Gần Tết, Tuấn-em xin mẹ một đồng bạc, góp với học trò trong lớp mua các món lễ vật để "Tết" thầy lớp Năm. Lớp nào và trường nào học trò cũng tự động làm việc ấy, để tỏ lòng biết ơn thầy dạy dỗ. Chính cha mẹ học trò cũng rất sốt sắng về việc ấy nữa. Thầy giáo lúc bấy giờ được học sinh kính mến và trọng vọng lắm. Vì học giỏi nhất lớp, lại hạnh kiểm tốt, nên Tuấn được bạn bè trao tiền nhờ mẹ mua các đồ vật tết thầy: một quả nếp, hai chai rượu, một cân đường bông, và một cân đường phèn. Mấy lớp lớn ( lớp Ba, lớp Nhì, lớp Nhất ), học trò còn đọc "đít cua" để "mừng tuổi" thầy giáo. Học trò lớp Năm còn nhỏ tuổi quá, chưa làm đước "đít cua", nhưng cha mẹ cũng dạy cho một vài câu lễ phép mà các em học thuộc lòng ở nhà rồi đến đọc cho thầy nghe. Chiều 27 hay 28 tháng chạp, thầy giáo vừa ăn cơm xong, thấy cả lớp học trò của mình toàn tụi con nít 9, 10 tuổi, mặc áo đen dài, quần trắng, đi chưn không, rụt rè tiến vô nhà. Mấy em đi đầu bưng mấy quả "lễ vật" tức là quà Tết, cung kính đặt giữa bàn nơi thầy ngồi uống nước trà. Tất cả đều khúm núm, sợ sệt. Thầy giáo đang mặc áo cụt, cũng vội vàng vào buồng mặc áo xuyến dài ra tiếp học trò. Các em đứng vòng tay rất lễ phép, rồi một đứa được các em đề cử trước - chính là Tuấn-em - cúi đầu xá thầy ba xá, bập bẹ nói một câu mà em đã được cha mẹ ở nhà dạy học thuộc lòng: - Dạ bẩm Thầy, năm hết Tết đến, chúng con xin kính lời mừng tuổi Thầy Cô cùng quý quyến và chúng em kính chúc Thầy Cô sang Năm Mới được Phật Trời phò hộ an khương. Tuấn nói trôi chảy gọn gàng không vấp một chữ, xong cúi đầu xá thầy ba xá. Toàn thể các em đều cung kính cúi đầu xá thầy ba xá. Thầy giáo ngồi bàn, rưng rưng nước mắt. Thầy cảm động quá không nói sao được, liền đưa tay kéo Tuấn vào lòng thầy và kéo hết cả ba chục em vào đứng lại hết cạnh thầy. Thầy lấy tay âu yếm vuốt đầu tóc các em. Thầy giáo hồi xưa nghèo lắm. Lương tháng chỉ được 5 đồng bạc chứ đâu có nhiều. Thầy không có gì đãi các em, chỉ bưng trên bàn thờ xuống một quả bánh in của cô giáo vừa làm để cúng. Thầy gọi cô lấy thêm ra ít bánh cúng cho đủ 30 cái bánh để làm quà cho 30 em học trò. Mỗi em đưa hai bàn tay non nớt ra lễ phép nhận lãnh quà của thầy. Nhưng tội nghiệp không em nào ăn cả, bỏ túi để đem về khoe với cha mẹ. Các em học trò năm 1920 đã biết quí cái bánh của thầy giáo cho Tết, không phải bởi nó là cái bánh, mà bởi nó là món quà Tết của thầy. Thầy nói mấy lời cảm ơn các em, cảm ơn cha mẹ các em, và gởi lời về "mừng tuổi" các bậc cha mẹ. Cô giáo cũng vui vẻ tươi cười, âu yêm hỏi chuyện từng em. Cũng buổi tối ấy, học trò lớp nào cũng đi Tết thầy giáo của mình. Riêng ở lớp Nhất, trò Hường được toàn thể các bạn cùng lớp cử ra đọc bài "đít cua" bằng chữ Pháp để chúc mừng thầy. Bài tự trò làm lấy, vì trò giỏi chữ Pháp nhất lớp. Trò đã làm xong trước đó mười ngày, và chuyền tay nhau cả lớp cùng xem. Xong, trò Liên, con thầy Thông Lễ làm y tá ở tỉnh, nhờ cha đem vào nhà thương đánh máy giùm trên một tờ giấy thật trắng. Trò Quít, đứng đầu về môn vẽ, được các bạn giao cho công việc vẽ một bó hoa thật đẹp, đủ màu, trên đầu tờ "đít cua". Tối hôm ấy, cơm nước xong, vào khoảng 7 giờ, 40 học trò lớp Nhất quần áo tề chỉnh, tụ họp tại nhà cậu Hường. Nơi đây, với tiền đóng góp của tất cả lớp, mẹ cậu Hường đã mua sẵn các món lễ vật đựng trong 5 quả lớn. Năm cậu tình nguyện bưng 5 quả, rồi tất cả cùng đi đến nhà thầy ở một đường hẻm tối om trong thành. Chó sủa vang dậy cả xóm. Thầy giáo lớp Nhất đang nằm võng ru con ngủ, nghiêng mình ngó ra sân thấy lố nhố những bóng đen. Cô giáo cầm chiếc đèn Huê-kỳ đứng cửa rọi ra, quay vào nói với chồng "Học Trò!". Cô ôm con ra để cho Thầy được rảnh. Thầy vào nhà trong, mặc áo lương dài kết nút xương, ra ngồi ghế tràng kỷ để tiếp học trò của thầy. Sau khi 5 cậu đặt 5 quả lễ vật trên bàn, ai nấy đều im lặng vòng tay đứng sau Hường. Cậu Hường cầm tờ giấy đánh máy có vẽ bó hoa vạn thọ, xá thầy ba xá, rồi cung kính đọc. Giọng cậu run run như sợ sệt. Xin chép nguyên văn một bài Pháp-ngữ của học trò lớp Nhất tự làm ra để chúc mừng năm mới thầy giáo, ngày Tết năm 1921: ( tài liệu của ông Trần văn Tính, thân phụ một học sinh trường Pháp-Việt, năm 1921) Monsieur et Cher Maître, A l'occasion du Nouvel An qui va venir, nous, vos petits élèves respectueux et obéissants, avons l'honneur de vous adresser, ainsi qu'à votre honorable famille, nos voeux les plus fervents de Bonheur, de Richesse et de Longévité. Monsieur et Cher Maître, Vos bienfaits sont comparables à la montagne Thái Sơn, vos Vertus sont immenses comme la Mer de l'Est. Vous êtes au-dessous du Roi mais au-dessus de nos parents que nous aimons et respectons également. C'est pourquoi nous ne pouvons pas vous exprimer toute l'instruction que vous nous donnez. Nous vous prions de vouloir bien pardonner notre langage maladroit. Mais notre respect est grand à votre égard, notre gratitude est profonde. Dans notre vie nous ne pourrons jamais oublier notre Maître bien-aimé. Veuillez agréer, Monsieur et Cher Maître, l'expression de notre très humble reconnaissance. Vos élèves très dévoués du Cours Supérieur. Tết, 1921. Lời văn quả thật còn ngây ngô, nhung cách đặt câu đã khá vững, văn phạm đã đúng đắn, diễn tả không đến nổi vụng về lắm. Xin dịch nguyên văn. Thưa thầy kính yêu, Nhân dịp năm mới sắp đến, chúng con, bọn học trò của Thầy, cung kính và biết nghe lời, hân hạnh dâng lên Thầy cùng tôn quyến, những lời nồng nhiệt kính chúc Thầy: Phước, Lộc, Thọ. Thưa thầy kính yêu, Ơn của Thầy như núi Thái Sơn, đức của Thầy rộng mênh mông như biển Đông. Thầy ở bậc dưới Vua, nhưng ở bậc trên cha mẹ chúng con, mà chúng con cũng yêu kính vậy. Cho nên chúng con không thể nào diễn tả hết được tất cả những sự biết ơn mà chúng con cảm từ trong đáy lòng vì nền giáo dục mà Thầy đã ban cho chúng con. Chúng con xin thầy tha thứ cho lời vụng về. Nhưng sự kính trọng của chúng con rất là sâu xa. Trong đời chúng con sẽ không thể nào quên được bậc Hiền sư yêu dấu. Kính xin Thầy nhận nơi đây lòng tri-ân hèn mọn của chúng con. Học trò rất tận tâm trung thành với Thầy ở lớp Nhất. Tết 1921