắp các nẻo đường của Rome. Đó là một tối trời mưa lạnh.  Tôi hỏi tất cả mọi người mà tôi gặp tòa đại sứ Ceylon ở đâu.  Nhưng tôi chỉ được trả lời bằng những cái nhìn ngơ ngác.  Tôi đi vào bất cứ cửa hàng, câu lạc bộ, quán bar nào có người.
Cuối cùng khoảng 10g30 tối, tôi đến một cây xăng, hỏi xem người bán xăng có biết tòa đại sứ Ceylon không.  Thật kỳ diệu, anh ta hiểu tôi ngay.
Và còn diệu kỳ hơn nữa, khi anh ta vào văn phòng, rồi trở ra ít phút sau với lá thư đề địa chỉ và số điện thoại của tòa đại sứ Ceylon.  Cây xăng có lá thư đó vì chính phủ Ý miễn tiền thuế cho tòa đại sứ khi họ mua xăng.
Và điều kỳ diệu cuối cùng là có người trả lời điện thoại vào giờ đó ở tòa đại sứ!  Tôi thở phào khi được chở trở lại khách sạn một tiếng đồng hồ sau đó.
Tôi vẫn không biết tên của khách sạn.
Ở Brussels, tôi không quen ai, và cũng không có tòa đại sứ Ceylon ở đó. Ở phi trường, tôi trả mười đồng đô để lấy visa, rồi tôi đón taxi vào thành phố.  Tôi xem trong quyển danh bạ điện thoại, tìm tên người Sinhala, rồi gọi số điện thoại.  Gia đình đó đã đến rước tôi.  Tôi ở với họ vài ngày, chúng tôi đi thăm viếng một số điểm du lịch ở địa phương, kể cả Waterloo, chiến trường nổi tiếng nơi Nã Phá Luân (Napoleon) phải thuận theo số phần.
Ở Luân Đôn, tôi ở chùa Phật  giáo Luân Đôn. Một ngày kia tôi đến viếng Stratford-upon-Avon, quê hương của Shakespeare.  Trong lúc tôi đang ở đó, một cặp vợ chồng người Mỹ bắt chuyện với tôi. Tôi bảo với họ tôi là một vị tu sĩ Phật giáo, đang trên đường đến sống ở Mỹ.
Người chồng nói: “Khi đến Mỹ, ông phải thay đổi y phục đang mặc.”
“Không, đâu cần phải vậy,” người vợ phản đối. “Ông ấy là tu sĩ Phật giáo. Mặc áo của người tu sĩ Phật giáo. Tại sao lại phải bỏ chứ? Đó mới chính là vấn đề đối với các linh mục của chúng ta ngày nay. Không có dấu hiệu gì ở bề ngoài cho biết họ là người tu. Mình không thể nhận ra họ. Không thể tìm được ai để làm lễ sám hối. Chúng ta phải nể phục lòng can đảm duy trì truyền thống của các vị tu sĩ Phật giáo.”
Thật ra, mặc chiếc áo tu không phải chỉ là truyền thống, hay để người khác có thể nhận ra chúng tôi. Đúng hơn là để chúng tôi tự nhắc nhở mình là ai, phải làm gì, và  phải đối xử với người khác như thế nào. Nó giúp chúng tôi cẩn trọng trong lời nói, tránh quá độ, và nhớ giữ sự hòa nhã với người xung quanh.
Mặc chiếc áo tu khi đi du lịch khiến chúng tôi tự ý thức về mình một cách tích cực. Chúng tôi sẽ  luôn tự vấn: “Mình có làm gì xúc phạm đến người khác không?” “Mình có làm gương tốt cho ai không?  Mình có tiêu biểu tốt cho tăng đoàn không?"
Tất cả những sự tự quán sát nầy đều là nhờ nơi mảnh áo vàng đơn giản đó.
Từ Amsterdam, tôi bay qua thành phố Nữu Ước. Đó là chặng cuối cùng của một cuộc hành trình dài, và là nét chấm phá cuối cùng trong bức tranh tôi đã phác thảo trong đầu từ nhiều năm trước, khi tôi mở quyển sách Anh ngữ đầu tiên của mình.  Tôi rất phấn khởi.
Vào lúc 2giờ chiều ngày 18 tháng 9 năm 1968, tôi đặt chân xuống phi trường John F. Kennedy.  Tôi không biết phải đi đâu, nên đi theo những người hành khách khác rời khỏi máy bay. Sau khi qua cửa hải quan và sở di trú, tôi mang hành lý của mình vào sảnh đường to lớn. Không có ai chờ đón tôi ở đó.
Tôi phải tự lo liệu, trong một xứ sở sẽ trở thành quê hương mới của tôi.
 
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy : Diệu Liên - LTL
Nguồn: ThuvienHoasen
Được bạn: NHDT đưa lên
vào ngày: 10 tháng 3 năm 2007

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--