Sinh năm Canh Dần (1830), tại làng Hanh Thông, tỉnh Gia Định. Hai mươi tuổi đỗ cử nhân ( Kỷ Dậu, Tự Đức 2 1849 ) nên thường gọi là Cử Trị. Thang mây sẵn bước, có thể ruổi dong trên hoạn lộ một cách dễ dàng, nhưng tính khí ngang tàng, không chịu bó buộc, mặc dầu sống trong gia đình thanh bạch: ông lấy việc dạy học và bốc thuốc làm phương độ nhật. Khi quân Pháp gây hấn ở Gia Định (1862), ông tránh xuống Vĩnh Long kết giao với Nguyễn đình Chiểu và Huỳnh mẫn Đạt. Năm 1867, Vĩnh Long lọt vào tay Pháp, ông cảm khái thốt ra lời thơ đau đớn trước sự bất lực của triều đình: Vĩnh Long thất thủ. Tò tè kèn thổi, tiếng năm ba… Nghe lọt vào tai ruột xót xa. Uốn khúc sông Rồng mờ mịt khói. Vắng hoe thành Phụng ủ rầu hoa. Tan nhà, căm nỗi câu ly hận. Cắt đất, thương thay cuộc giảng hoà. Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ. Ngậm cười, hết nói nỗi quan ta! Từ đó, ông thường mượn thi văn để tỏ lòng phẫn uất về cảnh nước mất nhà tan, chỉ trích những người hợp tác với Pháp, lời lẽ đanh thép và ngạo nghễ. Dưới đây là bài thơ tả tâm sự kẻ sĩ phu đứng trước quốc nạn. Cảm hoài. Cõi Nam chung hưởng cuộc thăng bình. Trời đất gây nên cuộc chiến tranh. Xe ngựa rộn ràng, xe ngựa khách. Nước non vun quén, nước non mình. Những trang dụng thế đành ngơ mặt. Mấy gã trung quân nỡ phụ tình! Bao thuở đem về cơ nhất thống. Ngàn thu bia tạc đấng trung trinh…. Phong trần lắm lúc luống sầu riêng. Biết mượn tay ai gỡ nỗi phiền? Áo mũ ba đời, ơn rất trọng. Can qua một cuộc, nghĩa chưa tuyền. Trớ trêu con tạo lòng đa xảo. Tráo trở anh hùng buổi thiếu niên. Phất phới bụi hồng đà trải dấu. Tâm tình chiều uốn thú hàn thuyên. Tay nâng, há dám một mình đây? Kẻ Bắc, người Nam bấn dạ này. Thế sự lăng xăng cờ túng nước. Nhân tình tráo chác gió rung cây. Giao hoà, bởi sợ mưu mô cạn. Cắt đất, vì kiêng trí lực dày. Ướm hỏi những ai trên đất Việt. Tấm lòng thiết thạch há như vầy? Tài năng chi đó khéo trêu ngươi. Cái phận nam nhi luống nực cười. Ngược đậu, xuôi đi, hiềm thế nước. Sâu dầm, cạn vén, thuận tình đời. Quan san dặm thẳng đường liền bước. Tùng cúc vườn xưa cảnh nhớ người. Tạo hoá một bàu xoay khí vận. Đông qua xuân lại trở màu tươi… Tổng đốc Trần bá Lộc nghe danh ông, nên khi qua Vĩnh Long cho lính đòi ông đến, ý muốn trừng trị thái độ ương ngạnh. Lộc bắt ứng khẩu làm một bài thơ. Ông xin cho đầu bài. Lộc vốn thô lỗ, buông lời tục tĩu: - Cục cứt! Ông đứng ngâm ngay bốn câu: Đương cơn lộn xộn ló đầu ra. Người thấy, ai mà chẳng sợ va! Cậy thế, khom lưng ngồi dưới đít. Biết đâu sắp bị chó liền tha! Thơ tả đúng đầu đề, nhưng mỉa mai bao nhiêu cho cái uy quyền mượn của viên tổng đốc mới! Lộc nghe xong mắc cở đuổi về. Cuộc xướng họa làm cho ông nổi tiếng nhất thời ấy, là cuộc bút chiến với Tôn thọ Tường. Ông cùng các bạn Nguyễn đình Chiểu và Huỳnh mẫn Đạt, đứng vào phe bất hợp tác, còn Tôn ở phe hợp tác. Tôn sinh năm 1825, cũng ở Gia Định. Thân phụ là Tôn thọ Đức, nguyên là tuần vũ Thuận Khánh ( Bình Thuận – Khánh Hoà ). Năm 30 tuổi, Tôn thi hương hỏng, bèn ra Huế, xin tập ấm là quan văn, bất đồ triều đình lại bổ sang ngành võ, Tôn bất mãn bỏ về. Đến năm 1862, triều đình nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền đông, Pháp muốn lấy lòng dân, kêu gọi hợp tác của sĩ phu, Tôn vì sinh kế phải hưởng ứng, được Pháp trọng dụng cho làm tri phủ Tân Bình dần dần lên đến chức đốc phủ sứ. Tôn ra hợp tác cho mình là thức thời. Thầm mong lôi cuốn bằng hữu cùng đi đường với mình, hay đâu các bạn từ đó quay mặt đi, ai cũng mỉa là tên bán nước. Tôn bị cô lập lại bị mạt sát nặng nề, thấy tự hối hận, bởi trót mặc vào vòng rồi. Đành làm 10 bài thơ bào chữa cho mình và thanh minh với dư luận, nhan đề là “ Giang san ba tỉnh ”. Mười bài này phổ biến ra, Cử Trị bèn làm 10 bài hoạ lại. dưới đây xin chép từng bài xướng hoạ, để thấy rõ lập trường của hai phái “ hợp tác” và “ bất hợp tác ”. Bài 1. Giang san ba tỉnh hãy còn đây. Trời đất xui chi đến nỗi này? Chớp nhoáng thẳng bong dây thép gió. Mây tuôn đen kịt khói tàu bay. Xăn văn thầm tính thương đôi chỗ. Khấp khởi riêng lo, biết những ngày. Miệng cọp, hàm rồng chưa dễ chọc. Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay! Tôn khoa trương lực lượng Pháp: dây thép, tàu thủy, khuyên chớ làm như trẻ con chọc vào miệng cọp hàm rồng. Bài họa. Hơn thua chưa quyết đó cùng đây. Chẳng đã nên ta mới thế này. Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy. Cồn Rồng dầu mặc bụi tro bay. Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở. Bủa lưới săn nai cũng có ngày. Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ. Lòng ta sắt đá há lung lay. Cử Trị tả sự tàn bạo của kẻ xâm lăng “ Lửa thiêu Bến Nghé, tro bay Cồn Rồng ”. Nhưng mặc dầu vậy, ta cũng cứ kiên chí nuôi muông bủa lưới, có ngày giết thỏ săn nai, người đừng mượn hơi hùm mà rung cây cho khỉ sợ. Bài 2. Thày lay lại chuốc lấy danh nhơ. Ai mượn mình lo chuyện bá vơ? Trẻ dại, giếng sâu, lòng chẳng nỡ. Đường xa, ngày tối, tuổi không chờ. Áo xiêm chán thấy xăn tay thợ. Xe ngựa nào toàn gỡ nước cờ. Rủi rủi may may đâu đã chắc? Miệng lằn lưỡi mối hãy tai ngơ! Bày trò ra thì mang xấu, lo chuyện bâng quơ làm gì: ta thấy giếng sâu, không nỡ cho trẻ lao mình xuống, vả đường xa ngày tối, đi sao cho kịp? Cứ xem các quan ta cố chống trả mà có gỡ được nước cờ đâu? Vậy đừng nên nghe lời xúi dại. Bài họa. Lung lay lòng sắt đã mang nhơ. Chẳng xét phận mình khéo nói vơ! Người trí mảng lo danh chẳng chói. Đứa ngu mới sợ tuổi không chờ. Bài hoà đã sẵn in tay thợ. Việc đánh hơn thua giống cuộc cờ. Chưa trả thù nhà đền nợ nước. Dám đâu mắt lấp lại tai ngơ! Tôn muốn lung lạc người trí thức, ấy là xấu rồi: trí chỉ lo trọn đạo, ngu mới hành động hấp tấp, ăn xổi ở thì. Bây giờ giảng hoà là ta thua rồi, nhưng đó đã chắc được chưa, chúng ta không thể làm ngơ trước thù nhà nợ nước. Bài 3. Tai ngơ mắt lấp buổi tan tành. Nghĩ việc đời thêm hổ việc mình. Nghi ngút tro tàn nhà đạo nghĩa. Lờ mờ bụi đóng cửa trâm anh. Hai bên vai gánh ba giềng nặng. Trăm tạ chuông treo sợi chỉ mành. Trâu ngựa dầu kêu, kêu cũng chịu. Thân còn chẳng kể, kể chi danh! Cũng vì tan tành nên không ngơ được: nền lễ giáo đã mất, ta vẫn phải cứu vãn lại nhưng việc thật khó khăn: quả chuông trăm tạ treo bằng sợi chỉ. Thôi thì bảo ta là trâu ngựa ta cũng chịu, ta ra cộng tác thế này còn nghĩ gì đến thân danh nữa; cốt cứu được nước mà thôi. Bài họa. Tai ngơ sao được lúc tan tành. Luống biết trách người chẳng trách mình. Đến thế còn khoe danh đạo nghĩa. Như vầy cũng gọi cửa trâm anh. Khe sâu vụng tính dung thuyền nhỏ. Chuông nặng to gan buộc chỉ mành. Thân có, ắt danh tua phải có. Khuyên người biết trọng cái thân danh. Muốn trách người phải trách mình trước. Đã cộng tác thì đừng nói đến đạo nghĩa, trâm anh là gì. Chúng ta đã trót vụng tính để thuyền nhỏ lọt vào khe sâu, thì phải có gan treo chuông bằng chỉ, ấy là bảo trọng thân danh đấy. Bài 4. Kể chi danh phận lúc tan hoang. Biển rộng trời cao nghĩ lại càng… Lên núi bắt hùm chưa dễ láo. Vào sông đánh cá, há rằng oan. Người giương mắt ngạo đôi tròng bạc. Kẻ ứa gan trung bảy lá vàng. Chiu chít thương bấy gà mất mẹ Cũng là gắng gỏi, dám khoe khoang! Lúc này kể gì danh phận nữa, nhưng nghĩ vì chống Pháp cũng như lên núi bắt hùm, vào sông đánh cá, nguy hiểm bao nhiêu. Các ông chỉ trích tôi, thật đau đớn cho tôi: vì tôi thương gà con mất mẹ, nên mới gắng ra gánh vác việc nước. Bài họa. Thân danh chẳng kể, thiệt thằng hoang… Đốt sáp nên tro lụy chẳng còn.. Hai cửa trâm anh xô sấp ngửa. Một nhà danh giáo xáo tan hoang. Con buôn khấp khởi chưa từng ngọc. Người khó xăn văn mới gặp vàng. Thương kẻ đồng văn nên phải nhắc. Dễ ta đâu dám tiếng khoe khoang. Thân danh mà không đếm xỉa đến, thật là vô liêm sỉ. Khá thương cho kẻ đốt sáp thành tro, làm điếm nhục đến gia thanh. Chỉ trông thấy ngọc đã loé mắt, không biết rằng có chịu khổ sở mới thành công. Vì ông cũng là trong mạch thư hương nên mới nói mà thôi. Bài 5. Khoe khoang sức giỏi cậy tài khôn. Múa mép khua môi cũng một phồn. Tơ vần cánh ruồi kinh trí nhện. Gió đưa hơi cọp khiếp oai chồn. Siêng lo há đợi cơm kề miệng. Chậm tính nào ngờ nước đến trôn. Hay dở chuyện đời còn lắm lối. Múa men xin hãy chớ bôn chôn. Thôi đừng ba hoa nữa: sức các ông như cánh ruồi mà định làm cho nhện sợ; như lũ chồn, ngửi thấy hơi cọp là run. Nếu biết lo thì chẳng nên đợi ai đưa cơm kề miệng cho mình; nước đến trôn lúc nào không biết…. Bài hoạ. Khoe khoang việc phải mới rằng khôn. Kẻ vạy người ngay há một phồn. Hồng dẫu hư lông đâu sợ sẻ. Hùm như thất thế dễ thua chồn. Người Nhan xá ngại dao kề lưỡi. Họ Khuất nào lo nước đến trôn. Tháy máy gặp thời ta sẽ động. Muốn nên việc lớn chớ bôn chôn. Kẻ trái người ngay sao lại vơ đãu cả nắm? Chim hông tuy mất ít long đâu có sợ chim sẻ, hùm mà thất thế há thua chồn. Nhan cửu Khanh đời Đường bị giặc bắt, chửi giặc, giặc đem cắt lưỡi, vẫn không hề sợ. Khuất Nguyên can vua Sở, biết vua sẽ ghét mình sẽ nguy, nhưng cũng không lo. Hễ cơ hội đến là ta sẽ hành động. Bài 6. Hãy chớ bôn chôn việc cửa nhà. Sau này còn ngại nỗi đường xa. Ma duồng cơn ngặt lung hai trẻ Trời mỏi lòng thương xót một già. Lái đã vững vàng cơn sóng lượn. Thoi toan đan dệt lúc mưa sa. Ở đời há dễ quên đời được. Tính thiệt so hơn cũng gọi là… Đường xa còn nhiều trở ngại lắm. Nước ta ví như người già trời còn thương, nhưng mà hai trẻ cứ giục chết cho mau. Cơn sóng lượn nay ta đã cầm lái vững, ta lại lo dệt áo phòng mưa nữa. Phải suy hơn thiệt, chớ đừng mai mỉa không công bằng. Bài họa. Bôn chôn cũng bởi bận vì nhà. Dám trách người xưa chửa tính xa? Hăm hở hãy đang hăng sức trẻ. Chìu lòn e cũng mỏn hơi già. Mồi thơm cá quý câu không nhạy. Cung yếu chim cao bắn chẳng xa. Đáy giếng trông trời giương mắt ếch. Làm người như vậy cũng rằng là… Đâu dám trách ông nông nổi: thanh niên đang hăm hở, còn ông thì lòn cúi cũng hết hơi. Ông muốn dụ chúng tôi, nhưng mồi thơm không câu được cá quý, cung yếu không bắn được chim cao. Ông không biết ngó xa trông rộng, như thế không xứng đáng là kẻ sĩ. Bài 7. Cũng gọi là người ắt phải lo. Có hay chịu khó mới nên trò. Bạc mông mênh biển cầu toan bắc. Xanh mịt mù trời thước rắp đo. Nước ngược chống lên thuyền một mái. Gác cao bó lại sách trăm pho. Lòng này dẫu hỏi mà không hổ. Lặng xét thầm soi cũng biết cho. Người ta phải thực tế không nên viễn vông, bắc cầu trên biển, lấy thước đo trời. Tiếc thay tình thế ngửa nghiêng mà tôi như thuyền một mái, trong khi các ông chỉ ngồi cao xem sách. Tôi tự xét không hổ với mình, đã có trời xét cho. Bài họa. Rằng là người trí cũng xa lo. Nhuần nhã kinh luân mới phải trò. Ngay vạy nảy ra cho biết mực. Thấp cao trông thấy há rằng đo. Xe Châu nào đợi kinh năm bộ. Níp Tống vừa đầy sách nửa pho. Chuốc miệng khen người nên cắc cớ: Đạo trời ghét vạy há soi cho! Đã là người trí thì phải lo xa, phải cư xử cho đúng đạo thánh hiền. Ai cong ai ngay, ai cao ai thấp, cần gì phải nói. Tôi cũng học nông nổi thôi, nhưng khuyên ông nên ở phải, đạo trời đâu có soi cho kẻ cong queo. Bài 8. Đã biết cho chưa hỡi những người. Xin đừng tiếc hận, chớ chê cười. Ví dầu vật ấy còn roi dấu. Bao quản thân này chịu dễ ngươi. Trăng giữa ba thu mây cũng tỏ. Hoa trong chín hạ nắng càng tươi. Khó lòng mình biết lòng mình khó. Lòn lỏi công trình kể mấy mươi. Xin đừng chê cười: các ông khinh tôi cũng chẳng ngại, miễn là nước vẫn còn. Rồi ra trắng sáng thì mây mờ; hoa tàn gặp nắng thì tươi, chỉ mình tôi biết cho tôi là công trình luồn lỏi đã nhiều cũng vì thương nước thương dân. Bài họa. Soi cho cũng biết ấy là người. Chẳng tiếc thân danh, luống sợ cười. Ba cõi may dầu in lại cũ. Đôi tròng trông đã thấy không ngươi. Ngọc lành nhiều vết coi không lịch. Thơ vụng ít màu nhuộm chẳng tươi. Đứa dại trót đời, già cũng dại. Lựa là tuổi mới một đôi mươi. Ông kể cũng lạ, chẳng tiếc than danh lại sợ chê cười! Nếu như đất nước thu về được, thì chẳng ai thèm nhìn đến ông, vì ngọc lành nhiều vết, thơ nhuộm vụng tay. Thật là già đời còn dại. Bài 9. Kể mấy mươi năm nước lễ văn. Rắn dài, beo lớn, thế khôn ngăn; Bốn đời, chung đội ơn nuôi dạy. Ba tỉnh, riêng lo việc ở ăn. Hết sức người theo trời chẳng kịp. Hoài công chim lấp biển không bằng. Phải sao chịu vậy thôi thì chớ. Nhắm mắt đưa chân lỗi đạo hằng. Tôi cũng bốn đời gia thế, nay một mình phải lo liệu cho đời sống dân ba tỉnh, tiếc rằng việc nước khó gỡ lại. Chim Tinh Vệ hoài công tha đá lấp biển không bằng, thôi thì nhắm mắt đưa chân, lỗi đạo đành chịu. Bài họa. Một đôi mươi uổng tính xăn văn. Đất lở ai mà dễ dám ngăn? Nong nả dốc vun nền đạo nghĩa. Xốn xang nào tưởng việc làm ăn. Thương người vì nước ngồi không vững. Trách kẻ cầm cân kẻo chẳng bằng. Gió xẵng mới hay cây cỏ cứng. Dõi theo người trước giữ năm hằng. Đã đành ngăn sao được đất lở, nhưng mà tính quẩn làm gì, lo gì việc làm ăn, hãy cốt giữ vững lấy đạo nghĩa. Ta những thương kẻ bôn ba lo việc nước và trách trời ở không công. Cây cỏ tuy yếu nhưng gió to mới biết là cứng; nên ở cho đúng đạo làm người thì hơn. Bài 10. Đạo hằng chi trước thảo cùng ngay. Lỗi đạo sao cho đáng mắt thầy. Đất quét đã đành bia lỗ miệng. Chén tràn e nỗi trở bàn tay. Nghĩa đen dạy trẻ tranh còn lấp. Mặt trắng xem trời cánh khó bay. Chí muốn ngày nào cho được toại? Giang san ba tỉnh hãy còn đây! Ai chẳng biết đạo thảo ngay, song đi với kẻ thắng đã đành là xấu, nhưng để nước tràn ra ngoài chén thì còn cứu vãn sao kịp; đem lời thực bảo cho mà không nghe thì các ông khó có cánh bay đâu được. Chí muốn của các ông bao giờ thành được? Mà đất có mất đâu: giang san hãy còn đây mà. Bài họa. Năm hằng vốn thiệt thảo cùng ngay. Cuộc ấy ai xui khéo bận thầy. Gặp lúc chẳng may nên ngậm miệng. Chờ khi tháy máy sẽ ra tay. Nổi chìm mặc thế tình dày mỏng. Cao thấp dầu ta sức nhảy bay. Một trận gió đưa xiêu ngã cỏ. Hơn thua chưa quyết đó cùng đây. Thật thế: đạo thảo ngay phải giữ, sao ông lại lo giùm cho người ta? Chúng ta gặp bước không may thì ngậm miệng chờ thời cuộc xoay vần. Dân tộc lầm than nhiều ít hãy nán lòng đợi, ta sẽ có lúc đem toàn lực tranh cao thấp. Cỏ bị gió thì ngã xuống, nhưng sự hơn thua đã biết chắc là về ai. Sau cuộc bút chiến hào hứng này, Tôn không còn dám khoe lực lượng Pháp và coi nhân dân như trẻ nít nữa. Ông dựa vào hoàn cảnh để cãi tội: vì hoàn cảnh ông phải quyền biến chứ lúc nào chỉ một lòng cứu nước cứu dân. Ông ngụ tình vào bài: Tôn phu nhân qui Hán. Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông! Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc. Về Hán, trau tria mảnh má hồng. Son phấn thà cam dày gió bụi. Đá vàng chi để thẹn non sông. Ai về nhắn với Chu Công Cẩn. Thà mất lòng anh, được bụng chồng. Tôn phu nhân đi lấy chồng lúc nào cũng nhớ nhà, như mình theo Tây mà vẫn không quên nước: bịn rịn chòm mây bạc. Tôn cũng như phu nhân thà chịu đau khổ, nhưng cũng làm vẻ vang cho nước: Son phấn thà cam dày gió bụi. Đá vàng chi để thẹn non sông. Tuy có mất lòng anh, song được bụng chồng vì có thể đỡ đần được cho dân khỏi khổ. Bài này truyền ra Cử Trị lại trả lời: Cài trâm sửa ao vẹn câu tòng. Mặt giã trời chiều biệt cõi Đông. Khói toả vùng Ngô chen thức bạc. Duyên xe về Thục đượm màu hồng. Hai vai tơ tóc bền trời đất, Một gánh cang thường nặng núi sông. Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết? Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng! Đại ý nói ông sắm sửa mũ áo theo Tây, mặc kệ cảnh khói lửa lầm than, tìm đến chỗ màu hồng đẹp đẽ, quên rằng cương thường không thể nào bỏ được: trai ngay thờ chúa cũng như gái trinh phải thờ chồng. Sau đó Tôn lại làm một bài ngụ ý nữa, tự ví mình như Từ Thứ bất đắc dĩ phải theo Tào, nhưng không theo thật lòng nên chỉ ngậm miệng, không giúp Tào một mưu chước nào: Từ Thứ quy Tào. Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi (1) Muối xát lòng ai nấy mặn mòi. Ở Hán hãy còn nhiều cột cả. Về Tào chi xá một cây còi. Buâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén. Bịn rịn trông vua biếng giở roi. Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy. Thân này xin gác ngoại vòng thoi. Ý nói mình không dám bảo mình cũng yêu nước như ai, song nước nhà còn nhiều người xứng đáng, thì một người xoàng như mình có theo Tây cũng chẳng đi đến đâu. Tuy theo những vẫn nhớ nước nhớ vua. Thôi thì chẳng được khôn với các ông thì về với Tây làm kẻ dại vậy, từ nay xin đứng ngoài vòng quốc sự. Cử Trị đáp lời ngay: Quá bị trên đầu nhát búa voi. Kinh luân đâu nữa để khoe mòi! Xăn văn ruổi Ngụy mây ùn đám. Dáo dác xa Lưu gió thổi còi. Đất Hứa nhớ thân sa giọt tủi. Thành Tương mến chúa nhẹ tay roi! Về Tào ngậm miệng như bình kín. Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi. Các ông đã theo Pháp ùn ùn như mây kéo, tránh xa cái nước yếu này rồi, tuy thỉnh thoảng nhớ nước mà sa lệ, nhưng lúc ra đi mà tay roi đét ngựa lẹ thế? Ông hứa ngậm miệng không bày mưu gì cho Pháp, nhưng lời ông liệu đáng tin đến mực nào? Cuộc bút chiến đến đây chấm dứt, vì từ đây Tôn ngậm miệng như bình kín, mặc cho sự thế xoay vần, miễn mình được lên xe xuống ngựa. Tôn tạ thế năm 1876, thọ 52 tuổi. Cử Trị sau về Cần Thơ, vẫn theo đuổi việc dạy học và bốc thuốc. Năm 1910 thì mất, thọ 81 tuổi. …….. 1. Vua Thuấn đi cày, có con voi cảm lòng hiều thảo của vua, ra dẫm nát đất để cày giúp. HẾT