Từ phía sau, người áo đen mang một cái túi lớn đi thẳng ra phía trước.
Tiền viện là sòng bạc.
Trong sòng, gã Nhị Hải râu ria và người con gái “phù hoa” vẫn còn ngồi ở đó.
Thế nhưng Kim Bá Vạn và Kim nhị nương thì vắng bóng.
Tình hình sòng bạc vẫn như lúc mới vào, có lẽ phía sau có chuyện lớn xảy ra, phía trước không một ai hay biết.
Như vô sự, người áo đen nhốm nhốm cái cúi trên vai, cười hì hì:
- Xứng đáng, họ toàn là người biết xem giá trị của viên ngọc, một viên ngọc đổi lấy túi vàng quá lớn, xứng đáng... Ủa, vợ chồng của lão Kim đâu rồi.
Nhị Hải đáp:
- Đi rồi, vừa mới đi ra một chút, nhưng họ đi xe, sợ theo không kịp.
Người áo đen cười:
- Không sao, ta đến nhà họ để lấy bốn mươi lượng bạc chớ cũng không có chuyện gì phải gấp.
Hắn gật đầu và quảy túi đi ra.
Nhị Hải nhìn theo người áo đen, con mắt hắn dán cứng vào cái túi nặng trỉu phía sau lưng và hắn vụt nhịp nhịp bàn ra hiệu cho một tên đại hán.
Tên này gật đầu và lỏn qua phía cửa hông, cánh cửa ăn thông phía trước, nhưng khi ra tới sân thì bên cạnh hắn có thêm một tên nữa, cả hai len theo bóng tối nép mình vào ngõ ngoặc phía cổng ngoài.
Người áo đen chầm chậm đi ra.
Hai bàn tay vụt thò ra từ trong bóng tối và có người lên tiếng:
- Bằng hữu, có cơm chia cơm, có bạc chia bạc, anh em đang kiết quá mức đây, in ít thôi.
Câu nói không đầu không đuôi, nhưng lại thật rõ ràng.
Người áo đen bất động.
Không, tối quá, không thấy rõ hắn có động hay không và động bằng cách nào, chỉ thấy sau đó là hai bóng đen ngã xuống.
Y như hai đống đất, hai tên đại hán ngã xuống rồi bất động.
Lần này chúng hoàn toàn bất động.
Người áo đen lại thong thả bước đi.
Chỉ mấy phút sau, trước cửa và phía sau sòng bạc thoang thoáng nhiều bóng người, họ có vẻ hối hả như lửa cháy, tất cả, kẻ ôm người mang, những túi lớn có nhỏ có và cũng băng mình vào bóng tối, cố nhiên họ đi theo ngõ tắt chớ không theo những đường mòn.
Chỉ trong thoáng mắt, sòng bạc trở lại êm ru, không có tiếng người, cũng không còn thấy bóng.
Cũng không đầy một tiếng đồng hồ sau, chuyện xảy ra tại sòng bạc lớn của Đinh Sói và Triệu Rỗ đã lan khắp Trương Gia Khẩu.
*
Người đẹp ở trong một gian phòng thật đẹp.
Không những đẹp mà còn thơm.
Vì thế, tuy trang viện của “phú hộ” Kim Bá Vạn rộng lớn, nhưng chuyện tìm gian phòng của Nhị nương cũng không khó mấy.
Bây giờ trong phòng không có Kim Bá Vạn, chỉ có một mình Nhị nương.
Bức màn bằng lụa mỏng hồng buông xuống nửa chừng, bên trong chiếc giường hiện rõ.
Một có gái thanh xuân còn đượm đang nằm nghiêng nghiêng một tay duỗi thẳng, một tay gát ngang bụng, hai mắt nàng khép hờ nhưng chốc chốc lại hé ra.
Một lần hé ra là mang theo tiếng thở dài.
Một người con gái trong phòng vắng với đêm xuân khắc khoải, đáng lý bên gối nàng còn phải có một mái đầu, thế nhưng bây giờ thì vẫn trống không.
Kim Bá Vạn bận lo đếm bạc sau một ngày dài thâu góp.
Nhưng giả như có lão, chắc nàng cũng vẫn cứ thở ra.
Công việc đếm bạc, ctấ bạc đã làm cho lão mệt, có lão qua vài câu nhạt nhẽo rồi lão cũng ngủ khò.
Nhưng phần nhiều những đêm dài nàng chỉ ngủ có mỗi một mình, một tháng, đã mất hết hai mươi đêm lão Kim ngủ luôn bên đóng bạc.
Đúng là trời xanh ghen ghét má hồng.
Được chuộc khỏi lầu xanh để trở thành gần như cô vải!
Nhiều lúc nàng cảm thấy cô vải còn thê thảm hơn một cô gái lầu xanh.
Bình thường, từ ngày ở hẻm Móng Ngựa về đây, Nhị nương đã ê chề thảm cảnh trong “Xóm chị em”, về với Kim Bá Vạn lại càng thảm hơn nhiều nữa, nhưng đêm nay mới thấm thía làm sao.
Làm thân con gái, ai lại không mơ được tấm chồng xứng đáng, nàng cũng thế, nàng mơ từ lúc lớn lên, mang giấc mơ đen để vô làm thân con gái điếm, thật quá chán chường.
Nhưng nàng vẫn ước mơ.
Gần như con người sống nhờ vào hy vọng.
Đêm nay, trong sòng bạc, nàng đã phát hiện ra mẫu người mà nàng mơ ước, nhưng bây giờ thì còn đâu nữa?
Ước mơ cho lắm, cũng chỉ để nằm mộng một mình.
Nàng nhớ đến gương mặt người áo đen, nhớ đến cặp mắt thu hồn, nhớ đến phong độ hào hoa...
Biết “người ta” có đến để lấy lại bốn trăm lượng bạc hay không?
Bằng vào trực giác, nàng cảm thấy con người đó không phải hạng thích tiền.
Nàng mang máng thấy hắn có dụng tâm làm việc nghĩa...
Nàng nhắm mắt thở dài sườn sượt, nàng cảm nghe trong người bủn rủn như con bịnh lâu ngày - thứ bịnh tương tư.
Không hiểu bằng vào thứ trực giác nào, hay lại vì nàng quá thiết tha mong đợi, nàng tin chắc hắn sẽ tìm đến nơi đây, tìm đến phòng nàng...
Và nàng nghe hắn nói:
- Nhị nương, xin thứ cho chuyện viếng thăm đường đột!
Thấy không! Nàng biết chắc mà.
Nàng nhắm mắt lại để tận hưởng phút giây huyền ảo.
Nàng biết nàng không nằm mộng, nhưng nàng cũng biết đó chỉ là ảo giác.
Nàng nhớ có nghe người kể lại, có người đi trong sa mạc, khát quá đến kiệt sức, bỗng thấy phía trước có lâu đài, có vườn tượt xanh tươi, nhưng đó chỉ là ảo giác, thấy đó rồi tan biến đó.
Nàng bây giờ đang bị cơn khát của tình xuân uất nghẹn làm cho kiệt sức, nàng cũng đang bị ảo giác...
Nhưng nàng rất bằng lòng, có ảo giác còn hơn không.
Nhị nương vụt mở tròn đôi mắt...
Nàng cảm thấy... hình như... không phải là ảo giác.
Nàng ngồi phắt dậy, nàng thấy bóng người ngoài cửa sổ và nàng nghe tiếng lập lại:
- Nhị nương, xin thứ tội đường đột.
Nhị nương nhảy ngay xuống đất, nàng quên cả việc xỏ vào chân đôi hài hoa, nàng muốn nói nhưng cổ nàng cứng lại.
Không phải vì quá sợ mà vì quá mừng.
Mừng đến nỗi nàng muốn nói mà không biết phải nói gì.
Hắn mỉm cười:
- Xin Nhị nương đừng trách sao tôi quá ư đường đột...
- Không...
Cuối cùng rồi nàng vẫn phải nói, nhưng cũng chỉ có một tiếng “không” rồi cổ họng lại nghẹn ngang.
Nàng nghẹn vì cảm động.
Thật nàng không thể ngờ hắn lại đến với nàng.
Cửa được mở ra và hắn chầm chậm bước vào.
Hắn bước vào với nụ cười “xin lỗi” trên môi.
Nàng vẫn chưa tìm được một câu nói nào cho thật ổn.
Nàng nhìn hắn bằng đôi mắt biết ơn, sự biết ơn đó tuy có phần quá đáng, nhưng nàng không hối hận.
Nỗi vui mừng đến với nàng thật đã quá với ước mơ trong tưởng tượng, thì làm sao nàng lại có thể hối hận với thái độ mà nàng biết những ai rộng lượng không thể trách nàng.
Có thể có những kẻ trách cứ, những kẻ đó là những con người mang quan niệm hẹp hòi, những kẻ ấy không đáng làm cho nàng phải bận tâm.
Nhị nương lại đâm ra tức tối, tại làm sao người mình mong gặp mà bây giờ được gặp lại không biết nói gì, để đến nỗi đứng đờ ra như thế?
Và nàng vội nói:
- Xin lỗi, xin mời ngồi.
Cho đến bây giờ nàng vẫn chưa biết xưng hô như thế nào cho phải, nàng chỉ còn biết tận dụng câu nói trống không, nhưng nàng biết, nàng đã tính toán, câu nói như thế, cho dầu ai khó tánh cũng không nỡ nào bắt lỗi.
Nhứt là đối với “con người đó”, nàng càng tin chắc hắn không nỡ bắt lỗi nàng.
Quả đúng như nàng đã nghĩ, vì hắn không trách, hắn mỉm cười.
Trời ơi, nụ cười của hắn không hiểu tại sao lại có thể làm cho nàng đê mê như thế!
Một nụ cười mà nếu không tự trọng, nhứt định nàng sẽ chồm tới ngã vào vòng tay của hắn.
Hắn vẫn cười, hắn nói:
- Đa tạ Nhị nương.
Hắn nói thật lễ phép, nhưng không khách sáo, vì nói câu đó, mình hắn hơi nghiêng và hắn bước lại ngồi ngay xuống ghế.
Trước khi đặt đít xuống ghế, hắn nói thêm:
- Xin mời Nhị nương ngồi!
Không khách sáo mà vẫn giữ được cung cách đầy đủ lễ, con người thật dễ mến làm sao!
Nhưng nàng không dám khen bằng lời nói, nàng chỉ nói câu đó, một câu khen tặng chân tình bằng một nụ cười.
Khi ngồi xuống xong, nàng lấy lại bình tỉnh phần nào và nàng cũng đã tìm ra lối xưng hô thỏa đáng, nàng nhớ hắn họ Phí, nàng nói:
- Xin Phí gia tạm ngồi để tôi đi cho người đếm bạc...
Hắn cười:
- Nhị nương đã lầm rồi, tôi không phải vì mấy trăm lượng bạc nhỏ đó mà đến đây.
Nhị nương vừa mới tỉnh, bây giờ lại bỗng nghe choáng váng.
Không vì số bạc đó mà đến đây để làm gì?
Thật quá rõ ràng, hắn đến thăm nàng.
Trời ơi, giá như có thể, chác chắn nàng sẽ quì phục xuống ôm lấy chân hắn để cho nước mắt nàng ướt đầu gối hắn, nàng muốn cho hắn thấy lòng tha thiết của nàng.
Thế nhưng nàng không thể làm như thế.
Không phải nàng tự trọng, đối với hắn, đối với con người đã mang đến cho nàng tia sáng chói nhứt trong đời, đã đem lại cho nàng sinh thú mà từ lâu đánh mất, nàng còn có gì nữa để mà tự trọng?
Nhưng nàng vẫn không làm được.
Không hiểu tại sao, trước mặt hắn, nàng chợt cảm thấy nỗi vui mừng pha lẫn nỗi lo âu gần như sợ sệt.
Trong ánh mắt của hắn đầy vẻ cảm thông, nhưng cũng nghiêm nghị, ánh mắt nói lên cả một tâm tính đoan chính, ánh mắt đó đã ngăn cản, đã giúp nàng có một nghị lực để tránh một cử chỉ có thể không nên có.
Không, còn cả cử chỉ, nhưng nhưng ánh mắt nàng không dừng được, nàng lại nhìn hắn bằng tia mắt thêm một lần nữa biết ơn.
Hắn điềm nhiên nói tiếp:
- Tôi đến đây để xin hỏi thăm Nhị nương về một người...
Nhị nương hơi khựng lại, nàng hỏi:
- Chẳng hay Phí gia muốn hỏi thăm ai?
Hắn đáp:
- Rất mong Nhị nương hoan hỉ giúp cho.
Nhị nương có phần thất vọng, nhưng nàng vẫn nở nụ cười:
- Vâng, nhưng không biết Phí gia muốn hỏi thăm ai?
Hắn hỏi lại:
- Chắc Nhị nương có biết Triệu Rỗ và Đinh Sói?
Nhị nương gật đầu:
- Vâng, có biết, biết khá nhiều, mà Phí gia muốn hỏi thăm ai trong ha người đó?
Người áo đen lắc đầu:
- Không, tôi muốn hỏi thăm một người đã bị chúng bắt bán vào xóm Lục Vân.
Nhị nương à nho nhỏ:
- Chắc Phí gia muốn hỏi một cô gái đã bị họ bắt bán vào xóm Lục Vân? Nhưng chẳng hay người ấy là ai?
Người áo đen nhìn thẳng vào mặt Nhị nương:
- Cứ theo cách hỏi của Nhị nương thì chắc chắn chúng thường hay bắt gái nhà lành bán vào nơi đó?
Nhị nương ấp úng:
- A, điều đó... vâng, nhưng tại sao Phí gia lại không đến hỏi ngay hai người đó?
Hắn đáp:
- Tôi đã có hỏi rồi, hai người ấy cũng thừa nhận có bắt cô gái mà tôi tìm hỏi bán vào xóm Lục Vân, chỉ có điều xóm đó bây giờ đã tan rồi, vì vậy cho nên họ không biết cô gái đó hiện tại ở đâu.
Nhị nương hỏi:
- Thế sao Phí gia lại đến hỏi tôi?
Người áo đen đáp:
- Hai người ấy nói rằng ngày trước Nhị nương cũng có ở tại xóm Lục Vân.
Nhị nương vùng cúi mặt, nàng nói bằng một giọng gần như không ra tiếng:
- Vâng, trước kia tôi có ở trong xóm Lục Vân... tôi xuất thân từ nơi đó...
Làm sao ngươi áo đen lại không thấy thái độ khốn đốn của nàng, hắn vội nói:
- Nhị nương, nhìn người cần phải nhìn phân nửa phần sau, từ nơi đó hay từ chỗ tồi tàn nào khác xuất thân cũng không phải là hạng người đáng xem thường.
Nhị nương ngẩng mặt lên, đôi mắt nàng chớp chớp, nàng cảm động:
- Đa tạ Phí gia đã không xem tôi bằng con mắt khinh bạc...
Hắn lắc đầu:
- Làm sao lại có thể như thế, tôi biết có nhiều hiệp nữ đã từng xuất thân từ chốn phong trần, chính trong chỗ bùn lầy đó lại thường xuất hiện những kỳ nữ tử.
Nhị nương lại chớp mắt nhìn vào mặt hắn:
- Đa tạ Phí gia, chẳng hay Phí gia muốn hỏi thăm ai?
Người áo đen đáp:
- Một cô gái họ Giải, chẳng hay Nhị nương...
Nhị nương có vẻ ngạc nhiên:
- Ủa, như vậy là Phí gia muốn hỏi Tú Cô?
Hắn vội đáp:
- Vâng, chính là Giải Tú Cô, chắc Nhị nương có biết?
Nhị nương gật đầu:
- Không những biết mà lại còn rất thân, từ ngày bước vào ngưỡng cửa của Lục Vân là chúng tôi đã kết tình em chị. Phí gia không biết chứ Tú Cô đáng thương lắm, nàng...
Nàng vụt nhìn thẳng vào mặt hắn và gặn hỏi:
- Đúng rồi, tôi quên hỏi, chẳng hay Phí gia là chi của nàng và kiếm nàng có chuyện chi?
Hắn đáp:
- Thật không dám dấu Nhị nương, tôi và nàng vốn là chỗ xóm giềng, chúng tôi đã gần gủi nhau từ nhỏ, nơi đó, tôi vốn là một cô nhi, cha nàng thương nên xem như con đẻ...
Nhị nương vùng cau mặt:
- Như vậy đây là Phí...
Người áo đen gật đầu:
- Vâng, thì tôi họ Phí như Nhị nương đã biết...
Nhị nương chận nói:
- Không, tôi muốn hỏi phải là Phí...
Nàng vụt nín ngang, nàng nhìn hắn bằng tia mắt dị kỳ.
Mặt nàng đổi sắc, cái đổi sắc cũng dị kỳ, không ai có thể nhìn sự biến chuyển trên gương mặt nàng mà có thể phán đoán được tâm trạng của nàng trong lúc đó.
Người áo đen hỏi:
- Chắc Tú Cô có nói về tôi...
Nhị nương gật đầu:
- Có, nàng đã có nói với tôi, nàng bảo... anh là một cô nhi...
Không hiểu tại sao nàng bỗng gọi hắn bằng anh, có lẽ giữa nàng và Tú Cô quả tình thân lắm và chính sự thân đó đã từ lâu, khi còn gần gủi với Tú Cô, hai người đã nói nhiều về hắn và đã cùng gọi hắn bằng anh.
Nàng trầm ngâm một chút rồi nói tiếp:
- Nàng bảo cha nàng xem anh như con để, nhưng anh lại là một con người không có lương tâm, nếu không vì anh thì nàng không bao giờ lìa bỏ quê hương dấn bước lạc lối để đến nỗi phải vào chỗ bùn nhơ như thế.
Người áo đen chắc lưỡi:
- Nhị nương, đây chẳng qua là một chuyện hiểu lầm.
Nhị nương cau mặt:
- Thật thế à? Tú Cô quả đã nói oan cho anh à? Là trong lời lẽ của nàng, tôi đã đoán biết được cảm tình của nàng đối với anh sâu đậm lắm...
Nhị nương lại thở dài:
- Một người con gái mà luân lạc đến mức đó thì thật đáng thương hết sức, mà nếu vì một người đàn ông khiến cho người con gái phải như thế thì lại còn đáng thương hơn nữa, tôi là đàn bà, tôi hiểu rõ nỗi khổ sở trong vấn đề đó lắm...
Vành môi của người áo đen giật giật, hắn đang xúc động mãnh liệt, phải một lúc khá lâu hắn mới nói ra thành tiếng:
- Nhị nương, tôi là một đứa con côi, từ nhỏ đã được cha của Tú Cô dưỡng nuôi đến lớn, người đã xem tôi như con đẻ, cảm tình giữa chúng tôi như máu thịt, tôi cũng biết rõ ý người, người muốn đem gia nghiệp và luôn cả đứa con gái duy nhất của người ký thác cho tôi, tôi biết, nhưng tôi không bằng lòng chôn cả cuộc đời của mình tại Hồ Lô Cấu, tôi không thể làm mãi một nông phu, làm mãi một người thợ săn đến suốt cuộc đời, tôi đã phải cắn răng rời chỗ đó, rời những người thân yêu nhứt trong đời để phiêu bạt giang hồ, tôi biết họ đã thất vọng quá nhiều về tôi. Thế nhưng không ai nói một lời, Tú Cô cũng không nói một lời cùng tôi, từ nhỏ tôi đã xem nàng như một đứa em gái nhỏ, đã bỏ quên không chú ý đến sự thay đổi tình cảm của nàng...
Nhị nương chận ngang:
- Chính vì thế cho nên nàng mới bảo anh là một con người không có lương tâm.
Người áo đen thở ra:
- Nàng nói có khi cũng đúng, vì trong suốt thời gian tôi xông xáo giang hồ, chẳng những tôi không làm nên danh phận gì để rạng rỡ cho những kẻ thân yêu, còn tạo cho họ mang tiếng nhục...
Nhị nương cau mặt:
- Anh đã làm gì?
Người áo đen cúi mặt, Nhị nương chợt nghe có tiếng thở não nề và hắn nói bằng một giọng thật là xa vắng:
- Chính tôi cũng không thể nói tôi đã làm gì, nhưng dưới mắt thiên hạ, hay đúng hơn là dưới mắt quan lại triều đình, tôi được xem là một tướng cướp...
Nhị nương buột miệng:
- Tướng Cướp Liêu Đông.
Người áo đen nhếch môi, hắn cười như thách đố:
- Đúng rồi, Tướng Cướp Liêu Đông, trong giang hồ có khá nhiều người muốn giết tôi, quan nha ban lịnh nã tróc tôi, họ đã treo giải thưởng về cái đầu của tôi rất đáng giá, chính vì thế cho nên tôi không trở về Hồ Lô Cấu, tôi sợ liên lụy cho gia đình nàng, tôi không về nhưng tin tức lại bay về, tin tức phủ phàng đó đã làm cho nàng và phụ thân nàng thất vọng...
Nhị nương chắc lưỡi nhưng nàng chưa mở miệng thì hắn đã nói luôn:
- Năm đó, tôi cứu một cô gái, nàng thì là một con người cơ khổ linh đinh, cứu người không thể để cho người thêm một lần thọ hại, tôi phải bảo bọc cho nàng, nhưng thật là chua chát, tôi đã bị nàng phản bội, nàng đã âm mưu cùng kẻ khác gài tôi vào tội sát nhân...
Nhị nương nhướng mắt:
- Nhưng tại sao lại không thể biện...
Người áo đen lắc đầu, giọng hắn vô cùng ngao ngán:
- Nhị nương thử nghĩ, tôi đã bị chụp cái án với tội danh “Tướng Cướp Liêu Đông”, thêm vào đó, ngọn tiểu đao của tôi ghim vào tâm khẩu của nạn nhân thì còn miệng nào đâu để biện minh, mà dầu tôi có biện minh cũng không ai buồn nghe tôi, vì khôngcó án sát nhân đó, cái danh “Tướng Cướp Liêu Đông” cũng đủ cho họ có món tiền thưởng quá to rồi.
Nhị nương cau mặt:
- Nhưng khi anh bị bắt, bị mang án tử hình, người đàn bà đó không nghĩ một chút tình vì ân cứu mạng của anh cả hay sao?
Người áo đen cười nửa miệng:
- Tình nghĩa có trong lúc đó được hay sao? Nếu còn có nghĩ đến thì làm sao lại có chuyện âm mưu như thế...
Không còn giữ được bình tĩnh nữa, Nhị nương đập mạnh tay xuống mặt bàn:
- Anh đã cứu mạng, đã bảo bọc cho nàng, thế mà nàng lại hãm hại anh...
Người áo đen nhìn thẳng vào mặt Nhị nương, hình như hắn cố nghĩ đến bộ mặt thiện lương nào đó, hắn nói:
- Nhị nương, ân oán giang hồ là như thế, Nhị nương không thể hiểu được đâu.
Đâu có gì gọi là ân nghĩa, câu chuyện xảy ra từ đầu vốn đã là một âm mưu, họ không làm gì được tôi, chỉ trừ cách đó, chỉ cần tôi bị bắt, chỉ cần tôi mang bản án tử hình là họ coi như đã hoàn thành kế hoạch, ân nghĩa đâu có ở đây.
Nhị nương gặn lại:
- Cho dầu đó là một âm mưu, nhưng lòng thương người của anh suốt cả thời gian cứu nàng, bảo bọc cho nàng, không cảm hóa nàng được chút nào cả hay sao?
Người áo đen bật cười thành tiếng:
- Nhị nương bảo tình thương cảm hóa à? Họ đâu có thấy đó là tình thương, họ thấy đó là sự ngu ngốc của tôi chớ. Mà bất cứ một kẻ ngu nào, dưới mắt họ cũng đều đáng chết.
Nhị nương hỏi:
- Sau đó là anh bị đám Bổ đầu dẫn đi.
Người áo đen gật đầu:
- Tự nhiên là như thế, tôi cúi mặt đi theo họ, tôi không buồn nói một tiếng nào.
Nhị nương có vẻ tức tối:
- Tại sao anh lại cam chịu như thế? Chính anh cũng thừa biết đó là âm mưu đưa anh vào chỗ chết, tại sao anh không phản ứng lại, tại sao anh ngu...
Tức tối vì người ngay bị hãm hại, người ơn bị trả oán, nhưng khi nói đến tiếng “ngu”, nàng vụt thấy lỡ lời.
Mặt nàng vụt ửng hồng, nàng nghĩ đeén một câu trách mắng tương tự của một người vợ đối với chồng khi thấy chồng mình bị người lừa gạt.
Người áo đen điềm đạm mỉm cười:
- Nhị nương, người ta đã nắm tôi trong tay, ngọn đao của tôi lại đang còn cắm vào tâm khẩu nạn nhân, có cố biện minh cũng chỉ làm thêm trò cười cho thiên hạ, mà cho dầu những Bổ đầu có mặt hôm đó tin tôi, họ cũng không có quyền buông thả, vì không cần tội đó, nội cái tên “Tướng Cướp Liêu Đông”, tôi cũng đã dư tội tử hình, huống chi, những kẻ nọ trước đó đã chung một âm mưu.
Nhị nương hỏi:
- Làm sao anh biết người đàn bà ấy đã có cấu kết với bọn Bổ đầu quan phủ?
Người áo đen đáp:
- Nếu không thế thì tại làm sao chuyện vừa xảy ra là đã có mặt phủ quan? Trong đời đâu có chuyện trùng hợp quá ly kỳ như thế? Khi tôi vừa bước chân vào nhà, nơi xảy ra án mạng thì họ cũng bước theo sau.
Nhị nương nhăn mặt:
- Nhưng khi anh đã biết đó là âm mưu hãm hại, thì tại sao anh lại ngoan ngoãn đi theo họ? Anh biết võ, sở học lại cao, họ làm gì anh được?
Người áo đen mỉm cười:
- Nhị nương, có nhiều chuyện không thể nói ra...
Nhị nương gặn lại:
- Chẳng hạn như những chuyện nào?
Người áo đen lại mỉm cười, hắn nhìn Nhị nương chăm chăm và hắn làm thinh...