ậy là tôi đã hòa nhập vào cộng đồng người thú trên Đảo Bác Sỹ Moreau. Khi tôi tỉnh giấc thì trời đã tối. Cánh tay gẫy lại đau nhói, tôi ngồi dậy, nửa tỉnh nửa mơ không nhớ mình đang ở nơi nào. Có tiếng xì xào bên ngoài. Cửa lều trống toang hoác, cái hàng rào đã biến đi đâu mất, song súng lục còn nguyên trong tay tôi. Hơi thở ai đó phả vào tôi. Có kẻ nào đang nằm bên cạnh thì phải. Tôi nín thở, cố nhìn xem xem nó là ai. Nó bắt đầu cử động 1 cách chậm chạp. Bỗng 1 cái gì mềm mềm, âm ấm và ẩm ướt lướt trên tay tôi. Cơ bắp trên người tôi bất giác co rúm. Tôi rụt tay lại, suýt thì kêu lên. Suýt nữa tôi đã bắn, nhưng may kịp trấn tĩnh. "Đứa nào đó?" Tôi thì thào, chĩa súng vào đối tượng. "Con đây mà, chủ nhân ơi." "Con là đứa nào?" “Chúng nó nói không còn ai là chủ nhân, nhưng con thì biết. Chính con khiêng mấy các xác đi mà, thưa Người Đi Trên Biển, xác những đứa bị ngài trừng phạt đó. Con là nô lệ của ngài, chủ nhân ơi.” “Ra mày là đứa tao gặp ngoài bãi biển à?” Tôi hỏi “Đúng rồi đó chủ nhân.” Tên này thật sự trung thành, nếu không nó đã tấn công lúc tôi đang còn ngủ. “Tốt tốt”, tôi khen, chìa tay ra cho nó liếm lần nữa. Được tiếp sức bởi lòng trung của nó, hùng khí trong tôi lại bừng lên. “Mấy đứa kia đâu?” Tôi hỏi. “Bọn ngu ngốc ấy? Chúng nó khùng rồi,” người chó thưa “Chúng đang trò chuyện với nhau bên ngoài kia kìa. Chúng bảo “Chủ Nhân đã chết, Nhị Tiên Chủ cũng chết, thằng gọi là Người Đi Trên Biển thì chẳng hơn gì tụi mình. Không còn Chủ Nhân, không còn Tiên Chủ, không còn Nhà Khổ Hình, không còn gì sất. Giới Luật hay lắm, nên tụi mình sẽ giữ Giới, nhưng mà Khổ Hình với Chủ Nhân, Tiên Chủ gì gì đó thì hết cả rồi”. Chúng nó không biết gì, nhưng con biết. Chủ nhân ạ, con biết.” Tôi cảm động, lại vỗ đầu khen người chó “Giỏi lắm”. “Giờ thì chủ nhân sẽ giết hết chúng nó, đúng không?” Nó thắc mắc. “Từ từ, đến lúc thích hợp tao sẽ khử hết. Mày muốn tha đứa nào thì tao tha, bằng không tao khử tất.” “Sao lại có con ở đây? Chủ nhân thích giết ai thì cứ việc giết thôi.” Giọng người chó ra vẻ hả hê. “Cứ để bọn chúng coi thường tao, cứ để chúng thác loạn. Khi nào chúng phạm tội, tao sẽ giết.” “Chủ nhân nói hay quá.” Người chó lại nịnh nọt. “Nhưng hiện tại, có 1 đứa đã phạm tội rồi.” tôi quả quyết “Gặp nó là tao giết liền. Khi nào thấy tao hô “Nó đấy”, thì mày nhảy xổ vào nó cho tao. Bây giờ tao ra ngoài gặp mấy đứa kia đây.” Người chó lon ton chạy trước, tôi bước theo sau, ra đến đúng chỗ ngày xưa từng đứng khi bị Moreau và đàn chó săn truy đuổi. Khi ấy ban ngày, còn giờ là đêm. Thay vào cảnh sườn núi xanh đượm ánh nắng vàng, nay chỉ thấy 1 bọn người thú xấu xí quây quần bên lửa đỏ. Hẻm núi tối đen như chứa đầy âm khí. Xa hơn nữa là rừng cây, cũng tối mò mò. Trăng đã lên đầu núi, bị phủ bóng bởi những làn khói tỏa lên từ các lỗ phun khí vốn đầy rẫy trên đảo. “Đi cạnh tao”, tôi lên tiếng để dặn người chó, và cũng để tự trấn an chính mình. 2 đứa tôi bước đi trên con hẻm hẹp, làm như không để ý đến những con mắt đang ngó ra từ trong lều. Mấy đứa bên ngọn lửa không chào tôi đã đành, chúng còn giả bộ ngó lơ. Tôi đưa mắt tìm linh cẩu-heo, nhưng không thấy đâu. Ở đây lúc này có khoảng 20 tên người thú đang sưởi ấm và chuyện gẫu. “Ngài chết rồi, Ngài chết rồi! Chủ Nhân chết rồi!” Người khỉ nhí nhố ngay bên tai tôi “Không còn Nhà Khổ Hình nữa!” “Ngài không chết,” Tôi lớn tiếng “Ngài đang ở trên kia quan sát chúng ta!” Chúng giật mình. 20 cặp mắt cùng ngó tôi. “Nhà Khổ Hình không còn, nhưng rồi sẽ có 1 Nhà Khổ Hình khác,” tôi tiếp “Bay không thấy Chủ Nhân, nhưng nãy giờ bay nói gì, Chủ Nhân đều nghe cả.” “Đúng lắm, đúng lắm!” người chó phụ họa. Chúng choáng váng. Thú vật có thể hung ác và xảo quyệt, nhưng chỉ có con…người mới biết nói láo mà thôi! “Người Tay Bó Bột nói gì nghe lạ quá,” 1 đứa bình luận. “Tao đã bảo rồi” Tôi nhắc “1 ngày kia, Chủ Nhân cùng Nhà Khổ Hình sẽ trở lại. Ai phá Giới khi ấy hối không kịp.” Chúng lo lắng nhìn nhau. Làm ra vẻ thản nhiên, tôi ngồi nhịp nhịp cái rìu xuống đất. Bọn người thú ngó trân trân những vết cắt tôi tạo ra trên mặt cỏ. Người dê chợt lên tiếng hỏi. Tôi vừa giải đáp xong, 1 con đốm phản đối ngay, dẫn tới cuộc tranh luận sinh động. Thời gian trôi qua, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Ngày càng hăng say, tôi nói huyên thuyên không cần phải lấy hơi. Sau khoảng 1 giờ, tôi thuyết phục được vài đứa tin lời mình, hầu hết đám còn lại thì bán tín bán nghi, tuy còn ngờ nhưng không phản bác nữa. Linh cẩu-heo không thấy xuất hiện. Thỉnh thoảng 1 vài chuyển động vẫn khiến tôi giật mình, nhưng nói chung tôi đã tự tin hơn nhiều. Đến lúc trăng tà, thính giả của tôi bắt đầu ngáp lên ngáp xuống (khoe ra những cái răng quái dị dưới ánh lửa tàn). Chúng lần lượt rủ nhau vào động đi ngủ. Đứng 1 mình cũng rét, tôi liền vào theo. Bây giờ đã tin tưởng được phần nào, ở với chúng ắt hẳn an toàn hơn là đơn độc. Trên Đảo Bác Sỹ Moreau, 1 quãng đời mới của tôi bắt đầu. Quãng này kéo dài tới 10 tháng, dài hơn nhiều thời gian ở chung cùng Moreau và Montgomery. Song le, từ đêm hôm đó cho đến lúc đào thoát, chủ yếu chỉ xảy ra những chuyện vặt vãnh không đâu. Thay vì viết hết ra cho tốn giấy, tôi chỉ tập trung vào chuyện chính mà thôi. Chà! Ký ức! Có hàng đống ký ức vẫn đọng trong trí tôi, những ký ức tôi sẵn sàng làm tất cả để lãng quên. Nhớ lại khi ấy, kể cũng lạ khi tôi làm quen rất nhanh với lối sống của người thú, và mau chóng lấy lại sự tự tin. Có khi bọn chúng gây sự với tôi, có đứa dám cắn cả tôi nữa, song chẳng bao lâu, tôi đã làm chúng phải nể với những trò múa rìu cùng ném đá của mình. Tên người chó dòng Sanh Bẹc Na thì trung thành không cần nói. Trong cái xã hội này, càng ra oai càng được tôn kính, và chẳng phải khoe khoang, tôi được chúng tôn kính hết mực. 1-2 đứa óan tôi lắm, vì có lần tôi ra tay quá trớn làm tụi nó mang thẹo, nhưng có óan gì thì cũng chỉ dám thể hiện sau lưng tôi thôi. Tôi luôn cảnh giác với linh cẩu-heo, còn nó thì luôn lẩn tránh. Người chó cũng ghét và sợ linh cẩu-heo ghê lắm, chính vì nỗi sợ đó mà bám lấy tôi như bóng với hình. Cũng như người báo đốm, linh cẩu-heo đã phá giới ăn thịt. Nó làm cái sào huyệt đâu đó ở trong rừng, 1 mình sống trong đấy. Có lần tôi thử lùa lũ người thú đi truy tìm nó, nhưng thất bại. Không có uy vũ của Moreau, tôi không thể điều khiển tất cả chúng cùng lúc. Lần này qua lần khác, tôi kiếm đến sào huyệt linh cẩu-heo, định ra tay bất kỳ xuất ý trừ khử kẻ thù, nhưng nó quá tinh ranh, lần nào cũng thoát đi trước. Khu rừng đã trở thành nơi nguy hiểm cho tôi và “đồng minh”, vì linh cẩu-heo có thể mai phục ở bất cứ đâu. Người chó không bao giờ dám rời tôi nửa bước. Trong mấy tháng đầu tiên, lũ người thú vẫn còn nhiều nhân tính. Ngoài người chó, tôi còn làm thân được với 1-2 đứa khác nữa. Con lười hồng be bé rất khoái tôi, cứ theo chân tôi mãi. Người khỉ thì không thế. Cũng có 5 ngón tay, y tự hào cho rằng mình bình đẳng với tôi, nên suốt ngày huyên thuyên chọc tôi bằng những lời vô nghĩa. Phải công nhận 1 điều: Người khỉ cực giỏi trò sáng tạo từ ngữ mới. Y rất hay nghĩ ra những từ mới lạ, dù những từ ấy chẳng mang ý nghĩa gì. Công việc sáng tạo đó, y gọi là “Tư Duy Lớn”, để phân biệt với “Tư Duy Nhỏ”, tức những hoạt động, suy nghĩ thông thường hằng ngày. Hễ tôi nói câu gì y không hiểu, y như rằng y hoan hô nhiệt liệt, nài tôi nói lại cho nghe. Sau đó y học thuộc lòng, đi ra rả nói lại cho những đứa khác. Nhiều khi tôi nói 1 đằng, y lặp lại ra 1 nẻo, song có hề gì, vì y có hiểu mô tê chi đâu. Điều dễ hiểu y không thích, y chỉ thích thứ mình cóc hiểu tý nào. Chiều lòng y, tôi cũng hay sáng tạo ra các “Tư Duy Lớn” cho y, để y đem lòe thiên hạ. Người khỉ có lẽ là sinh vật ngu nhất tôi từng thấy. Trong y, có sự kết hợp hoàn hảo giữa cái dại của loài khỉ và cái ngu “độc quyền” của loài người. Đó là chuyện trong thời gian đầu, lúc người thú còn nhớ Giới Luật, và cư xử còn theo khuôn phép. Duy 1 lần tôi thấy xác 1 con thỏ bị xé thành từng mảnh, nhưng chắc thủ phạm là linh cẩu-heo, kẻ đã phá Giới từ xưa. Đến khoảng tháng 5, tôi bắt đầu nhận thấy sự đổi khác trong dáng điệu và lời nói của lũ thần dân. Cử chỉ chúng trở nên kém linh hoạt, chúng lười nói hơn xưa. Người khỉ vẫn ba hoa, nhưng giọng nó trở nên giống khỉ hơn giống người. Vài con khác thậm chí còn quên luôn cách nói, tuy vẫn hiểu được lời tôi. (Chúng ta vẫn quen nói hằng ngày, có tưởng tượng được chăng cảnh tượng 1 ngày kia, khi lời nói phát ra không còn rõ ràng, chuẩn xác, không còn lưu loát, dễ nghe, mà trở thành những thanh âm vô nghĩa lý?) Ngay cả việc đi thẳng đối với chúng cũng trở nên khó khăn. Đứa này nối gót đứa kia bò trên 4 chân, không đứng lên được nữa, dù chúng vẫn biết bò là xấu hổ. Tay chúng vụng về hơn, cầm nắm đồ vật rất khó khăn. Khi uống, chúng mút. Khi ăn, chúng gặm xé. Hơn bao giờ hết, tôi nhớ lại lời của Moreau và Montgomery: “thú tính lòi ra”. Chúng đang thoái hóa, ngày càng thoái hóa nhanh. Mấy con cái đi đầu trong việc cố tình vứt bỏ cái gọi là “thuần phong mỹ tục”. Bọn đực cũng theo ngay. Nhiều đứa công khai quần hôn với nhau, quên phứt đi lề lối “1 vợ 1 chồng”. Giới Luật rõ ràng đã không còn hiệu lực. Mà thôi, đây là vấn đề tế nhị, không nên nói thêm. Người chó của tôi đã thoái hóa thành chó thông thường. Nò bò trên cả tứ chi, miệng không nói được, lông lá rậm đầy khắp thân thể. Từ người bạn đồng hành cùng tôi, nó trở nên 1 con chó theo chân chủ. Cuộc sống trên đảo ban đầu đã chẳng dễ chịu gì, nay lại càng tệ hại. Chán ngán lũ người thú ngày càng trở nên vô tổ chức, tôi rời hẻm núi, về lại chỗ khu nhà cháy khi xưa, lượm lặt ít cành khô, dựng nên 1 cái lán tạm bợ. Người thú ắt hẳn vẫn còn chút ký ức về Nhà Khổ Hình, chắc không dám bén mảng tới chỗ này. Kể tỉ mỉ chuyện thoái hóa của người thú thì dài dòng lắm. Chỉ biết rằng cứ mỗi ngày trôi qua, nhân tính trong chúng lại mất thêm 1 ít. Chúng bỏ hết cái gọi là áo quần, lông chúng mọc rậm bao phủ tứ chi. Trán chúng thu lại, mặt nhô ra trông gớm chết. Khiếp thay! Vậy mà tôi đã từng thân với chúng, coi chúng như người. Quá trình thoái hóa diễn ra từ từ, nhưng không thể tránh khỏi. Tôi đã biết trước nên không bất ngờ, mà bản thân bọn chúng cũng không bị sốc gì hết. Lúc này, tôi vẫn có thể an toàn đi lại với chúng, có lẽ bởi chúng chưa thú hóa hoàn toàn. Tuy thế, ngày mai sẽ ra sao thì khó mà biết được. Chó Sanh Bẹc Na vẫn rất trung thành, đêm đêm ngủ chung cùng tôi, nhờ có nó mà tôi an tâm chợp mắt. Con lười hồng thì đã bỏ tôi, trở về với thiên nhiên hoang dã. Tôi và lũ thú chung sống hòa bình, nếu người không đụng đến thú, thú cũng để người yên. Đương nhiên, đám quái trên đảo không thoái hóa thành y chang những con thú thông thường ta vẫn thấy nơi thảo cầm viên: gấu, sói, cọp, bò, heo hay khỉ. Trông chúng lạ lắm, do khi tạo chúng, Moreau hay lai giống này với giống kia. Ngoài những con lai trông rõ mồn một, các con khác thật ra cũng là lai cả. Gọi là người bò, người mèo, người gấu, nhưng thật ra không chỉ có bò, mèo, hay gấu mà thôi, mỗi con đều lai lai 1 ít. Tội nghiệp, thỉnh thoảng chúng nhớ đến chuyện ngày xưa. Có con mấp mấy môi mà không thành lời, con khác đưa chi trước lên như cánh tay, hay cố gắng đứng thẳng mà chẳng được. Mà nói gì bọn chúng, đến tôi còn “thoái hóa” nữa thay. Áo quần tôi đã trở thành những mảnh giẻ vàng vàng, rách chỗ này, bươm chỗ nọ, để lộ ra làn da đen thui. Râu tóc tôi dài ra, lởm chởm, bện dính vào nhau. Đến tận bây giờ, người ta vẫn bảo rằng mắt tôi sáng hơn mắt thường, rằng tôi thính nhạy hơn người thường. Trong thời gian đầu, tôi còn nuôi hy vọng được giải cứu. Mỗi ngày, tôi ngồi hàng giờ nơi bãi biển phía Nam, hy vọng và nguyện cầu có tàu cập bến. Tôi mong chiếc Ipecacuanha trở lại, nhưng nó không đến bao giờ. 5 lần tôi thấy cánh buồm phía đằng xa, 3 lần thấy khói, nhưng không tàu nào ghé vào cả. Lúc nào tôi cũng nuôi sẵn 1 đống lửa hiệu thật to, nhưng chắc người ta không để tâm, vì đảo này là đảo núi lửa, khói bốc lên là chuyện thường ngày. Mãi đến tận tháng 9 hay tháng 10, tôi mới nghĩ đến chuyện đóng bè để tự đào thoát. Bấy giờ tay tôi đã lành, nên có thể lao động như bình thường. Khi vừa bắt tay vào việc, tôi vụng về kinh khủng. Dĩ nhiên thôi, vì cả đời đã bao giờ động tay vào nghề mộc đâu. Phải phí bao nhiêu thời gian, thử nghiệm đủ kiểu, mới biết cách đốn cây sao cho nhanh, cách buộc các cây gỗ lại với nhau như thế nào. Dây rợ không có, cũng chẳng có vật liệu gì dùng làm dây được. Cây leo trong rừng tuy nhiều nhưng quá mềm, mạnh tay 1 chút là đứt ngay. Tôi nghĩ mãi mà không sao ra cách làm chúng cứng lên. Còn bao nhiêu thứ dụng cụ cần phải có nữa. Suốt nửa tháng trời, tôi lần mò trong khu nhà cháy và chỗ bến thuyền, thu thập những cái đinh và mảnh kim loại còn sót lại. Thỉnh thoảng, vài tên người thú mò đến xem tôi làm việc, song khi tôi gọi vào giúp thì chúng chuồn ngay. Rồi đến mùa mưa, suốt ngày giông tố bập bùng, làm công việc trễ nãi vô cùng. Nhưng sau rốt, cái bè cũng hoàn tất. Hỡi ôi! Đến khi đã xong việc, tôi mới nhận ra mình đóng cái bè ở địa điểm nằm cách biển đến...1 dặm. Đúng là tay mơ có khác. Đành phải nai lưng mà kéo bè ra biển. Kéo chưa đến nơi, nó đã rã lại ra từng mảnh. Giờ đây nghĩ lại, thấy đó là cái may, vì bè biếc như thế mà ra biển thì chỉ sớm xuống chầu Long Vương, Hà Bá. Nhưng lúc đó tôi buồn lắm, mất tinh thần dữ lắm, đến nỗi suốt mấy ngày liền không thiết làm gì, chỉ ủ rũ bên bờ biển nhìn đất nhìn trời, và nghĩ đến cái chết. Nghĩ thì nghĩ vậy, chứ dù sao tôi vẫn ham sống lắm. 1 sự kiện xảy ra, khiến tôi chợt tỉnh ngộ, nhận ra mình đã lãng phí biết bao thời gian. Bọn người thú còn thoái hóa nhiều nữa, nên thêm 1 ngày ở đây là thêm những nỗi hiểm nguy. Hôm ấy, tôi đang nằm khềnh trong bóng râm của khu nhà đổ nát thì chợt thấy gót chân hơi nhồn nhột. Ra là con lười bé. Nó đang hấp háy mắt. Nó không nói được từ lâu, chân tay cũng chẳng còn linh hoạt. Lông nó dày, và móng vuốt dài hơn. Nó kêu lên khe khẽ, đi 1 đoạn về phía rừng cây, rồi đứng lại ngó tôi. Tôi ngơ ngác, rồi chợt hiểu: Nó muốn mình đi theo đây mà. Trời nóng quá, song tôi vẫn ráng lê chân, coi thử xem có chuyện gì. Khi vào đến bìa rừng, nó leo thoắt lên cây (Giống lười vốn giỏi đu dây leo hơn đi trên mặt đất). Đi thêm ít bước, tôi chạm trán 1 cảnh tượng kinh hoàng. Chú chó thân tín dòng Sanh Bẹc Na nằm chết tự lúc nào. Thằng linh cẩu-heo ở ngay cạnh bên, đang xé thịt chú ra nhồm nhào ngấu nghiến, ra bộ cực kỳ khoái trá. Đưa mắt nhìn lên, nhận ra tôi, nó gào lên đe dọa, môi rung lên vì giận dữ. Bị bắt quả tang phá Giới, nó chẳng sợ, chẳng xấu hổ, bởi nhân tính nơi nó nay đã chẳng còn gì. Tôi bước tới 1 bước, giương súng lên. Chuyện gì đến, phải đến. Rốt cuộc, tôi với nó đã mặt đối mặt. Linh cẩu-heo không bỏ chạy. Nó thu mình lại chuẩn bị tấn công, lông xù ra, tai dựng ngược. Kìa, nó đã chồm lên, nhảy xổ vào tôi. Cùng lúc ấy, tôi nhắm giữa 2 mắt nó, nhả đạn. Phát đạn đi trúng mục tiêu, linh cẩu-heo chết ngay khi còn lơ lửng trên không. Xác nó rơi đúng vào tôi, đè tôi té lăn ra đất. Mặt tôi bị chân trước nó quật trúng. May mà bắn cũng không tồi. Tôi đẩy cái xác dơ bẩn của linh cẩu-heo sang bên, đứng dậy rồi mà chân còn run, tim còn đập mạnh. Tôi đi làm 1 dàn hỏa, đoạn mồi lửa, thiêu thi thể của chú chó lẫn linh cẩu-heo. Nguy hiểm đã qua, hay mới chỉ bắt đầu? Ai biết được liệu những con kia có trở chứng giống như linh cẩu- heo? Không vội rời đảo thì sớm muộn sẽ chết không toàn thây. Giờ đây, lũ người thú hầu hết đã rời hẻm núi. Đứa nào đứa nấy tự làm hang ổ sống riêng 1 nơi. Ai đến đảo lúc ban ngày sẽ không thấy chuyện gì khác thường, vì lúc ấy chúng đều ngủ cả. Đến đêm, chúng mới trở dậy, thi nhau gào hú đến rợn người. Đôi khi tôi muốn giết sạch chúng đi, nhưng quả là bất khả. Giết bằng gì? Dao ư? Đặt bẫy ư? Nhiều thú quá giết vậy sao xuể? Bắn thì dễ rồi, nhưng lấy đâu ra cho đủ đạn? Những đứa dữ tợn nhất đã chết, nhưng cũng còn đến 20 con thú ăn thịt. Sau cái chết của người bạn cuối cùng là chú chó Sanh Bẹc Na, tôi phải bắt chước bọn thú: Ngủ ban ngày, để đêm thức giữ mạng. Tôi gia cố cái lán, làm cái cửa ra vào cực kỳ hẹp. Con gì muốn lọt qua cửa đó ắt phải gây tiếng động lớn. Một điều may cho tôi: Bọn thú đã quên cách nhóm lửa. Không những thế, bây giờ hễ thấy lửa là chúng sợ. Tôi bắt đầu đóng lại cái bè, và cũng như lần trước, gặp phải vô vàn khó khăn. Vốn tôi vụng về, mà hồi đi học, người ta chưa dạy nghề trong trường, nên không biết tý ty chi về mộc. May phước! Cái khó ló cái khôn! Ròng rã mãi, tôi cũng làm xong công việc. Lần này cái bè khá chắc chắn, chứ không dễ rã rời ra như trước. Chỉ còn 1 vấn đề: Đi trên biển cần mang theo nước ngọt, mà để đựng nước ngọt cần có chum. Trên đảo này, 1 cục đất sét cũng không, chứ nếu có, tôi sẽ thử làm anh thợ gốm, tự nặn chum để xài. Tôi lang thang khắp đảo, tìm xem có cái gì có thể dùng đựng nước hay không. Tìm mãi không ra, tôi giận điên người lên, lấy rìu chém bừa lên cây cho hả. Chém hoài cũng không nghĩ ra cách gì. Rồi đến 1 ngày, 1 ngày thần tiên. 1 cánh buồm nho nhỏ xuất hiện từ phía Tây Nam. Tôi vội đốt lửa hiệu, rồi đứng đấy thấp thỏm đợi chờ, trối kệ ánh nắng chang chang. Không ăn không uống, tôi đứng đợi thuyền suốt cả ngày, cho đến khi đầu óc quay cuồng. Bọn thú thấy lạ, đến dòm ngó 1 hồi, chán thì bỏ đi. Đến tận đêm, thuyền hãy còn ngoài xa, tôi vẫn cứ đứng trơ trơ, không ngủ. Tôi trông thuyền, còn những con mắt đỏ trong rừng thì tò mò trông ra, xem tôi. Bình minh hôm sau, thuyền đã tới gần hơn. Tôi nhìn được rõ ràng: Nó là 1 thuyền nhỏ, cánh buồm dơ bẩn tệ. Trên thuyền có 2 người đang ngồi: 1 đằng mũi, 1 gần bánh lái. Ơ, mà thuyền gì lại chạy lạ thế nhỉ? Mũi nó không nhằm đúng hướng gió, nên hoài không cập vào bờ được. Trời sáng dần lên. Tôi ra sức vẫy, nhưng 2 người trên thuyền vẫn ngồi im, đâu mặt vào nhau. Tôi chạy tới gần hơn, lại vẫy, lại hét: vẫn không ăn thua. Con thuyền cứ trôi không định hướng, song từ từ cũng dạt dần vào bờ. 1 con chim trắng từ thuyền bay lên, đảo vài vòng trên trời. 2 người ngồi trong bất động như không. Thôi không hét nữa, tôi ngồi xuống đợi, hai tay chống cằm. Thuyền đã vào gần lắm rồi, có thể bơi ra được. Có điều, 1 nỗi sợ bí ẩn khiến tôi cứ ngồi yên. Đến chiều, khi thủy triều rút xuống, con thuyền mắc cạn ở bờ Tây, chỉ cách khu nhà đổ độ trăm thước. Đến thật gần, tôi phát hiện ra 2 người kia đã chết. Khi tôi kéo họ ra, 2 thi thể rơi ra từng mảnh. Vậy là chết từ lâu lắm rồi. 1 thi thể có mái tóc đỏ, giống như viên thuyền trưởng chiếc Ipecacuanha. Trên khoang, tôi tìm thấy chiếc mũ màu trắng dơ bẩn. 3 con thú từ đâu bỗng mò tới, hếch mũi lên tiến ra chỗ tôi. Cảm thấy tởm lợm, tôi đẩy thuyền ra mé nước, nhảy lên, giong buồm đi ngay. Chúng nhìn theo: 2 con sói mắt rực lửa, cánh mũi phập phồng, và 1 con con lai vừa bò vừa gấu. Nhe răng trắng nhởn, chúng bu lại chung quanh 2 cái xác người. Tôi quay mặt đi, không dám nhìn. Đêm ấy tôi nằm trên thuyền, bập bềnh trên mặt nước giữa đảo và rặng đá ở ngoài xa. Trên thuyền có sẵn cái thùng. Sáng ra, tôi neo thuyền trong hốc kín của rặng đá, đề phòng lũ thú thấy, rồi lên bờ múc nước đổ đầy thùng. Hái lượm xong 1 đống trái cây, tôi mai phục, bắn được 2 con thỏ bằng 3 viên đạn cuối cùng còn trong súng.