A. Tóm tắt Hồi 20 - Khi mọi cao thủ đều hoan hỷ với các lời dẫn giải của Long đảo chúa thì đồng thanh muốn tận mắt xem bí kíp " Hiệp Khách Hành ", một bài thơ cổ của Lý Thái Bạch, một đại thi hào của Trung Quốc ngày xưa. - Các môn đồ của đảo trải rộng tấm bản đồ của Động bí pháp gồøm 24 gian thạch thất có chữ và đồ hình trên vách đá. Tất cả được vào, ra tự do, hoặc ở lại luôn trong động tại từng gian thạch thất: đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thức uống và các nhu cầu thiết yếu khác. ° Gian thạch thất thứ nhất: Câu đầu bài thơ là: " Triệu khách mạn hồ anh " ( Khách nước Triệu phất phơ giải mũ ) với đồ hình một chàng văn nhân, phong nhã, thanh tú. ° Gian thạch thất thứ hai: Câu thơ thứ hai là: " Ngô câu sương tuyết minh " ( Kiếm ngô câu rực rỡ tuyết sương ) - Các chữ viết trên vách động hất lên, tạc qua, đá xuống như là các đường kiếm: có 24 đường kiếm: nhìn kỹ 24 đường kiếm nầy thì Cẩu Tạp Chủng phát hiện có một nguồn nội lực vận hành từ huyệt Nghinh Hương đến huyệt Thương Dương ; phương vị cùng hình trạng các thanh kiếm hoàn toàn tương hợp với vị trí và đường lối vận chuyển kinh mạch trong nội thể. - Cẩu Tạp Chủng trở lui nhìn ngắm đồ hình ở gian thạch thất thứ nhất: khi nhìn cái tay áo phất thì nhiệt khí đi theo Túc Thiếu Dương Đảm Kinh, hướng vào hai huyệt Nhật Nguyệt và Kim Môn; các nét trong đồ hình liên quan chặt chẽ với nhau như các đường kinh mạch trong cơ thể. Có 9 lần 9 là 81 nét bút thuận, nghịch, Cẩu Tạp Chủng luyện theo từng nét cho đến khi thuộc lòng. ° Gian thạch thất thứ ba: " Ngân Yên chiếu bạch mã " ( Ngân yên bạch mã huy hoàng ) Đồ hình là một con tuấn mã đang nghểnh cổ phóng nước đại, dưới vó có nhiều mây mù, như đang bay lên trời. Tập trung nhìn đồ hình thì Cẩu Tạp Chủng thấy khí nóng trong người ngưng trệ, không chuyển vận; rồi nội lực bỗng cuồn cuộn nổi lên giục giã co chân chạy, chạy tiếp nhiều vòng. Chàng chạy chín vòng, vừa để tâm trên đồ hình vách đá cho đến khi đồ hình khắc sâu vào tâm trí thì chàng ngừng chạy và đến gian thạch thất kế tiếp. °Gian thạch thất thứ tư: " Tạp đạp như lưu tinh " ( Vó câu vun vút như ngàn sao bay ) Cẩu Tạp Chủng theo đồ hình mà luyện tập. Từ đây, Cẩu Tạp Chủng đi qua đủ 24 gian thạch thất và nhận ra rằng: - Câu thơ số 5, số 10 và số 17: mỗi câu là một loại kiếm pháp. - Câu 6, 7, 8: mỗi câu là một loại khinh công. - Câu 9, 10, 16: mỗi câu là một loại chưởng pháp. - câu 13, 18, 20: là công phu vận khí, luyện công. Chàng học rất nhanh: có ngày học đến 3 môn ; có khi 18 ngày mới học xong một môn. Chàng luyện liên tục cho đến gian thạch thất thứ 23. Vậy cho đến nay, chàng ở trong động 75 ngày trọn. ° Gian thạch thất 24: - 23 gian đầu đều có đồ hình trên vách đá; gian 24 thì không có đồ hình, mà toàn chữ nghĩa. - Tại đây, Long Mộc đảo chúa đang ngồi tịnh tọa. - Các nét bút vừa nhìn vào thì liền choáng váng đầu óc. Nhìn kỹ ngưng thần thì thấy vô số nét bút biến thành những con nòng nọc chuyển động. Nếu chăm chú nhìn thì nòng nọc ngưng chuyển động. Chàng thanh thản nhìn từng con nòng nọc, thấy nội tức nhảy nhót ở huyệt Chí Dương sau lưng, rồi đến Huyền Khu nối thành một sợi dây. Chàng tìm các con nòng nọc nhìn thế nào để mấy trăm huyệt đạo liên lạc với nhau thành một luồng nội khí thông với nhau thì toàn thân cảm thấy rất khoan khoái. Chàng trải qua ở thạch động 24 nầy đã 7,8 bữa ăn rồi. Rồi đến một thời điểm nội khí trong người chàng cuồn cuộn dâng trào như một con sông lớn, chàng tự động phóng chưởng " Ngũ nhạc đảo vi khinh ", rồi tiếp sử kiếm pháp " Thập bộ sát nhất nhân " ( dù tay không có kiếm )... đi qua hết 24 câu trên bài thơ cổ. Trong tập hợp năm nhóm ấy có thể phát hiện trí tuệ giải thoát và tâm lý giải thoát mà Kim Dung tin tưởng, đã đưa đến sự giải ngộ qua 24 thạch động. Thấy rõ sự thật ở tự thân, hay ở ngoại cảnh, đều cùng lúc thấy rõ sự thật của thế giới, bởi chân lý không thể có hai. Sau khi kinh nghiệm về sự thật vô ngã ấy, các hiệp khách vong ngã một cách tự nhiên, và hành hiệp một cách tự nhiên, bởi bằng con đường hành hiệp, các hiệp khách có nhiều nhân duyên để tiếp cận nguồn hạnh phúc không tên và không giới hạn. Nếu hành động khác đi, nghĩa là nuôi dưỡng tự ngã (cái ta) và dục vọng thì sẽ đẩy mình và người vào rối ren, khổ não như đã từng kinh nghiệm. " Hiệp Khách Hành " đã gián tiếp giới thiệu với độc giả các cái ta lạc lõng, bi thương trải khắp toàn truyện, như: - Cái ta tự cao tự đại thành cuồng của Bạch Tự Tại; - Cái ta si tình của Mai Phương Cô, Đinh Bất Tứ; - Cái ta ác loạn của Đinh Bất Tam; - Cái ta phóng đãng của Thạch Trung Ngọc, Đinh Đang; - Cái ta cố chấp của Tạ Yên Khách, Sử bà bà; - Cái ta ước lệ hẹp hòi của Bạch Vạn Kiếm; - Cái ta của giá trị văn hóa cổ xưa của bốn đại môn chủ ở Quan Đông; - Cái ta trung chính của Thạch Thanh, Mẫn Nhu; - Cái ta hiền hậu rất nhân thế của A Tú; - Cái ta rất hào hiệp và có phần chấp thủ của Trương Tam, Lý Tứ; - Cái ta vô dục, vô chấp, vị tha của Cẩu Tạp Chủng v.v... ( đây là cái ta duy nhất của niềm tin của văn hóa trí tuệ và nhân ái) 4. Sống hạnh phúc: - Sống là đi tìm hạnh phúc là sự hiển nhiên. Người ta sinh ra không phải để khổ đau. Thế nên, giới thiệu các thái độ sống đem lại các cảm nhận hạnh phúc cho cá nhân và tập thể là sứ mệnh của văn hóa. " Hiệp Khách Hành ", hầu như đặt niềm tin giáp mặt chân lý và hạnh phúc vào con đường thiền định và trí tuệ của Phật giáo - Nói của Phật giáo mà một cách nói; thật ra đó là con đường tâm thức của mọi người -. Con đường đó đã đươc phản ảnh ở Bồ tát Quán Thế Âm trong phẩm kinh Phổ Môn ( Cách cửa vào sự thật của thế giới ), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, như đoạn kệ giới thiệu dưới đây: Chân quán, thanh tịnh quán, Quảng đại trí tuệ quán, Bi quán cập từ quán, Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng. Vô cấu thanh tịnh quang Huệ nhật phá chư ám Năng phục tai phong hỏa Phổ minh chiếu thế gian. Bi thể, giới lôi chấn, Từ ý, diệu đại vân Chú cam lồ pháp vũ Diệt trừ phiền não diệm " Dịch nghĩa: Hãy nhìn thấy sự thật duyên sinh, Vô ngã của các pháp, Nhìn với trí huệ lớn, Nhìn với tâm đại từ, đại bi Hãy thường tư duy, niệm tưởng như vậy, Ánh sáng vô cấu của tâm thức sẽ xuất hiện Trí tuệ, như mặt trời, sẽ phá tan hôn ám Xua tan các tai nạn Chiếu sáng khắp thế gian. Tâm bi như kéo về sấm chớp, Tâm từ như mây lớn bủa ra Cho xuống cơn mưa pháp thanh lương Dập tắt lửa phiền não. Cái nhìn đầy đủ sức mạnh của trí tuệ và từ bi ấy hệt như cái nhìn tập chú của Cẩu Tạp Chủng dán chặt vào 24 đồ hình và chữ nghĩa trên vách đá của 24 thạch động (chàng nhìn với tâm tuệ và tâm từ của chàng), tỏa sáng sự giải ngộ bí kíp mà Long, Mộc nhị vị đảo chúa đã phải chờ đợi suốt 40 năm, phải chăng? - Hạnh phúc, phải chăng có mặt trong cái nhìn ấy, cái nhìn không dính mắc vào bất cứ gì ở đời, đã bùng vỡ trong tiếng la đầy niềm hoan lạc của Thạch Phá Thiên và Long Mộc đảo chúa vào thời điểm cuối của thạch động thứ 24:" Thật là tuyệt vời!" và " Quả thật là tuyệt vời! "? Cái nhìn tương tự kinh Kim Cương Bát Nhã diễn đạt: " Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm " (hãy khởi lên cái tâm lý không dính mắc). Với tâm lý " không dinh mắc vào bất cứ gì " ấy, các hiệp khách dễ dàng đối mặt với các vô thường, hiểm nguy ở đời. Bấy giờ bốn mùa vẫn vận hành như từng vận hành, nhưng vắng bóng các ngã niệm, các sầu ưu. Bấy giờ, ở đó, là điểm hẹn của ba đại hiệp khách: Trương Tam, Lý Tứ và Thạch Phá Thiên tiếp nối gieo vãi các hạt giống tỉnh thức với thái độ của Châu Hợi, Hầu Doanh ngày trước: " Việc xong rũ áo ra đi ; Ẩn thân rừng núi kể gì tiếng tăm " ( " Sự liễu bất y khứ ; Thâm tàng thân dữ danh " ) Viết xong ngày 25/9/2003 Chùa Tường Vân, Huế Tỷ kheo Thích Chơn Tìện