(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Những bước nhảy bọ chét

    
hi hội nghị Trident được khai mạc tại Washington ngày 12 tháng 5 năm 1943, tình hình của đồng minh đều được cải thiện trên khắp tất cả các mặt trận. Tại Bắc Phi, đệ bát lộ quân của Anh đã đẩy Rommel lui về Lybia và lực lượng Pháp-Mỹ đã vượt qua biên giới Tunisie để đánh bọc hậu vào đoàn quân thiết giáp Đức. Tại Stalingrad, đạo quân của Von Paulus coi như đã bị tiêu diệt. Tại Miến Điện và Trung Hoa, các lực lượng của Wavell và của tướng Tưởng Giới Thạch được kết nối với nhau bằng một cầu không vận ngang qua Hi Mã Lạp Sơn, bắt đầu chuyển qua thế chủ động. Công cuộc sản xuất cho chiến tranh tại Hoa Kỳ được dự liệu theo một kế hoạch khổng lồ nguyên thủy, đã khởi đầu một cách chậm chạp, nhưng giờ đây đang ở mức độ năng suất tối đa và thừa sức cung cấp cho nhu cầu các đạo quân tham chiến tại Bắc Phi. Và vì sau cùng đã có quyết định cho dời cuộc đổ bộ lên các bờ biển Pháp lại sang năm 1944, nên đã có thể trích vài chiến hạm và vài phi cơ để tăng cường cho chiến trường Thái Bình Dương.
Thứ mà Halsey thiếu thốn nhất là hàng không mẫu hạm. Vì lẽ không có mẫu hạm nào đang đóng có thể hoàn thành sẵn sàng trước mùa thu, nên tất cả các cuộc hành quân qui mô đều không thể tổ chức được cho đến lúc đó. Ngược lại, ông đã được cấp cho rất nhiều tàu đổ bộ kiểu mới: Landing Ships Tanks (L.S.T), Landing Craft Infantry (L.C.I) và Landing Craft Personal (L.C.P) v.v... được sản xuất sau khi rút kinh nghiệm tại Bắc Phi. Đó là các chiến hạm có cửa nghiêng hạ xuống nâng lên được, có thể tự làm mắc cạn trên bãi biển và lùi ra khỏi bãi biển bằng phương tiện riêng. Do đó, với các chiến hạm này có thể thực hiện các bước nhảy bọ chét ngắn từ đảo này đến đảo kia hay dọc theo bờ biẻn, với điều kiện được không quân che chở mạnh mẽ.
Khẩn cấp nhất là đổ bộ lên Tân-Géorge để vô hiệu hóa phi trường Munda bắt đầu gây khó chịu. Kế hoạch hành quân đã được chấp thuận từ tháng giêng năm 1943 và ngày tấn công được ấn định là tháng 5. Nhưng, vì không có vấn đề bắt các Sư đoàn mới chiến đấu tại Guadalcanal, chịu đựng thêm thử thách mới, cho nên phải đợi hai Sư đoàn bộ binh, mới hấp tấp thành lập, được huấn luyện đầy đủ. Theo các tin tức do Horton cung cấp, Munda được bảo vệ bởi 10.000 quân Nhật đồn trú và, vùng bờ biển bao vây phải đổ bộ về phía đông ngay giữa rừng già trong các điều kiện khó khăn.
Sau một công cuộc chuẩn bị cần mẫn, ngày tấn công bị hoãn nhiều lần được ấn định là ngày 1 tháng 7 năm 1943. Đô đốc Turner nhổ neo cùng với chiếc Mac Cawley theo sau 9 hải vận hạm, 12 khu trục vận tải và 20 L.S.T hoặc L.C.I. Hòn đảo nhỏ Rendova trên đó có sự hiện diện của Horton đã được quân Nhật di tản khỏi, do đó nó được chọn làm giai đoạn chuyển tiếp trước khi đổ bộ lên Tân-Géorgie. Các hướng đạo viên bản xứ của Horton phải hướng dẫn các chiến thuyền đầu tiên vượt qua lối vào vũng nước phẳng trong vùng biển san hô nhờ các dấu hiệu thích nghi. Công việc dường như không biểu hiện một khó khăn nào.
Rủi thay, vào lúc bình minh ngày 1 tháng 7, khi các L.C.I đến trước vũng nước nhỏ phía bắc Rendova, nơi sẽ đổ quân, thì bị tiếng súng tiếp đón... Vì nghi ngờ Horton có mặt trên đảo quân Nhật phái 300 binh sĩ đến bắt, và chính họ đã khai hỏa lúc trông thấy các chiến thuyền có dáng điệu khác thường.
Mặc dầu bị trở ngại bất ngờ gieo rắc vài lộn xộn đó, Turner ra lệnh tiếp tục cuộc đổ bộ theo đúng thời biểu. Các tàu L.C.I và L.S.T chuồi lên bãi từ sáng sớm, hạ các cửa cầu tàu xuống bất kể hay dở, và đoàn chiến xa cùng bộ binh bắt đầu diễn hành dưới một hỏa lực yểm trợ bắn chặn điếc tai làm cho những cây dừa đẹp nhất thế giới bị tiện ngang đầu.
Đến 8 giờ, mọi việc dường như đều tốt đẹp. Nếu cuộc đổ bộ tiếp tục với nhịp độ này, Turner tính rằng ông có thể nhổ neo đoàn tàu trống rỗng vào lúc giữa trưa, vừa đúng lúc trước các phi cơ của Nhật từ Buin bay đến. Nhưng Trung đoàn đầu tiên vừa mới đổ bộ xong, bầu trời bị mây che phủ một cách đáng ngại, và thình lình Rendova biến mất trong một cơn mưa như thác lũ. Ai chưa thấy mưa tại Rendova thì chưa biết được thế nào là mưa. Tất cả đều bị chìm ngập, tiêu tan, biến mất tăm; tiếng huyên náo của cuộc đổ bộ bị tiếng ào ào vĩ đại của những giọt mưa đè bẹp, chung quanh các chiến hạm, mặt biển dường như bị sôi sục và ta không thể trông thấy gì rõ cách khoảng 20 thước. Trên bờ, các binh sĩ đáng thương bị chôn chặt tại chỗ. Hàng dãy cam nhông chạy xuống cửa tàu bị sa lầy cho đến trục xe. Những người khuân vác vật liệu đổ bộ vứt tất cả dồn đống trên bãi cát trong một quang cảnh rối loạn hãi hùng...
May thay tình trạng không kéo dài quá lâu. Các đám mây đen tan còn nhanh hơn khi tụ lại và bầu trời chiếu sáng lấp lánh trên khu rừng già ngập nước.
Thời gian ngừng nghỉ này làm lợi cho các xạ thủ ưu tú của Nhật bám chặt trên đọt cây. Rồi đến phiên phi cơ thám thính đến bắn vài tràng đại liên. Những người bị thương rú lên, những binh sĩ khác chạy tán loạn đến ẩn giữa đống thùng vật liệu và các thân cây bị hạ nổi lều bều như các hòn đảo giữa một biển bùn lầy. Hơi nước bốc lên dưới ánh mặt trời soi chiếu vào một tình thế vốn đã rất rối loạn. Phải nhờ đến tất cả cường lực của một đại tá bị thương vì nhiều vết đạn chửi bới binh sĩ như sấm mới tái lập được trật tự.
Cuộc đổ bộ tiếp tục, nhẩn nha, giữa vũng nước, nhưng đến 11 giờ một nửa hải vận hạm chưa được bốc dỡ. Mặc dầu bị đe dọa bị một cuộc oanh tạc cấp kỳ, Turner quyết định ở lại. Ông sở cậy vào sự che chở của không lực tại Henderson Field sắp đến. Quả thật chúng đến vừa lúc để đối phó với các khu trục cơ Zéro hộ tống đợt oanh tạc đầu tiên. Và lần này các điều kiện không còn tương tự như tại Guadalcanal nữa. Các khu trục cơ mới của Mỹ Hellcat và Corsair vượt hơn hẳn các đối thủ một cách rõ rệt và vì thế các oanh tạc cơ Nhật thả bom một cách cầu âu. Cuộc đổ bộ tiếp tục.
Đến 16 giờ, tất cả hải vận hạm đều trống rỗng và Turner nhổ neo với chiếc Mac Cawley, lực lượng tàu đổ bộ theo sát bên. Tình hình tại Rendova ổn định, các trọng pháo sẵn sàng nã đạn về phía Munda. Turner không còn phải thấy hải cảng nhỏ bé mà các khinh tốc đỉnh của Guadalcanal vừa chạy vừa trú ẩn. Từ nay có lẽ chúng là các chiến hạm độc nhất lo đảm bảo công cuộc canh phòng các eo biển.
Khi chiếc Mac Cawley vừa mới chạy ngang mũi Rendova thì một đàn 50 phi cơ Nhật lao vào đoàn công voa. Một trận không chiến mới lại xảy ra giữa Corsair và Zéro, và nhiều phi cơ phóng thủy lôi bay sát mặt biển diễn tiến đến gần các hải vận hạm. Khu trục hạm Farenholt là chiếc đầu tiên bị trúng đạn nhưng trái thủy lôi không nổ nhưng đó chỉ bị thiệt hại nhẹ. Rồi đến lượt chiếc Mac Cawley, lần này nó bị rung chuyển vì tiếng nổ dữ dội. Chiến hạm bị nghiêng đến mức phải di tản. Turner chuyển qua chiếc Farenholt, bỏ lại đằng sau chiếc chiến hạm kỳ cựu mà một tàu tuần duyên cố dùng nó đưa trở lại Rendova. Đoàn công voa tiếp tục hải hành mà không bị một cuộc báo động nào mới và biến mất trong bóng đêm.
Một giờ sau, các khinh tốc đỉnh của đại úy Kelly, chỉ huy trưởng hải đội chiến sĩ kỳ cựu tại Guadalcanal trở về căn cứ sau cuộc tuần tiễu ngoài khơi. Kelly thoáng thấy một bóng đen nổi bật trước mặt đất liền và vì người ta đã nói rằng các hải vận hạm Mỹ đã nhổ neo từ trưa, nên ông nghĩ rằng đây chỉ có thể là một chiến hạm Nhật. Ông nhào tới với tốc độ 30 gút phóng các thủy lôi và vui sướng nghe hai tiếng nổ mạnh.
Khi trở về Rendova, rất hãnh diện với chiến công của mình, Kelly báo cáo cho vị chỉ huy trưởng căn cứ. Ông này nhướng mày. Cả ai liền cúi xuống bản đồ, đối chiếu các lộ trình, giờ giấc... Không còn nghi ngờ gì nữa, chính chiếc Mac Cawley đáng thương đã bị Kelly lạng quạng phóng thủy lôi! Lần này thì kết quả tốt dẹp, bởi vì ông đã đánh chìm nó.
Khi biết được sự việc, Turner tỏ ra rộng lượng. Ông vừa được bổ nhiệm làm Tư lệnh một lực lượng chuyển vận đổ bộ mới đang được thành lập tại Trân Châu Cảng trong mục đích chuẩn bị cho các cuộc hành quân sắp đến trong vùng Thái Bình Dương. “Ai cũng có thể lầm cả”, ông đành nói vậy, “nhưng cần phải khuyến cáo viên sĩ quan trẻ tuổi ấy đừng có phóng thủy lôi vào các soái hạm nữa”.
Cùng với hồi chung cục của soái hạm Mac Cawley và sự ra đi của Turner, một trang lịch sử đã được lật qua.
Hình phạt duy nhất mà các khinh tốc đỉnh của Kelly phải chịu đựng là bị cấm không cho ló mũi ra khơi mỗi khi có chiến hạm Mỹ lui tới trên các eo biển. Thật ra, hình phạt quá nhẹ, vì các tuần dương hạm của Halsey ít khi mạo hiểm hải hành qua các eo biển ấy. Ngay khi vừa ra khỏi eo biển, chúng liền bị các khu trục hạm Nhạt hành hạ hung dữ đến nỗi chúng chỉ còn mạo hiểm tới ranh giới tối đa trong các vùng biển cũng nguy hiểm như vịnh Kula hay eo biển Blackett.
Trong đêm 5 tháng 7, hải đội của Đô đốc Ainsworth gồm có chiếc Helena, Honolulu và chiếc Saint-Loius vừa đến pháo kích vào Kolombangara, lại được tung về phía Kula để chặn một đoàn công voa Nhật chở theo quân sĩ. Cuộc gặp gỡ xảy ra bất ngờ lúc 1 giờ 30 sáng ngày 6 tháng 7. Các tuần dương hạm Mỹ thấy xuất hiện trên màn ảnh rada một đoàn kth Nhật, liền khai hỏa trước lúc còn cách chúng 15.000 thước trong khi vẫn mở hết tốc độ tiến đến gần. Ainsworth tin chắc là vẫn nằm ngoài tầm thủy lôi địch nên tiếp tục nổ súng vài phút trước khi chạy lẩn tránh. Ông đâu ngờ rằng từ một khoảng cách khó tin như thế, các khu trục hạm Nhật đã phóng ra cả một chùm thủy lôi kiểu mới mạnh hơn kiểu cũ nhiều và có tầm hoạt động tăng gấp đôi. Kết quả thật bi thảm: chiếc Helena nhận liên tiếp ba trái gần như bị cắt ra làm đôi. Hai chiếc khác rút lui để mặc cho các khu trục hạm săn sóc chiếc Helena sắp chìm. Nhờ chiến thắng này mà quân Nhật đổ bộ được lên hải cảng nhỏ Vila gần 4.000 quân và lập tức được chở băng qua eo biển để đến Munda. Trái với ước lượng của quân Mỹ, đội quân trú phòng của Nhật chỉ mới có 3.500 người, nay nhờ sự kiện này, đã tăng lên gấp đôi trước khi chiến trận bắt đầu.
Nhưng vụ Helena chưa xong sau khi bị rủi ro, bởi vì nó đưa đến một công cuộc cấp cứu mà tất cả mọi điểm đều xứng đáng được ghi vào truyện truyền kỳ trên mặt biển phía nam Thái Bình Dương.
Các khu trục hạm đã cặp vào xác tàu và đưa qua được gần 600 người thuộc đoàn thủy thủ, sau đó vội vàng rút lui để khỏi bị phi cơ Nhật tấn công thình lình khi trời sáng. Chúng đã để lại đàng sau hơn 200 bĩnh sĩ đáng thương đang bám chặt vào xác chiến hạm. Hôm sau, một chiếc PB-Y đã đến ném cho họ các xuồng cấp cứu bằng cao su, họ tập họp bám chung quanh bè và bắt đầu lội về phía bờ gần nhất, nhưng than ôi, gió và hải lưu đã hợp sức để đẩy họ theo chiều ngược lại. Người thâm niên nhất của nhóm thủy thủ bị đắm tàu lúc đó lấy một quyết định hùng tráng là bắt họ quay lưng bờ vào để mưu toan lội qua vùng biển rộng ngăn cách họ với đảo Vella Lavella.
Đêm đầu tiên trôi qua thật kinh khủng. Một trong những người bị thương tắt thở trên bè. Vài người bỏ bè lội trở về Kolombangara. Nhiều người khác ngủ mê luôn dưới nước hoặc không chịu bơi nữa. Không bao giờ ta còn nghe nhắc lại các người ấy nữa. Khi trời sáng, chiếc bè như vậy là nhẹ bớt đi nên trôi nhanh hơn, và niềm hy vọng lại khích động con tim của những kẻ bị đắm tàu. Sau một ngày và một đêm khác cố gắng vượt sức người, hai chiếc bè đến vùng có thể trông thấy được bờ đất hứa. Vella Lavella hiện ra rất gần và các thủy thủ lội giỏi nhất bỏ bè lội vào trước để làm cho bè nhẹ hơn. Một giờ sau, họ được những người Mélanésiens với màu da đen đẹp đẽ nhất đón tiếp với những cử chỉ biểu lộ niềm thân ái rất ấm lòng. Trước lúc đứng bóng, tất cả những kẻ bị chìm tàu đều đến được bờ biển mà không bị máy bay Nhật trông thấy. Tạm thời họ thoát nguy.
Trên đảo có hai Coast Watchers, các trung úy Josselyn và Firth, đều gan dạ như nhau. Mặc dầu có các toán tuần tiễu Nhật Bản đổ đến săn đuổi, họ cũng rời khỏi chỗ ẩn nấp để mang cho những kẻ bị đắm tàu tất cả số lương thực dự trữ và để cho các hướng đạo viên lo việc canh gác, họ điện về Guadalcanal yêu cầu đến rước gấp dùm những miệng ăn vô ích đang ngốn hết tất cả thực phẩm dự trù trong tháng của họ. Cuộc tiếp cứu tế nhị đến nỗi phải cần sáu ngày để chuẩn bị. Sáu ngày trong đó các thủy thủ Mỹ quá mệt đến không ý thức nổi nguy cơ đe dọa, nhưng là cả một cơn ác mộng đối với những Coast Watchers Tân Tây Lan và các bạn người bản xứ của họ. Nhiều lần quân Nhật tiến gần đến các trại tạm trú. Chỉ cần họ có mộ tí táo bạo thôi là đủ tiêu diệt những người gần như hoàn toàn bị giải giới ấy; nhưng chắc họ tin rằng đây là một bộ phận tiền phương đang giăng bẫy, bởi vì mỗi lần như thế họ lại lảng xa mà không tấn công.
Ngay giữa đêm tối ngày 13 tháng 7, các trinh sát viên của trại tạm trú thấy bóng hai phóng ngư lôi hạm đến bỏ neo gần sát bờ cát. Hai giờ sau, 13 sĩ quan và 152 thủy thủ sống tó của thủy thủ đoàn thuộc tuần dương hạm Helena rời xa dần bờ biển tâm hồn tràn ngập lòng biết ơn những người Coast Watchers và dân chúng bản xứ quảng đại, vốn đã giúp họ thoát chết bằng cách đem cả mạng sống của chính mình ra thử thách với nguy cơ.
Các khu trục hạm của Halsey hôm đó đã thực hiện một công cuộc tiếp cứu đáng chú ý nhất trong chiến tranh.
Trong lúc câu chuyện đầy tình cảm trên đây xảy ra, sự việc tại Tân-Géorgie không tốt đẹp chút nào. Nhiều đoàn bộ binh từ Rendova, vượt ngang qua vùng biển san hô nhỏ hẹp đến đổ bộ lên bờ đối diện, bị lún dưới một tấm bọt biển vĩ đại mà không còn ai biết được chuyện gì đã xảy ra nữa. Những binh sĩ Mỹ khốn khổ vùng vẫy trong những cánh đồng lầy phù sa trong khi đi tìm các lối mòn mà người ta chỉ cho họ, và khi tìm ra được chúng một cách tình cờ, thì chúng lại bị cắt ngang bởi những con lạch ngập nước không thể nào vượt qua được. Vũ khí cổ điển từng giúp cho Thủy quân lục chiến Mỹ phòng thủ được tại các cứ điểm được thiết lập, tại đây hoàn toàn vô hiệu vì là một cuộc tiến quân. Một vài chiến xa nhẹ đổ bộ lên bờ biển liền bị sa lầy ngay lập tức. Các súng đại liên mà đầu đạn đội lên trên cành cây gần như không mang lại tác dụng nào. Tình trạng không thể nào cho phép binh sĩ nghỉ ngơi một chút, các binh sĩ vừa từ những doanh trại tương đối tiện nghi của Mỹ đến, đã kéo theo những hậu quả còn trầm trọng hơn cả những viên đạn bắn sẻ của các xạ thủ Nhật mai phục trên cây. Sau tám ngày bị thử thách một cách vô nhân đạo, hai Trung đoàn bộ binh mệt nhọc điều quân tiến thẳng góc với bờ biển với hy vọng bao vây Munda. Vài xe cơ giới và xe ủi đất vừa bắt đầu vạch các đường mòn sau hậu cứ của họ. Cuộc tiến quân chậm chạp đến tuyệt vọng và tinh thần binh sĩ đã bộc lộ điều đó. Mặc dầu có mùng cá nhân, các đám mây muỗi đòn sóc dày đặc đến nỗi binh sĩ phải nuốt chúng mỗi khi hít thở. Phần thuốc kí ninh cho mỗi người không đủ và các cơn sốt đốt cháy binh sĩ khiến họ càng dễ bị làm mồi cho các xạ thủ vô hình. Thay vì mang lại đôi chút nghỉ ngơi sau những gian lao ban ngày, thì đêm tối lại biến chúng thành những cơn ác mộng tàn bạo. Quân Nhật dùng các mưu chước quái gở. Rừng sâu tối đen tràn ngập tiếng rú lạ lùng thỉnh thoảng lại điểm một lời cầu cứu bằng tiếng Anh. Khốn nạn cho những ai dám mạo hiểm bước ra khỏi chỗ ẩn nấp để đến tiếp cứu những người gọi là bị thương đó! Anh ta sẽ bị một viên đạn gạ gục ngay hay bị một lát kiếm hớt bay đầu.
Sau 15 ngày sống trong một điều kiện như thế, người ta trông thấy đi ngược về phía biển hàng dãy người mắt lạc thần, biến thành một khối bùn rõ rệt, như là bị đánh bằng roi. Các trường hợp suy nhược thần kinh và cả trường hợp điên loạn nữa đã vượt xa số người bị thương.
Thiếu tướng Helster chỉ huy cuộc hành quân quá bất ngờ này, đang lo âu chờ đợi tin tức vài Tiểu đoàn được đổ bộ lên phía bắc đảo để đánh bọc hậu vào Munda. Công chờ đợi của ông vô ích, bởi vì sau một cuộc khởi đầu tương đối dễ dàng, họ cũng bị rừng già chặn đứng. Các hướng đạo viên bản xứ đã bị lạc, và họ cứ tiến cầu may dọc theo các con sông, rồi dừng ngay lại, hoàn toàn bị lạc lối. Nhu cầu sống còn trong rừng rậm và sự bảo toàn vũ khí đã đặt ra cho đoàn quân những vấn đề khó khăn đến nỗi họ từ chối đụng độ với địch.
Được thông báo các biến cố đó, Halsey nóng nảy sôi sục. Không lực của ông đã làm tê liệt phi trường Munda và phi trường mới được quân Nhật thiết lập tại Vila (Vila nằm trên bờ phía nam đảo Kolombangara kế cận) chỉ còn có vài khu trục cơ hoạt động. Ông không hiểu tại sao Helster, với các phương tiện khổng lồ nắm trong tay, lại không tràn ngập được trong vòng 15 ngày các vị trí rõ rệt là rất trống trải mà điểm tựa duy nhất gồm có ba ngọn đồi nằm về phía Đông bắc phi trường.
Tất cả những điều đó có thể đúng trên giấy tờ, nhưng thực tại thì khác xa. Tướng Sazaki, người được Tướng Hyakutaké giao trọng trách phòng thủ phi trường Munda, là mộ chuyên gia phi thường trong chiến thuật chiến đấu trong rừng. Ông đã huấn luyện quân sĩ từ nhiều tháng qua cách đánh kiếm trên một bãi tập dượt kế cận phi đạo và các người dân bản xứ đã phải kết luận rằng quân Nhật cử động trong các dáng điệu đơn giản nhất, rồi bất thần nhào đến các hình nộm và dùng gậy đánh vào đó. Toàn diện quang cảnh đó được nhịp theo bằng những tiếng thét nghe giống như các câu thần chú quái gở. Thạt ra đó là một công cuộc huấn luyện quân sự được qui định cho đến từng chi tiết nhỏ. Một khi đã thông thạo với kỹ thuật đáng sợ đó, các kiếm sĩ ưu tú của Sazaki ban đêm len lỏi vào hệ thống kinh rạch chằng chịt mê hồn theo sau mtọ trưởng toán cách một khoảng ngắn. Mỗi binh sĩ mang trên nón một chiếc lồng nhẹ đan bằng tre trong chứa đom đóm. Vì trong rừng sâu, đom đóm tràn đầy, phải là các cặp mắt mẫn nhuệ mới phân biệt được đường bay của các con bị nhốt với các con khác được bay tự do. Một cái lắc đầu nhẹ là đủ để ra hiệu đổi hướng. Viên sĩ quan hướng dẫn toán của mình xuyên qua phòng tuyến, và trên đường đi hành quyết một hay hai lính Mỹ và các vị trí ẩn nấp làm bằng thân cây sau hậu tuyến đột nhiên bị xáo trộn vì những tiếng lựu đạn nổ ngay giữa các tiếng rú cuồng loạn. Những binh sĩ đáng thương bỏ chạy trốn liền bị sa xuống các con đường mòn mà không khí ẩm ướt ban đêm biến thành các bãi trượt tuyết. Không một người nào đứng dậy nổi. Lần khác, chính một bộ chỉ huy phát hỏa hay một kho đạn phát nổ không có lý do rõ rệt. Các sĩ quan Mỹ chẳng hiểu gì ráo về các vụ đột nhập bất thình lình ấy và các báo cáo mơ hồ được chuyển trình vị Tư lệnh cũng không soi sáng thêm cho tình hình được bao nhiêu. Điều khiến cho cơn thịnh nộ của Halsey tràn đầy chính là ngay cả lực lượng hải quân của ông cũng không chứng tỏ đủ sức đối phó với tình thế. Công cuộc canh phòng của các tuần dương hạm dưới quyền Ainsworth giữa Kolombangara và Tân Géorie đã bất lực không ngăn chặn nổi các khu trục hạm vận tải của địch. Trong đêm 12 rạng ngày 13 tháng 7 năm 1943, chiếc tuần dương hạm Leander của Anh cũng chịu chung số phận như chiếc Helena mà nó vừa được phái đến để thay thế (Đó là một tuần dương hạm của hải đội dưới quyền Crutchley do Mac Arthur cho mượn. Nó không bị chìm nhưng không còn sửa chữa lại được nữa). Hai chiếc Saint-Louis và Honolulu chạy thoát trong đường tơ kẽ tóc nhưng bị hư hại nặng. Kể từ lúc ấy, chỉ còn lại các khinh tốc đỉnh để lo canh phòng các eo biển mà thôi. Mặc dầu có sự táo bạo và sự khéo léo của các hạm trưởng, chúng cũng không luôn luôn ngăn cản được các ghe buồm Nhật Bản vượt từ đảo này đến đảo kia.
Kể từ khi có các cuộc chiến đấu tại Guadalcanal, những chiến hạm nhỏ này đã phục vụ trng vô càn sứ mạng và Bộ Tư lệnh quen tiêu thụ chúng bất kể.
Vào thời kỳ mà chúng ta đang nói đến đây, các sĩ quan trên khinh tốc đỉnh hầu hết là các sinh viên trẻ tuổi thuộc đạo quân trù bị. Sau một công cuộc huấn luyện nhanh chóng tại California, họ được gửi đến Thái Bình Dương. Chừng vài tháng kinh nghiệm sau đó, những người tài ba nhất sẽ được chỉ huy một khinh tốc đỉnh.
Không có gì khích động hơn là sống trên một chiếc khinh tốc đỉnh. Trong phòng lái vừa dùng làm đài chỉ huy, chính hạm trưởng phải cầm lái tàu. Bên cạnh là sĩ quan phóng thủy lôi - một Midship vừa mới ra trường xong. Sĩ quan tác xạ đại bác đứng đằng trước, bám chắc vào khẩu Poms-Poms. Vả chăng ai nấy cũng phải bám chắc vào một cái gì trên chiếc chiến hạm ồn ào cứ chực giật nẩy mình trên mỗi đợt sóng nhỏ ấy. Đàng sau, các cơ khí viên, bị nhốt kín trong hầm máy, cũng ngồi co quắp trước ba động cơ rung chuyển phun khói mù mịt.
Nội dung của nhiệm vụ gần như luôn luôn chỉ là một: ra khỏi hải càng khi trời vừa tối, các chiến hạm nhỏ lướt đi trong đêm mà không có một tiếp xúc nào với bên ngoài ngoại trừ vài lời trao đổi ngắn qua vô tuyến điện thoại với chiếc gần nhất, và không có cuộc báo động nào khác ngoài tiếng động xa xa của một cuộc chạm súng thỉnh thoảng vọng đến.
Kể từ khi có cuộc đụng độ với các tuần dương hạm của Ainsworth, quân Nhật ít dám liều lĩnh thường xuyên đưa các khu trục hạm chạy vào các eo biển. Công cuộc tiếp tế cho Kolombangara được thực hiện bằng thuyền buồm. Gần như đêm nào các khinh tốc đỉnh cũng tấn công bằng đại bác vào các chiếc ghe bọc sắt và được võ trang hùng hậu chạy sát bờ biển dưới sự che chở của các ổ trọng pháo được đặt khuất trong rừng. Cả hai bên đều tổn thất nặng. Mặc dầu cơ nguy thường trực phải thấy chiến thuyền mong manh của mình biến thành cây đuốc bởi ngay cả một viên đạn nhỏ, các thủy thủ đoàn Mỹ đã chứng tỏ có rất nhiều hùng khí có thể so sánh ở mọi điểm với tinh thần đối phương.
Các trận đánh được lập đi lập lại này thường kết thúc với kết quả là huề. Một chiếc ghe buồm bị chặn lại, nhiều chiếc khác vượt qua được. Được tiếp tế đầy đủ vũ khí cũng như thực phẩm, các toán quân phòng vệ Munda còn có thể đứng vững lâu dài và bắt đối phương phải trả giá đắt cho mạng sống của họ.
Ngày 20 tháng 7 năm 1943, lực lượng 30.000 quân của Helster vẫn luôn luôn bị kẹt cứng cách phi trường vài cây số. Điên tiết vì sự chậm trễ này, Ngũ giác đài liền cách chức Helster và cử Thiếu tướng Clayton Vogel thay thế. Biện pháp vừa bất công vừa vô hiệu chỉ mang lại một yếu tố mới cho căn bệnh trong đoàn quân đổ bộ mà thôi.
Tuy vậy ngày 30 tháng 7, nhờ chiến xa cách quân bên trái tiến dọc theo bờ biển đã trông thấy được vườn dừa viền quanh Munda. Nhưng cuộc tiến quân trong rừng thì được đếm từng thước. Để trả lời một viên Đại tá chỉ cho các binh sĩ dưới quyền phi trường Munda và nói với họ: “Các anh thấy kia! Chỉ còn cách 4.000 bộ theo đường chim bay”, một chiến binh kỳ cựu nói: “Phải rồi, nhưng... chúng ta đâu phải là chim”.
Ba ngày sau, rốt cuộc tin mừng đầu tiên đã được đưa đến: các tiền sát viên đi kiếm đoàn quân từ phía bắc đến đã tiếp xúc được với nó rồi. Hôm qua ngày 3 tháng 8, hai cánh quân tiếp hợp được với nhau, phi trường bị bao vây.
Tướng Hykutaké lúc ấy hiểu rằng kháng cự là vô ích, và vì lẽ giờ đây quân sĩ của ông đã đồn trú vững chắc tại Kolombangara dưới sự che chở của không lực đặt căn cứ tại Vila, ông ra lệnh cho Sazaki di tản khỏi Munda. Đoàn quân trú phòng chỉ còn lại 6.000 rút lui từng toán nhỏ và vượt qua được eo biển mà không làm kinh động địch quân. Ngày 5 tháng 8, quân Mỹ tiến vào phi trường không gặp kháng cự. Chỉ hai ngày cũng đủ cho các đơn vị Seabees sửa sang lại phi trường, nhưng các ổ đại liên địch còn hoạt động trên các cao điểm kế cận và phải mất hai ngày chiến đấu mới bắt chúng im lặng được.
Trong khi các binh sĩ bất khuất phòng vệ phi trường Munda chờ chết trong các hầm trú ẩn của họ, thì một biến cố đã xảy ra suýt làm dòng lịch sử thay đổi bằng cách làm thiếu mất một vị Tổng thống tương lại của Hoa Kỳ. Một trong các khinh tốc đỉnh thuộc nhóm Kelly, chiếc PT 109, được chỉ huy bởi con trai một nhà triệuphú tên là John Fitzgerald Kennedy. Đấy là một lực sĩ từ bé đã quen thuộc với các môn thể thao dưới nước. Trong đêm 2 rạng ngày 3 tháng 8 năm 1943, chiếc PT 109 tuần tiễu trong eo biển Blackett với bốn chiếc khinh tốc đỉnh bạn để chặn một đoàn công voa nhỏ mà các nhân viên Coast Watchers báo hiệu đến gần. Đêm tối đen và các khinh tốc đỉnh phải chạy chậm để khỏi bị khám phá vì các luồng sóng sau tàu.
Vào khoảng 1 giờ sáng, đột nhiên, Kolombangara như một khối đen sậm được chiếu sáng về bên phải.
Đạn chiếu sáng, súng nổ rồi im lặng trở lại. Cuộc báo động này đã làm các hạm trưởng xao lãng trong một chốc lát việc lưu ý đến nhau và một cơn mưa rào nhiệt đới làm họ mất hút bóng dáng chiếc tàu bạn chạy kế cận. John Kennedy tiếp tục hải trình một cách hoàn toàn đơn độc. Mọi người trên chiếc PT 109 quan sát chân trời qua ống dòm để tìm lại chiếc tàu bạn gần nhất. Sau vài phút chờ đợi đầy lo âu, một trinh sát viên đêm báo hiệu có một bóng đen bên phải. Kennedy bẻ tay lái để áp lại gần nhưng thấy ngay đó không phải là một khinh tốc đỉnh mà là một chiến hạm lớn hơn nhiều đang xông đến hết tốc lực.
“Chuẩn bị phóng thủy lôi! Chạy thẳng hết tốc lực” ông thét trong loa truyền âm và bẻ hết tay lái... Quá chậm! Một sự đụng chạm ghê rợn làm rung chuyển chiếc PT 109 lúc đó bị lật nghiêng trên mặt biển. Mũi một khu trục hạm Nhật đang cắt nó ra làm hai làm lửa bắn tung toé. Xăng bắt đầu cháy đàng sau. Thế là hết! Mọi người nằm sát bất động phía trước mũi tàu, bị sức chạm làm ngã lộn nhào, chờ đợi tiếng nổ. Nhưng một phép lạ đã xảy ra: chiếc khu trục hạm đã chạy qua và sự chuyển động các chong chóng quạt nước đã nhận phần sau của chiếc khinh tốc đỉnh xuống nước và nó bị chìm ngay tức khắc. Phần phía trước còn nổi và thủy thủ đoàn sau khi hoàn hồn liền kiếm vài miếng ván để làm một chiếc bè nhỏ. Kennedy lao xuống biển để vớt hai cơ khí viên đang còn nổi trên mặt biển mặc dầu bị phỏng nặng. Ông đưa họ bơi dọc theo xác tàu và cho thả bè xuống nước. Đã đến lúc phải di tản khỏi chiếc PT 109 vì nó đang chìm nhanh dưới sóng biển.
Chiếc bè trên đó có những người bị thương trôi theo gió, do các người còn mạnh bơi dưới nước đầy đỉ. Khị họ đến được một hòn đảo san hô tí hon thì trời vừa sáng. Mọi người mệt nhoài nằm sóng sượt xuống đất và uống nước dừa để lại sức. Đến tối Kennedy phục hồi sức khỏe và mặc dầu xương sống đau tàn nhẫn, ông quyết định lội về phía eo biển Ferguson mà ông tin là rất gần đó, hy vọng gặp một chiếc khinh tốc đỉnh đang đi tuần, vì ông biết rằng ai cũng nghĩ là ông đã chết và chẳng ai lại có ý tưởng đến tìm kiếm ông trên hòn đảo san hô hẻo lánh ấy.
Một cuộc bơi lâu dài trong cuộn sóng biển quả là một nỗi thống khổ thật sự. Ông lội suốt đêm. Đến sáng vẫn không thấy có một khinh tốc dỉnh nào. Sau một thời gian chờ đợi rất lâu trên một tảng đá ngầm có mũi nhọn sắc như dao, Kennedy quay trở lại đảo san hô của mình. Nhưng lần này dòng hải lưu chảy ngược chiều ông bơi. Sau khi lội suốt đêm mà gần như không tiến lên được, ông kiệt sức phải dừng lại trên đảo san hô đầu tiên nào đó được gặp. Phải mất hai mươi bốn giờ mới lấy lại sức và một ngày lội nữa mới gặp lại các bạn đồng hành. Ông được tiếp đón bằng một tiếng hoan hô vang dội và ngạc nhiên thấy những người bản xứ đứng chung quanh các bạn, những người bản xứ này dường như biểu lộ ý tốt. Họ để lại cho các nạn nhân đắm tàu một chiếc xuồng độc mộc, và Kennedy giao cho họ một điệp văn khắc bằng dao trên một chiếc vỏ dừa để trong trường hợp đang lưới mà họ gặp được một chiến hạm Mỹ.
Đêm đến, vì hy vọng một cuộc gặp gỡ như thế rất mong manh, Kennedy cùng sĩ quan phụ tá ra đi trên chiếc xuồng để đến eo biển Ferguson một lần nữa. Chiếc xuồng quá nhẹ và các tay chèo thì vụng về. Sau hai giờ đường, xuồng bị chìm và một lần nữa hai sĩ quan phải quay trở về bằng cách lội ngược dòng hải lưu. Nỗi thống khổ còn tệ hơn lần trước. Hai chàng trai trẻ, kiệt sức và run lập cập vì bị sốt, đặt chân lên một tảng đá ngầm. Phải mất hai ngày nữa họ mới về đến hòn đảo của mình, và lần này họ quyết định đưa tất cả mọi người đến một đảo san hô ít hẻo lánh hơn. Chiếc bè nhỏ được tăng cường thêm một chút được hạ thủy cùng với các thương binh, và cuộc thiên di bắt đầu trong những điều kiện khổ nhọc nhất. Bình minh ngày 7 tháng 8, trong khi các kẻ bị đắm tàu kiệt sức bắt đầu tuyệt vọng, thì nhièu xuồng của dân bản xứ cặp vào bãi biển đao san hô mới của họ. Một người Mélanésien chìa cho họ một tờ giây. Trên đầu có ghi một địa chỉ hết sức mơ hồ:
“Gửi cho người có cấp bậc cao nhất còn sống sót của chiếc PT 109”
Nhưng văn bản tiếp theo đó thì vang dội như đoạn kết của một chuyện thần tiên:
“Những người mang điệp văn này có nhiệm vụ đưa anh đến Wana Wana để tổ chức việc hồi hương cho thủy thủ đoàn của anh”.
Ký tên:
Trung úy Evans. Coast Watcher tại Kolombangara.
Vài ngày sau, trong khi trung úy John F.Kennedy cùng các thuộc viên chờ đợi tại Guadalcanal để được hồi hương, thì Evans và Josselyn xin các nhà chức trách cho họ từ chức Coast Watchers, trong cuộc cút bắt ghê rợn được thực hiện trên các đảo để tìm kiếm các binh sĩ Nhật cuối cùng, quân Mỹ đã oanh tạc các làng bản xứ và bắn cầu may vào rừng rậm, tàn sát tất cả những gì cử động. Hai người Úc không thể nào chịu đựng được sự hổ thẹn khi thấy những chiến sĩ nhỏ con đầy can trường đã giúp đỡ họ nhiều biết bao nhiêu trong suốt cuộc chiến, bị gục ngã gần như dưới mắt họ.
Cuộc đời trôi qua như thế, chiến tranh tiếp diễn như thế, qua những con đường lót bằng xương máu chiến sĩ vô danh, viền hai bên là những gương anh hùng không tên tuổi. Và giá như sự tình cờ đã không làm cho một vị trong các vị anh hùng của cuộc mạo hiểm ấy trở thành Tổng thống Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, thì có lẽ chẳng bao giờ có ai nghe nói đến nó nữa.