Có lẽ chưa có người phụ nữ Nhật Bản nào nhận được nhiều giải thưởng khoa học như Chiaki Mukai, chưa có người phụ nữ Nhật Bản nào là tác giả của nhiều ấn bản như Chiaki Mukai và cũng chưa có người phụ nữ Nhật Bản nào được thế giới nhắc đến nhiều như Chiaki Mukai. Chiaki Mukai sinh ngày 6 tháng Năm năm 1952 tại Tatebayashi, Gunma, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp trường nữ sinh Keio bà lần lượt dành học vị tiến sĩ y khoa rồi học vị tiến sĩ vật lý của trường đại học Keio. Năm 1989 bà được kết nạp vào Hiệp hội phẫu thuật tim mạch Nhật Bản. Bà là bác sĩ phẫu thuật của một loạt các bệnh viện danh tiếng như bệnh viện Keio ở Tokyo, bệnh viện đa khoa Shimizu, bệnh viện Saiseikai Kanagawa, bệnh viện Saiseikai Utsunomiya. Năm 1983 bà trở lại công tác ở bệnh viện của trường đại học Keio, là bác sĩ phẫu thuật tim hàng đầu của bệnh viện và trở thành giáo sư giảng dạy tại khoa phẫu thuật tim. Năm 1985 bà được Hiệp hội phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản lựa chọn để đào tạo thành nhà du hành vũ trụ. Các khoá huấn luyện vất vả đến nỗi ngay cả những người đàn ông có sức khoẻ tốt nhất, chịu đựng dẻo dai nhất cũng khó vượt qua. Thế nhưng Chiaki Mukai đã khẳng định rằng chinh phục vũ trụ không chỉ là giấc mơ của đàn ông và chứng minh rằng bà có đầy đủ điều kiện để trở thành một nhà du hành vũ trụ. Năm 1994 giấc mơ chinh phục không gian của Chiaki Mukai đã trở thành hiện thực. Vào 16 giờ thứ sáu ngày 8 tháng Bảy theo giờ miền Đông nước Mĩ, tàu vũ trụ Colombia F17 trong chuyến du hành vũ trụ mang tên STS-65, được phóng lên từ mũi Canavaral mang theo bảy phi hành gia thuộc các quốc gia khác nhau. Chiaki Mukai là người phụ nữ duy nhất trong phi hành đoàn và là người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên bay vào vũ trụ. Tàu con thoi Columbia F17 có nhiệm vụ thực hiện một hành trình dài 9816998 km với thời gian ở trong không gian vũ trụ kỉ lục 14, 75 ngày. Không những cả nước Nhật mà cả thế giới hồi hộp theo dõi chuyến du hành đặc biệt này. Sáu giờ chiều ngày Chủ nhật mùng 10 tháng Bảy hình ảnh truyền về từ tàu Columbia cho thấy chuyên gia Mukai và chuyên gia Hieb đang tiến hành các cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm với thiết bị đo các ảnh hưởng của môi trường không trọng lượng đối với con người. Sáu giờ chiều ngày thứ Ba, Chiaki có nửa ngày nghỉ đầu tiên. Thứ tư hình ảnh truyền về cho thấy Mukai miệt mài cả ngày với thí nghiệm. Thứ Sáu kênh truyền hình Nicklo tổ chức một cuộc trò chuyện giữa Mukai và các trẻ em. Từ vũ trụ Mukai đã trả lời một loạt các câu hỏi từ các câu hỏi về vệ sinh cá nhân ở trên tàu. Trong ngày thứ mười hình ảnh trái đất nhận được cho thấy chuyên gia Hieb và Mukai đang tiến hành một thí nghiệm thử biện pháp ứng phó của con người trước những hình ảnh tiêu cực của môi trường vũ trụ trong đó có cảnh Mukai chui vào một thiết bị trông giống như một chiếc bao tải có chức năng hút chất lỏng trong cơ thể xuống chân và bàn chân. Ngày 20 tháng Bảy thế giới có dịp nghe Mukai tả quang cảnh trái đất mà bà nhìn thấy từ vũ trụ và bộc bạch những điều bà dự định làm khi trở về Trái đất. Vào 6 giờ 38 phút ngày 23 tháng Bảy theo giờ miền Đông nước Mỹ, trung tâm vũ trụ Kenedy đã đón tàu vũ trụ Columbia trở về trái đất an toàn với kết quả của 82 cuộc thí nghiệm bao gồm những thí nghiệm về môi trường không trọng lượng, các nghiên cứu về sinh lý người, sinh học phóng xạ, sinh học không gian, các nghiên cứu về chất lỏng, các nghiên cứu liên quan đến hệ thống tim mạch, hệ thần kinh, sự trao đổi chất của cơ và xương. Cả nước Nhật tự hào về người phụ nữ của họ. Người Nhật càng tự hào hơn khi Chiaki Mukai lại được lựa chọn vào đoàn du hành vũ trụ của tàu Discovery trong chuyến du hành vũ trụ mang tên STS-95 được thực hiện vào tháng Mười năm 1998. Trong chuyến đi này Chiaki Mukai vinh dự được là người đồng hành với John Glenn nhà thám hiểm vũ trụ nổi tiếng người Mĩ. Trên vũ trụ, Chiaki Mukai và các đồng sự đã tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm liên quan đến sự sống, trong đó có thí nghiệm về hiện tượng lão hoá ở người và thí nghiệm thu tín hiệu điện của tế bào não trên sinh vật sống. Không chỉ trực tiếp tiến hành các thí nghiệm, Chiaki Mukai còn chịu trách nhiệm chăm sóc y tế và giải quyết các vấn đề nảy sinh về sức khỏe cho toàn bộ phi hành đoàn. Sau chuyến bay vào vũ trụ lần thứ hai, Chiaki Mukai vẫn tiếp tục cống hiến cho khoa học. Hàng ngày bà làm việc miệt mài ở phòng nghiên cứu, tham gia các buổi giảng dạy và viết sách. Bà là chủ nhân của gần hai mươi giải thưởng cao quý từ giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc đến giải thưởng của Hiệp hội phát triển vũ trụ quốc gia và là tác giả của hơn sáu mươi ấn phẩm. Bà là nguồn cổ vũ lớn đối với các nhà khoa học trẻ ở Nhật Bản và trên thế giới đặc biệt là các nhà khoa học nữ. Cùng với những người phụ nữ chinh phục không gian khác, Chiaki Mukai đã chứng minh rằng phụ nữ có thể làm được tất cả nếu họ có đủ nghị lực, quyết tâm và lòng say mê cống hiến.