- 21 -

Sáng nay không đến phim trường, tôi dành trọn ngày cho con tôi. Tôi dắt bé Sơn đi vung vít trong các cửa hiệu mua quần áo cho nó. Lần đầu được đi chơi, bé Trường Sơn có vẻ khoái chí lắm, nó nhảy nhót nói chuyện không ngớt và cứ bắt tôi đứng lại chờ nó ngắm nghía hết thứ này đến thứ khác. Tôi cũng kiên nhẫn đứng đợi thằng bé, cảm thấy buồn cười và vui vui.
Ngang qua một tủ bán đồ chơi bên đường, bé Sơn đứng lại đòi mua một chiếc xe, tôi loay hoay lựa cho nó. Khi tôi quay lại, bất chợt nhận ra Phúc Yên đang ngồi trong xe đậu bên lề đường, cô ta nhìn bé Sơn đăm đăm, một tia nhìn kinh ngạc, khám phá và thù hằn sâu sắc. Tôi nhìn đôi môi đang run bần bật của Phúc Yên cảm nhận hết sự bất lợi trong hoàn cảnh thế này. Tôi hiểu mình chẳng còn giấu giếm được gì nữa, bé Sơn giống Trường Duy như tạc mà. Tôi hối hả trả tiền và dắt bé Sơn đi, cảm thấy lòng xốn xang lạ thường.
Tôi đi ven đường, ngực phập phồng vì một nỗi xao xuyến khó tả, như linh cảm về một điều gì đó khủng khiếp xung quanh, dù tôi không hiểu đó là điều gì. Bất ngờ tôi quay lại phía sau, chiếc Nissan chạy tới và qua lớp kính, tôi nhìn thấy khuôn mặt nhăn nhúm trong cơn điên giận, đôi môi mím chặt đầy đe dọa, đôi mắt long lên rực lửa...
Một luồng ớn lạnh chạy tràn trong cơ thể, bản năng làm tôi dắt con tôi vào lề đường. Nhưng đã muộn, chiếc xe lao tới với tốc độ kinh hồn, đâm sầm về phía tôi, tôi chỉ kịp hất bé Sơn ra xa...
Một cảm giác đau nhói xuyên suốt nửa người tôi, tất cả quay cuồng, lảo đảo... Tôi nghe tiếng khóc kinh hãi của con và những tiếng người xôn xao la hét, rồi tất cả chìm vào khoảng không...
... Cảm giác bồng bềnh xô dạt tôi vào những miền ký ức vô hình, rồi đẩy vượt lên trên muôn ngàn sóng nghiêng ngả, chới với. Tôi mở mắt, đồng thời cảm giác đau đớn làm tê liệt mọi cảm xúc.
Tôi nhìn lên trần nhà trắng toát, sáng lạnh, mùi ête thoang thoảng đâu đây. Tôi liếc nhìn về phía đầu giường, ý thức lờ mờ nhận ra một chai thuỷ tinh treo lơ lửng chất lỏng màu đỏ, được nối với ống cao su cũng đỏ thẫm. Ô! Máu.. Có tiếng ai đó thì thầm:
- Tỉnh rồi.
Hình như có tiếng khóc bị nén lại. Tôi nằm im, những luồng ý thức rời rạc kéo về, chậm chạp nhưng rõ ràng. Hình ảnh khuôn mặt của Phúc Yên, chiếc xe lao vào người xô tôi ngã xuống đường.. thốt nhiên một nỗi sợ điếng người thức tỉnh đầu óc mù mờ của tôi, con tôi sống hay chết? Tôi kêu lên:
- Bé Sơn đâu rồi?
Sao chung quanh cứ im lặng thế, mọi người nghe tôi nói không? Họ đi đâu cả rồi, lấy hết sức hét lên:
- Con tôi đâu?
Chỉ có tiếng thì thào vang lên, tôi bất lực quá, cố ngồi dậy tìm kiếm.
- Đừng động đậy con, con tỉnh rồi phải không? Con nhận ra mẹ không?
Mẹ à? Có mẹ ở đây à, thế thì tôi bình yên lắm rồi. Ngay lúc đó tiếng nói trẻ thơ trong trẻo vang lên:
- Mẹ ơi, mẹ.
Ôi! bé Sơn, tôi sung sướng quá chừng.
- Suỵt, đừng nói lớn nhé con, con ngoan nè, để cho mẹ con nghỉ.
- Mẹ con thức rồi hả ngoại?
- Ừ!
- Ngoại tháo mấy miếng vải này đi, đừng gói mẹ con trong đó nữa, con sợ mẹ buồn lắm.
- Không được, không được, con ngồi yên ngoan nào.
- Cho con lên giường mẹ đi ngoại.
- Con mà làm ồn thì mẹ buồn đấy, nghe không con.
- Nhưng con muốn ngồi gần mẹ thôi.
Mẹ tôi bồng bé Sơn bên cạnh tôi, tôi đưa tay mân mê bàn chân nhỏ bé của nó, ý nghĩ con tôi bình yên làm tôi sung sướng vô cùng.
Ngoài cửa, một bóng người đàn ông đi vào ngó quanh quất như tìm kiếm người thân. Người ấy đến gần.. tôi rúng động nhận ra đó là Trường Duy. Anh nhìn thấy mẹ con tôi và đi thẳng đến giường tôi, gật đầu chào:
- Thưa mẹ.
Mẹ tôi chỉ gật đầu, khuôn mặt buồn rầu, im lìm. Bé Sơn vẫn ngồi bên tôi, mở to mắt nhìn người lạ. Tôi thấy Trường Duy sững sờ nhìn thằng bé, trong đôi mắt anh có cả sự kinh ngạc lẫn một vẻ quyến luyến thầm kín.
Thời gian như ngưng đọng đến căng thẳng. Thấy người lạ nhìn bé, bé Sơn sợt sệt bò đến sát bên tôi mếu máo khóc:
- Con sợ chú này quá mẹ ơi!
Mẹ tôi vội bước tới, bồng bé Sơn lên. Trường Duy như sực tỉnh, anh đứng thẳng lên:
- Con đến thăm nạn nhân của Phúc Yên, con không ngờ đó lại là Như Phượng.
Mẹ tôi vẫn im lặng:
- Phượng bị thương nặng không mẹ?
- Nó vừa mới tỉnh.
Trường Duy bước tới, cúi xuống xem xét khắp người tôi rồi quay lại mẹ tôi:
- Mẹ để con chuyển Phượng đến chỗ của con, con săn sóc chu đáo hơn ở đây mẹ ạ.
- Không cần phải vậy đâu, cứ để nó ở đây được rồi.
Trường Duy hơi nhìn xuống:
- Ở đây thiếu tiện nghi hơn chỗ con làm.
- Không hề gì và mẹ thấy con đến thăm như vậy là đủ rồi, Phượng nó cần được yên tĩnh hơn.
Trường Duy im lặng một lát, rồi nói nhỏ:
- Con không ngờ chuyện lại xảy ra như vậy, một phần trách nhiệm là của con, nếu mẹ bỏ qua cho con thì hãy cho con chăm sóc Phượng.
Mẹ chưa kịp trả lời bé Sơn đã chồm tới níu áo Trường Duy kéo ra, giẫy nẩy khóc:
- Không cho chú này đứng gần mẹ con.
Trường Duy định lên tiếng thì mẹ tôi đã bồng bé Sơn ra ngoài dỗ nín. Còn lại hai chúng tôi, Trường Duy ngồi xuống giường, nhìn đăm đăm vào mắt tôi. Tôi thấy anh cắn chặt răng như phải đè nén một cảm xúc mãnh liệt, tôi không hiểu được đó là cảm xúc gì. Mọi chuyện xảy ra thật đột ngột, thần kinh tôi không đủ sức cảm nhận hết mọi thứ, tôi rơi vào trạng thái lơ mơ, rồi thiếp đi…
Chiều nay thức dậy đã thấy Trường Duy ngồi ở chân giường. Anh nhìn ra ngoài cửa, vẻ mặt có một nét gì đó tư lự, buồn phiền. Chưa bao giờ tôi thấy anh buồn đến như vậy, tôi nằm yên lặng nhìn Trường Duy. Có lẽ cảm nhận được cái nhìn của tôi, Trường Duy quay lại, rồi đứng lên cúi sát mặt tôi:
- Em còn bị đau không?
- Còn nhưng ít.
- Vài ngày nữa em sẽ hết thôi, hôm nay em đã khá hơn rồi, đừng sợ Phượng.
Chúng tôi im lặng thật lâu, Trường Duy lên tiếng:
- Bây giờ em có thể nói chuyện với anh rồi phải không?
- Anh muốn nói chuyện gì?
Trường Duy không trả lời, tôi nhìn nét mặt nghiêm trọng của anh, nhắc lại:
- Anh muồn nói gì?
Trường Duy ngẩng đầu lên hỏi đột ngột:
- Phượng em cho anh biết, bé Sơn là con ai?
-...
- Nói thật với anh đi Phượng, anh xin em, mấy ngày nay anh muốn phát điên vì chuyện bất ngờ này. Anh không nghĩ bé Sơn là con Vĩnh Tuyên vì anh biết anh ta không là gì của em cả, vậy thì đó là con ai? Em nói với anh đi, đã đến lúc em phải nói rồi.
-...
- Em không thấy là em đã im lặng quá lâu rồi sao? Mấy năm rồi từ khi hai đứa chia tay, anh không hề biết cái điều em muốn giấu kín, em làm thế để làm gì chứ? Để trừng phạt anh phải không?
- Tôi không muốn trừng phạt ai hết.
- Vậy thì em nói đi. Anh không tin đó là con Vĩnh Tuyên. Ngay từ phút gặp đầu tiên, anh đã linh cảm bé Sơn phải có một ràng buộc nào đó với anh, anh muốn biết sự thật từ em.
Tôi nhắm mắt nằm yên. Cuối cùng thì cái điều tôi khao khát mấy năm nay đã xảy ra, tôi đã thấy Trường Duy cao ngạo ngã gục, tôi đã trả thù được nỗi đau anh đã gây ra cho tôi. Thế nhưng bây giờ trong hoàn cảnh này, tôi không tìm thấy cảm giác hả hê chiến thắng, chỉ có một tâm trạng u ám, nặng trĩu vì nỗi kinh hoàng, chưa bao giờ trong đời mình tôi sống trong khiếp sợ như thế.
Đó là sự tàn sát, là cái chết, là nạn nhân của ghen tuông chết người. Giờ đây tôi mới thấm thía nghịch cảnh mà tôi không hề muốn tạo ra và tôi kinh sợ cơn ghen khủng khiếp của Phúc Yên. Liệu Trường Duy có bảo vệ nổi tôi và đứa con anh mới vừa phát hiện? Hay chỉ gây ra thêm một bi kịch khác mà cuối cùng tôi là người gánh chịu?
Bây giờ tôi yếu lắm, tôi sợ bất cứ sự xáo động của cuộc đời. Có đi qua cái chết rồi mới thấy mình quá mong manh nhỏ bé, tôi không dám thách đó cuộc đời nữa rồi. Có lẽ hãy đừng nói gì hết, để mặc Trường Duy với bao điều ngổn ngang muốn biết, rồi có ra sao thì ra. Tôi mở mắt, Trường Duy nhìn như muốn nuốt lấy tôi. Tôi lắc đầu:
- Tôi không có bí mật muốn giấu hết.
- Không, em phải trả lời cho anh biết, bé Sơn là con ai? Em không có quyền im lặng nữa, em không có quyền phủ nhận hay tách rời tình cảm cha con của anh, em phải hiểu điều đó.
Thấy tôi lặng thinh, Trường Duy mím môi:
- Đến bây giờ anh mới hiểu cái dữ dội của em. Anh đã bắt đầu thấy sợ em thật sự rồi. Không ngờ em ghê gớm vậy, giá mà em yếu mềm một chút, có lẽ hai đứa không ở hoàn cảnh thế này.
Tôi nhếch môi:
- Chuyện đó tôi cũng đã trả giá bằng một giá đắt rồi. Bây giờ thân tôi như thế này anh thấy hài lòng chứ, vừa ý chứ, tôi căm thù vợ anh lắm, anh biết không?
Trường Duy im lặng. Đối với tôi, đó là thái độ bênh vực che chở cho người phụ nữ mà tôi thù hận, vì dù sao đó cũng là vợ anh. Tôi hiểu Trường Duy sống cao thượng và đầy trách nhiệm, nhưng trong hoàn cảnh này thì đó là sự xúc phạm ghê gớm đối với tôi. Tôi nhìn Trường Duy thù hằn:
- Tại sao anh nghĩ bé Sơn là con anh? Anh còn tưởng tượng ra điều gì hay hơn nữa không?
- Đó không phải là tưởng tượng. Anh không bao giờ nói điều gì mà mình còn chưa nắm chắc nó, nhưng anh thích chính em khẳng định hơn.
- Anh cứ nghĩ những điều anh thích, tôi không ý kiến.
- Đến bây giờ em vẫn còn cố chấp với anh à?
-...
- Đừng tàn nhẫn như vậy Phượng, làm vậy là ác lắm em biết không? Nếu em biết thương con mình, thì tại sao em bắt anh không được có tình cảm đó chứ.
-...
- Nếu em không nói thì tự anh sẽ đi tìm cho ra sự thật, anh biết cách mà, chừng đó em không được ngăn cấm tình cảm cha con của anh đâu. Em thừa biết một khi anh muốn thì anh sẽ làm bằng được mà, đến lúc ấy em đừng trách anh tại sao cư xử không nương nhẹ đối với em.
Tôi hét lên:
- Tôi ghét cách nói ngang nhiên của anh.
-.Điều đó đâu có sao, em đã từng ghét anh nhiều rồi, còn anh thì cũng không đủ kiên nhẫn lay chuyển em nữa. Bây giờ anh sẽ làm những gì anh muốn.
- Anh định làm gì con tôi?
- Em biết điều đó làm gì?
- Nhưng tôi hỏi anh định làm gì nó?
Trường Duy ngồi yên. Lại cái tính yên lặng đưa người khác vào sự bất lực. Tôi muốn nổ tung cái đầu vì tức tối, lo sợ. Đối với tôi bây giờ, họ chỉ đem đến toàn những bi kịch. Tôi quên hẳn một điều: Trường Duy là cha bé Sơn, hẳn anh sẽ không làm gì hại nó. Trong tôi ấn tượng về cái chết vẫn còn quá kinh hoàng và tôi sợ cả mọi sự xáo động. Bất giác tôi òa khóc.
Trường Duy chớp mắt:
- Em còn yếu lắm, đừng để bị xúc động như vậy. Tuần tới anh sẽ đưa em về nhà.
- Tôi không cần đến anh, làm ơn về đi và đừng có tới đây khuấy động tôi nữa.
Trường Duy điềm nhiên:
- Em chưa biết em bị thương ra sao đâu, đến khi về nhà em vẫn phải cần đến anh, cho nên dù em có đuổi anh cũng vẫn đến. Anh nói trước để em hiểu, nếu ra viện rồi, mặt em có thế nào đi nữa thì anh cũng đủ sức làm lành lặn cho em. Em đừng sợ.
Trường Duy nói gì thế? Mặt tôi sẽ ra sao nữa đây, tôi hoang mang quá. Bất giác tôi đưa tay lên sờ lớp băng, rồi tìm chiếc gương. Trường Duy khoát tay:
- Bây giờ em không thấy gì được đâu.
- Nhưng mặt tôi sẽ làm sao?
- Không sao đâu, em đừng sợ như vậy.
Tôi ngồi im, rồi mím môi nhìn Trường Duy:
- Nếu tôi có bị gì, tôi sẽ căm thù vợ anh suốt đời.
-...
- Đến bây giờ tôi mới hiểu được những gì Phúc Thanh nói hôm nọ, lúc ấy tôi chỉ tưởng anh ta hăm dọa, không ngờ... Tôi căm thù các người lắm.
Trường Duy cúi đầu nhìn đăm đăm góc phòng, im lặng.
- Những điều tàn ác như thế, tôi nghĩ nó chỉ tồn tại trong những trang sách thời trung cổ. Không bao giờ tôi tưởng tượng được một người như anh lại có thể sống chung với những người ghê gớm như vậy, anh không thấy ghê sợ sao?
-...
- Nhưng tôi sẽ không thưa Phúc Yên ra tòa đâu, vì dù sao cô ta cũng là vợ anh, mà tôi với anh thì đã có một thời quan hệ. Tôi không nỡ làm khổ anh đâu, anh có thể yên tâm cho Phúc Yên rồi đó.
Trường Duy nhìn tôi, nét mặt có một thoáng rung động nhưng vẫn không nói gì.
Chúng tôi ngồi yên lặng, ngoài kia trời nhá nhem tối. Mẹ tôi dắt bé Sơn đi vào, tôi liếc về phía Trường Duy, anh nhìn bé Sơn không chớp. Thằng bé hình như đã hết sợ anh, nhưng cũng chưa dám lại gần, nó đứng dựa mép giường nhìn anh rồi bất giác nháy mắt một cái như cái cách tôi vẫn đùa với nó. Trường Duy không nén được nụ cười ngây ngất, bồng thằng bé lên, hôn nhẹ mặt nó, bé Sơn để yên không phản đối. Tôi nhìn cảnh ấy không biết nên buồn hay nên vui. Ngày xưa tôi chỉ nuôi một ý nghĩ trả thù đơn giản, nhưng bây giờ mới thấm thía hết những khía cạnh phức tạp, thật là bất hạnh cho tôi.
Rồi Trường Duy về nhà, còn lại mẹ con tôi với nhau, tôi để bé Sơn ngồi bên, mân mê bàn tay nhỏ của nó. Mẹ tôi chợt lên tiếng:
- Phúc Yên bây giờ đang ở khoa tâm thần, con biết chuyện đó chưa?
Tôi kinh ngạc:
- Sao mẹ biết?
- Lúc nãy mẹ gặp bạn thằng Duy, nó có dẫn mẹ tới đó nữa. Mẹ định chờ con khoẻ hẳn rồi sẽ lo chuyện kia, không ngờ nó lại ra nông nỗi như vậy. Phúc Yên bị điên rồi và có thể sẽ không bao giờ bình thường lại được.
Trời ơi... thật là khủng khiếp. Tôi không tưởng tượng nổi cô ta rơi vào tình cảnh như vậy, vậy mà Trường Duy không nói gì với tôi cả. Bị điên có phải là chuyện đơn giản đâu... Nhưng tại sao lại như vậy chứ? Tôi đã đối diện với những điều quá nặng nề như thế này. Tôi ngẩn ngơ nhìn mẹ, không biết nói thế nào về sự kinh ngạc và cảm giác hoang tàn trong tôi.
- Thằng Toàn kể với mẹ rằng khi bị bắt Phúc Yên đã mất trí hoàn toàn, người ta không thể hỏi cung được.
- Tội nghiệp Phúc Yên.
- Con thấy tội nghiệp cho nó hả Phượng? Vậy còn những gì nó đã làm với con thì sao?
- Mấy ngày trước con thù hận Phúc Yên, nhưng bây giờ con không còn tâm trí đâu để ghét nữa mẹ ạ. Nghĩ cho cùng thì hai đứa con đều bất hạnh như nhau. Mẹ biết không Phúc Yên thương anh Duy hơn con thương nữa.
- Có thể, nên khi quá tuyệt vọng nó đâm ra mất trí. Mẹ cũng hiểu rằng nó đâm xe vào con lúc tâm trạng bấn loạn thôi.
- Vâng, lúc tâm trạng bấn loạn, vì lần đầu tiên Phúc Yên thấy bé Sơn.
Mẹ lẩm bẩm:
- Tuổi trẻ thường hay nông nổi, để rồi làm khổ nhau.
Tôi bâng khuâng:
- Con nhớ lúc con đòi li dị, mẹ cản con mà con không nghe, giá hồi ấy con đừng bướng bỉnh, càng ngày con càng hối hận.
- Mẹ biết.
- Bây giờ con phải làm sao hả mẹ?
- Con cứ sống bình thường và đừng lo lắng gì nữa. Cái gì đến cứ để nó đến, con có muốn khác cũng không được đâu.
Tôi im lặng. Vâng, tôi có muốn hạnh phúc cũng không được nữa. Bây giờ lòng tôi chừng như không còn hận thù, không mơ ước hay khao khát điều gì, chỉ còn duy nhất là cảm giác đổ vỡ.
Tôi nhìn gương mặt trong gương, đã bao nhiêu lần nhìn rồi mà không thể nào quen với gương mặt ấy. Những vết sẹo đã tàn phá làn da mịn màng của tôi, tạo thành những đường nét nhăn nhúm xấu xí ghê cả người. Tôi nhớ hôm qua bé Sơn đã khóc thét lên khi nhìn thấy tôi, cho đến bây giờ bé vẫn xa lánh và chưa quen với gương mặt mới của mẹ. Nỗi khổ đau như xé nát tâm hồn, giãy giụa rồi cuối cùng bất lực. Tôi không còn nước mắt để khóc, nước mắt đã cạn rồi.
Rồi đây tôi sẽ trở thành người phụ nữ xấu xí, sống tăm tối và mất tất cả. Làm sao tôi có thể can đảm phơi bày trước mọi người bộ mặt tàn phế của mình. Làm sao tôi dám đến phim trường hay dự những buổi liên hoan tưng bừng với bạn bè nữa... Tất cả những cái đó chỉ còn là vang bóng một thời, tôi tuyệt vọng ghê gớm. Bây giờ tôi muốn rời bỏ tất cả, xa lánh tất cả để sống một mình nơi hoang vắng, sống mà nghiền ngẫm cho hết bi kịch của đời mình. Tôi nghĩ đến Phúc Yên. Bây giờ cô ta dật dờ trong thế giới điên loạn, tôi dật dờ trong nỗi mất mát... Trong hai người ai là kẻ bất hạnh hơn ai?
Tôi đứng dậy thay đồ, đội chiếc nón sụp xuống tận mặt, rồi lặng lẽ đến bệnh viện.