Dịch giả: Mạc Đỗ
13 -14

     rước khi bước vào, Dick lấy chiếc nón kết đập mạnh mấy cái làm rơi những bông tuyết bám trên bộ áo trượt tuyết của mình, màu xanh đậm. Nơi tiền đình rộng lớn với sàn gỗ như mắc bịnh thủy đậu vì những đôi giầy đế đóng đinh dẫm lên từ hai chục năm nay, đã được thu gọn để dùng làm sàn khiêu vũ vào giờ uống trà. Khoảng tám chục thanh niên Mỹ ở tại những trường học quanh vùng Gstaad nhẩy nhổm trong những âm thanh của bản Don’t bring Lulu hoặc như nổ tung với những nhịp giựt đầu tiên của điệu charleston. Đó là một đoàn trẻ tuổi, những con người bình dị, nhưng tiêu sài rất lớn. Những sturmtruppen, những đội xung kích, của các nhà triệu phú, đều ở Saint-Moritz. Baby Warren cho rằng đã hy sinh ghê gớm khi tới Gstaad với vợ chồng Diver.
Dick trông thấy hai chị em, ở góc bên kia gian phòng lớn. Cả hai cùng như vừa ở một tấm bích chương quảng cáo nào bước ra, với bộ độ trượt tuyết huy hoàng, Nicole bận màu xanh lợt, Baby bận màu đỏ gạch. Một người Anh trẻ tuổi đang nói chuyện với hai chị em nhưng họ không chú ý tới người đó, đang bị ru bởi cuộc khiêu vũ của bọn trẻ tuổi đến độ con mắt chằm chằm mơ màng.
Gương mặt Nicole tương sáng nhờ tuyết lạnh, ánh lên một chút khi trông thấy Dick.
- Y đâu rồi?
- Y bị lỡ chuyên tàu. Tôi sẽ tìm gặp hắn sau.
Dick ngồi xuống, nặng nề đưa một chân mang đôi giầy đế cao lên gác trên đầu gối.
Hai chị em ngồi bên nhau trông in hệt một bức tranh. Thỉnh thoảng tôi đã quên đi rằng chúng ta cùng đi với nhau, khi trông thấy hai chị em quả tinh tôi thấy xúc động.
Baby là một thiếu phụ cao lớn xinh đẹp đang rất bận tâm vì gần tới tuổi ba mươi. Điều chứng tỏ rõ rệt nhất là thiếu phụ kéo theo sau hai người đàn ông. Một trẻ, vừa tốt nghiệp Cambridge ra, một già hơn, vẻ dữ hơn, đầy những lời ám chỉ kiểu victorian và không được lễ độ. Baby có mang ít nhiều nét đặc biệt của những cô gái già. Bất kỳ đụng chạm trực tiếp nào thiếu phụ đều không thích. Thiếu phụ giật mình mỗi khi có ai bất ngờ đụng phải người. Còn những đụng chạm dài lâu hơn, chẳng hạn những cái hôn, xuyên thẳng qua da thịt thiếu phụ để tới ngay lớp váng của ý thức. Baby rất ít cử chỉ, ít có những điệu bộ phô trương bộ ngực làm chính, nhưng ra dậm chân dưới sàn hay ngẩng mặt đưa cái đầu ra phía sau trong một dáng điệu hầu như đã lỗi thời. Thiếu phụ rất thèm thuồng tiền vị chết chóc - được cung cap bởi những tai nạn của bè bạn - và luôn luôn thiếu phụ quay lại với ý nghĩ Nicole có một định mệnh bi thảm.
Người trẻ tuổi trong số hai người Anh đã theo đuôi hai chị em bên những triền núi được trang bị sẵn và đã khiến hai người có lúc cảm thấy gần cái chết khi trượt tuyết bằng thứ xe bob. Dick, mới bị trẹo chân vì làm một cú télémark quá tham, rất biết ơn người trai trẻ đó và tha thẩn trên triền núi dễ được mệnh danh là triền của nhà nuôi trẻ nít, cùng với lũ trẻ con, hoặc ngồi uống kavass tại khách sạn với một bác sĩ người Nga.
Nicole thường nhắc:
- Dick ơi, em van anh, vui chơi lên đi chứ. Tại sao anh không nhờ giới thiệu với một vài cô gái kia để khiêu vũ buổi chiều với họ?
- Nhưng tôi biết nói chuyện gì với họ?
Giọng nói trầm vả hơi khàn khàn của Nicole cao lên một vài cung để bắt chước lối nói ẻo ướt của những người tầm thường yêu nhau:
- Em có biết em là con búp bê xinh đẹp nhất đời anh được gặp hay không?...
- Nhưng tôi không thích những con búp bê. Họ nức mùi xà bông nấu băng dầu trẩu và mùi kẹo bạc hà. Khi tôi nhảy với họ, tôi có cảm tưởng như đẩy chiếc xe có chú bé con nằm bên trong...
Đó là một đề tài nguy hiểm. Dick cố ý có hơi quá đáng bao giờ cũng ngó quá trên đầu những cô gái.
Baby nói:
- Chúng ta cần nói chuyện công việc làm ăn. Trước hết, theo những tin tức nhận được từ bên nhà, về khu đất mà chúng ta quen gọi là khu nhà ga. Hồi đầu công ty xe lửa mới mua có phần giữa. Bây giờ họ đòi mua tất cả. Khu đất đó là của má. Vấn đề đặt ra là sinh lợi cách nào món tiền đó.
Người Anh làm bộ khó chịu về cái ngả vật chất của câu chuyện đang nói, đi tới gần một cô gái khiêu vũ. Baby đưa mắt dõi theo anh ta, không biết nên xử đối cách nào, với tư cách thật sự là một cô gái Mỹ, nhưng là một cô gái Mỹ có tật thân Anh từ bẩm sinh. Rồi thiếu phụ nói tiếp, có vẻ khiêu khích:
- Món tiền lớn lắm: mỗi phần ba trăm ngàn đô-la. Về phần tôi, tôi lo đầu tư theo ý tôi. Nhưng Nicole không rành chút nào hết về thị trường chứng khoán, tôi đồ chừng cả Dick cũng vậy.
Dick đánh trống lảng:
- Đến giờ xe lửa tới tôi phải ra ga đây.
Bên ngoài Dick hít phải những bông tuyết ướt không nhìn thấy trong đêm tối vừa đổ xuống. Ba đứa trẻ đi xe trượt tuyết lướt sát người Dick hét lên một lời đè chừng bằng thứ tiếng gì lạ hoắc. Đến vòng lượn sau Dick vẫn nghe thấy chúng la lên như vậy. Xa hơn một chút Dick nghe thấy tiếng nhạc của một chiếc xe trượt tuyết đang leo dốc trong bóng đêm. Toàn thể trung tâm du ngoạn thể thao này đang nóng nảy run lên. Từng đám tuổi trẻ chờ đón từng đám tuổi trẻ khác. Khi đến giờ xe lửa tới Dick đã bắt được nhịp rung động đó đến nỗi nói với Franz-Gregorovious rằng y đã vì Franz mà mất một nửa giờ thích thú vô hạn. Nhưng về phần Franz, y đang hết sức tận tâm và không để cho tâm trạng của Dick chế ngự. Dick có viết cho Franz: “Có lẽ tôi sẽ tới Zurich một ngày, hay anh có thể thu xếp tới Lausanne chăng?”
Franz đã thu xếp để tới xa hơn nhiều nữa, đến tận Gstaad. Bây giờ Franz đã bốn mươi tuổi. Sự trưởng thành lành mạnh của Franz được bọc trong cả một lớp trang bị xã giao những điệu bộ vồn vã. Nhưng Franz trở nên tự tin hơn trước trong một thứ yên ổn hơi ngột ngạt, ở yên trong đó, y có thể chế diễu những bịnh nhà giàu mà y đang cả huấn. Dòng dõi khoa học của y có thể cho Franz một chân trời rộng hơn, nhưng xem ra y đã quả quyết chấp nhận quan điểm của một giai cấp khiêm tốn hơn, sự lựa chọn của Franz được biểu tỏ rõ rệt bằng cuộc hôn nhân của y.
Tới khách sạn, Baby để ra một khoảnh khắc ngắn quan sát Franz, không nhận thấy nơi Franz một dấu hiệu nào mà thiếu phụ quý trọng, không chút lễ phép tế nhị do đó những người có đặc quyền nhận ra nhau, thiếu phụ xử đối với Franz theo cung cách đối đãi của mình. Nicole bao giờ cũng vẫn hơi sợ hãi Franz. Dick quý mến Franz, như quý mến hết thảy các bạn của y, không phê bình và không e ngại.
Tối hôm đó, mọi người theo dốc núi xuống tận làng, trên những chiếc xe trượt tuyết cũng tương tợ như những chiếc thuyền mũi cong ở thành phố Venise. Mục đích của họ là một khách sạn có một quán bia theo kiểu Thụy Sĩ ngày xưa, bằng gỗ, đầy những đồng hồ, thùng rượu và đầu thú vật ăn được. Nhiều bọn thực khách tụ họp tại quanh một chiếc bàn lớn ăn món foundne [1] kèm thứ rượu hâm nóng có mùi hương liệu.
Không khí vui vẻ cởi mở. Người Anh trẻ tuổi nhận xét như vậy và Dick đồng ý. Sau khi đã uống chút ít thứ rượu phỉnh gạt đó, Dick cũng thấy thoải mái và tin chắc thế giới đã được đặt về vị trí do những con người tóc trắng của những năm tốt đẹp 90, vừa chơi dương cầm vừa hò những bài ca xưa, được phụ họa theo bởi những giọng trẻ hơn với những bộ quần áo nhiều màu rực rỡ, hòa hợp với khung cảnh do những đợt khói thuốc lá. Trong khoảnh khắc Dick có cảm tưởng ở trên một con tàu, đất liền đã được loan báo trông thấy ở trước mặt. Trên những gương mặt các cô gái, người ta đọc thấy chung một sự chờ đợi thơ ngây về hết thảy những gì mà đêm đó sẽ mang lại cho họ. Dick đưa mắt kiếm một người nào đó trong đám tuổi trẻ và cố cảm tưởng người đó phải đang ngồi ở bàn ngay sau lưng, rồi y lại quên ngay đi, bịa ra một điệu hát xưa cũ và cố gắng gây cho mọi người cùng đi một tối vui chung.
Franz nói bằng Anh ngữ với Dick:
- Tôi cần phải nói chuyện với anh. Tôi chỉ ở lại đây có hai mươi bốn giờ.
- Tôi cũng nghĩ rằng anh có điều gì muốn nói.
- Tôi có một dự định, một dự định tuyệt diệu...
Franz đặt tay trên đầu gối Dick...
- Một dự định làm cho cả hai chúng ta đều thành công...
- Anh nói đi.
- Dick ạ, có một bịnh viện mà cả hai chúng ta có thể cùng mua lại, đó là bịnh viện cũ của Braun, trên hồ Zug. Những thiết trí tối tân, nếu nói chung toàn thể. Lão già Vraun muốn trở về Áo có lẽ để được chết tại quê nhà. Đó là một cơ hội đang tới, rất tốt... Anh với tôi... Chúng ta sẽ thành một cặp bài trung rất hay! Nhưng anh đừng nói chi hết trước khi tôi nói hết.
Dick nhận thấy một tia sáng vàng trong mắt Baby, hiểu rằng thiếu phụ cũng đang nghe lỏm.
- Chúng ta cần phải kinh doanh với nhau. Lo việc đó anh khỏi cần phải có mặt luôn, nhưng anh sẽ có một căn cứ, một phòng thí nghiệm, một trung tâm. Anh có thể ở tại đó... thí dụ mỗi nửa năm, vào mùa tốt. Mùa đông anh có thể đi Pháp hay đi Mỹ và viết tại đó những sách vở, được tô điểm bằng những kinh nghiệm tại giường bịnh.
Franz nói nhỏ:
- Và đối với vụ dưỡng bịnh, sẵn sàng có không khí, có sự ngăn nắp của đời sống tại bịnh viện.
Vẻ mặt của Dick không khuyến khích tiếp tục đi vào ngả đường đó. Franz liền bỏ ngay.
- Chúng ta có thể hợp tác với nhau, tôi là người quản trị, người điều khiển các việc hành chánh, anh là lý thuyết gia, người khám bệnh lỗi lạc. Tôi tự biết tôi, tôi biết tôi không có thiên tài còn anh thì có. Nhưng cứ như người ta nói, theo đường lối của tôi rất có khả năng, hoàn toàn thành thạo những phương điều trị hiện đại nhất. Đôi khi tôi có dịp điều khiển toàn thể bịnh viện, trong nhiều tháng. Giáo sư bảo rằng kế hoạch rất tốt và khuyến khích tôi nên tiến tới. Ông ấy bảo rằng, về phần ông ta, ông ta sẽ sống mãi mãi, và nhất quyết sẽ làm việc cho tới giờ phút cuối cùng.
Dick, trước khi ngỏ một ý kiến xét định, có một ý niệm cụ thể và toàn bộ công việc.
- Còn vấn đề tài chánh?
Franz đưa cái cằm lên, cùng với cặp chân mày, những vết nhăn bất thường trên trán, hai bàn tay, hai khuỷu tay, hai vai. Franz duỗi chân co những bắp thịt ở chân lên khiến cho ống quần hằn lên những cái bướu, thu giọng nước vào tận cùng cổ họng. Franz than:
- Thế là chúng ta đi tới đó... tiền! Tôi không có nhiều tiền... tri giá của công việc này, tính ra Mỹ kim, chừng hai trăm ngàn đô-la. Những tu bổ để hiện đại hóa mà anh sẽ thấy cấn thiết ước chừng hai chục ngàn đô-la. Nhưng bịnh viện đó là một kho vàng, tôi có thể nói chắc với anh điều đó. Tôi đã xem sổ sách. Với một số vốn bỏ ra là hai trăm hai chục ngàn đô-la, chúng ta sẽ có một lợi tức chắn chắn là...
Sự tò mò của Baby lộ rõ đến độ Dick kéo luôn thiếu phụ vào câu chuyện:
- Chị đã có kinh nghiệm rồi đó, Baby, chị có nhận thấy khi một người Âu châu thấy cần thiết gấp một người Mỹ, bao giờ cũng có liên quan tới một vấn đề tiền bạc, phải không?
Thiếu phụ ngây thơ hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- Chàng trai trẻ giáo thụ này cho rằng y và tôi cần thiết lao vào một doanh nghiệp lớn và tìm cách lôi kéo hết những người Mỹ điên.
Franz buồn bực, lo lắng, ngó Baby, trong khi Dick nói tiếp:
- Nhưng chúng ta là ai, Franz? Anh mang một tên họ lớn và tôi đã viết hai cuốn sách. Như vậy có đủ để lôi kéo khách hàng? Với lại tôi không có đủ số tiến đó. Tôi không có được một phần mười.
Franz nở một nụ cười trắng trợn.
- Thành thật mà nói, tôi đoan chắc với anh là tôi không có tiền. Nicole và Baby thì giàu có nhưng tôi chưa thò tay được vô trong cái túi bạc đó.
Mọi người cũng lóng tai nghe. Dick tự hỏi không hiểu người con gái ở sau lưng có nghe hay không.
Nghĩ vậy Dick thấy thú. Y quyết định để cho Baby nói thay mình. Như người ta thường để cho đàn bà ba hoa về những chuyện mà họ không có quyền quyết định. Baby chợt biến thành ông nội của thiếu phụ, đầy kinh nghiệm và gan dạ.
- Tôi cho rằng đó là một công việc mà anh nên lưu tâm, Dick ạ. Tôi không rõ bác sĩ Gregory đã nói những gì với anh, nhưng tôi có cảm tưởng rằng...
Sau lưng bọn họ, cô gái cúi đầu về phía trước trong một làn khói, để lượm vật gì dưới đất.
Gương mặt của Nicole hòa hợp với gương mặt của Dick qua mặt bàn họ đang ngồi: nhan sắc của cô gái ẩn núp trong tình yêu của người chồng, lúc nào cũng sẵn sàng bao bọc vợ.
Franz bị kích thích, nói:
- Đúng thế, Dick ạ, anh nên nghiên cứu dự định này. Khi ta viết về bịnh thần kinh, ta cần có những tiếp xúc tại giường bịnh thật sự. Jung viết, Bleuter viết, Freud viết, Forel viết, Aider viết. Bao giờ họ cũng có những tiếp xúc không ngớt với những vụ xáo trộn thần kinh.
Nicole cười, nói:
- Nhưng Dick đã có tôi. Tôi nghĩ rằng như vậy cũng đủ gây xáo trộn cho một người đàn ông...
Franz thận trọng đáp:
- Chuyện đó hoàn toan khác.
Baby tự nhủ nếu Nicole sống ở gần một bịnh viện, thiếu phụ sẽ mãi mãi yên tâm về Nicole. Baby nói:
- Chúng ta nên suy nghĩ kỹ về vụ này.
Tuy lấy làm thích thú trước thái độ xấc láo của thiếu phụ, Dick không muốn khuyến khích. Dick vui vẻ nói:
- Baby, quyết định về việc này là phần tôi. Nếu chị muốn mua cho tôi một bịnh viện đó là một ý dễ thương lắm.
Hiểu rằng mình tham dự vào chuyên không liên quan đến mình, thiếu phụ vội vã rút lui:
- Đã đành là việc của anh, nhất định như vậy.
- Một chuyện quan trọng như vậy đòi hỏi phải suy nghĩ cả tuần lễ. Tôi tự hỏi nếu Nicole và tôi chôn chân như vậy ở Zurich thì sẽ ra sao.
Dick quay lại với Franz, đoán trước những gì Franz sắp nói:
- Tôi biết Zurich có một nhà máy hơi đốt, có nước máy, và có điện. Tôi đã sống tại đó ba năm.
Franz đáp:
- Tôi để anh suy nghĩ về chuyện đó. Tôi có thể hội vọng nhiều...
Một trăm đôi ủng nặng bắt đầu dậm lên sàn đi ra phía cửa, họ cũng theo ra với đám đông. Bên ngoài, dưới trăng sáng trời rét căm căm, Dick trông thấy cô gái cột chiếc xe trượt tuyết nhỏ của mình vào một trong những chiếc bob trước mặt. Cùng với bọn người đồng hành Dick cũng ngồi lên một xe, rồi ngựa bắt đầu chạy đi, xuyên qua không khí lạnh ban đêm, với những tiếng roi da quất vun vút.
Bên cạnh họ có những bóng người chạy đi, chen lấn nhau; bọn trẻ tuổi xô đẩy nhau ra ngoài xe, gây nên những vụ té xuống tuyết mềm, rồi những người bị té cố gắng đuổi theo ngựa, hổn hển, để nhảy lên một chiếc xe, hay than vãn bị bỏ rơi.
Hai bên đường cánh đồng trải dài, lặng lờ; không gian vươn cao vô tận. Khi ra tới giữa cánh đồng đoàn xe bớt ồn ào. Tưởng như mọi người chợt bị xâm chiếm bởi nỗi lo sợ lưu truyền những bầy sói đang lóng tai chờ đợi.
Tới Saanen, mọi người tràn vô đêm dạ vũ của làng gồm phần đông là những người chăn dê, người làm công, chủ tiệm, thầy dạy ski, hướng đạo viên, du khách và nông dân. Bước vào gian phòng kín và ấm sau cảm tưởng thú vật bên ngoài khác nào nhận lại một cái tên nào đó phi lý và to tát của người hiệp sĩ, cũng ồn ào và to tiếng như những chiếc ủng có đinh thúc ngựa thời chiến, hoặc những đinh đế giày chơi football trên nền lát xi-măng. Lại nghe thấy bài cố hữu Yodelling và nhịp điệu quen thuộc đó làm mất đi nơi Dick những gì mà cho tới đó Dick cảm thấy lãng man trong khung cảnh trước mặt. Ban đầu Dick tưởng rằng bởi y đã xua đuổi hình ảnh cô gái kia ra khỏi đầu, sau lại nghĩ bởi nhớ tới lời Baby nói: “Để cho chúng tôi cẩn thận suy nghĩ đã”. Câu nói đó còn kèm theo một cái đuôi không nói ra nhưng ngầm hiểu: “Anh đã thuộc về chúng tôi, sớm muộn anh sẻ phải nhìn nhận. Cứ làm bộ tự lập mãi thật phi lý quá”.
Đã từ lâu năm Dick không hề nghĩ ác cho ai. Đó là từ năm đầu lên đại học, tại New Haven, Dick tóm được một cuốn sách bình dân về Vệ sinh tinh thần. Bây giờ thì Dick ngầm tức giận Baby lắm nhưng đồng thời lại cố gắng nén tình cảm đó ở bên trong, tuy vẫn lấy làm đau xót trước cái tật xấc láo nhà giàu của thiếu phụ. Còn cần phải hàng trăm năm nữa những thứ tập tễnh Amazone đó mới hiểu được rằng đàn ông chỉ lộ nhược điểm vì kiêu hãnh, nhưng một khi bị thương tổn trong kiêu hãnh người đó dễ vỡ như vỏ trứng, tuy có một số người chỉ chấp nhận điều đó trên lý thuyết. Nghề nghiệp của bác sĩ Diver, có nhiệm vụ phải sắp loại những vỏ trứng vỡ, đã tạo cho y mối lo sợ những gì dễ vỡ
- Tôi không có sự lạm dụng lễ độ - Dick nói vậy khi trở lên Gstaad.
Baby đáp:
- Nhưng tôi thấy như vậy dễ chịu lắm.
- Không đâu, chẳng dễ chịu chút nào. Tỏ lễ độ tức là chấp nhận rằng mọi người đều hiền dịu và tế nhị đến độ phải mang găng. Người ta không dễ dàng bảo một người đàn ông là nhát sợ hay nói dối, đã đành, nhưng nếu suốt đời ta cứ lo nương nhẹ những tình cảm của người khác và nuôi dưỡng thói kiêu căng của họ, kết cuộc ta sẽ đến lúc không thể nào phân biệt được những gì đáng quý trọng nơi những người đó.
Người Anh lớn tuổi nói:
- Tôi tưởng người Mỹ rất quan trọng đối với chuyện lễ độ của họ.
Dick đáp:
- Đúng, tôi cũng cho rằng thế. Cha tôi có cái lối lễ độ thừa hưởng được của thời người ta nổ súng trước xin lỗi sau. Đàn ông thời đó ai cũng mang súng, nhưng các ông, người Âu châu, từ đầu thế kỷ mười tám, trong đời sống thường các ông không mang súng nữa.
- Không, sự thật như vậy, có lẽ.
- Không phải sự thật như vậy, không đích xác có thế.
- Ô kìa Dick! Anh bao giờ cũng giữ lễ độ hết sức cơ mà. - Baby nói vậy để dàn hòa.
Hai thiếu phụ ngó Dick với đôi chút e ngại. Người Anh trẻ tuổi không hiểu chi hết. Y thuộc vào loại người bao giờ cũng lẫn lộn giữa những bao lơn và những đường hiên trên mái với những đồ trang bị cho một chiếc được thuyền; suốt thời gian leo dốc lên tới khách sạn y kể câu chuyện vô lý một vụ đánh võ giữa y và người bạn thân nhân, cuộc đấu trong đó y và người bạn cùng bị đánh đau và cũng được nhau thương yêu, cứ như thế, kéo dài một giờ liền, kể như vậy với rất nhiều dè dặt thường lệ.
Dick trở nên láu lỉnh.
- Như vậy cứ mỗi khi người bạn đó gửi đến cho ông những cú đấm ông càng coi người đó là bạn thân nhất hay sao?
- Tôi sẽ quý trọng anh ta hơn.
- Nhưng đó chỉ là những cử chỉ đầu tiên mà tôi hiểu không nổi. Ông và người bạn thân nhất của ông bất cứ gặp chuyện gì cũng đấm đá được ngay ư?
Chàng thanh niên người Anh lạnh lùng nói:
- Nếu tự ông không hiểu được thì tôi cũng chịu không giải thích cho ông hiểu được.
Dick úp mở kết luận:
- Đó là điều mà tôi sẽ phải chấp nhận nếu tôi nói hết những ý nghĩ của tôi ra.
Dick hơi hổ thẹn đã để cho người đó cắn câu và hiểu rằng sự phi lý của câu chuyện nằm trong tính chất trẻ con mà câu chuyện biểu lộ và cũng ở trong cung cách huyênh hoang của người kể chuyện.
Không khí của đêm hội thật căng thẳng. Mọi người đi theo đám đông tới gian grill-room, tại đó một người barman gốc Tunisie điều khiển ánh đèn màu song song với ánh trăng trên băng tuyết bên ngoài qua những khung kính cửa rộng lớn. Dick gặp lại cô gái, nhưng thấy cô ta như cạn hết năng lực và không đáng chú ý nữa. Dick bèn quay đi để thụ hưởng bóng tối trong đó ánh lửa ở đầu điếu thuốc trở nên lục và bạc khi ánh sáng đổi sang đỏ, và thỉnh thoảng một tia sáng trắng ập xuống đầu những người đang khiêu vũ rồi vụt biến mất, mỗi khi cửa phòng mở hay đóng lại.
Dick hỏi:
- Này, Franz, thật tình anh có nghĩ rằng sau một đêm uống bia anh có thể quay lại với bịnh nhân của anh và khiến cho họ tin rằng anh có cá tính không? Anh có tin rằng họ sẽ cho anh là một thứ đau bao tử không?
Nicole tuyên bố:
- Tôi đi về ngủ.
Dick đưa vợ ra tới cửa thang máy.
- Tôi muốn cùng về với mình, nhưng tôi cần thuyết phục Franz rằng tôi không phải là người có thể lo việc điều trị tại giường bịnh được.
Nicole bước vô thang máy, bộ suy nghĩ, nói:
- Quả tình Baby có nhiều óc tinh tế lắm.
- Baby là một...
Cánh cửa khép lại. Dick nói nốt câu nói để một mình mình nghe: “Baby là một người đàn bà tầm thường và ích kỷ”.
Nhưng hai ngày sau, đưa Franz ra ga xe lửa bằng xe trượt tuyết, Dick chấp nhận sẽ nghiên cưu với thiện cảm đề nghị của Franz. Dick nói:
- Chúng tôi bắt đầu quanh quẩn. Cứ sống như hai vợ chồng tôi hiện giờ, có nhiều cơ hội căng thẳng quá, mà Nicole lại không đủ khả năng để có thể vượt qua được hết. Đời sống thôn quê mà chúng tôi tìm ra được trong mùa hè tại vùng Riviera đang bắt đầu tan biến mất. Sang năm tại đó sẽ có một “vụ hè”.
Hai người đi ngang khu trượt patanh vang vang những khúc luân vũ thành Viên và những màu cờ của nhiều trường dạy leo núi bay phất phơ trên nền trời xanh nhạt.
- Franz ạ, tôi hy vọng chúng ta gây nên được cơ sở đó. Không có ai tôi có thể nghĩ tới thử làm chuyện đó ngoài anh ra.
Vĩnh biệt Gstaad, vĩnh biệt những gương mặt tươi mát, những bông hoa lạnh hiền dịu, những bông tuyết trong đêm. Vĩnh biệt Gstaad, vĩnh biệt!
[1] Món ăn miền núi (cũng như ở vùng Savoie Pháp): phó-mát khô loại grysre, nấu với rượu nho trắng trong chiếc tay cầm trên lò than thành một thứ kẹo, mọi người dùng cây xiên có mẩu bánh mì nướng ở đầu nhúng vô rồi ăn kem với rượu nho trắng thật séc.
(N.D.G.T.)

14

Dick tỉnh dậy vào lúc năm giờ sáng sau một giấc mơ dài về chiến trận. Y ra cửa sổ ngắm hồ Zug. Giấc mơ khởi đầu bằng một không khí oai nghiêm u tối; những bộ đồng phục màu xanh hải quân đi ngang một Công trường sau ban nhạc chơi đoạn hai của bài Tình yêu của Ba Trái Cam, của Prokofieff. Rồi tới những máy bơm chữa lửa, biểu tượng của tai họa, và một cuộc nổi loạn ghê rợn của thương phế binh bên trong chiếc xe cứu thương. Dick thắp ngọn đèn đầu giường và ghi hết giấc mơ, kết thúc bằng một câu nửa chế diễu: Shell-Shock của người không chiến đấu.
Ngồi bên thành giường, Dick có cảm tưởng gian phòng, căn nhà, đêm tối, cùng trống rỗng. Ở phòng bên, Nicole lẩm bẩm nói gì bằng một giọng ảo não, Dick cảm thấy trong giấc ngủ Nicole vẫn đau khổ vì cảm tưởng bị bỏ rơi. Đối với Dick thời gian như ngừng lai, rồi từng khoảng mấy năm một dồn dập như nước lũ, như cuốn phim ảnh quay nhanh đã cuốn ngược lại... Nhưng, đối với Nicole, năm tháng trốn chạy theo nhịp của đồng hồ và những tờ lịch, của những ngày sinh nhật, nhan sắc dễ tàn phai cộng thêm một đức tính bi thiết vào sự trốn chạy của thời gian.
Đối với Nicole, ngay mười tám tháng sống bên bờ hồ Zug cũng là thời gian mất đi, những mùa chỉ nhận thấy trên da mặt những công nhân làm việc trên đường, đỏ vào tháng Năm, nâu vào tháng Bảy, gần đen vào tháng Chín, và trở lại trắng khi đầu mùa xuân. Nicole thoát khỏi cơn bịnh đầu tiên với những ước vọng mới, chờ đợi thật nhiều nhưng chẳng có gì ngoại trừ Dick, nuôi con gái mà Nicole làm bộ thương yêu nhưng Nicole nhìn thấy đó là những đứa trẻ mồ côi được dẫn dắt tốt. Những người mà Nicole thấy có cảm tình - phần đông là những người phản kháng - khiến cho Nicole bối rối và gây ảnh hương xấu cho sức khỏe của thiếu phụ. Y cố tìm nơi những người đó năng lực đã giúp họ tự lập và sáng tạo. Nhưng Nicole kiếm mãi uổng công, vì những bí mật của họ giấu sâu thẳm trong những đấu tranh tuổi nhỏ mà chính họ cũng đã quên. Trái lại họ bị thu hút bởi sự hòa dịu bên ngoài và duyên sắc của Nicole, một mặt khác của căn bịnh. Tóm lại thiếu phụ kéo dài một đời sống cô đơn, nắm giữ được Dick, nhưng Dick lại không muốn bị “nắm giữ”. Đã nhiều lần Dick tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của mình đối với Nicole. Hai người có những giờ khắc tuyệt đẹp ở bên nhau, những cuộc nói chuyện thú vị giữa những đêm trắng của tình yêu. Nhưng luôn luôn khi Dick quay đi nơi khác để rút trở vào nội tâm, Nicole ngồi đó với sự trống không trên hai bàn tay, một sự trống không mà Nicole chằm chằm ngắm mãi và đặt cho đủ thứ tên, trong khi chỉ biết đó là hy vọng Dick mau mau trở lại.
Dick bóp nát cái gối nằm ngủ lại, đè nặng lên gáy như kiểu người Nhật để giảm bót nhịp tuần hoàn. Y ngủ thiếp đi được một lát. Sau đó Dick cạo râu, Nicole tỉnh dậy chạy khắp nhà, ra lệnh ngắn cho con cái, cho người làm. Lanier tới ngó cha cạo râu. Sống bên một bịnh viện thần kinh, thằng bé tự gây được một niềm tin và một sự ngưỡng mộ lạ lùng nơi cha nó, - đồng thời một sự thờ ơ quá đáng đối với hầu hết những người lớn khác; những bịnh nhân nó thấy hoặc kỳ quái hoặc sống quá ít, những con người hết sức đàng hoàng, như không có cá tính. Lanier là một cậu trai rất bảnh, tương lai chắc chắn phải tươi sáng, Dick cũng dành cho nó một phần lớn thì giờ, tạo nên giữa hai cha con những tương quan giữa một sĩ quan đầy thiện cảm nhưng đòi hỏi gắt và một người chí nguyện biết tôn kính.
Lanier hỏi:
- Tại sao cha cứ để lại một chút bọt trên tóc khi cạo râu?
Dick thận trọng hé cặp môi đầy bọt xà bông.
- Cha cũng chẳng bao giờ tìm ra được tại sao. Cha cũng hay tự hỏi như vậy. Có lẽ tại ngón tay trỏ của cha dính bọt khi cha cạo bên cạnh vết thẹo trên má. Nhưng tại sao lại dính lên tới đầu thì cha đành chịu không hiểu được.
- Để mai con sẽ ngó coi.
- Đó là vấn đề duy nhất con đặt ra cho con trước khi ăn sáng phải không?
- Thật tình con không cho đó là một vấn đề.
Nửa giờ sau, Dick đi tới khu nhà nhà chánh. Bây giờ Dick đã ba mươi tám. Vẫn từ chối không để cho râu mọc, nhưng bây giờ Dick có vẻ một bác sĩ hơn hồi ở vùng Riviera. Từ mười tám tháng nay, Dick sống tại bịnh viện, và bịnh viện này là một trong những bịnh viện có tổ chức nhất Âu châu. Cũng như bịnh viện để Dohmler, bịnh viện này tối tân, tức là không phải một dãy chừng căn nhà dài ảm đạm, tối tăm, đó là một xóm nhà rải rác trên một khu vườn rộng. Dick và Nicole đã tăng thêm rất nhiều vào đó, về phương diện trang nhã, thành ra toàn thể ngắm rất đẹp mắt, chuyên viên về bịnh thần kinh nào qua Zurich cũng phải tới thăm. Bên ngoài người ta có thể lầm với một thứ hội quán ở vùng nông thôn. Tường Vi, Lùm Giẻ Gai, hai căn nhà dành cho những người bị chìm trong đêm tối vô hy vọng, được che giấu dưới những lùm cây ngăn cách ngôi nhà chính; đó đúng là những thành lũy được nguy trang. Xa hơn, có một thứ trang trại tại đó công việc một phần do các bịnh nhân làm. Những xưởng áp dụng phương pháp chữa trị bằng vận dụng bắp thịt có cả thảy ba lớp nhưng quy chung dưới một gian nhà. Dick khởi sự quan sát nơi đó trước hết. Xưởng thợ mộc đầy ánh sáng sực nức mùi gỗ mới xẻ thơm phức. Tại đó về cũng có chừng nửa lố đàn ông đang mải miết đóng đinh, bào, vân vân, những người đàn ông ít nói, khi thấy Dick đi ngang đều ngẩng mặt lên ngó theo bằng con mắt quan trọng. Dick rất rành về nghề mộc, biết thảo luận với họ về những tiện nghi của một vài món dụng cụ, Dick nói chuyện với một giọng bình thản, chú ý và cách biệt.
Kế bên là xưởng đóng sách, thích nghi với nhu cầu của những bịnh nhân ưa hoạt động, những người này không mấy khi chắc chắn có thể trị khỏi hẳn được bịnh. Gian cuối cùng là xưởng làm hột, dệt vải, gò đồng. Tại đây gương mặt bịnh nhân có vẻ như người vừa thở dài não nuột, đành bỏ qua một vấn đề không thể giải quyết. Những tiếng thở dài của họ tuy vậy chỉ biểu tỏ một giai đoạn luyện tập suy luận không ngừng - không phải theo đường thẳng như những người bình thường, mà theo đường vòng. Vòng tròn, vòng tròn, bao giờ cũng vòng tròn! Riêng có những màu sắc rực rỡ của những vật liệu họ dùng là cho người bên ngoài ảo tưởng nhất thời đâu có êm đẹp, nhưng thể trong một vườn trẻ. Những bịnh nhân đó trở nên hoạt động khi bác sĩ Diver tới gần họ. Phần đông thích bác sĩ Diver hơn bác si Grogorovious. Nhất là những người trước kia đã từng sống nhiều ngoài xã hội quyền quý hết thảy đều thích Diver, không sai một người nào. Cũng có người tự cho rằng bác sĩ Diver không đếm xỉa tới họ, cho rằng ông ta không bình dị, ông ta làm điệu. Những lời đáp của họ không khác bao nhiêu những lời đáp mà Dick nhận được ở ngoài đời không chuyên nghiệp, nhưng ở đây lời nào cũng bị bóp méo đi. Một phụ nữ người Anh luôn luôn nói với Dick về một vấn đề mà người đó cho rằng của Dick.
- Tối nay có hòa nhạc không ạ?
Dick đáp:
- Tôi không biết nữa. Tôi chưa gặp bác sĩ Lladislau. Các bạn có thích buổi nhạc mà bà Sachs và ông Longstreet cho chúng ta nghe tối hôm qua không?
- Nghe cũng được.
- Tôi lại thấy rất được, nhất là bản Chopin.
- Tôi thấy rất tồi.
- Chừng nào bà sẽ cho chúng tôi nghe nhạc của bà?
Người phụ nữ nhún vai, từ bao năm nay cứ nghe hỏi thế bà ta lại hết sức sung sướng và nhún vai như vậy.
Người đó đáp:
- Để một hôm nào. Nhưng tôi chơi dở lắm.
Ai cũng biết bà ta không chơi nhạc bao giờ. Bà ta có hai người chị em nổi tiếng về âm nhạc, nhưng hồi nhỏ không cách nào học được lấy một nốt nhạc.
Từ khu xưởng thợ Dick đi sang hai căn nhà Tường Vi và Lùm Giẻ Gai. Bên ngoài hai ngôi nhà trông dễ thương như hết thảy những ngôi nhà khác. Nicole đã vẽ những mẫu trang trí và đồ gỗ với chủ đích những chấn song, thanh ngang cần thiết và những vật dụng không thể tháo gỡ ra được phải được che giấu một cách đẹp mắt. Thiếu phụ đã biểu dương rất nhiều tưởng tượng (những năng khiếu sáng chế mà thiếu phụ không có đã được ngay vấn đề cần giải quyết cung cấp sẵn) khiến cho không một quan khách nào có thể tin rằng những đường kẻ nhẹ nhàng trên các cửa sổ thật ra lại là một hệ thông ngăn cách rất vững chắc, cũng như những đồ gỗ biểu tỏ xu hướng hiện đại với những kiểu ống thép lại nặng nề vững chắc hơn những sáng chế theo kiểu thức Edward.
Ngay đến hoa cũng dược cắm trong những bình bằng sắt, và mỗi đồ vật trang hoàng hay trưng bày thật ra đều cần thiết tương tợ như hàng lan can trên sân thượng một tòa nhà chọc trời. Mỗi gian đều được sắp xếp để khi sử dụng được hữu hiệu nhất. Khi có người tỏ lời khen Nicole, thiếu phụ đã trả lời sống sượng như thể chính mình là một người cai thầu đồ uống nước.
Đối với những người mà kim chỉ nam không quên mất phương bắc có rất nhiều điều lạ lùng trong những ngôi nhà ở đây. Dick đôi khi cũng thấy thích thú khi viếng thăm khu Tường Vi, nơi dành riêng cho đàn ông; tại đó có một người ưa biểu diễn rất kỳ quặc, người đó tin chắc rằng nếu có thể trần truồng không bị ngăn cản đi bộ từ quảng trường Etoile đến quảng trường Concorde y có thể tìm ra giải pháp cho rất nhiều khó khăn - Dick nghĩ rất rất có thể người đó có lý.
Trường hợp mà Dick cho rằng đáng chú ý nhất ở trong ngôi nhà lớn. Đó là một thiếu phụ chừng ba mươi tuổi tới bịnh viện được sáu tháng. Đó là một nữ họa sĩ người Mỹ sống lâu năm ở Paris. Những thành thích của bịnh nhân này các bác sĩ không lấy làm vừa lòng. Một người bà con của thiếu phụ bắt gặp bà ta trong một tình trạng mất trí hoàn toàn, sau một thời gian chữa trị tại những dưỡng đường kiểu “đập vào mắt” mọc lên đầy rẫy tại các vùng ngoại vi, phần lớn dùng cho những du khách nạn nhân của rượu và ma túy, người bà con tìm cách đưa được thiếu phụ qua Thụy Sĩ. Khi nhập viện, thiếu phụ hết sức xinh đẹp. Bây giờ thật là một thứ bù nhìn sống. Không một lần thử máu nào cho kết quả phản ứng tích cực, căn bịnh của thiếu phu được liệt vào loại lác thần kinh, có nghĩa là đáng ngại lắm. Trong vòng hai tháng thiếu phụ người đầy những vẩy, bị nhốt bên trong một thứ “mặt nạ sắt” phụ nữ. Đôi khi thiếu phụ xử sự có đầu có đuôi, đôi khi tỏ ra sáng láng bên trong ranh giới của những ảo tưởng riêng.
Đó là một nạn nhân của Dick, đặc biệt dành riêng. Trong những thời kỳ kích thích quá độ Dick là bác sĩ duy nhất có thể làm được một cái gì. Mấy tuần trước, trong một đêm, trong số nhiều đêm khác, thiếu phụ bị ray rứt vì mất ngủ. Franz đã thành công trong việc thôi miên và đem lại cho thiếu phụ được ít giờ nghỉ ngơi. Nhưng từ sau lần đó không lần nào Franz thành công nữa. Thôi miên là một điều mà Dick nghi ngại lắm, rất ít khi Dick dùng tới, vì Dick biết khó lòng có thể tập trung được. Có một lần Dick thử với Nicole, nhưng Nicole đã cười diễu Dick.
Bịnh nhân này nằm ở căn số 20, không thể ngó thấy Dick khi y sĩ bước vô. Hai mi mắt thiếu phụ sưng phồng. Thiếu phụ nói, giọnq nói trầm, súc tích, cảm động:
- Như vậy kéo dài chừng bao lâu?
- Bây giờ thì chẳng còn bao lâu nữa. Bác sĩ Lladislau cho tôi hay chẳng bao lâu bà sẽ bình phục.
- Nếu tôi biết vì đâu tôi phải chịu chứng bịnh này có lẽ tôi có thể chấp nhận một cách nhẫn nại hơn.
- Đừng nên trộn lẫn mê tín trong đó không nên. Chúng tôi chỉ nhận thấy đó là một hiện tượng thần kinh, in hệt như dữ kiện đỏ mặt lên vậy. Có phải hồi còn thiếu nữ bà thường hay đỏ mặt không?
Thiếu phụ nằm dài, gương mặt quay lên trần.
- Từ ngày tôi đến tuổi biết nghĩ tôi chẳng có lý do gì để đỏ mặt hết.
- Thế bà không hề phạm những lầm lẫn hay tội lỗi nhỏ như hết thảy mọi người sao?
- Tôi không hề có gì phải trách cứ tôi hết.
- Như vậy bà là người có may mắn lắm.
Thiếu phụ suy nghĩ trong giây lát, rồi giọng nói có những âm điệu Địa Trung Hải lọt qua mớ băng bọc kín trên mặt:
- Tôi chia sẽ số phận những phụ nữ đương thời của tôi, chúng tôi muốn thách thức đàn ông ngay trên đất của họ.
Dick cũng bắt chước giọng nói của thiếu phụ, đáp:
- Điều làm cho bà ngạc nhiên hết sức là cuộc đua tranh cũng giống hết thảy những cuộc đua tranh khác, phải không?
- Giống hệt như mọi cuộc đua tranh khác. Ta thắng một trận - hoặc một trận theo kiểu Pyrrhus - hay ta bị thảm bại, tiêu diệt. Ta chỉ còn là tiếng vọng do bức tường đổ vang lại.
Dick cãi:
- Bà không hề bị thảm bại, bị tiêu diệt. Bà có chắc đã ở trong một cuộc đua tranh thật sự không?
Thiếu phụ hăng hái nói:
- Thì ông cứ trông tôi đây cũng đủ rõ.
- Bà đã đau khổ, nhưng thiếu gì những phụ nữ đau khổ nhưng không muốn tự coi mình như đàn ông.
Cuộc nói chuyện trở thành một cuộc tranh luận. Dick vội rút lui:
- Dù sao bà không nên lẫn một thất bại với một vụ thất trận.
Thiếu phụ cười gằn:
- Nói cho vui đó thôi!
Điều ám chỉ bên dưới nỗi đau đớn khiến cho Dick trở nên khiêm tốn. Dick nói:
- Chúng tôi chỉ muốn biết những lý do thật sư nào đã đưa bà tới đây mà thôi.
Nhưng thiếu phụ vội ngắt lời:
- Tôi tới đây như một biểu tượng cho một cái gì. Tôi tưởng rằng ông cũng hiểu là cho cái gì rồi.
- Bà đang bịnh.
- Như vậy cái mà tôi gần tìm thấy là cái gì?
- Một chứng bịnh nặng hơn.
- Thế thôi?
- Thế thôi.
Dick ghê tởm thấy mình nói dối, nhưng ở đây, và trong lúc này, sự mênh mỏng của đề tài không thể nào làm khác hơn là thu nén lại còn một lời nói dối.
- Ngoài đó ra, chỉ còn lộn xộn và hỗn loạn. Tôi sẽ không thuyết pháp với bà. Chúng tôi quá hiểu những đau đớn của bà. Nhưng chỉ có một cách đề cập tới những vấn đề nho nhỏ hàng ngày, dù có thấy buồn chán đến đâu, bà mới có thể sắp xếp mọi thứ đâu vào đó. Sau đó, có thể bà sẽ tới tình trạng nhận xét được...
Dick nói chậm lại để không tới chỗ kết thúc không thể tránh được của ý tưởng: ranh giới của ý thức và vô thức.
Những ranh giới mà người nghệ sĩ có thể khám phá thiếu phụ không được phép tới, không bao giờ nữa. Thiếu phụ có một bản chất tế nhị, mỏng mảnh. Rất có thể thiếu phụ có cơ may tìm được yên nghỉ trong một thứ thần bí chủ nghĩa bình dị nào. Khám phá phải dành cho những người có một phần nào máu nông dân, những người có cặp đùi lớn, những mắt cá chân to, có thể chịu đựng được những thất bại như họ ăn bánh mì và muối, trong thể xác cũng như trong tinh thần.
Dick toan nói với thiếu phụ:
“Với bà thì không... với bà thì không thể có trò chơi đó, vì hung bạo quá”.
Tuy nhiên, thứ oai nghiêm ghê gớm trong nỗi đau khổ của thiếu phụ khiến cho Dick thấy bị thu hút không chút e ngại, gần như do cái giống. Dick chỉ muốn ôm lấy thiếu phụ trong vòng tay như thường ôm Nicole và thương yêu thiếu phụ ngay cả trong những lầm lỗi vì đó cũng là một phần của con người thiếu phụ.
Ánh sáng màu vàng cam chiếu qua tấm rèm, thứ linh sàng là chiếc giường thiếu phụ nằm. Vết màu nhỏ là khuôn mặt thiếu phụ và giọng nói hướng vào quãng không và chỉ gặp những ý niệm trừu tượng xa xăm... bấy nhiẽu thứ thật đáng cảm động.
Khi Dick đứng lên, những giọt nước mắt chợt ra từ những lớp băng, tràn lan như thủy thạch từ hỏa diệm sơn. Thiếu phụ thầm thì:
- Để cho một cái gì đó, một cái gì đó mà ra.
Dick cúi xuống hôn trên trán thiếu phụ, và nói:
- Hết thảy chúng ta đều phải cố gắng đạt tới đạo lý.
Ra khỏi phòng Dick bảo cô điều dưỡng tới với thiếu phụ. Dick còn phải thăm nhiều bịnh nhân khác: một thiếu nữ người Mỹ mười lăm tuổi được nuôi dưỡng theo nguyên tắc tuổi nhỏ chỉ là chuỗi dài những vui sướng. Cuộc đến thăm của Dick hôm đó nguyên do bởi cô gái đã thấy cần lấy kềm cắt móng tay cắt đứt hết mái tóc. Không có cách gì giúp cho cô gái đó. Nhược thần kinh từ gia đình. Không có gì vững chắc ở trong quá khứ cô gái để lấy đó làm căn bản. Người cha, bình thường và cẩn thận, đã cố gắng che chở cho gia đình nhỏ bé những người nhược thần kinh của mình chống với những va chạm của đời sống nhưng chỉ thành công trong việc ngăn cản các con phát triển những khả năng cá nhân để tự vệ và thích nghi.
Dick không biết nói gì về trường hợp này.
- Hélène, khi nào em thấy nghi ngờ điều gì em hãy hỏi cô điều dưỡng. Em cần phải tập nghe lời khuyên. Em có hứa với tôi là sẽ làm như vậy không?
Một lời hứa có nghĩa gì khi cái đầu đang bịnh?
Sau đó Dick thăm qua một người yếu ớt từ vùng núi Caucase bị lưu đày tới đây, cuốn tròn trong một cái võng, tràn ngập trong thùng nước thuốc, rồi Dick vào thăm ba cô gái, một ông tướng đang từ từ trôi vào tình trạng suy nhược, những thớ thịt không còn co dãn nữa. Tại phòng kế bên, Dick đoan chắc với một nhà tâm bệnh học bị suy nhược rằng ông ta ngày một khá hơn, và người đàn ông cố gắng đọc trên gương mặt y sĩ để tìm thấy sự tin tưởng, vì ông ta chỉ còn liên hệ với thế giới bên ngoài bởi sự vững tâm mà ông ta có tìm thấy hay không trong giọng nói của Dick.
Sau bấy nhiêu công việc để đuổi một nhân viên bất tài. Và đúng giờ dùng bữa trưa.