Sau khi chủ trương của Hạng Võ được đưa ra, việc cắt đất trong thiên hạ để chia cho các chư hầu được tiến hành, đó là một cuộc chia xẻ thành quả to lớn sau khi các chư hầu cùng tiêu diệt được vương triều nhà Tần, là sự chung kết của cuộc đấu tranh diệt Tần. Các chư hầu sau cuộc họp cuối cùng đó ai nấy đều có quyền lợi riêng, nên tất cả đều trở về vùng đất mình chiếm cứ để xưng vương và tự cai trị theo ý mình. Kẻ thù chung của họ không còn nữa, cho nên họ cũng không cần thiết phải liên hợp với nhau như trước kia. Trong cuộc chia đất lần này, trên danh nghĩa là luận công ban thưởng, nhưng kỳ thực thì không tránh khỏi sự phân biệt đối xử giữa người thân và người không thân. Riêng Hạng Võ thì càng có sự phân biệt đó. Một điều rất dễ trông thấy là Tây Sở Bá Vương Hạng Võ, người trước tiên chụp lấy một miếng thịt béo bở, trong khi chỉ ném cho Lưu Bang mấy khúc xương. Khu vực Ba Thục, Hán Trung, mà Lưu Bang được phong là một địa bàng không thể so sánh được với Hạng Võ, hơn nữa, đó lại là một khu vực hẻo lánh lạc hậu. Người Ba thuở xa xưa cư trú tại Chung Ly Sơn, cũng được gọi là Nam Lư Sơn, thuộc Võ Lạc, lấy nghề bắt cá và săn bắn làm nghề chính. Về sau di dời đến Xuyên Đông. Nước Ba dưới thời Tây Châu là một nước nhỏ, từng phụ thuộc vào nước Sở, đó là một trong những nước nhỏ ở vùng Giang Hán bị nước Sở chinh phục. Nước Ba tuy tạm thời chịu khuất phục dưới võ lực của nước Sở, nhưng mối xung đột về mặt quyền lợi giữa họ với nước Sở không bao giờ xoá được. Cứ có cơ hội là họ đứng lên chống Sở, và khi lực lượng yếu kém hơn thì họ lại liên minh với Sở. Đời vua Châu Tương Vương năm thứ 20 (tức năm 632 Tr. CN), nước Tấn liên hợp cùng các nước Tần, Tề, Tống đã đánh bại quân Sở tại thành Bộc. Người Ba nhờ đó thoát ra khỏi sự quản chế của nước Sở, và chuyển sang triều cống cho nước Tần, muốn lôi kéo người Tần để đối phó với nước Sở. Nhưng do sau đó không lâu giữa hai nước Tần và Sở trở thành hai nước thân thiện với nhau, nên mối quan hệ giữa nước Ba và nước Sở mới hòa hoãn trở lại. Về sau họ còn giúp cho nước Sở bình định và tiêu diệt những cuộc nổi loạn của các nước phụ thuộc của nước Sở, đồng thời, lại có mối quan hệ hôn nhân với nước Sở, nhờ đó mà thế nước ngày càng cường thịnh. Giờ đây, tinh thần chống Sở của họ lại dâng cao, và đến đời vua Châu An Vương năm thứ 25 (tức năm 377 Tr. CN), họ cùng liên minh với nước Thục đề phát động một cuộc đại tấn công vào nước Sở, uy hiếp tới cả Sính đô của nước này. Nhưng, qua trận chiến tại Tùng Tư, người Ba đã bị thảm bại, kể từ đó trở về sau, nước Sở đã liên tục bành trướng thế lực về phía tây, nước Ba buộc phải lùi dần, đất đai bị mất hết, và trở thành một tiểu quốc sống ở một góc xó hẻo lánh, đất nước không còn sức mạnh gì đáng kể nữa. Đến lúc các nước chư hầu phát triển mạnh, thì người Ba vẫn còn sống trong một chế độ rất lạc hậu, sản xuất phát triển rất chậm. Sau khi nước Tần thống nhất toàn quốc đã đổi nước Ba thành quận Ba. Người Thục dưới triều đại nhà Thương chỉ còn là một tập đoàn bộ tộc ở phía nam của Ân Thương. Sau khi vương triều nhà Châu được thành lập, họ từng có mối quan hệ rất mật thiết với vương triều này. Tương truyền nhà vua sớm nhất của người Thục là Đỗ Vũ, từ trên trời sa xuống, có một cô gái tên Lợi, từ trong giếng tại vùng Giang Nguyên nhảy ra, và trở thành vợ của Đỗ Vũ. Đỗ Vũ tự lên ngôi làm Thục vương, lấy hiệu là Vọng Đế, dạy dân làm nghề nông, lấy vùng Vân Sơn làm khu vực chăn nuôi, lấy vùng Nam Trung làm khu vực trồng vườn. Về sau, người Khai Minh vốn thần phục Đỗ Vũ đã nổi dậy đánh đuổi Đỗ Vũ, chiếm lĩnh đất Thục. Đỗ Vũ thất bại phải bỏ trốn và tiến hành những cuộc đấu tranh để khôi phục địa vị, nhưng không thành công. Sau khi chết, Đỗ Vũ biến thành con chim Đỗ Quyên, ngày đêm kêu than rất bi thảm. Người Khai Minh thống trị trong giai đoạn đầu rất cường thịnh, đồng thời, đã tạo nên một sự uy hiếp lớn đối với nước Tàn. Giữa Thục và Tần cũng như giữa Ba và Sở lúc thì hòa hiếu lúc thì giao tranh. Do bị thất bại trên chiến trường người Thục bất đắc dĩ phải giao hảo với nước Tần. Đến đời vua Tần Huệ Công năm thứ 13 (tức năm 387 Tr. CN), Thục không còn đủ sức để đối kháng với Tần nữa, cho nên họ bắt buộc phải công nhận nước Tần là minh chúa, cũng giống như các nước khác. Giai đoạn thống trị sau của người Khai Minh, do Thục vương quá xa xỉ, lạm dụng sức dân, sản xuất lại lạc hậu, trong khi vùng Trung Nguyên đã sử dụng các nông cụ bằng sắt từ lâu, mà dân của nước Thục vẫn còn dùng nông cụ làm bằng gỗ, bằng đá để sản xuất nông nghiệp. Đến năm Tần Huy, Văn Vương đổi niên hiệu năm thứ 9 (tức năm 316 Tr. CN), vua Tần đã sử dụng chính sách của Tư Mã Thác, phái Tư Mã Thác và Trương Nghi kéo quân đánh Thục, và đã đánh bại quân Thục tại Hà Minh, nước Thục bị diệt vong. Ssau khi Tần Thủy Hoàng thôn tính sáu nước, thì đổi vùng đất Thục làm quận Thục. Ba và Thục do núi cao, sông ngòi cách trở, sản xuất lại lạc hậu, nên trong đời nhà Tần thường làm nơi lưu đày tù tội. Tình trạng đó khiến ai nghe nói đến Ba, Thục đều sợ hãi. Riêng vùng Hán Trung thì nằm ở phía tây nam của Hàm Dương. Thời nhà Tần gọi là quận Hán Trung, quận lỵ đặt tại Nam Trịnh. Quận Hán Trung liền với vùng Ba Thục. Hán Trung trước kia nguyên là lãnh địa của nước Sở, sau khi nước Sở bị Tần tiêu diệt thì vùng đất này đọc gọi là quận Hán Trung. Thời đó nơi đây cũng là một vùng đất hoang vụ, đường giao thông rất khó khăn. Từ lưu vuẹc của sông Vị là nơi sông ngòi chằng chịt, muốn đi Hán Trung chỉ có hai con đường là Bao Cốc và Trần Thương. Hai con đường này đọc dùng cọc gỗ đóng vào vách núi, rồi trên cộc gỗ lót ván để đi gọi là sạn đạo, khi đi luôn cảm thấy lắc lư, hết sức nguy hiểm. Vùng Ba, Thục, Hán Trung vừa hẻo lánh lại vừa lạc hậu như vậy, mà cả ba vùng đất đó gộp chung lại chẳng qua chỉ có 41 huyện, nếu so với chín quận ở Lương Sở do Hạng Võ xưng vương thì không làm sao sánh được. Sự chênh lệch quá xa đó rõ ràng là một sự bất công khiến cho Lưu Bang không khỏi tức giận. Ông từng có ý nghĩ muốn kéo quân đánh Hạng Võ để trả thù, nhưng ông ta vẫn kịp thời dằn cơn tức giận đó xuống. Ông ta bình tĩnh nhận thấy Hạng Võ thế lực mạnh, người đông, còn mình thì thế lực yếu lại cô độc, nên hoàn toàn không thể tranh hơn thua được với ông ta. Nếu hành động một cách đường đột, sẽ mang đến một hậu quả không sao lường được. Do vậy, ông ta không hề tỏ ý phản đối trước mặt Hạng Võ, nhưng trong lòng thì lại luôn luôn bất bình. Tiêu Hà, Phàn Khoái là những người cùng khởi nghĩa với Lưu Bang tại huyện Bái, đều nhận thấy tâm trạng đó của Lưu Bang, nên họ luôn có lời khuyên đối với ông ta. Tiêu Hà là người xuất thân từ văn lại, đã nói với Lưu Bang: - Vùng đất Hán Trung mặc dù hiểm ác, nhưng chả lẽ không tốt hơn so với cái chết hay sao? Lưu Bang không hiểu, hỏi: - Tại sao lại chết? Tiêu Hà đáp: - Quân ta thua xa Hạng Võ, nếu đánh nhau, trăm trận sẽ trăm bại, không phải chỉ có một con đường chết hay sao? Thang Võ chịu khuất phục một người, nhưng có thể mở rộng ý chí trên vạn dân, đó mới là khí khái của người trượng phu, chỉ có thể biết co giãn thì mới hoàn thành được sự nghiệp lớn. Mong đại vương nên mau kéo quân về Hán trung, trước hết lên ngôi Vương, rồi sau đó thu phục lòng người, chiêu hiền đãi sĩ, thu dụng tài nguyên của các vùng Ba, Thục, để sau đó trở về bình định đất cũ của nước Tần đã chia cho Ưng Vương, Tái Vương, Trác Vương. Được như vậy thì có thể thu gom cả thiên hạ! Các bộ tướng như Trương Lương, Châu Bột, Quán Anh cũng đông tâm khuyên nhủ. Lòng tức giận của Lưu Bang được nguôi dần. Tiêu Hà lại nói: - Đại vương khi mới kéo vào Hàm Dương từng sai thần thu nhặt những sách về luật do thừa tướng và ngự sử của nước Tần bảo quản, đó là những đồ vật quý vô giá. Đại vương có thể dựa vào đó để biết những địa điểm quan trọng trong thiên hạ, biết nhân khẩu trên toàn quốc là bao nhiêu, biết chỗ mạnh chỗ yếu của tình thế, đối với việc xây dựng đất nước rất có ích. Hơn nữa, dưới tay Đại vương người có tài rất đông, văn thần võ tướng chẳng khác nào những vì sao vây quanh mặt trăng trên trời. Mọi việc từ nay đâu cần lo ngại? Chờ khi Đại vương trở về bình định được đất Tam Tần thì không lo gì không phát triển được về hướng đông. Xưa kia Tần Thủy Hoàng binh định và thu phục lục quốc, chẳng phải cũng từ đó xua quân tiến về phía đông hay sao? Sau khi nghe Tiêu Hà nói như vậy, Lưu Bang bắt đầu phấn khở lên, và kéo quân về Nam Trịnh làm Hán vương. Lưu Bang thấy Tiêu Hà là người giỏi mưu lược, lại thông văn sử nên cử ông làm thừa tướng. Lưu Bang cũng rất cảm kích Trương Lương. Tại buổi tiệc Hồng môn Trương Lương đã khôn ngoan xoay trở, giúp Lưu Bang thoát khỏi cảnh hiểm nguy. Đối với đại ân đó làm sao không báo đáp được? Lưu Bang tặng cho Trương Lương hai nghìn lượng vàng, hai đấu trân châu, Trương Lương thối thoát không được nên đành phải nhận. Nhưng, ông mang tất cả những quà tặng đó tặng hết lại cho Hạng Bá. Lưu Bang cảm động trước cách xử thế ở đời của Trương Lương, đồng thời cũng nghĩ tới ân tình của Hạng Bá, nên nhờ Trương Lương mang một món lễ vật trọng hậu dân g lên cho Hạng Bá. Đồng thời, xin Hạng Bá nói điều hơn thiệt với Hạng Võ, yêu cầu cho ông cai quản hết toàn bộ quận Hán Trung. Hạng Bá vốn từng giúp Lưu Bang, bằng lòng làm một tên gian tế của Lưu Bang trong quân Sở, nay thấy lễ vật dành cho mình quá nhiều, nên sẵn sàng hứa hẹn. Hạng Bá liền nói riêng với Hạng Võ: - Đất phong của Hán Vương ở nơi hẻo lánh xa xôi, hơn nữa, Đại Vương hứa cho ông ta xây dựng đô thành tại Nam Trịnh, chỉ chiếm một bộ phận tại Hán Trung, đứng về cả hai mặt tình và lý đều không thông, bản thân ông ta tuy không nói gì, nhưng người trong thiên hạ sẽ nghĩ ra sao? Đại Vương muốn làm chúa chung cả thiên hạ, tất nhiên không nên tiếc rẻ đối với việc ban ân, cần phải tỏ ra mình là người nhân hậu. Vậy chi bằng Đại Vương phong cả vùng đất Hán Trung cho ông ta. Làm như vậy chẳng những khiến Hán Vương cảm kích Đại Vương, mà Đại Vương cũng qua đó xoá bỏ được nỗi lo ngại ở phía tây. Hạng Võ nghe qua lời nói trên cũng cảm thấy mềm lòng, nhất là vì nể mặt người chú của mình, nên thỏa đáp ngay lời yêu cầu đó. Hán Vương Lưu Bang vừa có được Tiêu Hà, lại vừa có những bộ sách luật của vương triều nhà Tần cung cấp nhiều phương tiện để xây dựng đất nước. Ngoài ra, ông còn được Trương Lương dùng kế phản gián để giúp đỡ. Như vậy, trên thực tế là ông đã đặt nền tảng cho việc "Hán hưng Sở vong" rồi. Về điểm này thì Hạng Võ không thể ngờ tới. Tháng 4 mùa hè năm 206 Tr. CN, các chư hầu đi theo Hạng Võ vào Quan Trung đều đóng quân tại Hí Hạ, đến nay họ đều mạnh ai nấy kéo quân về đất phong của mình. Sở Bá Vương Hạng Võ cho phép Lưu Bang thống lĩnh ba vạn quân, cộng thêm với một số nhân sĩ ngưỡng mộ Lưu Bang có khoảng mấy vạn người nữa. Từ Đỗ Nam tiến vào Thực Trung, có mấy con đường nhỏ đi đến Hán Trung. Trương Lương cũng đi theo. Lúc bấy giờ Lưu Bang đã phong Hàn Thành làm Hàn Vương, còn Trương Lương thì được phong làm Tư Đồ của nước Hàn. Đáng lý ông phải theo Hàn Vương Thành đi về kinh đô của nước Hàn là Dương Trác, nhưng ông không nỡ chia tay với Lưu Bang là người có ơn tri ngộ, nên cũng cưỡi ngựa tiễn đưa. Ngày hôm đó, đội ngũ của Lưu Bang đã đi tới huyện Bảo Trung thuộc quận Hán Trung. Bảo Trung có Bảo Cốc, nằm về phía bắc của Bảo Thành. Nơi đây, Nam Cốc được gọi là Bảo, Bắc Cốc được gọi là Tà, hai nơi hợp thành một Cốc (thung lũng), bên trong Cốc này có dòng sông Bảo Thủy chảy ngang, đường đi toàn bộ đều là sạn đạo, được dùng gỗ xây trên vách núi, đi rất nguy hiểm, chỉ có thể đi từng con ngựa một, phải cách xa một đoạn mới có chỗ tương đối rộng để hai con ngựa tránh nhau. Trên sạn đạo có nơi có lan can, nhưng có nơi hoàn toàn không có lan can, nếu rủi ro té xuống dưới thì sẽ bị tan xương nát thịt. Quân Hán dừng lại tại Bảo Cốc, chưa vội tiếp tục đi. Một số tướng lãnh nhìn thấy đường đi rất nguy hiểm nên đã luôn miệng than trách, nói: - Chúng ta từ nơi đây đi vào đất Ba, Thục, thì không thể trở ra được nữa, như vậy không phải là sẽ bị nhốt đến chết hay sao? Đại đa số binh sĩ đều là người ở vùng huyện Bái, nay xa rời quê hương đi tới một địa phương hoàn toàn xa lạ, nên họ càng cảm thấy không vui. Tâm trạng của Lưu Bang cũng giống như họ, buồn lo chồng chất. Trương Lương an ủi Lưu Bang: - Đất Ba Thục tuy hẻo lánh xa xôi, nhưng lại là một địa phương có thể súc tích lực lượng để chuẩn bị cùng Hạng Võ tranh đoạt thiên hạ ở vùng Trung Nguyên. Theo tôi thì đó cũng là một điều hay. Lưu Bang lo ngại, nói: - Sau này nếu từ Ba Thục kéo binh đến Quan Trung ở phía đông thì nhất định phải đi ngang đây. Trong khi đó thì Chương Hàm, Tư Mã Hân, Đổng Ế, đã chia nhau đóng giữ Quan Trung, chận mất con đường đông tiến của ta, hơn nữa, nếu Hạng Võ ra tay bóp cổ ta, thì thử hỏi làm sao có hy vọng tiến ra phía đông được? Trương Lương nói: - Hạng Vương phong Hán Vương đất Ba, Thục, rõ ràng là có dụng tâm riêng. Hán Vương nên tương kế tựu kế. Sau khi đại quân đi qua hết khu sạn đạo này thì nên nổi lửa đốt cháy sạn đạo đi. Như vậy vừa chứng tỏ cho Hạng Vương thấy ngài không còn có ý muốn trở về phía đông nữa, khiến ông ta mất cảnh giác, đồng thời, cũng ngăn chặn được việc Hạng Võ kéo quân về phía tây. Hán Vương nên an tâm chỉnh đốn, huấn luyện binh mã, một khi tình hình có biến thì sẽ có thể phát triển sự nghiệp lớn của mình. Lưu Bang nghe xong, khẽ gật đầu đồng ý, thế là Trương Lương liền cáo biệt Lưu Bang, chuẩn bị lên đường trở về nước Hàn. Trước khi đi, ông lại khuyên Lưu Bang đừng nóng vội, cứ lo tích luỹ và luyện tập binh sĩ để dùng trong tương lai, đồng thời, chúc Lưu Bang gặp được thuận lợi trên suốt đường đi. Lưu Bang nói với Trương Lương, nếu về nước Hàn mà gặp hoàn cảnh bất như ý, thì có thể trở lại Hán Trung. Trương Lương bằng lòng, bái tạ rồi ra đi. Lưu Bang làm theo kế sách của Trương Lương, sau khi đại quân qua xong, liền cho đốt sạn đạo. Lưu Bang làm như vậy có thể gọi là rất sáng suốt. Ông đã làm cho Hạng Võ mất cảnh giác, tránh được việc phải tác chiến trong một hoàn cảnh bất lợi, và cũng tranh thủ được thời gian quý báu để phát triển sau này. Hán Vương Lưu Bang sau khi tới Nam Trịnh, lại cử Tào Sâm, Phàn Khoái, Châu Bột làm tướng quân, quyết định cho toàn thể binh sĩ được nghỉ ngơi, chú ý thu gom nhân tài để sau này đọ sức một trận với Sở Bá Vương Hạng Võ. Nhưng, khi vừa mới tới một vùng đất xa lạ, từ các tướng lãnh đến binh sĩ đều cảm thấy không an tâm. Họ rất nhớ quê hương mới đi nửa đường mà đã có mấy chục người bỏ trốn; ngoài ra, còn không ít người đang tính trốn khỏi nơi này để trở về quê hương của họ tại phía đông. Hàn Tín là một trong số đó. Hàn Tín kể từ khi đi theo Hạng Võ thì không được trọng dụng, chỉ làm một binh sĩ trong đội cận vệ. Ông từng nhiều lần hiến kế cho Hạng Võ, nhưng không được dùng. Sau buổi tiệc tại Hồng môn, Hàn Tín bỏ chạy sang hàng ngũ của quân Hán, nhưng vẫn vô danh tiểu tốt, chỉ được giao cho nhiệm vụ giữ kho lương thực, và từng phạm pháp suýt nữa bị chết chém. Cùng trong một vụ án này có tất cả mười ba binh sĩ và họ đều bị chém đầu. Đến khi Hàn Tín sắp bị chém, thì ông ngước mặt nhìn lên thấy người giám hình là Hạ Hầu Anh, bèn nói lớn: - Đại vương không phải muốn thống nhất thiên hạ đó sao? Vậy tại sao lại chém tráng sĩ? Hạ Hầu Anh rất ngạc nhiên, nhìn thấy dáng điệu của Hàn Tín không phải là người tầm thường, bèn tha cho ông ta. Sau khi nói chuyện, Hạ Hầu Anh cảm thấy Hàn Tín là người có tài, bèn báo lên cho Lưu Bang biết. Hàn Tín được Lưu Bang cử giữ chức Kỵ Túc Đô Úy, có nhiệm vụ trông nom lương thực. Lúc đó, Lưu Bang chỉ nghe theo sự tiến cử của Hạ Hầu Anh, chứ chưa nhận thấy ở Hàn Tín có biệt tài gì. Nhưng Tiêu Hà là người tế nhị hơn, qua tiếp xúc với Hàn Tín, ông thấy được Hàn Tín là người thực sự có tài năng, nên xin Lưu Bang hãy trọng dụng, nhưng Lưu Bang chưa bằng lòng. Sau khi Hàn Tín theo Lưu Bang đến Nam Trịnh, thì nghĩ bụng:" trời sinh ta có tài mà không được trọng dụng, vậy chi bằng bỏ đi cho xong, để tìm một minh chủ khác". Thế là nhân lúc trời tối, ông lén bỏ trốn khỏi Nam Trịnh. Tiêu Hà hay tin Hàn Tín bỏ trốn, không kịp bao cáo với Lưu Bang, đích thân đuổi theo Hàn Tín. Có người đến báo với Lưu Bang: - Tiêu tướng quốc cũng bỏ trốn rồi! Lưu Bang nghe thế hết sức tức giận, nghĩ bụng: binh sĩ bỏ trốn còn có thể tha thứ được, còn đường đường là một vị tướng quốc, tại sao trong hoàn cảnh khó khăn như thế này cũng bỏ trốn? Hai hôm sau, Tiêu Hà bất ngờ xuất hiện trước mặt Lưu Bang. Khi nghe Tiêu Hà báo cáo tất cả sự thật, Lưu Bang vẫn cảm thấy khó hiểu, hỏi: - Những Hiệu úy đã bỏ trốn đến mấy chục người, thế tại sao tướng quốc không đuổi theo, mà chỉ đuổi theo Hàn Tín? Tiêu Hà đáp: - Những Hiệu úy đã bỏ trốn, tài năng tầm thường, rất dễ tìm, còn một quốc vĩ vô song như Hàn Tín thì lại rất khó kiếm. Hán Vương nếu muốn xưng vương lâu dài tại Hán Trung, thì Hàn Tín không có chỗ dùng, trái lại, nếu muốn tranh thiên hạ thì Hàn Tín có thể cùng bàn bạc chuyện quân quốc đại sự với Hán Vương, vậy hãy xem Hán Vương có ý định ra sao? Lưu Bang nói: - Ta tất nhiên là muốn tranh đoạt thiên hạ, chứ đâu có thể chịu chết già ở Hán Trung này? Tiêu Hà nói: - Nếu như thế thì Hán Vương phải trọng dụng Hàn Tín, bằng không thì ông ta cũng sẽ bỏ trốn nữa. Lưu Bang hứa sẽ cử Hàn Tín làm tướng. Tiêu Hà lại nói: - Nếu cử ông ta làm tướng thì phải có nghi thức đâu ra đó, chứ không thể nói miệng suông được. Lưu Bang làm đúng theo lời của Tiêu Hà, chọn ngày lành tháng tốt, tắm rửa trai giới xong, mới thiết lập một đài cao ở nơi sân rộng, chính thức cử hành nghi lễ phong tướng cho Hàn Tín. Sau khi nghi lễ tiến hành xong, Lưu Bang nói với Hàn Tín: - Tiêu tướng quốc đã nhiều lần tiến cử tướng quân, hết lời khen ngợi hùng tài đại lược của tướng quân, vậy xin hỏi tướng quân có kế hoạch định quốc an bang như thế nào? Hàn Tín lạy tạ xong, liền hỏi lại Lưu Bang: - Đại Vương muốn tiến về phía đông, thì đối thủ có phải là Hạng Võ không? Lưu Bang gật đầu. Hàn Tín lại hỏi: - Đại Vương tự đánh giá mình xem về mặt binh sĩ có lòng dũng cảm quyết chiến, ưu việt cường thịnh, so với Hạng Vương thì ai thấp ai cao? Lưu Bang đáp: - Tất nhiên tôi không bằng Hạng Võ! Hàn Tín mỉm cười, nói: - Thần cũng cho là như vậy. Kế hoạch tiến về phía đông là phải dựa vào tình hình đó mà quyết định. Tiếp đó, ông ta nói rõ Hạng Vương mặc dù dũng mãnh, nhưng có tính tự làm theo ý mình, không biết dùng người, đối với bộ hạ ngoài mặt thì nhân từ nhưng khi luận công phong thưởng thì lại tỏ ra keo cú. Trong quân đội của ông ta có rất nhiều người thán oán. Những người thân cận với ông ta rất ít. Hơn nữa, tính tình của ông ta tàn bạo, thường cho binh sĩ đốt nhà cướp của thẳng tay nên bị mất lòng dân từ lâu. Hàn Tín kiến nghị Lưu Bang nên lấy bài học của Hạng Võ, mạnh dạn sử dụng những tướng sĩ thiện chiến, gan dạ, đối với người có công thì phải khen thưởng xứng đáng, đồng thời, biết chăm lo cho bá tánh, biết tranh thủ lòng dân, được như vậy thì sẽ có hy vọng tiến về phía đông, và cũng có hy vọng hoàn thành được bá nghiệp. Lưu Bang nghe qua mặt lộ sắc vui mừng, chỉ tiếc là biết nhau quá muộn. Đối với đôi mắt sáng suốt của Tiêu Hà, ông cũng hết sức khâm phục. Lưu Bang quyết tâm làm theo kế họah của Hàn Tín, xúc tiến việc tập luyện binh sĩ, chuẩn bị cho những trận đánh sau này, đồng thời, tiến hành củng cố căn cứ địa, để chờ cơ hội tranh đoạt thiên hạ với Hạng Võ. Nguy cơ tiềm phục ở phía tây, Hạng Võ hoàn toàn không hay biết. Ông ngồi trên chiếc ghế Tây Sở Bá Vương một cách vui vẻ, và say sưa trước bá nghiệp thành công của mình. Chiến loạn liên tục xảy ra tại phía đông Trước núi Vân Long tại thành phố Từ Châu ngày nay, có một danh thắng được gọi là Hí Mã Đài, tương truyền đó là khi Hạng Võ định đô tại Bành Thành, Tây Sở Bá Vương Hạng Võ từng cưỡi ngựa vui chơi tại đó. Thời gian có thể xóa nhòa tất cả. Cảnh tượng rộn rịp nơi kinh đô của Bá Vương nay không còn dấu vết gì để tìm kiếm được chỉ có dhi chỉ Hí Mã Đài này là có thể gợi lại cho mọi người nhớ đến cảnh tượng xa xưa. Đứng trước Hí Mã Dài chúng ta chừng như thấy Bá Vương Hạng Võ đang vui chơi thỏa thích, chừng như nghe được tiếng hí dài của con ngựa Ô Truy. Con ngựa được Tây Sở Bá Vương yêu quý này từng góp công một cách trung thành với Hạng Võ. Nó từng xông pha ngang dọc giữa rừng gươm. Dưới chân thành Cự Lộc nó đã trổ oai thần, trước Hàm Cốc Quan nó từng làm cho quân địch phải khiếp đảm. Hạng Võ ngồi trên lưng nó đi tới đâu là chiến thắng tới đó. Khi tiến vào thành Hàm Dương nó gần như đạp bằng đế đô của vương triều nhà Tần. Kể từ khi Hạng Võ dẫn quân về Bành Thành, thì tất cả những cái đó chừng như trở thành dĩ vảng, không bao giờ trở lại. Con ngựa Ô Truy cũng xuất hiện trước Hí Mã Đài với một vai trò khác: nó không còn giương cao cổ lên để vượt qua thiên binh vạn mã nữa, mà nó đã trở thành một người bạn không biết nói, giúp cho chủ nó tiêu khiển hằng ngày... Ở đây, nếu chúng ta tưởng tượng ra tình hình lúc bấy giờ, thì không khỏi trái khoa học. Đúng là thời đó từng có cảnh tượng như thê này: Hạng Võ kể từ sau khi xưng Tây Sở Bá Vương, thì cho rằng sự nghiệp lớn của mình đã hoàn thành, và cũng mù quáng cho rằng các chư hầu sẽ sống yên ổn với nhau. Nhưng ông không ngờ Lưu Bang đang chuẩn bị lực lượng, chờ cơ hội để xuất hiện, và ngay đến trong số các vương cũng có người luôn thán oán. Họ bất mãn việc cắt đất phong hầu của Hạng Võ, trách móc Hạng Võ là người bất công, ngoài ra, còn có một số người sau khi phong vương không bao lâu, chiến loạn đã xảy ra, làm cho sự khống chế thiên hạ của Hạng Võ đang lâm vào thế sụp đổ. Người nổi loạn trước tiên chính là Điền Vinh. Tướng này từng đưa con trai của Điền Đam là Điền Thị lên làm Tề Vương, bản thân ông ta thì làm tướng quốc. Tháng 8 năm 208 Tr. CN, Hạng Lương phái sứ giả đến Tề yêu cầu Điền Vinh phái quân, liên hợp với mình để đánh Chương Hàm, nhưng Điền Vinh đã đề xuất những điều kiện khắt khe, không chịu xuất binh, làm cho Hạng Lương bị lâm vào thế cô độc, lại do thiếu sự đề phòng, đã bị đánh bại tại Định Đào, và bị tử trận trong trận đánh đó. Hạng Võ luôn luông ghi nhớ hành động phản bội sự tín nghĩa nói trên của Điền Vinh, lúc nào cũng nhớ mãi trận mưa to vào tháng 8 năm nọ, cho nên đối Điền Vinh luôn có mối oán thù không thể hóa giải được. Chính vì vậy nên sau khi Hạng Võ tiêu diệt được nhà Tầ, xua quân tiến vào Hàm Dương, cắt đất phong Vương cho các chư hầu thì không hề phong Vương cho Điền Vinh, trái lại, đã phong cho Tề vương Điền Thị làm Liêu Đông vương, để cai trị vùng Tức Mặc. Ngoài ra, còn phong vương cho hai tướng Tề khác, đó là Điền Đô và Điền An. Điền An tại vùng Tế Bắc, và dẫn quân quy hàng Hạng Võ cho nên Hạng Võ đã phong cho ông ta làm Tế Bắc Vương, cai trị vùng Bắc Dương. Điền Đô từng kéo quân tham gia trận đánh cứu Triệu, giúp Hạng Võ được nhanh chóng tiến vào Quan Trung, cho nên được phong làm Tề Vương, cai trị vùng Lâm Tri. Ba người được phong vương tại vùng đất của nước Tề cũ đều từng đóng góp sức lực của mình cho Hạng Võ, còn Điền Vinh thì đã mấy lần phụ lòng chú cháu của nhà họ Hạng, cho nên không được Hạng Võ phong vương. Từ điểm này mà xét, thì việc phong vương cho các chư hầu của Hạng Võ là xuất phát từ việc ưa hay ghét của cá nhân, hơn nữa, đã dựa vào đó làm cơ sở chính. Cho nên tướng quốc Điền Vinh là người từng có thế lực lớn ở nước Tề, đã bị bỏ rơi trong cuộc cắt đất phong vương chính là sự trả thù của Hạng Võ đối với việc ông ta không chịu xuất binh để đánh Tần. Tình trạng đó làm cho Điền Vinh rất oán hận. Ông ta thầm mắng Hạng Võ đã mượn danh nghĩa cắt đất phong vương để bài xích những người không ăn cánh với mình, cho rằng đó là một cuộc cắt đất phong vương thiếu công bằng. Tháng 5 năm 206 Tr. CN, ông ta dựa vào căn cứ địa của mình đang có để đứng lên làm phản, phái quân tấn công Tề vương Điền Đô. Điền Đô phải bỏ chạy sang nước Sở. Điền Đô chính là Tề vương được Điền Vinh đưa lên, nay được Hạng Võ phong làm Liêu Đông Vương, ra lệnh cho Điền Vinh và Điền Thị cùng đi Liêu Đông. Điều đó đối với Điền Vinh là một điều sỉ nhục to lớn. Giữa ông ta và Điền Thị không có sự thù hằn gì, nhưng ông chỉ ủng hộ Điền Thị khi làm Tề Vương, và phản đối Điền Thị khi làm Liêu Đông Vương. Ông ta nói khích với Điền Thị: ông bình định xong nước Tề, thế mà Hạng Võ chỉ phong cho ông một vùng đất Liêu Đông bé nhỏ, đó là cố ý làm suy yếu lực lượng của ông. Ông ta không để cho Điền Thị đến Liêu Đông để lấy đó kháng nghị đối với sự bất công của Hạng Võ. Điền Thị là một con người nhát gan, sợ thế lực của Điền Vinh, như lại càng sợ sức mạnh của Hạng Võ, nhất thời không biết tính toán thế nào, bèn hỏi ý kiến người chung quanh, người chung quanh nói: - Hạng Võ vừa mạnh lại vừa nóng tánh, vậy không nên xúc phạm đến ông ta. Người phong cho ông làm Liêu Đông vương chính là Hạng Vương, nếu không đi đến đó thì Hạng Vương nổi giận và sẽ mang đến cho ông những mối nguy nan không thể lường trước được. Điền Thị tin như vậy, nên không nghe theo lời khuyên ngăn của Điền Vinh, mà lén Điền Vinh đến Liêu Đông để giữ chức Liêu Đông Vương. Điền Vinh biết tin Điền Thị đã đi Liêu Đông, lấy làm tức giận. Ông ta nghĩ bụng: trước đây ta lập nhà ngươi lên làm vương, nếu không có ta, thì nhà ngươi làm sao bình định được nước Tề? Giờ đây ngươi thấy ta bị Hạng Võ bỏ rơi thì cũng xa rời ta để tìm nơi sống yên. Ngươi thấy lợi quên nghĩa như thế thì đừng trách ta sao không nghĩ tình xưa. Ông ta tức khắc quy tụ một đạo quân, đi truy đuổi Điền Thị. Tháng 6, sau khi ông ta vào được thành Tức Mặc, liền đi thẳng đến chỗ ở của Điền Thị giết chết này. Đáng thương cho Liêu Đông Vương, chưa kịp nhậm chức thì đã toi mạng. Sau khi Điền Vinh giết chết Điền Thị, thì tự lên làm Tề Vương, không nghe theo mệnh lệnh của Hạng Võ nữa. Trong vòng tháng 7, Điền Vinh lại tiến lên phía bắc để tấn công Tế Bắc Vương Điền An. Binh lực của Điền An rất ít, cơ bản không chống nổi với cuộc tấn công của Điền Vinh, nen thành Bác Dương đã nhanh chóng bị đánh chiếm, Điền Vinh liền thôn tính luôn vùng đất Tam Tề, việc cắt đất phong vương ở đất Tề của Hạng Võ xem như đã phá sản. Ngoài ra, Bành Việt còn phụng mệnh của Điền Vinh tiến đánh quân Sở tại Tế Âm. Quân Sở ra nghênh chiến bị Bành Việt đánh bại. Do sự cắt đất phong hầu của Hạng Võ bị thất sách, nên Hạng Võ đã để mất đi một tướng giỏi là Bành Việt. Hạng Võ càng không ngờ Bành Việt lại chạy theo Lưu Bang, liên tục khuấy rối hậu phương của quân Sở, khiến quân Sở gặp rất nhiều khó khăn, và thất bại nặng nề. Hạng Võ cắt đất phong hầu cho hai vương tại đất Triệu, một người là Đại Vương Triệu Yết, một người khác là Thường Sơn Vương Trương Nhĩ. Sự cắt đất phong hầu đó đã làm cho Trần Dư tức giận. Trần Dư từng sai tân khách đi du thuyết Hạng Võ, nói rõ giữa Trần Dư và Trương Nhĩ đều có công với Triệu như nhau, vậy nên phong vương cho cả hai. Nhưng Hạng Võ vẫn cố chấp cho rằng Trương Nhĩ đã theo Hạng Võ và các chư hầu vào Quan Trung, còn Trần Dư thì không. Ngoài ra, Trương Nhĩ nhờ giao du rộng nên được nhiều người nói tốt cho ông ta, khiến Hạng Võ thấy Trương Nhĩ là người có tài năng, không thể không phong vương. Do vậy, trong việc tranh giành phong vương Trần Dư là một người thất bại, nên mối oán thù giữa Trần Dư với Trương Nhĩ càng sâu sắc hơn. Việc phong thưởng của Hạng Võ không an ủi được Trần Dư, mà trái lại khiến Trần Dư càng oán hận Hạng Võ hơn. Nếu so sánh với việc Trương Nhĩ đuộc phong làm Thường Sơn Vương, mà Trần Dư chỉ được có ba huyện bé nhỏ thì có đáng gì? Đó không phải là phong thưởng mà là một sự giễu cợt chua cay! Nhìn thấy Trương Nhĩ diễu võ, dương oai đi đến vùng đất phong của mình, Trần Dư càng thêm tức tối. Bất cứ gặp ai Trần Dư cũng nói: "Trương Nhĩ và Trần Dư ta công lao giống như nhau, thế mà hiện nay Trương Nhĩ được phong vương, còn ta chỉ được phong có ba huyện, Hạng Võ làm việc quá bất công!" Ông ta nghe tin Điền Vinh đứng lên phản Hạng Võ, liền phái thủ hạ là Trương Đồng, Hạ Thuyết tìm cách liên lạc và nói với Điền Vinh: việc Hạng Võ chia cắt thiên hạ, chia đất cho các chư hầu, hoàn toàn dựa vào sự ưa thích hay không ưa thích của mình, cơ bản không chú ý gì tới công lao lớn hay nhỏ. Ông ta đem đất tốt phong cho Trương Nhĩ, còn dời nhà cũ của vua đến vùng đất không tốt, điều đó thật quá bất công. Ông ta xin Điền Vinh cho ông ta mượn một ít binh mã để đánh đuổi Trương Nhĩ, khôi phục lại đất cũ của Triệu Vương. Vì đã đứng lên phản lại Hạng Võ, tự lập làm Tề Vương, nên Điền Vinh tất nhiên là hy vọng tranh thủ được càng nhiều đồng minh càng tốt. Nay Trần Dư tới mượn binh, Điền Vinh thấy đây là một cơ hội để mở rộng thế lực, nên liền đồng ý ngay. Trong vòng tháng 10, Trần Dư phát động binh mã của ba huyện Nam Bì, và được sự phối hợp của viện binh Điền Vinh, mở cuộc tấn công vào Thường Sơn nơi Trương Nhĩ đang xưng vương. Việc Trương Nhĩ xưng vương tại Thường Sơn hoàn toàn là do ân huệ của Hạng Võ ban cho. Những thuyết khách của Trương Nhĩ đã khua môi múa mép, tiến cử Trương Nhĩ với Hạng Võ là người thiếu chủ kiến, nên đã giúp cho Trương Nhĩ được phong vương. Kỳ thực thì ông này không có bao nhiêu công lao, binh lực cũng không nhiều. Cho nên khi ông ta hay tin Trần Dư và Điền Vinh xua quân tấn công Thường Sơn, thì không khỏi luýnh quýnh cả tay chân. Ông ta vội vàng bố trí việc phòng thủ, ra lệnh cho binh sĩ đóng chặt các cửa thành và huy động toàn bộ những người đàn ông trai trẻ khoẻ mạnh lên đầu thành cầm vũ khí, còn phụ nữ và người già thì lo việc chuyển vận lương thực, gỗ đá. Trong nhất thời, ngôi thành Thường Sơn tuy không lớn lắm nhưng đã được động viên toàn bộ, không khí hết sức khẩn trương. Trương Nhĩ tự ngồi trên mặt thành để chỉ huy, ra lệnh nghiêm khắc: cần phải tử thủ, cần phải cùng chết sống với thành Thường Sơn. Ai lâm trận mà khiếp nhược bỏ chạy, thì sẽ bị tru di tam tộc. Trần Dư với mối thù khắc cốt ghi xương, đã dẫn quân đến dưới chân thành Thường Sơn. Ông ta và Trương Nhĩ từng là đôi bạn thâm giao, cảm tình rất đậm đà, nhưng khi Trương Nhĩ bị vây tại thành Cự Lộc, thì Trần Dư không đưa quân tới cứu viện, nên giữa hai người có mối hiềm khích. Trương Nhĩ đã tước đoạt ấn tướng quân của Trần Dư và sáp nhập quân đội của tướng này vào quân đội của mình, khiến Trần Dư phải dẫn mấy trăm tùy tùng thân tín đến Đại Trạch trên sông Hoàng Hà sống bằng nghề đánh cá và săn bắn. Câu chuyện cũ đó Trần Dư vĩnh viễn không bao giờ quên. Ông ta oán hận Trương Nhĩ hơn tất cả mọi kẻ thù. Tình bạn một khi trở mặt thì sự oán thù càng dữ dội hơn, và cũng rất khó dập tắt. Giờ đây Trần Dư quyết tâm đánh chiếm thành Thường Sơn mà không hề tiếc rẻ bất cứ cái giá phải trả nào, để giết chết Trương Nhĩ cho hả mối căm thù trong lòng. Ông ta trước tiên bố trí đội ngũ bao vây chặt thành Thường Sơn, rồi sau đó mới chọn một điểm đột phá để cho binh sĩ thay phiên nhau tấn công dữ dội. Ông dùng cách trọng thưởng để động viên sự dũng cảm của những binh sĩ tấn công thành, quy định mỗi binh sĩ nào leo lên được đầu thành thì sẽ được hưởng 500 dật vàng. Khi đã có sự trọng thưởng thì cũng sẽ có dũng sĩ xuất hiện. Các binh sĩ đua nhau trèo lên đầu thành, không xem chết ra gì. Họn xông vào rừng tên bắn ra như mưa và đá gỗ từ trên tuôn xuống ồ ạt để mở cuộc tấn công dữ dội. Có rất nhiều binh sĩ ngã quỵ, nhưng cuối cùng vẫn có những binh sĩ leo được lên đầu thành, đột phá phòng tuyến của Trương Nhĩ. Thế là quân của Trần Dư tràn vào như nước vỡ bờ, thành Thường Sơn hoàn toàn bị đánh chiếm. Trương Nhĩ thấy đại cuộc đã hỏng, bèn dẫn theo một số tùy tùng đột phá trùng vây, tuôn rừng bỏ chạy. Sau khi Trần Dư đánh đuổi được Trương Nhĩ, bèn đón Triệu Vương ở huyện Đại trở về, đưa lên ngôi Triệu Vương như cũ. Triệu Vương Yết cảm kích ý tốt của Trần Dư, lập Trần Dư làm Đại Vương. Trần Dư thấy Triệu Vương là một nước yếu vừa mới ổn định, nên không chịu đi, mà ở lại để phụ tá cho Triệu Vương, phái bộ tướng là Hạ Thuyết lấy danh nghĩa Tướng Quốc đến đóng giữ huyện Đại. Như vậy, nước Triệu lại không phục như cũ. Sự cắt đất phong vương của Hạng Võ ở nước Triệu hoàn toàn bị bác bỏ. Các chư hầu được Hạng Võ phong, không ai có thể nương tựa được, chỉ có Hán Vương Lưu Bang là người còn có chút tình cũ, nhưng nếu chạy theo Lưu Bang thì Trương Nhĩ lại cảm thấy không muốn, vì ông được Hạng Võ phong vương, nếu giờ đây chạy theo Lưu Bang thì chẳng hóa ra phụ lòng Hạng Võ hay sao? Hơn nữa, Hạng Võ thế lực vẫn còn rất mạnh, nếu chọc giận ông ta thì phải đối phó cách nào Bộ hạ của Trương Nhĩ có một người tên Ngô Cam Công thấy được tâm trạng đó của ông ta, bèn nói: - Hán Vương vào Quan Trung thì năm sau đã tụ tập về Đông Tinh. Đất Đông Tinh thuộc đất Tần cũ, ai đến đó thì nghiệp bá sẽ hoàn thành. Hiện nay mặc dầu Hạng Võ vẫn mạnh, nhưng cuối cùng sẽ do Hán Vương nắm trọn thiên hạ. Cam Công hằng ngày tỏ ra rất giỏi về khoa thiên văn, Trương Nhĩ rất phục, nay nghe ông ta nói như thế liền dẹp bỏ những điều băn khoăn, đi tìm Hán Vương Lưu Bang để nương tựa. Việc động loạn ở đất Triệu cũng như việc Trương Nhĩ đầu Hán đã giúp cho Lưu Bang có thêm được một tướng lãnh có tài, lực lượng được củng cố mạnh thêm. Điều đó đối với Hạng Võ chính là điều bất lợi. Nay Hạng Võ lại phong cho ông ta làm Liêu Đông Vương, khiến trong lòng ông ta không vui. Vào tháng 4 năm 206 Tr. CN, Tạng Đồ tư Hí Hạ đến tiếp nhận ngôi vương, thì Hàn Quảng không chịu nhường mà dùng binh lực chống lại. Đất Yên do đó lại bùng nổ chiến sự. Trải qua một cuộc sát phạt dữ dội. Vào tháng 8 Tạng Đồ cuối cùng đã giết chết được Hàn Quảng, và chiếm lĩnh vùng đất đó. Trong thời gian nửa năm, các nước chư hầu ở phía đông do sự phong vương mà gây ra xô xát, chiến tranh liên tục xảy ra. Số chư hầu vương do Hạng Võ phong có người bị giết chết, có người bị đuổi đi, còn những người chưa được phong thì dùng vũ lực sẵn có trong tay để đoạt lấy ngôi vương. Họ chiếm đất xưng hùng, tranh đoạt thiên hạ, không xem việc phong vương của Hạng Võ ra gì. Hạng Võ vốn có ý định thông qua việc cắt đất phong vương để cho các chư hầu sống yên ổn với nhau, nhưng hậu quả là chính ông ta đã gieo mầm chiến loạn. Những hậu quả không thể ngờ trước đó, chính là một sự giễu cợt đối với những hành động ngang ngược. Việc cắt đất phong hầu của Tây Châu thời xưa có một ý nghĩa tích cực nhất định, nhưng không phải bất cứ thời điểm nào cũng có thể áp dụng được mô thức đó. Hạng Võ không thấy được sự phát triển của lịch sử, sự thay đổi của tình hình, cứ nhắm mắt mô phỏng theo cách cắt đất phong hầu của Tây Châu, tưởng đâu mình có thể chia cắt thiên hạ chư Châu Vương, sắp xếp các chư hầu yên đâu vào đấy. Nhưng thực tế đã chứng tỏ: đó là con đường không thể theo được!