Chương XX
Một lời yêu cầu

     hiều hôm qua, lang thang trong phố, tôi chợt đi đến đầu Hàng Đào.
Một cái màn vải dọc trắng dọc đỏ căng trên bốn chiếc gọng sắt lừ lừ tiến đến tận trước mặt tôi; tôi nhìn lại thì là chiếc xe đạp hòm ba bánh đem bán rong đường những đồ giải khát của hiệu Đầu con Gấu.
Từ phía nhà Nhạc hội đi lại, lướt trên đường nhựa, chiếc xe Đầu Gấu chạy veo veo. Cùng một lúc ấy, chiếc xe đạp hòm ba bánh chở hàng của nhà ảnh Hương ký cũng vừa đến đầu Hàng Đào, người ngồi trên giơ tay ra hiệu cho xe Đầu Gấu. Hai xe cùng hãm, hai người cùng đạp cho xe sát đến gần nhau. Một người xuống xe, bỏ ra ba xu; một người cũng xuống xe, hí hoáy làm một cốc nước đá bào đưa cho người kia uống. Xong việc mua bán, cả hai người lại ngồi lên xe, đạp. Cái Hương ký thì đi về mạn Hàng Trống; cái Đầu Gấu ngược lên phía Hàng Đào.
Đứng trên bờ hè, tôi nhìn hai chiếc xe ấy xa nhau. Rồi cũng ngay lúc ấy, óc tôi nảy ra một mối nghĩ: người ta có thể đem những thứ xe đạp này dùng thay cho xe kéo.
Ba chiếc bánh cao su lắp vào một cái gióng bằng sắt, hai bánh để trước, một bánh để sau. Giữa hai bánh trước, đặt một cái giỏ mây vào, sau lưng giỏ dựng một cái cần cao để làm cọc chống đỡ lấy cái mui; vành sau giỏ lắp một cái tay xe cho người ngồi đạp đằng sau cầm lái.
Đấy, phác qua, chỉ có bấy nhiêu cái.
Bấy nhiêu cái khéo đặt cho tiện mưa tiện nắng, nhà đóng xe đã có thể chế ra được một thứ xe người đạp người.
Tôi chẳng dám nhận công là một nhà sáng kiến, vì thứ xe đạp người ấy, hiện ở Thượng Hải, người ta đã cho đem chạy khắp các phố rồi.
Người đạp xe cho người, coi nó lịch sự mà có vẻ nhân đạo hơn vì người đạp cũng được ngồi, không phải co hai chân, cắm cổ cắm đầu mà chạy.
Ông có tiền lại vội việc, ông ngồi lên cho tôi đạp. Tôi không tiền, tôi đạp hộ cho ông chóng đến chốn đến nơi. Trên chiếc xe ấy, có một cái trông không trái mắt là: ông ngồi, tôi cũng ngồi. Phải, tôi với ông, chúng ta cùng là người. Ông ung dung ngồi trước, không mất công khó nhọc, vì ông có tiền thuê tôi; tôi ngồi sau, vì lấy tiền thuê của ông, tôi phải lên gối xuống gối. Có phải đổ mồ hôi vì đạp, tôi cũng bằng lòng vì tôi đã tự nguyện làm việc ấy. Mà bỏ tiền thuê tôi làm việc ấy, ông cũng không có quyền được gọi tôi là người ngựa vì nghề của tôi là đạp người chứ không phải kéo người.
Bàn chuyện bỏ xe kéo, tôi chắc đã sắp có ông chủ xe ghé vào tai tôi mà bảo: Anh định để chết ai?
Đối với những người coi đồng tiền hơn ruột thịt ấy, tôi không dám đáp nửa lời. Đây, tôi chỉ xin nói với những ai có tầm con mắt rộng hơn, những người có tâm giải quyết các vấn đề xã hội.
Nghề xe kéo sản xuất ở nước ta mới hơn nửa thế kỷ nay. Trước khi người Pháp sang đây, đường sá chưa tiện giao thông, ta chỉ có cách đi cáng, đi võng, hai người phải cáng, võng một người. Đến ngày các đường trong xứ đã mở rộng ra, và sửa lại cho bằng phẳng hơn, cái xe kéo men từ đất tổ nó là nước Nhật qua Tàu, vượt thang sang đây, rồi khoác cái lốt xe bọ ngựa mà in vết bánh ở khắp đường, khắp lối. Trong năm mươi năm trời, từ cái hình bọ ngựa, chiếc xe kéo mới tiến lên được đến chỗ có hai vành bánh cao su bom hơi. Nó tiến chậm như thế vì nó chưa chạy được trước người, vẫn phải lẽo đẽo theo sau người chạy.
Cuộc tiến bộ của nó, có lẽ chỉ đến được bước ấy, vì trong vòng mười năm nay, nghề xe kéo không có chút gì thay đổi, chiếc xe cao su vẫn chỉ là chiếc xe cao su thôi.
Ở thời đại cạnh tranh tiến hóa này, cái gì đã không tiến, là rồi có ngày phải sa vào vòng đào thải.
Nghề xe kéo, trước sau rồi cũng đến ngày ấy.
Ta nên để nó tự giết nó, hay ta giết trước nó đi cho rồi?
Đối với cái nghề có nhục đến quốc thể, chẳng nên cho nó sống dằng dai... Giết chết nó đi mà phải giết ngay vì nó sống ngày nào còn để nhục cho mình ngày ấy.
Bỏ xe kéo người lấy xe đạp người thay vào, ta vẫn để công việc cho anh em phu xe đâu có đấy. Ngàn rưởi người ở Hà Nội hàng ngày sống về ngàn rưởi chiếc xe kéo hai bánh, thì ngàn rưởi chiếc xe đạp ba bánh, hàng ngày cũng vẫn nuôi sống được cả ngàn rưởi người.
Xin ra lệ cấm đi xe đôi, xin bỏ lệ cấm đi xe đôi, các ông hội viên thành phố Hà Nội, Hải Phòng đừng mất công yêu cầu những việc... loanh quanh ấy.
Đã làm, các ông hãy làm cho ra việc, việc xin bỏ xe kéo nó chẳng phải việc... mò trăng đáy nước hay khều sao trên trời.
Nói thế, không phải tôi dám thúc các ông hội viên yêu cầu với hội đồng thành phố lập tức bỏ xe kéo ngay. Không có chiếc gậy tiên, hội đồng làm gì có tài mà gõ cho mấy ngàn chiếc xe kéo thay được hình luôn trong một lúc.
Chúng tôi chỉ xin bàn với các ông một việc: yêu câu với quan Đốc lý ra lệnh cho Sở Cảnh sát lần lượt đi khám các xưởng chứa xe trong thành phố xem chiếc nào đã hư hỏng, bắt bóc “số tai” ra, không cho phép sửa chữa nữa; những xe ấy không được cho thuê chở người, chỉ được phép cho thuê để tải đồ. Chủ xe nào muốn có thêm xe chở người để kiếm lợi, phải đóng xe mới theo kiểu xe đạp ba bánh đúng với mẫu của hội đồng thành phố đặt ra; mẫu ấy phải đơn giản để số tiền chủ xe bỏ ra đóng xe kiểu mới cũng sầm si với số tiền trước đã tiêu dùng vào việc đóng xe kiểu cũ.
Cách đó cũng chẳng có gì là khó khăn, mới lạ.
Nó cũng như điều lệ đang thi hành ở thành phố: nhà tranh hay nhà đã cũ nát không được phép sửa chữa, chủ nhà phải phá đi làm nhà mới đúng với mẫu của Sở Vệ sinh thành phố đã ký nhận cho.
Chỉ làm như thế trong ba năm, tôi dám chắc ở thành phố không còn tìm đâu được một chiếc xe kéo nữa, mà trong thời gian ấy, anh em phu xe vẫn ngày ngày kiếm được đủ ăn hai bữa, chủ xe vẫn kiếm được lợi, thành phố cũng vẫn thu được thuê xe.
Đem vùi dần nghề xe kéo, ta vẫn gây được đất sống cho anh em phu xe; anh em sống mà không mất nhân phẩm vì nghề, không phải lao lực vì nghề, hai chân tuy phải làm luôn, nhưng việc làm ấy không phải việc làm của con trâu, con ngựa.
Một lời yêu cầu không để thiệt cho ai, lại có thể nâng cao được cả phần hồn và phần xác của một hạng người, lời yêu cầu ấy, có khi nào bị bỏ.
Cái khóa rào ngăn bọn ngựa người, từ trước đến nay vẫn có một chiếc thìa khóa.
Chiếc tôi bắt được ở nhà Tư S. ngoài bãi Cơ Xá Nam, chính là chiếc thìa khóa đó.
Nó đã cũ.
Nhưng cũ chưa hẳn là vô dụng nên hôm nay tôi cứ đưa nó cho các ông hội viên ta.
Hà Nội, Juin, 1932

Xem Tiếp: ----