Lẽ ra hắn đã được về nhà sớm hơn. Hắn đã được ôm vợ con hắn vào lòng sớm hơn. Lẽ ra hắn bớt được hai cái Tết trong tù. Bớt được hai Tết, chứ không phải hai năm. Vì thực ra chỉ là mười bốn tháng. Hắn đã được di lý từ Q.N về 75 vào giáp Tết năm 1971. Ngày thì hắn không nhớ. Hắn chỉ nhớ là gần Tết, vì trại đã mua trâu về chuẩn bị cho tù ăn Tết. Đi làm, qua cổng trại, lượn qua chỗ ngoẹo suối, chỗ ấy nước sâu và đứng, là nơi rửa rau vo gạo eủa nhà bếp. Trên bờ khúc ngoẹo ấy, chiều hôm trước đi làm về, bọn hắn chỉ thấy đống rau bắp cải già đã băm để sang hôm sau rửa và nấu. Mùa lạnh, kiểu ủ rau như vậy còn đỡ. Chứ về mùa nóng, rau muống băm ủ một đêm, hôm sau rau ở bên trong vàng hết. Lá rụng ra hấp hơi nóng sực. Rau muống của trại lại là thứ rau muống Trung Quốc, chính toán hắn trồng, gốc to như gốc nứa tép. Ông quản giáo bắt để già rau mới cho cắt. Nhiều ngọn bò dài như rau khoai lang. Cầm gốc rau hất mạnh lên đầu, rễ con ở các đốt vẫn còn đứt lịch phịch. Rau đã vậy. Nhà bếp lại cầm từng nắm băm như băm rau lợn, để sáng hôm sau bốc vào lồ xuống suối khuấy cho nhanh. Có bát rau còn cả một miếng phân bò khô dính vào rễ. Mùa rét ở các trại trung ương thật khủng khiếp. Lạnh lắm. Thấu xương. Lạnh từ suối, từ đất bốc lên. Từ trong núi đá tỏa ra. Từ trên trời xuống. Và lạnh tê ngay trong ruột. Lạnh từ trong những cơ thể thiếu ca-lo, cạn kiệt vật chất, tinh thần, cạn kiệt hy vọng. Thế mà sáng hôm ấy, cả đám người đói rét, mụ mị, lê từng bước chân ra khỏi cổng trại, cúi gằm mặt trước cái bút máy của ông Quân dứ dứ, bỗng náo nhiệt hẳn lên. Mắt long lanh. Háo hức. Tự nhiên lại trò chuyện. Dù chỉ rì rầm. ở đám đất gần nhà bếp như có phép lạ, năm con trâu đã buộc. Năm con trâu sừng kềnh càng. Những bộ sừng đồ sộ choãi rộng, trông lại càng đồ sộ, kềnh càng trên cái đầu quá khổ đối lập với thân hình còm cõi, đếm rõ từng rẻ xương sườn to và cong. Cái chỗ lõm ở xương hông và khấu đuôi có thể đổ được nửa thùng nước. Xương vai đội lên. Mắt con nào con ấy đầy dử. Lông cứng sù ra trắng những trứng rận. Chỉ có một con khẽ phe phẩy cái đuôi. Một con nằm cố đứng lên nhưng không nổi, choãi chân loạng choạng, rồi lại phục xuống, đít phun ra phân loãng. Những con trâu ấy là tín hiệu báo mùa xuân của họ. Là những bông hoa đón năm mới của trại tù. Là biểu tượng Tết cổ truyền dân tộc của họ. Đó là những con trâu không thể kéo cày được nữa, những con trâu già, ốm của địa phương. Cương, toán lâm sản, người đã tặng hắn cái chén uống trà, dân kỳ cựu ở trại này cho biết: Trước đây nhân dân cho trại, vì họ không có thói quen ăn thịt trâu. Nhưng thấy năm nào trại cũng cần, họ bán. Muốn gì thì gì, năm con trâu ấy cũng nói với họ sắp Tết rồi. Tết chẳng là gì đối với phạm, ngoài hai điều phấn khởi: Cả trại được nghỉ ba ngày và khẩu phần thịt trâu đang chờ đợi họ. Hai lạng hay ba lạng. Cuộc tranh luận triền miên không dứt. Buổi sáng, khi đi làm, hai nghìn con mắt sáng lên phóng về lũ trâu già, ngạc nhiên, thích thú. Buổi trưa, khi đi làm về, hai nghìn con mắt bao bọc lấy trâu, âu yếm và hứa hẹn. Buổi chiều, khi đi làm, hai nghìn con mắt nhìn trâu thăm nom sức khỏe, bàn tán, ước lượng, đo ướm, tha thiết và chờ đợi. Lúc chiều tà đi làm về, hai nghìn con mắt nhìn trâu sỗ sàng, hau háu như muốn dùi, muốn đâm thủng cả da trâu. Hắn ngạc nhiên. Sao lũ trâu có thể chịu đựng nổi mỗi ngày gần vạn cái nhìn như vậy? Những cái nhìn bắn ra tia lửa hẳn hoi mà trâu chỉ xiêu xiêu thôi. Không đổ. Mấy con trâu đã thổi một luồng không khí mới vào trại, làm thay đổi bộ mặt của cả trại. Bởi vì khi trâu về cũng là lúc con đường vào trại đông nườm nượp những người tiếp tế. Đi lấy phân xanh, đi làm đồi, đi phá đá lò vôi là nhìn thấy họ trên đường. Họ đi một mình, từng tốp hai, ba người có khi tới mười người, những ngày cao điểm tới mấy chục người, với những gói, những túi những bị bọc to nhỏ khoác trên vai, gồng gánh hay chằng buộc ở poóc ba-ga xe đạp. Tết, trại bao giờ cũng cho nhận tiếp tế nhiều hơn bình thường. Những tin sót dẻo tò rỉ từ cánh tù tự giác, từ toán nhà bếp và nhất là từ trật tự trại được truyền nhau loang ra toàn trại như những vệt dầu rỏ xuống nước: Ngày hôm nay bao nhiêu người tiếp tế, nhà ai tắc rằm lắm, những bốn cái bánh chưng, ai được nhận cả một nồi thịt kho tầu, mẹ thằng Xuân già thế mà vẫn phải đi tiếp tế vì con vợ nó bỏ nó rồi, còn vợ thằng Trịnh đẹp nhất trong số người lên tiếp tế mấy hôm nay, cái thằng ấy thật mèo mù vớ cá rán... Những quả tắc nặng trĩu được phạm khoác về trại, tiếp thêm dòng sinh lực vào trong trại. Những người không gia đình, bị gia đình bỏ rơi vì tù lâu quá rồi, hoặc gia đình ở quá xa thì đành đứng nhìn cánh tù đi ra cổng gặp người nhà hay khoác túi tiếp tế bước qua cổng trở về với con mắt thèm khát, ghen tị, dửng dưng và cam chịu. Vỏ giấy kẹo, đầu đày thuốc lá, cả lá bánh chưng vung vãi quanh các lán nom thật lạ và vui mắt. Mấy anh ngồi xổm, nhặt những đầu mẩu thuốc lá gom lại, xé ra làm thuốc lào hút dần. Cánh tù già pha trà, bóc bánh kẹo, tụ tập chỗ này chỗ kia, sàn trên sàn dưới mời nhau trịnh trọng như trong gia đình những ngày Tết đến. Còn cánh tù trẻ vùi đầu vào bài bạc. Vẫn chỉ là ba cây. Lấy một cỗ bài tú-lơ-khơ ra, đã sẵn quy định về giá trị từng loại cây, từng loại hoa, đánh ít người, đông người đều được. Lấy đồ tiếp tế ra đánh. Lấy tiêu chuẩn Tết của trại sẽ có ra đánh. (Người ta tranh luận về số thịt trâu hai lạng hay ba lạng không chỉ cho vui mà có ý nghĩa này nữa)Ngoài thịt trâu, mỗi người còn được hai cái bánh chưng bằng lòng bàn tay, như kiểu bánh gói cho trẻ con đặt trên nồi bánh chưng sôi sùng sực trong các gia đình những đêm ba mươi Tết. Thịt, bánh đều được đổi ra ken. Ra Đrao. Tam Thanh, Nhị Thanh, Hoàn Kiếm, Điện Biên. Một bao Tam Thanh một lạng thịt trâu. Một bánh chưng của trại mười điếu Nhị Thanh (hay bảy điếu Tam Thanh). Một bánh chưng gia đình tiếp tế hai bao Đrao v. v... và v. v... Giá cả cũng có điều chỉnh chút ít tùy theo thị trường và gây tranh cãi, nhiều khi gay gắt, nhưng đều dựa vào mặt bằng chung, đều được thống nhất trước khi vào cuộc. Đi làm về là ba cây. Chiều chờ cơm, ba cây. Tối, ba cây. Chủ nhật, ba cây. Sòng bài của Triều Phỉ ở ngay đầu bê (buồng) tầng trên, giáp cửa ra vào. Chỉ Triều Phỉ mới dám ngồi đánh bài. Bởi vì quản giáo đi kiểm tra, hay có khi không phải là kiểm tra mà chỉ đơn giản gọi phạm ra gặp mặt, vừa bước vào cửa đã nhìn thấy ngay. Quản giáo đến, tất cả úp bài xuống chiếu, ngồi nhìn nhau im bặt như đang liên hoan thì ngừng câu chuyện, nhưng giấu sao được các ông ấy. Dù mình ngồi sàn trên, các ông ấy không nhìn thấy cỗ bài, nhưng chỉ thoáng qua các ông ấy đã biết. Thấy trong đám bạc có Triều Phỉ, các ông ấy bước ra, chẳng nói năng gì. Cũng có ông nói: - Các anh đánh bạc dấy à? Triều Phỉ thay mặt cả hội, cười rất tươi, ỏn ẻn trả lởi ngay: - Không phải đánh bạc đâu ạ. Chúng tôi đánh ván bài cho nó vui. Thưa cán bộ, Tết nhớ nhà quá ạ. Cũng thôi. Nếu không có Triều, gay đấy. Cỗ bài bị thu. Chỗ ken để trong chiếu bạc cũng bị thu. Kèm theo những lời đe dọa. Đánh bạc với Triều Phỉ có một điều kiện đặc biệt: Không được ăn non. Nghĩa là người thua chưa đứng dậy thì người thắng cũng chưa thể dứng lên. Người thua còn chơi thì người thắng chưa thể rời chiếu bạc. Triều Phỉ có thể ngồi từ sáng tới chiều tối với bài bạc. Ai khen Triều giỏi thì Triều cười khiêm tốn: - Chưa thấm đâu với ông bố mình. Thời gian máy bay đánh vào thành phố, bom nổ ầm ầm, cháy, khói mù mịt mà mấy hôm liền cụ không về nhà. Cả nhà bổ đi tìm. Tưởng cụ chết ở đâu rồi. Mò tìm khắp thành phố. Đi ra các cầu, bến phà, ra cả ngoại thành. Đã tưởng người chúng tôi hy sinh ở đâu rồi. Mãi sau vớ được cụ đang ngồi dưới hầm ngay cạnh Nhà hát Lớn giữa thành phố. Bốn ông. Đánh chắn. Bí tứ. Bánh mỳ khô vứt lăn lóc. Bi-đông nước thì đầy. Đái ngay dưới hầm. Khai đéo chịu được. ỉa thì lên bên trên hầm. Gọi cụ, cụ bảo: Nói mẹ mày cứ yên trí. Mai tao về. Mai nào đã về. Bao giờ thua nhẵn túi cụ mới về. Chứ tiền cứ ra ra vào vào là không. Mồng thất! Rằm tây đen! Triều phì cười: - Cho nên mới xảy ra một chuyện: Ngài về quê đưa đám ma ông cậu, tức là tớ gọi bằng ông về đằng ngoại. Về đưa ma mà ở tới bốn chín ngày ngài mới ra. Bốn chín ngày hết tiền thì ra, chứ không, còn ở đến giỗ dầu. Quái nhân thế chứ! Và Triều kết luận: - Cho nên các chú có đánh với anh cũng phải theo nguyên tắc ấy: Bao giờ người thua đứng dậy thì người thắng mới được đứng lên. Đến bách nhật, đến giỗ đầu cũng phải ngồi. Ngày chủ nhật trước Tết còn vui hơn Tết. Gần trăm người nhận tiếp tế. Trại đã giết trâu. Món lòng trâu đánh dấu kỷ nguyên giáp Tết. Chia chác tưng bừng. Suất nào cũng phải đủ lòng non, lòng già, sách và tí tiết luộc. Món lòng trâu làm mọi người cảm thấy hời hướng mùi thịt trâu kho đang tới gần. Triều Phỉ ngồi cả ngày trên chiếu bạc. Chủ nhật, bát mỳ xăng người lái cũng không, người nhai mấy cái bích quy, người làm miếng bánh chưng trong qủa tắc mới nhận, rồi tót lên sàn trên chiếm chỗ. Đánh cho đến trưa. Gọi lấy bát đũa ra chia cơm cũng không nhúc nhích. Bạn tù phải lấy hộ, nhận cơm hộ dem vào. Thỉnh thoảng mới tạm ngừng chơi, vì một anh buồn đái quá, tụt xuống chạy vào nhà mét. Thế là tất cả cùng xuống, cùng chạy theo anh ta vì ai cũng đã tức cứng bụng. Đã nhiều người đứng lên vì thua cháy túi. Cả quả tắc mà vợ con, bố mẹ, anh em thu vén, dành dụm vất vả lo toan chắt bóp đem lên đến tận nơi, gửi vào với bao xót thương, chuẩn bị cả tháng giời, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ bay biến. Còn chăng là điếu thuốc lá phì phèo trên môi. Nhưng những người này đứng lên, những khác lại ngồi xuống. Không đánh thì chầu rìa. Xem người khác đánh. Quan sát xem có sự gì gian lận không. Xem ai vận dỏ. Xem người ta thua bao nhiêu. Được bao nhiêu. Bê cơm bê canh hộ người đánh. Bất kể là ai, thân hay không, đàn anh hay đàn em của mình. Dù sao cũng còn hơn đi loanh quanh vớ vẩn ngoài sân trại. Đến chiều thì chỉ còn bốn người chơi. Triều Phỉ, Giang, Thông còn gọi là Thông Cháy và một anh tù có tai rách thành tua tên là Lập, Lập Ba Tai. Giang nhiều lúc đã tưởng ra hết nhưng rồi lại vào. Vào rồi lại ra. Thông cũng vậy. Triều thì đỏ, phía sau lưng Triều, giáp với vách gỗ chất những bị, những túi, những bánh chưng, những thuốc lá, thuốc lào, kẹo cứng, kẹo xốp, những đa cơm, những da lòng trâu nguội tanh, nguội ngắt. Đó là những gì Triều thu được trong canh bạc. Giang phải kêu lên: - Công nhận ông này đỏ thật đấy. Năm mà cũng vơ được của cả làng. Triều vơ được của cả làng vì Triều cầm trang. Triều quơ bài thoăn thoắt, hai tay hai nắm như một nghệ sĩ xiếc, vừa lấy ngón tay cái bật bật những quân bài, vừa lồng bài tay nọ vào bài ở tay kia. Những quân bài được đan ken vào nhau. Triều chia cỗ bài được trang ấy ra. Lập Ba Tai trán mướt mồ hôi vì thua quá nhiều, giằng lấy cỗ bài, đảo đi đảo lại, rồi nhanh nhẹn rút ra một quân. Bốn nhép. Tất cả khe khẽ: - Tứ lùi. Triều chia bài. Một tay rải đều. Ngón tay đeo một cái nhẫn tự tạo bằng nhôm có đổ mặt nhựa đỏ gẩy đều như máy làm bắn ra những quân bài rất đúng chỗ. Được quân nào người ngồi chơi bài đưa tay ra úp lên, chầm chậm kéo vào lòng mình, khum khum lòng bàn tay, từ từ đưa ngang mặt ngắm nghía, rồi lại nhẹ nhàng thận trọng úp nó xuống chiếu, lấy tay giữ chặt như sợ nó bay mất, sợ người khác trông thấy khiến vận đỏ ở quân bài sau không đến. Tới quân bài thứ hai. Cũng như vậy. Sự im lặng hồi hộp càng tăng khi Triều chia quân bài thứ ba. Đây mới là quân bài quyết định. Khi lá bài vừa chạm chiếu, những bàn tay đã vồ lấy, kéo về lòng và cứ úp sấp quân bài dưới chiếu, cứ đè một bàn tay lên như vậy, còn xem lại hai quân bài có trên tay, khẽ nhích quân bài phía trước xuống để nhìn thấy cái đầu quân bài phía sau ló ra, xác minh một lần nữa những con số mình đã xem, rằng từ nãy đến giờ nó vẫn là nó, không có gì biến đổi rằng mình vẫn chờ đợi con số thứ ba ấy. Vận may hay rủi đang đến cùng con bài dưới chiếu dây. Lúc ấy mới từ từ nhấc con bài dưới chiếu lên ngang mặt, hồi hộp và hy vọng. Dù con bài ấy xấu hay tốt cũng cứ cắm nó lên tay, xòe ba con cho chúng xếp hàng cạnh nhau, duyệt cả đội hình một lần nữa, rồi quăng nó ra vì một tịt, hay xòe ngay ngắn trên chiếu với một chút hy vọng mỏng manh vì số điểm ba cây cộng lại chỉ là số sáu, con số bảy dở dang. Triều bao giờ cũng là người lên bài sau cùng và là người hạ bài sau cùng. Lập thua. Lập cứ thua. Khi đã thua hết cả quả tắc, chơi ván bài cuối cùng, vừa xem xét thận trọng từng quân xong, Lập đã vứt bài xuống chiếu ngay: - Xem nào! Xem chuyến này có được cầm trang không nào? Triều Phỉ vẫn giữ ba cây bài đã xếp gọn trong lòng bàn tay, mặt lạnh như tiền. - Giang. Lật lên. - Tôi chín đây. Hai con bảy. Một con năm. Năm rô. - Thông Cháy. - Tôi ba. Đen quá. Triều Phỉ vơ những điếu thuốc lá trên chiếu vào lòng và lúc ấy mới chìa ra ba quân bài của Triều. Mười. Mười rô. Hai quân át. Một quân tám rô. LậpBa Tai đứng phắt lên: - Đ mẹ. Đéo chơi nữa. Ông Phỉ hôm nay đỏ đéo chịu được. Mình tưởng mình mười có bảy rô là ăn chắc rồi. Ai ngờ ông ấy lại đè mình. Triều vừa trang bài vừa cười thỏa mãn: - Đừng thấy đỏ nghĩ chín, em ơi. Cao nhân tất hữu cao nhân trị. Và hỏi những người còn lại: - Chơi ba nhé. Giang gật: - Tiếp tục. Còn láng đây. Thông Cháy cũng gật. Ba người cùng vào nhà mét. Khi trở ra đã thấy Lập cùng bát cơm và mấy miếng lòng trâu chờ sẵn. - Chia bốn. Chơi nốt suất cơm sáng nay. Triều để suất cơm của Lập cạnh những suất cơm được bạc khác và xì ra năm điếu thuốc Tam Thanh. Năm ván liền Lập thua. Lập thản nhiên: - Chia tiếp. Anh Triều ứng cho em suất chiều nay. Triều lại đếm thuốc lá, vừa đếm vừa hỏi: - Chiều nay ăn cơm với gì ấy nhỉ? - Xương trâu. - Đây Năm điếu. Lập lại thua nhẵn. Lập như đã bị mê đi rồi. - Tiếp tục suất mỳ sáng mai, suất cơm trưa mai. - Đây! Một điếu bữa sáng. Bốn điếu bữa trưa. - Sao lại bốn? Năm chứ. - Trưa mai ăn da trâu, bố ạ. Ai cũng biết quy trình thịt trâu của trại: Lòng rồi đến xương, rồi đến da (còn thịt dành cho Tết) mà cái món da trâu thì khó ăn thật. Tanh và khắm. Dính như keo. Lập chấp nhận sự hạ giá, nhưng còn nói thêm: - Da trâu chúng nó cũng liếm được hai suất đấy, bố ạ. Lại đánh. Vừa đánh vừa tranh thủ xúc cơm, bốc cơm lên mồm. Triều bảo Lập: - Có đói làm miếng mày. Không khách khí, Lập thò tay bốc cơm trên cái đĩa men vừa nãy còn là của Lập. Họ đánh cho đến lúc lấy cơm chiều, chia cơm chiều. Không ai buồn nhúc nhích. Ba Đen phục vụ họ, nhận cơm, nhận thức ăn hộ họ. Dồn vào hai xoong. Xoong cơm có bốn mô, gạt ra bốn góc. Còn xoong xương để lẫn lộn. Ba Đen hỏi Triều: - Đem mấy cái này đi chác nhé! Để thiu ra à? Triều Phỉ gật gật. Vì còn đang mải mê vào những quân bài. Ba Đen bưng mấy suất cơm, mấy suất lòng trâu đi ra. Ba Đen không thú chơi bài. Ba Đen thích chác hơn. Ba Đen nắm rất vững ai có cái gì, ai cần cái gì, ai thiếu gì. Ba Đen làm cái việc điều hòa. Lập lại thua. Tới điếu thuốc lá cuối cùng, nghĩa là ván bài cuối cùng, được quân nào, Lập vật ngửa ngay quân ấy, bất cần đời. - át nhép. Quân thứ hai: Tám pích. Hai quân mà chín. Thật ít hy vọng. Lại đang đen. Ai cũng nghĩ Lập sẽ trắng tay, phải rời chiếu bạc. Quân bài thứ ba vừa rơi xuống chiếu, Lập đã quơ lấy, ấn vào đũng quần, rồi vật ra. Tất cả cùng kêu lên: - Nhất cụ! Quân át cơ với trái tim đỏ chót nằm giữa chiếu. Lập sướng quá, bất ngờ quá, thét to: - Cái b. của tao thiêng thật. Nhất cụ! Nói rồi, Lập lại đưa quân bài lên miệng hôn đánh chút. Lập được ván ấy. Lập được cầm trang. Tưởng nhẵn túi, đứng lên, ai ngờ lại thắng. Hy vọng vận đỏ sẽ đến với mình từ đấy... Hắn sang toán mộc mấy lần dịnh trò chuyện với Giang bảo Giang thôi đi, đừng chơi bạc nữa. Giang chỉ nhìn hắn cười cười, rồi lại chăm chú vào quân bài. Hắn biết chẳng thể nào kéo Giang ra khỏi đám bạc được. Hắn lo lại như năm ngoái, Giang thua nhẵn, hai anh em phải ăn chung nhau một suất thịt trâu. Hắn có ngờ đâu trưa hôm sau hắn phải chuyển đi Giáp Tết rồi mà lại chuyển đi. Một mình hắn chuyển đi. Gánh phân nhà bò về, cất cặp lồng ở chỗ đặt nội vụ, hắn đem bát ra chia cơm, suất cơm và suất da trâu lạnh ngắt. Già Đô lẩm bẩm một mình: - Sắp ba Tết rồi đây. Hắn thì sắp bốn Tết rồi. Hắn vừa ăn vừa nghe Ba Đen hát to ở phía ngoài: Người ta ăn Tết tưng bừng Ba Đen ngồi đợi bánh chưng trong tùNgười ta ăn Tết lu bùBa Đen trong tù ngồi đợi bánh chưngNgười ta ăn tết tưng bừng... Cứ loanh quanh chỉ có bốn như cải kiểu "Con kiến mà leo cành đa"... Ba Đen hét to. Có vẻ bất cần. Nội dung bài hát, giọng hát nghêu ngao của Ba Đen có nghĩa là: Tết, tôi nhớ nhà. Tôi tù đến bao giờ? Các ông bảo tôi không yên tâm cải tạo. Cũng được. Các ông bảo tôi kích động người khác. Cũng được. Tháng này là tháng củ mật. Các ông sợ tù trốn trại, tăng cường canh gác, đề phòng. Các ông cho tôi vào xà lim cũng được. Các ông bảo tôi chống đối tinh vi cũng được. Kéo dài thời gian cải tạo cũng được. Mỗi người là một cái lò-xo đã bị nén xuống tột cùng. Mà cỗ máy, khối thép đồ sộ khổng lồ còn cứ ấn xuống mãi. Cho tới bẹp dí. Tiếng hát ê a của Ba Đen làm hắn nhớ tới những tiếng gào thét vào những đêm 30 Tết khi hắn còn ở xà lim. Tiếng gào thét vang lên từ những B nữ. Thảm thiết. Ai oán. Trong đêm giao thừa, nó vọng đến tai hắn đang nằm co trong xà lim tối đen, lạnh lẽo và bị bỏ quên... Hắn ăn cơm với già Đô. Lòng trâu ngon, nhưng da trâu đúng là khó ăn. May mà có thêm món muối vừng của Giang. Giang đã nhận tắc từ hôm 20 Tết. Gia đình Giang không lên mà là Phu, một người bạn của Giang. Bao giờ cũng là một người bạn của Giang lên tiếp tế. ở chỗ gặp mặt về, Giang xách cặp lồng xôi sang chỗ hắn ngay. Nhìn qua cửa sổ, thấy Giang đi tới, già Đô tót ra ngoài. Già tránh. Dù sáng hôm ấy là chủ nhật. Treo mỏ. Muôi mỳ xăng người lái cũng không. Dạ dày lép từ tối hôm qua cơ. Mong từng phút tới lúc nhà bếp gánh nước đổ vào thùng ở sân ùm ùm để mang các thứ ra lấy nước. Rồi lại mong từ đấy đến bữa cơm trưa. Buổi sáng chủ nhật cắt ra làm hai như vậy đỡ dài hơn. Nó có cái mốc ở giữa. Chóng tới bữa cơm trưa hơn dù biết bữa cơm trưa cũng chỉ lằm gọn trong một góc dạ dày rỗng. Các ông giám thị cứ bảo các anh ở nhà ăn mười ba cân (gạo), vào đây ăn mười ba cân, mười tám cân, hai mốt cân, hơn ở nhà rồi. Quả là làm việc nặng, gồng gánh mười tám cân, lâm sản, thợ xẻ, đập đá, lò vôi ăn hai mốt cân thật đấy. Nhưng có no đâu. Gạo bốc hơi từ kho, từ ông giám thị cân gạo, từ anh em nhà bếp đem cơm đi chác, từ đàn gà béo núc hai chục con của ông quản giáo phụ trách toán bếp... Với lại chỉ có chỗ cơm ấy và một tý rau nấu muối. Có chất gì đâu mà no. Cơm và rau chỉ ở trong dạ dày không quá một tiếng đồng hồ. Các nhà khoa học đã nói vậy. ắt là phải đúng. Già Đô đói như hắn đói, như mọi người. đói. Nhưng già chỉ có thể ăn của hắn. Già không thể ăn của bạn hắn. Giang còn đang phấn khởi vì vừa gặp bạn: - Em sẻ cho chúng nó rồi. Đây của anh em mình. Già Đô đâu rồi? - Ngồi đây. Chờ anh. Hắn bảo Giang và đi sang các toán khác tìm già Đô. Già Đô đang ngồi bên toán lâm sản, chỗ hội chợ điếu. Các loại điếu cày sáng loáng. Và đủ loại âm thanh của các nõ điếu rúc lên. Ngẫu nhiên thôi. Thoạt đầu mấy anh lâm sản sở tại đem điếu ra. Điếu của toán lâm sản toàn loại oách. Rồi bạn bè đến chơi mang điếu đến. Thế là mấy tay áp-phe có mặt ngay. Ngày Tết nhiều người nhận tắc. Cánh không gia đình biết họ rằm, cũng muốn moi của họ. Một cách lương thiện thôi. Đem điếu, lược đến gạ gẫm. Những cái điếu, cái lược tự sản xuất với sự kiên nhẫn của người tù khổ sai đẹp như đồ kim hoàn, nổi tiếng đến tận cục lao cải. Hắn tìm thấy già Đô trong đám người đang đẩy mạnh hoạt động thương nghiệp ấy. Trắng xóa những lá đề những đai điếu chạm trổ và mù mịt khói thuốc. Khoảng hai chục cái điếu cùng bắn loạn xạ. Đủ các cung bậc. Rít lên chói màng nhĩ. Già Đô ngồi cạnh Dần, một anh lái xe kẹp chết người, cùng toán, nổi tiếng là mê điếu. Dần mân mê ngắm nghía cái điếu của Ba Đen, vốn vừa là tay sản xuất, vừa là tay phe đại tài Dần đang gièm pha cái điếu mà chỉ thoáng trông, hắn cũng biết là loại đờ luých man-te và Dần kết lắm rồi. Hắn kéo tay già Đô: - Cụ về đi. Già Đô giãy nãy: - Về làm gì? - Về tôi bảo cái này. Già Đô kiên quyết, vẻ hơi lạnh lùng: - Tôi ngồi đây tý nữa tôi về. Hắn nhìn già Đô và đến lúc ấy hắn mới dể ý thấy lông mày già Đô cũng bạc rồi. Chẳng ai đoán được tuổi già là bao nhiêu nữa. - Cụ về một tý thôi. Tôi van cụ. Giọng hắn khẩn khoản. Già Đô biết hắn sẽ không về nếu già còn ngồi lại. Già miễn cưỡng đứng lên, đi theo hắn, bỏ lại sau lưng đám hội chợ đông vui, tiếng Dần dẹt giọng, dè bỉu: - Bốn biêu cái điếu. Có mà diên à? Và tiếng Ba Đen bình thản, tự tin: - Tùy ông anh thôi. Thấy già, Giang trách: - Con không đồng ý tý nào. Anh Tuấn với già thế nào, thì con với già thế vậy. Ba người ngồi ăn xôi lạc. Giang kể chuyện bên ngoài. Bao giờ cũng vậy, người ra gặp mặt không chỉ mang về gói quà tiếp tế, mà còn mang theo chuyện bên ngoài. Qua đó biết được tình hình gia đình, tình hình xã hội. Đó là một chút tia nắng từ nơi dương thế rọi vào chốn này. Chút tia nắng ấy thường tăm tối, ảm đạm. Gia đình sinh sống khó khăn. Chiến sự còn đang căng. Lại bắt bớ. Tuyệt vọng càng tuyệt vọng. Già Đô nhai kỹ, ăn chậm. Già muốn ăn ở mức ít nhất, tuy già có thể ăn hết một nửa chỗ cơm nếp này vẫn còn thòm thèm. Dẻo. Thơm. Ngọt. Ngậy. Bùi. ăn đến đâu tỉnh đến đấy. Những người như già, như Dự, Lê Bá Di... ngày Tết chẳng hy vọng gì tắc tế. Chẳng hy vọng gặp ai. Càng buồn. Càng thấy mình thuộc tầng lớp thấp kém. Càng thấy mình bị bỏ rơi. Bỏ rơi hoàn toàn. Không một chút xíu gì liên hệ với cuộc đời nữa. Sống dưới cặp mắt thương hại và coi thường của anh em tù, nên lại càng tự trọng. Hắn bốc những hột lạc, ấn vào véo xôi của già, gỡ một cơm rơi vào giữa chòm râu rậm rịt hoa râm của già. Giang bảo: - Chị Ngọc phải giáp Tết mới lên, anh nhỉ? Hắn cũng đoán nhtt vậy. Thường vợ hắn vẫn tiếp tế cho hắn vào những ngày giáp Tết. Có năm đến hai tám Tết. Vì lúc bấy giờ mới có bánh chưng mà gói. Dù như vậy cập rập. Rất cập rập. Hắn thương vợ. Vất vả quá. Bình thường Tết đến đã có bao nhiêu thứ phải lo toan. Hắn đi tù. Ngọc một mình lo Tết. Lại còn lo tiếp tế cho chồng. Tàu xe. Đường sá. Phà đò. Tới nơi, ngủ lại một đêm. Hôm sau gặp chồng mười lăm phút. Rồi về. Bấy giờ mới yên tâm lo cái Tết ở nhà, lòng vẫn không ngưôi xót thương chồng ăn Tết trong tù. Nghĩ vậy, nhưng hắn vẫn rất mong gặp vợ. Không có cách nào khác, dù biết vợ vất vả khổ sở vì mình. Càng gần Tết càng mong. Nhưng Tết năm ấy vợ hắn không lên. Hay đúng hơn vợ hắn không phải vượt hàng trăm ki-lô-mét lên QN thăm hắn vì hắn đã được chuyển về 75. Cái buổi trưa đang ăn cơm với già Đô, có món da trâu ninh, miếng nào miéng ấy dày tới cả chục xăng- ti-mét, thêm tí muối vừng mằn mặn thơm lừng của Giang, vừa ăn vừa nghe Ba Đen ê a hát, hắn bỗng thấy ồn ào ở buồng bên. Và những tiếng thét: - Giang! Thôi! Tao bảo mà! - Anh Triều đùa đấy! Hắn buông bát cơm ăn dở chạy sang bên toán mộc. Giang lăm lăm cầm lưỡi bướm sáng loáng trong tay. Đó là thứ đục bản to dùng để đục phá, bóc gỗ. Nó tách những thớ gỗ chắc như gỗ lim một cách ngon lành. Mặt Giang trắng bệch. Môi đã mỏng, mím lại thành một vệt thẳng. Tay Giang nắm chắc lưỡi bướm sắc ngọt. Trước mặt Giang là Triều Phỉ cao lớn, chủ canh bạc hôm qua. Triều Phỉ là trùm anh chị ở P. Cùng giam ở bê D 75 với hắn, với Giang. Tất cả cánh hình sự đều quy phục Triều Phỉ. Một điều anh, hai điều anh đầy mến phục. Triều phỉ xăm trồ thì khiếp lắm. ở bụng là những con rắn uốn khúc mổ vào bướm cô dầm khỏa thân. Một bên đùi là Triệu Tử Long phò A Đẩu. Đùi bên kia là Trương Phi râu quai nón cầm mâu đứng trên cầu Trường Bản. Lưng: Đại chiến Xích Bích. Triều Phỉ khoe với hắn khi còn ở 75: - Công an bắt em cởi truồng. Chụp ảnh các cảnh trổ. Chụp từng bộ phận một. - Em là Triều Phỉ, vì trước em để tóc dài ngang vai. Em đi thuyền cát, lên phố, một chân đất, một chân giày, tóc xõa. Trông như phỉ. - Em mặc quần ống tuýp. Công an mấy lần rạch ống quần của em, nhưng em vẫn mặc quần ống tuýp. Triều Phỉ rất đẹp trai. Cao lớn, da trắng như da con gái, luôn cắn cắn môi trên, môi dưới cho dỏ. Lên QN, Triều Phỉ thêm nốt ruồi ấn Độ giữa hai lông mày. Quần áo tù, Triều cắt lại hết. Không rộng thùng thình nữa, mà chật căng. Bó từ ngực tới ống, rất bít dít. Giặt phơi xong, gấp vuốt cẩn thận, để đầu giường gối lên, mặc phẳng như là. Hôm đóng số tù, Triều đóng kín số CR 832 đằng trước đằng sau; những chữ số nằm trong khung chữ nhật, to xếp thành hàng từ ngực xuống chân, từ vai xuống gót đen sì, vuông thành sắc cạnh. Tù thấy vậy thích lắm. Nhưng quản giáo bực. Triều biết, vẫn cứ thản nhiên: “Thưa ông, đóng thế này cho đẹp". Cánh hình sự càng nể Triều Phỉ. Lên Q.N, Triều dùi chim, đeo vào đó cái pơ-lắc khắc chữ: "Vnh biệt em yêu". Lên Q.N, Triều còn lập một chiến công khiến cả bọn càng tôn sùng: Đánh thắng Ba Đen. Lên Q.N, Triều gặp Ba Đen, thủ lĩnh đám tù hình sự ở trại. Đôi bên không chịu nhau. Đánh nhau. Tay bo. Ròng rã cả tháng. Đi làm về lại dánh. Im lặng đánh. Không kêu một tiếng. Không nói một lời. Chỉ có tiếng rầm rầm trong buồng. Nhảy từ sàn bên này sang sàn bên kia. Dồn nhau từ cửa ra vào tới cửa nhà mét. Từ lối đi hẹp giữa hai sàn, dưới đất vọt lên sàn trên. Nửa đấm bốc. Nửa võ Tàu. Cả giu-đô Nhật Bản. Cả hai đều cao lớn, trên một mét bảy. Ba Đen cũng có một thân hình rất dẹp, ngực nở bụng thon. Chỉ có cái khác: Triều Phỉ trắng trẻo, còn Ba Đen đen bóng. Gần một tháng tỉ thí, cả hai tím mặt, sưng tay, gãy răng, hộc máu. Có lẽ về nghệ thì không ai thua ai. Kẻ tám lạng người nửa cân. Nhưng đây là cuộc dối đầu về ý chí. Ai bền gan hơn, quyết tâm hơn sẽ thắng. Cuối cùng Ba Đen chịu thua, xin làm đồ đệ. Vậy mà bây giờ Giang dang đứng trước Triều Phỉ. Giang nắm chắc lưỡi bướm, giọng lạnh đi: - Tôi biết anh. Anh cũng biết thằng Giang. ý anh thế nào? Thì ra, sau khi thắng lớn cả ngày, tối qua Triều Phỉ chơi ba cây đại bại. Người thắng là Giang. Triều Phỉ khất Giang, chờ nhận tắc sẽ trả. Sáng nay Triều Phỉ gặp mặt, nhận tắc nhưng chưa chịu trả nợ Giang. Khi đi làm về, Giang đã thủ sẵn một cái bướm. Lập Ba Tai nắm lấy cổ tay đang cầm lưỡi bướm của Giang: - Thôi! Giang ơi! Giang dùng bàn tay còn lại chém mạnh vào tay anh tù tai rách và hoa lưỡi bướm, gầm lên: - Thằng Lập Ba Tai kia. Mày định can khéo để tao chết đấy phải không Lui Tôi nói trước nhá. Bất kỳ ai đến gần tôi là tôl xơi đấy. Đừng trách! Lưỡi bướm sáng loáng vạch một vòng tròn trong không trung. Triều Phỉ đứng khoanh tay cười nhạt: - Mày định thịt tao dấy à? - Tôi không biết. Tôi hỏi anh một lần cuối: Hôm qua anh bảo nhận tắc thì trả. Hôm nay anh nhận rồi. Anh có trả không? Ai cũng biết Giang sẵn sàng dổi mạng. Vì danh dự, vì luật chơi. Phải tôn trọng luật chơi. Triều có thể đánh bật lưỡi bướm của Giang, diệt Giang đến mức quỵ, nhưng khi khỏi, khi dậy được, khi Triều ngủ Giang sẽ thực hiện luật chơi. Nếu không mọi người coi Giang không hơn một con sên, Giang sẽ không sống được. Không đâm Triều hôm nay, chắc chắn ngày mai Giang sẽ phải đâm người khác. Giang lấy của Triều cả quả tắc, nhưng có thể Gĩang sẽ mời Triều ăn cả quả tắc ấy. Còn việc thua mà không trả lại là chuyện khác. Bao nhiêu con mắt nhìn vào khuôn mặt trắng bệch của Giang, cái cách cầm lưỡi bướm của Giang. Cũng như mọi người, hắn thấy trước máu sẽ chảy. Không biết việc gì xảy ra, nếu Ba Đen không kêu lên: - Anh Triều đừng đùa nữa. Anh là chúa hay đùa. Triều cười khì khì: - Tao đùa một týVà thản nhiên bước lại khoác vai Giang vẫn đang cầm lưỡi bướm: - Tao thử xem mày là thằng thế nào. Tao công nhận mày có bản lĩnh. Tất cả thở phào. Hắn hiểu thêm Giang. Càng tin Giang. Quý Giang. Hắn quay về ăn nốt bữa cơm. Đi được mươi bước thì gặp già Đô. Già Đô hớt hải: - Tôi tìm mãi. Cụ về ngay, ông quản giáo chờ. Hắn về buồng. Một ông quản giáo đã đứng ở cửa buồng giam: - Mang hết nội vụ ra ngoài. Hắn ngơ ngác. Cả toán ngơ ngác. - Thưa ông. Tôi chưa ăn cơm xong. - Anh đi đâu mà chưa ăn? - Tôi đi vệ sinh. Nói làm gì chuyện sang toán mộc. ít nói là tốt nhất. - ăn đi rồi mang nội vụ ra. Anh có lưu ký không? Thế nghĩa là đi hẳn. Cắt đứt quân số ở đây. Bối rối. Cả hy vọng. Vận may hay vận rủi chờ đợi. Cũng là nhắm mắt đưa chân. Thân tù bao giờ cũng lành ít dữ nhiều. Già Đô giúp hắn bó chăn màn, ấn quần áo, khăn mặt, điếu, bi-đông, cặp lồng, bàn chải, cả túi vừng đang ăn dở vào bị, vào hòm. Hắn nói khẽ: - Để vừng lại. Cụ sang gọi Giang hộ tôi. Giang sang. Nhìn đống nội vụ của hắn đã xếp gọn giữa chiếu, Giang hết hoảng: - Anh đi ngay giờ à? - Anh đi đây. Cả toán không ai nói một câu. Họ chỉ biết im lặng nhìn hắn. Già Đô vẫn chưa hết ngơ ngác. Hắn thì thào: - Cụ còn nhớ địa chỉ tôi không? - Nhớ. Số... Điện Biên Phủ. Già Đô thì không có địa chỉ để hắn nhớ. Xăng vòm. Cái giường cá nhân già nằm trong khu tập thể xí nghiệp đã có người khác thay thế rồi. Hắn nói với Giang mặt lạnh tanh: - Có về trước đến thăm chị nhé. Kể chuyện anh trên này. Giang còn lạnh hơn cẫ hắn: - Anh đi! Ông quản giáo đã đến. Hắn nhìn nhanh một lượt anh em trong toán từ nãy tới giờ vẫn ngồi yên nhìn hắn, cả sàn dưới lẫn sàn trên. Tất cả nhìn lại. Không một lởi. Không một tiếng động. Hắn bị bọc bước ra. Gió rừng thốc vào mặt hắn. Hắn bước những bước nặng trĩu. Trước mắt là trống rỗng. Là những trại tù mới. Phải mất hơn ba năm, anh em trong toán mới hiểu mình. Mình mới quen với anh em, với công việc.. Phải mất hơn ba năm mới tìm được những người như Giang, như già Đô. Những người cùng khổ thương nhau, sưởi ấm cho nhau. Thay cho bố mẹ, vợ con, gia dình. Lại phải ra đi. Hắn lại thấy hoàn toàn cô đơn. Lại thấy như thời gian mới bị bắt vào xà lim 76. Hắn theo ông quản giáo đi qua cổng gác. Qua chỗ ngoẹo suối. Qua chỗ vẫn buộc trâu ăn Tết. Qua nhà bếp. Tới cái xe com-măng-ca Rumani đít vuông đậu ở bên kia cầu bắc qua suối, lối đi vào trại, nơi bọn hắn vẫn xuống tắm. Hai người công an áo vàng đã đứng chờ sẵn. Một người lái xe. Một người ngồi sau với hắn. Hắn rúc chân vào đống nội vụ lỉnh kỉnh của hắn cho đỡ rét. Hắn im lặng. Không dám hỏi mình đi đâu. Để làm gì. Vì sao lại phải đi. Bởi vì hắn biết hắn không được hỏi. Không được phép hỏi. Hắn như một thứ đồ vật người ta mang đi đâu thì đi đấy. Thế thôi. Xe nổ máy, lao đi, để lại một làn bụi đỏ mù mịt. Vĩnh biệt rừng, vĩnh biệt lòng chảo Q.N khủng khiếp nhưng đã thành thân thiết này. Xe đi. Rừng núi chung quanh. Lòng hắn rối bời. Rối bời và hy vọng. Hy vọng đến mức không dám nghĩ đến nữa. Trong tù hắn đã luyện được thói quen giết chết hy vọng. Hãy biết cái thực tại đang xảy ra. Thực tại xe đang chạy. Thân tù đi đâu chẳng là một thằng tù, chẳng nằm trong quân số cục lao cải. Bỗng người công an ngồi cạnh hắn kêu lên: - Đến rồi đấy! Hắn giật thót. Người ta đưa hắn xuống đây hay sao? Xe dừng lại. Người lái xe nhảy xuống, biến mất. Hắn ngồi iin lặng. Người ngồi cạnh hắn giở thuốc lá ra hút. Hắn liếc nhanh: Tam Thanh bao bạc. Người ấy hỏi hắn: “Hút không”. Hắn lễ phép: “Báo cáo ông, có”. Hắn châm thuốc bằng bật lửa của hắn. Hắn hút và im lặng. Hút chưa hết điếu thuốc lá, người lái xe đã về Hắn không tin ở mắt mình nữa. Những cành đào. Những cành đào to mập. Không có lá, chỉ những búp non xanh hơi nứt. Và những cánh hoa đào phơn phớt hồng. Những nụ đào âng ấng dọc các cành non. Hai người cho đào vào thùng xe, nghĩa là ngay trước mặt hắn. Họ lấy dây buộc để khỏi giập nát. Họ bàn nhau về cành đào thứ ba dành cho ông Trần nào đấy. Hắn chưa thể quen ngay được với thứ hoa tạo nên niềm kiêu hãnh trong ngày Tết ở ngoài đời. Nhưng rồi chính hắn nhớ ra: Nhà hắn cũng có một cây đào trồng ngay ở đầu hồi, trên nền nhà cũ, cái nhà hắn sống suốt tuổi ấu thơ mà Tây đã đốt ngay từ cuối năm 1946. Bố hắn bảo: "Thất trảm thành đào”. Bảy lần chém, bảy lần mọc mới thành cây đào thực sự. Hắn nhớ đến bàn thờ nhà hắn. Mâm ngữ quả nhà hắn đẹp như mâm ngũ quả ngoài đình. Giao thừa, hắn bưng mâm ra đặt trên một cái ghế đẩu giữa sân. Hắn im lặng nhìn bố thắp hương khán trời đất. Lúc đó thật là thiêng liêng. Hắn nghe được cả tiếng nói cây cỏ... Xe chạy. Những cành đào đập đập vào ngực áo bông của hắn. Cái áo bông Trung Quốc to sù có một hàng số CR 880 ở ngực, một hàng chữ số CR 880 ở lưng. Những nụ đào cứ dụi dụi vào hàng số tù ấy. Thì ra người ta đã bàn nhau từ trước về chuyến đi này. Kết hợp giải hắn và mua đào sắm Tết. Hắn hiểu được rằng người ta đang chuẩn bị mọi thứ cho Tết, cho ngày vui, ngày đầu năm, ngày đoàn tụ. Ngoài đời đang bận bịu tất bật, lo lắng và sung sướng. Chợ hoa, chợ Tết, mua sắm, may mặc, màu sắc, hàng hóa... Hắn ngắm những nụ đào, những bông dào nở sớm. Đẹp. Mỏng manh. Vô tình. Hắn nhớ đến một câu văn cũ hắn rất thích: "Xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đa chết dần dần”. Không. Hắn không chết dần dần. Hắn đã chết rồi. Hắn đã bị tước đoạt cuộc sống rồi. Hắn nghĩ đến anh em trong trại. Mù mịt. Heo hút. Thăm thẳm. Và đàn trâu già vừa bi giết. Đó là tất cả thế giới, tất cả mong ước của những người tù để dón Xuân. Xe lại đếng một lần nữa. Anh lái xe nhảy xuống. Hẳn điểm dừng này cũng đã được định trước. Anh ta bê từ dưới suối lên một hòn đá cuội bằng quả mít nhỏ. Rồi lại xuống bê thêm hòn nữa. Thở hổn hển, nhưng hài lòng. - Đá thế này chứ. Nén bằng đá xanh có mà thối hết hành với dưa. Cả chuyện ấy nữa. Cải nén, hành nén. Năm nào vợ hắn cũng mua ít hành nén với dưa. Có cả mía cho vàng và ngọt. Thật cầu kỳ. Người ta sung sướng với những lo lắng. Càng tỉ mỉ nỉềm vui càng trọn vẹn. Tất cả cho giờ phút giao thừa. Tất cả cho ba ngày Tết. Thế giới ấy gần gụi với hắn. Hắn đã trái qua. Hắn đã tất bật. Hắn đã lo lắng. Hắn đã sung sướng. Hắn hiểu được niềm vui của những người công an đang áp tải hắn. Những người chồng đảm đang chiều nay sẽ đem về cho vợ con cả một sự ngạc nhiên và hạnh phúc. Sắp Tết rồi. Hắn cố nuốt một tiếng thở dài, giữ cho mình một bộ mặt dửng dưng.