Tay cầm bức thư, Dax ngẩng lên "Hình như cuối cùng thì chúng ta vẫn không về nhà". "Thế… ở lại đây à?" Mèo Bự hỏi. "Không. Tổng thống quyết định tôi phải theo ý muốn của cha là vào đại học. Nhưng không phải là Sandhurst mà là Harvard". Mặt Mèo Bự đầy bối rối. "Ở Mỹ? Hợp chủng quốc?" Mèo Bự gào lên. "Tổng thống có đãng trí không đấy? Họ ghét chúng ta! Họ sẽ giết chúng ta!" "Tổng thống biết mình đang làm gì. Đấy là một trong những trường đại học nổi tiếng nhất thế giới". Marcel đang đứng bên bàn, nói "Đấy chẳng phải trường mà bạn anh, Robert đã vào?" Dax gật đầu. Mèo Bự phản đối. "Tôi không thích. Đấy là đất của bọn gansters và bọn da đỏ. Chúng ta sẽ bị giết trên giường ngủ. Tôi xem phim về bọn nó rồi". Dax cười. "Lẽ nào một tay như Mèo Bự lại sợ hãi nhỉ?" "Không bao giờ!" Mèo Bự bước ra cửa, rồi dừng lại. "Nhưng tôi sẽ không bao giờ ngủ mà thiếu con dao dưới gối đâu". Marcel đợi cho cánh cửa khép lại, ngập ngừng bảo Dax "Tôi cứ toan lúc nào đó sẽ nói chuyện với anh". "Về chuyện gì?" "Tôi tính thôi làm việc ở sứ quán". "Vậy à?" Ở một phương diện nào đó thì cũng chẳng phải là điều ngạc nhiên. Dax từng đã nghĩ không hiểu Marcel sẽ ở lại được bao lâu với đồng lương mà Corteguay trả cho. Và cũng là may cho họ mà anh ta đã ở lại lâu như thế. "Tất nhiên, tôi muốn ở lại đủ lâu để giúp ông lãnh sự mới làm quen với những công việc thường nhật". "Đất nước tôi sẽ rất biết ơn. Anh đã có kế hoạch gì chưa?" Marcel lắc đầu. "Tôi cũng đã xấp xỉ ba mươi, đã đến lúc phải có một cái gì đó mới. Tôi chưa biết chính xác là cái gì. Nhưng nếu bây giờ tôi không đi, thì chẳng bao giờ đi được nữa". Đấy hoàn toàn là bịa đặt. Sự thực là anh ta đã có được thoả thuận với Nam tước và Christopoulos. Người cháu của tay cờ bạc không khoái tàu bè lắm, hắn muốn trở lại với sự náo động của sòng bạc. Tay nhà băng đã quyết định đưa hắn trở lại Pháp nhưng hắn phải ở lại thêm một năm nữa với hãng tàu biển. Bề ngoài thì Marcel sẽ đi Macao để quản casino ở đấy, nhưng thực ra là đến Trung Hoa để học nghề sông nước. Anh ta cũng tính dồn hết vốn liếng vào tàu hàng. Marcel đã kiếm được khá bộn tiền mà không ai biết, và tính dùng số tiền này để thanh toán ngay. Chỉ sau khi đã có tên tuổi, anh sẽ chuyển một con tàu vào xanđica, và ngay cả khi đó cũng không phải bán thẳng cho họ. Chỉ cho thuê dài hạn thôi. Tiền thuê đủ để thanh toán khoản trả góp đến hạn, và các con tàu rồi sẽ là của anh. Điều đó giảm nhẹ được đầu tư ban đầu, họ thậm chí còn mang ơn anh vì đã nghĩ ra cách này để bảo lưu vốn cho họ. Giọng Dax đưa anh ra khỏi khúc mơ màng nhất thời. "Chúng ta phải tìm một người thay thế anh". Chợt Dax bật ngón tay "Có thể anh bạn Sergei của tôi cũng thích làm việc. Tháng trước, anh ấy bảo tôi là cần một công việc". Nhưng họ không thể tìm được Sergei. Người gác trong khu chung cư của nó bảo rằng một hôm trong tuần ấy, nó đã đóng gói toàn bộ đồ đạc và ra di, không hề để lại địa chỉ nơi đến. Kết luận duy nhất mà Dax có thể nghĩ tới là ông bạn anh đã đi theo bố rồi. Sergei ngán ngẩm. Không gì làm gã chán bằng cờ bạc. Dù là roulette hay là bài tây, chỉ với thực tiễn là phải ngồi chờ cũng làm gã không chịu nổi. Bà già thì đã quên bẵng gã trong cơn máu mê. Bà này không giống như thiếu phụ Mỹ kia. Đây là người đàn bà Pháp rất thông minh, rất già, rất giàu và rất biết mình muốn gì. Bà chỉ giản đơn cần một người đàn ông trẻ, đẹp trai sống chung cho có bầu bạn. Và Sergei thì trúng phóc. Ngay khi thấy gã trong hành lang khách sạn, bà chắc chắn là đã tìm đúng người. Đấy là một cuộc thu xếp giản dị và thẳng thắn. Sergei là bầu bạn của bà. Lương nó là hai ngàn franc một ngày, và bà sẽ thanh toán tất cả các khoản chi phí khác, kể cả quần áo. Hai hôm sau, họ rời di Monte Carlo. Mỗi ngày, casino mở hai phiên và bà tham gia cả hai. Đôi lúc, Sergei cho là bà ta quyết chí ném tiền qua cửa sổ, nhưng rồi nó cũng không nghĩ về điều đó nữa. Bà ta như một vòi nước bất tận. Hai tuần lễ đã trôi qua mà bà chưa hề dừng lấy một buổi. Giờ đây họ đang bắt đầu ván thứ ba trong một canh bạc buổi chiều. Sergei lười nhác đi ra hàng hiên. Nó nhìn xuống cảng. Những chiếc du thuyền trắng lung linh trên mặt nước xanh trong, và toà lâu đài ửng hồng, trên quả đồi phía bên kia. Chậm rãi, gã bước xuống vườn, đứng đấy, hai tay đút túi quần, rầu rĩ nhìn ra bờ nước. "Đẹp tuyệt, phải không?" Giọng nói từ phía sau. Sergei quay lại trong ngạc nhiên. Gần như một luật bất thành văn là đừng bao giờ nói chuyện với người lạ trong khuôn viên casino. Một ông gài đang ngồi trên chiếc ghế dài, hai bàn tay đặt trên núm nạm vàng của chiếc gậy, mớ tóc trắng và bộ râu bạc được cắt tỉa cẩn thận hoà vào gần như là vô hình với bộ complê đũi trắng. Chẳng cần phải bảo Sergei ông già là ai, mặc dù nó chưa từng thấy ông bao giờ. Ông già, như đồn đại, là tay buôn vũ khí lớn nhất thế giới, và người ta cũng bảo rằng ông sở hữu cái casino mà Sergei đang đứng trong vườn của nó. Chiếc du thuyền của ông to nhất và trắng nhất neo dưới cảng. Sergei đáp bằng tiếng Nga "Đẹp tuyệt trần, thưa ngài Peter". "Anh là Sergei Nikovitch?" "Vâng" "Anh có nghe gì về cha anh, Bá tước Ivan không?" "Thưa ngài Peter, không. Tôi chỉ nhận được một lá thư ngay sau khi cha tôi rời đi Berlin". Cặp mắt ông già nhìn qua gã xuống cảng. "Tôi không hiểu vì sao lũ ngu kia lại tiêu thời gian vào cờ bạc ở trong ấy, khi ngay đây có bao nhiêu cái đẹp". Sergei không trả lời. Cặp mắt trở lại với gã. "Cha anh cũng thế, phí thời gian", ông nói với cùng một giọng ấy. "Đất mẹ Nga mà chúng ta yêu dấu đã mất, vĩnh viễn mất và chúng ta sẽ chẳng bao giờ lấy lại được". Sergei vẫn lặng thinh. "Nhưng cha anh là một người Cossack, mà người Cossack thì còn làm được cái gì ngoài chiến đấu? Ngay cả khi đã thua trận, ông ta vẫn không buông vũ khí". Sắc thái triết lý bỗng biến hẳn, cặp mắt xanh trở nên sắc và xuyên thấu, giọng nói hiền hoà đanh lại. "Nhưng ít nhất thì cha anh cũng có những lý do để ông ấy làm thế. Còn anh?" Sergei ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột này, không trả lời được, chỉ trố mắt ra mà nhìn một cách ngớ ngẩn. "Anh đến đây với cái mụ già ngu xuẩn, có quá nhiều tiền mà không biết làm gì. Vậy là mụ tiêu dao ngày tháng ở những chỗ như thế này. Và với hai ngàn franc một ngày, anh xoắn xuýt hầu hạ mụ như một con rối". Hầu như không có gì là ông già không biết. Sergei chỉ biết trân trân nhìn. "Tôi xấu hổ cho anh, Sergei Nikovitch" ông già phẫn nộ đứng lên. "Xấu hổ!" Sergei lắp bắp. "Nhưng..tôi còn làm được gì?" "Anh có thể đi làm như cha anh đã từng làm. Ông ấy không xấu hổ vì lao động chân chính". Ông già quay đi, hai người đàn ông đầy bí ẩn bỗng xuất hiện hai bên, Sergei chằm chằm nhìn họ. Nhưng ngài Peter thì không ngạc nhiên. Những người cận vệ của ông luôn ở bên ông. "Tôi đợi anh ở bữa ăn tối" ông ngoái lại nói. "Bảy giờ. Đến đúng giờ, tôi già rồi và ưng ăn sớm". Toà nhà trắng, với những hàng cột bằng cẩm thạch và sàn bằng cẩm thạch, đậu ngay trên đỉnh cao nhất của ngọn núi cao nhất ở Monaco. Toà nhà thậm chí đứng cao hơn cả toà lâu đài mầu hồng của dòng họ Grimaldis, những người trên danh nghĩa, trị vì đất nước bé nhỏ này, vì thậm chí ngay cả họ cũng chấp nhận một thực tiễn là ngài Peter được quyền nhìn xuống họ. Tiền thuế của họ ông trang trải hết. Qua chiếc bàn gỗ gụ khổng lồ, Sergei nhìn Ngài Peter cùng người vợ Pháp trẻ của ông. Bà ngồi đấy, lặng lẽ với những hạt xoàn và ngọc trai lung linh trong ánh nến. Trong suốt bữa ăn, bà hầu như nói không quá ba từ. "Các con trai tôi đã chết cả", chợt ông già nói. "Và tôi cần một chàng trai mà tôi có thể tin cây. Một người có đôi chân khỏe hơn chân tôi và có thể đến những nơi mà tôi không thể đến. Làm việc nhiều giờ, công việc chán nản và mệt mỏi, lương ít. Nhưng nhiều cơ hội để học hỏi. Anh có ưng không?" Sergei quay nhìn ông già. "Vâng, rất thích ạ". "Tốt", có chút thoải mái trong giọng ông. "Giờ thì về bảo với bà Goyen là anh sẽ không trở lại Paris với bà ấy nữa". "Bà ấy đã về Paris rồi, thưa ngài Peter". Sergei trả lời, có chút thú vị với thoáng ngạc nhiên trên nét mặt ông già. Chiều hôm đó, màn kịch nổ ra, vì mệnh phụ thy mình không thể bị để ăn tối một mình. Xuất hiện một mình trong phòng ăn tối của khách sạn hay thậm chí ăn một mình ở trong phòng đều là sự sỉ nhục. Mọi người đều đã biết Sergei đi cùng với bà. Người ta sẽ nói gì khi bà xuất hiện một mình? Nhưng Sergei cứ khăng khắng và trong một cơn tam bành, bà cho đóng đồ rồi bỏ đi. Thực ra Sergei cũng không biết là bà đã đi, cho đến khi gã xuống nhà để đến chỗ Ngài Peter. Tay trợ lý giám đốc khách sạn khúm núm gọi gã tới một góc rồi đưa cho tờ hoá đơn. Mồm Sergei méo xệch đi trong một cái cười nhăn nhở, con chó cái già đã để lại các biên lai và cả tiền phòng của gã nữa. "Mai tôi sẽ thu xếp". Tay trợ lý nhã nhặn nhưng cương quyết. "Xin lỗi ông, chúng tôi phải thu tiền tối nay". Hoá đơn ngốn hết từng đồng franc gã có, và bây giờ gã lại về với số không. Mai có thể rời khách sạn và kiếm một phòng rẻ hơn, gã quyết định không về lại Paris nữa. "Tốt" ngài Peter nói. "Mai anh mang đồ đạc về đây". "Thưa ông, vâng ạ". Ngài Peter đứng lên. "Tôi mệt. Tôi đi ngủ đây". Sergei đứng dậy nhưng ngài Peter vẫy tay để nó lại ngồi xuống ghế. "Đừng đứng lên" ông nói. "Nếu ở đây, rồi anh sẽ quen. Bao giờ cũng thế, ăn tối xong là tôi đi nghỉ ngay". Ông quay sang vợ, giọng nhẹ nhàng. "Em ở lại với khách đi. Tối nay chẳng có lý do gì để em phải lên sớm cả". Sau khi ông già đi, im lặng phủ xuống bàn ăn. Sergei cầm chiếc ly uống dở lên, nhìn mà không hiểu bà vợ sống kiểu gì với một ông già như vậy. Còn bà thì không nghĩ về gã. Bà đang nghĩ về ngài Peter. Ông già là loại quái kiệt nào đây. Từ đỉnh chiếc cầu thang khổng lồ, ngài Peter liếc xuống hai người và gật đầu. Ông tám mươi tuổi, và vợ ông hai mươi tám. Ông đã sống đủ để hiểu rằng một người đàn bà trẻ trung đòi hỏi cái đó hơn cả châu báu, giầu có và sự trìu mến êm đềm. Ông thấy họ đứng lên rồi cùng di ra ban công. Ông tiếp tục đi về phòng và đóng cửa lại. Ông đã làm một việc đúng. Thà để nàng lấy lại cân bằng với một thanh niên tuấn tú như Sergei còn hơn là với lũ cô hồn suốt ngày bâu quanh casino. Ngoài ra, với Sergei, nó sẽ luôn canh chừng. Nếu có lúc nào đó mà sự thể trở nên nghiêm trọng thì nó cũng thừa sức tống khứ một thằng nhiễu nhương đi. Chương 16 Không mất nhiều thời gian lắm Sergei mới phát hiện ra rằng nó chẳng la cái gì ngoài một thằng loong toong được tô son điểm phấn. Đôi lúc, trong những tháng đầu, nó không hiểu ngài Peter thuê nó để làm gì. Rồi một bữa, tất cả đều rõ ràng. Sáng đó, gã từ một ngân hàng ở Monte Carlo trở về với nhiều giấy tờ cần có ngay chữ ký của ông già. Hắn đến thư viện, đồng thời được dùng làm văn phòng của ông, và thấy bà Vorilov ở đấy một mình. Bà ngước lên từ tờ báo đang đọc. Sergei ngần ngừ ngoài cửa. "Tôi không có ý làm phiền bà, thưa bà" nó nói một cách trang trọng. "Tôi mang một số giấy tờ cần có chữ ký của ngài Peter". "Vào đi" bà cười. "Ngài Peter đã đi Paris". Mặt Sergei bỉêu lộ sự bối rối. Thường thì nó biết, mỗi khi ngài Peter có kế hoạch đi xa. Cũng không thường lắm. "có lẽ tôi cũng phải đến đấy. Toàn giấy tờ quan trọng cả". Nụ cười biến mất. "Có thể chờ đến sáng mai. Mai ông ấy về". Sergei vẫn đứng ở cửa. "Được thôi, thưa bà. Vậy tôi đến ngân hàng báo cho họ biết". "Anh làm việc một cách nghiêm chỉnh phải không?" Nụ cười thoáng trở lại mặt bà. "Tôi không hiểu". Bà chỉ chiếc điện thoại. "Cái ấy báo cho họ biết nhanh hơn nhiều về việc giấy tờ của họ hôm nay không ký được". "Nhưng…" "Đừng có ngu xuẩn" bà nói với một thoáng cộc cằn. "Gọi cho họ rồi nghỉ cả ngày luôn. Từ khi đến đây, anh chưa được nghỉ". Gã cười. "Bà rất tốt bụng, thưa bà". Gã bước hẳn vào phòng. "Nhưng mà tôi cũng chẳng còn biết làm gì". Bà lại bên cửa sổ nhìn xuống bến cảng, những chiếc du thuyền, những cánh buồm trắng. "Ngài Peter không để cho anh nhiều thời gian vui chơi". Sergei đặt giấy tờ trong chiếc kẹp lên bàn, nhấc điện thoại. "Tôi không nghĩ là ông phải làm thế". Chợt bà nhìn gã. "Anh có biết vì sao ông ấy thuê anh không?" Gã trân trân nhìn lại, quên khuấy điện thoại trong tay. "Đôi lúc tôi cũng nghĩ có lẽ tôi là người cuối cùng ông cần". "Ông ấy thuê anh cho tôi. Ông ấy nghĩ là tôi cần anh". Từ từ, nó đặt chiếc điện thoại xuống. "Ông ấy yêu tôi". Bà tiếp tục. "Và ông ấy muốn tôi có tất cả. Thế là ông ấy đưa anh về nhà". "Ông ấy bảo bà vậy à?" "Tất nhiên là không. Thế anh tưởng ông ấy ngu đến mức ấy à? Nhìn này, anh đã đem một người tình về nhà cho em!" Gã chằm chằm nhìn bà, rồi cặp mắt cụp xuống. "Xin lỗi. Tôi không biết". Bà lại nhìn ra cửa sổ. "Tất nhiên là anh không biết. Đấy chính là điều làm tôi thích anh. Anh quá tử tế để có thể nghĩ đến một điều như thế". "Mai, khi ngài Peter về, tôi sẽ đưa đơn xin nghỉ việc". Bà nhìn gã. "Anh là một người hào hoa. Anh sẽ đi đâu, anh sẽ làm gì? anh có ít tiền nào không?" Nghĩ đến một trăm franc một tuần mà ngài Peter trả, Sergei lắc đầu. "Thế thì đừng có ngu xuẩn. Anh sẽ không đi khỏi đây chừng nào anh có tiền". "Với một trăm franc một tuần?" "Đấy cũng là điều ngài Peter đã dạy tôi. Bao giờ cũng có cơ hội kiếm tiền khi mà xung quanh đầy tiền". Bà trở lại phòng. "Kiêm đi, anh sẽ thấy". Gã lắc đầu. "Tôi e là không". Tôi không có tài kiếm tiền". Bà tò mò nhìn. "Anh không thích làm việc phải không?" Gã cười. "Có lẽ thế. Làm việc chán lắm. Chẳng có gì vui vẻ". "Thế thì anh kiếm tiền bằng cách nào?" Gã nhún vai. "Có lẽ tôi sẽ kiếm một cô gái Mỹ giàu có để lấy". Bà gật đầu nghiêm chỉnh. "Như thế còn hơn là đóng vai đĩ đực cho bà Goyen. May ra tôi có thể giúp anh". Bà nói thêm. "Thôi đi đi. Anh có nguyên một buổi chiều đấy". Gã về phòng, trút bộ quần áo dính nhớp ra, đi tắm. Rồi nằm thượt trên giường, châm điếu thuốc. Đang hút dở thì nghe tiếng gõ cửa vốn chờ đợi đã vang lên. Gã mỉm cười với mình, khoác vội chiếc áo ngủ rồi mở cửa. "Mời vào". "Tôi có một ý tưởng có thể giúp anh". "Vâng?" gã thấy mắt bà dừng lại ở chỗ chiếc áo ngủ để hở, mặt thoáng ửng hồng. "Tôi có một ý tưởng hay hơn" gã kéo bà đến bên giường. "Tôi cho là đã đến lúc tôi kiếm toàn bộ lương của mình". "Tôi phải gặp anh" bà thì thầm khi bước vào phòng ăn. "Sau khi ăn tối, đừng lên gác". Gã gật đầu để tỏ rằng hiểu và đến chỗ quen thuộc bên bàn, vẫn đứng cho đến khi ngài Peter đến và cả hai cùng ngồi xuống. Sau bữa tối, như thường lệ, ngài Peter lui về phòng. Sergei đi ra ban công và chờ. Vài phút sau, bà xuất hiện. Họ đứng tựa lan can, nhìn mặt trời đỏ rực đang chìm xuống sau những dãy núi. "Tôi có mang" bà thì thào. Nó trân trân nhìn, vì ngạc nhiên. "Với hai mươi hai cái chậu rửa của phụ nữ ở trong nhà, mà…" nó kịp dừng. "Có chắc không?" Bà lặng lẽ gật đầu. Mặt tái xanh. Nó huýt sáo. "Không biết ngài Peter có tính tới vụ này không?". Bà không trả lời. "Bà nói với ông ấy chưa?" Bà lắc đầu. "Chưa". "Bà tính thế nào?" "Bỏ nó đi. Tôi đã bảo bác sĩ thu xếp". "Bà không thể thoát được đâu. Ông ấy sẽ tìm ra". "Thì cũng phải liều", bà thất vọng nói. "Tôi làm gì khác được?" Nó rút điếu thuốc lá, châm hút vẻ suy tư. "Bao giờ?" "Mai. Ông ấy phải dự cuộc họp giám đốc tại ngân hàng cả buổi chiều. Anh phải lái xe cho tôi đến chỗ đó, rồi về, tôi không dám tin bọn người hầu. Rồi tôi sẽ bịa ra lý do gì đó để nằm trong phòng mấy ngày". Gã búng mẩu thuốc lá qua lan can, nhìn đốm đỏ quay quay trên không rồi rơi xuống vườn. "Mấy giờ?" "Tôi sẽ không xuống ăn trưa. Buổi sáng, tôi sẽ vờ ốm". "Mấy giờ?" "Ngay sau khi ông ấy đến nhà băng". Bà đặt tay lên tay nó. "Tôi xin lỗi". Nó nhìn bà. "Tôi cũng vậy". Bà toan nói gì đấy rồi lại thôi. Bà đi vào trong nhà. Nó nhìn bà bước lên cầu thang khổng lồ rồi quay ra phía cảng. Từ từ, mặt trời khuất sau dãy núi và màn đêm buông xuống. Gần hai rưỡi, bà đã nghe thấy chiếc limousine khổng lồ lăn bánh khoảng nửa giờ rồi. Vì sao Sergei vẫn chưa đến đón bà? Rồi có tiếng gõ cửa nhẹ. bà vội vã ra mở. "Anh làm gì mà lâu thế?" bà hỏi, và câu nói dừng trong cổ. Người đứng đấy không phải là Sergei. "Tôi vào được không?" "Tất nhiên", bà lùi từ cửa vào giữa phòng. "Sergei bảo ông?" Ông đóng cánh cửa lại. "Vâng". Ông thấy cặp mắt bà dâng đầy nước. "Tôi nghĩ là có nói xin lỗi ông thì cũng chẳng ích gì". Bốn mắt nhìn nhau. "Chắng có gì để phải hối tiếc cả. Chúng ta sẽ có một đứa con trai xinh xắn". Chiều muộn hôm đó, Sergei ngồi trên tau hoả, nhìn cảnh thôn quê vun vút qua cửa sổ. Gã có thì giờ để ngắm Đại Tây Dương từ con đường sắt dọc theo bờ biển. Có lúc, núi non ngả xuống đoàn tàu như hai hàng bảo vệ. Gã lơ đễnh nhìn xuống tờ báo đặt trên đùi. Gã biết mình đã làm đúng. Và không phải chỉ một trăm ngàn franc mà ngài Peter đã đưa làm gã nghĩ vậy. Còn có cái nhìn trong đôi mắt của ông già khi gã nói với ông. Gã được đem về không phải chỉ để có quan hệ với bà. Hơn thế nhiều. Để làm cái điều mà ông già không bao giờ làm được và giờ đã hoàn thành. Nụ cười giễu cợt thoáng trên môi Sergei. Không tồi. Một trăm ngàn franc phí lấy giống là chẳng tồi chút nào. Cách nó phải vậy. Còn hơn là phải đi cày để kiếm sống.