Dịch giả: PHẠM TÚ CHÂU,THÀNH TRINH BẢO, NGUYỄN THỊ BĂNG THANH
CHƯƠNG XXII
CÓ LẼ CÔ ẤY LÀ EM GÁI THẬT

Cũng như mọi khi, Tiêu Dao phóng chiếc xe đua qua bến xe buýt trên đường 13 là lại gặp cô bé cũng họ Tiêu mặc bộ váy áo màu đen ấy, trong lòng bạn cảm thấy rất vui. Tiêu Dao cười với cô và phóng vượt qua. Cô bé thì thẹn thùng mủm mỉm cười.
Tiêu Dao định bụng gặp lần sau nhất định phải chào hỏi và nói chuyện với cô. Nhưng cứ mỗi lần gặp, thì không hiểu sao bạn không mở được miệng mà chỉ cười thôi. Và lại quyết định: “Lần sau gặp cô ấy nhất định phải chào hỏi mới được”.
Có một lần tan học, ngay từ xa, Tiêu Dao đã nhìn thấy người đứng trên bến xe đường 13 rất đông. Chắc là tắc xe rồi. Mãi không thấy xe đến, cô bé sốt ruột nhìn đồng hồ. Tiêu Dao nghe các bạn ở lớp 3 khối Mười nói nhà cô bé ở khu La Hồ, cách trường rất xa. Nhìn thấy cô bé sốt ruột, Tiêu Dao cũng lo thay. Cậu ta đi chậm hẳn lại “Việc gì phải nghĩ, sao không đưa cô ta về nhà cơ chứ!”. Nhưng vừa tới bến, không hiểu sao chân lại đạp mạnh đi một cái. Cậu ta dừng lại trước một cửa hàng, lặng lẽ cùng đợi xe với cô bé. Cuối cùng, xe tuyến đường 13 cũng tới, cô bé lên xe. Xe chạy, lúc ấy Tiêu Dao mới thở phào.
Lớp 3 đi thực hành phải qua cửa phòng học lớp 4. Lúc ấy, bọn con gái đều nhìn cả ra ngoài. Vương Tiếu Thiên vừa nhìn đã kêu ầm lên “Tiêu Dao, em gái cậu tới kìa!”. Làm cho Tiêu Dao ngượng ngùng không biết nên làm thế nào. Trong mắt của Vương Tiếu Thiên thì cô bé đó như là em gái của Tiêu Dao bởi bố mẹ cô ta đang ở nước ngoài mà cô ta có cùng họ với Tiêu Dao. Lâu dần Tiêu Dao cũng cảm thấy cô bé và mình như có quan hệ thân thích nào đó. Lớp 4 có giờ ngữ âm cũng phải đi qua lớp 3, Tiêu Dao cũng bất giác dừng lại ở lớp 3 một lát. Có một lần, cô bé đi qua lớp 4, Vương Tiếu Thiên reo: “Tiêu Dao, em gái cậu đến kìa”. Tiêu Dao cười cười. Vương Tiếu Thiên hát: “Em ơi – Hãy dũng cảm tiến lên phía trước đừng có quay đầu”. Tiêu Dao tức quá muốn đánh Vương Tiếu Thiên. Lúc ấy cô bé quay đầu lại, không nhìn người hát mà nhìn Tiêu Dao một cách thân thiện. “Nếu quả thực cô ấy là em gái thì lần sau gặp nhau thế nào cũng phải chào hỏi” – Tiêu Dao nghĩ.
Từ khu phòng học lầu năm đến sân vận động cũng mất một quãng. Mỗi khi tập thể dục giữa giờ, học sinh cả khối lại xếp hàng rồng rắn trên sân. Trên đường ra sân, trong lúc chuyện gẫu với các bạn, Tiêu Dao cũng biết thêm một số điều về cô bé. “Cô ấy rất trầm tính”, “chưa bao giờ lắm mồm lắm miệng”. Nghe các bạn nói vậy về cô bé, Tiêu Dao rất vui, cậu ta không thích các cô gái lèo nhèo suốt ngày.
Tập thể dục được sắp xếp nối đuôi nhau từng lớp một. Lớp 3 và lớp 4 xếp gần nhau. Tiêu Dao có thể tìm ngay thấy cô bé trong đám đông. Bất kể nhìn thấy cô bé lúc nào và ở đâu, Tiêu Dao đều rất vui.
Hết giờ tập hôm nay, đám học sinh ào ào trở lên gác. Tiêu Dao thấy cô bé không động đậy, cậu ta bất giác cũng đứng yên.
Bọn con gái đang đứng giữa đám cỏ. Có cỏ Đài Loan non xanh làm nền đám con gái cũng trở nên tươi mát lạ thường. Cô bé cứ đứng yên trân trân nhìn Tiêu Dao.
Tiêu Dao cũng lần đầu tiên dám mạnh dạn ngắm cô, ánh mắt cô như định nói điều gì.
Trời tháng tư giống khuôn mặt của trẻ con, nói thay đổi là thay đổi ngay. Lúc ấy mưa đã “lách tách, lách tách” rơi xuống.
_ Mưa rồi, đi mau lên! – Tiêu Dao nói.
Bốn con mắt cùng nhìn nhau, sau đó ai nấy đi theo hành lang về phía lớp mình.
Ngồi trên lớp nhưng Tiêu Dao bị phân tán tư tưởng: “Cô ấy định nói gì nhỉ?”, bởi đôi mắt ấy rõ ràng định nói với Tiêu Dao điều gì đó. Tiêu Dao định khi tan học đi qua bến xe mà gặp, nhất định phải hỏi cho ra.
Mưa ngày càng lớn, chỗ nào cũng ào ạt ào ạt. Lúc sắp vào tiết bốn, Lưu Hạ cầm một chiếc ô hoa nhỏ đến: “Tiêu Dao này, em gái cậu đưa cho đấy”. – Lưu Hạ bắt chước kiểu bẻm mép của Vương Tiếu Thiên.
Tiêu Dao đón lấy cái ô vẻ ngạc nhiên:
_ Chuyện gì thế nhỉ?
Lưu Hạ nhún vai:
_ Không hiểu, cô ấy bảo tớ đưa ô cho cậu, không nói gì cả.
Tiêu Dao định chạy đi hỏi xem ra sao, nhưng trống báo giờ lại vang lên.
Trống tan, Tiêu Dao vội vã chạy sang lớp bên cạnh, cô ấy không có ở đó. Tiêu Dao vội chạy ra bến xe, đợi mãi nhưng cũng không thấy. Buổi chiều, trời tạnh ráo, Tiêu Dao vẫn cầm theo chiếc ô, định bụng để cám ơn cô bé và trả cô chiếc ô. Nhưng cả buổi chiều cũng không thấy cô ấy đâu. Mấy ngày tiếp theo cũng vẫn không thấy. Ngày nào Tiêu Dao cũng mang theo chiếc ô hoa đi học, bọn bạn trong lớp đều trêu là “đồ con gái”.
Có lẽ cô bé ốm rồi, bởi hôm ấy trời mưa. Chờ cô ấy đến, nhất định phải chào hỏi và cảm ơn cô, nhất định!
Nhưng cô bé không đến. Lần nào Tiêu Dao cũng mong chờ, nhưng lần nào cũng thất vọng. Cô bé làm sao rồi?
CÔ BÉ ĐỘT NHIÊN ĐI PHÁP
Tiêu Dao ra bưu điện gửi thư. Thư này viết cho ba mẹ. Trong thư bạn viết rất rõ về nhận thức với việc ra nước ngoài. Cậu tin rằng ba mẹ sẽ hiểu. Ba mẹ sẽ tôn trọng sự lựa chọn của cậu.
Ở bưu điện, Tiêu Dao lại nhớ đến lần gặp cô bé, bạn hy vọng có phép lạ, lại nhìn thấy cô bé cầm gói quà từ Pháp gửi về và đi lướt qua cậu. Đã mấy ngày không nhìn thấy cô bé rồi, Tiêu Dao lo lắng phập phồng trong bụng.
Tan học đi qua bến xe, Tiêu Dao theo thói quen lại nhìn vào, nhưng vẫn không thấy bóng dáng cô bé đâu cả. Khi ấy có một bạn học sinh lớp 3 đi qua, Tiêu Dao không nén được nữa:
_ Bạn gái họ Tiêu ở lớp cậu đâu rồi?
_ Ồ, cô ấy á? Cô ấy đi Pháp rồi, chẳng nhẽ cậu không biết sao?
_ Thật không, đi khi nào vậy? – Tiêu Dao quá ngạc nhiên.
_ Đương nhiên là thật rồi. Đi từ mấy hôm trước. Nghe nói mẹ bạn ấy làm việc ở Pháp, có mua được tòa biệt thự của một nhà quý tộc nên đã đón con sang bên ấy rồi.
Tiêu Dao nghe như trái tim mình rơi đánh “bộp” một cái. Bạn vừa gửi thư đi nói rằng: “Tạm thời chưa đi”. Còn cô bé thì đi rồi, mà đi rất xa. Có lẽ kiếp này họ không có cơ hội để gặp nhau nữa rồi.
Điều quan trọng là cậu vẫn chưa chào hỏi cô ấy. Vẫn chưa nói “Chào bạn” thì làm sao lại có thể nói “Tạm biệt”? Tiêu Dao vô cùng hối hận, vì sao vẫn chưa chào hỏi cô ấy kia chứ? Nếu thế, nhất định cô ấy sẽ phải nói điều gì đó, chứ không phải cứ lẳng lặng mà ra đi.
Tiêu Dao chợt nhớ đến hôm ở sân tập, nhớ đến cái nhìn cuối cùng lúc chia tay. Có thể mọi điều sẽ qua đi, nhưng cái ánh mắt ấy thì mãi mãi còn đọng lại trong trái tim của Tiêu Dao.
Sớm hôm sau, Tiêu Dao lại đạp xe qua bến, trời còn sớm nên phơ phất sương mù lãng đãng. Người và cây cối lúc ẩn lúc hiện. Tiêu Dao dừng xe lại, mờ mờ như bóng cô bé vặc chiếc váy đen, tay cầm quyển vở bất chợt quay đầu lại để lộ một nụ cười hiền hậu.
Mặc dù họ chưa hề chơi riêng với nhau, thậm chí còn chưa nói chuyện, nhưng Tiêu Dao không thể quên được cái vẻ thẹn thùng, ngượng ngập mà thân thiết của cô bé.
Giờ cô bé đã đi xa rồi, giống như là sương mù đã tiêu tan.
Trên lan can của tòa biệt thự cổ bên Pháp kia, nhất định thoảng lại xuất hiện một cô bé Trung Quốc ra ngóng cảnh vật xung quanh.
Trời lồ lộ sáng dần, sương mù cũng bắt đầu tan. Mọi vật đã nhìn rõ. Những điều bâng khuâng kỳ diệu đẹp đẽ cũng lắng sâu trong lòng.
CÒN MÃI ÁNH MẮT CUỐI CÙNG
Bà nội vốn định gọi điện thoại cho ba mẹ Tiêu Dao, nhưng lại sợ họ quá lo lắng. Bà chợt nhớ Tiêu Dao thường hay nhắc đến thầy giáo chủ nhiệm lớp, nên bà quyết định đi tìm thầy nói chuyện. Đầu tiên bà gọi điện cho thầy, hẹn gặp, sau mới đến trường.
Thầy Giang chờ đón bà nội Tiêu Dao ở phòng khách.
Bà thuộc lớp phụ nữ con nhà danh giá thời cũ. Mấy chục năm qua đi nhưng bà vẫn giữ được dáng dấp quyền quý, tóc chải mượt bóng, sắc mặc rất đẹp.
_ Xin mời bà ngồi. Tiết này tôi không phải lên lớp, chúng ta có thể nói chuyện được. Theo tôi đoán thì bà tìm gặp tôi chắc là có chuyện riêng cần nói.
_ Dạ vâng. À… à… - Bà có vẻ căng thẳng. Vừa gọi điện cho thầy Giang xong bà lập tức cảm thấy hối hận. Bà trách mình làm thế này giống “cảnh” trong phim ảnh quá, mà như thế thì rất dở. Nhưng ngoài thầy giáo ra bà không biết nhờ ai giúp bây giờ.
_ Thưa thầy Giang, những điều tôi nói với thầy xin thầy đừng nói cho ai biết.
Thầy Giang gật đầu.
Được thầy đồng ý rồi bà mới bắt đầu nói:
_ Là thế này ạ, ba mẹ cháu Tiêu Dao hy vọng cháu sẽ ra nước ngoài bởi bây giờ cháu còn nhỏ dễ thích ứng với hoàn cảnh bên ngoài, nhưng chính nó lại cho rằng trước mắt không nên đi. Tôi nghe cháu nói, cháu đã trao đổi với thầy về chuyện này rồi, mong thầy cho ý kiến.
Thầy Giang gật đầu.
_ Tôi và ông nội cháu đi Pháp từ xưa, sau giải phóng, chúng tôi lại trở về nước. Tiêu Dao quyết định như thế, chúng tôi cũng rất hiểu và thông cảm.
Nói thế, chắc thầy cũng thấy là tôi nên “thay đổi” thôi có phải không? - Cả bà cùng thầy giáo bất giác đều cười. Bà lại nói tiếp - Đối với thằng Tiêu Dao, tôi và ba mẹ nó cũng tương đối yên tâm. Nó rất chân thực và chịu khó. Nhưng gần đây trông nó có vẻ khang khác, mấy lần tôi có hỏi nó, nhưng nó đều không nói. Có một lần bỗng nhiên nó hỏi tôi: “Bà ơi, hồi trẻ bà có đi Pháp, thế nước Pháp như thế nào?”. Ngay lúc ấy tôi đâu có để ý, nhưng sau tôi thấy trên bàn của nó có một bức tranh. À, bức này đây, lúc đấy tôi biết chuyện không phải nhỏ đâu.
Thầy Giang đón lấy bức tranh: trên thảm cỏ có một cô bé gái, đứng xa xa là một cậu bé. Chỉ vẻn vẹn có thế. Ở góc bức tranh có dòng chữ: “Ánh mắt cuối cùng – Tiêu Trúc”. Nét vẽ còn xấu, nhưng thoáng nhìn người ta có cảm nhận ngay bức vẽ rất tâm huyết. Thầy Giang dạy Ngữ văn cho cả lớp 3 và 4 nên biết ngay người mà Tiêu dao vẽ là ai. Có điều họ tên của cô bé ấy là Tiểu Nguyệt Tiêu.
_ Trời đất, thầy giáo ạ, thằng Tiêu Dao nó…
Thầy Giang lại nghĩ đến vấn đề khác:
_ Xin hỏi làm sao bà lại nhìn thấy bức vẽ này?
_ Hôm qua tôi dọn phòng nên thấy nó ở trong phòng của Tiêu Dao. Bà nói và nhận thấy nét mặt của thầy giáo hơi sa sầm nên ngừng lại.
_ Điều đầu tiên tôi muốn nói là không nên xem trộm thư từ của con trẻ, làm thế khiến chúng thấy tủi, bị coi thường. Có những thứ chỉ riêng mình chúng xem mà thôi.
_ Nhưng không làm thế thì tôi không biết chuyện của nó, đặc biệt là những chuyện về lĩnh vực này. Ba mẹ cháu đều công tác ở nước ngoài, tôi phải có nhiệm vụ chăm nom cháu, phải chịu trách nhiệm về cháu. Thưa thầy, tôi không đồng ý với quan điểm của thầy.
Thầy Giang gật đầu thông cảm.
_ Là thầy giáo thì ai cũng mong học sinh mình thành tài, còn là phụ huynh chúng tôi thì ai mà chẳng mong con cháu mình sẽ hạnh phúc.
_ Về phương diện tình cảm, học sinh nam lứa tuổi này rất phức tạp, các em dễ rung động lại thường để trong lòng. Các em nữ thường hay kể với các bạn cùng trang lứa, còn các em trai thì giấu kín tình cảm vào trong lòng - Thầy Giang nói - Học xong trung học, các em thay đổi nhiều, cả về sinh lý lẫn tâm lý đều biến đổi lớn, phát sinh những tình cảm khác giới là điều hoàn toàn bình thường, có thể thông cảm được.
_ Thầy Giang ạ, cứ như ý kiến của thầy thì chúng yêu đương nhau lại là đúng sao?
_ Mặc dù trong con mắt các nhà văn thì mối tình đầu thật tuyệt vời nhưng nếu nó xảy ra khi các em ở lứa tuổi trung học thì cũng không lãng mạn lắm. Tôi không đồng ý học sinh trung học yêu đương bao gồm tình yêu sơ khai như hiểu nhau, hợp tính nhau… Tình yêu nhất thiết phải lấy hôn nhân làm phương hướng phát triển. Nếu không lấy hôn nhân làm mục đích thì tình yêu là vô trách nhiệm, mà hôn nhân đối với các em thì quả là xa vời, tuổi tác còn non thì làm sao gánh vác được trách nhiệm nặng nề ấy của xã hội.
_ Tôi rất đồng ý với quan điểm ấy, tôi còn muốn tìm cô bé kia để nói chuyện.
_ Tiểu Trúc đã đi Pháp rồi, tôi nghĩ bà đã quá coi trọng chuyện này. Hơn nữa việc can thiệp của các thầy giáo vào lĩnh vực tình cảm này rất dễ sinh chuyện nặng nề, khiến học sinh có tâm lý chống lại. Nhưng đến khi tôi phát hiện thấy sự việc đã cần cảnh báo, thì nhất định tôi sẽ phải có cách để can thiệp. Trước mắt, tôi chỉ có thể đứng bên để quan sát. Bà cũng không nên kiểm soát thư từ của Tiêu Dao nữa, đừng đối xử thế với cháu, khiến cậu ấy cảm thấy tủi.
Tiễn bà cụ rồi, thầy Giang trở về phòng làm việc, nghe cô giáo phòng bên cũng đang vô tình nói về tình yêu tuổi học trò:
_ Học sinh thời nay trưởng thành quá sớm, việc gì cũng đều hiểu, mà bọn trẻ ở Đặc khu lại càng cởi mở. Chuyện này chỉ cần không lộ liễu, thành tích học tập không sa sút thì thôi đành nhắm một mắt mở một mắt vậy. Huống hồ chuyện này cũng khó quản lí.
Thực ra sự việc không phải đơn giản như vậy, đúng như Macarenco nói: “Xã hội hiện đại tạo nên một lớp trẻ con lớn. Về mặt sinh lý phát dục thì gần như là người lớn, nhưng chúng không biết tự kiềm chế bản thân bằng quan niệm đạo đức đúng đắn”. Họ vẫn cần phải “quản”, cần sự giúp đỡ của người lớn, chỉ có điều là với phương pháp và hình thức khác nhau mà thôi. Họ cần sự giúp đỡ, thiện ý và thật lòng, nhưng không nên để cho họ nhận thấy. Sự giúp đỡ ấy đưa họ ra khỏi thời kì khó khăn. Những người thầy phải có trách nhiệm làm chiếc cầu giúp họ qua thời kì quá độ này, giúp cho học sinh qua sông thật vững vàng, an toàn và tỉnh táo. Đối với tình cảm của thanh thiếu niên thời kì này phải làm sao để nó thật trong trắng, cao thượng, đẹp đẽ. Mà điều này thì chúng ta có thể làm được.
HỘI THẢO VỀ TÌNH YÊU
Nhật ký của Hiểu Húc
Ngày… tháng…
Hôm nay là ngày cuối tuần, ngủ dậy, mình mang chiếc áo váy màu trắng ra giặt. Mình không nỡ lòng nào để nó bị chiếc máy giặt dày vò, cũng chẳng nhẫn tâm để nó phải giặt chung với quần áo khác. Tốt nhất cứ lấy tay mà vò từ từ, rồi nhè nhẹ rũ nước. Loại váy trắng này năm nay rất thịnh hành. Lưu Hạ cũng có một chiếc, trông còn sang hơn cả mình, nhưng không chắc đã đẹp hơn chiếc của mình.
Đem váy ra ban công để phơi, mồm huýt sáo một bài hát. Thực ra thì không bằng giọng cả của Lưu Hạ, nhưng ai mà chẳng có thể hát bài hát của mình, chỉ cần bạn cảm thấy cao hứng mà thôi.
Có một bài hát tiếng Anh rất tuyệt, mình không biết là nó hay ở chỗ nào, chỉ có điều mình thuộc lời rất nhanh:
“Khi tôi còn là cô bé con, tôi hỏi mẹ ngày mai sẽ ra sao? Tôi liệu có xinh tươi, tôi liệu có giàu có. Mẹ nói rằng tôi sẽ xinh tươi, tôi sẽ giàu có. Chẳng ai mô tả được tương lai”.
Phải, tương lai sẽ ra sao? Cuộc sống sẽ ra sao? Từ một ánh mắt, từ một câu nói, từ cái nhướn mày ở người khác. Tóm lại, cảm thụ đời sống từ nhiều phía.
Nhưng cái phần ấy của cuộc đời mà mình muốn biết lại bị mẹ gạt đi bằng câu: “Sau này tự con sẽ biết”.
Mình cứ muốn tìm hiểu về khía cạnh ấy của cuộc sống bởi vì chỉ có nó mới giải thích được những hiếu kì, xấu hổ, kinh ngạc của tâm lí. Chợt nhớ đến câu hát rất trẻ con và ngây thơ thuần khiết: “Chẳng mô tả được tương lai”.
Ngày… tháng…
Hôm nay lớp mình có cuộc hội thảo, có thể nói đó thực là cuộc hội thảo sôi động nhất từ trước tới giờ. Thầy Giang bảo nếu thời học sinh của thầy mà có cuộc hội thảo như thế thì nhất định sẽ trầm lắng lắm, nhưng đương nhiên hồi ấy cũng không thể tổ chức được hội thảo kiểu này.
Gần như tất cả mọi người đều nói: “Học sinh trung học trước kia rất đơn thuần, còn học sinh bây giờ thì…” và thôi không nói tiếp nữa. Họ để mấy cái dấu chấm lửng khiến người ta thật hoang mang, nói cho cùng thì chẳng phải trong từ điển cuộc đời của chúng ta bây giờ đã có thêm một chữ “Yêu” hay sao? Điều đó thì có gì mà không được? Chẳng hiểu vì sao người lớn lại lo lắng quá đến như vậy.
Nữ sinh bây giờ ngầm bàn về bạn trai, còn bọn con trai thì nghe nói cũng bàn luận không ít về con gái. Nhưng cùng ngồi bàn luận về tình yêu như hôm nay thì cũng mới là lần đầu.
Mình nghĩ học sinh Thâm Quyến được giáo dục khá toàn diện ở lứa tuổi thanh xuân này. Hồi còn ở phổ thông cơ sở chúng mình đã từng dự những buổi giảng về kiến thức vệ sinh ở tuổi thanh xuân. Đôi khi đọc trên báo thấy tin có học sinh nội địa tự sát, phá thai, thầy giáo tự ý bóc thư của học sinh… Thực sự mình cảm thấy chúng mình may mắn hơn nhiều.
Lúc bắt đầu, các bạn hãy còn ngài ngại, nhưng dần dần mọi người hăng hái lên. Vương Tiếu Thiên bắn phát đạn đầu:
_ Mấy hôm trước đài truyền hình quốc tế có phát đi phim Bạn thời để chỏm, tôi nghĩ là mọi người đều xem. Em bé gái hỏi em bé trai: “Bạn có yêu mình suốt đời không?", cậu bé trả lời: “Đương nhiên rồi, mình đã yêu bạn cả một tuần cơ mà!”. Xem xong cuốn phim này, người ta phải suy nghĩ rất nhiều, không hề giống một chút nào với suy nghĩ “tình cảm không trong sạch” của thầy cô và cha mẹ. Trung Quốc không thể nào làm và cũng không thể làm được những bộ phim như thế. Kì thực vấn đề giới tính chỉ là một hiện tượng bình thường còn nếu không có hiện tượng như thế mới là không bình thường.
Ngay lúc ấy có bạn bịt miệng cười:
_ Kinh nghiệm gớm!
Dư Phát ghé sát Lưu Hạ:
_ Có phải chuyện ấy đã xảy ra giữa bạn với Vương Tiếu Thiên không?
Vương Tiếu Thiên tiếp tục:
_ Ai mà chẳng tự thừa nhận rằng trong lòng đã từng quý mến một người nào đó, hay có cảm tình với bạn khác giới? Chỉ là vì không muốn nói ra mà thôi.
Người vừa bịt miệng cười Vương lúc nãy, giờ thấy im lặng. Câu nói vừa rồi giống như một nhát dao khía vào lòng mọi người. Mình phải thừa nhận rằng cậu ta nói đúng.
Lưu Hạ nói:
_ Bây giờ những thuật ngữ mà học sinh trung học sử dụng để hình dung chuyện yêu đương là quá nhiều, nào là “không nên ăn trái cấm”, “phạm một lỗi đẹp”, “sai lầm không nên đi vào”, “táo xanh nuốt không trôi”. Tất cả đều bao hàm hai nghĩa, thứ nhất là sự đẹp đẽ và sức quyến rũ, hai là sự quá sớm của việc đó.
Vương Tiếu Thiên và Lưu Hạ khi nói chuyện bao giờ cũng người hô kẻ ứng rất ăn ý. Dù hai người cãi nhau vì chuyện tờ tranh, nhưng khi nói chuyện vẫn luôn “Anh hát ả khen hay”. Chả trách bạn bè cứ trêu họ là “một cặp trời sinh”. Có đùa gì thì đùa chứ mình vẫn thật sự khâm phục đôi “Kim đồng Ngọc nữ”, họ rất trong sáng về mặt tình cảm. Mấy hôm trước dì họ mình ở Hồ Nam có nhờ mẹ mình giới thiệu đối tượng. Bản thân dì không có điều kiện hấp dẫn gì lắm nhưng lại yêu cầu rất cao. Một là phải có hộ khẩu ở Thâm Quyến, hai là phải có cơ sở kinh tế, ba là phải có bằng đại học trở lên, bốn là phải cao một mét bảy lăm trở lên, năm phải… Học sinh trung học thì không thế, họ “tìm hiểu” nhau không tầm thường và tính toán như người lớn. Họ trọng tình cảm.
Lúc ấy Liễu Thanh nói:
_ Tôi cũng không biết nói gì. Tôi đã từng đọc một quyển sách nói về tình yêu sớm của đôi thiếu niên, nhưng xem xong cũng thấy nó chẳng ra sao cả. Quyển sách đó kể về sự “tìm hiểu” của hai bạn học sinh, sau có bạn mách đến trường. Đối với chuyện này hai người thầy có thái độ khác hẳn nhau: thầy bí thư đoàn thì kiên quyết “giáo dục”, bắt học sinh phải viết bản kiểm điểm, nộp nhật kí, làm cho học sinh rất bất bình. Ngược lại cô chủ nhiệm có thái độ khác hẳn với việc này, cô giáo dục học trò bằng cách kể lại chuyện của chính mình: hồi trước bản thân cô cũng đã từng lầm lẫn ra sao, sau này thế nào, rồi cô còn họp lớp, cô còn viết những lời dự đoán tương lai sau từng bức ảnh của các em học sinh như: “Kiến trúc sư tương lai”, “Nhà khoa học tương lai”. Cô dạy học sinh: “Chủ nghĩa cộng sản đang vẫy gọi các bạn, các bạn hãy học tập cho tốt để tiến lên”. Cuối cùng các bạn học sinh đã nhận ra sai lầm của mình. Bạn trai đã phát biểu trên lớp: “Em xin cảm ơn sự giúp đỡ của cô giáo. Vâng, em đã phạm một số sai lầm, đã mất hướng, hiện giờ em cần phải ghìm cương trên bờ vực. Chủ nghĩa cộng sản đang vẫy gọi em…” Xem xong mình rất bực, cảm thấy buồn thay cho bạn gái kia. Làm sao một tình cảm chân thành như thế lại bị coi là “lầm đường” kia chứ? Sau đó xem sang trang đề bản quyền mới thấy cuốn sách đó xuất bản năm 1982, lúc ấy mới thở phào một hơi thảo não. Cái thứ của hơn chục năm trước mới “quê” làm sao!
Đây là lần đầu tiên Liễu Thanh nói chuyện trước mặt bao nhiêu người, nhưng mà nói thật là hay.
Các bạn đều lên nói rất hay, còn mình, mình biết nói gì đây? Mình không thể nói ra được rõ ràng sự cảm nhận của chính bản thân.
_ Có những khi, những khi tôi thấy tình yêu thật cụ thể, thật rõ ràng. Có những khi lại thấy tình yêu thật xa vời, thật mông lung. Có người bảo: “Con gái mười sáu mười bảy tuổi có những tình cảm đẹp đẽ nhất, qua đi là già rồi. Trước tuổi hai mươi mà chưa có mối tình đầu thì cuộc đời sẽ không hoàn chỉnh”. Nhưng cũng có người nói: “Chén rượu ấy rất thơm ngon đậm đà, nhưng hiện giờ chưa phải lúc thưởng thức”. Tất cả người lớn đều nói không nên yêu sớm, yêu sớm không tốt. Thực ra đây cũng không phải là chuyện có cần phải nghĩ ngợi hay không, mà là… tôi, tôi không biết nói thế nào cho rõ…
Phát biểu xong mình mới suy nghĩ lại về những điều vừa nói và cả về cảm giác muốn nói mà không nói ra được. Mình nhớ lại những tình cảm trong giai đoạn vừa qua của mình. Tiếp theo là các bạn khác phát biểu, mình chẳng còn tâm trí nào nghe nữa.
Thầy Giang cũng phát biểu. Thầy kể một câu chuyện:
_ Không biết tự khi nào có một cậu con trai cứ nghĩ đến cô ấy. Ngày nào không thấy cô, cậu bé cảm thấy trống rỗng trong lòng, nhưng gặp mặt cô lại không nói bao giờ. Cậu ta làm cho cô chú ý, cứ hễ khi nào có cô, cậu ta lại hết sức hoạt bát. Cho đến hôm tốt nghiệp, cả hai vẫn chẳng nói gì với nhau. Sau này khi mỗi người đều có gia đình, có bạn đời và con cái, tất cả mọi điều hồi trung học đều trở thành những kí ức tuyệt đẹp và vĩnh cửu. Thật đáng mừng cho người bạn trai ấy bởi cách giải quyết là im lặng ấy thật tuyệt diệu. Có thể các em sẽ nói rằng cậu ta nên nói ra những tình cảm của mình thì mới xứng đáng là con trai. Thích ai thì nên dũng cảm nói ra và theo đuổi nhưng điều đó chỉ nên dành cho những người đã trưởng thành và có sự hiểu biết về xã hội. Hai học sinh trung học đều đang ở giai đoạn trưởng thành có nhiều thay đổi mà lại phải cùng duy trì một tình cảm vĩnh hằng không thay đổi, mặc dù tâm có thừa, nhưng sức thì không đủ!
_ Đúng là khẩu khí nhà trường – Dư Phát nói.
_ Thế còn cậu thì nghĩ sao?
_ Mình ấy à? Chả nghĩ sao cả. Trong làng mình có rất nhiều cô lấy chồng rồi thì nghỉ làm. Chồng mở công ty hoặc làm ở nhà máy kiếm tiền còn vợ thì ở nhà nội trợ. Hiện giờ có nhiều bạn gái ở nội địa như Hồ Nam, Tứ Xuyên được những người có tiền ở đây cưới về làm vợ, đương nhiên họ là những cô gái đẹp rồi. Suốt ngày họ chỉ ăn diện son phấn lòe loẹt, dắt chó cảnh lượn trên phố. Có rất nhiều người phản cảm với bọn họ, mình cũng thấy không thuận mắt – Dư Phát vừa nói vừa bắt chước quý bà đi lại trên đường phố làm cho tất cả phì cười, cậu ta cũng vui, đưa tay lên gãy gáy – Hà, chúng ta hãy nghe xem cách nhìn của Trần Minh nào!
Trần Minh bị các bạn vừa thúc vừa giục. Mình thấy cậu ta cứ kì kì thế nào ấy. Quả là “cool”, “cool” đến mức không chịu nổi. Nhưng mình cũng muốn nghe kiểu người ấy bàn về tình yêu.
Mãi Trần Minh mới đứng lên được, cậu ta nói:
_ Tôi nghĩ trước khi tôi có một cơ sở chắc chắn trong sự nghiệp, trước ba mươi tuổi, tôi không thể nghĩ đến chuyện ấy được. Tôi tin vào câu nói này: “Khi sự nghiệp thành công thì hạnh phúc cũng đến theo!”.
Nói xong không hiểu sao Trần Minh lại liếc nhìn mình một cái. Với ánh mắt và câu nói của cậu ấy, mình tin rằng cậu ấy sẽ thành công.
Nói xong, Trần Minh ngồi ngay xuống. Chỉ nghe thấy tiếng một bạn gái: “Trời!”. Mình nghĩ là tiếng của Liễu Thanh.
_ Có một số bạn căn bản không hiểu tình yêu là gì, nên cũng bắt chước tìm hiểu. Không có ai tìm hiểu hoặc không tìm hiểu được ai thì cho là mất thể diện, không cùng thời đại.
Thực ra có người kết bạn là theo phong trào, tìm sự kích thích. Có người do người khác nói vun mãi mà thành. Người khác cứ nói mãi họ tốt đôi thế là dần dần hai người cũng cảm thấy tốt đôi. Lại còn có kiểu kết bạn để động viên nhau cùng tiến bộ.
_ Tình cảm của cha mẹ tôi rất tốt. Tôi hy vọng sau này tôi cũng được như cha mẹ.
_ Thưa thầy Giang, yêu đương và học tập có mâu thuẫn nhau không ạ?
Thầy Giang gật đầu khẳng định:
_ Có chứ, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa.
_ Thưa thầy, tuổi nào tìm hiểu là thích hợp nhất ạ?
_ Điều ấy hoàn toàn không thể căn cứ theo tuổi tác. Khi nào chín muồi thì là lúc thích hợp. Chưa chín hoặc chín quá đều không tốt. Người Quảng Đông gọi yêu đương là “buộc kéo”, các em có biết vì sao không? Vừa nghe thấy mấy từ ấy tôi cảm thấy không hiểu mà cũng không thể chấp nhận được, sau này biết được nguyên nhân của nó thì mới hiểu được. Hóa ra trước kia ở Châu Giang bởi thuyền gỗ không chạy được nên phải buộc vào thuyền máy để thuyền máy kéo đi. Tới bến thuyền máy không vào được nữa thì lại có thuyền gỗ cập mạn cho người và hàng lên bờ rồi lại lên thuyền, cuối cùng thì cặp ghép để cùng vào bờ. Vì thế đối với tình yêu, người ta dùng từ “buộc kéo” thì thật đúng. Có điều đối với lứa tuổi các em thì quả thực còn quá sớm và đó chính là lí do vì sao nhà trường và gia đình phản đối các em yêu. Các em cứ trách mọi người rằng không hiểu tình cảm của các em, hay can thiệp vào. Thực ra đó là kiểu thương yêu của người lớn mà không biết cách thể hiện cho tốt. Nếu như ngay đến điểm ấy các em cũng không hiểu thì sao có thể hiểu được những tình cảm khác?
Nghe tới đó, không ít bạn đã gật đầu tán thành.
Lúc ấy mình nhận ra Hân Nhiên không nói câu nào, chỉ cắn chặt môi. Sao bạn ấy không phát biểu nhỉ? Chắc chắn bạn ấy phải có suy nghĩ riêng chứ? Cách nhìn của bạn ấy thường chín chắn hơn người khác mà!
Rồi cũng có người nhắc đến tên:
_ Chúng tôi hoan nghênh Tạ Hân Nhiên phát biểu, cách kiến giải của bạn chắc phải cao hơn người khác một bậc.
Hân Nhiên cười cười:
_ Quả thực tôi cũng có một đôi điều suy nghĩ, nhưng giờ thì không nói ra được. Tôi chỉ có một câu thôi: tôi tin vào tình yêu, và tôi cũng tin vào cuộc sống, tin vào mặt trời của ngày mai. Chỉ cần chúng ta yêu cuộc sống thì cuộc sống sẽ không tệ bạc với chúng ta.
Tuy Hân Nhiên nói rất ít nhưng những lời nói tự trong lòng ấy thật chân thành. Mình cầu phúc cho bạn vì chúng ta là bạn thân mà!
Hân Nhiên nói xong rồi, nhưng còn Tiêu Dao? Bạn ấy có cao kiến gì không? Mình chờ đợi. Mình cứ tưởng mình đã chín chắn, hôm nay nghe các bạn phát biểu mới tỉnh ngộ ra là mình rất ấu trĩ. Hầu như bạn nào cũng có nhận thức riêng của mình, kể cả Dư Phát nữa. Bạn ấy cũng có cách nhìn riêng. Mọi người đều nói lên quan điểm của mình, thế giới dường như sáng rõ ra rất nhiều. Thầy Giang hầu như chỉ là một thành viên thường trong cuộc thảo luận của học trò. Thầy không gán ghép quan điểm của mình cho ai cả song chúng mình đều hiểu rất rõ dụng tâm của thầy, dù rằng vị tất chúng mình đã thừa nhận toàn bộ quan điểm của thầy. Lần thảo luận này giúp chúng mình phân tích sự vật một cách khách quan, bình tĩnh, trong đó có tình yêu. Có lẽ đó là ý nghĩa của cuộc thảo luận này.
Điều đáng tiếc duy nhất là từ đầu đến cuối Tiêu Dao không phát biểu. Phải chăng bạn là “người thật sự tài không lộ mặt?”.
Ôi, đã viết đến sáu bảy trang, tay đã mỏi rời song mình vẫn chưa ghi lại được hoàn chỉnh. Lúc ấy mà mang cái máy ghi âm thì đỡ biết bao!
Cuối cùng mình mượn lời thầy Giang để kết thúc những trang nhật ký này:
“Nếu vội vã bước chân xuống dòng sông yêu đương thì chi bằng lặng lẽ đợi ngày trưởng thành. Làm điều gì khởi điểm cũng cần phải cao thì tình yêu cũng cần có khởi điểm tương đối cao như thế”.
Hôm nay mình hơi xúc động, dường như đang sắp xếp lại những mối suy tư chồng chất của mình, dường như hiểu rõ được một điều mà mình luôn muốn hiểu rõ song lại chưa hiểu rõ được. Cuối cùng có người đã giải đáp được vấn đề mà mẹ từng dùng “sau này tự nhiên con sẽ hiểu” để khỏa lấp.
Bất chợt mình đã hiểu được những câu thơ bao hàm ý hướng tới và theo đuổi một tình yêu cao cả, đẹp đẽ của Hoắc Khứ Bệnh như “Gia đình để làm chi”, của Lý Thanh Chiếu như “Chở đâu nổi bấy nhiêu sầu”, của Gớt như “Thiếu nữ nào chẳng yêu đương”.
Sau này sẽ có một ngày mình sẽ có nhận thức mới khi mình đọc lại những trang nhật ký này để rồi đính chính lại cách nhìn của ngày hôm nay. Có lẽ mình sẽ thấy buồn cười về những ý kiến thảo luận tình yêu khi mình mới mười sáu, mười bảy tuổi hôm nay. Lúc ấy khẩu khí của mình chắc cũng lại giống như của các thầy và phụ huynh hôm nay. Nhưng hôm nay thì chưa đâu! Mình chỉ nghiêm chỉnh nhớ lại và ghi chép tỉ mỉ cách nhìn của lũ mười sáu mười bảy tuổi chúng mìnnh về tình yêu và gia đình mà thôi.