Vài ngày sau buổi nói chuyện với Daria, Natalia cứ sống với cảm giác của một người mơ ngủ, bị một cơn ác mộng làm mình nghẹt thở mà không thể nào có đủ sức tỉnh lại được. Nàng cố tìm một cớ có vẻ chính đáng để đến nhà mụ vợ gã Prokho Zykov, thử hỏi mụ xem trong thời kỳ rút lui Grigori đã sống ở Vosenskaia như thế nào và có gặp Acxinhia ở đấy không. Nàng muốn có bằng chứng về tội lỗi của chồng, còn những lời nghe Daria nói thì nàng vẫn nửa tin nửa ngờ. Trời tối mịt nàng mới bước tới sân gia súc của nhà Zykov, một cái cành nhỏ vung vẩy trong tay, nom rất vô tư lự. Mụ vợ gã Prokho vừa thu xếp xong công việc trong nhà đang ngồi bên cạnh cổng. - Chào chị, chị vợ lính vắng chồng! Chị có thấy con bò non nhà tôi đâu không chị? - Natalia hỏi. - Lạy chúa tôi, chị bạn yêu quý! Không, tôi không trông thấy. - Cái con đầu đường xó chợ, cái con đáng nguyền rủa ấy, không làm thế nào cho nó ở nhà được! Tôi chẳng còn biết đi đến đâu để tìm ra nó bây giờ. - Nhưng hượm đã nào, chị nghỉ một lát đã, rồi sẽ tìm thấy thôi. Chị xơi hạt hướng dương nhé! Natalia bước tới, ngồi xuống. Bắt đầu một câu chuyện rất là bình thường của đám đàn bà. - Chị có nghe được tin tức gì về thầy quyền nhà ta không? - Natalia hỏi. - Chẳng có tin tức gì cả. Cái gã phản chúa ấy, thật cứ như chìm xuống nước mất hút rồi! Còn anh chàng nhà chị có gửi được gì về không? - Không, anh Griska có hứa viết thư nhưng không hiểu sao vẫn chưa thấy gửi. Người ta nói quân ta đang tiến tới một nơi nào đó ở quá Ust-Medvediskaia thì phải, ngoài ra chẳng nghe thấy tin gì khác Rồi Natalia lái câu chuyện sang cuộc rút lui gần đây sang bên kia sông Đông và bắt đầu hỏi một cách dè dặt về chuyện lính tráng sống ở Vosenskaia ra sao và trong số bà con thôn nhà có những ai cũng ở đấy với họ. Mụ vợ ranh ma của gã Prokho đoán biết ngay là Natalia đến nhà mình có việc gì, nên trả lời rất khô khan, dè dặt. Qua lời chồng kể, mụ đã biết về chuyện Grigori. Nhưng tuy trong miệng đã ngứa ngáy lắm rồi, mụ vẫn sợ không dám nói lại. Mụ còn nhớ đinh ninh lời Prokho đe mụ: "Mụ phải nhớ cho kỹ: nếu mụ nói hở chuyện nầy với bất cứ ai, dù chỉ một lời thôi, tao cũng sẽ dần đầu mụ xuống cái bệ bổ củi, lôi cái lưỡi thổ tả của mụ tới một ác-sin rồi chặt phăng đi. Hễ có phong phanh như thế đến tai thằng Grigori là nó sẽ giết tao ngay mà không cần dừng chân bước hay ngừng tay làm việc khác đâu! Tuy tao đã chán ngấy mụ rồi, nhưng tao vẫn còn chưa chán đời. Đã rõ chưa? Vì thế có mồm thì cứ giả câm như đã chết rồi ấy!". - Anh chàng Prokho nhà chị có dịp nào gặp ả Acxinhia nhà Astakhov ở Vosenskaia không? - Natalia không thể chờ đợi lâu thêm nữa, đi thẳng vào việc. - Hắn ta làm thế nào mà gặp nó được? Chẳng nhẽ ở Vosenskaia hắn ta còn có hơi sức để đi tìm nó hay sao? Nói thật có Chúa chứng giám, tôi chẳng biết chút gì đâu, chị Mironovna (1) ạ, mà chị cũng đừng gạn hỏi tôi về chuyện ấy làm gì. Tôi không thể nào moi được một lời nào đứng đắn ở cái con quỷ tóc bạc phếch nhà tôi đâu. Hắn chỉ biết nói có mấy tiếng "đưa đây" và "cầm lấy" thôi. Thế là Natalia đành phải về không, trong lòng càng bực bội và xao xuyến hơn. Nhưng nàng không còn có thể chịu đựng được nữa cái tình trạng mở mịt không hiểu thực hư ra sao. Và chính điều đó đã đẩy nàng đến nhà Acxinhia. Vì sống sát hàng rào với nhau nên mấy năm gần đây hai người có gặp nhau luôn. Những lúc đó, hai bên chỉ lặng lẽ gật đầu chào nhau một cái, đôi khi cũng có nói với nhau vài lời. Trước kia, mỗi khi gặp nhau hai người không hề chào hỏi nhau mà chỉ trao đổi nhau những cái lườm nguýt đầy căm ghét, nhưng thời kỳ ấy đã qua rồi, Lòng thù địch giữa hai bên đã dịu bớt, vì thế trong khi tới nhà Acxinhia, Natalia hy vọng Acxinhia sẽ không đuổi mình và về chuyện ai thì không nói chứ về chuyện Grigori thì nhất định Acxinhia sẽ nói. Và hoàn toàn đã không nhầm. Acxinhia không giấu vẻ ngạc nhiên, mời nàng vào phòng trong, hạ các rèm cửa sổ, châm đèn và hỏi: - Chị sang chơi mang cho tin gì vui thế? - Không phải phần tôi đem đến cho chị những tin vui đâu. - Thế thì chị nói tin không vui vậy. Có chuyện gì không may xảy ra với anh Grigori Panteleevich phải không? Trong câu hỏi của Acxinhia thấy lộ rõ cả một tâm trạng lo lắng sâu sắc không sao giấu nổi, vì thế Natalia vừa nghe đã hiểu hết ngay. Chỉ trong một câu đó, Acxinhia đã nói lên tất cả nỗi lòng mình, đã cho thấy rõ là mình dựa vào đâu mà sống và đang lo sợ điều gì. Như thế thì về căn bản chẳng cần phải hỏi thêm về quan hệ giữa Acxinhia và Grigori làm gì, nhưng Natalia vẫn chưa bỏ về. Nàng chần chừ không trả lời ngay rồi nói: - Không, chồng tôi vẫn còn sống và còn mạnh khỏe, chị đừng sợ. - Việc gì mà tôi phải sợ, tại sao chị lại nói như thế? Chỉ có chị mới phải lo lắng về sức khỏe của anh ấy thôi, chứ tôi thì có đủ những chuyện để lo lắng rồi. - Acxinhia nói rất tự nhiên thoải mái, nhưng nàng bỗng cảm thấy máu dồn lên mặt mình, bèn bước nhanh tới chỗ cái bàn, đứng quay lưng về phía khách, sửa rất lâu ngọn đèn tuy bấc cháy vẫn đều. - Chí có nhận được tin gì về anh Stepan nhà chị không? - Mới gần đây có gửi lời hỏi thăm. - Anh ấy có khỏe mạnh không? - Có lẽ vẫn khỏe mạnh - Acxinhia nhún vai. Ngay lúc nầy nàng cũng không thể dối lòng, không thể giấu được tình cảm của mình: thái độ lãnh đạm đối với số phận của chồng lộ rõ trong câu trả lời của nàng đến nỗi Natalia bất giác phải mỉm cười. - Xem ra chị cũng chẳng lo buồn gì lắm về anh ấy… Chà, nhưng đó là việc của chị. Tôi đến đây chỉ là việc nầy: Trong thôn đang có những tin đồn nói rằng anh Grigori lại tằng tịu với chị và chị cùng anh ấy có gặp nhau hôm anh ấy về nhà. Có đúng là như thế không? - Thật là chị đã kiếm được đúng người mà hỏi! - Acxinhia nói giọng châm biếm. - Hãy để tôi hỏi chị có đúng là như thế không thì hơn. - Chị sợ nói ra sự thật à? - Không, tôi không sợ. - Nếu thế thì chị nói cho tôi biết, để tôi đỡ bị dày vò bứt rứt. Làm tình làm tội một cách vô ích như thế làm gì? Acxinhia nheo mắt, hai hàng lông mày đen lánh động đậy. - Dù sao tôi cũng chẳng thương gì chị. - Nàng nói tàn nhẫn. - Giữa tôi và chị thì như thế nầy: Tôi đau khổ thì chị sung sướng, chị đau khổ thì tôi sung sướng… Chỉ có một người đàn ông cho cả hai chúng ta mà thôi, có phải thế không? Thôi được, tôi sẽ nói sự thật với chị cho chị được biết trước. Tất cả những chuyện ấy đều đúng, thiên hạ không nói bậy đâu. Tôi đã chiếm lại Grigori và lần nầy sẽ cố hết sức không để tuột khỏi tay tôi nữa. Nào, như thế chị sẽ làm gì bây giờ? Chị sẽ vào nhà tôi đập các cửa kính hay cầm dao đâm tôi? Natalia đứng dậy, xoắn nhánh cây mềm mại, thắt lại thành cái nút, ném vào trong bếp lò rồi trả lời với vẻ cứng cỏi chưa từng thấy ở nàng bao giờ: - Bây giờ tôi sẽ không làm điều gì không tốt đối với chị đâu. Tôi sẽ chờ anh Grigori về để nói chuyện với anh ấy, rồi sau đó sẽ thấy tôi làm như thế nào với chị và anh Grigori, với cả hai người. Tôi có hai đứa con, tôi biết cách bảo vệ con tôi và tự bảo vệ mình! Acxinhia mỉm cười: - Như thế có nghĩa là tạm thời tôi có thể sống mà không phải lo điều gì nguy hiểm có phải không? Không để ý đến giọng nói nhạo báng. Natalia bước tới gần Acxinhia, sờ vào tay áo nàng. - Chị Acxinhia ạ! Tôi đã suốt đời bị chị đứng ngáng trên đường tôi đi, nhưng lần nầy tôi sẽ không van xin như xưa kia nữa đâu. Chị còn nhớ chứ? Hồi ấy tôi còn ít luổi, còn ngu xuẩn hơn bây giờ, tôi cứ nghĩ rằng mình van xin nó thì nó sẽ thương hại mình, sẽ ban ơn cho mình và nhả Griska ra. Bây giờ thì tôi sẽ không làm như thế nữa đâu! Tôi biết một điều là chị không yêu anh ấy mà chị lăng nhăng bám lấy anh ấy theo thói quen. Thử hỏi có bao giờ chị yêu anh ấy như tôi không? Chắc chắn là không đâu. Chị đã lăng nhăng với thằng Litnhitki, mà một con người trăng hoa bừa bãi như chị thì với ai mà chị không lăng nhăng? Khi người ta yêu người ta không làm như thế đâu. Acxinhia tái mặt, nàng đưa tay gạt Natalia ra, rồi đang ngồi trên chiếc rương, nàng đứng dậy. - Griska không trách tôi về chuyện ấy mà chị lại chê trách tôi à? Việc ấy thì có liên can gì đến chị? Thôi cũng được! Tôi thì xấu xa nhơ nhuốc, còn chị thì tuyết sạch giá trong. Ngoài ra còn gì nữa không? - Chỉ có thế thôi. Chị đừng giận. Tôi đi ngay đây. Cám ơn chị đã giúp tôi nhìn thấy sự thật. - Không dám, chị đừng cám ơn tôi, không có tôi chị vẫn có thể biết được. Chị hãy hượm một lát, tôi sẽ cùng ra với chị để đóng các cửa chớp. Ra đến thềm, Acxinhia dừng lại và nói: - Tôi lấy làm sung sướng, vì hai chúng ta đã chia tay nhau được êm thấm, không có đánh lộn gì cả. Nhưng chị láng giềng thân mến ạ, cuối cùng tôi muốn nói với chị như thế nầy: Nếu chị có đủ sức thì cứ giữ lấy anh ấy, bằng không cũng đừng giận. Tôi không dễ dàng buông Griska ra đâu. Tuổi tôi không còn ít ỏi gì nữa và tuy chị gọi tôi là một đứa lăng nhăng bừa bãi, nhưng tôi không phải là cái ả Daria nhà chị, với những chuyện như thế, xưa nay tôi không đùa bao giờ… Chị còn có được hai đứa con, chứ tôi, - giọng Acxinhia run lên, trầm hẳn xuống, thít đi, - Thì chỉ có một Griska trên đời nầy thôi! Người đầu tiên mà cũng là người cuối cùng đấy. Chị có biết không? Thôi chúng ta không nói đến chuyện ấy nữa. Nếu Griska còn sống, cầu Nữ hoàng trên trời che chở cho anh ấy, anh ấy về thì sẽ tự chọn lấy. Đêm hôm ấy Natalia không chợp mắt được lúc nào. Sáng hôm sau, nàng cùng với bà Ilinhitna ra rẫy cỏ vườn dưa. Những lúc làm việc, nàng cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hơn. Trong khi hai tay hạ đều những nhát cuốc xuống những mô đất cát bị nắng hút khô tan vụn như cám thì đầu óc cũng đỡ nghĩ ngợi. Thỉnh thoảng nàng lại rướn thẳng dậy để lấy lại hơn, lau mồ hôi trên mặt và uống nước. Vài đám mây trắng bị gió tước ra như xơ mướp bay chập chờn và tan dần trên bầu trời xanh biếc. Những tia nắng hun bỏng khoảng đất đã nóng rực. Mưa lan dần tới từ phía trời đông. Natalia không ngẩng đầu lên; nhưng lưng nàng cũng cảm thấy mỗi khi có đám mây bay qua che ánh mặt trời làm không khí mát đi trong khoảnh khắc lại có một cái bóng xam xám lao rất nhanh xuống khoảng đất nâu hừng hực hơi nóng, xuống những dây dưa hấu nhánh đâm ngang dọc, những thân hướng dương cao lênh khênh. Cái bóng ấy phủ lên những mảnh vườn dưa trải ra san sát trên sườn dốc, những lớp cỏ héo hon nàm rạp xuống dưới hơi nóng ngột ngạt, những bụi sơn trà và mận dại với những đám lá héo rũ, đầy phân chim. Tiếng cun cút kêu xé ruội xé gan vang lên càng lanh lảnh hơn, tiếng hót đáng yêu của những con sơn ca nghe càng rót vào tai, thậm chí làn gió lay động lớp cỏ hấp hơi cũng có vẻ bớt nóng. Nhưng sau đó những tia nắng lại xuyên chéo qua những đường viền trắng loá của đám mây đang chập chờn trôi về phía tây rồi không còn bị vật gì ngăn giữ nữa, lại dội xuống mặt đất từng suối ánh sáng chói lọi màu vàng óng. Ở một nơi xa tít, cái bóng tiến theo đám mây vẫn còn sục sạo trên nhánh núi xanh xanh ven sông Đông và in một vết sẫm trên mặt đất, nhưng trong các vườn dưa, ánh nắng giữa trưa vàng như hổ phách vẫn hoàn toàn ngự trị một làn hơi lưu động rung rinh trườn trên đường chân trời, những mùi bốc lên trên cả khoảng đất lẫn lớp cỏ được nó nuôi sống càng ngột ngạt hơn. Đến giữa trưa, Natalia xuống cái giếng đào dưới khe lấy một bình nước nguồn lạnh như băng. Rồi nàng cùng với bà Ilinhitna uống nước, rửa tay và ăn bữa trưa ngay dưới ánh nắng chang chàng. Bà Ilinhitna cắt rất cẩn thận một cái bánh mì trên chiếc tạp dề trải dưới đất lấy trong túi dết hai cái muỗng, cái chén và lôi dưới cái áo ngắn mặc ngoài ra cái bình hẹp cổ đựng sữa chua mà bà đã giấu cho khỏi bị bắng dãi. Thấy Natalia chỉ ăn miễn cưỡng, bà mẹ chồng liền hỏi: - Đã lâu rồi tao thấy mày có cái gì khác trước thế nào đấy… Hay là giữa mày và thằng Griska lại có chuyện gì rồi? Cặp môi bị gió thổi khô nẻ của Natalia run run nom rất đáng thương: - Mẹ ạ, anh ấy đã lại ăn ở với con Acxinhia rồi. - Cái việc ấy mày hỏi đâu mà biết được? - Hôm qua con đã đến nhà con Acxinhia. - Thế cái con khốn nạn ấy nó nhận là có như thế à? - Vâng. Bà Ilinhitna nín lặng một lát, vẻ mặt đăm chiêu. Những vết nhăn nghiêm khắc lên trên khuôn mặt nhăn nheo và hai bên mép bà. - Có lẽ nó khoác lác đấy, cái con đáng nguyền rủa? - Không, mẹ ạ, đúng như thế đấy, trong chuyện nầy có gì mà… - Mày không chịu để ý theo dõi nó… - Bà già nói cách dè dặt. - Với một thằng chồng như thế thì không thể rời mắt được đâu. - Nhưng con làm thế nào mà để ý cho hết được? Con đã tin vào lương tâm của anh ấy… Chẳng nhẽ cứ buộc anh ấy vào gấu váy của con hay sao? - Natalia mỉm một nụ cười chua chát và nói thêm, giọng rất khẽ, chỉ hơi thoáng nghe thấy - Anh ấy đâu phải là một thằng Misatka mà có thể ngăn giữ được. Tóc đã trắng nửa mái đầu mà vẫn chưa chừa được tật cũ… Bà Ilinhitna lau rửa hai cái muỗng, tráng cái chén, thu dọn tất cả đồ ăn thức dùng bỏ vào túi dết rồi mới hỏi: - Tất cả tai vạ chỉ có thế thôi à? - Sao mẹ lại nói thế hả mẹ… Một cái khổ như thế cũng đủ làm người ta chán đời rồi? - Thế mày định làm gì bây giờ? - Con còn nghĩ ra một con đường nào khác nữa? Con sẽ đem hai cháu về ở bên nhà con. Con sẽ không sống với anh ấy nữa. Cứ mặc cho anh ấy đưa con ấy về nhà, ăn ở với nó. Con sống khổ sở như thế nầy đã đủ rồi. - Hồi còn trẻ tao cũng đã có lúc nghĩ như thế đấy. - Bà Ilinhitna nói qua một tiếng thở dài. - Chồng tao cũng không đứng hàng cuối trong bọn chó dái đâu. Những điều cực nhục mà ông ấy đã bắt tao phải chịu đựng thì không thể kể cho hết được. Nhưng bỏ một người chồng đầu gối tay ấp mà ra đi đâu phải chuyện dễ dàng, hơn nữa việc gì phải làm như thế? Mày hãy ngẫm cho kỹ rồi tự mày sẽ thấy rõ thôi. Mà làm cho hai đứa con mất bố thì sao cho đành? Không, mày nói như thế là nói bậy bạ. Thôi đừng có nghĩ tới chuyện ấy nữa, tao không cho phép đâu! - Không, con sẽ không sống với anh ấy nữa đâu, mẹ đừng nói vô ích. - Tao nói vô ích là thế nào hử? - Bà Ilinhitna nổi nóng. - Mà mày đối với tao là như thế nào, không phải là con cái trong nhà hay sao? Tao có thương chúng mày, hai đứa khốn kiếp nầy hay không hử? Thế mà mày lại nói với tao, với mẹ mày, với mụ già nầy những lời như thế à? Tao bảo cho mày biết: đừng có nghĩ ngợi gì nữa, thế là xong. Hãy thử xem cái ý nghĩa của mày: "Tôi sẽ bỏ nhà tôi đi" Nhưng mày sẽ di đâu bây giờ? Nhà mày còn ai cần đến mày nữa? Bố thì không còn, nhà thì bị đốt trụi, chính mẹ mày rồi cũng đến phải đi ăn mày ăn xin bên hàng rào nhà người ta mà sống, thế mà mày định mò về đấy đem cả hai đứa cháu của tao đi theo hay sao? Không, cô nàng yêu dấu ơi, mày làm như thế không được đâu! Chờ thằng Griska về, chúng ta sẽ xem nên làm như thế nào với nó, còn bây giờ mày đừng nói với tao về chuyện ấy nữa, tao không cho phép nói và không nghe nữa đâu? Tất cả những điều đã tích luỹ bao lâu nay trong lòng Natalia bất thần nổ ra thành tiếng nức nở giần giật như động kinh. Nàng rên rỉ, giựt chiếc khăn khỏi đầu, ngã sấp mặt xuống mảnh đất khô khan, thô bạo, rồi áp sát ngực xuống, thổn thức nhưng không có nước mắt. Bà Ilinhitna vốn là một bà già thông minh và dũng cảm. Bà vẫn ngồi yên chỗ cũ, bọc cái bình đựng chỗ sữa thừa vào trong cái áo, để nó vào một chỗ râm mát, rồi rót một chén nước và bước tới ngồi bên cạnh Natalia. Bà biết rằng đối với một nỗi đau khổ như thế nầy thì lời chẳng giúp được gì cả. Bà cũng biết rằng khóc được ra nước mắt thì còn tốt hơn là hai con mắt ráo hoảnh và cặp môi mím chặt. Sau khi để mặc Natalia khóc cho thoả, bà Ilinhitna đặt lên đầu con dâu bàn tay lao động đến sần sùi khô cứng của mình, vuốt vuốt làn tóc đen bóng của nàng và nói giọng nghiêm khắc: - Thôi đủ rồi! Đừng có dốc hết nước mắt đi, còn phải để dành cho lần khác. Nầy, uống lấy ít nước đã. Natalia đã lặng đi. Chỉ lâu lâu mới thấy vai nàng nhô lên một cái và cơn run khẽ lan khắp người nàng. Nhưng bất thình lình nàng nhảy chồm dậy, thấy bà Ilinhitna đang đưa cho mình chén nước bèn đẩy bà ra và quay mặt về hướng đông, chắp hai bàn tay đầm đìa nước mắt như để cầu nguyện rồi kêu lên rất nhanh, giọng nghẹn ngào: - Lạy chúa tôi! Tâm hồn con đã bị nó làm tình làm tội đến cùng cực rồi! Con không còn sức mà sống như thế nầy nữa rồi? Lạy chúa tôi, xin Người hãy trừng phạt nó, cái thằng đáng nguyền rủa ấy! Xin Người hãy quật chết nó ở ngoài ấy đi! Để cho nó đừng sống trên đời nầy đừng làm khổ con nữa! Một đám mây đen ngòm trườn cuồn cuộn từ phía đông tới. Một tiếng sấm nổ ra ầm ì. Một ánh chớp trắng loá mắt xuyên thủng những đỉnh mây tròn, loằng ngoằng bò loáng qua trên trời. Gió thổi rạp về phía tây những lớp cỏ dạt dào, thốc lên khỏi mặt đường những đám bụi đắng hắc, uốn những đoá hoa hướng dương trĩu hạt xuống gần sát mặt đất. Gió thổi bay tứ tung những món tóc rã rượi trên đầu Natalia, làm khô khuôn mặt ướt đẫm của nàng, quấn cái vạt rộng thùng thình của chiếc váy màu xám mặc thường ngày quanh hai chân nàng. Bà Ilinhitna nhìn con dâu trong vài giây với hai con mắt kinh hoàng đầy mê tín. Trên nền đám mây đen nặng đang giông bão đang bốc lên tới ngang trời, bà cảm thấy nàng trở nên xa lạ và khủng khiếp. Mưa bất thần đổ ập xuống. Bầu không khí chết lặng trước cơn giông không kéo dài mấy chốc. Một con chim lao mình chếch xuống mặt đất kêu lên mấy tiếng đầy lo âu. Có con chuột dũi rít lên đầu lần cuối cùng bên cạnh một lỗ hang. Một làn gió đặc quánh hất đám bụi cát vụn vào mặt bà Ilinhitna rồi vừa rú rít vừa bay ra đồng cỏ. Bà già đứng dậy rất khó khăn. Mặt bà hơi nhợt nhạt như mặt người chết khi bà kêu lên khàn khàn qua những tiếng ầm ầm của cơn bão đang ập tới: - Tỉnh lại đi con? Cầu Chúa cứu vớt mày? Mày cầu cho ai chết thế hử? - Lạy Chúa tôi, xin Người hãy trừng trị nó! Lạy Chúa tôi, xin Người cứ trừng phạt nó đi! - Natalia gào lên, hai con mắt rồ dại cứ đăm đăm nhìn về phía những đám mây đen bị những cơn gió xoáy dựng đứng, sáng rực lên trong những ánh chớp loá mắt, đang chất đống lên nhau, uy nghiêm và man rợ. Sấm nổ vang trên đồng cỏ với những tiếng rền khô khan. Không còn hồn vía gì nữa, bà Ilinhitna làm dấu phép, chập chững bước tới trước mặt Natalia, nắm lấy vai nàng: - Quỳ ngay xuống! Nghe thấy không, Natalia? Natalia nhìn mẹ chồng với cặp mắt như không trông thấy gì và lặng lẽ khuỵu đầu gối xuống. - Mày hãy cầu Chúa tha tội cho đi! Bà Ilinhitna ra lệnh, giọng rất oai vệ. - Mày hãy cầu Chúa đừng chấp nhận lời cầu xin của mày. Mày vừa cầu cho ai chết thế hử? Cho thằng bố của hai đứa con mày chết à? Chao ôi, tội mày to lắm đấy… Làm dấu phép đi! Cúi đầu rạp xuống đất để làm lễ đi! Nói ngay đi: "Lạy Chúa tôi, xin Người tha tội cho tôi, con đàn bà tội lỗi cực lớn nầy". Natalia làm dấu phép, lẩm bẩm không biết những gì bằng cặp môi nhợt nhạt rồi nghiến răng, nặng nề ngã vật sang bên cạnh. Được trận mưa rào rửa sạch, đồng cỏ hiện lên xanh rờn, đẹp lạ lùng. Một chiếc cầu vồng rất cong nằm uốn vòng từ cái đầm xa tít tới tận sông Đông. Sấm vẫn rền ầm ĩ ở phía dưới trời tây. Nước đục ngầu đổ ào từ trên núi xuống khe, nghe như tiếng đại bàng kêu. Những con suối sủi bọt lao như thác theo sườn dốc, qua những vườn dưa xuống dưới, tới sông Đông, cuốn theo những đám lá rụng trong trận mưa những rễ cỏ bị nước nhổ bật từ dưới đất lên, những bông mạch đen gãy gập. Những lớp cát màu mỡ tràn vào các vườn dưa, lấp cả những dây dưa hấu và dưa bở. Dọc theo các con đường dùng về mùa hạ, nước vừa chảy vừa giỡn, khơi sâu các vết bánh xe. Một đống cỏ khô bị sét đánh còn cháy nốt dưới đáy một cái khe ở đàng xa. Một cột khói màu tím ngắt bốc lên rất cao, nom như gần chạm tới đỉnh của cung cầu vồng bắc ngang vòm trời. Bà Ilinhitna và Natalia kéo cao gấu váy, rất cẩn thận đặt những bàn chân đất lên con đường bẩn thỉu trơn như mỡ, xuống dốc về thôn. Bà Ilinhitna nói: - Bọn trẻ chúng mày tính khí nóng nảy như Thiên lôi, tao nói thật đấy! Mới hơi một chút đã hoá điên hoá ngộ. Nếu mày phải qua tất cả các nông nổi của tao hồi còn trẻ thì không biết mày sẽ làm gì? Thằng Griska suốt đời không động ngón tay đánh mày, thế mà mày vẫn không vừa ý, vẫn giở những trò quái gở: hết nghĩ tới chuyện bỏ nó lại lăn đùng ra bất tỉnh, còn việc gì mà mày không làm nữa? Cả đến Chúa cũng bị mày đòi can thiệp vào những chuyện khốn kiếp của chúng mày… Chà, con yêu của mẹ, mày thử nói xem như thế có đúng hay không? Còn tao thì hồi còn trẻ tao đã bị cái lão hung thần thọt cẳng của tao đánh cho những trận thừa sống thiếu chết, mà có lý do gì đâu: tao chưa hề làm gì nên tội với lão bao giờ. Chỉ có lão làm những chuyện bẩn thỉu rồi lôi đình lại đổ lên đầu tao. Lão thường mò đi đến sáng mới về, hễ tao kêu khóc cay đắng, trách móc lão là lão thượng chẳng chân hạ cẳng tay ngay… Người bầm tím như chàm đỏ hàng tháng, nhưng tao vẫn phải sống nuôi con và chưa lần nào nghĩ tới chuyện bỏ nhà ra đi cả. Tao không nói hay cho thằng Griska đâu, nhưng với một thằng chồng như thế thì vẫn có thể sống được. Nếu không có con rắn độc kia thì có lẽ nó là thằng khá nhất trong đám Cô-dắc toàn thôn đấy. Đúng là nó bị con ấy bỏ bùa mê rồi. Natalia cứ nín thinh mà đi rất lâu, không biết đang suy nghĩ điều gì. Mãi sau nàng mới nói: - Thôi mẹ ạ, con không muốn nói về chuyện ấy nữa đâu. Phải chờ cho anh Grigori về rồi mới có thể biết con sẽ làm như thế nào… Có thể là tự con sẽ bỏ đi, cũng có thể là anh ấy sẽ đuổi con, nhưng hiện giờ con chưa bỏ mẹ đi đâu cả. - Mày sớm nói như thế có hay bao nhiêu không! - Bà Ilinhitna sung sướng nói. - Có Chúa phù hộ, mọi việc sẽ được thu xếp êm thấm thôi. Nó chẳng có cái cớ gì để đuổi mày đâu, mày đừng có nghĩ đến chuyện ấy! Nó yêu cả mày lẫn hai con nó như thế thì sao lại có ý nghĩ như vậy được? Không, không! Nó không đổi mày lấy con Acxinhia đâu, nó không thể làm như thế được đâu? Chà, giữa vợ chồng trong nhà thì thiếu gì chuyện nọ chuyện kia xảy ra? Chỉ cốt sao nó còn được sống mà trở về thôi… - Nào con có mong cho anh ấy chết đâu… Lúc nãy con chỉ nói như thế trong lúc quá nóng nảy… Mẹ đừng mắng con về chuyện ấy Con không dứt được anh ấy khỏi trái tim của con đâu, nhưng sống như thế nầy thì cực lắm? - Con yêu của mẹ? Chẳng nhẽ tao lại không biết hay sao? Nhưng mày chớ có làm chuyện gì liều lĩnh đấy. Nhưng nhớ nhé, thôi mẹ con ta đừng nói tới chuyện ấy nữa? Còn ông già thì bây giờ mày hãy vì Chúa đừng nói gì với ông ấy. Việc nầy không can gì đến ông ấy cả. - Con đang muốn nói với mẹ một việc… Con có còn ở với anh Grigori thì hiện giờ chưa biết nhưng con không muốn có con với anh ấy nữa đâu. Ngay về hai cháu, hiện giờ con cũng còn chưa biết nên làm như thế nào… Mà bây giờ con lại có mang, mẹ ạ… - Lâu chưa? - Đã sang tháng thứ ba. - Nếu thế thì làm thế nào mà tránh được? Dù muốn hay không cũng vẫn phải sinh nở cho mẹ tròn con vuông. - Con không đẻ nữa đâu. ~ Natalia nói một cách kiên quyết. - Ngay hôm nay con sẽ đến nhà mụ Kapitonovna. Mụ ấy sẽ lấy ra cho con… Mụ ấy đã làm cho vài người rồi. - Như thế là giết cái thai à, đồ mặt dày? - Bà Ilinhitna tức giận dừng lại giữa đường, vỗ hai tay đánh đét một cái. Bà còn muốn nói thêm không biết những gì, nhưng phía sau đã nghe thấy tiếng bánh xe lọc xọc, tiếng vó ngựa dẫm lõm bõm dưới bùn và tiếng một người nào đó thúc ngựa. Bà Ilinhitna và Natalia tránh khỏi lòng đường, vừa đi vừa hạ hai cái váy xắn quai cồng. Lão già Beskhlevnov Philip Agheevich ở ngoài đồng về cho chiếc xe lên ngang với hai mẹ con rồi ghìm con ngựa cái đang chạy rất nhanh. - Bà và chị ngồi lên đi, tôi sẽ đưa về, tội gì mà nhào bùn cho phí sức. - Cảm ơn cụ, cụ Agheevich, nếu không vừa đi vừa trợt chân như thế nầy thì cũng mệt lử. - Bà Ilinhitna sung sướng nói rồi ngồi lên trước trên chiếc xe rất rộng. Sau bữa trưa, bà Ilinhitna còn muốn nói thêm với Natalia, giảng giải cho nàng thấy là không cần phải cho ra thai làm gì. Bà vừa rửa bát vừa moi óc tìm những lý lẽ mà bà cho là có sức thuyết phục nhất, thậm chí còn định cho ông già biết về quyết định của Natalia để ông giúp bà khuyên giải người con dâu đang đau khổ đến hoá điên hoá dại đừng có một hành động mất trí như thế. Nhưng trong khi bà đang bận thu xếp công việc trong nhà, Natalia đã lén sửa soạn và đi mất rồi. - Con Natalia đi đâu thế? - Bà Ilinhitna hỏi Dunhiaska. - Chị ấy bọc những cái gì ấy trong một cái gói nhỏ đi ra ngoài rồi. - Nó đi đâu? Nó có bảo gì không? Cái khăn gói gì? - Con làm thế nào mà biết được hả mẹ? Chị ấy gói cái váy sạch và không biết những gì nữa vào trong khăn bịt đầu rồi đi ngay mà chẳng nói gì cả. - Tội nghiệp cho con bé! - Trước cặp mắt ngạc nhiên của Dunhiaska, bà Ilinhitna ngồi phịch xuống chiếc ghế đai, khóc nức nở một cách bất lực. - Mẹ làm sao thế hả mẹ? Cần Chúa che chở cho mẹ? Sao mẹ lại khóc thế. - Mặc tao, đồ hư. Không can gì đến mày! Nhưng nó đi có nói gì không? Mà sao lúc nó sửa soạn đi mày chẳng nói gì với tao cả? Dunhiaska bực mình trả lời: - Nói chuyện với mẹ thì chỉ khổ vào thân? Con làm thế nào mà biết được là phải nói cho mẹ biết về chuyện ấy? Nhưng chị ấy có bỏ đi hẳn đâu? Có lẽ chỉ về thăm bà cụ thôi. Mà tại sao mẹ lại khóc? Con chẳng hiểu ra sao nữa! Bà Ilinhitna chờ Natalia về, trong lòng hết sức bồn chồn. Vì sợ phải nghe những lời la mắng trách móc, bà quyết định không nói cho ông già biết. Đến khi mặt trời lặn, đàn gia súc ở ngoài đồng cỏ về thôn. Hoàng hôn xuống, một trong những buổi hoàng hôn ngắn ngủi của mùa hè. Trong thôn đã thấp thoáng vài ngọn đèn, nhưng Natalia vẫn chưa về. Nhà Melekhov, ngồi vào bàn để ăn buổi tối. Mặt tái nhợt vì lo lắng, bà Ilinhitna đặt lên bàn một món mì sợi có hành phi dầu thực vật. Ông già vun những cùi bánh mỳ rất rắn vào chiếc muỗng và dốc vào cái miệng râu ria xồm xoàm. Rồi ông ngơ ngác nhìn những người ngồi quanh bàn và hỏi: - Con Natalia đâu rồi? Sao không gọi nó ra cùng ăn? - Nó không có nhà. - Bà Ilinhitna khẽ trả lời - Thế nó đi đâu? - Có lẽ nó sang bên bà cụ và ở lại chơi bên ấy. - Nó ở chơi bên ấy lâu quá rồi đấy. Cũng đã đến lúc nó cần phải biết quy củ… - Ông Panteley Prokofievich lẩm bẩm, giọng tức tối. Nhưng bao giờ cũng vậy, ông ra sức ăn, ăn lấy ăn để. Thỉnh thoảng ông lại úp cái muỗng lên bàn, liếc nhìn thằng Misatka ngồi bên cạnh. Ánh mắt đầy vẻ thán phục rồi nói bằng một giọng thô bạo: "Quay lại đây, cháu yêu của ông, một tí thôi, để ông chùi môi cho mày. Con mẹ của chúng mày lang thang đầu đường xó chợ, không để mắt chúng mày nữa rồi"… Rồi ông đưa lòng bàn tay chai sần và đen thủi chùi cặp môi mọng hồng của thằng cháu. Cả nhà lãng lẽ ăn xong bữa tối rồi rời khỏi bàn ăn. Ông Panteley Prokofievich ra lệnh: - Vặn nhỏ đèn đi. Dầu đã hiếm thì chớ có dùng phí hoài. - Có cài then cửa không? - Bà Ilinhitna hỏi. - Cài lại - Nhưng còn con Natalia? - Nó về thì sẽ gõ cửa. Chưa biết chừng nó sẽ còn lang thang đến sáng cho mà xem. Cũng đã tập tọng cái thói ấy rồi… Mụ phù thuỷ nầy, mụ cũng chẳng chịu bảo ban gì nó cả! Lại nghĩ ra cái trò chơi ở đêm… Để sáng mai tôi sẽ bảo cho nó. Nó đã coi cái gương của con Daria rồi đấy… Bà Ilinhitna vào giường nằm nhưng không cởi áo xống. Bà nằm chừng nửa giờ, nín lặng trở mình hết bên nọ đến bên kia, chốc chốc lại thở dài. Bà vừa định trở dậy để đi đến nhà mụ Kapitonovna thì bên ngoài cửa sổ có tiếng chân bước lạo xạo, chập chững, không biết là tiếng chân ai. Bà già nhảy từ trên giường xuống với một vẻ nhanh nhẹn chẳng hợp với tuổi tác chút nào, rồi vội vã chạy ra phòng ngoài mở cửa. Natalia nhợt nhạt như người chết đang bám vào lan can nặng nề bước lên thềm nhà. Vừng trăng tròn vành vạnh chiếu sáng khuôn mặt tiều tụy, cặp mắt hõm sâu và hai hàng lông mày cong lên đau khổi. Nàng đi lảo đảo như một con thú bị thương nặng, chân bước đến đâu để lại đến đó một vết máu sẫm. Bà Ilinhitna lặng lẽ ôm lấy nàng, đỡ vào phòng ngoài. Natalia tựa lưng vào cửa, khẽ nói khàn khàn: - Nhà ta đi ngủ cả rồi à? Mẹ ạ, mẹ chùi hộ những vết máu phía sau con… Mẹ xem, con để lại những vết… - Sao mày làm khổ thân mày như thế hả con? - Bà Ilinhitna khẽ kêu lên, tiếng nức nở làm bà nghẹt thở. Natalia cố mỉm cười, nhưng thay cho nụ cười chỉ thấy mặt nàng méo đi, nhăn nhúm, nom thật là thảm hại. - Đừng nói to mẹ ạ… Nếu không sẽ đánh thức cả nhà dậy mất… - Dù sao con cũng được giải thoát rồi. Bây giờ trong lòng con đã thanh thản… Nhưng chảy nhiều máu quá… ộc ra như bị chọc tiết ấy… Mẹ đưa tay cho con vịn… Đầu óc con cứ đảo đồng. Bà Ilinhitna cài then cửa, rồi cứ như vào một nhà lạ, tay bà run rẩy sờ soạng mãi mà chẳng làm thế nào tìm thấy quả nắm cửa phòng trong bóng tối. Bà rón rén đưa Natalia vào trong đánh thức Dunhiaska, bảo cô gái ra ngoài, rồi gọi Daria và châm đèn. Cái cửa vào bếp vẫn để mở, từ trong đó đưa ra tiếng ngáy đều đặn rất to của ông Panteley Prokofievich. Con bé Poliuska vừa ngủ vừa bập môi một cách khoái trá và iắp bắp nói không biết những gì. Thật chẳng có gì kinh động được giấc ngủ say của một đứa con nít. Trong khi bà Ilinhitna đập gối, sửa soạn giường nằm. Natalia ngồi tạm trên chiếc ghế dài, đầu ngả xuống mép bàn không còn khí lực gì nữa. Dunhiaska định vào trong nhưng bà Ilinhitna nói một cách nghiêm khắc: - Cút ra ngoài kia, đồ mặt dày, đừng có vác mặt vào đây! Mày không có việc gì trong nầy cả. Daria có mang một miếng giẻ ướt ra phòng ngoài. Natalia ngửng đầu dậy một cách khó khăn và nói: - Mẹ bỏ cái khăn trải giường sạch ra… Mẹ trải cho con một tấm vải thô cũng được,… Đằng nào con cũng làm bẩn hết thôi… - Thôi im đi! - Bà Ilinhitna ra lệnh. - Cởi áo ra rồi vào nằm đây. - Con đau lắm à? Hay mẹ lấy nước cho con uống nhé! - Con thấy trong người yếu lắm… Mẹ lấy cho con cái áo sơ-mi sạch và ít nước. Natalia ráng hết sức để đứng dậy, bước tới cái giường, hai chân chập chững. Đến lúc nầy bà Ilinhitna mới thấy rằng cái váy của Natalia đẫm máu, nặng nề thõng xuống, dính chặt lấy hai chân. Bà hốt hoảng nhìn Natalia cúi xuống vắt vạt váy như người vừa bị mưa và bắt đầu cởi áo xống. - Mày bị băng hết huyết rồi còn gì. - Bà Ilinhitna nức nở. Cởi áo xống xong, Natalia nhắm mắt, hơi thở hổn hển và đứt quãng, bà Ilinhitna nhìn nàng một lát rồi cương quyết bước vào bếp. Bà phải vất vả lắm mới gọi được ông Panteley Prokofievich dậy rồi bảo ông: - Con Natalia ốm mất rồi. Nó ốm nặng lắm, chỉ lo nó chết mất… ông thắng ngựa ngay lập tức và lên trấn tìm y sĩ đi. - Mụ chỉ nghĩ ra những chuyện quỷ quái gì ấy? Nó làm sao hả? Nó ốm à? Nếu như đêm tối bớt mò mẫm… Bằng vài câu vắn tắt, bà già nói cho ông rõ tình hình. Ông Panteley Prokofievich lập tức phát khùng lên, ông nhảy trên giường bước xuống vào nhà trong, vừa đi vừa cài khuy quần. - Chà, con nhà mất dạy! Chà cái con chó đẻ? Nó lại nghĩ ra cái chuyện như thế à, hả?! Có ai bức bách nó làm như thế không? Để tao lập tức nện cho nó một trận? - Lão điên rồi hay sao, lão khốn kiếp nầy? Mò đi đâu thế nầy? Đừng vào trong ấy, nó không cần gì đến lão đâu mà vào? Lại làm hai đứa trẻ thức dậy bây giờ! Cút ra sân và thắng ngựa nhanh lên… Bà Ilinhitna muốn giữ ông già lại, nhưng ông nào có nghe, cứ bước thẳng tới trước cửa phòng trong, đạp toang cánh cửa ra. - Lại giở đến cái trò nầy nữa, quỷ dữ đẻ ra mày! - Ông đứng ở ngưỡng cửa, quát lên. Đừng vào trong nầy! Cha đừng có vào! Cha hãy vì Chúa, đừng vào trong nầy? - Natalia áp chiếc áo lót vừa cởi ra lên ngực, kêu lên bằng một giọng the thé. Ông Panteley Prokofievich văng tục một thôi một hồi bắt đầu tìm áo choàng, mũ cát két, dây thắng ngựa. Ông dềnh dàng lâu quá, đến nỗi Dunhiaska không chịu được nữa, phải nhảy xổ vào trong bếp, vừa mếu máo vừa nổ ra với bố một trận. - Có đánh xe đi nhanh lên không! Cha làm gì mà rúc loạn lên như con bọ hung trong đống phân như thế hử? Chị Natalia sắp chết đến nơi rồi mà người ta còn sửa soạn mất hàng giờ như thế nầy! Nếu không muốn đi thì cứ bảo cho tôi biết? Tôi sẽ tự thắng lấy ngựa rồi tôi đi! - Xì mày hoá ngộ rồi đấy à? Làm gì mà máy điên cuồng rồ dại như thế hử? Chỉ còn chưa nghe thấy tiếng mày nữa thôi, cái đồ ghẻ lở thối tha nầy? To tiếng cả với bố mày à, cái con đốn mạt! Ông Panteley Prokofievich vung chiếc áo choàng về phía con gái, làu bàu khẽ chửi một cầu rồi bước ra sân. Sau khi ông lên đường, mọi người trong nhà mới cảm thấy nhẹ nhàng một chút, Daria lau rửa sàn nhà kéo bàn xô ghế một cách hung dữ. Ông Panteley Prokofievich đi rồi, Dunhiaska được bà Ilinhitna cho phép vào nhà trong, bèn ngồi bên cạnh đầu giường Natalia, sửa gối, lấy nước cho nàng uống. Bà Ilinhitna chốc chốc lại ra xem hai đứa trẻ ngủ trong căn phòng bên rồi lại vào nhà trong, chống tay lên má, đứng nhìn Natalia rất lâu, đầu lắc lắc một cách đau khổ. Natalia nằm yêu không nói năng gì, đầu nàng lăn đi lăn lại trên cái gối cùng với những món tóc rũ rượi đẫm mồ hôi. Cứ nửa giờ một lần bà Ilinhitna lại nhẹ nhàng nâng nàng lên, rút cái đệm ướt đẫm ra để thay bằng một cái mới. Natalia mỗi lúc một yếu đi. Đến nửa đêm nàng mở mắt hỏi: - Trời đã sắp sáng chưa nhỉ? - Sắp sáng rồi đấy. - Bà già nói để an ủi nhưng trong bụng bà lại nghĩ: "Như thế là nó không sống được nữa rồi! Nó sợ mê đi không được trông thấy hai đứa con của nó nữa…" Tự như để chứng thực điều bà dự đoán, Natalia khẽ xin bà: - Mẹ ơi, mẹ đánh thức cháu Misatka và cháu Poliuska… - Mày làm sao thế, con yêu của mẹ? Đêm hôm khuya khoắt đánh thức chúng nó dậy làm gì? Nhìn thấy mày chúng nó sẽ sợ, sẽ khóc rầm lên… Đánh thức chúng nó làm gì? - Con muốn được thấy hai cháu… Con yếu lắm rồi. - Chúa vẫn che chở cho con, con nói gì thế? Cha sắp đưa ông y sĩ về chữa cho con bây giờ, Con yêu của mẹ, mày cố ngủ đi một lát thì hơn, thế nào? - Con bây giờ thì ngủ cái gì! - Natalia trả lời, giọng hơi có vẻ bực mình. Nhưng sau đó nàng nằm lặng đi giờ lâu, hơi thở đều đặn hơn trước. Bà Ilinhitna rón rén ra ngoài thềm, mặc cho nước mắt chảy ròng ròng. Đến lúc bà quay vào phòng trong với khuôn mặt đỏ dừ sưng húp, thì bầu trời đằng đông đã hơi bềnh bệch. Nghe thấy tiếng cánh cửa cọt kẹt, Natalia mở mắt hỏi lần nữa: - Trời sắp rạng chưa thế? - Trời đã rạng rồi. - Mẹ lấy cái áo choàng đắp chân cho con… Dunhiaska trùm lên chân nàng một cái áo choàng bằng lông cừu và sửa lại cái chăn ấm ở hai bên sườn. Natalia đưa mắt ra ý cám ơn rồi gọi bà Ilinhitna tới gần và bảo: - Mẹ lại ngồi bên cạnh con một lát, mẹ ạ, còn em, em Dunhiaska và chị, chị Daria hãy ra ngoài kia một lát, tôi có chuyện muốn nói riêng với mẹ… Cả hai ra chưa hả mẹ? - Natalia không mở mắt, hỏi. - Ra rồi. - Cha con chưa về à? - Sắp về rồi. Mày thấy khó chịu hơn hay sao thế? - Không, con vẫn thế thôi… Chuyện con muốn nói là như thế nầy… Mẹ ạ, con sắp chết đến nơi rồi… Trong lòng con đã cảm thấy như thế. Con đã mất bao nhiều là máu, thật khủng khiếp. Mẹ bảo hộ chị Daria, đề chị ấy nhóm lò, đun thật nhiều nước vào… Mẹ sẽ tự tay tắm rửa cho con, con không muốn để những người khác… - Natalia? Thôi đi, con yêu của mẹ? Sao mày cứ nói đến chuyện gở như thế? Chúa vốn nhân từ, rồi mày sẽ qua khỏi thôi. Natalia khẽ động đậy một cách yếu ớt xin mẹ chồng đừng nói nữa, rồi nàng nói tiếp: - Mẹ đừng ngắt lời con… Con nói đã thấy nhọc lắm rồi, nhưng con lại muốn nói… Đầu óc con đang quay lộn… Con đã nói với mẹ về chuyện nước nôi rồi chứ? Mà kể ra con cũng khỏe lắm… Mụ Kapitonnovna đã làm cho con từ lâu lắm, ngay sau bữa trưa, con vừa đến là làm ngay… Cũng tội nghiệp cho mụ, cả mụ ấy cũng sợ hết hồn… Chao ôi, con đã bị chảy máu nhiều quá… Chỉ cần sống được tới lúc trời sáng… Mẹ bảo đun nhiều nước vào nhé… Con muốn được chết cho sạch sẽ… Mẹ ạ, mẹ mặc cho con cái váy màu xanh lá cây cái có gấu thêu ấy… Anh Griska vẫn thích con mặc cái váy ấy và cái áo pô-pơ-lin… nó nằm trong cái rương, bên trên, dưới chiếc khăn san ấy… Còn hai cháu thì sau khi con chết rồi, mẹ cứ cho đưa hai cháu về bên nhà con… Mẹ cho đi gọi mẹ con, bảo đến ngay… Đã đến lúc con phải chia tay rồi… Mẹ lấy cái đệm lót ra cho con, ướt hết cả rồi… Bà Ilinhitna luồn tay xuống dưới lưng Natalia rút cái đệm ra, rồi nhét qua loa một cái khác. Natalia chỉ kịp lẩm bẩm: - Mẹ xoay cho con… nằm nghiêng? - Rồi nàng lập tức mê man. Ánh bình minh xanh biếc đã nhòm vào các khung cửa cổ. Dunhiaska rửa một cái thùng, ra sân gia súc vắt sữa bò. Bà Ilinhitna mở toang cửa sổ và làn hơi lạnh tươi mát, nhẹ nhàng, rất khỏe người của buổi sáng mùa hè ập vào căn phòng nhà trong nồng nặc mùi máu tươi nặng nề và mùi dầu tay đốt. Gió lay những đám lá anh đào, làm nhỏ xuống bậu cửa sổ những giọt lệ của sương mai. Vẳng có tiếng chim hót sớm, tiếng bò rống, tiếng roi của trẻ chăn bò quấn đen đét, ngút quãng và rất vang. Natalia tỉnh lại, nàng mở mắt, đưa đầu lưỡi liếm cặp môi khô khan, mất máu đã vàng ệch, xin uống nước. Cả về hai đứa con lẫn về mẹ, nàng đều không hỏi nữa. Tất cả đều rời bỏ nàng và xem ra lần nầy là vĩnh viễn… Bà Ilinhitna khép cửa sổ, bước tới bên giường. Chỉ qua một đêm mà Natalia đã thay đổi đáng sợ biết bao! Mới hôm trước nom nàng còn như một cây táo non đang độ rộ hoa, đẹp, khỏe, tràn trề sức sống, thế mà bây giờ cặp má của nàng trắng bệch hơn cả lớp đá phấn trên quả núi ven sông Đông, mũi nàng nhọn hẳn ra, môi nàng mất hết cái vẻ tươi thắm gần đây, mỏng hẳn đi và hình như khó che nổi hai hàm răng nhô ra ngoài. Riêng hai con mắt còn giữ được cái ánh long lanh trước kia, nhưng vẻ nhìn cũng đã khang khác. Có một cái gì mới mẻ, xa lạ và làm người ta sợ thoáng hiện trong cặp mắt Natalia khi lâu lâu nàng lại bị thôi thúc bởi một nhu cầu không sao giải thích được, phải ngước hai cái mi mắt xanh xanh, nhìn lướt quanh căn phòng rồi dừng lại một giây để nhìn bà Ilinhitna. Đến lúc mặt trời mọc ông Panteley Prokofievich về đến nhà. Mệt nhoài vì nhiều đêm không được chợp mắt và vì phải luôn luôn chăm sóc những người mắc bệnh thương hàn và bị thương, người y sĩ đang ngái ngủ vươn vai bước trên Xemenovsky xuống, rồi cầm lấy một cái gói nhỏ để trên ghế ngồi, bước vào trong nhà. Lên đến trên thềm, anh ta cởi áo mưa vải bạt, khom người qua lan can, rửa rất lâu hai bàn tay lông lá. Anh ta ngước nhìn Dunhiaska cầm bình nước đổ vào lòng bàn tay cho mình, thậm chí nháy mắt với cô gái hai ba lần. Rồi anh ta vào nhà trong, ở lại bên cạnh Natalia chừng mười phút sau khi bảo tất cả mọi người ra ngoài. Ông Panteley Prokofievich và bà Ilinhitna ngồi trong bếp. - Thế nào bây giờ nó thế nào rồi? - Hai người vừa bước ra khỏi phòng trong, ông già hỏi thầm thì. - Nguy lắm… - Cái việc ấy nó đã tự ý làm như thế à? - Tự nó đã quyết định làm như thế đấy… - Bà Ilinhitna tránh không trả lời thẳng vào câu hỏi. - Cho ít nước nóng mau lên? - Ngài y sĩ nhô cái đầu bù xù của anh ta ra khỏi cửa, ra lệnh. Trong khi chờ nước sôi, anh ta bước vào bếp. Thấy ông già ngước mắt nhìn có ý hỏi, anh ta khoát tay một cách tuyệt vọng: - Chỉ sống được đến bữa trưa là cùng. Băng huyết một cách khủng khiếp. Không còn làm gì được nữa rồi? Nhưng nhà ta đã báo cho ngài Grigori Panteleevich biết tin chưa? Ông Panteley Prokofievich không trả lời, vội vã khập khiễng bước ra phòng ngoài. Daria thấy ông già đi tới phía sau cái máy giặt để dưới hiên nhà kho, gục đầu vào đống phân bò khô để dành từ năm ngoái, khóc nức nở… Người y sĩ nán lại thêm chừng nửa giờ. Anh ta ngồi trên thềm nhà, ngủ gà ngủ gật dưới ánh bình minh, rồi khi nước đã sôi, anh ta lại vào phòng trong tiêm cho Natalia một phát bạc hà rồi xin ăn sữa. Anh ta phải vất vả lắm mới giữ được cho mình khỏi ngáp, uống hết hai cốc sữa và nói: - Nhà ta chở xe cho tôi về ngay bây giờ. Trên thị trấn ở chỗ tôi còn có những người ốm và bị thương, mà tôi ở lại đây cũng chẳng được tích sự gì. Tôi cũng muốn hết lòng giúp đỡ ngài Grigori Pantelevich đấy, nhưng tôi xin nói thành thực rằng tôi không thể giúp gì được nữa rồi. Chúng tôi chỉ có thể làm được những việc tầm thường, chỉ chữa được bệnh cho người ốm, còn cái việc làm cho người chết sống lại thì còn chưa học. Nhưng bác nhà ta lại đã bị họ làm cho chẳng còn gì để mà sống nữa rồi… Tử cung bị rách nát, thật quả chẳng còn chỗ nào nguyên lành. Xem ra mụ già ấy đã dùng một cái móc sắt. Đối với sự tối tăm dốt nát của chúng ta thì chẳng còn có thể làm gì được đâu? Ông Panteley Prokofievich bỏ một ít rơm lên chiếc xe ngựa bốn bánh rồi bảo Daria. - Mày sẽ đưa bác ấy về. Nhưng xuống tới sông Đông thì đừng quên cho con ngựa uống nước đấy. Ông nói với người y sĩ để anh ta nhận ít tiền, nhưng người ấy dứt khoát không nhận, làm ông già ngượng chín cả người. - Cụ Panteley Prokofievich ạ, cụ đem chuyện ấy ra nói mà không thấy thẹn hay sao. Người nhà với nhau cả mà cụ còn tiền với nong. Không, không, cụ đừng cầm tiền lại gần tôi. Làm thế nào mà cảm ơn ấy à? Chuyện ấy thì không cần nói làm gì? Nếu tôi chữa được cho bác ấy, cho con dâu cụ sống lại được thì lại là chuyện khác. Đến khi trời đã sáng, lúc khoảng 6 giờ. Natalia cảm thấy có phần dễ chịu hơn. Nàng xin được lau rửa, chải đầu trước cái gương Dunhiaska cầm hộ, đưa mắt nhìn một lượt mọi người trong nhà, ánh mắt bừng bừng một cách khác thường rồi gắng gượng mỉm cười. - Thôi bây giờ con bắt đầu đỡ rồi! Thế mà con cứ lo quá… Cứ ngỡ đối với con, tất cả thế là hết… Nhưng hai đứa nhỏ làm gì mà ngủ trưa thế nhỉ? Cô Dunhiaska, cô chạy vào xem hộ hai cháu đã dậy chưa? Mụ Lukinnhitna và con Grisápca đã đến. Mụ già nhìn con gái, khóc oà lên, nhưng Natalia nói liến thoắng, giọng xúc động: - Sao mẹ lại khóc hả mẹ! Con cũng không đến nỗi đâu… Mẹ và em có phải đến để đưa đám con đâu? Chà, thật ra có gì mà phải khóc như thế? Con Grisapca khẽ đụng vào người mẹ nó. Mụ kia chợt hiểu ra bèn lau ngay nước mắt, an ủi con: - Sao mày lại nói thế, con yêu của mẹ, mẹ chảy nước mắt cũng chỉ vì ngớ ngẩn đấy thôi. Nhìn thấy mày, lòng mẹ đau thắt lại… Nhưng mày thay đổi quá nhiều… Khi nghe tin thằng Misatka nói và tiếng con Poliuska cười, hai gò má Natalia hơi ửng lên: - Gọi chúng nó vào đây? Gọi chúng nó mau lên? - Nàng bảo. - Chúng nó cứ vào rồi hãy mặc quần áo cũng được… Con Poliuska bước vào trước. Đến ngưỡng cửa nó đứng lại, đưa nắm tay lên dụi cặp mắt ngái ngủ. - Mẹ của con ốm mất rồi… - Natalia mỉm cười nói. - Lại đây với mẹ đi, con gái yêu của mẹ! Con Poliuska ngạc nhiên nhìn những người lớn ngồi nghiêm trang trên những chiếc ghế dài, rồi vừa bước tới gần mẹ nó vừa nói giọng buồn rầu: - Sao mẹ không đánh thức con dậy? Và tại sao mọi người đều đến tất cả như thế nầy. - Đến thăm mẹ đấy… Nhưng con thì mẹ đánh thức con dậy làm gì? Con sẽ lấy nước cho mẹ uống, sẽ ngồi với mẹ… - Thôi, con ra ngoài lau rửa đi, chải đầu, cầu kinh xong rồi lại vào đây ngồi với mẹ. - Thế mẹ có dậy ăn sáng không? - Mẹ không biết. Có lẽ không đâu. - Thế thì con sẽ mang vào đây cho mẹ nhé, có được không hả mẹ? - Thật hệt như bố nó, nhưng trái tim nó không giống bố nó, dịu dàng hơn nhiều… - Natalia mỉm một nụ cười yếu ớt, ngả đầu ra sau, rồỉ bất chợt thất lạnh, vội lấy chân kéo căng cái chăn. Một giờ sau, Natalia yếu đi. Nàng vẫy ngón tay gọi hai con lại với mình, ôm lấy chúng nó, làm dấu phép, hôn chúng nó rồi xin mẹ đưa chúng nó về bên mụ. Mụ Lukinhitna bảo con Grisapca dẫn hai đứa bé ra ngoài còn mình thì ở lại bên con gái. Natalia nhắm mắt nói như trong cơn mê: - Thế là mình không còn được nhìn thấy anh ấy nữa rồi… - Sau đó tựa như chợt nhớ ra điều gì, nàng nhỏm dậy rất nhanh. - Cho cháu Misatka quay lại đây! Con Grisapca mếu máo đẩy thằng bé vào phòng trong, còn nó thì đứng lại trong bếp, rên rỉ kể lể rất khẽ. Thằng Misatka rụt rè bước tới gần cái giường với khuôn mặt âm thầm và hai con mắt chẳng có vẻ gì âu yếm của nhà Melekhov. Những nét biến đổi đột ngột trên mặt mẹ nó làm mẹ nó nom khác hẳn, gần như không thể nhận ra được nữa. Natalia kéo thằng con trai của nàng vào với mình và cảm thấy trái tim nhỏ nhoi của thằng Misatka đập thình thịch rất nhanh, y như trái tim của một con chim sẻ bị bắt. - Cúi xuống với mẹ đi, con trai của mẹ? - Natalia bảo nó. Nàng rỉ tai thằng Misatka không biết những gì, nói xong đẩy nó ra, mím chặt cặp môi run run, nhìn vào mắt nó một cách thăm dò, rồi gượng nở một nụ cười đau khổ, rất đáng thương và hỏi nó: - Con không quên chứ? Con sẽ nói chứ? - Con không quên đâu… Thằng Misatka nắm lấy ngón tay trỏ của mẹ nó, giữ chặt trong nắm tay nhỏ xíu, nóng hổi của nó chừng một phút rồi buông ra. Nó rời khỏi cái giường, không hiểu sao chân đi rón rén, hai tay lủng lẳng… Natalia đưa mắt nhìn theo nó ra đến cửa rồi lặng lẽ quay mặt vào tường. Đến giữa trưa thì nàng qua đời. Chú thích: (1) Mironovna nghĩa là con gái ông Miron, tức Natalia (ND)