Ngày xưa có một phú ông tự cho mình có tính nhẫn nại, ít ai bì kịp. Phú ông có một cô con gái nhan sắc xinh đẹp. Ngày con gái đến tuổi lấy chồng, phú ông cho yết bảng ở cổng nói rằng hễ ai làm cho lão nổi nóng hoặc giận dữ thì lão sẽ gả ngay con gái cho người đó. Nhưng trong vòng một tháng mà không làm được thì sẽ bị đánh một trăm hèo rồi đuổi về. Đã có nhiều chàng trai lần lượt nộp đơn xin làm rể với nhiều mưu mẹo mà vẫn không làm được lão nổi giận, đành chịu nhận lấy trận đòn đau mà tay không trở ra, mọi công phu làm rể coi như xôi hỏng bỏng không. Vì thế đã bao năm tháng, cô gái vẫn phòng không bóng chiếc. Một hôm có một chàng trai bộ dạng gày gò đến xin ra mắt. Phú ông hỏi: - "Anh muốn gì?". Chàng trai đáp: - "Tôi muốn được làm rể ông". Phú ông căn vặn: - "Thế anh đã đọc kỹ những lời ta giao hẹn yết ở bảng chưa?". -"Thưa đã". Nhìn anh chàng từ đầu đến chân, phú ông nói: - "Ta sợ rằng anh không chịu nổi một trăm hèo của ta đâu". - "Thưa chịu được!". "Vậy thì ngày mai là ngày bắt đầu, anh cứ việc tới đây". Đến ở chưa được mấy ngày, anh chàng đã rủ phú ông: - "Sáng mai thầy với con đi săn một chuyến kiếm vài con cầy, con chồn về ăn". Nghe nói đi săn, phú ông tỏ ý ham thích, nhưng lại bảo: - "Đi săn nhưng nhà ta không có chó săn thì làm thế nào?". Anh đáp ngay: - "Thưa thầy, con sẽ làm chó cho".Hai người vào lùm săn được một con cầy. Đưa về nhà, phú ông bảo anh: - "Đi làm thịt cầy đi mày". Anh lắc đầu: - "Con làm chó thì làm thịt sao được". Phú ông lại bảo: - "Thế thì đi mua rượu vậy!". Anh chàng vẫn lắc đầu: - "Là chó thì đi mua rượu sao được?". Phú ông đành một mình hì hục làm thịt cầy, nấu nướng, trong khi đó anh chàng đánh một giấc ngon lành. Nấu xong, phú ông tất tả đi mua rượu vì nhà hôm ấy vắng người. Thừa dịp ở nhà một mình, anh mang thịt cầy ra chén hết. Phú ông mang được rượu về thấy nồi đã hết nhẵn, nhưng lão vẫn không tỏ thái độ gì, chỉ hỏi: - "Mày ăn cũng được, nhưng có để phần tao miếng nào không?". Anh thản nhiên đáp: - "Chó treo mèo đây. Đã để cho chó ăn mất thì làm sao còn mong để phần". Phú ông đành trả lời: - "Thôi được!". Chờ một chốc sau, anh chàng sẽ rỉ tai: - "Thầy có giận con không đấy, thầy?". Lão cười đáp: - "Giận mày tao ở với ai?". Một hôm khác, hai người lại rủ nhau đi săn. Lần này thì phú ông định tìm cách trả đũa chàng rể láu lỉnh, nên nhận làm chó. Biết thế, lần này anh lại nhằm vào những nơi đầy gai góc mà cắm lưỡi. Cứ mỗi lần thấy phú ông không dám xông vào, anh cầm roi quất vào đít và giục: - "Mau lên! Vào đi! Làm chó thì phải cố chui rúc mới hòng được mồi. Phú ông mấy lần bị đòn, đành phải xông vào. Thấy lão thở không ra hơi, lại bị gai cào toạc cả mặt mũi, anh hỏi: - "Thầy có giận con không thầy?". Lão vẫn tươi cười: - "Giận mày tao ở với ai?". Hôm ấy hai người cũng săn được một con cầy. Về nhà, anh làm thịt cầy và nấu nướng xong, bảo phú ông: - "Thầy đi mua rượu đi!". Phú ông đáp: - "Chó nào có chó biết đi mua rượu!". Anh chỉ đợi trả lời thế, đi lấy xích xích chân phú ông lại bên cột nhà, nói: - "Giống chó chúa ăn vụng, phải xích mới được". Nói rồi bỏ đi mua rượu. Mua được về, anh một mình ngồi chén tì tì, bao nhiêu xương xẩu vứt lại chỗ phú ông. Chén xong anh mới mở xích cho lão và hỏi: - "Thầy có giận con không, thầy?". Anh vẫn nghe câu trả lời quen thuộc: - "Giận mày tao ở với ai?".Thấy chưa thắng được phú ông, anh chàng hơi lo. Một hôm anh bàn: - "Nay công việc đồng áng hơi rỗi, con xin thầy đi buôn một chuyến kiếm ít lãi về, thầy con chia nhau". Phú ông đáp: - "Được!". Ra đi anh dặn: - "Chiều mai thầy ra chỗ ngã ba đầu làng đón con một đoạn đường. Con đặt gánh hàng ở đó rồi phải đi ngay làm chuyến khác. Vì vậy thấy gánh hàng, thầy cứ gánh về hộ con". Chiều hôm sau, phú ông ra chỗ hẹn đã thấy một đôi bồ đậy nắp chằng dây cẩn thận để sẵn ở đó. Lão cất lên vai, gánh hàng thật là nặng. Nhưng cứ theo lời dặn, lão ì ạch gánh về nhà. Đến nhà lão mở ra thấy một bồ đựng toàn đá, còn bồ kia thì thấy thằng chàng rể trời đánh ngồi thu lu ở trong. Anh đứng dậy vừa cười vừa hỏi: - "Thầy có giận con không, thầy?". Phú ông vẫn cười đáp: - "Giận mày tao ở với ai?". Lần sau, phú ông quảy bồ đi buôn. Lão cũng dặn anh chiều hôm sau ra bờ sông cuối làng gánh hộ hàng về. Đoán được âm mưu của lão, chiều hôm sau, anh mang theo một chiếc mo cau khô và mấy cái đục đạc. Đến bờ sông đã thấy một đôi bồ đậy nắp chằng dây để đó, anh liền vỗ vào mo cau, mo phát thành những tiếng lộp bộp như tiếng ngựa chạy. Anh lại lắc đục đạc nghe tiếng loong coong, còn miệng thì la lối:- Gánh gồng của ai để giữa đường kia chắn lối không cho ngựa quan đi à?Ngồi trong bồ, phú ông nghe tiếng la, tưởng là ngựa quan sắp tới thật nên đâm hoảng, lúng túng thế nào để bồ lăn mấy vòng rồi rơi tõm xuống sông. Anh chàng để cho lão làm một bụng nước rồi mới giả hộ hốt hoảng xuống vớt lên. Lần ấy về nhà, anh hỏi: - "Thầy có giận con không, thầy?''. Lão cười gượng: - "Giận mày tao ở với ai?".Thấy kỳ hạn sắp hết mà vẫn chưa làm được phú ông nổi giận, anh chàng tỏ ra lo lắng hết sức. Hôm sau, người ta thấy anh quảy đôi sọt ra đi. Được một lúc, anh chạy về gọi chủ rối rít: - "Thầy ơi, con úp được một con phượng hoàng đất rất đẹp. Thò tay vào mà bắt thì sợ nó sổng mất tiếc của. Thầy ra giữ hộ con, để con còn tìm lưới bủa xung quanh mà bắt cho chắc. Con đã chặn lên mấy hòn đá, thầy ra ngay đi". Phú ông vốn thích nuôi chim, nghe nói rất mừng, liền ra chỗ dặn thì thấy có chiếc nón úp giữa đường có dằn mấy hòn đá, bèn sụp xuống ôm lấy nón.Vừa lúc ấy, có vua và quan lính trẩy qua, nhìn thấy một người nằm phủ phục khư khư ôm lấy chiếc nón, vua bèn cho dừng lại hỏi:- Nhà ngươi làm gì thế này?Phú ông đáp: - Tâu bệ hạ, kẻ tiện dân này có úp được một con phượng hoàng đất rất đẹp. Nó ở trong nón này. Hiện đang chờ người về lấy lưới ra bắt kẻo nó sổng.Nghe nói phượng hoàng đất, vua không ngăn được tò mò, vội truyền cho quân lính tìm cách bắt ngay cho vua xem, không đợi đưa lưới. Nhưng khi giở chiếc nón lên thì chỉ thấy lù lù một đống phân trâu, chẳng có phượng hoàng đất nào cả.Giận vì có kẻ dám trắng trợn đánh lừa mình, vua thét lính nọc phú ông ra đánh một trận nhừ tử. Đợi chờ vua quan và lính tráng đi rồi, anh chàng mới từ trong bụi chạy ra đỡ phú ông dậy xoa bóp, rồi hỏi: - "Thầy có giận con không, thầy?". Phú ông tức quá đáp: - "Mày làm cho ông suýt mất đầu, không giận mày sao được!".Mấy ngày sau người ta thấy nhà phú ông có đám cưới, ấy là đám cưới của chàng trai lấy con gái chủ nhà mà anh đã thắng cuộc[1].
[1] Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập I; và lời kể của người Việt-trì.[2] Xem Truyện cổ Tày - Nùng của Hoàng Quyết, đã dẫn.[3] Xem Truyện cổ Chăm, sách đã dẫn.[4] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn[5] Theo Rip-tin (B. Riftine) và Kha-xa-nốp (M. Khassanov), sách đã dẫn.
KHẢO DỊ
Truyện của ta với truyện Không bao giờ biết giận của dân tộc Nùng[2] và truyện Kén rể của dân tộc Cham-pa[3] gần như là một, chỉ có khác một vài chi tiết không quan trọng, ví dụ bên ta là vua, là phượng hoàng đất, thì bên Nùng, bên Cham-pa là quan, là chim lửa trời, hay bên ta là một gánh bồ hàng (không nói là hàng gì) còn bên Nùng là gánh bông, bên Cham-pa là gánh lúa, v.v...Các truyện trên có nhiều dị bản ở các dân tộc. Trước hết là truyện của Pháp: Jăng và Pi-e.Một người mẹ có hai đứa con. Pi-e là em đến ở tớ với một người, đòi một trăm đồng e-cu một năm. - "Được", chủ đáp, "nhưng nếu một trong hai chúng ta ai tỏ ra giận dữ điều gì thì sẽ bị đánh gẫy lưng". Mới được tám ngày, chủ tớ cãi nhau. Pi-e tức giận, là chủ đánh đau đuổi về. Jăng nghe nói, bèn cũng đến ở và chịu nhận điều kiện trên. Chủ sai đánh xe đi chợ bán hạt cây. Hắn bán hết tất, cả xe lẫn ngựa rồi đưa tiền cho em. Anh hỏi chủ: - "Có giận không?" - "Giận gì cái vặt ấy". Hôm khác, chủ sai đi chặt cây "sên" to nhất, cốt để cho anh không làm được thì phát cáu. Anh bán cả xe bốn ngựa rồi về tay không. Chủ hỏi, anh đáp: - "Xe để ở bìa rừng vì không chuyền cây ra được". Rồi hỏi: "Có giận tôi không?" - "Không".Hôm khác, hai vợ chồng chủ ngồi ăn cơm không gọi anh ăn. Đang đập lúa, anh đem lúa bán lấy tiền, vào quán chén ngon lành. Chủ hỏi: - "Lúa để đâu?". Đáp: - "Ông không cho tôi ăn, tôi phải bán kiếm tiền đánh chén". Rồi hỏi: - "Có giận không?". - "Không".Hôm khác chủ sai anh đi chăn lợn ở một cánh đồng có lão chằng (ô-gơ-rơ), cốt mượn tay lão ăn thịt hộ. Jăng mang theo một con chim sẻ, nên khi thi ném xa với lão, anh được cuộc. Hai người lại thi ăn. Trong khi ăn, Jăng lén cho thức ăn vào một cái túi đeo trước bụng. Ăn xong anh lấy dao rạch túi làm bộ rạch bao tử, thức ăn trào ra. Lão chằng không chịu thua, nhờ anh rạch hộ bao tử của mình như kiểu anh đã làm. Lão chết. Anh cắt tất cả đuôi lợn, đem lợn đi bán rồi cắm đuôi xuống bùn như một tình tiết trong truyện Nói dối như Cuội của ta (số 60, tập II). Lúc về chủ hỏi: - "Lợn đâu?". Đáp: - "Chúng chui tất cả xuống bãi lầy, nhưng vẫn còn thấy đuôi". Chủ đi kéo đuôi lợn, dĩ nhiên bị tưng hửng. Anh hỏi chủ: - "Có giận không?". - "Không". Chủ lại sai anh đi chăn ngỗng. Anh bán mất một vài con, rồi về báo tin là có một con thú ăn mất ngỗng. Hỏi: - "Có giận không?". - "Không". Hôm sau vợ chủ đòi đi rình. Anh nghe lỏm được, bèn bảo chủ cho mình mượn khẩu súng để rình bắn con thú đã ăn thịt ngỗng. Vợ chủ nấp trong bụi, anh cho một mồi ngã lăn quay. Sau đó anh hỏi chủ: - "Có giận không?". - "Mày giết vợ tao sao tao lại không giận?". Anh bèn đánh chủ gãy lưng như đã giao ước.Truyện này phổ biến gần như khắp châu Âu. Phần lớn đều thống nhất điều giao ước "không được giận", một số khác đổi rằng "không được tiếc rẻ". Còn về hình phạt thì hầu hết là lột da lưng, ở truyện của người Mô-ra-vi (Moravie) thì cắt mũi, ở người Đức và Bắc Pháp thì cắt tai, v.v...Truyện của Ấn-độ phổ biến trong các dân tộc theo đạo Hồi: Có hai anh em là Ha-lam-da-đa và Ha-ram-da-đa. Người anh đi làm công cho một lão chánh án (qua-di) với điều kiện: nếu anh tự tiện bỏ tôi, tôi cắt tai và mũi anh, và ngược lại, cũng thế. Còn thức ăn thì phải cho đầy mỗi lá một ngày. Chủ sai anh đi chăn bò, dê, mỗi ngày cho ăn cơm đổ đầy một lá ta-ma-ranh (lá bé như lá đa). Anh kêu ăn ít quá không đủ sống. Chủ vin vào điều giao ước, không giải quyết. Cuối cùng anh không chịu nổi, bỏ đi, bị chủ cắt tai và mũi. Đến lượt người em cũng đến xin làm công. Khi ăn, anh đưa ra một tàu lá chuối. Chủ không có lý do từ chối. Sau đó anh giết một con dê đãi bạn. Ngày hôm sau, anh bán luôn mười hai con dê, bốn con bò. Lúc về nói với chủ: - "Trời thương hại tôi cứu tôi thoát nạn". Chủ hỏi: - "Sao?". - "Một lũ chó sói mang đi bốn bò, mười hai dê, may tôi trèo cây mới thoát".Ngày hôm sau nữa, chủ sai cưỡi ngựa đi có việc. Anh bán luôn con ngựa, chỉ xin cái đuôi. Về nhà anh đút đuôi ngựa vào lỗ chuột rúc, lèn kỹ. Sáng dậy anh kêu với chủ: - "Ô, ngựa bị chuột bắt mất rồi. Chỉ còn thò ra nửa cái đuôi". Chủ đến kéo dĩ nhiên đuôi bật ra. Anh kêu: - "Thôi! Thế là chuột ăn hết ngựa rồi!". Lão chánh án sạt nghiệp, phải cho anh về. Anh cắt mũi và tai lão theo giao ước.Truyện của dân tộc Xa-ri-cô-li (Saricolic) ở Trung Á: Một người cha sắp chết bảo ba đứa con chớ có đến gần một cái cối xay nọ, ở đó có một ông già chột sẽ ăn thịt. Cha chết, người anh cả không nghe lời, đến chỗ cối xay, ông già nhận nuôi làm con. Ông sai anh quét dọn chuồng lừa. "Nhưng, ông nói, ta có cái tật: nếu ai giận ta thì ta móc mắt, còn nếu ta giận ai, ta cũng cho người ấy làm như vậy". - "Vâng!". - Anh đáp. Hết ngày mà chưa dọn phân xong. Nản quá anh trở về chỗ cối xay ném dụng cụ xuống đất. Ông già hỏi: - "Anh giận ư?". - "Sao lại không? Ông bắt tôi làm quá cực". Ông già nhảy tới móc con mắt anh. Ít lâu sau, người em thứ hai lại đến. Sau khi anh này quét dọn xong, ông già bảo anh đi kiếm củi, nhưng lại bảo riêng con lừa rằng. - "Khi nào nó chất củi lên lưng thì mày nằm xuống". Lừa làm đúng như thế. Anh chàng bèn cắt một tai lừa. Tự nhiên lừa tỏ ra thuần hơn trước. Khi ông già thấy tai lừa bị cắt liền hỏi anh tại sao lại làm như thế. Anh hỏi lại: - "Lão có giận tôi chăng?". Ông già đáp: - "Ừ", anh bèn nhảy tới móc mắt lão và lão chết.Truyện của người Xơ-ri Lan-ca (Sri Lanka): Một tên chúa làng (ga-ma-ra-la) có cái tật hễ thấy ai thở dài thì tỏ ra ghê tởm. Khi hắn thấy ai làm thế thì lập tức nhảy xổ vào người khốn nạn, cắt đứt mũi. Có một anh cả trong hai anh em đến làm việc với chúa làng này, và vì thế bị hắn cắt mất mũi. Trở về, anh kể lại cho em nghe. Em là Hốc-ca quyết báo thù. Bèn vào xin làm đầy tớ cho lên chúa làng ấy. Từ đó anh chơi nhiều ngón khiến chủ hiểu rằng đây không phải là một kẻ vô lại, mà là một tên ranh mãnh. Nghĩ vậy, chủ buông tiếng thở dài. Hốc-ca đã rình sẵn bèn nhảy tới cắt mũi chủ.Truyện của người Áp-ga-ni-xtăng (Afghanistan): Một chàng trẻ tuổi đến làm việc cho một người với điều kiện: chủ phải cung cấp cho tớ một cày, một đôi bò. Về phía tớ thì phải hàng ngày gieo một giỏ hạt và kiếm củi cũng như thức ăn cho gia đình. Ai làm không đúng bị cắt mũi. Ngày hôm ấy, đầy tớ làm không tròn công việc bị chủ cắt mũi. Người anh về kể chuyện cho em nghe. Em lại đến xin làm việc, nhận những điều kiện đã nêu. Ra đồng, anh đổ hạt xuống đất, giết một bò và bẻ gãy cày. Lúc về nói là đã làm xong. Ngày thứ hai, người em cũng lại làm như thế. Đến ngày thứ ba, chủ không thể cung cấp hạt giống, cày và bò nữa nên lại bị anh cắt mất mũi[4].Truyện của người Đun-gan: Một bà mẹ có ba con trai. Người anh cả được mẹ cho đi học ở nhà một ông quan. Viên quan này giao hẹn với anh phải làm xong công việc nếu không thì bị giết. Hắn đưa cho anh một cái rây bột bảo lấy rây ấy đi múc nước cho hắn. Dĩ nhiên anh không thể nào hoàn thành phần việc được giao và bị hắn giết. Đến lượt người con thứ hai của bà mẹ lại đến học và chịu chung số phận. Biết được chuyện này, người con út quyết trả thù. Bèn tìm đến nhận điều kiện của viên quan. Anh lấy nhựa gắn đáy rây và múc được nước đưa về trước vẻ mặt kinh sợ của chủ. Thế là anh trả dược món nợ: trước tiên anh giết đứa con của hắn, rồi đến hắn và vợ hắn. Đoạn chiếm tất cả gia sản rồi trở về[5].[1] Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập I; và lời kể của người Việt-trì.[2] Xem Truyện cổ Tày - Nùng của Hoàng Quyết, đã dẫn.[3] Xem Truyện cổ Chăm, sách đã dẫn.[4] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn[5] Theo Rip-tin (B. Riftine) và Kha-xa-nốp (M. Khassanov), sách đã dẫn.