Dịch giả: Phạm Hậu
Phần III - Chương 1
TÀU “MACQUARIE”

Nếu có lúc nào đó những người đi tìm thuyền trưởng Grant hết hy vọng tìm thấy ông, thì phải chăng đó là những ngày hôm nay, khi tất cả mọi dự định đều đã sụp đổ? Biết tổ chức đoàn thám hiểm mới đi về hướng nào bây giờ? Lấy gì để đi đến những vùng đất mới đây? “Duncan” thì không còn nữa rồi, thậm chí cũng không thể trở về nước ngay được. Thế là dự định của những người Scotland độ lượng đã “thất bại!”. Thật là một sự buồn bã mà tâm hồn một người dũng cảm không thể nào chấp nhận được. Nhưng, dẫu sao, Glenarvan cũng đã phải thừa nhận sự bất lực trong việc tiếp tục sự nghiệp đầy hy sinh ấy.
Trong tình cảnh vô cùng đau đớn như vậy, Mary Grant đã dũng cảm không nhắc đến tên cha. Cô cố kiềm chế nỗi đau khổ trong lòng, khi nghĩ đến đoàn thuỷ thủ “Duncan” không may đã hy sinh. Bấy giờ cô lại an ủi huân tước phu nhân Helena là người trước đây đã từng an ủi cô. Mary là người đầu tiên nói đến việc trở về Scotland. Thấy cô gái dám dũng cảm chấp nhận số phận, John Mangles rất khâm phục cô. Chàng định nói rằng vẫn có thể tìm được thuỳên trưởng Grant, nhưng Mary đã đưa mắt ngăn chàng lại. Lát sau, cô mới nói với chàng:
- Không nên, anh John Mangles ạ, bây giờ phải nghĩ đến những người đã hy sinh bản thân mình. Huân tước Glenarvan cần được trở về châu Âu.
- Em nói đúng, Mary ạ, - John Mangles đáp, - cần phải như thế. Đồng thời cũng cần báo cho nhà cầm quyền Anh biết về số phận của “Duncan”. Nhưng, em đừng mất hy vọng. Anh sẽ không bỏ cuộc tìm kiếm mà chúng ta bắt đầu đâu. Anh sẽ tiến hành một mình. Hoặc là anh tìm thấy thuyền trưởng Grant, hoặc là anh hy sinh.
Trách nhiệm mà John Mangles tự đảm nhận không phải là chuyện đùa bỡn: Mary đón nhận nó và chìa tay cho chàng thuyền trưởng trẻ bắt chặt, như muốn xác nhận sự thoả thuận ấy, John Mangles đã quyết định hy sinh cả cuộc đời mình để đổi lấy việc đó và Mary đã không ngớt lời tạ ơn chàng.
Ngày hôm ấy, đoàn thám hiểm quyết định dứt khoát trở về nước, và đi ngay đến Melbourne. Sớm hôm sau, John Mangles đã đi hỏi xem coi có tàu nào chạy về hướng đó không, John Mangles dự đoán giữa Eden và tỉnh lỵ Victoria thường xuyên có tàu qua lại.
Nhưng, trái với điều mong muốn của anh, ở cảng chỉ có ba, bốn tàu đang đậu, và đội tàu buôn địa phương cũng chỉ có chừng ấy tàu mà thôi. Đã vậy lại không có chiếc nào đi Melbourne, hoặc Sydney, hoặc Pointe – De – Galles. Mà chỉ có ở ba cảng ấy mới có thể đáp tàu thuỷ đi Anh được. Các tàu biển chạy bằng hơi nước ở công ty hàng hải giữ mối liên hệ giữa các cảng ấy với chính quốc.
Làm thế nào bây giờ? Đợi một chuyến tàu thích hợp với tuyến đường hay sao? Nhưng như vậy phải chờ lâu, vì không phải thường xuyên có tàu cập bến Twofold – Bay. Có biết bao nhiêu tàu qua lại ngoài khơi, nhưng không một chiếc nào ghé vào vịnh này cả!
Sau khi bàn bạc và suy nghĩ kỹ lưỡng mọi điều, Glenarvan đã quyết định đi Sydney bằng đường bộ. Bỗng Paganel lại đưa ra một đề nghị bất ngờ.
Nhà địa lý cũng đã ra bến cảng Twofold- Bay và biết rằng ở đó không có tàu đi Melbounre và Sydney. Nhưng, có một chiếc tàu buồm đậu ở cảng đang chuẩn bị đi Auckland, tỉnh lỵ tỉnh Ika-na-Maouri, thuộc đảo bắc New – Zealand. Paganel đề nghị thuê chiếc tàu ấy đi Auckland, rồi từ đó sẽ dễ dàng trở về châu Âu, vì cảng này có nhiều tuyến đường thường xuyên đi về đó.
Đề nghị ấy đã được chú ý. Hơn nữa, trái với lệ thường, Paganel không viện ra hàng loạt những lý do có lợi cho cá nhân ông. Ông chỉ nêu lên bản chất sự việc và nói thêm rằng chuyến đi như vậy mất không quá năm, sáu ngày. Quả đúng như thế, từ Australie đến New- Zealand không quá một ngàn hải lý.
Do một sự trùng hợp lạ lùng nào đó không biết, Auckland lại nằm trên vĩ tuyến 37 mà các nhà thám hiểm đã bám sát trong súôt cuộc hành trình. Tất nhiên, để khỏi bị cho là “cá nhân”, nhà địa lý có thể vịn vào cái cớ có lợi cho mình ấy được lắm chứ. Bởi vì, tiện đó ông có dịp đi thăm bờ biển New- Zealand. Song, Paganel đã không lợi dụng cái cớ ấy.
Sau hai lần thất bại, ông không dám đánh bạo đề xuất thêm một lời giải thích mới, lời giải thích thứ ba, về nội dung lá thư trong chai. Mà cũng không thể làm như vậy được, bởi vì trong thư đã xác định rõ ràng thuyền trưởng Grant đang ở trên đất liền, chứ không phải ở đảo New- Zealand chỉ là một hòn đảo. Điều đó khỏi phải tranh luận. Dù sao đi nữa, vì lý do gì không rõ, nhưng khi đề nghị đi Auckland, Paganel không hề nói lời nào, hoặc làm việc gì có ý nhắc đến những cuộc tìm kiếm mới. Ông chỉ nhận xét rằng giữa thành phố này và nước Anh đường giao thông thuận lợi, có thể sử dụng một cách dễ dàng. 
John Mangles ủng hộ đề nghị của Paganel. Anh ta khuyên mọi người nên chấp nhận ý kiến ấy, bởi vì không biết sẽ phải chờ đợi ở Twofold – Bay bao lâu nữa mới có tàu đi Anh. Anh ta thấy cần phải lên  chiếc tàu buồm mà Paganel nói đến ấy. Và thế là, Glenarvan, thiếu tá, Paganel, Robert và viên thuyền trưởng trẻ lên một chiếc xuồng bơi tới ngay chiếc tàu hai cột buồm đó.
Đó là chiếc tàu buồm có sức cho hai trăm năm mươi tấn mang tên “Macquarie”, thường chạy trên các tuyến đường giữa các cảng khác nhau của Australie và New – Zealand. Viên thuyền trưởng, hay đúng hơn là viên chủ tàu, tiếp khách khá thô bạo, cục cằn. Nhưng Paganel chẳng câu nệ điều đó, và cũng chẳng còn cách lựa chọn nào khác. Hơn nữa, họ chỉ đi tàu vài ngày thôi, nên không cần có yêu cầu gì đặc biệt.
Họ nhanh chóng thoả thuận việc lấy chỗ cho chín người của đoàn thám hiểm, trong đó có hai phụ nữ.
Trưa hôm sau, mọi người lên tàu. Tàu không có phòng riêng, và hành khách phải hoàn toàn tự lo liệu việc ăn uống.
Trước khi rời cảng, Glenarvan đã nghĩ đến việc tranh thủ những giờ còn lại để một lần nữa đi đến vùng duyên hải nằm trên vĩ tuyến 37. Ông có hai lý do để làm việc ấy. Ông muốn xem lại nơi có thể xảy ra tai nạn đắm tàu “Britania” theo lời của Ayrton đã nói. Thật là nông nổi nếu vĩnh viễn rời khỏi đất nước này mà lại không khảo sát kỹ nơi ấy. Rồi nữa, nếu ở đấy không thấy “Britania” thì liệu “Duncan” có bị bọn tội phạm cướp mất ở vùng biển đó không? Rất có thể tại đây đã xảy ra một cuộc chiến đấu lắm. Biết đâu lại không tìm thấy nơi đây dấu vết của một cuộc chiến đấu, một cuộc kháng cự cuối cùng? Nếu như đoàn thuỷ thủ đã hy sinh trên biển thì lẽ nào sóng biển lại không cuốn xác họ giạt vào bờ?
Và Glenarvan đã cùng John Mangles đi khảo sát. Viên chủ khách sạn “Victoria” dành cho họ sử dụng hai con ngựa, và họ đi về phía bắc theo con đường bao quanh vịnh Twofold- Bay.
Cuộc khảo sát thật đáng buồn. Họ không bỏ sót eo biển nhỏ nào, bãi cát hay bãi đất bồi nào, không đâu thấy có mảnh tàu vỡ cả. Tuyệt nhiên không thấy một cái gì có thể làm cơ sở để bắt đầu những cuộc tìm kiếm mới. Dấu tích của “Britania” lại bị mất.
Họ cũng không thấy dấu tích của “Duncan” đâu. Cả vùng duyên hải phía đông Australia này vắng ngắt. Tuy vậy, John Mangles đã thấy ở gần bờ dấu vết của một lân trại nào đó; những thanh củi mới đun trong bếp. Có lẽ mấy hôm trước, một bộ lạc thổ dân nào đấy mới du cư qua đây? Không, Glenarvan nghĩ ngay rằng đây chắc chắn là tung tích của bọn tội phạm đó thôi.
Họ còn tìm thấy dưới gốc cây một chiếc áo rách đã được vá, màu vàng xám, ở chỗ rách vẫn nhìn rõ số tù của trại cải húân Perth. Tên tội phạm không còn đây, nhưng chiếc áo rách đã chứng tỏ hắn đã ở đây.
- Thấy không, John Mangles,- Glenarvan nói,- Bọn tội phạm đã đến đây rồi. Thế còn những người bạn tội nghiệp của chúng ta trên tàu “Duncan” thì đâu?
- Đúng, - thuyền trưởng trẻ đáp, giọng trầm ngâm,- rõ ràng họ đã không lên bờ và hy sinh rồi!...
- Bọn bất nhân đê tiện! Chúng mà vào tay ta thì ta sẽ trả thù chúng để thanh toán món nợ cho đoàn thuỷ thủ của ta.- Glenarvan kêu lên.
Nỗi đau đớn làm cho nét mặt của Glenarvan thêm khắc khổ. Hàng mấy phút liền ông không rời mắt nơi chân trời, dường như ông hy vọng tìm thấy trong khoảng không gian vô tận của đại dương một con tàu..Dần dần sự phẫn nộ trong đôi mắt Glenarvan dịu bớt. Ông đã bình tĩnh trở lại và, không nói thêm lời nào, không làm thêm động tác gì, ông phóng ngựa quay thẳng về Eden.
Còn phải làm thủ tục nữa là báo cho cảnh sát biết về tất cả những gì đã xảy ra…Glenarvan làm xong xuôi việc ấy, rồi trở về khách sạn “Victoria”. Đêm cuối cùng của các nhà thám hiểm ở Australie trôi qua một cách buồn rầu. Họ chập chờn nghĩ lại những ngày phiêu bạt trên đất liền đã đem lại cho họ bao nhiêu bất hạnh. Dường như họ cũng nhớ lại niềm hy vọng đã loé lên ở Bernouilli và đã bị tan vỡ một cách đau đớn ở Twofold – Bay. Paganel ở trong tình trạng bị xúc động mạnh. John Mangles đã để ý theo dõi Paganel ngay từ khi xảy ra biến cố trên bờ sông Snowy. Anh cảm thấy nhà địa lý có điều gì đó nửa muốn nói, nửa lại không. Đã nhiều lần, John Mangles gặng hỏi, nhưng Paganel không nói.
Buổi tối, khi tiễn nhà bác học về phòng nghỉ, John Mangles đã hỏi vì sao hôm nay ông lại lo lắng, bồn chồn như thế.
- John Mangles, anh bạn của tôi ơi! – Nhà địa lý trả lời một cách quanh co, - thần kinh tôi vẫn bình thừơng mà!
- Ông Paganel, - John Mangles chưa chịu thôi, - có điều gì bí mật đang giày vò ông thì phải?
- Nhưng, tôi biết làm điều gì được với cái điều ấy? – Nhà địa lý vung tay nói, vẻ bất lực.
- Ông đang nói về điều gì vậy?
- Về niềm vui sướng và nỗi thất vọng.
- Vâng, tôi vừa vui sướng cũng lại vừa thất vọng, khi tôi đặt chân lên đất New – Zealand.
- Ông lại có những dự kiến mới nào đó phải không? – John Mangles.
Nhanh nhảu hỏi – Ông lại lần ra được dấu tích của thuyền trưởng Grant phải không?
- Không, John Mangles ạ! Họ không trở về từ New – Zealand đâu. Nhưng mà…Tóm lại, như anh đã biết, bản tính của con người là còn thở thì còn hy vọng và khẩu hiệu của tôi là: “Spiro – Spero” (1)