Trong vòng hai năm 1970 và 1971, sự nổi nên lắm vẻ của vũ đài chính trị, khiến người ta không sao nhìn nhận kịp mọi sự kiện đột ngột nảy sinh, thật náo nhiệt đáo để. Nhưng ở trường bộ binh Vọng Thành Cương nằm ngoài ngoại ô thành phố Nam Xương tỉnh Giang Tây, gia đình Đặng Tiểu Bình vẫn bình thường và “yên ổn” trong đời sống bị quản thúc của mình..Nam Xương là một chiếc hoả lò nổi tiếng của Trung quốc, mùa hè ở đây, nóng ghê nóng gớm!Trời nắng gay gắt độc địa, trên nhiệt độ kế, đôi khi vọt lên tới con số 40 độ C. Trời đất nóng, ngay cả trong bóng cây cũng nóng. Ngoài trời nóng, khi đứng gió, trong nhà còn nóng hơn, nóng bức khiến con người không biết ẩn vào đâu, trốn vào đâu. Người phương nam chịu nóng quen còn đỡ, nhưng đối với những người sống ở phương bắc đã lâu, gặp phải cảnh ấy, thật mà khó chịu đựng nổi. Nhưng dù không chịu đựng nổi, ngày tháng vẫn cứ trôi qua. Ở trong nhà, chẳng ai biết đến, thôi thì may ô, quần đùi, thế nào cũng xong.Nhưng đến xí nghiệp vẫn cứ phải đóng quần dài áo dài đủ lệ bộ, như vậy cũng đã đủ nóng rồi, nhưng cha tôi còn phải lao động, nên càng bức bối hơn. Cha tôi làm thợ nguội, cầm đến cái giũa làm việc là mồ hôi toá ra đầy người, chỉ một lát sau, quần áo đã ướt đầm đìa. Mẹ tôi thấy cha tôi đầm đìa mồ hôi như vậy, khuyên cha tôi nên ngồi xuống nghỉ một lát. Cha tôi nói: “Không phải là không ngồi nghỉ. Nhưng ngồi xuống thì không đứng lên nổi nên”. Dù sao cha tôi đã là ông già sáu mươi sáu tuổi rồi.Mỗi lần từ xí nghiệp về nhà, cha tôi lại lấy nước lạnh lau rửa tắm táp. Nhưng gọi là nước lạnh vậy thôi, thực ra đâu có phải là nước lạnh, nó cũng nóng ngang với nhiệt độ tay mình. Buổi tối đi ngủ, chiếu cói nóng, thay bằng chiếu tre. Chiếu tre cũng nóng, lấy nước lạnh lau lên mặt chiếu, rồi té nước xuống sàn nhà, cũng có cảm giác mát mẻ đi được tý chút. Nửa đêm nóng quá không ngủ được lại phải lấy nước lạnh lau người, rồi lại té nước xuống sàn. Nhưng cái khổ nhất trong mùa hè là ngôi nhà trên đồi, nước không thể lên được đến trên gác. Ở nhà, cha tôi được tính là người trai tráng nhất, nên việc xách nước từ tầng một lên tầng hai, công việc nặng nhọc ấy ông phải làm. Có khi nước không lên được cả trên đồi. Trong nhà không có nước, đành phải đi lấy nước ở tận bên ngoài sân nhà, do cha tôi không được tuỳ tiện ra khỏi nhà, “chức vụ nặng nề” đành phải nhờ chiến sĩ Tiểu Hạ gánh giúp.Tiểu Hạ thấp bé, nhưng lại hay làm. Một chiếc đòn gánh, gánh hai thùng sắt tây nước, mồ hôi nhễ nhại, không những gánh nước vào trong nhà, lại còn giúp cả việc đưa nước lên gác, đổ vào chậu để dành. Đúng là Tiểu Hạ giúp cho thật nhiều việc. Bà tôi mời anh ăn bát rượu nếp, anh cũng không ăn. Mời anh uống nước, anh cũng chẳng uống. Anh chỉ lấy tay gạt mồ hôi trên mặt, cười cười một cách hiền lành, vừa lắc lắc đầu, vừa quẩy đôi thùng không đi ra. Tiểu Hạ là một chàng trai hiền lành, đôn hậu, thực thà, thẳng thắn, trong suốt hai năm giời, lúc này lúc khác, tối sớm, anh đã giúp cho gia đình tôi rất nhiều việc.Đời sống cứ như vậy, có vui có khổ, khổ mãi rồi cũng có vui, trong cuộc sống, chỉ cần anh cố gắng lên, tất sẽ được đền bù, báo đáp. Ngoài sân, các loại rau đậu đã trồng, đã lớn vượt lên cả. Do người chăm bón đủ, cây mập mạp vươn lên, vì thế mà nó cũng bói quả sớm. Những quả cà lủng lẳng treo trên cành, quả nào quả nấy to đùng, tím đến bóng lên. Những quả cà chua lấp ló trong đám lá xanh, từ màu xanh đổi sang màu vàng, rồi lại từ màu vàng biến thành màu đỏ, ớt chỉ thiên, cái đuôi nhọn hoắt, quả cũng nhòn nhọn. Những quả đậu tằm, xanh non mỡ màng, ngắt một quả, bóc cái vỏ xanh mềm, những hạt đậu bóng loáng lộ ra, hạt nào hạt nấy mòng mọng, tròn đầy, xanh non đều tăm tắp, những quả đậu Hà Lan căng phồng, hái xuống tách ra, những hạt đậu màu xanh tròn trịa lăn ra trông như những hạt ngọc xanh. Nhưng những cây đậu đũa móc nhanh nhất, những quả đậu đài thõng thượt, cong cong, mới chỉ có hái có mấy gốc mà đã đầy nhà. Hành, tỏi, cứ bấm đi lại dài ru, dài ra lại bấm, tưởng chừng như được hái lượm không bao giờ hết, ăn mãi vẫn còn. Chiếc giàn bắc bằng mấy cây sào ở sân sau, đã đầy ngọn leo bám, những quả mướp hương, mướp đắng núc nỉu treo đầy giàn, mỗi ngày một dài ra, mỗi lớn lên, lớn lớn, đài dài. Những đường chỉ gồ ghề nổi lên trên vỏ những quả mướp hương căng mọng trông thật rõ từng nét một, những quả mướp đắng sần sùi, lô nhô chẳng ra hàng lối, nhưng càng lớn càng trắng ra.Ở cái khu nhà ấy, căn gác nhỏ xam xám, đất đỏ màu son, cây ngô đồng biêng biếc, trước nhà, sau nhà, rặt những rau. Ôi! Rau ơi! Quả ơi! Mùa xuân lên xanh mượt, mùa hè cũng chẳng chịu héo hon. Với thứ của nả đó, ba ông bà già làm ăn khá hẳn lên. Thế là hay rồi, trong nhà không những không phải mua rau cỏ, có thể tiết kiệm được một số tiền chi tiêu lớn, mà trong sân còn mang một sức sống tràn trề, nhìn đã thấy vui con mắt, mà trong lòng cũng thấy thanh thản, nhẹ nhõm.Giữa lúc thịnh hạ, chị cả Đặng Lâm xin được phép nghỉ, về thăm nhà ở Giang Tây.Ngay từ bé, sức khoẻ Đặng Lâm đã kém lắm, đó là điều cha mẹ tôi lo lắng nhất. Nay được thanh nhàn đoàn tụ, tất nhiên mẹ tôi phải hỏi tường tận, tỷ mỷ về đời sống và công việc ở Tuyên Hoá. Đặng Lâm nói cho mẹ biết, chị và các bạn học tuy được gọi là tốt nghiệp, làm lao động trong một đơn vị bộ đội để được “giáo dục lại”, có lương, nhưng vẫn chưa thể coi là phân phối công tác được. Những sinh viên ở các trường đại học khác hầu như đều đã được phân công công tác rồi, duy chỉ có học viện mỹ thuật là có “đặc điểm riêng”. Ôi chao, học viện mỹ thuật ư, học viện âm nhạc ư? Tất cả đều phải được “giáo dục lại”. Ai xui đồng chí Giang Thanh lại “quan tâm” tới giới văn nghệ sĩ đến thế!Đặng Lâm và bạn học, học nửa năm trời nghề làm giấy trong xí nghiệp, nhưng sau lại đi “tô điểm trái đất”. Nào trồng lúa, trồng màu, bao nhiêu việc ruộng đồng, đậu làm tuốt tuột. Nhưng, dù công việc đồng áng có cực khổ đến mấy, vẫn còn chịu đựng được, làm lụng được. Nhưng cái khổ nhất, nhục nhất, là bị bộ đội quản lý, không khí chính trị đặc sệt, tinh thần luôn luôn bị đè nặng bởi những áp lực to lớn đó. Có một lần Đặng Lâm để quên chiếc đồng hồ đeo tay ở bờ ruộng, chị mượn một chiếc xe đạp, đạp hơn bốn mươi dặm đường đi lấy lại đồng hồ. Chẳng biết giời xui đất khiến thế nào, đúng vào thời gian đó, lại xảy ra chuyện “phản cách mạng”, tức là có một cái ảnh của Lâm Bưu bị chọc thủng một lỗ, và đối tượng đáng nghi nhất trong đại đội là chị Đặng Lâm, thế là đùng đùng ập tới một đợt “kiểm tra, kiểm điểm”. Lại một lần nữa người của học viện mỹ thuật trung ương tới đó điều tra “liên hệ với người nước ngoài”, nói rằng có người tố cáo Đặng Lâm đã vẽ một sơ đồ Trung Nam Hải cho một người nào đó. Vẽ sơ đồ Trung Nam Hải, tiết lộ bí mật quan trọng như thế quả là “tội lớn” vậy. do đó mà Đặng Lâm cũng bị “thẩm” mất bao nhiêu thì giờ. Nhưng chuyện vốn không có, vẫn là chuyện không có, nên dù có “thẩm”, cũng vẫn chẳng “vấn” được chuyện gì, cuối cùng cũng chỉ là chuyện cho có chuyện vậy thôi. Tất cả những chuyện “thẩm tra” chính trị như vậy, đối với Đặng Lâm mà nói, nó làm cho chị ưu phiền, luôn luôn phải chịu đựng một áp lực về tinh thần, đã khiến chị mất không biết bao nhiêu nước mắt. Chị thèm muốn được sống kiểu ở nông thôn như em gái, em trai. Ở nơi thôn dã, tuy phải sống khổ cực, nhưng về mặt tinh thân lại được tự do. Chị càng thèm muốn được sống như các em, chị lại càng thương càng nhớ các em hơn, nên số tiền bốn mươi sáu đồng bạc mỗi tháng, ngoài việc chi cho ăn uống của mình, chị đem mua giày bông, đồ hộp gửi đi cho các em. Đã từ lâu chị muốn xin phép về thăm nhà ở Giang Tây, nhưng xin đi xin lại mãi, đại đội vẫn không cho phép.Bây giờ thì tốt rồi, chị đã về tới nhà, không còn những cuộc “kiểm tra, kiểm điểm” gần như không bao giờ dứt. Bây giờ được tự do, tự tại bên cạnh cha mẹ, nghĩ lại mà cứ tưởng như đang nằm mơ. Đại đội học sinh cũng chỉ cho phép nghỉ ngắn ngày, ở nhà cũng chẳng được bao lâu, nên Đặng Lâm muốn tranh thủ phụng dưỡng cha mẹ, cố làm giúp cha mẹ già một số công việc. Chớp mắt, đã đến lúc phải ra đi, nhưng trong lòng lại chẳng muốn dứt áo ra đi một tý nào. Cứ kéo, cứ kéo cho đến một hôm không thể kéo dài thêm nữa, Đặng Lâm chỉ còn cách đeo ba lô lên vai, từ biệt bà cùng cha mẹ già bằng những dòng nước mắt.Con gái đi rồi, ở nhà lại chỉ còn có ba ông bà già. Cũng may mà những ngày hè oi bức, gay gắt cũng sắp qua đi. Đến tháng chín, gió heo may còn chưa về, nhưng cái nắng cũng chẳng còn nung nấu con người nữa.Trong khi chẳng ai để ý đến, thì bốn cây quế trước nhà bỗng nở đầy hoa màu kim hoàng. Hoa nở thật nhiều, trên đầu cành, chen giữa lớp lá xanh, phủ kín chi chít những cánh hoa vàng. Hoa quế thật đẹp, mà cũng thật thơm. Mùi hương làm say đắm lòng người, mùi thơm toả khắp quanh vùng. Hương thơm ấy, nhè nhẹ bay đi, từ nhiều dặm xa cũng có thể ngửi thấy. Bà tôi và mẹ tôi đem trải những mảnh ni lông xuống dưới gốc cầy, rồi rung cành, hoa quế lả tả rơi xuống. Bà và mẹ thu gom lại, đem ngâm với đường trắng, tạo thành thứ hương liệu cực thơm, để dành chờ các con về, làm những chiếc bánh bao nhân đường hoa quế thơm ngon.Như trên đã nói, những cơn sóng cồn chính trị khiến người nghe phải kinh hãi xảy ra tại hội nghị trung ương lần thứ hai khoá IX, vậy mà cha tôi chẳng biết gì.Tháng 9.1970, cha tôi nghe tin hội nghị toàn trung ương triệu tập, nên ngày 13.9.1970 ông bèn viết thư cho Uông Đông Hưng, bày tỏ thái độ mình với việc triệu tập đại hội đó, đồng thời nhờ Uông Đông Hưng báo cáo điều đó với Mao Trạch Đông và trung ương đảng. Uông Đông Hưng để trình lá thư đó lên Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông đọc xong, còn phê chuyển cho Lâm Bưu, Chu Ân Lai và Khang Sinh cùng đọc. Cha tôi tới Giang Tây đã gần một năm, cha tôi chỉ dùng có cách thức đó để giữ liên lạc với trung ương. Tuy không xác định được chắc chắn rằng Mao Trạch Đông có đọc những lá thư đó hay không, và cũng không xác định được những lá thư ấy đã có những tác dụng gì nhưng ông vẫn cứ viết thư như thường lệ.Cùng với hôm viết lá thư đó, ông còn viết riêng cho Uông Đông Hưng một lá thư khác.Lá thư thứ nhất là nói chuyện chính trị, lá thư thứ hai là viết về tình hình ông ở Giang Tây, cùng với những công việc của gia đình. Trong lòng cha tôi, chuyện gia đình chỉ có đứng dưới chính trị, nó vô cùng quan trọng.Ông viết trong thư: “Tình hình tôi và Trác Lâm, cũng vẫn hoàn toàn giống y như trong những lá thư trước. Buổi sáng mỗi ngày đến lao động ở xí nghiệp, buổi chiều, buổi tối ở nhà đọc sách, học tập và đọc báo, nghe phát thanh, ngoài ra còn làm một số việc nhà. Trừ trong nhà và sang xí nghiệp, tôi chưa hề bước một bước chân ra bên ngoài. Hàng ngày sang xí nghiệp vẫn có đồng chí cán bộ Hoàng Văn Hoa đi cùng. Mọi thứ vật dụng hàng ngày, đều do đồng chí Hoàng Văn Hoa và một chiến sĩ trẻ mua giúp, nên cũng chẳng có khó khăn gì. Lao động đã trở thành một nhu cầu lớn nhất của chúng tôi, tuy những ngày thịnh hạ vô cùng nóng bức nhưng chúng tôi vẫn kiên trì tới xí nghiệp. Trong sân vườn, chúng tôi còn trồng rau xanh. Với bên ngoài chúng tôi không có liên lạc với ai, trừ mấy đưa con có thư từ đi về. Con trai lớn của tôi là Đặng Phác Phương ở bệnh viện nghe nói về mặt điều trị cũng có những tiến triển, trước kia đại tiểu tiện bị bế tắc, phải dùng phương pháp nhân tạo, thì nay đã tự tiểu tiện được, còn đại tiện cũng nhúc nhắc được ít nhiều. Sinh hoạt phí của cháu là do Văn phòng trung ương trực tiếp phát cho (nghe nói mỗi tháng được ba mươi đồng, hai mươi nhăm đồng tiền ăn, còn năm đồng tiêu vặt, thế là tốt rồi). Con gái lớn của tôi là Đặng Lâm vẫn ở Tuyên Hoá, trường học của cháu vẫn bận rộn với phong trào, chưa biết bao giờ mới được phân công. Khi được phân công công tác, vợ chồng tôi vẫn trông chờ vào sự giúp đỡ của ông (như thư trước đã nói). Còn các cháu khác vẫn lao động ở nông thôn, một ở huyện Hân, Sơn Tây, một ở huyện Phú, Thiểm Bắc, một ở huyện Ninh Cường, Hán Trung”.Trong thư của cha tôi, tường thuật lại tình hình đời sống của mình, nói tới cả chuyện con cái. Tính nết của cha tôi, xưa nay chỉ nói tới những việc lớn, vậy mà bây giờ, ông lại dài dòng nói tới những chuyện vụn vặt trong gia đình. Nhưng ở đây, cha tôi đã thông báo mọi tình hình, tin tức với trung ương, đồng thời cũng là có một ý tứ riêng: giữ được đường đây liên lạc, nếu trong nhà chẳng may có xảy ra chuyện gì, thì có thể nhờ trung ương giải quyết giùm. Cha tôi dùng phương thức thư từ để giữ vững mối liên hệ với trung ương, nhưng lại rất hạn chế, nhưng có mức độ. Nói chung, nếu chẳng có chuyện gì mới, có tới nửa năm ông mới tính chuyện thư từ. Nhưng sau khi bức thư nói trên gửi đi được gần một tháng, ngày 17.10, ông lại viết tiếp cho Uông Đông Hưng một lá thư mới.Bởi vì ông bà vừa mới nhận được một thông báo, trên tổ chức báo cho biết, họ cho rằng, bệnh tình của Phác Phương đã có nhiều chuyển biến tốt, nên họ quyết định cho anh xuất viện, và sẽ cho một hộ lý đưa anh về Giang Tây cùng sống với gia đình.Tin đó đến với ba người già, quả thật là quá đột ngột. Bệnh tình của con đã chuyển biến tốt, nhưng tốt ở mức độ nào, liệu có cần phải tiếp tục điều trị hay không, đưa về gia đình, làm sao mà chăm sóc nổi, vân vân và vân vân, tất cả đều làm ai nấy bàng hoàng khó xử. Trong tình hình như thế, ông chẳng còn biện pháp nào hơn là viết thư cho Uông Đông Hưng, cầu viện trung ương.Cha tôi viết: “Qua cháu Đặng Lâm, tôi được biết rằng, việc chạy chữa cho Đặng Phác Phương cũng đã có nhiều chuyển biến tốt cháu đã có thể đi tiểu tiện lấy được, nhưng cũng còn rất khó khăn, việc cố đi đại tiện lấy, lại càng khó khăn hơn. Song cứ theo như suy nghĩ của tôi, phần dưới thân thể của cháu là hoàn toàn bị liệt, mọi động tác đều phải do người khác làm giúp, không thể qua khỏi nhanh như thể được. Nếu như Phác Phương còn bị liệt, tất nhiên còn cần phải có người giúp đỡ, bây giờ đưa về đây cho chúng tôi, chúng tôi biết xoay xở ra sao? Chúng tôi ở đây chỉ có ba người toàn già lão cả, bà kế mẫu của tôi đã trên bảy chục tuổi, tôi cũng đã sáu mươi bảy rồi. Trác Lâm tuy chỉ năm mươi nhăm tuổi, nhưng lại đầy bệnh tật trong người, sức khoẻ còn không bằng được chúng tôi, bệnh cao huyết áp tương đối nặng (gần đây số đo huyết áp bên dưới đã từ 100 tăng lên đến 116, số đo bên trên là 180), bệnh tim mạch cũng đang ngày một nặng hơn. Chúng tôi thật không có cách gì mà trông nom cháu (Phác Phương) được. Điều quan trọng hơn là chúng tôi vô cùng mong mỏi cho cháu Phác Phương được chữa khỏi bệnh. Bây giờ tuy bệnh tình cũng đã có những chuyển biến tốt, nếu như được tiếp tục điều trị thêm, tất có khả năng khỏi hẳn. Cho nên, chúng tôi khẩn thiết đề nghị cho cháu được tiếp tục điều trị trong bệnh viện. Điều kiện của chúng tôi hiện nay, thật chẳng có cách nào hơn, nên chỉ đành đề nghị ông giúp đỡ, đề nghị đảng giúp đỡ cho”.Qua lá thư ấy, có thấy được sự lo lắng của cha tôi. Nếu như anh Đặng Phác Phương phải về Giang Tây thật, không những ba ông -bà già không chăm sóc nổi, mà quyền lợi duy nhất là được chữa trị cũng mất hết. Nếu như không rơi vào cái hoàn cảnh quẫn bách như thế, cha tôi cũng chả đi nhờ vả làm gì.Thư gửi đi rồi, ba người già cũng chẳng biết còn có biện pháp nào hơn, nên hàng ngày chỉ đành bồi hồi ngóng tin. Đúng là trời xanh không phụ lòng người có tâm, chỉ ít lâu sau, cấp trên đã có thông báo, tạm thời bãi bỏ quyết định đưa Phác Phương về Giang Tây. Đến lúc ấy bà với cha mẹ tôi mới thực thở được một hơi dài nhẹ nhõm.Thời gian trôi đi thực nhanh, thoáng cái mùa thu lại đã tới gần. Mùa thu là mùa mang đầy hứa hẹn với chúng tôi. Thu hoạch vụ mùa xong là đến những ngày nông nhàn; cánh học sinh đi cắm chốt như những con hậu điểu (chim di cư theo mùa -ND) giương đôi cánh lung bay về nhà. Tôi và em trai Phi Phi cũng theo nhau trở lại nhà ở Giang Tây.Tết năm 1971, đó là thời khắc cả gia đình vui vầy, đoàn tụ. Cả gia đình vui vẻ tưng bừng. Tất cả mọi âu sầu phiền não trên thế gian này đều quẳng bỏ ra phía sau lưng.Tết dương lịch qua đi chưa đầy một tháng, đã lại là tết ta. Khi đó chị hai Đặng Nam tôi, từ Hán Trung, Thiểm Tây cũng xin được nghỉ phép về nhà.Căn gác nhỏ của trường bộ binh chưa bao giờ lại đông người đến thế. Người ta thường hay nói: ba cô gái, thành một sân khấu tuồng. Nhưng hai cô gái nhà tôi đều thuộc loại rộng miệng, cười cười, đùa đùa, đủ để địch lại ba người khác. Con trai không dạy, lỗi ở người cha, con gái không dạy, lỗi mẹ trong nhà. Mấy đứa con gái chúng tôi cười đùa táo tợn, lắm điều, đúng là lại mẹ tôi không nghiêm, đã chiều chuộng, “dung túng” chúng tôi từ nhỏ. Còn cha tôi, vốn là ông lão điếc nổi danh, nên nghe thấy ông cũng vui, mà chẳng nghe thấy gì, cũng cứ vui.Kể từ năm 1966, sau khi chúng tôi bị đuổi ra khỏi Trung Nam Hải, đây là lần đầu tiên gia đình tôi có mặt đông đủ như vậy - trừ Đặng Lâm và Phác Phương ra, cả gia đình nhà tôi chìm đắm trong niềm vui đoàn viên và ăn mừng năm mới.Đặng Nam ở Hán Trung đã kết hôn với một người bạn học cùng lớp. Đầu tiên chị bị phân công vào một đội sản xuất ở nơi thâm sơn cùng cốc. Ở đấy, ra khỏi cửa đã là núi cao vòi vọi, ruộng đất rất hiếm. Dân ở dây cực nghèo, đến phiếu vải hàng năm được cấp phát cũng đem bán lấy tiền để mua muối cùng những nhu yếu phẩm khác Nhưng ở cái đất nghèo khó ấy, dân lại đối xử với Đặng Nam vô cùng tử tế. Bà con ở đấy, một năm mới nuôi được một con lợn, tết đến mới đem ra mổ thịt. Một con lợn, nửa con đem cân cho nhà nước, còn nửa con để giành ăn trong cả năm. Muốn ăn một bữa thịt, không phải chuyện dễ gì. Nhưng những người miền núi bao giờ cũng thực thà tốt bụng, bất kể nhà nào có thịt ăn, đều đi gọi Đặng Nam. Đi làm hằng ngày, cũng rất chiếu cố tới Đặng Nam. Bà con cắt lúa dưới ruộng, nhưng lại để cho Đặng Nam đứng trông cân, làm những việc nhẹ. Họ chẳng bao giờ tính đến chuyện “đi theo tư bản” hay loại “con cái có thể giáo dục được” gì gì hết. Ở đó, Đặng Nam đã được sống một cuộc sống chân tình, thành thật giữa nhân gian. Nghĩ lại và so với những ngày ở Bắc Kinh, với cái kiểu “chính trị làm thống soái” và “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh”, thì đời sống ở đây chân thực và thoải mái hơn nhiều. Chỉ có một lần, chị Đặng Nam leo lên núi cao chặt củi, đường núi cao đã trơn, trên lưng lại còn phải gùi một bó củi nặng đến mấy chục cân (1 cân Trung quốc bằng 0,5kg - ND), không cẩn thận bị trượt chân, chỉ xuýt xoát nữa là lao xuống vực thẳm, coi như tàn đời.Lòng trung hậu của bà con nông dân miền núi cao, rừng sâu khiến ai cũng phải cảm động, nhưng đời sống của bà con lại quá cực khổ gian nan, làm cho ai thấy cũng phải rầu lòng. Nước Trung quốc mới xây dựng đến nay đã hơn hai chục năm rồi, mà dân chúng vẫn ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm như thế. Những người cộng sản phải đổ máu hy sinh, giành lại giang san, tại sao cuối cùng lại như vậy?Ngày Tết đã tới. Cả gia đình vui vẻ tưng bừng ngồi xuống bên bàn, cười cười nói nói rộn ràng ăn bữa cỗ đêm giao thừa. Nhìn đám con gái đều được bình an vô sự, lòng người già như được thêm một niềm an ủi. Cha tôi cao hứng lên, ông uống thêm một cốc rượu, mặt ông đỏ hồng dưới ánh đèn.