Phan Châu Trinh mừng rơi nước mắt. Những ngày gần đây, ông đợi chờ từng ngày và ngày ấy đã đến. Nguyễn An Ninh đã đứng sừng sững trước mắt ông.- Cậu ốm quá.Nguyễn An Ninh cũng nói trong tiếng khóc. Khi bước xuống tàu, trên đường, Nguyễn An Ninh ghé lại tòa soạn báo Le Paria thăm Nguyễn Thế Truyền nhưng không gặp, liền về nhà và không ngờ Phan Châu Trinh ốm đến mức ấy. Trước đây, ở bên nhà cũng biết Phan Châu Trinh nằm nhà thương, song Nguyễn An Ninh không hình dung được một Phan Châu Trinh ốm yếu như thế này.- Gặp được con, cậu khoẻ ngay ấy mà.Vừa nói, Phan Châu Trinh vừa nhanh tay dọn dẹp những bừa bộn trong căn phòng như muốn chứng minh cho Nguyễn An Ninh thấy mình còn mạnh. Nguyễn An Ninh giữ tay ông lại.- Cậu ngồi nghỉ để con dẹp cho. Thời gian này, con sẽ bồi dưỡng cho cậu cật lực để cậu đủ sức khoẻ về quê nhà giúp con.- Yên tâm. Cậu có kế hoạch cả rồi, chỉ cần biết cụ thể kế hoạch sắp tới của con là cậu xáp vô thôi.Nguyễn An Ninh sung sướng nói:- Chuyện ấy cứ thong thả. Trước mắt, cậu phải ăn uống, luyện tập và thuốc men cho tốt. Tiền bạc cậu khỏi phải lo, gia đình con đã tính toán cả rồi.Nguyễn An Ninh cho ông biết đã cưới vợ lại rồi. Người vợ mới lần này đẹp người đẹp nết. Tuy làm nghề thợ may, nhưng không mong chồng làm quan để một bước lên bà, chỉ cần chồng làm những việc gì chồng thấy đúng, không đi ngược lại đạo nghĩa ở đời…Phan Châu Trinh yên lặng ngồi nghe Nguyễn An Ninh kể chuyện nhà, lâu lâu gục gật đầu ra chiều tâm đắc.Mấy ngày sau, Nguyễn Thế Truyền đến thăm, báo cho Nguyễn An Ninh biết, Nguyễn Ái Quốc có liên hệ đều đặn khi còn ở Nga, nhưng từ khi Nguyễn Ái Quốc báo cho biết chuẩn bị sang Quảng Châu thì tin tức cũng thưa dần và hiện nay thì… tắt luôn. Nguyễn Thế Truyền rất lo lắng không giữ được lời hứa với Nguyễn Ái Quốc duy trì tờ Le Paria. Phan Châu Trinh không đợi Nguyễn Thế Truyền kêu khổ, liền tiếp lời nói cho Nguyễn An Ninh biết Nguyễn Thế Truyền đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính để duy trì tờ Le Paria. Hiện, Nguyễn Thế Truyền phải gắng lắm mới gánh nổi gia đình một vợ hai con sinh hoạt vào hạng trung lưu. Nội bộ trong Ban chấp hành Hội Liên hiệp Thuộc địa cũng có nhiều bất đồng, thành thử không mấy ai lo cho tờ Le Paria. Ngày Nguyễn Ái Quốc còn ở Pháp thì việc vận động ủng hộ tờ Le Paria chủ yếu dựa vào đồng bào Annam đang làm ăn, sinh sống ở Pháp và một số ít bạn bè các nước, song hiện thời thì nguồn ủng hộ ấy cũng cạn dần, bởi bài vở không đáp ứng được cái cần của người đọc. Chính ông cũng đã không ít lần vận động trong bà con qua những buổi diễn thuyết, nhưng chẳng ăn thua chi.Nguyễn An Ninh nói:- Ở đây, cậu tôi và anh em đọc tờ La Cloche Fêlée của tôi cũng đã biết khó khăn chẳng kém gì, nhưng cũng may là gia đình, bà con, anh em nhiệt tình giúp đỡ, chứ chẳng giỏi dang lắm đâu. Nói thiệt, anh duy trì được tờ La Paria như hôm nay là giỏi hơn Ninh này nhiều. Tôi nghĩ, tờ Le Paria là tâm huyết của anh Quốc, chúng ta cố gắng duy trì tới khi nào không thể duy trì được nữa thì thôi. Anh Quốc chắc cũng hiểu điều đó.Nói là làm. Nguyễn An Ninh lấy tập bản thảo được viết cẩn thận trong va-li ra, cầm hai tay đưa cho Phan Châu Trinh.- Cậu coi giúp lại bản thảo này cho con lần chót rồi giao cho anh Truyền tổ chức in ấn, phát hành. Tiền con đem qua đây cũng khá. Con chỉ để lại đủ cho cậu và con ăn uống, bồi dưỡng sức khoẻ cho cậu và hai vé tàu thủy về nước, còn bao nhiêu con sẽ giao hết cho anh Truyền lo cho tờ Le Paria. Đặt chân lên cảng Sài Gòn là chúng ta chẳng có chi phải lo.Nguyễn Thế Truyền liếc nhìn cái tựa trên bìa bản thảo, vui vẻ nói ngay:- "Nước Pháp ở Đông Dương”, tôi tin có vấn đề. Trước mắt, anh để tôi đăng lai rai trong thời gian chưa phát hành.Phan Châu Trinh nói:- Em nó đã nói giao hết quyền cho anh thì anh cứ việc sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Nhưng theo tôi, sau khi tôi đọc xong, anh nên cho in khoảng vài ngàn bản. Chúng tôi chỉ giữ chừng hơn trăm bản, bí mật đưa về phổ biến trong nước. Tiền bán sách và số tiền dôi dư, anh cứ giữ mà lo cho tờ Le Paria.Phan Châu Trinh quay sang Nguyễn An Ninh, nói tiếp:- Cậu tin quyển này con viết được và cũng biết con viết những gì…Nguyễn Thế Truyền phấn khởi nói vui:- Cụ phó bảng giống như người xưa ngửi mùi binh đao biết là Tam Quốc chí, ngửi mùi son phấn biết là Hồng lâu mộng…Phan Châu Trinh cũng thấy mình như trẻ lại, nói:- Sống tới tuổi tôi, anh sẽ biết. Gần mấy anh, chơi với mấy anh mà không không biết tâm tính các anh thì tôi đâu có còn là tôi. – Phan Châu Trinh nhịp nhịp tập bản thảo, nói tiếp: - Mấy anh em ở tạp chí Europe hay hỏi thăm con hoài. Con nên sắp xếp thời gian đến thăm và nhờ họ đăng tải nội dung này. Thời buổi bây giờ, mình không biết lợi dụng diễn đàn công khai để truyền bá, tuyên bố tư tưởng, ý nguyện của mình là thất sách.Nguyễn Thế Truyền vui như chưa có lúc nào vui bằng, ở lại với Phan Châu Trinh và Nguyễn An Ninh mấy ngày liền để bàn bạc việc in ấn, phát hành quyển "Nước Pháp ở Đông Dương", việc nhờ anh em thủy thủ chuyển sách về nước, việc vực dậy tờ Le Paria… và thực hiện kế hoạch đưa Phan Châu Trinh đi nhiều nơi để cám ơn một số quan chức cao cấp của Pháp, gặp gỡ sinh viên Annam và bà con An nam cùng bạn bè Pháp để chia tay, kể cả những việc sắp tới ở quê nhà khi Phan Châu Trinh đặt chân lên cảng Sài Gòn…Những ngày còn lại trên đất Pháp, Phan Châu Trinh thấy người khoẻ hẳn, một phần vì khí trời đã ấm áp trở lại, một phần là biết chắc mình sắp được trở về quê nhà. Theo kế hoạch, Nguyễn An Ninh đưa ông đi hết nơi này đến nơi khác. Buổi họp chia tay nào, anh em yêu cầu diễn thuyết thì Phan Châu Trinh sẵn lòng, nhưng phần cuối bao giờ ông cũng giới thiệu Nguyễn An Ninh nói chuyện, chủ yếu là lên án hành dộng khủng bố tờ báo La Cloche Fêlée do Nguyễn An Ninh sáng lập.Cứ sau mỗi lần đăng đàn, Phan Châu Trinh đều chỉ ra những ưu, khuyết điểm của Nguyễn An Ninh khi nói trước đám đông và chỉ cách khắc phục. Lần nói chuyện cuối cùng trên đất Pháp là tại hội quán "Sociétés Savantes" Paris, Phan Châu Trinh ngồi nghe Nguyễn An Ninh nói chuyện mà nước mắt cứ trào ra. Hình ảnh Nguyễn An Ninh trước mắt Phan Châu Trinh cứ nhập nhòa, nhập nhòa và trong trí ông cứ nghĩ đó là Phan Châu Dật."Tờ báo mà tôi sáng lập ở Sài Gòn luôn bị cấm đoán, họ tìm cách buộc tội nó, họ buộc tội cộng sản, những ai chống lại họ đều là cộng sản. Đó là một sai lầm lớn. Tôi không phải là cộng sản, không xuất thân từ giai cấp vô sản nhưng tôi tán thành những nguyên lý cộng sản. Bởi vì nếu đảng cộng sản lên cầm quyền ở Đông Dương thì đó là sự mở đầu cho Đông Dương được tự do hoàn toàn. Lúc đó sẽ loại bỏ được tất cả bọn tư bản đang bóc lột và làm kiệt quệ nước này".Phan Châu Trinh vỗ tay, mọi người vỗ tay theo làm cho Nguyễn An Ninh phấn khích, nói tiếp:"Cách mạng sẽ nổ ra ở Đông Dương trong vài năm tới nếu không thay đổi thể chế hiện tại".Nhìn lướt qua đám thính giả một lượt, Nguyễn An Ninh lên giọng kêu gọi:"Sinh viên hãy hành động cho nền độc lập của Đông Dương. Phải có tự do báo chí hoàn toàn, quyền tự do đó sẽ được thực hiện bằng mọi cách, kể cả bằng bạo lực" (1).Về đến nhà, Phan Châu Trinh khen Nguyễn An Ninh nói hay, nhưng cho rằng, nói "bọn tư sản bóc lột và làm kiệt quệ đất nước" là chưa đúng lắm. Theo Phan Châu Trinh, Annam chưa có tầng lớp tư sản, nên phải nói "bọn thực dân cai trị cùng bọn vua quan sâu mọt bóc lột và làm kiệt quệ đất nước" thì chính xác hơn. Nguyễn An Ninh cũng thừa nhận khi đó những kiến thức từ sách vở lấn át kiến thức thực tế từ cuộc sống.Thấy Phan Châu Trinh trầm tư, Nguyễn An Ninh lo không biết mình đã sai chuyện gì, định hỏi thì Phan Châu Trinh nói:- Qua những buổi nói chuyện ở đây thì con sẽ gặp không ít khó khăn về buổi nói chuyện này. Cậu tin buổi nói chuyện hôm nay, bọn cầm quyền ở quê nhà sẽ được báo cáo đầy đủ. Do vậy, khi về quê nhà làm việc chi con cũng phải cẩn thận hơn.Nguyễn An Ninh thấy cái lo của Phan Châu Trinh không thừa, bèn nhỏ nhẹ thưa:- Cậu yên tâm, con sẽ chú ý.Khi đã lên giường, Phan Châu Trinh còn nói thêm:- Ai đã chọn con đường này thì phải chấp nhận chuyện bắt bớ, tù đày, kể cả cái chết. Nhưng nếu rủi thời bị bắt, bị tù, bị chết thì ta phải làm cái gì đó cho đáng, chứ không nên vì một vài câu nói không giết được ai và chẳng giúp được ai. Ăn miếng cho ngon, chịu đòn cho sướng chứ không nên vì bốc đồng nhất thời. Tuổi trẻ mấy con hay mắc phải ba chuyện bốc đồng chẳng đáng có ấy.Chú thích:(1) Nguyễn Thị Minh, Nguyễn An Ninh – "Tôi chỉ làm cơn gió thổi", Nxb Trẻ, TPHCM, 2001, trg 89-90.