1- Không tổ chức, bất công Khi 274 trung thần nghĩa sĩ tòng vong cùng nhảy xuống biển theo Quảng Vương và Lục Tú Phu ( 1279 ) thì người Hán mất tổ quốc và họ chìm đắm trong cảnh nô lệ tủi nhục dưới cái ách của Mông Cổ. Đó là số phận của hầu hết các dân tộc văn minh sống bên một dã man. Càng văn minh thì càng trọng văn hóa hơn võ bị, mà dã man thì ngược lại. Mông Cổ chỉ muốn diệt dân tộc Trung Hoa, nhưng diệt không được vì họ đông quá: 50, 60 triệu người, mà số Mông Cổ có thể đưa qua Trung Hoa chỉ được một triệu ( 1). Không diệt được thì chỉ còn cách coi Trung Hoa là một thuộc địa để khai thác Chính sách siêu quốc giới tôi đã nói ở trên có lợi về văn hóa cho cả Trung Hoa lẫn các nước khác ( Trung Á, Tây Á, Châu Âu). Nhưng về phương diện xã hội thì nó rất có hại cho Trung Hoa. Nó làm cho xã hội Trung Hoa có nguy cơ tan rã. Hốt Tất Liệt có chủ trương gì rõ rệt đối với Trung Hoa không? Ông không muốn cho đồng bào của ông Hán hóa, vì như vậy chẳng bao lâu dân tộc dân tộc Mông Cổ sẽ bị dân tộc Hán nuốt mất. Ông có muốn cho người Hán Mông hóa không? Chắc cũng không vì ông biết rằng công việc đó không thể thực hành được: Phải diệt một nền văn minh rực rỡ đã có trên 2.000 năm, bắt người Hán bỏ ngôn ngữ, văn tự của họ mà học tiếng Mông Cổ, phá hết ruộng lúa biến thành đồng cỏ! Con đường thứ ba là dung hòa thì chắc ông không nghĩ tới; vả lại cũng không có con đường đó. Chính sách siêu quốc giới chẳng phải là chính sách riêng của ông, mà của chung các đại hãn khác từ Đông qua Tây. Nó có lợi cho sự cai trị các thuộc địa, mà có hại cho dân bị trị, tức cho đế quốc của Nguyên. Xã hội Trung Hoa đời Nguyên thực tạp loạn. Biết bao nhiêu giống người, không kể những người từ Tây Á, châu Âu qua, riêng những người gọi là sắc mục ( ở Trung Á) có tới 5-6 giống là ít, và số người chắc đông lắm, nửa triệu? Một hai triệu? Vì gồm cả những người Liêu và Kim đã làm chủ một phần phía bắc Trung Hoa, bị Mông Cổ dẹp nhưng chịu phục tòng Mông Cổ mà xin ở lại Trung Hoa. Riêng người Trung Hoa cũng phân biệt Hán ở Bắc và ở Nam. Pháp sau này coi Nam Kỳ của ta là thuộc địa được dễ thở hơn Bắc và Trung cũng là dùng chính sách đó. Trong xã hội đó có tới mười giai cấp như trên đã nói. Sự sắp đặt thứ tự các giai cấp như trên đã nói. Sự sắp đặt thứ tự giai cấp trái ngược với truyền thống văn minh Trung Hoa. Trung Hoa trọng sĩ rồi tới nông, ức công và thương. Mông Cổ khinh miệt sĩ, sắp vào hàng thứ chín, trên kẻ ăn mày, không nói đến nông; mà dân Trung Hoa theo nông nghiệp thời đó có thể 95% làm nghề nông! Chính Mông Cổ và sắc mục cũng phải sống nhờ sức lao động của nông dân Trung Hoa. Mông Cổ chỉ trọng thương nhân, công nhân, nghĩa là chỉ thích vơ vét, làm giàu, mà thương nhân cũng không thấy trong bảng giai cấp đó. Lại thêm thiếu một giai cấp: Nô lệ. Các tù binh Trung Hoa, bọn nông dân bị cướp đất, vô gia cư, vô nghề nghiệp đều bị Mông Cổ bắt làm nô lệ, phân phát cho các quan lớn nhỏ Mông Cổ hoặc sắc mục. Trong khỏang 40 năm đầu, nhà Nguyên không dùng Nho học để tuyển nhân tài, từ đời Nhân Tôn mới cho người Hán, rồi người Hoa Nam được ứng thí. Trong số người được bổ dụng 4 phần 5 là người Mông và Sắc mục, chỉ có 1 phần 5 là người Trung Hoa. Chế độ chính trị, từ tổ chức chính quyền tới võ bị, thuế khóa... đều theo Trung Hoa, đáng lý thì phải dùng văn tự Trung Hoa làm chính, dùng nhiều quan lại Trung Hoa, mà ngược lại, số quan lại trung Hoa rất ít, còn văn tự thì không thống nhất. Mông Cổ vốn không có văn tự, khi chiếm được Ủy Ngô Nhi ( Uighur) thì dùng văn tự của của Ủy Ngô Nhi; chiếm được Trung Hoa, dùng văn tự của Trung Hoa, của Ủy Ngô Nhiu, cả của Hồ nữa. Sau nhờ một vị Lạt Ma ( tu sĩ) Tây Tạng là Bát Tu Ba đặt cho một thứ chữ riêng ( dùng trên 20 mẫu tự để ghi thanh). vua Nguyên bắt dân chúng dùng nhưng hình như thất bại, ít người theo. Không có một văn tự thống nhất, sự trị nước tất khó khăn, xã hội tất rời rạc. - Lại thêm thiếu một tín ngưỡng chính Mông Cổ vốn không có tín ngưỡng, chiếm được nước nào thì theo tín ngưỡng nước đó Họ theo nhiều nhất đạo Lạt Ma ( một phái Phật Giáo ở Tây Tạng, thờ Phật sống), đạo Hồi, nhưng cũng có người theo Ki Tô Giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo ở Trung Hoa, họ không ưa ( có lẽ vì cao siêu quá đối với họ), có khi bị họ làm khó nữa. Còn Nho Giáo thì chỉ được một số nhỏ theo thôi. Lạ nhất là Hốt Tất Liệt ngay từ đầu đã dùng chế độ chính trị ( tổ chức triều đình, lễ nghi, cả miếu hiệu, niên hiệu...) của Trung Hoa, cũng tế trời đất, thờ thượng đế, thờ tổ tiên, tức theo đúng đạo Nho, mà lại miệt thị nhà Nho, thật là mâu thuẫn. Ông ta quả không có chính sách, chủ trương gì cả. - Họ chỉ theo hình thức của đạo Nho thôi, còn cái tinh thần của Khổng Mạnh( trọng ý muốn của dân, can thiệp vừa phải vào đời sống của dân...) thì họ không theo. Sự thực họ coi người Trung Hoa không phải là dân của họ mà chỉ là một dân của họ mà chỉ là một bầy nô lệ. Lữ Chấn Đạc ( Giản Minh Trung Quốc thông sử) trích rất nhiều đoạn trong Nguyên Sử, tân Nguyên sử về chính sách tàn bạo của Mông Cổ, tôi chỉ lựa một số để độc giả thấy nhiều biện pháp của họ sao mà y hệt những biện pháp của một số dân tộc cực văn minh da trắng và da vàng ở thời đại chúng ta đến thế. Họ: - Cấm người Hán ( phương Bắc ) không được giữ vũ khí và ngựa, những thứ đó bị tịch thu hết. Ở Hoa Nam, còn gắt hơn nữa: năm nhà mới được có một con dao cắt thịt để dùng chung. Lệnh này bốn chục năm trước tôi cứ tưởng là chỉ có người Nhật mới nghĩ ra được để áp dụng với dân Mãn Châu, nay thì tôi ngờ rằng họ đã thuộc lịch sữ Mông Cổ ( nhà Nguyên) - 50 nhà hợp thành một xã, có xã trưởng kiểm soát, ghi tên những kẻ trong xã du thủ, không làm ăn gì cả hoặc không tuân lệnh cha mẹ, để khi nào quan " đề hiểm " Mông Cổ tới xét thì khai báo. - Xã trưởng cũng phải ghi tên những kẻ hung ác vô đạo lên cửa nhà chúng ở. - Hể tụ tập kết xã thì bị tội, c đọc cấm thư phúng thích y triều đình thì bị tội đồ ( đày đi xa) - Bài văn, bài từ hoặc khúc ( tuồng) nào có lời phạm thượng thì tác giả bị tử hình. - Người Mông Cổ và người Sắc mục thường bắt cóc trai gái Hán đem bán nước ngoài ( nay chúng ta gọi là xuất khẩu người) mà không bị cấm. - Họ và bọn tăng đạo ( nói chung là bọn theo các tôn giáo) thường cướp ruộng đất của dân mà không bị cấm. - Mông Cổ và Sắc mục không được Hán hóa, không được thông hôn với Hán, mô phỏng tục Hán. 2. Kinh tế tệ bại Đầu thời Hốt Tiết Liệt, kinh tế kha khá được một chút nhờ hết chiến tranh, chủ điền Trung Hoa ở miền Nam không bị tịch thu đất đai, lại khai thác được, và nhờ ngoại thương với các nước Trung Á. Nhưng Trung Hoa vốn là nước nông nghiệp, kinh tế phát đạt hay không là nhờ sức loa động của nông dân, mà nông dân bị ngược đãi, bóc lột- quá nên nghề nông suy mà kinh tế phải lụn bại. Mông Cổ và sắc mục ai cũng có thể cướp đất của nông dân được. Triều đình cấp những đồn điền mênh mông cho các đại thần và cả cho chùa theo Lạt Ma giáo. Rất nhiều ruộng ở phương Bắc biến thành đồng cỏ. Bọn nông dân mất đất thành lưu vong, một số bị bắt làm nô lệ. Hốt Tất Liệt bỏ kinh đô cũ của Mông Cổ là Karakorum mà dời xuống Đại Đô, tức Bắc kinh ngày nay. Như vậy là phải vì miền màu mỡ nhất của đế quốc là Trung Hoa; vả lại từ Đại Đô có thể tiếp xúc dễ dàng với các miền khác của đế quốc, mà khi nào nóng nực quá, người Mông Cổ chịu không nổi khí hậu Đại Đô thì họ về nghĩ mát ở Mông Cổ cũng gần. Đế quốc rộng, số quan lại ở kinh đô rất lớn, thuộc nhiều giống người, phải xây cất dinh thự và nha thự. Triều đình ra lệnhtrưng dụng công nhân ở mọi nơio, nhất là nông dân Trung Hoa. Bọn này phải bỏ ruộng ở quê để lên kinh đô, mãn hạn làm xâu, trở về làng thì có khi ruộng không người cày, bị chiếm mất rồi, họ thành dân lưu vong Dân ở kinh đô tăng nhanh, tới một triệu phải chớ lúa từ miền Nam lên nuôi họ, chở bằng đường biển, đường kinh. Thế là phải đóng nhiều thuyền, đào, vét kinh. Nông dân Trung Hoa cũng phải chịu cái d gánh đó nữa. Nhà Nguyên năm 1289 lại còn sai lát đá một con đường theo kinh Vận Hà từ Hàng Châu lên Đại Đô, dài trên 1000 cây số, phải dùng tới 2.500.000dân. Vậy là số ruộng giảm đi, dân Trung Hoa vừa phải làm xấu, vừa phải nuôi giai cấp quan lại, địa chủ cũ, thêm một triệu người Mông Cổ và ít nhất là một triệu người sắc mục nữa. Đời sống của họ thật điêu đứng. Dân nghèo thì nhà nước không giàu được. Vì thu thuế được ít. Bọn thương nhân nhỏ trong nước tạm sống được. Giàu nhất là bọn thương hân sắc mục và Hồi. Á Rập họ được triều đình ưu đãi, khỏi phải đóng thuế, kiếm được lợi thì gởi về nước họ, thiệt thòi cho nhà Nguyên vì vàng, bạc, đồng chạy ra ngoại quốc; triều đình phải in giấy bạc, cứ vài ba năm in lại một lần, mỗi lần in lại thì lạm phát thêm một chút, tiền mất giá, dân mất lòng tin, rốt cuộc nhà nước hóa nghèo, nghèo thảm hại. Triều đình phải tăng thuế, chỉ đánh vào đầu dân nghèo, họ trốn thuế, làm tăng số người lưu vong và số người oán Mông Cổ lên. Tóm lại, từ trên xuống dưới, người Mông Cổ chỉ cướp bóc trắng trợn dân Trung Hoa. Bọn Marco Polo và người Âu, người Á Rập qua Trung Hoa chỉ được thấy cảnh huy hoàng ở kinh đô và một số thị trấn lớn, chứ không biết cảnh khổ của dân Trung Hoa, nên về nước họ mới hết lời ca tụng sự giàu có của Trung Hoa thời Nguyên ( 1) Họ thua thực dân da trắng thế kỷ XIX: Nhờ khéo tổ chức, Anh chỉ vài chục ngàn người nắm được cả trăm triệu dân Ấn, Pháp chỉ dăm ngàn người nắm được cả chục triệu dân Việt.