Con đường đến Ba La Nại khá xa, Ðức Phật đi bộ thong thả xuyên qua những ngôi làng và nông trại. Ai trông thấy Ngài cũng đều bị thu hút cả. Ngài có tướng mạo cao lớn và đẹp đẽ, dáng đi rất trang nghiêm và uyển chuyển. Chỉ nhìn thấy Ngài thôi, người ta cũng cảm thấy sự thanh tịnh và an lạc trong tâm hồn của mình. Ngài nói chuyện rất lịch sự và nhã nhặn với mọi người khi tiếp xúc. Dù họ là người giàu hay kẻ nghèo, bình thường hay thông minh, quý tộc hay hạ tiện, Ðức Phật đều đối xử bình đẳng với một tình thương bao la và trân trọng. Ngài đã đến vườn Nai. Từ xa năm đạo sĩ nhìn thấy Ngài đi đến, họ bèn nói nhỏ với nhau: “Ðó là Tất Ðạt Ða vô tích sự. Chúng ta không nên tiếp đón một người đã từ bỏ lối tu khổ hạnh như thế. Hãy phớt lờ đi nếu ông ta đến gần chúng ta”. Thế nhưng khi Ðức Phật đi đến, họ cảm thấy có một cái gì rất đặc biệt toát ra từ thân tướng oai nghiêm của Ngài. Họ quên cả kế hoạch phớt lờ mà trái lại còn tự động đứng lên hết khi Ngài đến gần. Với lòng thành kính vô hạn, họ vội vã chuẩn bị chỗ ngồi, dâng khăn lấy nước cho Ngài và nói: “Hoan nghênh Tất Ðạt Ða đã đến vườn Nai. Chúng tôi rất vinh dự khi bạn tiếp tục tu học với chúng tôi”. Ðức Phật trả lời: “Tôi rất cám ơn lòng tử tế tiếp đón của các thầy. Song, xin quý thầy hiểu cho, tôi hiện nay không còn là Tất Ðạt Ða như trước và cũng không nên gọi bằng danh xưng đó nữa”. Họ bèn hỏi lại: “Vậy chúng tôi sẽ gọi Ngài bằng danh xưng gì?”. Ðức Phật trả lời: “Toàn thể thế giới đang say ngủ trong vô minh. Khi một người nào đó khám phá ra chân lý, thì họ không còn bị ngủ mê nữa. Nay tôi đã thức tỉnh, đã khám phá ra chân lý. Bất cứ ai tỉnh thức như vậy đều được tôn xưng là Phật”. Lúc đó, năm đạo sĩ với lòng kính trọng vô hạn nói: “Thưa Ðức Phật, xin Ngài chỉ dạy cho chúng tôi những gì Ngài đã thực hành để chúng tôi có thể được thức tỉnh như Ngài”. Ðể trả lời câu hỏi của họ, Ðức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên. Bài pháp này gọi là “Chuyển pháp luân” và “pháp” ấy chính là chân lý mà Ngài đã khám phá. Ngài nói: “Này các thầy, các thầy phải biết có bốn sự thật cao quý (Tứ diệu đế). Thứ nhất là Khổ đế. Ðời sống này đầy dẫy những khổ đau về già, bệnh, chết và bất hạnh. Sau những lạc thú mà người ta săn đuổi chỉ còn lại những khổ đau mà thôi. Ngay cả khi họ tìm kiếm một vài sự hài lòng nào đó, rồi họ cũng sẽ chán nản với nó. Chẳng khi nào có sự thỏa mãn và an lạc thật sự. Thứ hai là Tập đế (nguyên nhân gây ra đau khổ). Khi tâm trí chúng ta đầy những tham lam và dục vọng, sẽ dẫn đến tất cả những khổ đau. Thí dụ, nếu một người giàu có tham đắm gia sản của mình, thì tính keo kiệt của anh ta sẽ đem đến cho anh ta nhiều nỗi khổ. Thứ ba là Diệt đế (sự chấm dứt khổ đau). Khi chúng ta tẩy trừ tất cả những tham lam và dục vọng ra khỏi tâm trí của chúng ta thì những khổ đau sẽ chấm dứt. Chúng ta sẽ tận hưởng sự an lạc và hạnh phúc mà không ngôn từ nào có thể tả được. Thứ tư là Ðạo đế. Con đường dẫn đến chấm dứt tất cả khổ đau. Nếu chúng ta tránh làm hại sự sống của kẻ khác, nếu chúng ta tập trung được ý chí của mình và nếu chúng ta đạt được trí tuệ, thì mỗi người chúng ta đều có thể tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn, chấm dứt được tất cả khổ đau. Khi họ nghe Ðức Phật giảng dạy về Pháp Tứ diệu đế này, năm đạo sĩ cảm thấy hạnh phúc như người tìm thấy kho báu vàng bạc. Họ nói: “Thưa Ðức Phật, Ngài quả thật đã tìm ra chân lý. Xin Ngài hãy dạy chúng tôi con đường đạt được trí tuệ và hạnh phúc chân thật, chúng tôi xin nguyện sẽ làm đệ tử của Ngài”. Lúc Ðức Phật thuyết bài pháp đầu tiên này, rất nhiều chư thiên đến nghe và bay đến cuối địa cầu ca ngợi: “Ðức Phật bắt đầu thuyết pháp độ sinh. Cả thế giới đều đón mừng”.