MỘT VÀI KÝ ỨC VỀ ANH TÔI

Thời gian và tuổi tác đã xóa đi nhiều kỷ niệm, nên giờ đây ngồi nhớ lại cho hết những gì đã xảy ra trong mấy chục năm gắn bó thân thiết giữa hai anh em chúng tôi thật không phải dễ. Nhưng thật tình, nghĩ về người anh trai thứ Nguyễn Đổng Chi (mà tên quen thuộc vẫn gọi trong nhà là Gióng), hình ảnh vẫn thường hiện ra trong trí là một dịp Tết nào đấy cách đây dễ đã 55 năm, chúng tôi cùng ở trong phòng học - một căn buồng rộng, trước cửa có dòng chữ "Mộng Thương thư trai", hai bên tường là những giá sách chất cao đến trần - anh tôi sau hai ngày mồng một và mồng hai phải tiếp khách lu bù đang tranh thủ ngồi trước chiếc bàn gỗ lim to và dày lại lúi húi lật đi lật lại mấy tập sách chữ Hán và dùng cuốn từ điển Hán-Việt của cha tôi soạn, vừa tra vừa đọc rất chăm chú, còn tôi thì duỗi dài trên chiếc ghế ngựa - chiếc ghế dài đóng bằng nhiều thanh gỗ, nếu rút chốt có thể choãi ra, giúp ta trong tư thế nửa nằm nửa ngồi thoải mái - đọc mấy tờ báo Thiếu nữ (La Fillette)Thanh Nghệ Tĩnh tân văn anh tôi vừa mang ở Vinh về mấy hôm trước, trong khi ngoài vườn là vô số loài hoa đang nở: hoa hồng, hoa thược dược, hoa hải đường, xen lẫn hoa dong riềng đỏ tươi, hoa cải vàng lấm tấm... cùng với những cây ổi, cây nhãn, cây bưởi, cây dưa đang đâm những cành nhánh sum suê. Và gió ngoài cánh đồng thổi qua hai cửa sổ mở rộng  đưa vào mùi hương tháng Giêng ẩm ướt, nồng nàn... Đấy là ngôi nhà "Chi gia trang" của gia đình chúng tôi mới dựng lên trước đấy một năm ở làng quê, ngôi nhà từng nổi tiếng một thời, là nơi mở rộng cửa cho mọi người dân trong vùng đến đọc sách, là nơi đã tổ chức những cuộc họp bí mật của Nhóm thanh niên cứu quốc Can-lộc trong những năm 1943-45, dẫn đến cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền huyện ngày 15-VIII-1945[1] một ngày sớm nhất trong toàn tỉnh, cũng là nơi rồi đấy sẽ chứng kiến những bước chân thăng trầm, những bão tố dữ dội, làm xiêu liêu cả mấy anh em chúng tôi.
Tôi để ý thấy anh tôi đang ngồi chăm chú vào trang sách bỗng hình như thoáng nhìn thấy một cái gì, thế là anh vụt đứng ngay dậy, đóng chặt một cửa phòng thông ra sân bên trái, và đứng án trước một cửa phòng khác thông vào buồng giữa, miệng huýt một điệu sáo khác thường. Lập tức hai chú chó vện và chó đen của nhà nghe tiếng sáo từ đâu xông vào với dáng dữ tợn, cánh cửa liền đóng lại. Thế rồi anh tôi vừa điều khiển hai con chó chạy sục sạo từ góc này đến góc kia, vừa dùng một chiếc que dài xoi đi xoi lại phía sau các tủ sách. Bỗng chốc một chú chuột nhắt từ dưới tủ chạy vọt ra, con chó vện chồm tới. Một tiếng "chít" vang lên, chuột đã lọt vào giữa hai mõm chó. Cửa lại được mở ra, và anh tôi vừa cầm cái đuôi con chuột bé tí mang đi vứt vừa cười với tôi. Bấy giờ tôi đang học trung học ở Quy-nhơn mới trở về quê nghỉ Tết nên chưa được biết những trò này.
Anh tôi lại trở lại ngồi vào bàn và lại lặng lẽ như cũ. Nhưng không được lâu. Bác Chất Nghĩa, một người lão bộc lâu năm của gia đình, vừa đi chợ Huyện về, cho biết ở chợ người ta đồn mới có một vụ án mạng xảy ra ở Vạn-phần (Diễn-châu). Chúng tôi cùng bật dây, chạy xuống nhà dưới để hỏi tin. Bác cho biết, nghe đâu có một anh tá điền bị cường hào o ép ngặt quá không còn biết xoay xở cách nào nữa đành liều cầm dao xông vào nhà chánh tổng giữa ngày Tết, đâm chết y rồi đâm luôn cổ mình tự tử, bỏ lại vợ con và một đàn con nhỏ. Nghe chuyện cả nhà chúng tôi ai cũng thở dài, thương cho hai mạng người xấu số, lại thương cho chị vợ và đàn con anh nông phu từ đây không biết cậy nhờ vào ai. Nhưng tôi bỗng thấy anh Gióng có dáng vội vã. Không nói không rằng anh bỏ đi lên nhà trên, chỉ chốc sau anh trở xuống với chiếc cặp tàng, chiếc mũ trắng, tay dắt xe đạp. - "Anh đi đâu mà vội thế?", tôi hỏi. - "Mình ra phủ Diễn đây. Phải lên Nghèn đáp ô-tô Hồng Ký từ Hà-tĩnh ra Vinh mới kịp chuyến chiều. Thôi chú ở nhà chơi, mấy bữa mình về". - "Anh đi xem án mạng sao?". - "Đúng! Mình đang viết tập phóng sự về cái nạn cường hào[2]. Mấy lâu nay lặn lội khắp Nghệ - Tĩnh mà mãi vẫn không tìm ra một thiên truyện làm kết. Nay thì có rồi. Mà tuyệt nữa! Phải đấy, đúng là một kết cục như nó phải có. Merveilleux[3]!". Thế rồi anh nhảy lên xe, bộ quần áo trắng biến mất ở cổng. Tôi vừa trở lại phòng học thì tiếng chuông xe đạp đã reo lên "kính coong" ở xa.
Tôi lại nằm xuống chiếc ghế ngựa và ngẫm nghĩ: người anh của mình trước sau vẫn vậy. Vẫn cái tính hiếu động ấy, cái thói quen làm việc nhanh như sóc ấy, cái tính thẳng thắn đến ương ngạnh ấy, và cái đức hiếu học ấy. Anh thực là một con người hoạt động mà suốt một thời tuổi trẻ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tính của tôi.
 

TUỔI TRẺ HIẾU ĐỘNG

 
Thời niên thiếu, anh Gióng là một tay rất ưa nghịch ngợm. Anh chơi bời, phá phách, quấy rối hết thảy mọi người. Nghỉ hè, từ Vinh[4] về nhà, trong vườn có mấy cây ổi, cây nhãn, anh trèo suốt ngày, hầu như ở trên cây từ khi quả còn xanh cho đến khi hết quả. Tôi và người chị kế sau anh - chị An - chỉ đứng chực dưới gốc để thỉnh thoảng được anh vứt xuống cho một chùm nhãn hoặc vài quả ổi. Có mấy cây nhãn ngon, mẹ tôi thường thuê người đan lồng để bu nhãn lại cho dơi khỏi ăn, Nhưng việc bu những cành nhãn nhỏ ở xa thì ai cũng chịu, chỉ anh tôi mới dám trèo ra để làm. Cũng vì leo trèo suốt ngày nên mẹ tôi lo nhỡ ngã thì què chân gãy tay hay có thể chết người nữa là khác. Năm đó anh tôi học ở Đồng-hới về nghỉ hè. Lẽ ra còn có thể ở thêm dăm hôm nữa rồi vào nhập trường cũng còn kịp, nhưng vì thấy anh leo trèo nhiều quá, mẹ tôi ra lệnh cho anh phải lên đường sớm hơn, chuẩn bị hành trang để vào thị xã Hà-tĩnh đón xe đi Đồng-hới. Anh tôi tính tuy ương nhưng cũng vâng lời mẹ ra đi. Đi được mấy tiếng đồng hồ, trong nhà thiếu anh trở nên vắng vẻ hẳn. Ai cũng như thấy thiếu một cái gì. Mẹ tôi đâm ra thương con, bèn bảo bác Chất Nghĩa trèo lên cây nhãn bẻ vội mấy lồng rồi đuổi vào tận bến xe Hà-tĩnh để đưa cho anh.
Lại có một lần nghỉ hè, anh tôi khoảng 9-10 tuổi, còn tôi thì còn bé tí. Nhân ngày rằm tháng Bảy, cha tôi dẫn cả ba anh em đi lễ chùa (chùa Ba-làng, một di tích liên quan đến vị tổ của chúng tôi là Trần Đức Mậu, ở thế kỷ XV). Sau cuộc lễ, thầy chùa mời các vị bô lão ở lại để thết cỗ chè. Thầy chùa định cho ba anh em ba chén chè nhưng cha tôi ngăn lại và đề nghị thầy chỉ cho thằng út một chén thôi (bởi vì thấy mâm chè cũng không nhiều nhặn gì lắm mà bô lão lại đông). Tôi được hưởng một chén chè còn anh chị tôi đành nhịn. Tôi ăn xong, cha tôi bảo ba anh em đưa nhau về trước còn cha ở lại để trò chuyện. Về nhà mẹ tôi đã trữ sẵn một vại nước mưa, bảo ba anh em cởi quần áo ra để mẹ tắm cho mát. Lúc quần áo cởi ra, thấy trên người anh có những nốt ghẻ, tôi thuận tay khảy mấy cái, không ngờ làm anh chảy máu. Thế là anh tôi chửi toáng lên: - "Mẹ cha đứa [nào] đẻ ra thằng Hưng để nó làm tao chảy máu đây này!". Mẹ tôi thấy thằng con chửi hỗn bèn cầm roi ra đánh. Đánh được vài roi thì anh tôi bỏ chạy, thuận chân đá luôn chiếc liễn đựng mật đương phơi giữa sân hàu (sân làm bằng vôi cát và tro trộn mật, không có xi-măng). Mật mía đặc trong liễn theo đường lăn của chiếc liễn chảy thành một dòng nhỏ như sợi bấc đèn. Nhân khi mẹ còn bận đuổi anh, tôi bèn rón rén theo dòng mật chảy, lấy tay vét đưa lên miệng... Chốc sau, khi đã tắm xong, chị An tôi cười bảo với mẹ: - "Chắc ông anh bực vì không được ăn chén chè của nhà chùa thôi, chứ nốt ghẻ chảy máu thì nào có đau đớn gì!".
Cũng cái tính ương bướng như thế đã sớm tạo cho anh tôi một lối sống cứng cỏi, không để cho ai bắt nạt, cũng không giấu giếm bất bình trước mọi chuyện trái tai gai mắt mà mình bắt gặp. Cần nói rằng, có lẽ do sớm được đọc sách, ngay từ còn nhỏ anh em chúng tôi đã ít ham thích những tập tục cổ hủ của nông thôn như chuyện cỗ bàn xôi thịt, nhất là chuyện tranh giành nhau trong họ ngoài làng. Chúng tôi cũng có tham gia vào tất cả những chuyện ấy như các thành viên khác, nhưng chỉ tham gia lấy lệ mà không hề say mê (kể cả chuyện đánh tổ tôm mà tôi sẽ kể sau). Và khi những cuộc họp làng, nhất là họp họ đã đến chỗ gay cấn, trước chén rượu rót đã lửng chai và giọng nói của ai đó đã có vẻ lè nhè hay trở nên sừng sộ thì dù là con nhà tộc trưởng, anh em tôi cũng bấm nhau lặng lẽ rút lui, để cho cả họ ngồi lại khu xử (có khi nổ ra những cuộc cãi vã đỏ mặt tía tai, và rồi bất kể thứ gì có trước mặt: chai, lọ, chén, bát, khay trầu, ghế tựa... đều dùng để trút lên đầu nhau... Mãi cho đến khi hết say rồi mới lại tìm cách dàn hòa).
 
Một lần câu chuyện xảy ra vào khoảng hè 1929, hoặc 1930, làng góp tiền để xây dựng một cái giếng cho nhân dân đi lấy nước thuận lợi hơn, kẻo cả một xã rộng lớn chỉ dùng có mỗi một cái giếng cạn (giếng Tran) trên cồn (cồn Chùi), hơi xa và đông người quá, bất tiện. Hơn nữa, giếng Tran đào như một cái ao, người lấy nước phải lội xuống, nghiêng vò cho nước chảy vào đầy rồi quảy lên, thành thử múc nước thì đôi chân bẩn cũng nhúng luôn vào nước. Người em họ của chúng tôi đã đứng tuổi là B., người xóm trong, được làng giao cho đứng ra lo liệu. Ông chủ trương đào giếng ở một địa điểm nằm giữa hai xóm trong và ngoài cho thuận lợi cả hai bên khi đi múc nước. Tại đó, có miếng đất bắc mạ của ông Ng. cũng là người trong họ, tuy đã đem cầm cho bà Q. Ch., vợ ông chú họ, để đi hút á phiện, nhưng ông vẫn cho làng đào giếng vào một góc. Tiếc thay vì không kiểm tra thử chất lượng trước nên giếng đào đúng vào mảnh đất chua phèn, nước không dùng được, làm xong bị dân loại bỏ, từ đấy chúng tôi vẫn gọi là giếng Chia, cũng chẳng hiểu vì sao. Nhưng điều đang nói là việc đào giếng đã làm cho bà mợ Q. Ch. tức giận điên người, vì mảnh đất vốn đã được cầm cho bà, Nhân bữa giỗ họ vào rằm tháng Bảy, bà đùng đùng xông đến, bất thình lình vật ông Ng. xuống, đè lên và ra sức chửi mắng. Cuộc họp biến thành một cuộc giằng xé dữ dội giữa con cái ông Ng. và vợ chồng bà Q. Ch. Đã thế sau khi rượu vào, trong họ lại sinh hiềm khích. Một người em họ là H. nóng nảy lật cả một nong thịt vừa thái xong làm cho xôi thịt đổ ra tung tóe, việc đó lại gây nên một cuộc xô xát thứ hai. Chúng tôi được một bữa hồn vía lên mây. Nhưng mới sáng hôm sau đã thấy anh Gióng tụ tập bọn trẻ lại hát cho nghe một bài vè. Đứa nào nghe xong cũng lẩm nhẩm đến thuộc lòng như cháo vì bài vè lột tả thật sinh động bữa cổ hôm qua mà chúng tôi vừa chứng kiến:

"Ngày rằm tháng Bảy kia,

Mụ Q. Ch. ra hề.

Chuyện cũng hay, hay thật,

Xin kể ra đây nghe.

Làng đào giếng uống nước,

C. Ng cúng đất bắc.

Mụ Q. Ch. nghe tin,

Vội đi ngay một bước.

Tới nhà thời bữa rằm,

Họ chia phân vừa xong.

Mụ ôm vật C. Ng.

Đè xuống mà bảo rằng:

- "Mày thiếu tiền hút xách,

Tao đã liệu chu tất.

Mày gán ruộng ấy rồi,

Sao giờ lại cúng đất?"

C. Ng.: - "Đất của choa [chúng tao],

Cho, không, mặc kệ mà!

Ai mượn mi dự đó?

Muốn tốt thả tao ra".

Đoạn giữa kể đàn con ông C. Ng. xâu vào đánh giải thoát cho bố, tôi đã quên mất, chỉ còn nhớ đoạn cuối nói về sự kiện tày đình thứ hai, cũng tại nhà thờ hôm đó:

Cu H. nhảy đại vô,

Xô cái nong một xô.

Thịt rơi tung tóe cả,

Chó mèo được bữa no!

Cố Th. đứng dậy ngay,

Nói cho cố L. hay:

- "Phải đền nong thịt ấy"

Cố L: - "C. đây này!"

Cũng nên nhớ là bài vè được viết lúc anh tôi chỉ mới mười bốn tuổi. Lũ trẻ chúng tôi vừa đọc cho nhau vừa rất phục tài anh. Nhưng vài ba năm sau, lại một chuyện khác xẩy ra khiến cho tiếng tăm anh càng "nổi" hơn. Lúc này anh đã tốt nghiệp Pri-me (Primaire) ở Đồng-hới, chuyển ra Vinh ở với cha tôi để tìm việc làm. Tôi cũng cùng với bà nội ra Vinh ở với cha tôi. Ra đến nơi, tôi thấy trên bàn anh để rất nhiều báo chí, đủ loại, do cha tôi mua về. Riêng anh còn lo ky cóp mua khá nhiều loại sách hồng (livre rose), và đọc suốt ngày đêm. Vì còn sống tự do, chưa có việc gì làm nên ban ngày đọc sách, tối lại anh lần mò đi học võ. Anh không học với ai xa lạ mà tìm xuống dưới nhà học với hai anh em một người lái xe, cùng thuê một phòng trong ngôi nhà khá rộng rãi chúng tôi đang ở. Tôi không rõ việc học hành võ nghệ của anh ra sao, vì mình còn quá nhỏ, nhưng một hôm, giữa đám bạn bè cùng ở trọ học tại đấy anh bỗng cười bảo: - "Cậu nào có muốn đấm mình không? Cứ xông vào đấm thật lực, mình không làm gì đâu. Đấm vào tay, chân, vào người, đâu cũng được". Mấy cậu choai choai lúc đầu tưởng anh nói chơi nên chỉ cười, sau biết anh muốn thử xem sức học võ của mình đã tấn tới đến đâu, bèn vui vẻ đứng dậy xắn tay áo dang thẳng cánh quật vào anh tới tấp. Những cú đấm bịch bịch của họ xem ra cũng nặng cân lắm vì tôi thấy anh nín thở đối phó, thỉnh thoảng lại "ự, ự". Tôi đứng xem hơi hoảng, đang lo thay cho anh thì chợt thấy anh khoát tay một cái, một câu kêu "ối" và ôm chặt lấy tay. Thì ra anh đã dùng ngón đòn chặt mạnh bàn tay vào tay cậu, làm cậu trẹo mất mấy ngón tay. Gần đây, sau khi anh tôi đã qua đời, cháu trai tôi có dịp gặp lại người bạn năm xưa của bố là Trần Xuân Phác, nay ở 57 Giảng-võ - ông Phác vẫn chưa quên chuyện cũ; vừa chỉ vào ngón tay út vừa cười, nói với cháu tôi: - "Nó vẫn trẹo đây này".
Thế rồi một hôm, ít lâu sau ngay thử võ, anh tôi về nhà. Hồi ấy nhà tôi có một con bò cho người làng trên (Ích-mý) nuôi rê. Nuôi rê tức là nuôi bò cho người khác, theo chế độ: được cày bừa thoải mái nhưng nếu bò đẻ thì phải chia hai, một nửa của chủ có bò và một nửa của mình. Rất tiếc chúng tôi lại gặp phải một tay nuôi rê láu cá, và tính cách cũng vào loại "sừng sỏ". Nên tuy bò đã đẻ mấy lứa mà anh ta vẫn "lỉnh", không thèm báo qua một tiếng với chủ có bò. Phiền nỗi là ở nhà quê chỉ có mình mẹ tôi, một người phụ nữ hiền lành, với người bố chồng già yếu lại bị què chân, nên chẳng làm được gì tay này cả. Vừa về đến nhà, nghe chuyện, anh tôi đã hối hả lên làng trên hỏi cho ra lẽ. Mẹ tôi và ông tôi can mãi anh cũng không nghe. Ai cũng lo thay cho anh. Mẹ tôi liền cho bác Chất Nghĩa đuổi theo thám thính để nhỡ có chuyện gì còn kịp can gián. Nhưng ông vừa lên đến nơi thì cũng vừa kịp chứng kiến một chuyện lạ lùng: anh tôi đầu trần, bộ quần áo trắng, mới bước vào cổng gọi người nuôi bò rê thì từ trong nhà hắn đã sừng sộ bước ra với một chiếc đòn gánh cầm tay. Sau vài câu lời qua tiếng lại, anh chàng nuôi bò ỷ vào cái tính ngổ ngáo của mình, hạ ngay độc thủ, cầm đòn gánh giơ lên phang thẳng xuống đầu anh tôi. Mọi người nhìn thấy không ai là không thất sắc, nhưng chưa một ai kịp kêu lên thì anh tôi đã giơ cánh tay mảnh dẻ lên đỡ cú đánh ác hiểm. Thế rồi không hiểu sao chiếc đòn gánh to lừng lững kia lại không làm gãy tay anh mà trượt theo cánh tay xuống nách, và bị anh kẹp chặt lại ở nách, cứng như sắt. Chàng nông dân nọ đang đớ người ra trước một sức khỏe và sự nhanh dẻo dị kỳ như vậy thì liền bị cánh tay kẹp đòn gánh của anh tôi giật lùi một cái, cả người anh chàng ngã sấp xuống. Mọi việc xảy ra trong chớp mắt. Anh tôi không nói một tiếng, chỉ thả đòn gánh ra để cho anh chàng ngổ ngáo đứng dậy, mặt ngượng ngập, phủi bụi đất ở áo quần, rồi mới thủng thỉnh bảo: "Cũng nên một vừa hai phải chứ, không phải muốn làm gì ai cũng được đâu!". Nói rồi anh chào người vợ và thong thả ra về. Từ đấy cả vùng quê tôi người ta đồn nhau: "Gióng là tay có võ!".
 

TẬP SỰ VÀO ĐỜI

 
Nhưng anh Gióng tôi ương ngạnh mà không "sinh sự" với một ai. Một đức tính ngày càng rõ nét ở anh: sự tự chủ. Có lẽ đất là một tập luyện lâu dài, tập luyện đến thành thói quen lúc nào không biết. Tự chủ, biết nén mình lại, nên dường như càng đến tuổi thanh niên anh càng ít khi nổi nóng. Anh nhũn nhặn hẳn. Sự thực thì để trở thành một con người như vậy là cả một nghị lực phi thường. Nghị lực đã được bộc lộ ngay từ nhỏ, thành một ý chí tự lập thường trực ở nơi anh. Một vài việc anh làm thuở bấy giờ, cứ tưởng là "trẻ con", suy nghĩ lại mới thấy hết ý nghĩa của nó.
Việc làm đầu tiên là mở... "Bình Ân dược phòng". Bà tôi ra Vinh vào khoảng năm 1931, lúc ấy bà đã 80 nên mắt kém và chân tay lóng ngóng. Một hôm bà từ nhà ngoài đi vào buồng ngủ, chân va vào bậu cửa và bị ngã. Đỡ bà dậy thì biết là xương tay bị gãy, cả nhà rất lo sợ vì đối với người già việc gắn lại xương đâu phải chuyện dễ dàng. Có một bà cụ bán thuốc tễ quen thuộc tới thăm và bày cha tôi một phương thuốc Đông y tự chế lấy để dùng đắp vào chỗ gãy trước khi bó lại. Tôi còn nhớ là: lô hội trộn với quế chi giã nhỏ pha rượu vào. Đun lên thành một thứ hồ lệt sệt màu đen, đắp vào chỗ gãy rồi lấy vải xô bó cứng. Ít giờ sau thứ hồ này cứng lại cũng giống như bột thạch cao bó xương của Tây y. Một thời gian sau mở băng ra thì xương đã liền và tay đã lành. Cha tôi rất mừng, mời bà cụ lại để cảm ơn. Bà cụ cho biết thứ lô hội này nếu pha chế thật loãng thì còn có thể chữa được những căn bệnh ngoài da như mụn nhọt, lở ghẻ, v.v... Anh tôi nghe rất chăm chú. Sau đấy, anh dùng chữa thử cho một vài người thấy có hiệu nghiệm. Bỗng nhiên anh tôi nẩy ra ý định kinh doanh thứ thuốc này. Các vị thuốc thì chả khó khăn gì, ở cửa hiệu thuốc Bắc nào cũng sẵn. Cối giã quế chi đã có một cái cối giã vừng trong nhà bếp. Duy chỉ cần một chiếc niêu con để nấu thuốc, anh tôi bèn tìm bà Lộc ở nhà dưới hỏi mua chiếc niêu đất bé tí mà trước kia bà thường dùng để nấu cơm cho một mình bà ăn. Được nồi rồi anh tôi hý hoáy pha chế, sắc nấu thành một thứ nước đen lệt sệt. Rồi đi thuê đặt thổi mấy cỡ chai con, lại thuê in cả nhãn hiệu:
 
BÌNH ÂN DƯỢC PHÒNG THUỐC GỊT
Chuyên chữa: ghẻ lở, mụn nhọt, gãy xương, bong gân.
 
Mấy chữ "Bình Ân dược phòng" nghe thật "oách" mà chung quy, "quy trình công nghệ" chỉ quanh quẩn trong một cái niêu và một cái cối giã vừng! Bình Ân là biệt hiệu của anh tôi, bởi tên anh là Gióng tức là Phù Đổng - Nguyễn Đổng Chi - anh hùng dẹp giặc Ân, nên anh mới đặt cho mình biệt hiệu trên. Chai lọ rót thuốc xong nút lại, rồi cũng được gắn xi và bọc một lớp giấy bóng kín đáo, đẹp đẽ, sau đó đưa đi cổ động bán. Hồi ấy trên tuyến đường Bến-thủy - Hải-phòng có một ông nhân viên người làng Kim-trùy, cách quê tôi chừng 3km, làm kiểm soát viên trên một chiếc tàu biển chở hàng, vào những ngày rảnh rỗi thường tới nhà tôi chơi. Nhân tiện, anh tôi bèn đề nghị ông cho đi tàu nhờ ra Hải-phòng để bán thuốc Gịt. Ông ta nhận lời đưa anh tôi cùng đi mấy chuyến ra Hải-phòng. Cha tôi không nói gì trước việc làm của anh (chắc ông vẫn coi là trò trẻ) nhưng đôi lúc mắt ông đã có cái nhìn khang khác với đứa con 16 tuổi. Ngày nay, mỗi lần đi trên tàu hỏa, bắt gặp những ông đứng tuổi đeo kính đen, vai quàng xắc, tay cầm đủ loại thuốc cao đơn hoàn tán chìa vào tận mặt khách, miệng nói liến thoắng: - "Nếu quý khách chẳng may có ai ghẻ lở, hắc lào, mẩn ngứa, phồng rộp chân tay... xin cử bôi thử một tý vào da là khắc thấy hiệu nghiệm..." tôi lại bất chợt mỉm cười, lòng không khỏi thức dậy một cảm giác vui vui khi thốt nhớ lại hành vi có thể nói là "táo tợn" của một đứa trẻ nhà quê 16 tuổi thuở xa xưa ấy, là người anh hiếu động của mình.
Cũng vào thời gian làm thuốc Gịt Bình Ân, anh tôi còn phát hiện ra ở các phiên chợ Vinh có bán một thứ đồ tre khá đẹp. Đấy là đồ dùng chế tạo từ những ống tre non được luộc chín rồi ép phẳng như những tấm gỗ mỏng, có độ dày khoảng 4-5mm. Người ta dùng loại dao, cưa, đục rất nhỏ để cắt, đục, lắp ghép thành những cái khay để chén trà, khay đựng trầu, hộp đựng trầu, hộp đựng thuốc hình tròn hay lục giác, bát giác cho các bà lớn hồi đó dùng để đựng trầu, thuốc, hoặc để thuốc lào, thuốc lá sợi, v.v... Đặc biệt vỏ ngoài của thanh tre được luộc chín ngả màu ngà trên đó các nghệ nhân dùng lưỡi dao sắc nhỏ chạm lên những hình bông hoa, hình thú vật, hay hình người trông rất đẹp, hoặc tạo lên những câu chữ nho có ý vị...
Qua một vài phiên đi xem xét, anh tôi bèn mời một vài người bán đồ tre ấy về nhà mình để nói chuyện và trao đổi cách liên doanh liên kết với họ. Cuối cùng hai bên thỏa thuận với nhau là: phía anh tôi sẽ quảng cáo khắp ba kỳ món đồ tre đặc biệt của xứ Nghệ này để người ta biết mà tìm mua; anh tôi gợi ý với họ làm thêm một vài thứ đồ nhỏ như hộp thuốc lào bỏ túi, píp hút thuốc lá sợ để gửi đi biếu quảng cáo ở các tiệm buôn lớn và ngoài ra, về mặt chạm trổ trên mặt tre phải là hình các danh nhân đất nước: ví dụ Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch-đằng, Lý Thường Kiệt cưỡi ngựa đánh Tống, Hai bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, v.v... Bên mỗi bức chạm cũng có biết dòng chữ hán ghi tên tuổi và hành động vị anh hùng được khắc họa. Làm vậy để đổi mới đề tài cũ kỹ của họ. Còn việc đặt hàng sẽ được thông báo mỗi khi có giấy đặt hàng ở các nơi gửi về... Thế là cuộc kinh doanh đồ tre cũng được tiến hành đồng thời với thuốc Gịt Bình Ân và trụ sở đều ở số nhà 11 đường Pôn Be (Paul Bert), Vinh.
Hồi anh Gióng còn học ở Đồng-hới có ông Viễn Đệ (em vợ anh Kinh Chi, người anh trai đầu) cũng từ Huế ra Đồng-hới sản xuất dầu tràm mà sau này ông đặt tên là dầu "khuynh diệp". Quảng-bình là nơi có nhiều cây tràm mọc và dân ở các vùng có tràm từ lâu đã biết cất tinh dầu tràm để chữa bệnh. Ông Đệ vừa tự cất lấy dầu vừa mua dầu của dân đưa về pha chế thêm một ít nước màu riêng của mình thành một loại tinh dầu màu lá chuối trong xanh, chế vào từng cỡ chai to, bé để bán khắp ba kỳ. Người ta ưa chuộng dầu "khuynh diệp" vì nó chữa được một số bệnh nhức đầu, sổ mũi, nóng sốt khá hiệu nghiệm, và cũng vì tinh dầu của nó có màu sắc xanh đẹp khác hẳn với tinh dầu của người khác sản xuất màu vàng cỏ úa... Có thể chuyện làm ăn của ông Đệ đã có phần nào tác động tới anh tôi hồi đó. Vừa học tiểu học, anh tôi vừa tích cực làm quảng cáo cho hãng Viễn Đệ. Anh biến câu chuyện cổ tích mà ai cũng biết về hai bà mẹ, tranh nhau một đứa con, thành một truyện thơ dài, trong đó chỉ có một tình tiết được anh "cải biên" là tình tiết sau cùng: khi vị quan phân xử đang lúng túng không biết nên trả đứa bé về cho người nào vì người nào cũng tỏ ý hết lòng thường yêu, thì bỗng trong túi một người rơi ra lọ dầu "Khuynh diệp"; thế là vụ kiện ngã ngũ - đứa con về tay bà mẹ có dầu. Phải chăng cái duyên của truyện cổ tích đã "bén" vào cậu học trò xứ Nghệ từ đấy? Tôi không rõ nhưng cũng nhân việc này mà trước khi rời Đồng-hới, anh tôi được ông Viễn Đệ tặng cho một chiếc máy chữ xách tay, cấu tạo đơn giản đánh theo kiểu mổ cò một ngón. Chiếc mày này khi ra Vinh mở Bình Ân dược phòng và hiệu đồ tre chạm đã giúp anh tôi đánh những giấy tờ giao dịch rất trang trọng, bề thế, như là một hãng sản xuất lớn. Không những thế, về sau, khi Nhóm thanh niên cứu quốc Can-lộc thành lập và hoạt động, nó còn được dùng để đánh những giấy tờ quan trọng, những chỉ thị của Việt minh và những truyền đơn đánh Nhật đuổi Pháp... Và cũng chính nó đã làm chúng tôi một phen phải long tóc gáy mang đi chôn giấu ở trại Hồng, cách nhà 15km, khi có tin mật thám Pháp đến khám nhà.
Từ chỗ kinh doanh thuốc và đồ tre, anh tôi lại chuyển sang viết sách. Như ở trên đã nói, lúc còn đi học anh mê đọc loại sách hồng (livre rose) của Pháp viết cho thiếu niên nên mua rất nhiều, trong nhà còn lưu lại hàng chồng sách loại ấy. Ngoài ra, trong một cuộc bán phát mãi, anh còn mua được hàng trăm số báo La Phi-et (La Fillette) cũng xuất bản ở Pháp. Dựa vào vốn liếng chuyện trẻ em đã được đọc, anh bắt đầu nghề viết văn bằng cách viết sách truyện cho thiếu niên.
Trong thời gian 1932 - 33, anh tôi đã viết và cho xuất bản liên tiếp được 5 cuốn sách: 1. Chí quả quyết; 2. Tài trẻ nước Nam; 3. Một nhà tan họp; 4. Vườn xuân bạn trẻ; 5. Tìm ra châu Mỹ.
Trong đó Chí quả quyết phóng tác theo truyện kể trong một cuốn sách hồng nhưng lại lên tên địa danh ở Nghèn (Can-lộc) và chú bé chính của câu chuyện là con ông trạm trưởng bưu điện. Hai điểm trên gây nên trong lớp học của tôi (bấy giờ tôi đã từ Vinh về học tiểu học ở Nghèn) những chuyện vui đùa vì trong lớp có một bạn là con ông trạm trưởng bưu điện Can-lộc thật. Tiếp đến cuốn Tài trẻ nước Nam, anh tôi giới thiệu với các bạn trẻ những mẩu chuyện danh nhân đất nước, ở tuổi thiếu thời có lòng can đảm, trí thông minh, hoặc có tài thơ văn, ví dụ ông Lê Quý Đôn với bài thơ Rắn đầu biếng học; ông Lương Thế Vinh đã tìm cách lấy được quả bưởi rơi vào trong cái hố nhỏ mà sâu nhờ kế đổ nước cho quả bưởi nổi lên; rồi Phù Đổng thiên vương cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân v.v... Đặc biệt, phần lớn số trang dành để kể chuyện ông Nguyễn Văn Giai, người học trò nghèo quê ở  Ba-xã, thuộc dòng họ Nguyễn Văn của mẹ tôi. Nghèo nhưng có chí phấn đấu và có sức khỏe nên sau nhiều năm tháng vừa học vừa làm thuê, ông đã thi đỗ tiến sĩ thời Lê-Trịnh và làm quan to ở kinh đô. Đây là câu chuyện có thật nhưng cũng pha trộn thêm những chi tiết được anh lượm lặt theo truyện kể dân gian ở Ba-xã. Tiếp đến cuốn thứ ba Một nhà tan họp, phóng tác theo truyện kể trong tập báo  La Phi-et của Pháp, kể chuyện một ông kỹ sư người Mỹ kết hôn với một phụ nữ người Pháp và sinh được một cô gái. Năm 1914-18 có chiến tranh Pháp - Đức, ông kỹ sư cổ động nhân dân Mỹ đứng lên giúp Pháp đánh Đức. Hết chiến tranh, ông bị bọn người Đức sống ở Mỹ thù ghét, tìm mọi cách phá hoại cuộc sống ổn định của gia đình ông, làm cho ông mất việc, và làm cho vợ chồng ông thất lạc nhau. Sau khi thấy thế sống bất lợi, ông bèn dắt con gái sang Pháp tìm công ăn việc làm; cha con bắt đầu một cuộc sống khó khăn nhưng cô gái can đảm đã giúp đỡ cha trong việc nội trợ. Bọn Đức ở Pháp được sự thông báo từ bên Mỹ, lại tìm cách phá hoại cuộc sống của ông và tìm cách bắt cóc cô gái. Song nhờ lòng can đảm, trí thông minh, cô gái đã tìm được cách thoát khỏi nơi bị giam hãm và trở về với bố, đồng thời cùng bố đi báo cảnh sát về bọn côn đồ này. Cuộc vây ráp đã tóm hết bọn Đức lưu manh và cha con sống yên ổn trở lại. Tiếp đó người vợ thất lạc lại tìm được chồng con và gia đình đoàn tụ hạnh phúc. Cuốn thứ tư là một cuốn sách Tết, trong đó có những mẩu chuyện ngắn, những bức tranh vui, những bài thơ nhỏ và những mẩu chuyện ngày Tết. Còn cuốn Tìm ra châu Mỹ là câu chuyện về tấm gương mạo hiểm, vượt mọi trở lực để lập nên kỳ công tìm ra "tân thế giới" của chàng thanh niên tài ba Cri-xtop Cô-lông (Christophe Colomb) ở thế kỷ XV.
Nói chung các cuốn sách trên gây được sự hấp dẫn trong lớp học trò nhỏ tuổi ở Nghệ - Tĩnh thuở bấy giờ. Hồi ấy tôi học lớp nhì tại trường Nghèn; mỗi khi có in sách mới, anh tôi lại về qua chỗ tôi trọ giao cho tôi một cuốn. Được cuốn sách, đầu tiên phải đưa cho thầy giáo đọc trước, rồi đến tôi, rồi đến các bạn bè khác trong lớp học. Anh tôi vừa sáng tác vừa xuất tiền thuê in ở nhà in Vinh, vừa sửa lỗi bản in, vừa quảng cáo, giao sách cho các hiệu sách, gửi sách đi các tỉnh... Nói chung chỉ một mình anh quán xuyến hết mọi chuyện để cho cuốn sách tới tay bạn đọc, Thế nhưng thời đó đói kém, kinh tế khó khăn, một hào chỉ đối với một người dân bình thường là quá to nên ít ai mua được, sách bị ế, đến cuốn thứ năm thì có lẽ anh cụt vốn đành phải ngừng viết, ngừng xuất bản. Cái chí làm sách cho trẻ con của anh thế là phải dừng lại chỉ để tích lũy dùi mài, rồi sau đấy chuyển sang một bước nhảy vọt: viết hẳn loại sách cho người lớn. Và điều cũng không ai ngờ là sự tích lũy lại đưa anh nhảy vọt rất xa: không những viết sách cho người lớn mà viết hẳn loại sách khảo cứu, đòi hỏi bút lực của một học giả.
 

HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI VÀ TỪNG BƯỚC ĐỊNH HƯỚNG

 
Vừa ngừng viết và xuất bản "Kho sách bạn trẻ", đang chưa biết làm gì thì anh tôi nhận được thư của người anh cả (Nguyễn Kinh Chi, tên thân mật trong nhà là Kinh) đề nghị cùng vào Kon-tum sống với anh cho vui vì anh cả tôi là y sĩ Đông-dương đang được điều lên phụ trách bệnh viện ở đây. Đối với một thanh niên 18 tuổi thì đây là một chuyến đi không gì thích thú bằng. Thế là vào khoảng cuối 1933 đầu 1934 anh tôi thu xếp lên đường. Vào đến Kon-tum, anh Kinh tôi mới nói lên ý định muốn hai anh em cùng cộng tác để nghiên cứu, viết một cuốn sách giới thiệu phong tục, tập quán và cách sinh hoạt của người Thượng ở Kon-tum, cụ thể là người Ê-đê, Ja-rai (Djarai), Xê-đăng. Anh Kinh vì bận việc chuyên môn nên chỉ có thể tìm hiểu, tham khảo trên tài liệu, sách vở của Pháp là chủ yếu, còn anh Gióng thì được phân công đi vào các bản làng để khảo sát thực tế.
Thời đó viên công sứ Pháp mà tôi còn nhớ là Ghi-ơ-mi-nê (Guilleminet), là một học giả dân tộc học có tiếng; ông đã viết một số sách nghiên cứu các dân tộc ở Tây-nguyên. Anh Kinh đã đến gặp và trình bày ý định của mình và được viên công sứ nhiệt tình giúp đỡ, cho mượn nhiều tài liệu để đọc. Còn anh Gióng, ở cái tuổi trai tráng, anh nhận lời đi ngay vào các buôn xung quanh thị xã, làm quen, kết bạn với các thanh niên dân tộc ở trong vùng. Anh sắm một bộ y phục dân tộc gốm khố, áo, khăn choàng để đến đêm mặc vào đi chơi với bạn. Anh sưu tầm những mẩu chuyện dân gian, những bài ca hoặc câu hát đối đáp nam nữ, đi xem những lễ hội đâm trâu... Anh đã đóng rất nhiều sổ tay để ghi chép và khi về, mang về hàng tập dày. Điều làm tôi chú ý là những cuốn sổ tay ấy toàn bằng những phong bì đã gửi, khéo léo gỡ các mép dán ra và đóng lại; chả rõ anh cóp nhặt từ bao giờ và ở đâu mà nhiều đến thế. Nhân dân các buôn anh thường đến đã dành cho anh nhiều cảm tình, nhất là các cô thiếu nữ thì yêu anh lắm - anh thường nhận được những vết cấu thâm tím của các cô gái trẻ, vì đối với phong tục dân tộc họ, đó là biểu hiện của tình yêu, yêu càng đậm, véo càng đau... Kết quả là, khi trở về, cả hai anh em đã mua được các dụng cụ gia đình, các nhạc cụ, quần áo... của người Thượng về để làm kỉ niệm. Anh còn mang về một bức tượng Chàm bán thân, cụt tay, khắc bằng loại đá thô ráp rất cứng, đặt cạnh cửa sổ phòng học cho đến ngày cải cách ruộng đất. Và vào năm 1937, cuốn sách Mọi Kon-tum của hai anh được in có lời đề bạt của bị công sứ tỉnh Kon-tum.
Từ tỉnh Kon-tum trở ra Vinh, do chỗ cha tôi có quen với ông Phó Đức Thành là người bỏ vốn ra tờ báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, nên anh Gióng được ông ta nhận vào làm việc ở tòa báo này. Công việc ở tòa báo là: sửa chữa bản in, gấp báo và dán băng, viết địa chỉ để gửi cho các độc giả. Thỉnh thoảng anh cũng có viết một đôi bài cho tờ  báo. Tôi còn nhớ anh đã sưu tầm và cho đăng một số mẩu chuyện dân gian xứ Nghệ về hôn nhân và gia đình rất dí dỏm, được mọi người ưa thích, chẳng hạn truyện Xin đi chín chục, kể chuyện trong một đám cưới nọ, nhà gái đòi nhà trai tiền dẫn cưới là 100 quan. Nhà trai bèn trả lời "xin đi chín chục". Bên nhà gái thấy nhà trai chỉ bớt có một chục bèn nhận lời. Hôm dẫn cưới, giở mâm ra thấy vẻn vẹn có 10 quan, nhà gái nói: - "Ông hứa là xin đi chín chục sao bây giờ chỉ có một chuc?", nhà trai trả lời: - "Thì tôi xin đi chín chục, chẳng phải còn lại một chục là gì?" Té ra từ "xin đi" của nhà trai có nghĩa là xin bớt, còn bên nhà gái lại hiểu là "xin nộp". Hay là chuyên Tráo cháu đổi cô, kể chuyện một anh học trò đi hỏi vợ ở một nhà phú ông. Phú ông có một cô con gái vừa trẻ vừa đẹp nhưng lại có một có em út đã quá thì và xấu xí. Để cho cô em có vợ có chồng, phú ông đầu tiên cho con gái ra để anh học trò xem mặt; anh học trò rất ưng ý, về nhà giục bố mẹ dạm hỏi ngay. Đến ngày  cưới, cô dâu nằm trong cáng, hai bên có rủ diềm che kín. Đám cưới đến sân nhà trai, cô dâu trùm mặt xuống cáng và đi vào buồng. Đến lễ hợp cần, chàng rể bước vào buồn nhìn thấy một người khác hẳn người mà mình đã được xem mặt lần trước, anh ta liền phản ứng, không chịu, Để cho sự việc được êm thấm, phú ông bèn cho chàng học trò một số ruộng đất để vợ chồng làm ăn sinh sống. Vì nhà nghèo nên anh học trò đành phải nhận lấy cô thay cháu. Những truyện này càng cho thấy việc chuẩn bị vốn liếng của người anh mà sau này là nhà cổ tích học nổi tiếng thì ra đã bắt đầu từ rất lâu.
 
Anh tôi làm báo đến cuối năm 1935 thì xin nghỉ về quê giúp đỡ mẹ già. Nhưng nghỉ rồi, anh vẫn còn tiếc cái nghề làm báo. Anh chăm chỉ đọc, và đi đó đi đây tìm kiếm đề tài viết thành bài đăng tải trên các báo ở Nghệ - Tĩnh. Cho đến năm 1936 thì có một số kiện xảy ra làm biến đổi ít nhiều bộ mặt chính trị của đất nước, đó là ở bên Pháp, Chính phủ bình dân của Đảng xã hội do Lê-ông Blum (Léon Blum) lên nắm quyền. Mặt trận bình dân Pháp được thành lập, và phong trào dân chủ nhanh chóng lan sang Việt-nam. Không khí tinh thần có phần cởi mở hơn trước. Kiểm duyệt bị bãi bỏ. Báo chí được nới rộng quyền tự do ngôn luận, và dân chúng thì sôi sục tố cáo bọn tham quan ô lại, nhất là đám cường hào ở nông thôn. Đã có một thời, báo chí thoải mái đăng báo chỉ trích phê phán các tệ nạn tiêu cực mà không phải lo sợ bị bịt mồm. Ở Trung-kỳ, tờ báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng là hăng hái nhất, liên tiếp đưa lên báo tiếng kêu cứu của nông dân trong các làng xã.
 
Chí làm báo, viết sách của anh tôi lại có dịp trỗi dậy. Không ngồi yên ở nhà, anh ra Vinh, gặp các tòa báo cũ nhận viết bài cho họ. Rồi anh đi khắp trong vùng Nghệ - Tĩnh  tìm hiểu về tệ nạn cường hào, lấy tư liệu, ghi chép, thống kê rất tỷ mỷ. Anh viết không ngơi tay, và chỉ một thời gian sau, một loạt phóng sự về chuyện "phù thu lạm bổ", "sưu cao thuế nặng" của anh tung ra, như một đòn giáng vào bộ máy hào cường có tiếng là ghê gớm của xứ Nghệ. Lúc đầu anh còn đăng báo, sau tập hợp lại thành sách, cho xuất bản, lấy tên Túp lều nát - ý nói túp lều của người nông dân đang bị sâu mọt đục khoét làm cho mọt đục khoét làm cho nát ruỗng.
 
Giọng văn hài hước của anh làm ai đọc cũng khoái chí, nhưng lối viết thẳng thừng đưa tên tắt của những nhân vật đang sống sờ sờ vào sách, với những sự việc đúng như nguyên mẫu, thì người đọc nào ở xứ Nghệ mà chẳng biết chúng nhằm vào ai rồi, nên tác giả không tránh được bị cả một giới hào lý hằn thù. Những người quyền thế trong họ mà anh dám hỗn xược "trêu" vào, càng bực bội với anh. Ít lâu sau, anh nhận được trát của mật thám Hà-tĩnh gọi vào chất vấn. Vẫn bộ áo quần phóng viên và chiếc xe đạp "kính coong", anh bĩnh tĩnh ra đi, mặc dù mẹ tôi và chị Đổng có ý lo. Suốt một đêm không thấy anh về, cả nhà không ai ngủ được. Nhưng hôm sau mặt trời lên chừng ba cây sào đã thấy tiếng chuông "kính coong" reo lên ngoài cổng. Ai nấy thở phào. Anh cho biết mật thám gọi vào một căn phòng và hỏi han lịch sự lắm. Nhưng họ vặn anh rất khéo mà vặn đủ thứ: mục đích viết sách là gì? Muốn "sách động" cùng đinh làm loạn ư? Có bị ai "xúi giục" không? Có thù oán gì ai không? v.v... Họ còn kín đáo cho anh biết tấm gương tày liếp của người chuú ruột - Nguyễn Hàng Chi - từng "sách động" nông phu chống thuế ba mươi năm về trước đã bị tử hình ngay tại thị xã. Anh chỉ một mực cười ruồi: - "Nếu muốn lãnh án tử hình thì tôi làm cách khác chứ viết sách làm gì. Tôi chỉ theo gương cụ Huỳnh trên báo Tiếng dân mà Chính phủ bảo hộ và Nam triều đang cho phát hành công khai trên khắp xứ Trung-kỳ. Cụ Huỳnh cũng nào có muốn đi nếm cơm tù Côn-đảo một lần nữa đâu!". Thế rồi họ cũng thả anh về.
Thế mà anh vẫn không chùn bước. Dựa vào phong trào đương mở rộng, anh tôi lại bàn bạc với một số thanh niên trong làng, đề xuất ý kiến mơ

Truyện Kho Tàng Truyện Cổ Tích Lời Dẫn CÙNG MỘT TÁC GIẢ Phần thứ nhất - I. BẢN CHẤT TRUYỆN CỔ TÍCH 6. PHÂN BIỆT TRUYỆN CỔ TÍCH VỚI LỊCH SỬ VÀ VỚI TIỂU THUYẾT II - LAI LỊCH TRUYỆN CỔ TÍCH III. TRUYỆN CỔ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI PHẦN THỨ HAI - I. NGUỒN GỐC SỰ VẬT 2. SỰ TÍCH TRẦU, CAU VÀ VÔI 3. SỰ TÍCH TRÁI SẦU RIÊNG 4. SỰ TÍCH CÂY HUYẾT DỤ 5. SỰ TÍCH CHIM HÍT CÔ 6. SỰ TÍCH CHIM TU HÚ 7. SỰ TÍCH CHIM QUỐC 8. SỰ TÍCH CHIM NĂM-TRÂU-SÁU-CỘT VÀ CHIM BẮT-CÔ-TRÓI-CỘT 9. SỰ TÍCH CHIM ĐA ĐA 10. SỰ TÍCH CON NHÁI 11. SỰ TÍCH CON MUỖI 12. SỰ TÍCH CON KHỈ 13. SỰ TÍCH CÁ HE 14. SỰ TÍCH CON SAM 15. SỰ TÍCH CON DÃ TRÀNG 16. GỐC TÍCH BỘ LÔNG QUẠ VÀ BỘ LÔNG CÔNG 17. GỐC TÍCH TIẾNG KÊU CỦA VẠC, CỘC, DỦ DỈ, ĐA ĐA VÀ CHUỘT 18. GỐC TÍCH CÁI NỐT DƯỚI CỔ CON TRÂU 19. SỰ TÍCH CÁI CHÂN SAU CON CHÓ 20. SỰ TÍCH CÁI CHỔI 21. SỰ TÍCH ÔNG ĐẦU RAU 22. SỰ TÍCH ÔNG BÌNH VÔI 23. SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT 24. GỐC TÍCH BÁNH CHƯNG VÀ BÁNH DẦY 25. GỐC TÍCH RUỘNG THÁC ĐAO HAY LÀ TRUYỆN LÊ PHỤNG HIỂU II. SỰ TÍCH ĐẤT NƯỚC VIỆT
26. SỰ TÍCH HỒ GƯƠM
27. SỰ TÍCH HỒ BA-BỂ 28. SỰ TÍCH ĐẦM NHẤT-DẠ VÀ BÃI TỰ-NHIÊN 29. SỰ TÍCH ĐẦM MỰC 30. SỰ TÍCH SÔNG NHÀ-BÈ HAY LÀ TRUYỆN THỦ HUỒN 31. TẠI SAO SÔNG TÔ-LỊCH VÀ SÔNG THIÊN-PHÙ HẸP LẠI? 32. SỰ TÍCH ĐÁ VỌNG PHU 33. SỰ TÍCH ĐÁ BÀ-RẦU 34. SỰ TÍCH THÀNH LỒI 35. SỰ TÍCH NÚI NGŨ-HÀNH III. SỰ TÍCH CÁC CÂU VÍ
36. THẠCH SÙNG CÒN THIẾU MẺ KHO HAY LÀ SỰ TÍCH CON MỐI
37. BÒ BÉO BÒ GẦY 38. NỮ HÀNH GIÀNH BẠC 39. LẨY BẨY NHƯ CAO BIỀN DẬY NON 40. BỤNG LÀM DẠ CHỊU HAY LÀ TRUYỆN THẦY HÍT NGUYỄN ĐỔNG CHI - TRÉSOR DES CONTES VIETNAMIENS TẬP II III. CÁC TÍCH CÁC CÂU VÍ
41. ĐỒNG TIỀN VẠN LỊCH
42. CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA 43. NỢ TÌNH CHƯA TRẢ CHO AI, KHỐI TÌNH MANG XUỐNG TUYỀN ĐÀI CHƯA TAN 44. NỢ NHƯ CHÚA CHỔM 45. HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT 46. SINH CON RỒI MỚI SINH CHA SINH CHÁU GIỮ NHÀ RỒI MỚI SINH ÔNG 47. CON VỢ KHÔN LẤY THẰNG CHỒNG DẠI NHƯ BÔNG HOA LÀI CẮM BÃI CỨT TRÂU 48. CỨU VẬT VẬT TRẢ ÂN CỨU NHÂN NHÂN TRẢ OÁN 49. ĐỨA CON TRỜI ĐÁNH HAY LÀ TRUYỆN TIẾC GÀ CHÔN MẸ [50]. GIẾT CHÓ KHUYÊN CHỒNG 51. CHA MẸ NUÔI CON BỂ HỒ LAI LÁNG CON NUÔI CHA MẸ KỂ THÁNG KỂ NGÀY 52. CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ĐÃ ĐE HÀNG TỔNG 53. DÌ PHẢI THẰNG CHẾT TRÔI, TÔI PHẢI ĐÔI SẤU SÀNH 54. CÁI KIẾN MÀY KIỆN CỦ KHOAI 55. VẬN KHỨ HOÀI SƠN NĂNG TRÍ TỬ, THỜI LAI BẠCH THỦY KHẢ THÔI SINH 56. TRINH PHỤ HAI CHỒNG 57. KIỆN NGÀNH ĐA 58. TO ĐẦU MÀ DẠI, NHỎ DÁI MÀ KHÔN 59. NHÂN THAM TÀI NHI TỬ, ĐIỂU THAM THỰC NHI VONG 60. NÓI DỐI NHƯ CUỘI 61. CỦA TRỜI TRỜI LẠI LẤY ĐI GIƯƠNG ĐÔI MẮT ẾCH LÀM CHI ĐƯỢC TRỜI IV. THÔNG MINH TÀI TRÍ VÀ SỨC KHỎE
62. HAI ÔNG TƯỚNG ĐÁ RÃI
63. LÊ NHƯ HỔ 64. CHÀNG LÍA 65. ANH EM SINH NĂM 66. BỐN ANH TÀI 67. KHỔNG LỒ ĐÚC CHUÔNG HAY LÀ SỰ TÍCH TRÂU VÀNG HỒ TÂY 68. THẠCH SANH 69. ĐẠI VƯƠNG HAI HAY LÀ TRUYỆN GIẾT THUỒNG LUỒNG 70. ÔNG Ồ 71. ÂM DƯƠNG GIAO CHIẾN 72. YẾT KIÊU 73. LÝ ÔNG TRỌNG 74. BẢY GIAO, CHÍN QUỲ 75. NGƯỜI Ả ĐÀO VỚI GIẶC MINH 76. BỢM LẠI GẶP BỢM 77. QUẬN GIÓ 78. CON MỐI LÀM CHỨNG 79. BÙI CẦM HỔ 80. EM BÉ THÔNG MINH 81. TRẠNG HIỀN 82. THẦN GIỮ CỦA 83. KẺ TRỘM DẠY HỌC TRÒ 84. CON MỤ LƯỜNG 85. CON SÁO VÀ PHÚ TRƯỞNG GIẢ 86. CON THỎ, 87. CON THỎ VÀ CON HỔ 88. MƯU CON THỎ 89. BỢM GIÀ MẮC BẪY 90. GÁI NGOAN DẠY CHỒNG 91. BÀ LỚN ĐƯỜI ƯƠI 92. CON CHÓ, 93. NGƯỜI HỌ LIÊU VÀ DIÊM VƯƠNG KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM V. SỰ TÍCH ANH HÙNG NÔNG DÂN
94. CỐ GHÉP
95. ÔNG NAM CƯỜNG 96. CỐ BU 97. QUẬN HE 98. HẦU TẠO 99. LÊ LỢI 100. LÊ VĂN KHÔI 101. BA VÀNH 102. HAI NÀNG CÔNG CHÚA NHÀ TRẦN 103. VỢ BA CAI VÀNG 105. NGƯỜI THỢ MỘC NAM-HOA VI. TRUYỆN PHÂN XỬ
106. NGƯỜI ĐẦY TỚ VÀ NGƯỜI ĂN TRỘM
107. BA CHÀNG THIỆN NGHỆ 108. CHÀNG NGỐC ĐƯỢC KIỆN 109. NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ VU OAN 110. TRA TẤN HÒN ĐÁ 111. NGUYỄN KHOA ĐĂNG 112. SỢI BẤC TÌM RA THỦ PHẠM 113. PHÂN XỬ TÀI TÌNH 114. NGƯỜI ĐÀN BÀ MẤT TÍCH 115. TINH CON CHUỘT 116. HÀ Ô LÔI 117. MIẾNG TRẦU KỲ DIỆU 118. TÚ UYÊN 119. NỢ DUYÊN TRONG MỘNG 120. TỪ ĐẠO HẠNH HAY SỰ TÍCH THÁNH LÁNG 121. CHÀNG ĐỐN CỦI 122. NGƯỜI THỢ ĐÚC 123. SỰ TÍCH ĐÌNH LÀNG ĐA HÒA 124. CON CHIM KHÁCH MÀU NHIỆM 125. CÂY TRE TRĂM ĐỐT 126. NGƯỜI LẤY CÓC 127. CÂY THUỐC CẢI TỬ HOÀN SINH 128. LẤY CHỒNG DÊ 129. NGƯỜI LẤY ẾCH 130. SỰ TÍCH ĐỘNG TỪ THỨC 131. NGƯỜI HỌC TRÒ VÀ BA CON QUỶ 132. HAI CÔ GÁI VÀ CỤC BƯỚU 133. NGƯỜI HÓA DẾ 134. THÁNH GIÓNG 135. AI MUA HÀNH TÔI 136. NGƯỜI DÂN NGHÈO KHO TÀNG Phần II - 138. NGƯỜI THỢ SĂN VÀ MỤ CHẰNG 139. QUAN TRIỀU VIII. TRUYỆN ĐỀN ƠN TRẢ OÁN _140. THỬ THẦN 141. CON CÓC LIẾM NƯỚC MƯA 142. THẦY CỨU TRÒ 143. HAI CON CÒ VÀ CON RÙA 144. CÔ GÁI LẤY CHỒNG HOÀNG TỬ 145. NGƯỜI DÌ GHẺ ÁC NGHIỆT 146. LÀM ƠN HÓA HẠI 147. HUYỀN QUANG 148. TIÊU DIỆT MÃNG XÀ 149. GIÁP HẢI 150. TAM VÀ TỨ 151. BÍNH VÀ ĐINH 152. HÀ RẦM HÀ RẠC 153. ÔNG GIÀ HỌ LÊ 154. TẤM CÁM 156. PHẠM NHĨ 157. CON MA BÁO THÙ 158. RẮN BÁO OÁN 159. RẠCH ĐÙI GIẤU NGỌC 160. NGƯỜI HỌC TRÒ 161. SỰ TÍCH ĐỀN CỜN 163. QUÂN TỬ 164. CƯỜNG BẠO ĐẠI VƯƠNG 165. MŨI DÀI 166. BỐN CÔ GÁI MUỐN LẤY CHỒNG HOÀNG TỬ 167. ÔNG DÀI ÔNG CỘC 168. SỰ TÍCH THÁP BÁO ÂN 170. VỤ KIỆN CHÂU CHẤU IX - TÌNH BẠN, TÌNH YÊU VÀ NGHĨA VỤ
171. BÀ CHÚA ONG
172. ANH CHÀNG HỌ ĐÀO 173. DUYÊN NỢ TÁI SINH 174. MỴ CHÂU - TRỌNG THỦY 175. CÔ GÁI CON THẦN NƯỚC MÊ CHÀNG ĐÁNH CÁ KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM TẬP V
176. QUAN ÂM THỊ KÍNH
178. SỰ TÍCH BÃI ÔNG NAM 180. BÁN TÓC ĐÃI BẠN 181. TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI 182. Ả CHỨC CHÀNG NGƯU 183. BỐN NGƯỜI BẠN 184. NGƯỜI CƯỚI MA 185. VỢ CHÀNG TRƯƠNG 186. SỰ TÍCH KHĂN TANG 187. NGẬM NGẢI TÌM TRẦM 188. CÁI VẾT ĐỎ TRÊN MÁ CÔNG NƯƠNG 189. CHÀNG NGỐC HỌC KHÔN 190. PHIÊU LƯU CỦA ANH CHÀNG NGỐC 191. THỊT GÀ THUỐC CHỒNG 192. HÒA THƯỢNG 193. HAI ANH EM 194. CHÀNG RỂ THONG MANH 195. LÀM CHO CÔNG CHÚA NÓI ĐƯỢC 196. RỦ NHAU ĐI KIẾM MẬT ONG 196. RỦ NHAU ĐI KIẾM MẬT ONG 197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI, 197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI, 198. THẦY LANG BẤT ĐẮC DĨ 199. "GIẬN MÀY TAO Ở VỚI AI" 200. CÁI CHẾT CỦA BỐN ÔNG SƯ 201. HAI BẢY MƯỜI BA PHẦN THỨ BA
NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM 2. TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM 3.TÍNH CÁCH PHÊ PHÁN HIỆN THỰC 4. TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM V. THỬ TÌM NGUỒN GỐC TRUYỆN CỐ TÍCH VIỆT - NAM 3. THU HÚT TINH HOA KHO TRUYỆN CỦA CÁC DÂN TỘC ANH EM LỜI SAU SÁCH II. BÁO VÀ TẠP CHÍ KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM NHÀ CỔ TÍCH HỌC NGUYỄN ĐỔNG CHI MỘT VÀI KÝ ỨC VỀ ANH TÔI BẢNG TRA CỨU TÊN TRUYỆN KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM