II - Chúng tôi thà chết còn hơn là trở về Sô Viết. Bởi vì Sô Viết sẽ treo cổ chúng tôi lên cây ở bên vệ đường. Tôi, tướng Grisha Costak và tất cả anh em ở đây chúng tôi đã chiến đấu trong bốn năm cho Vinh quang và cho tổ quốc Sô Viết. Nếu chúng tôi có điều gì lầm lỗi, người Mỹ các anh hãy treo cố chúng tôi đi. Lính Nga đã chiến đấu bên cạnh các anh trong suốt thời kỳ chiến tranh. Trong bốn năm, báo chí các anh đã nói đến sự can trường của tướng Grisha Costak, tại sao bây giờ các anh muốn tôi bị treo cổ vào ngày chiến thắng. - Nếu ông là anh hùng tại sao lại sợ phải trở về Sô Viết? Viên chỉ huy trưởng trại giam vừa hỏi vừa nhìn đồng hồ tay. Ông ta được giao phó phận sự chở những công dân Sô Viết về nước, và họ nhất quyết không chịu, y theo lời tướng Costak. Ông ta nói khích Costak: - Một người Mỹ bị bắt không bao giờ sợ phải trở về nước. Nếu hắn sợ thì có nghĩa là hắn đã phản bội hay là trong thâm tâm đã có điều gì mờ ám rồi. - Người Mỹ các anh không hiểu cái khỉ khô gì về Nga sô cả. Tôi đã nói với các anh bao nhiêu lần rằng Mỹ quốc không phải là Nga sô và Nga sô không thể nào giống Mỹ quốc. Luật lệ các anh không có điều gì giống luật lệ Sô Viết cả. Một viên đại úy như anh thì đầu óc để đâu cả mà không hiểu nổi một điều giản dị như thế. Tôi phải kể lại từ đầu cho anh nghe một lần nữa: Tôi, tướng Grisha Costak và toàn thể anh em nơi đây, chúng tôi đã chiến đấu anh dũng cho đến lúc bị tụi Đức bắt cầm tù. Chúng tôi bị thương gần như đã chết trong một loạt trọng pháo địch, vì vậy tụi chúng mới bắt sống chúng tôi. Costak chỉ vết sẹo trên đầu, trên cổ, trên ngực ông ta, xong nói tiếp: - Lúc lính Đức tiến đến, chúng tôi đều bất tỉnh hết cả. Mà anh biết là lính Nga không được bị bắt làm tù binh. Chỉ có thắng hoặc chết chứ không được làm tù binh. Nhưng lúc đó chúng tôi bất tỉnh nên không thể tự vận được. Chương 193 của bộ hình luật Sô Viết và điều 270 của năm 1942 quy định rành rành là quân nhân nào bị bắt sống trong tay địch là một kẻ phản bội. Mà ai phản bội đều bị treo cổ. Đó là điều được ghi vào chương 14 của bộ luật nói về các tội phạm quân sự, ghi trong bách khoa từ điển Sô Viết số 289. Theo luật lệ và phong tục Sô Viết chúng tôi phải bị treo cổ. Nhưng chúng tôi đã chiến đấu trong bốn năm để quét sạch lũ phát xít Đức không phải là để bị treo cổ vào ngày chiến thắng quân Đức. Không phải chúng tôi giải phóng tổ quốc xong để bị treo cổ. Viện đại úy Hoa Kỳ đã bắt đầu nản chí. Ông ta lại nhìn đồng hồ, châm một điếu thuốc Lucky Strike: - Không phải tôi đến đây vì điều đó. Tôi có bốn phận trả các anh về cho Sô Viết. Và chỉ có thế thôi. - Anh không thể làm như thế. Anh có thể trả xác chết chúng tôi về cho Sô Viết thì được, nhưng phải giết chúng tôi trước đã. Tôi không nghĩ là người Mỹ muốn giết lính Nga đã chiến đấu bên cạnh trong suốt thời chiến? - Tôi không làm chính trị. Tôi phải dẫn các ông đến biên giới để giao cho Sô Viết như tôi đã nhận được lệnh như thế. Phần còn lại không liên quan gì đến tôi cả. Nếu các ông chống cự, buộc lòng chúng tôi phải dùng đến vũ lực. Một người lính Mỹ, mang nón M.P., găng tay trắng, giây lưng trắng, đùi cui trắng, đẩy nhẹ Costak và ra lệnh: - Đi thôi. - Hoa Kỳ không thể giết bạn đồng minh, hay là trời sẽ hại họ... - Đi thôi. Và Costak bị đẩy ra ngoài về phía căn lều của tù binh Nga sô.
III
Tướng Grisha Costak bị lính dẫn trở về lều. Lần điều đình sau cùng với vị chỉ huy người Mỹ thế là thất bại. Ông ta phanh ngực cởi áo. Ngực to như vị hộ pháp, hít đầy hơi vào như để thách thức với lưỡi lê. Bây giờ không còn là chuyện lưỡi lê nữa, mà là hàng trăm con mắt đang nhìn Costak hiên ngang giữa những quân cảnh Mỹ. Costak cười nói: - Hoa kỳ đã quyết định trả chúng ta về tay Sô Viết, tôi có ý bảo với họ rằng nếu tôi còn sống họ không thể làm điều đó được. Tôi sẽ kháng cự, và ai có muốn ở lại với tôi thì cứ việc. Chúng ta sẽ đóng chặt cửa lại. Và chúng ta sẽ kháng cự ở đây cũng như lúc chúng ta tranh đấu trong rừng của tổ quốc Nga sô chúng ta. Lần kháng cự này sẽ không mang lại ngày chiến thắng cho chúng ta mà là cái chết, nhưng trong chúng ta nào có ai sợ chết? Sân trại giam đã đầy lính Mỹ mặc quần dài bò sát người, áo mão súng ống đầy đủ. Costak chỉ vào họ: - Nếu ra trận, không bao giờ lũ con nít đó thắng ta nổi. Costak thở dài, ông ta hỏi thử có ai muốn đi không, nhưng không ai thèm trở về Sô Viết. Và đồng thanh quyết định chống cự đến cùng. Costak lấy làm hãnh diện và ra lệnh đóng chặt cửa. Xe tăng đã tiến vào sân. Máy phóng thanh gọi: - Xin các tù binh hãy ra sân điểm danh và bắt đầu đi. Costak giận dữ: - Tụi Mỹ vẫn còn chưa hiểu là chúng ta không chịu để họ mang đi. Tôi mới nói với họ cách đây vài phút là chúng ta không muốn rơi vào tay Sô Viết, nhưng tụi nó chẳng chịu hiểu gì ráo. Máy phóng thanh tiếp tục truyền lệnh. Một đại đội quân cảnh đã bao vây căn lều. Chưa bao giờ lính Mỹ tiến vào trại tù mà có mang khí giới, nhưng bây giờ họ muốn mang đầy đủ khí giới trước khi vào. Costak lên tận tầng lầu thứ năm, đứng ở cửa sổ. Viên sĩ quan phụ tá báo cáo tình hình ở trong sân như là ông ta vẫn có thói quen ở chiến trường: - Lính Mỹ gồm chừng hai đại đội. Vũ khí nhẹ, tự động, lựu đạn cầm tay, có súng sáu đàng hoàng. Hai trăm tù binh lắng nghe lính Mỹ phá cửa chính. Viên sĩ quan phụ tá tiếp tục báo cáo: - Lựu đạn cay ở từng dưới nhất. Không còn ai ở đó nữa. Rồi ông ta thò đầu ra cửa, có cảm tưởng như đang ở chiến trường nhìn lính Mỹ thận trọng tiến lên, Costak ra lệnh: - Tất cả lên hết từng chót. Nằm xuống nền nhà và đừng đến cửa sổ. Súng ống xe tăng của Mỹ hướng về căn lều, chờ lệnh phát hoả. Máy phát thanh vẫn yêu cầu tù binh bước xuống, nếu không lính Mỹ sẽ nổ súng. Costak hỏi lại một lần nữa ai muốn ra hàng, lệnh truyền miệng, nhưng chẳng ai nhúc nhích. Lính Mỹ tiến lên từng thứ nhất. Costak được thông báo chi tiết đầy đủ. Ông ta muốn châm một điếu thuốc, nhưng không ai còn lấy một điếu. Lính Mỹ đã bắt đầu dùng chất nổ phá từng dưới. Costak áp má xuống sàn nhà. Trên chiến trường Nga mỗi khi mất liên lạc với bộ chỉ huy Hồng quân, và mỗi khi phải tự mình quyết định một điều gì quan trọng, Costak thường áp tai xuống đất và nghe lòng đất ra lệnh. - Tôi rất sung sướng là không ai trong chúng ta muốn trở về, thà chết còn hơn. Nhưng tai hại là chúng ta không bị quân Đức giết mà lại bị bạn đồng minh giết chết sau ngày chiến thắng... Costak lại áp tai xuống sàn nhà, lính dưới quyền đã quen thuộc với thái độ của ông tướng vào những lúc chiến trường gặp hiểm nghèo, vì Costak vẫn thường nói: - Chúng ta tranh đấu dưới sự chỉ huy tối cao của đất mẹ, chúng ta phải biết nghe mệnh lệnh truyền đi từ lòng đất quê hương và phải thi hành đúng đắn mệnh lệnh đó. Vầng trán Costak nhăn lại buồn rầu: - Tai tôi không còn nghe gì nữa. Tiếng nói từ lòng đất Nga, từ vị chỉ huy tối cao của tổ quốc không thể truyền mệnh lệnh được nữa. Thay vào đó, người ta nghe tiếng súng nổ ở các từng dưới, tiếng nói ở máy phóng thanh và tiếng gầm thét của các chiếc xe tăng ở sân trại giam. Costak bảo: - Đất Nga xa quá, chúng ta không nhận được mệnh lệnh nữa rồi. Chỉ còn lại một mảnh đất xa lạ không bao giờ nhắc nhở đến những nông dân Nga sô cùng cuộc đấu tranh bảo vệ ruộng vườn của họ. Chỉ còn lại một mảnh đất không nói cùng một thứ tiếng với họ mà thôi. Và khi một người lính báo cáo là quân Mỹ đã lên từng thứ tư thì Costak bắt đầu đứng dậy, hỗn loạn cũng bắt đầu. Cửa hành lang từng thứ năm bị phá vỡ, vài người đã bị bắt. Viên sĩ quan phụ tá Costak báo cáo: - Chừng hai mươi bạn đã bị trùm mền dẫn xuống sân. Costak ra lệnh: - Tất cả đứng dậy. Họ chứng kiến bạn đồng hành bị trùm mền đi giữa hàng lưỡi lê và chất lên cam nhông, mặc dù bọn họ đã vùng vẫy để cố thoát ra. Costak bảo: - Việc đó không thể xảy ra cho chúng ta được. Nói thế xong, ông ta đứng thẳng trên bờ thành cửa sổ, nhìn lính Mỹ ở bên dưới và la to: - Bắn đi. Ông ta xé áo phanh ngực, chỉ chỗ cho lính Mỹ bắn vào. Thân hình to lớn chật cả khung cửa sổ đang làm bia cho khẩu súng ở bên dưới. - Nào, bắn đi, bắn vào tướng Costak đây. Tôi đã cùng quân nhân Nga sô giải phóng cho đất Nga khỏi tay quân thù, để cho nông dân kiếm ăn trên mảnh đất quê hương. Chứ chúng tôi không đánh giặc để thấy nông dân bị treo cổ vào ngày chiến thắng. Hỡi các bạn đồng minh Hoa Kỳ, hãy bắn chết tôi đi. Costak đấm vào ngực thình thịch. Quả đấm, có thể làm thủng một bức tường, không đủ sức để đâm thủng bộ ngực hộ pháp đó. Nhìn khí giới đang nhắm về phía mình, Costak hỏi: - Các anh muốn bắt sống tôi chăng? Tại sao không bắn đi? Không thể nào các anh bắt sống tôi được đâu. Costak nhìn xuống đất đầy cả dấu chân tù binh. Ông ta muốn nhảy qua cửa sổ xuống đất, nhưng chết như thế dễ quá, bao nhiêu cặp mắt thuộc hạ đang lo lắng nhìn ông. - Xé bỏ hết áo quần đi. Vừa ra lệnh Costak vừa xé bỏ áo quần, dùng răng cắn ra từng mảnh. Lính tráng cũng làm theo, giận dữ như muốn cắn nát kẻ thù. Trong khoảnh khắc, lính của tướng Costak đều trần truồng, để lộ những thân hình lông lá, như những chiếc xe tăng có đầy đủ khí giới, họ nắm tay, nghiến răng kèn kẹt. Costak giải thích: - Để cho họ giao trả chúng ta về Sô Viết hoàn toàn trần trụi. Để cho sự ô nhục của người Hoa Kỳ được trọn vẹn. Đã đến gần sát, lính Mỹ chỉ việc ném lựu đạn cay mà không bắn vào người nào. Họ muốn bắt sống tốt hơn. Nhưng nhóm người trần truồng đó vẫn cố tạo những chướng ngại vật. Và theo lệnh của Costak, họ leo hết lên mái nhà. Đèn pha chiếu sáng lên đó, trông họ như những tượng đồng ngày đại lễ. - Đốt. Costak ra lệnh. Mảnh áo, mảnh vải thi nhau cháy. Ngọn lửa lan nhanh từ mái nhà. Lính Mỹ nghẹt thở vì khói phải rút lui. Nhưng sau khi mang mặt nạ vào họ lại leo lên. - Ai không bị cháy phải cắt mạch máu để đừng bị bắt sống, trong tay bạn đồng minh. Hỡi các bạn anh hùng, tướng Costak, vị chỉ huy của những khu rừng Nga sô đang cắt mạch máu để vĩnh biệt các bạn. Costak cầm chặt lưỡi dao cạo có để chữ «Made in USA» và cắt mạnh vào mạch máu ở tay trái. Máu chảy như suối, chảy giữa lửa và khói. Nhiều người khác làm theo, máu hòa lẫn trong đám cháy, thân thể bắt đầu bị thiêu sống, tường sập, thịt bị nướng chín, máu, lửa, thịt chan hòa. Niềm luyến tiếc lớn lao của tướng Costak là phải chết trước khi nhìn thấy bạn đồng đội cùng mảnh đất Ukraine. Dù đã ở cạnh nhau nhưng trong cơn hấp hối họ không thể nhìn ra nhau giữa đám khói mịt mù. Ánh mắt họ giao nhau qua máu lửa, qua bóng đêm, như những lưỡi gươm chéo nhau vì một lời thề. Thân thể bị thiêu sống, trần truồng, họ không còn nhận ra nhau. Chỉ có Chúa mới thấy họ nổi. Viên sĩ quan chỉ huy trại giam đứng nhìn căn lều bốc cháy vừa suýt soa: - Những người lính du kích đó thật kỳ dị. Họ không thể nào hiểu là có một hiệp ước về điều nầy. Và tôi chỉ thi hành phận sự. Tôi đã giải thích cho họ nghe là chính phủ Hoa Kỳ đã ký hiệp ước với Sô Viết sau ngày chiến thắng. Vậy thì phản kháng lại chỉ là điều ngu xuẩn khi đã có sự ký kết giữa hai chính phủ.IV
Marie thức dậy muộn ngày hôm sau, vì đêm trước nàng chỉ ngủ đôi chút sau khi đám cháy đã được dập tắt và xe tăng có gắn máy phóng thanh bỏ đi nơi khác. Lính Mỹ làm việc suốt đêm, nên hôm sau mọi việc đều yên ổn, dù mùi thịt cháy vẫn còn phảng phất trong không khí và dính vào tóc, vào áo những kẻ tị nạn. Ante Petrovici hỏi: - Có phải đây là đêm đầu tiên bà ngủ ở phương Tây không? Nếu vậy bà đã thấy một cảnh thật ngoạn mục. - Thế người ta có cứu các tù nhân đó không? - Có thể có một vài người được cứu sống. Lúc nửa khuya, lính Mỹ đem các máy cứu hỏa khổng lồ. Mỹ thì lúc nào cũng có máy móc vĩ đại. Tù nhân nào chưa bị chết cháy sẽ bị làm... tù nhân lần thứ hai. Họ sẽ được gởi đến bịnh viện để săn sóc các vết bỏng. Sau khi đã lành lặn họ lại bị trả về Sô Viết để bị treo cổ. Người Hoa Kỳ văn minh lắm, họ không để cho Sô Viết treo cổ những người bị thương. Trước đó, họ phải trị các vết thương bằng Pénicilline, cái gì người Mỹ cũng trị bằng Pénicilline hết thảy. Sau đó họ trả tù nhân cho Sô Viết để người Nga treo cổ. Đó là cảnh tượng xảy ra hằng ngày. Hàng ngàn công nhân Nga bị giao cho Sô Viết như thế để bị treo cổ. Một vài người trốn thoát, chạy qua Tây phương. Người Mỹ bắt họ lại lần thứ hai, lần thứ ba, cho đến lúc nào họ không còn trở lại được nữa. Marie nghĩ đến những người bị thiêu sống, nàng bật khóc. Ante Petrovici kể thêm: - Thiêu người sống không phải là chuyện mới mẻ gì cả. Trước khi bị suy tàn, xã hội nào cũng bắt đầu bằng cách đốt người, vào thời kỳ Trung cổ, Đại học đường ở Coimbre cũng thỉnh thoảng thiêu sống một người để tránh nạn động đất. Sau khi chấp nhận thủ tục đó, xã hội Trung cổ sụp đổ. Đức quốc xã cũng thiêu sống Do Thái trong các lò sát sinh để tạo lập một trật tự mới trên thế giới. Vợ tôi cũng bị thiêu sống trong các lò đó. Tức khắc chế độ quốc xã sụp đổ. Lúc mà một xã hội đốt cháy người sống để duy trì trật tự, thì sự suy tàn bắt đầu, bởi đó là dấu hiệu sau cùng, tiếng hát báo hiệu. Đêm nay, những kẻ dân chủ quá khích đã đốt tù binh ở căn lều trước mặt để duy trì liên hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Sô Viết. Một công chức bước vào phòng đưa cà phê và bánh mì cho những kẻ tị nạn, sau đó bắt đầu ghi tên từng người. Họ được chia làm hai loại, loại được Hoa Kỳ che chở và loại không, tùy theo quốc tịch của họ. Loại thứ nhất được cho lên xe cam nhông. Marie, Pillat thuộc loại thứ hai phải đi bộ. Marie sưng chân vì đi nhiều quá. Ante Petrovici bước lên xe còn quay lại nói: - Tôi sẽ ở Stuttgart, trong trại những kẻ tị nạn. Nhớ đến thăm tôi nghe. Ông ta muốn nhường chỗ cho Marie, nhưng không được, vì nàng thuộc về loại người phải đi bộ. Họ từ giã nhau lúc xe chạy xa, bàn tay của họ như là đang hướng về căn lều mà tù nhân bị đốt cháy ngày hôm qua để bảo đảm cho sự liên hệ bền chặt giữa Sô Viết và Hoa Kỳ. Pillat lên tiếng: - Đây là ngày tự do thứ nhất của chúng ta. Đối với hàng triệu người sống dưới chế độ Sô Viết, Tây phương tưởng trưng cho cơ hội thóat ly thứ hai, vì đó là mảnh đất tị nạn. Hảy cảm ơn trời đất đã cho chúng ta vận hội nầy, vạn hội ở đất Tây phương này.