CHƯƠNG XXI
CÔ XUÂN LO CHO MẸ ÐƯỢC KHỎI TÙ TỘI

Từ hôm đối thoại với Xuân tại văn phòng, Lê Minh thấy cảm tình đối với nàng mỗi ngày mỗi tăng. Mỗi lần thấy nàng vào thăm mẹ, hai mẹ con ôm nhau sụt sùi, chàng không khỏi thấy mủi lòng, nhưng không biết làm cách nào để giúp đỡ nàng hơn nữa, vì chàng chỉ có bổn phận canh gác tù nhân, còn việc bắt hay tha, xử hay phạt là quyền của cấp trên. Theo lẽ công bằng chàng thấy là bà Năm có tội gian lận đáng bị phạt. Với tội ấy, theo luật triều đình, bà có thể bị phạt tù từ năm đến mưòi năm và tịch biên từ một nửa đến toàn cả gia sản. Nhưng nếu biết cách chạy chọt thì cũng có thể được giảm bớt cả tù lẫn tiền. Nhưng trong trường hợp tứ cố vô thân của bà Năm, chắc chắn là bà sẽ không biết đường nào mà chạy ngã sau.
Trong triều đình vua Ðột Quyết lúc bấy giờ có nạn tham nhũng. Tể tướng Hoàng Cái được lệnh của vua phải gấp rút bài trừ tận gốc cái quốc nhục này. Nhưng đây là một tệ đoan đã ăn sâu gốc rễ khắp nơi, nên khó mà bài trừ một cách có hiệu quả. Mặc dù Tể tướng Hoàng Cái là người thanh liêm trong sạch, nhưng với một nhúm nhỏ người có thiện chí, ông làm sao có thể thành công?
Ðiều ngây thơ là ông tưởng có thể làm được. Ông đặt nó lên hàng đầu, làm một quốc sách, vạch chương trình kế hoạch, thay người này, đổi người khác, lập tòa án riêng, lập ban điều tra mật... Nhưng mọi việc chỉ là hình thức, một sự thay bậc đổi ngôi, chứ bên trong vẫn không có gì thay đổi. Ðàn mối tham nhũng đang hoành hành gậm nhấm đục khoét cả tòa nhà, đáng lẽ quan Tể tướng phải triệt hạ tất cả, nhưng quan không làm được như vậy, mà chỉ tô trét lại nước sơn.
Lê Minh biết rõ nội tình của triều đình như vậy, cho nên muốn cứu bà Năm cây thị thì cũng không còn cách nào khác hơn là cách hối lộ các quan lo việc án tiết.
Một hôm, chàng gọi Xuân đến văn phòng riêng của chàng, cho nàng biết rằng vụ án của mẹ nàng sắp đem ra xử và bà có thể bị án nặng. Nàng nghe nói ôm mặt khóc ròng. Lê Minh ngồi yên lặng để cho nàng khóc một hồi rồi mới cất tiếng hỏi nàng:
- Cô cho rằng mẹ cô oan chăng?
- Thưa tôi biết là mẹ tôi có tội, nhưng dù sao đi nữa thì vì tình mẹ con, tôi không thể không đau xót được. Xin quan rũ lòng thương mẹ con tôi, có cách gì chỉ bảo cho mẹ tôi được nhẹ tội.
- Thực ra tôi thấy cô có lòng hiếu thảo, lo lắng nhiều cho mẹ cô, tôi cũng không thể dửng dưng được. Nhưng tội trạng mẹ cô có đủ bằng chứng hiển nhiên như vậy làm sao cứu được. Vả lại, có oan ức thì mới tìm cách giải oan, chứ mình có tội rành rành thì... khó quá.
- Thưa, tôi không mong mẹ tôi hoàn toàn được trắng án. Nhưng chỉ mong làm sao được nhẹ tội chừng nào quí chừng ấy.
Lê Minh ngồi trầm ngâm một hồi rồi ngập ngừng trước khi nói:
- Thật là khó! Tôi nghĩ chỉ còn một cách, nhưng không biết cô có chịu không...!
- Dạ, xin ông cứ nói. Ông đã thương mẹ tôi mà nghĩ cách giúp đỡ thì xin đừng có ngại gì hết. Ông dạy bảo điều  gì, tôi xin nghe theo điều ấy.
- Theo tôi biết thì mẹ cô có thể bị ngồi tù dài hạn, hoặc bị ngồi tù và tịch biên một nửa gia sản. trong ba hình phạt ấy, theo cô, cô muốn hình phạt nào?
Nàng suy nghĩ một chốc rồi đáp:
- Dạ, tịch biên gia sản nhưng khỏi ngồi tù.
- Vì sao cô lại nghĩ như vậy?
- Dạ, tôi thấy gia sản của mẹ tôi là do gian lận mà có. Ðó là đồng tiền phi nghĩa. Chính vì vậy mà mẹ tôi mang họa vào thân. Ðã là phi nghĩa thì cũng không nên nắm giữ cái gia sản ấy làm gì.
Lê Minh nghe Xuân nói có vẻ hài lòng.Chàng vội nói:
- Nếu vậy thì hay! Tôi có thể giúp cô được. Nhưng cô nên biết là trong vụ này, tôi không dính líu gì, tôi vì thấy cô có lòng hiếu thảo với mẹ mà đứng ra giúp đỡ chứ tuyệt nhiên không vì một chút lợi lộc gì.
- Thưa, tôi đã rõ như vậy từ khi được biết ông. Ông là người nghĩa khí, ai cũng biết. Xin ông cứ nói, đừng ngại gì. Tôi không bao giờ dám nghi ngờ lòng thành thật của ông.
Lê Minh ngồi xích tới, nói thấp giọng:
- Cô cũng biét hiện nay, cái nạn hối lộ, tham nhũng đang hoành hành trong nước. Không có việc gì có thể thành công nếu không có tiền. Quan Tể tướng đang ra sức bài trừ mà chưa có kết quả. Nếu thật tình cô cho rằng gia sản của cô là của phi nghĩa, không cần gìn giữ làm gì, thì nên trút ra cho bọn quan trường tham lam chúng nó hốt đi. Chúng nó hốt cái vạ của cải ấy cũng là hốt luôn cả tai vạ.
- Còn mẹ tôi thì sao?
- Thì khi bọn ấy hốt gia sản của cô tức phải làm sao cho mẹ cô trắng án. Như cách là mẹ cô trút cái gánh nặng tài sản phi nghĩa để được nhẹ cái thân mạng. Còn ai tham lam muốn kề vai gánh cái gánh nặng ấy thì mặc họ. Họ sẽ chịu cái hậu quả nặng nề của nó.
Xuân tỏ vẻ nghi ngờ:
- Liệu họ có chịu cái hậu quả nặng nề không, hay là vẫn cứ phây phây sống cuộc đời an nhàn sung sướng trên mồ hôi nước mắt của người khác?
- Cô đừng lo, thế nào rồi họ cũng không thoát khỏi cái luật nhân quả. Bây giờ, điều cốt yếu là cô hãy nói lời hơn lẽ thiệt cho mẹ cô bằng lòng trút bỏ cái gia sản ấy ra. Rồi tôi sẽ bắn tiếng cho bọn hạm nào muốn ăn to thì nhào vô lo việc này cho cô. Thế nào mẹ cô cũng được trắng án yên ổn trở về nhà. Còn công việc về sau ra thế nào nữa là phần của tôi. Thôi cô hãy về bàn tính lại với mẹ cô đi, rồi cho tôi biết kết quả. Nếu mẹ cô bằng lòng thì chỉ nội trong 10 hôm là bà có thể ra khỏi nhà lao. Khi ấy cô không còn đến đây khóc lóc nữa, và tôi cũng đỡ xót xa trong lòng. Nói xong Lê Minh nhìn nàng có vẻ trìu mến. Nàng nhìn lại, đôi mắt chứa đầy lòng biết ơn. Nàng cáo từ Lê Minh trở về phòng giam, lòng tràn đầy hy vọng: trong một ngày gần đây, mẹ nàng sẽ thoát khỏi cảnh lao tù, và mẹ con sẽ được đoàn tụ với nhau.
Nhưng mọi sự đã không xảy ra dễ dàng như ý của nàng. Khi về phòng giam, Xuân đem câu chuyện ấy ra nói với mẹ, thì bà nhất quyết một hai không chịu. Bà không thể tưởng tượng được rằng cái gia sản lớn lao của bà bỗng chốc trở thành mây khói, gia sản mà bà đã dày công gây dựng với bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và mánh khóe gian ngoan. Bà bảo thà bà phải ở tù 5, 10 hay 15 năm đi nữa cũng được, chứ còn gia sản bà không thể mất đi được. Xuân phải mất công giảng đi giảng lại cho bà hiểu rằng nếu không lo liệu bằng cách hối lộ, thì gia sản của bà cũng sẽ bị tịch biên, mặc dù bà chịu ngồi tù 5 hay 10, năm đi nữa. Huống chi, bà mà còn giữa cái gia sản ấy ngày nào thì tai vạ sẽ còn đeo theo bà ngày ấy.
Bà Năm biết rằng con mình nói có lý, nhưng lòng tiếc của đã thâm nhập trong tâm hồn bà không thể một sớm một chiều xoá bỏ đi được.Bà Năm rầu rỉ, bỏ ăn, bỏ ngủ luôn mấy hôm, ngồi thở vắn than dài không ngớt. Xuân phải khuyên dỗ bà hết ngày này sang ngày khác trong gần mươi ngày bà mới ưng chịu để cho Lê Minh lo liệu mọi việc như chàng đã đề nghị.