Kiều Oanh lúc mê lúc tỉnh suốt cả đêm khiến cả nhà lo lắng, sợ hãi. Vào nửa đêm khi vừa tỉnh lại, cô đã chỉ tay qua bên kia sông mà la lên: - Đừng hại người ta, họ có làm gì đâu mà ác với họ quá lắm vậy! Ông bà Hai Tâm chẳng hiểu chuyện gì nên vội hỏi: - Con nói ai, Kiều Oanh? Nhưng cô nàng không trả lời, mà lại nằm xuống và rơi vào hôn mê như trước đó. Khoảng nửa giờ sau Kiều Oanh lại tỉnh lần nữa. Nhưng lần này thì giọng điệu khác hẳn: - Họ đã chết chưa? Sao không ai qua bên đó xem hai đứa nó ra sao rồi? Ông Hai Tâm hỏi: - Con nói họ là ai? Kiều Oanh chỉ tay qua chỗ ngôi nhà có đèn sáng bên kia sông: - Nhà đó đó! Bà Hai giật mình nói: - Đó là nhà ông Cả Sử, sao con lại... Kiều Oanh nghiến răng: - Phải để họ chết hết đi! Nói xong cô ta lại ngã ra và hầu như không biết gì nữa! Vợ chồng Hai Tâm lo lắng quá đỗi, bà nhớ lại chuyện tối qua, mà càng sợ thêm: - Chiều qua đang ăn cơm bỗng nó bỏ đi xuống bến rồi đi đâu chẳng hiểu, đến đêm mới về mình mẩy ướt đẫm, người lạnh cóng rồi sau đó thì mê man luôn! Đây là lần đầu tiên nó bị như vậy. Ông Hai thêm: - Ngay bữa ở Sài Gòn về nó đã có biểu hiện kỳ kỳ rồi... Cứ hỏi là có thấy thằng Hiếu tới thăm không? Mà thằng Hiếu thì đã chết mấy năm rồi... Bà Hai cũng nhớ lại: - Nó hầu như không nhớ gì chuyện thằng Hiếu đã chết, mà cứ sợ thằng ấy tới nhà tìm! Hình như nó bị cái gì đó ám hay sao mà tính tình thay đổi, chứ từ nào nó có như vậy đâu? Vừa khi ấy từ ngoài sân có người bước vào nhanh và hỏi oang oang: - Có chuyện gì vậy anh chị? Nhìn ra thì bà Hai reo lên: - Cô Tiên! Trời ơi, sao lại bất ngờ vậy? Ông Tâm cũng ngạc nhiên không kém: - Nghe nói cô ở bên Tây, về hồi nào vậy? - Mới về hôm qua. Sáng nay phải hỏi thăm mãi mới nhớ đường qua đây thăm anh chị. Bây giờ xứ mình thay đổi nhiều quá! Rồi bà ôm chầm lấy bà Tâm, ràn rụa nước mắt: - Sui gia hụt của em đây mà! Phải chi năm đó bên Pháp em không bị bệnh liệt giường và kịp về để lo đám cưới cho thằng Hiếu thì nó đâu có chết oan uổng như vậy! Bà Tâm chỉ tay lên bộ ván gỗ nơi Kiều Oanh đang nằm thiêm thiếp, nói: - Cũng từ khi thằng Hiếu chết đột ngột thì con nhỏ tôi cũng như người mất hồn, bỏ đi và ở biệt trên Sài Gòn, ít khi về đây. Người đàn bà mẹ của chàng trai tên Hiếu nhìn sang, chị thấy Oanh nằm quay mặt vào vách nên nói: - Từ ngày thằng Hiếu báo tin là ba nó tìm được cô gái nó ưng ý thì tôi chưa một lần gặp mặt con dâu tương lai, nghe nói con gái chị dễ thương và hiền hậu lắm phải không? Bà Tâm chép miệng: - Phải chi nó dậy được thì cô sẽ thấy... - Cháu nó bệnh gì vậy? - Có bệnh hoạn gì đâu. Tối hôm qua... Bà do dự một chút rồi kể lại mọi chuyện cho vị khách nghe. Nghe xong, bà ta tắc lưỡi: - Tội nghiệp không! Dẫu nó không trở thành con dâu của tôi, nhưng vẫn là người mà con trai tôi thương, nên tôi tính chuyến này về qua gặp anh chị để xin cho nó đi theo tôi qua Pháp. Tôi ở bên đó với đứa con gái đầu, bây giờ nó lấy chồng xa nên tôi ở một mình buồn quá. Con Kiều Oanh này mà chịu theo tôi thì qua bên đó sẽ có nhà giàu cưới nó ngay! Bà ta vừa dứt lời thì thật bất ngờ. Kiều Oanh bật dậy la lớn: - Đừng nói chuyện đó! Vị khách chợt nhìn thấy Oanh, bà ta kinh ngạc: - Thì ra là... là cô sao? Là... là... Vợ chồng Hai Tâm ngạc nhiên: - Cô Sáu biết con Oanh? Kiều Oanh cũng vùa nhận ra vị khách: - Bà... bà là người trên xe đò? Bà khách kêu lên: - Hôm qua tôi về cùng chuyến xe với nó mà đâu có biết! Trời ơi, mẹ chồng gặp nàng dâu mà nhìn như người lạ, tức cười chưa! Nhưng chợt bà khựng lại, lắp bắp hỏi: - Con... con lấy chồng hồi nào? Trong lúc Kiều Oanh còn ngơ ngác thì mẹ cô hỏi liền: - Cô nói gì vậy cô Sáu? Con gái tôi kể từ khi thằng Hiếu của cô chết, nó có ai đâu! - Có... Tôi mới gặp... Lời bà chưa dứt thì một lần nữa, Kiều Oanh lại ngã vật ra rồi trở lại trạng thái trước đó. Bà Tâm hốt hoảng: - Con! Con! Rồi bà quay sang trách: - Cô Sáu nói gì để nó mới tỉnh đã lại như vậy rồi! Bà mẹ của Hiếu ngập ngừng một lúc mới nói thẳng: - Hôm qua tôi về cùng chuyến xe với nó, nó ngồi băng sau kế tôi với... thằng chồng nó nữa. Giữa đường nó ói tới mật xanh mật vàng, cũng may là có thằng ấy nó lo. Thằng coi bộ được à, hiền hậu, đẹp trai và biết thương vợ nữa! Ông Tâm nãy giờ không nói, giờ phải chen vào: - Nhà tôi đã nói rồi cô Sáu, con Kiều Oanh chưa có gia đình! - Nhưng... Bà định nói tiếp thì bỗng ôm lấy đầu rồi phải ngồi xuống ghế mới không bị ngã. Bà ngạc nhiên: - Sao khi không tôi lại bị... Phải một lúc khá lâu, bà ta mới trở lại bình thường, nhưng lại tỏ ra sợ sệt điều gì đó. Bà kiếu từ: - Thôi, để bữa nào tôi trở qua thăm. Bữa nay tôi... tôi... Bà vừa nói vừa bước nhanh ra ngoài trước sự ngạc nhiên của vợ chồng Hai Tâm, bà hỏi chồng: - Bà ta nói gì hồi nãy vậy? Nói con Kiều Oanh nhà mình đi với ai trên xe? Ông Tâm nhìn lại chỗ con gái nằm và thở dài: - Ai mà biết... Lời ông chưa dứt thì bỗng Kiều Oanh thét to lên: - Anh Hiếu, đừng làm vậy! Rồi cô từ trên bộ ngựa gỗ nhảy gọn xuống và chẳng nói thêm gì, cắm đầu chạy một mạch ra ngoài! Bà Tâm gào lên: - Oanh! Con đi đâu vậy? Bà quay sang giục chồng: - Ông làm ơn chạy theo bắt nó lại coi, con nhỏ đang bị bệnh mà! Hai Tâm chạy khá nhanh, nhưng cũng không kịp, bởi Kiều Oanh đã nhảy xuống xuồng và bơi rất mau hướng qua sông. Chính ông Tâm nhìn theo thấy rõ ràng, con gái ông ngồi yên không hề chèo xuồng, vậy mà chiếc xuồng vẫn băng băng lướt tới như có ai đó đẩy hay kéo! - Oanh ơi, đừng đi, con mới biết lội, nguy hiểm lắm! Ông cũng nhảy xuống một chiếc xuồng khác bơi theo. Nhưng khi qua tới bờ bên kia thì không còn nhìn thấy xuồng của con gái nữa. Mà sông nước vùng này mênh mông, nhiều rạch, kênh chia nhiều hướng, biết đi theo đường nào? Cuối cùng ông cũng bơi đại theo con kênh phía tay phải. Trong khi đó thì chiếc xuồng chở Kiều Oanh đang phăng phăng tiến về gần cuối con sông nhỏ, nơi có ngôi miếu thổ thần bữa trước. Lần trước chính Kiều Oanh đã đưa Đức tới đây, nhưng cũng giống như lần này, cô không hề chủ động, cho nên khi nhìn lại cảnh cũ mà cô vẫn tỉnh như không. Cho đến khi cô chậm bước lên nhìn vào trong miếu lúc ấy chợt cô như hoàn hồn, kêu lên: - Trời ơi, đừng hại người ta! Trước mắt cô là hai người đang nằm dài trong miếu. Đó là Đức và Quế Anh! Cả hai trong tình trạng như say ngủ. - Đừng! Em nói đừng mà. Họ vô tội mà! Lúc ấy Kiều Oanh như đang giằng co với ai đó. Mặc dù cô đứng đó một mình. Phải đến khi cô lên tiếng rõ hơn: - Em lạy anh Hiếu ơi, người con trai này chỉ giúp em lúc em bị ói trên xe đò thôi, chứ anh ta nào phải là bồ hay chồng của em đâu! Anh hiểu lầm rồi... Cô nói chưa dứt lời thì đã nghe một cái tát mạnh vào má, Kiều Oanh lảo đảo rồi ngã sấp vào chỗ bày nhang đèn cúng trước miếu. Cô gào lên: - Anh quá đáng, chết rồi mà vẫn còn ghen tuông vô lý như vậy, bảo người ta chung tình với anh sao được! Lời nói này có tác dụng ngay, bởi liền lúc đó bỗng có tiếng rú lên của một người đàn ông và tiếp theo là tất cả những vật dụng, cây cối chung quanh đó đều bị ném tung lên, ngã đổ ngổn ngang. Nhưng tuyệt nhiên không thấy người gây ra chuyện ấy! Giữa lúc Kiều Oanh còn chưa kịp ngồi dậy thì có một bóng đen lao vút tới như một cơn giông bão! Chẳng kịp suy nghĩ, thuận tay Oanh chụp ngay chiếc bình bằng sành dùng cắm hoa quơ lên thật mạnh. Bốp! Một tiếng va đập thật mạnh vang lên, cùng lúc đó một tiếng rú kéo dài... Tiếng rú hình như là của một người đàn ông! Cùng lúc có một vật thật to ngã xuống. Đó là... một người toàn thân đầy máu! Kiều Oanh bật dậy và cô cũng kịp kêu lên: - Hiếu! Người đầy máu kia sau tiếng gọi tên của Kiều Oanh đã từ từ tan biến giống như một khối nước đá để giữa trời nắng! Chỉ nửa phút sau thì nơi đó chỉ còn lại một vũng nước sền sệt, đen ngòm... - Hiếu! Oanh lại gọi tên Hiếu một lần nữa với nỗi ân hận dữ dội, cô chỉ muốn chạy theo hướng mà cô đoán là Hiếu vừa rời khỏi. Nhưng vừa kịp lúc, nhìn lại, thấy hai người vẫn đang nằm im đó thì Oanh lại la lớn: - Hai người hãy đi ngay đi, anh ta có thể trở lại bất cứ lúc nào! Hãy xuống xuồng về ngay nhà đi, mọi việc ở đây để tôi lo! Lời cô vừa dứt thì Đức và Quế Anh cũng vừa tỉnh lại. Họ ngơ ngác nhìn quanh, đến khi thấy Kiều Oanh thì Đức hốt hoảng: - Cô là... người hay ma? Hôm trước cô đã... Kiều Oanh nói nhanh: - Đừng hỏi lôi thôi nữa, hay dẫn cô ấy trốn đi. Đúng là hôm trước tôi đã bị Hiếu sai khiến để dẫn dụ anh tới đây và hôm nay cũng thế, chính người yêu tôi vì ghen nên đã khiến tôi cùng tới đây để ra tay sát hại hai người, nhưng tôi không đành như vậy nên vừa rồi tôi đã làm tổn thương anh ấy, để anh ấy đi mà không biết đi đâu. Tuy nhiên, lúc này hai anh chị hãy đi đi, về nhà và lập tức cử hành ngay hôn lễ, động phòng hoa chúc ngay tối nay, như vậy mới có cơ may sống sót! Chứ người yêu tôi, anh Hiếu là một hồn ma ghen dữ dội, sẵn sàng giết cả hai người nếu còn cho anh chị chưa là vợ chồng với nhau. Mau đi đi, anh ta sẽ trở lại đây ngay bây giờ! Đức nhìn Quế Anh rồi không chần chừ, anh bế thốc người yêu lên, chạy nhanh xuống chiếc xuồng mà Kiều Oanh vừa mang tới. Ra sức bơi rất nhanh ra giữa dòng... Ở trong miếu một mình. Kiều Oanh bất thần chụp lấy mảnh sành bị vỡ lúc nãy và đâm thẳng vào hai mắt của mình, trước khi gục ngã xuống... Việc Đức và Quế Anh trở về đột ngột trong đêm đã là một bất ngờ của đôi bên cha mẹ hai người. Nhưng họ chưa bất ngờ bằng lời yêu cầu của chính Quế Anh: - Ba má cho tụi con làm lễ cưới ngay trong đêm nay đi, nếu không cả hai đứa con đều phải chết! Bà Cả trợn tròn mắt: - Con nói gì vậy Quế Anh? Lễ hỏi còn chưa cử hành, làm sao có thể... Đức vội giải thích: - Tụi con vừa bị nhốt ở miếu thổ địa, suýt chết bởi hồn ma, nếu không nhờ cô gái ấy cứu thì không toàn mạng về đây. Tụi con bị một hồn ma ghen dữ dằn, sẵn sàng giết chết nếu con và Quế Anh không thành vợ chồng trong đêm nay! Bà Phán Hòa nghe cũng không xuôi tai, bà hỏi lại: - Sao có chuyện kỳ lạ vậy? Mình đâu thể chiều theo... Bỗng Quế Anh sụp xuống, cô lạy cả hai bên cha mẹ: - Con xin cha mẹ hai bên, hãy cứu tụi con kẻo không kịp! Con lạy ba má... Đức cũng sụp xuống lạy y như vậy làm cho bốn ông bà già sững sờ đưa mắt nhìn nhau. Trong lúc họ còn đang lưỡng lự thì Quế Anh sắp sửa trở lại trạng thái cũ, cô co rúm người như sắp hôn mê. Ông Cả hốt hoảng: - Không xong rồi bà ơi! Mau... mau cho tụi nó... Sau khi hội ý chớp nhoáng, hai bên cha mẹ đồng ý cho làm lễ lạy gia tiên ngay trong đêm và âm thầm khấn vái: - Ở thế chẳng đặng đừng nên buộc lòng chúng con phải chấp nhận cho tụi nó làm chuyện này... Kể từ bây giờ tụi nó được là vợ chồng của nhau, xin ơn trên độ trì cho mọi điều tốt đẹp... Sau khi lễ lạy gia tiên xong, chính Quế Anh giục Đức rất khẽ: - Mau đi... Nửa đêm hôm đó, có lẽ lúc ấy chuyện động phòng của hai người đã qua, bất chợt ở phía sau vườn có một tiếng gầm rú chẳng khác con mãnh thú bị thương nặng! Quế Anh là người run sợ hơn ai hết, cô rúc vào lòng Đức vừa thều thào: - Lại nữa rồi! Đức cũng hiểu đó là oan hồn, giống như anh và vợ đã gặp lúc ở miếu thổ thần. Nhưng chẳng còn cách nào hơn, anh cố trấn an: - Không sao, nếu chết thì cùng chết! Nhưng họ chờ rất lâu mà chẳng có việc gì xảy ra... Tiếng hú cũng không vang lên nữa. Cho đến gần sáng, trong lúc mọi người đang ngủ say thì chỉ mình Đức nghe được một tiếng khóc bên ngoài cửa sổ vọng vào. - Ai? Đức sợ làm cho Quế Anh tỉnh giấc nên anh nhẹ bước một mình, bước đến gần cửa sổ nhìn ra. - Kiều Oanh! Rõ ràng Kiều Oanh đang ôm ngang đôi mắt đầy máu, nói vọng vào vừa đủ cho Đức nghe: - Anh cầm lấy vật này và cùng với quần áo hai người mặc ban chiều hãy đốt ngay, bởi tất cả đã bị ma nhập, mặc vào lại sẽ vong mạng ngay! Đức đón lấy vật mà cô gái vừa ném vào, anh nhận ra đó là chiếc lược cài tóc của Quế Anh. Anh chưa kịp hỏi thì nàng ta đã tiếp lời: - Trước đây cô Quế Anh làm rơi chiếc khăn quàng và lọt vào tay Hiếu, anh ấy đã dùng vật ấy để khống chế, sai khiến cô Quế Anh, suýt nữa cô ấy đã thành ma rồi! Bây giờ phải giữ kỹ mọi thứ, chờ đến khi nào tôi tới nơi đã, lúc đó mới yên... Nàng ta nói dứt lời thì cắm đầu chạy rất nhanh về phía bờ sông, Đức hiểu là cô nàng còn sống, nên quên cả hiểm nguy, vội đuổi theo. Đức rất bất ngờ khi nhìn thấy trước mặt mình là một ngôi nhà khá lớn, nơi mà Kiều Oanh đã chạy vào mấy giây trước đó. Nhà của ai? Đó là câu hỏi mà Đức đang hoang mang và chưa có câu trả lời, bởi với anh thì nơi này hoàn toàn xa lạ... Anh không định đột nhập vào trong, nhưng nhìn thấy Kiều Oanh ôm mặt đầy máu chạy vào đó trong trạng thái gần như không thấy đường đi, Đức tức tốc đuổi theo nhanh hơn. Anh lọt vào phía sau ngôi nhà lớn như cái dinh thự mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Cho đến khi... - Thưa bà, những gì bà dặn lâu nay con luôn làm đúng. Ngôi nhà này dẫu không ai ở, nhưng con vẫn hằng ngày quét dọn tươm tất, các phòng ngủ của bà, của các cô cậu ngày trước con vẫn chăm sóc như trước đây. Đặc biệt là phòng cậu Hiếu, mỗi ngày con đều thay bình hoa mới, thay áo gối, thay drap nệm hai ngày một lần. Nhưng lạ quá bà ơi... Đó là những lời của Ba Tiền, người quản gia lâu năm của gia đình Phủ Xuân, chủ nhân ngôi nhà đồ sộ này, anh ta nói với một người phụ nữ mà vừa thoạt nhìn thấy Đức đã suýt kêu lên, bởi đó chính là người đàn bà đã mua cho Kiều Oanh lon sữa lúc ở trên xe đò! Nhờ đứng trong bóng tối, nên Đức không bị phát hiện và nhờ vậy anh tiếp tục nghe được câu chuyện giữa hai người. Ba Tiền hạ thấp giọng như sợ người ngoài nghe: - Từ ngày cậu Hiếu chết, đêm nào con cũng nghe có tiếng hát và thổi kèn Tây từ phòng cậu vọng ra! Rồi áo gối, hay drap trải giường, cứ hai ngày con thay theo lời bà dặn thì đều thấy gối bị dơ, drap nhăn nheo và... có mùi mồ hôi! Riêng cơm nước bà dặn con dọn cho cậu mỗi ngày ở ngoài nhà mồ, con đã làm y như vậy và... hầu như bữa nào cậu ấy cũng ăn sạch! Lúc này bà Sáu Anna, tên người phụ nữ, kinh ngạc: - Có phải chú quá sợ nên không dám vào nhà mồ rồi để cho chó mèo gì lẻn vào ăn hết chứ gì? Ba Tiền cãi liền: - Dạ không phải đâu bà? Nhà mồ kín như bưng, một khi đóng cửa lại thì con gián, con ruồi vào cũng không được, làm gì có mèo chó! Chính cậu Hiếu ăn đó bà! Tuy Hiếu là con của bà, nhưng bà Sáu Anna nghe nói vậy cũng bắt rùng mình! Bà nhìn sững Ba Tiền rồi run run giọng hỏi lại: - Ngoài ra nó có phá phách gì không? - Dạ có! Nhất là cách đây mấy ngày, đúng vào lúc bà về đây thì ngày nào cậu ấy cũng... nhậu nhẹt say khướt rồi đập phá nhà mồ lung tung! Con muốn báo cho bà hay nhưng e bà sợ nên chưa dám nói... Rồi anh ta lại hạ thấp giọng hơn: - Mà hình như cậu ấy ghen hay sao đó! Con nghe cậu cứ kêu tên người con gái nào đó là Kiều Oanh rồi gầm thét dữ dội! Tối nay, lúc con bưng mâm cơm xuống thì cũng vừa lúc cậu ấy tung cửa chạy ra, suýt nữa đã xô con ngã! Không biết giờ này đã về chưa nữa... Bà Sáu Anna hơi chùn bước, vừa nói: - Lâu ngày tao không về thăm nó, chẳng biết nó còn nhớ không? Lỡ nó lên cơn điên như vậy có sao không? Ba Tiền trấn an bà: - Bà là mẹ cậu ấy mà, làm sao cậu ấy dám làm gì! Nhờ được khích lệ nên bà Anna mới dám theo Ba Tiền bước vào nhà mồ. Anh ta giải thích thêm cho bà nghe về ngôi nhà mồ này: - Bà biết không, lúc cậu Hiếu chết thì ông nhà cũng còn khỏe, nên ông quyết định đứng ra tự trông coi việc xây ngôi nhà mồ này! Mà chẳng hiểu sao ông lại cho xây đến hai cái huyệt trong này? Một cái thì đã dành chôn cậu ấy rồi, cái còn lại con có mạo muội hỏi thì ông đã nói một câu rất khó hiểu là "để chôn con vợ nó!", mà làm gì cậu Hiếu có vợ? Bà Anna bỗng kêu lên: - Con Kiều Oanh! Ba Tiền ngơ ngác: - Bà nói Kiều Oanh là ai? Sao trùng với cái tên mà cậu Hiếu cứ gọi hoài mấy hôm nay? - Con nhỏ đó... thật tội nghiệp! - Bà nói ai? Bà Anna gạt ngang: - Mày không hiểu đâu, đừng hỏi! Lúc này hai người đã mở cửa nhà mồ bước hẳn vào trong. Tối đen như mực, cho đến khi Ba Tiền bật đèn pin lên, anh ta nói khẽ: - Có cây đèn măng-sông ở chỗ kia, để con đốt lên. Đây là lần đầu tiên bà Anna bước vào đây, và mặc dù biết đây là nơi chôn con trai mình nhưng bà cũng nghe lạnh người, đứng yên một chỗ không dám bước tới. Khi đèn măng-sông cháy sáng lên thì Ba Tiền giục: - Bà bước vào đây, mộ của cậu Hiếu kia! Anh ta vừa dứt lời thì bỗng thét lên một tiếng, suýt nữa đã làm rơi cây đèn đang cầm trên tay! Trước mắt anh, có một người con gái đang ngồi trong cái huyệt trống. - Bà... bà... Bà Anna cũng đã thấy, bà chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi ngã người trên sàn! Lúc ấy cô gái tuy không thấy được người chung quanh, nhưng cô vẫn còn tỉnh táo để lên tiếng: - Con là Kiều Oanh đây! Con tới với anh Hiếu để cho anh ấy thấy là con không phản bội anh ấy, con vẫn mãi mãi ở bên anh ấy! Con là vợ của anh ấy mà... Bà Anna bừng tỉnh, bà kêu lên: - Kiều Oanh! Sao... sao cháu như vậy? Lúc ấy, bà đã nhìn rõ hai hốc mắt đầy máu của Oanh! - Con phải lấy đi đôi mắt của mình trước khi chết theo anh Hiếu, để anh ấy thấy rằng ngoài anh ấy ra con chẳng muốn nhìn một ai nữa! Hãy nói với Hiếu, Kiều Oanh này không bao giờ một dạ hai lòng... Lời vừa dứt thì nắp huyệt cũng vừa đóng sập xuống, nhốt trong đó một cô gái tuổi thanh xuân! Cũng đồng thời lúc ấy, bà Anna và Ba Tiền như bị ai đó nhấc bổng lên và ném nhanh ra ngoài. Khi họ chưa kịp bò dậy thì đã nghe rầm một tiếng, nhìn lại đã thấy cánh cửa nặng nề của ngôi nhà mồ bị đóng chặt lại! - Trời ơi, Hiếu! Bà Anna gào lên, cố gắng dậy và chạy tới nắm chốt cửa kéo ra, nhưng vô vọng, cửa đã bị khóa chặt bên trong! Lúc đó đêm đã dần khuya. Vầng trăng trên đỉnh đầu bắt đầu ngả về hướng tây, lạnh lùng soi ánh sáng mê ảo xuống khu nhà mồ, tạo thành một khung cảnh nửa hư nửa thực, khiến cho Ba Tiền vốn lâu nay đã quá quen thuộc với hình ảnh này cũng phải bắt rùng mình! Anh run run giọng hỏi bà chủ: - Rồi mình phải làm sao với cô Kiều Oanh đây bà? Bà Anna chỉ biết buông một tiếng thở dài và im lặng...