Đêm ấy trời trở lạnh và ngày hôm sau thì mưa. Từ Ospedale Maggiore về, trời mưa to cho nên khi đến nơi tôi ướt sũng. Mưa đổ nặng hạt bên ngoài bao lơn phòng tôi và nước mưa theo gió tạt vào cánh cửa kính. Tôi thay quần áo, uống một it rượu mạnh nhưng không thấy ngon. Ban đêm tôi đau tim, và sáng đó sau bữa điểm tâm, tôi nôn mửa ra hết. - Thôi không còn nghi ngờ gì hết – bác sĩ trưởng bảo – Này cô, cô hãy nhìn vào tròng trắng mắt hắn xem. Cô Gage nhìn vào tròng mắt tôi. Họ bắt tôi nhìn vào trong gương. Tròng mắt tôi biến thành màu vàng, tôi đã mắc bệnh hoàng đản. Tôi nằm đau mất hai tuần vì thế chúng tôi không cùng nhau đi nghỉ ở đâu cả. Chúng tôi đã dự định đi Pallenza. Từ Milan đi Stresa dễ dàng nên ở đó có rất nhiều người quen biết. Ở Pallenza có một ngôi làng rất đẹp và có thể bơi thuyền ra các hòn đảo của những người chài lưới, đồng thời ở hòn đảo lớn nhất lại có cả tiệm ăn. Nhưng chúng tôi đã không đi được. Một hôm tôi đang nằm trên giường vì bệnh hoàng đản thì cô Van Campen bước vào phòng. Cô mở cửa tủ ra và thấy chai rượu không trong đó. Tôi đã gởi đi cho ông thường trực rất nhiều chai không và chắc là cô ta trông thấy cho nên mới lên phòng tôi xem còn chai nào không. Phần nhiều là những chai Vermouth, Capri, Marala và vài hũ Chianti rỗng, một vài chai cô nhắc. Ông thường trực đã mang đi những chai lớn, loại chai đựng rượu Vermouth và các hũ Chianti có chèn rơm chung quanh, ông để lại các chai rượu mạnh. Cô Van Campen tìm thấy những chai rượu mạnh đó và một chai rượu mùi hình con gấu. Chai hình con gấu làm cô giận dữ nhất. Cô đưa cái chai ra ngoài ánh sáng. Gấu ngồi chồm hổm đưa chân lên. Ở đầu gấu có một cái nút và dưới đáy chai còn đóng mấy tảng thuỷ tinh. Tôi bật cười to lên. - Rượu mùi đấy. Rượu ngon nhất từ Nga đưa sang, đóng trong chai hình con gấu. - Tất cả những chai này đều là rượu mạnh cả phải không? – Cô Van Campen hỏi. - Tôi không thấy gì hết, nhưng có lẽ thế - tôi đáp. - Như thế này đã bao lâu rồi? - Tôi mua và chính tôi đem vào. Tôi thường có các sĩ quan Ý đến thăm và tôi phải có rượu để mời họ. - Còn ông không uống chứ? – cô hỏi. - Có, tôi có uống chứ. - Ồ, ông uống rượu à? – Cô nói – Mười một chai rượu hết sạch và còn cả chai rượu hình con gấu nữa. - Rượu mùi đấy mà. - Tôi sẽ cử người đi mua. Ông chỉ có tất cả bấy nhiêu chai hết phải không? - Bây giờ thì chỉ có nhiêu đó. - Tôi thương hại ông mắc phải chứng hoàng đản. Thương hại ông thật thừa! - Cám ơn. - Tôi cho rằng người ta không thể khiển trách ông không muốn trở lại mặt trận. Nhưng theo tôi nghĩ ông nên tìm cách nào khác hơn là tạo cho mình chứng hoàng đản bằng cách uống rượu. - Bằng cách gì? - Bằng cách uống rượu. Ông nghe tôi nói chứ? Tôi không nói gì cả. - Nếu ông không tìm cách nào khác nữa tôi lo rằng ông sẽ phải trở ra mặt trận khi hết chứng bệnh này. Tôi không tin rằng tự mình làm mắc chứng bệnh hoàng đản như thế mà ông được nghỉ phép dưỡng bệnh. - Ồ, thật thế à? - Vâng, tôi không tin như thế. - Thế cô đã mắc chứng bệnh hoàng đản bao giờ chưa hả cô Van Campen? - Chưa, nhưng tôi đã thấy có nhiều người bị rồi. - Cô có nhận thấy bệnh nhân thích bệnh ấy như thế nào không? - Nhưng tôi cho rằng thế còn hơn là bị ra trận. - Này cô Van Campen – tôi nói – Thế có bao giờ cô thấy người nào tự làm cho mình bất lực bằng cách đá vào bọng đái của mình không? Cô Van Campen không ngờ đến câu hỏi hóc búa đó. Hoặc là cô giả vờ tảng lờ hoặc là cô nên rời khỏi phòng. Nhưng cô chưa muốn đi vội bởi vì cô đã ghét tôi từ lâu và bây giờ cơ hội đó đã đến. - Tôi biết nhiều người tự làm cho mình bị thương để khỏi ra mặt trận. - Tôi không muốn hỏi cô như thế. Chính tôi tôi cũng thấy nhiều vết thương cố tình. Tôi chỉ muốn hỏi cô một điều là cô đã thấy người nào tự ý làm cho mình bất lực bằng cách đá vào bọng đái của mình không. Vì trong những cảm giác, thứ đó giống bệnh hoàng đản nhất. Và đó là một cảm giác tôi tin chắc ít có người đàn bà nào biết. Chính vì thế mà tôi hỏi cô là cô đã mắc bệnh hoàng đản lần nào chưa. Này cô Van Campen, vì… Cô Campen đã rời khỏi phòng, một lát sau cô Gage đi vào. - Anh đã nói gì với cô Campen thế? Cô ta rất giận dữ. - Chúng tôi so sánh các cảm giác. Tôi cố gợi hỏi xem cô ta có bao giờ cảm thấy đau đẻ chưa. - Anh ngốc. Cô ấy sẽ lột da anh ra cho mà xem. - Cô ấy đã làm rồi – tôi nói – Cô ấy đã cắt giấy phép nghỉ dưỡng bệnh và có lẽ tìm cách đưa tôi ra toà án quân sự. Như thế thì hèn thật. - Cô ấy không bao giờ thích anh – cô Gage nói – Vì sao thế? - Cô ấy bảo tôi tự uống rượu cho mắc chứng hoàng đản để khỏi phải trở lại mặt trận. - Ô tưởng gì – Cô Gage nói – Tôi sẵn sàng tin rằng anh không hề uống một giọt rượu nào cả và mọi người cũng sẽ tin như thế. - Nhưng cô ấy đã tìm thấy mấy chai rượu không rồi. - Tôi đã bảo anh cả trăm lần là nên vứt những chai ấy đi. Thế chúng đâu rồi? - Trong tủ. - Thế anh có một cái va ly không? - Không, hãy bỏ chúng vào trong cái túi của tôi. Cô Gage xếp chai vào túi rồi bảo “Tôi sẽ giao nó cho ông thường trực”. Nàng tiến ra cửa. - Khoan đã – Cô Van Campen chặn lại – tôi muốn chính tay tôi lấy mấy chai này đi – Ông thường trực đi theo cô ta – Ông hãy mang những thứ này đi – cô ta bảo – Tôi muốn đưa cho bác sĩ coi để làm bản báo cáo. Cô ta khuất dần trong hành lang. Ông thường trực mang chiếc túi mà ông biết rõ trong đó đựng những gì. Chẳng có việc gì xảy ra ngoài việc mất giấy phép cả.