- Ta đi thôi, em nhỉ - A-na-tôn ướm hỏi – chứ gió bạt cả âm thanh, làm lạc mất giọng người hát, đứng đây phỏng ích gì? Tê-rê-da ngoan ngoãn nghe theo. - Đã thế thì ra bể bôi sưởi nắng thôi – đến lượt Tê-rê-da đề nghị - Ở đây đông đúc qua. Hai người ngồi xuống bên nhau, vai sát vai, mặt hướng về phía mặt trời, còn Mê-tếcg – mà mới một phút trước đây, lúc hai người còn đang đứng giữa đám đông, hắn đã tiến sát đến bên Tê-rê-da toan rút dao ra hành sự - thì đi ngang qua sau lưng, mặt cau có vì bực dọc: chỉ lỡ mất mấy giây đồng hồ mà cơ sự đã hỏng bét hết cả. Giờ lại phải nấn ná chờ cho thời cơ thuận lợi xuất hiện mới có dịp thích mũi dao vào lườn cô ả cho thật êm thấm – đến nỗi dẫu có tài thánh c4ung khó phát hiện được nhát dao từ đâu đến – rồi trà trộn ngay vào đám đông trốn biệt đi. Lát sau, Tê-rê-da quay sang phía A-na-tôn, mắt vẫn nhắm nghiền vì chói nắng. - Anh ơi, quanh đây có cái ghế xếp nào không nhỉ? - Dĩ nhiên là có. Em không thấy sao, trên bãi cỏ dựng bao nhiêu là ghế kia kìa. - Ta thuê hai chiếc nhé. Ngồi trên hàng lan can cầu này mỏi lưng quá anh ạ. A-na-tôn đi thuê cặp ghế. Tê-rê-da vẫn ngồi nguyên như cũ, mắt nhắm nghiền, người hơi ngả ra sau. Tiếng trò chuyện của đám người đi dạo chơi, tiếng hò hét huyên náo của lũ trẻ, tíêng kèn trống của dàn nhạc – tất cả những âm thanh ấy hòa lẫn vào nhau làm thành một thứ tiếng động chát chúa, khó chịu. Lúc nghe tiếng chân sau lưng, chị mới mở choàng mắt: A-na-tôn đã mang hai chiếc ghế lại. - Em thích kê ở đâu đây? - Đâu mà chẳng được, miễn là yên tĩnh hơn một chút… Họ ngả người xuống ghế, duỗi thẳng tay chân một cách thích thú. Thấy thế, Mê-tếch quyết định cứ để mặc cho họ đấy khoảng một tiếng đồng hồ chứ thế này thì khó lòng tiến sát lại chỗ “con mồi” mà không bị lộ. Trong lúc ấy, người đàn ông đứng tuổi vẫn ngồi yên như cũ, hai tay tì lên đầu gậy và kiên nhẫn chờ. Hơn một tiếng sau, Tê-rê-da lại kêu đói. Tàu điện chở đến ngày một nhiều khách dạo chơi, đám người càng trở nên đông đúng. Quanh bể bơi lúc này không còn chỗ chen chân. Hai dàn nhạc vẫn trình tấu liên hồi. Tiếng kèn trống, đàn hát, nhất là của cái dàn nhạc cạnh đó vang vọng khắp nơi. Họ chậm rãi quay lại cầu. mê-tếch không để lỡ một giây, lao theo ngay, cố không để mất hút mái tóc vàng óng của Tê-rê-da. Dưới chân cầu lúc này tụ tập một dãy dài xe kem và xe nước giải khát. Khách hàng đứng vòng trong vòng ngoài chờ đến lượt. Tê-rê-da muốn ăn kem, bởi thế A-na-tôn chẳng còn biết cách nào khác hơn là tiến hành “đột kích” vào trong. Mê-tếch coi đây là dịp thuận lợi nhất để ra tay. Hắn nhìn trước nhìn sau rồi vội vã tiến lại chỗ Tê-rê-da đứng. Vòng qua một ông đầu hói mặc chiếc áo dệt kim màu sặc sỡ, rồi một thiếu phụ ẵm một đứa bé trên tay, và khi trước mặt chỉ còn hai cậu thiếu niên, Mê-tếch liền cho tay vào ngực áo, nắm lấy cái chuôi dao có quấn dây chung quanh. Khi hắn đã gần rút được con dao lưỡi dài, hẹp bản ra ngoài thì bất thần một thanh niên, cũng ăn mặc hệt như Mê-tếch xông lại. Anh gạt hai cậu thiếu niên ra xa, đẩy Tê-rê-da lùi lại một cách khá sỗ sàng. Chị giận dữ hét lớn: - Không cẩn thận một tí được sao? - Không thích hả? Thì tìm chỗ khác mà đứng cho dễ chịu hơn. Đúng lúc ấy, A-na-tôn từ mấy xe kem kia chạy tới. Chỉ thoáng nhìn, anh hiểu ngay chuyện gì nên không để lỡ một giây, anh xông lại trước mặt tên du côn: - Quên hết phép lịch sự rồi chứ gì? Cần dạy không, tôi giúp cho. Tên phá quấy nhìn địch thủ, lượng sức và chắc hắn tự đánh giá mình khá cao nên đốp chát lại ngay, giọng đầy hằn học, pha thêm chút giễu cợt. - Để lần khác sẽ xin nhờ đằng ấy. Lần này thì cảm ơn. Rồi hắn cho hai ngón tay vào miệng, huýt lên một tiếng còi chối ta và vội vàng lủi vào đám đông, trong khi Mê-tếch đưa cặp mắt điên dại nhìn theo. Tình thế đã hoàn toàn thay đổi. Mê-tếch chẳng còn biết làm gì khác hơn là chờ cơ hội mới. Tê-rê-da quay sang người yêu, nũng nịu nói: - Em chán đến tận cổ những cảnh huyên náo này lắm rồi. Lại đói nữa. Đằng kia có một cái quán ăn đấy. Ta lại đó, kiếm món gì đi. - Được thôi. Cái quán ấy ở tận trong rừng kia. Nhưng ăn xong, ta sẽ làm gì? - Về nhà thôi, chứ còn làm gì nữa. Nếu ở đây có điện thoại, em sẽ gọi dây nói cho vợ chồng Ô-lếch. Rủ họ tối nay đến chơi vài ván cá ngựa. Họ đưa nhau vào quán. May mà còn một bàn để trống. Họ gọi món ăn. Cô phục vụ vừa quay đi, Tê-rê-da đã nói ngay: - Ca-rôn với An-ca chắc đã đến nơi rồi anh nhỉ? - Dĩ nhiên. Bây giờ thì hết lo rồi. Cái trò cải trang trong quầy thực phẩm chắc đã đánh lừa được bọn lưu manh. - Em thích An-ca lắm. Em nghĩ, nhất định cô ấy sẽ bằng lòng kết hôn với Ca-rôn. Thú thật với anh, lúc đầu em cứ tưởng anh dở trò lăng nhăng với cô ta. - Thế bây giờ? – Xar-na nhìn chằm chằm Tê-rê-da. - Bây giờ thì thôi rồi. Không lẽ Ca-rôn lại đi yêu tình nhân của bạn nối khố của anh ta… - Nghĩa là, trước đây em đã ngờ oan cho anh chứ gì? - Câu chuyện thế kia, anh bảo không nghi sao được. Xar-na thở dài, thay cho câu trả lời. Tê-rê-da lại tiếp: - Theo em, lẽ ra anh nên mừng vì em ghen anh mới phải, anh chàng ngốc nghếch ạ. Thôi, chờ em tí nhé, em đi tìm điện thoại gọi cho vợ chồng Ô-lếch đây. Nếu gặp được họ, em sẽ cố mời họ đến chơi tối nay. Rồi chị đứng dậy, bước lại chỗ quầy phục vụ. Cô bán hàng thấy chị liền tươi cười nói: - Ồ, chị Tê-ren, hôm nay chị đến hát, giúp vui cho chúng em, đấy à? Chị thấy chưa nào, em nhận ra chị ngay. - Cám ơn, hôm nay tôi chỉ đến đây chơi thôi. Làm ơn mách giúp tôi điện thoại ở đâu. Tôi phải gọi về Vác-xa-va có chút việc… - Trong phòng ông cửa hàng trưởng đấy ạ. Chị chịu khó vòng ra đằng kia, đi theo hành lang, đến cánh cửa thứ hai. Tê-rê-da bước ra hành lang, tìm cánh cửa mà cô bán hàng vừa mách, chẳng để ý gì đến một chàng trai khoác blu-dông cũng rời bàn ăn, vội vã đi theo. Trên cái hành lang hẹp, hơi tối (vì chỉ được chiếu sáng bằng ánh đèn xuyên qua cánh cửa sổ bên trên cánh cửa ra vào đối diện hắt xuống), Tê-rê-da thấy trên cánh cửa thứ nhất có tấm biển đề: “Kho”. Như vậy, phòng ông cửa hàng trưởng phải ở quá về phía trong một ít nữa. Tê-rê-da toan xoay quả đấm thì chợt nghe có tiếng chân ai đó chạy sau lưng. Chị bất giác ngoảnh lại và thấy trước mặt là một người đàn ông, khuôn mặt gầy gò, mặt lộ vẻ lo lắng. Người này vừa cười gằn, vừa tiến lại gần: - Hê-lô, con nhái bén! Mạnh giỏi chứ? Sao anh ta lại ăn nói với mình như thế nhỉ? Mà mặt mũi nom khiếp chưa kìa! Tê-rê-da càng hoảng khi thấy con dao găm lăm lăm trong tay hắn. Chị vội lùi lại, lưng dán chặt vào tường. Những gì xảy ra sau đó chị không sao hình dung nổi. Chị chỉ thấy hai người đàn ông xông vào vật nhau, mặt méo xệch, rồi có tiếng con dao găm rơi đánh cộp xuống sàn lát đá hoa, những tiếng kêu the thé không hẳn vì đau đớn, cũng không hẳn vì tức tối, tiếng rủa của một trong hai người, tiếng chiếc còng tay loảng xoảng, rồi lại một tiếng kêu chói tai nữa. Tiếp đó, một cánh cửa mở toang và chị chỉ còn lại trơ trọi một mình. Cái hành lang lại vắng ngắt và yên ắng tựa như chẳng hề có gì xảy ra. Chị chỉ thấy cái móc cửa lắc khẽ mấy cái, từ trong cửa, vọng ra vài câu nói đứt đoạn, nhưng chỉ một thoáng sau lại im bặt. Mãi lúc ấy chị mới thấy đỡ sợ và cử động thoải mái được. Chị đưa bàn ta đang run rẩy lên sửa lại mái tóc, muốn trở lại phòng ăn nhưng chân cẳng cứ nhẹ bổng, không tài nào bước đi được nên đành đứng ngây ra đó, vai tựa vào tường, thở dốc từng hơi ngắn. Phải một lúc lâu sau, chị mới trấn tĩnh được và bước đi. Vào đến phòng ăn, chị cố hết sức giữ cho dáng điệu thật bình tĩnh, trở về chỗ ngồi, gieo người xuống ghế rồi đưa hai tay lên ôm mặt. - Em làm sao thế? – A-na-tôn ngạc nhiên hỏi – Mặt cứ tái nhợt đi, như thể vừa mới gặp ma ấy… - Em vừa suýt chết đấy… - và chị thuật lại đầu đuôi những gì xảy ra trong hành lang, giọng vẫn còn run. - Lạ thật đấy! Sao hắn lại muốn giết em nhỉ? - Chẳng biết nữa… Ôi, anh biết ai đã cứu em không? Cái anh chàng xô vào em lúc anh đi mua kem đấy. Thật chẳng hiểu ra sao nữa… - Sao anh ta lại làm thế? Tê-rê-da chỉ nhún vai. - Thậm chí em cũng chẳng biết anh ta từ đâu đến nữa… Mãi nhìn con dao găm nên em có thấy gì đâu. Anh gọi cho em một cốc vốt-ka, em chẳng còn hồn vía đâu mà ăn nữa. A-na-tôn ngoan ngoãn chạy đi gọi rượu rồi trở về chỗ, ngồi xuống với bộ mặt cau có. Bỗng họ nghe một giọng nói quen quen bên tai: thiếu úy Ghéc-xơn xuất hiện, nhưng lại mặc thường phục. - Chào anh chị. Xin phép được ngồi với anh chị vài phút – anh tự kéo ghế lại và ngồi xuống – Những gì vừa xảy ra, tôi biết cả rồi – Ghéc-xơn vào chuyện ngay – vì chúng tôi đã theo dõi chị liên tục đấy. Ồ, có gì đâu, chúng tôi đã dự đoán cả rồi, chuyện ấy thế nào cũng xảy ra. - Chết chửa, chung quy chỉ vì họ đã đổi áo măng-tô cho nhau phải không anh? – A-na-tôn sôi nổi thốt lên – Đúng thế chứ? Bọn chúng dò tìm tung tích An-ca để thủ tiêu cô ấy đấy mà. Tê-rê-da bưng cốc rượu pha si-rô dâu lên, uống cạn một hơi. - Dẫu sao thế vẫn tốt hơn – chị nói, miệng cố nở một nụ cười – Nhưng đáng sợ thật. - Mọi chuyện rồi sẽ qua thôi, chẳng lâu nữa đâu – viên thiếu úy lựa lời an ủi. - Anh Ghéc-xơn ơi, thế ai vừa cứu sống tôi đấy? Có phải cái cậu đã xô phải tôi lúc ở bên bể bơi không? Sao lại thế được nhỉ? - Cái người bị ngờ oan là du côn kia chính là trung sĩ Den-tếch đấy. Anh ấy phải làm như thế để che mắt bọn lưu manh kia. - Trung sĩ ư? Nghĩa là người của các anh? – Tê-rê-da ngạc nhiên – Nhập vai như thế thì tuyệt thật! - Ghéc-xơn ạ, các anh đã đùa giỡn với tính mạng của Tê-rê-da – A-na-tôn không giấu nổi vẻ lo lắng – Giá báo trước cho chúng tôi thì hơn. - Anh nói quá lời đấy, A-na-tôn ạ. Đâu đã đến nỗi nào – Ghéc-xơn bình tĩnh đáp. - Chưa thể tóm cổ ngay cái tên khốn kiếp, chủ mưu vụ giết hại Tê-rê-da sao? Ghéc-xơn lắc đầu. - Đáng tiếc là chưa chín muồi. Có điều không đáng ngại, nếu so với số người chúng tôi tung ra để bảo vệ an toàn cho anh chị thì điều anh lo lắng khó xảy ra lắm. Thôi, những căng thẳng thần kinh như vừa rồi rất dễ chữa nếu ta dùng thứ thuốc mà chị Tê-rê-da vừa uống – Ghéc-xơn mỉm cười, hất hàm chỉ cái cốc không trên bàn. - Nào, ta nói sang chuyện khác thôi – Tê-rê-da vui vẻ trở lại. - Tôi chỉ có một yêu cầu nhỏ - Ghéc-xơn nhìn đồng hồ - Lát nữa, người ta sẽ giải tên lưu manh lúc nãy đi. Họ buộc phải cho hắn đi ngang qua một chiếc ghế đá mà kẻ chủ mưu vụ sát hại này chọn làm chỗ quan sát. Phải để cho hắn biết âm mưu của hắn đã bại lộ và vụ mưu sát không thành – điều này đối với chúng tôi hết sức quan trọng. Kẻ chủ mưu ấy chính là cái lão đang ngồi trên chiếc ghế đá bên bờ hồ, tay cầm chiếc gậy đó. Anh chị cũng hãy đi qua trước mặt lão, hơn nữa, chị phải nhìn chằm chằm vào lão để lão trông thấy rõ mặt. Phải cho lão biết là lão đã nhầm. Lão đã biết mặt An-ca El-mer, vì thế nhìn thấy chị, lão sẽ hiểu ngay lão đã nhầm to. - Sẵn sàng thôi. Ta đi ngay chứ? Tôi rất muốn nhìn mặt lão. - Nhưng như thế liệu có nguy hiểm gì cho Tê-rê-da không? – Xar-na lo lắng. - Hoàn toàn không. Trong tình thế này, lão chẳng dám liều đâu. Hơn nữa, phải nói để anh yên tâm: không lúc nào chúng tôi rời mắt khỏi lão đâu. Tôi nghĩ, thần kinh lão không chịu nổi cái cảnh ấy đâu, nên nhìn thấy một cái là lão sẽ đứng dậy đi ngay thôi. Tuy thế, anh chị cũng chỉ nên diễu qua trước mặt lão một tí thôi, càng nhanh càng tốt. Tôi không được phép xuất đầu lộ diện, bởi thế, anh chị cứ đi một mình. A-na-tôn trả tiền, rồi họ đứng dậy, chia tay Ghéc-xơn. Ngay từ ca, Tê-rê-da đã nhìn thấy lão già ngồi trên chiếc ghế đá. Lúc này, lão đã chụp mũ lên đầu, để lòi ra mấy chùm tóc bạc lưa thưa. Hai tay lão vẫn tì lên gậy. Tê-rê-da ngoảnh đầu sang nhìn thẳng vào mặt lão, phần thì do Ghéc-xơn yêu cầu, phần thì bị nỗi tò mò thôi thúc. Chị bắt gặp trong ánh mắt lão sự ngạc nhiên, thậm chí không hẳn là ngạc nhiên mà là vẻ bối rối và hoảng sợ. Nhưng chỉ kéo dài trong mấy giây đồng hồ. Lão nhắm mắt lại ngay tức khắc và cặp mắt trống rỗng, bệch bạc lại ngoảnh nhìn chỗ khác, lạnh lùng và dửng dưng. Khi đã đi xa chiếc ghế đá, Tê-rê-da còn ngoái nhìn thêm lần nữa, A-na-tôn thì thầm bên tai chị: - Chính cái lão anh thấy trong lán gỗ đấy. Anh đã kịp quan sát hai bàn tay tì trên đầu gậy. PHẦN 39Ngay từ đằng xa, lão đã nhận ra bóng Mê-tếch đang bị mấy người giải đi. Chắc là cảnh sát. Điều lão phỏng đoán lập tức được xác nhận: trên tay mê-tếch lủng lẳng chiếc còng số tám. Tự nhiên lão thấy hàm dưới cứng lại vì sợ hãi. Nhưng lão trấn tĩnh ngay và cố đưa cặp mắt lãnh đạm nhìn theo Mê-tếch. Lúc đi qua chỗ lão ngồi, hắn cố ý cười gằn, như thể muốn phô bày cái thói tự đắc du côn của chính mình, nhưng vẫn làm ra vẻ hai bên hoàn toàn không biết nhau. Còn lại một mình, lão đưa cặp mắt bất động nhìn vào dải rừng đã thẫm lại trước mặt, dáng trầm ngâm. Cơ sự đã thế này, thì dĩ nhiên phải ngẫm nghĩ kỹ lại mọi cái. Nhưng lão chưa kịp trấn tĩnh hẳn thì lại hoảng hốt thêm, vì cách lão vài bước một cô gái mặc măng-ôt trắng kẻ ô vuông xuất hiện… Lúc đi qua, cô gái ngoảnh hẳn mặt về phía lão, cứ như cố ý cho lão nhìn rõ mặt. Lão choáng người: một cô gái hoàn toàn khác, không phải cô lão cần tìm. Lão đã nhầm to: Đâu phải hễ cứ tóc vàng và khoác măng-tô trắng kẻ ô vuông thì đều là An-ca cả… Lần này, lão thấy khó trấn tĩnh hơn nhiều. Phải cố lắm lão mới tập trung được tư tưởng, không để cho nỗi hốt hoảng ám ảnh, ngẫm nghĩ kỹ lại tình thế đang lâm vào. Rõ ràng, địch thũ của lão đã tìm được một cô cảnh sát giống An-ca, rồi bắt cô ta khoác chiếc áo măng-tô kia vào. Xem thế đủ biết họ đã nắm được nhiều chuyện… Không khéo họ đã biết tỏng cả rồi?... Lão ngồi nhớ lại tất cả những thất bại gần đây. Cái con nỡm đã gặp lão trên xe lửa, như thế là vẫn còn sống – họ đã đưa nó đi thoát ngay trước mũi cái thằng thộn mà lão sai canh giữ ở trước cổng nhà. Bây giờ, họ còn đưa nó ra để nhử chính lão nữa chứ… Căn phòng ỡ Y-u-dê-phốp cũng không an toàn, sau khi xưởng bê-tông đúc sẵn bị khám xét. Cái tên giả mà lão vẫn dùng lâu nay cũng đã bị lộ. Lại còn cú điện thoại gọi đến hiệu Thủ đô, báo trước công an sẽ tới điều tra nữa… Gu-xtáp đã cắn câu, chuyện ấy chẳng có gì lạ bởi thế, chẳng còn trông cậy gì được ở lão béo ấy nữa rồi: nghe đến công an, lão ta đã hết vía. Như vậy có nghĩa là đối thủ của lão đã biết khá nhiều. Phải trốn thôi, để xóa sạch mọi dấu vết mà họ đang lần theo. Nhưng đi đâu? Chỉ còn cách về Pô-bê-rê-gie. Anh chàng Ur-ba-ny-ac ngốc nghếch cũng toan tìm về nương thân ở đó đấy thôi. Có điều chỗ ấy đâu phải đã an toàn lắm, thế mà hắn ngốc đến nỗi cứ nằng nặc muốn lao tới. Dĩ nhiên là phải khử nốt bọn tay chân còn lại. Nhưng Mê-tếch thì phải tính sao nhỉ? Chắc hắn không bán mình cho họ đâu vì hắn cũng chẳng phải là tay vừa. Thôi, thây kệ. Có nghĩ đến hắn cũng chẳng ích gì, với tay đến hắn thế quái nào được nữa. Chỉ còn cách lo chuồn cho thật chóng vánh, đó là thượng sách. Cứ về ngụ tạm nhà Y-u-ze-phơ tại Cat-xếch ít lâu, chờ xem. Biết đâu lại chẳng gặp cơ may khác, rồi sẽ xoay được giấy tờ mới. Chẳng hạn như tìm được một người đã về chầu tổ tiên rồi nhưng chẳng một ai hay biết gì về cái chết của hắn. Những cơ may như thế tuy ít đấy nhưng vẫn có. Rồi mọi chuyện sẽ được lặp lại từ đầu như hồi nào đấy thôi. Liệu có còn kịp ra tay nữa không đây? Dù sao cũng phải lên đường gấp. Và xem lại xem có cái đuôi nào đang rình rập không? Lão đứng dậy, chậm rãi đi về phía ga tàu điện. Người đông như thế kia, kể cũng khó biết ai là kẻ đang theo dõi mình. Cứ tha thẩn dọc phố, giữa dòng người tấp nập kia lại càng khó. Lão liền rẽ vào một quầy bia lưu động và quyết định cứ nấn ná ở đó một lúc, chờ thời cơ thuận lợi để lẻn ra cửa sau, băng qua cái vuông sân nhỏ kia, rồi vào cái mảnh vườn con con ăn thông với một vuông sân khác, lần ra đường, phóc lên một chiếc taxi nào đó, đi một quãng,lại đổi taxi lần nữa, kín đáo mò về chỗ ngụ. Thế may ra mới ổn. Trời còn lâu mới tối, cẳhng có gì phải hấp tấp cả. Mãi đến khi đặt chân tới một con hẻm nhỏ, vắng ngắt vắng ngơ, nơi lão đang nương náu tạm, lão mới tin chắc là không bị ai theo dõi nữa. Nghỉ một lát cho bình tâm lại, lão bắt tay ngay vào việc thu xếp hành trang. Chỉ cần mang theo một chiếc va-li con thôi. Miễn là đủ chỗ để xếp vào đấy dăm xấp tiền. Thu xếp đâu vào đó rồi, lão liền ngả lưng lên chiếc xích đu và ngẫm nghĩ lại một lần nữa những biến cố xảy ra trong mấy ngày gần đây. Càng nghĩ, lão càng đâm lo. Đầu óc không lúc nào rời khỏi ý nghĩ: mưu tính tháo thân lúc này xem chừng đã hơi muộn. Hay là cứ liều ở lại? Con bé tóc vàng kai quả có nguy hiểm thật nhưng biết đâu họ lại không chịu tin những bằng chứng của ả. Trong toa, đèn đóm tù mù, nhận diện được mình đâu phải chuyện dễ. Điều đáng lo hơn cả là câu hỏi mà gã thiếu úy đặt ra cho Gu-xtáp; “Ông với A-lôi-di Kô-val-xki có họ hàng với nhau chứ gì?”. Nếu họ đã nhắc đến cái tên ấy, có nghĩa là họ đang dò tìm lai lịch của mình trước kia. Lại còn lão Gu-xtáp nữa. Nếu bị dồn vào chân tường, thể nào cũng phun ra đủ mọi chuyện. Để cứu lấy cái mạng sống của lão mà. Rồi còn Dem-ba, còn Mê-tếch… Đã đến nước này rồi thì phải liều thôi. Phải cứ liều chạy thoát thân là ổn nhất. Quyết định như vậy rồi, lão mới quay sang tính toán kỹ mọi chi tiết. Chọn phương tiện nào đây? Xe lửa ư? Không ổn rồi. Vì nếu họ mà tìm ra dấu vết thì khó thoát lắm. Đành tìm phương tiện êm thấm hơn. Từ lâu, lão đã thu xếp sẵn một chỗ tháo thân trên bờ dậu sau hè. Chui qua đó, lão sẽ lủi ngay vào vuông sân nhà bên cạnh, rồi từ đó lẻn sang vuông sân thứ hai. Đi thêm vài vuông sân nữa sẽ nhìn thấy đường cái lớn. Lối đi này kín đáo lắm vì lão đã chuẩn bị từ trước, ngay từ lúc mưu tính cho vụ trộm két tiền. Nghĩa là tình thế vẫn còn chưa đến nỗi nào. Hơn nữa, chiếc xe lão đang dùng đây là xe của đứa em trai. Công an dẫu có tài thánh cũng khó lòng dò ra được. Lão quyết định lên đường vào lúc gần mười một giờ - có lẽ không cần phải đợi cho đến lúc đường xá vắng lặng đâu. Khi mở cửa ga-ra, lão vẫn tin như đinh đóng cột rằng không hề bị ai phát hiện. Mở đầu như thế tức là đã trót lọt. Bây giờ, chỉ cần ở trong ga-ra chừng mươi lăm phút rồi ra ngay ngoài đường là yên chuyện. Để thật an toàn, lúc vào ga-ra, lão không bật đèn. Lẽo dùng vai đẩy nhẹ mũi xe. Chiếc xe lùi lại, sát tận vách tường, để lộ mấy tấm ván đậy bên trên miệng một cái hố. Lấy vài tấm lên, xếp chúng lại sang một bên, lão bắt đầu lần theo mấy bậc cấp bằng bê-tông bước xuống hố. Rồi lão ngồi xuống rút đèn bấm ra soi. Khó khăn lắm lão mới tìm thấy cái vòng sắt được ngụy trang rất khéo, nhấc một tấm bê-tông dùng làm bậc cấp lên, mở nắp cái kho bí mật. lão thọc ngay tay vào, vội vàng lôi ra những xấp tiền còn nguyên cả dây ràng. Vì chiếc va-li bé quá nên chỗ tiền còn lại lão cẩn thận cất trở vào kho, nâng tấm bê-tông lên, đậy kín lại. Xong xuôi, lão xách va-li lên, người vẹo hẳn sang một bên vì quá nặng. Rồi chậm rãi lần theo từng bậc một, bước lên mặt đất. Lên đến nơi, lão lại cẩn thận xếp mấy tấm ván vào chỗ cũ, đậy kín miệng hố lại. Vừa lúc ấy, đèn trong ga-ra bỗng bật sáng và một giọng nói đĩnh đạc mà lão rất quen thuộc vì được nghe nhiều lần vang lên: - Không được động đậy, Gher-man. Lão chậm rãi ngoảnh lại. Nhìn thấy mấy họng súng tiểu liên chĩa thẳng vào người, lão đặt nhẹ va-li xuống và bất giác giơ tay lên. - Các người là ai?... Sao lại đến được đây?... – lão kinh ngạc hỏi to vì đó là ý nghĩ độc nhất chợt đến với lão trong hoàn cảnh hết sức bất ngờ này. Cảm giác tức tối, bất lực và sợ hãi mãi sau này mới xuất hiện. - Điều đó có gì là khó hiểu lắm – vẫn giọng nói quen thuộc ấy dõng dạc đáp lại.