1923 -Hội "Như Tây du học" của các quan -Thanh niên Nam-Trung-Bắc du học ngoại quốc từ năm 1900 đến 1930 -Con gái Quan Thượng Thư đi du học ở Paris về, lấy tên Tây, ghê tởm nước mắm, và không biết cầm đũa ăn cơm. -Con vua bằng đồng, mừng lễ Tứ-tuần Vua Khải Định "Đại Nam Hoàng Đế" -20 thanh niên khiêng con voi ra Huế -Cả tỉnh chỉ có 4 cô nữ sinh lớp Nhất, học chung với con trai. -Cô học trò 16 tuổi, xưng "con" với Thầy giáo 20 tuổi. -Phụ nữ đứng đắn ở Bắc chỉ mặc quần đen để phân biệt với bọn gái điếm quần trắng -Y phục phụ nữ Bắc - Trung - Nam. Các quan Thượng Thư của triều đình Huế nhận thấy rằng các trường Sơ học, Tiểu học và Cao đẳng tiểu học (#1) ở khắp ba kỳ, và ngay đến cả trường Cao đẳng Đông Dương ở Hà Nội, chỉ đào tạo các thanh niên trí thức vừa đủ khả năng làm việc cho nha hành chánh thuộc địa trong xứ, chứ không thể học lên cao được nữa, bèn lập ra một hội tên là "Như Tây Du Học Hội" để tuyển lựa một số thanh niên học sinh, cấp học bổng cho đi du học bên Tây. Cũng như ngày nay chính phủ cấp học bổng cho một số học sinh du học hải ngoại vậy. Dưới thời thực dân phong kiến, những thanh niên được may mắn xuất ngoại đều là con cháu của các cụ Thượng Thư các Bộ, hoặc trong gia đình bên nội hay bên ngoại. Hoặc là con của các Quan Tổng Đốc, Tuần Phủ, có thần thế "có chưn trong chưn ngoài ", nhờ các cụ Thượng-thơ và các quan Tây gửi gấm, hoạ may mới được đi Tây học. Các "ông lớn " đã giàu có, phần nhiều con cháu của các ông lại học kém thua con nhà bình dân, trung lưu, nhưng họ vẫn được cấp học bổng đầy đủ, có khi dư dã, để sang Pháp học. Họ học về văn minh tiến bộ thì ít mà học cách ăn chơi xa xí thì nhiều. Ấy là nguyên nhân cho ta hiểu vì sao cùng một lúc thanh niên Nhật và Ấn Độ du học bên Âu-Tây mà khi thành tài sau mấy năm chuyên cần học hỏi, họ đem về tất cả những khả năng kỹ thuật mới lạ, những bí quyết văn minh khoa học để mở mang kinh tế, kỷ thuật của xứ sở họ, không kém thua các nước Tây phương bao nhiêu. Còn du học sinh An-Nam đi Tây năm sáu năm trời, chỉ đem về một mớ kiến thức đủ làm công cho người Pháp ở thuộc địa mà thôi. Người ta có thể đếm trên đốt ngón tay số thanh niên An-Nam đi du học bên Pháp "thành tài" trở về quê hương trong thời gian từ 1900 đến 1930, cả ba kỳ, Nam,Trung,Bắc. Vài ba ông kỷ sư Cầu Cống, kỷ sư Canh Nông, theo dân Tây, lấy vợ Đầm, hoặc chủ trương một đường lối chính trị úp mở, vì quyền lợi cá nhân hơn là quyền lợi Tổ Quốc, Dân Tộc. Một số Bác sĩ Y-khoa, năm bảy ông Tiến sĩ Luật-khoa, vài ba ông Cử nhân, Tiến sĩ văn chương. Người ta không thấy những ông ấy làm được một việc gì ích quốc lợi dân cả. Họ không để lại được một thành tích gì vẻ vang cho xứ sở. Trừ ra một nhóm vài ba sinh viên ở Nam kỳ đi Tây về hoạt động Cách Mạng, gây ra phong trào sôi nổi, chứng tỏ tinh thần quật khởi của Dân Tộc, còn thì bao nhiêu sinh viên khác chỉ lo Vinh Thân Phì Gia, chẳng góp được một phần xây dựng nào cho xã hội đang vươn lên với văn minh thế giới. Hầu hết thế hệ thanh niên "Như Tây Du Học" của thời Pháp-thuộc, chẳng đem về cho Đất Nước một tiến bộ nào xứng đáng. Trái lại, người ta đã thấy biết bao nhiêu những điều lố lăng nhục nhã cho đám thanh niên du học ở Pháp về nước, phần nhiều là VONG BỔN. Một buổi sáng thứ Hai, niên khoá 1924-24, Tuấn-em ngồi học trong lớp Nhất, giờ luận Pháp văn, do chính ông Đốc học Phạm văn Mỗ dạy. Bỗng anh cai trường đứng ngoài cửa lớp, lễ phép nói với ông Đốc: - Dạ bẩm quan, có cậu Ấm con trai cụ Tuần-vũ, đi Tây về, đến thăm quan. Ông Đốc học ỷ mình là cựu sinh viên trường Cao đẳng Đông Dương Hà Nội, và hiện làm quan Đốc học tại tỉnh, một bậc thượng lưu trí thức nào có kém ai, nên ông tỏ vẻ ganh ghét cậu Ấm, con quan Tuần-vũ, học bên Tây về đã chắc gì hơn ông. Nhưng không lẽ không tiếp, ông bảo người cai trường: - Cho người ta vào. Trò Tuấn thấy một chàng thanh niên mặc đồ Tây, tóc chải láng mướt, mang giầy tây đen bóng, không kém gì ông Đốc đeo nơ đen dính vào cổ áo sơ mi dài kín cổ, còn cậu Ấm đi Tây về lại mặc áo sơ mi hở cổ và đeo chiếc cà-vạt (cravate) nơi giữa ngực. Ông Đốc chào bằng tiếng Tây: - Bonjour! Cậu Ấm mỉm cười vồn vã chào lại cũng bằng tiếng Tây: - Bonjour, Monsieur le Directeur... Je suis enchanté de faire votre connaissance... (Tôi hân hạnh được làm quen với ông) Ông Đốc gật đầu vài cái: - Moi aussi (tôi cũng thế). Qu'est ce-que vous avez fait en France? (anh đã làm gì ở bên Pháp?) Hình như câu hỏi này làm chột dạ cậu Ấm con quan Tuần, nhưng cậu cũng loè lại ông Đốc: - J'ai été dans une Ecole Supérieure à Paris. (Tôi đã học trong một trường Cao đẳng ở Ba-Lê) - Oui, mais... qu'avez-vous comme diplôme? (Ừ, nhưng mà... anh đã đỗ bằng cấp gì? ) - Je suis ingénieur de canne à sucre. (Tôi là kỹ sư mía ). Ông Đốc cười ngạo nghễ. "Kỹ sư Mía" là kỹ sư quái gì? Làm gì có trường Cao Đẳng Kỹ Sư Mía ở Paris? Thế rồi ông Đốc cắt ngang câu chuyện: - Bon, je vous remercie de votre visite. Je n'ai pas le temps de vous recevoir plus longuement, je regrette. (Thôi, được rồi, tôi cám ơn cậu đến thăm tôi. Tôi không có thì giờ tiếp chuyện lâu, tôi rất tiếc ). Hai người gật đầu chào nhau, rồi cậu Ấm Kỹ sư Mía cầm ba-toong đi ra. Cậu vừa ra đến sân, thì ông Đốc nói với học trò: - Cái thằng ấy đeo cravate theo kiểu lãng mạn Pháp hồi thế kỷ mười chín. Nó nói nó đỗ kỹ sư Mía là nó nói láo. Tao nghe quan Công Sứ nói rằng cha nó là quan Tuần-vũ đang xin xỏ với Triều đình An-nam cho nó làm Tri-huyện. Tuấn về nhà học lại với anh nó câu chuyện cậu Ấm con quan Tuần đến lớp học thăm quan Đốc. Phán Tuấn cười bảo: - Anh chàng ấy có đến thăm ông Sứ, và nhờ ông Sứ tiến cử cho một chổ làm. Ông Tuần cũng có "vận động" với ông Sứ và ông Phó Sứ nhưng ông Sứ bảo anh rằng cậu ta không đỗ bằng cấp gì cả, chỉ biết nhảy đầm là giỏi. Có lẽ ông Sứ sẽ viết thư ra toà Khâm, đề cử cậu Ấm làm sở Mật-thám ở Huế. Cũng năm ấy, trò Tuấn nghe người ta đồn có cô con gái lớn của một quan Thượng-thơ ở Huế, nhưng quê quán tỉnh nhà, đi du học bên Tây cũng vừa về. Ở Pháp, cô đã nhập tịch dân Tây, 22 tuổi chưa có chồng, và lấy tên tây là Anna. Vì ở cùng làng, nên trò Tuấn tò mò muốn đến xem mặt. Trưa, tối, hoặc chủ nhật và thứ năm, nghỉ học, Tuấn thường chạy tới dinh cụ Thượng-thư xen lẫn với đám con nít kéo vào nhà bếp cụ Thượng để xem mặt cô Anna. Tuấn thấy sao, về học lại hết cho cha mẹ và anh Hai của nó nghe. Nó bảo: - Cô Tỳ-Ty ( tên hồi còn ở nhà ) mới qua Tây có ba năm mà bây giờ về nhà, cô ăn cơm không được. Mẹ ơi, bà cụ phải mua bánh tây cho cô ăn. Cô cầm đũa theo kiểu An-nam mình cũng không được nữa, anh Hai à! Thím Ba vừa nhai trầu, vừa cười, hỏi: - Con thấy cổ ăn bằng gì? - Cô cầm cái gì mà Tây gọi là cái fourchette đó, với con dao tây. Cổ cắt bánh tây theo kiểu tây mẹ à! - Bánh tây là bánh gì? Nó ra sao? - Là bánh mì đó. Tây gọi là pain. - À, "panh" là bánh đó hả? Cổ cắt bánh theo kiểu tây là cắt cách sao? - Cổ cầm con dao cắt ngược từ ngoài cắt vô, từ dưới cắt lên, chứ không phải như An-nam mình từ trong cắt ra, từ trên cắt xuống dưới. - Cổ ăn bánh tây với gì? - Bà vú Hai dọn cơm có chén nước mắm, cổ la om sòm, cổ bịt mủi, nói cái này thúi, cổ không chịu được, cổ hất chén nước mắm ra ngoài sân. Cổ ăn toàn đồ tây, mua tận ngoài Huế, đem về mẹ ơi! Ông Ba, ( tức là chú Ba thợ mộc ) hồi Phán Tuấn còn đi học, hỏi Phán Tuấn: - Cô Hai đi Tây học đỗ tiến sĩ chưa con? - Con có xem hồ sơ của cổ ở toà Sứ, cổ thi đậu Brevet Supérieur. Bằng cấp ấy ở bên ta không có. Đỗ bằng ầy sẽ được làm giáo sư dạy trường Quốc Học Huế. - Nếu con đi tây, thì con cũng đỗ bằng ấy chứ gì? - Dạ, nhưng nhà mình nghèo, mình chịu thấp kém hơn họ. Nhờ cổ là con quan thượng thơ, nên cổ là người con gái đầu tiên được nhà nước cho học bổng du học bên Pháp, đỗ bằng Brevet Supérieur, và làm giáo sư dạy collège. Nhưng bây giờ cổ là dân tây, chớ không phải An-nam nữa, cho nên cổ theo nếp sống của người Tây... Nghe người ta đồn cô Anna, con gái quan Thượng thư đi du học ở bên Pháp có 3 năm mà về nước đã quên hết "tiếng An-nam", Phán Tuấn không tin. Nhưng hàng ngày, Phán Tuấn được bà con trong tỉnh nói lại - những người đã được nghe rõ ràng cô Hai "nói tiếng Tây như Đầm" và quên hết "tiếng An-nam" - Tuấn định chờ một cơ hội gặp cô Anna để xem lời đồn đãi của thiên hạ đúng thật hay không? Một buổi sáng thứ hai, Tuấn đang ngồi làm việc nơi bàn giấy toà Sứ, thì cô Anna bước vào. Tuấn lễ phép đứng dậy: - Chào cô, cô đến có chuyện chi? Cô Đầm An-nam trố mắt ngó Tuấn, hỏi lại bằng tiếng tây: - Qu'est ce-que vous dites? ( Anh nói cái gì? ) Tuấn điềm nhiên hỏi: - Thưa cô, cô muốn gặp ai? - Voulez-vous parler Francais? Je ne comprend pas l'Annamite. ( Anh hãy nói tiếng Tây cho tôi nghe. Tôi không hiểu tiếng An Nam ). Tuấn cười: - Ah! Pardon! Vous êtes Francaise? (À!..xin lổi cô, cô là người Pháp? ) - Oui, je veux voir monsieur le Resident. (Phải, và tôi muốn gặp Quan Sứ ). Một giờ sau, cô Anna ra về, ông Sứ gọi Phán Tuấn vào văn phòng của ông, và khen cô Anna nói tiếng Pháp y như giọng một cô Đầm ở Paris ông thuật lại cho Tuấn nghe lời cô Anna vừa mét với ông rằng lúc nãy cô mới đến nghe Tuấn nói "tiếng An-nam", cô không hiểu gì cả... Rồi ông Sứ hỏi Tuấn: - Quả thật cô Anna quên hết tiếng An Nam rồi sau? - Dạ, chính cô ấy cũng vừa nói với tôi như thế. Ông Sứ ngồi trầm ngâm một lát, rồi nhún vai, nhìn Tuấn: - Tôi không hiểu cô gái Annam sinh trưởng ở đất Annam từ nhỏ cho đến 19 tuổi, sang Pháp chỉ ở có ba năm, lúc trở về không nói được tiếng mẹ đẻ của nó nữa, chuyện ấy làm cho tôi ngạc nhiên lắm. Anh có hiểu ra làm sao không? - Dạ không. - Có hai lẽ, một là tiếng an-na-mít là một thứ tiếng rất tồi, hai là cô Anna là một người An-na-mít rất tồi. Để kết luận, ông Sứ cười hỏi Tuấn: - Còn anh Tuấn, khi anh nói tiếng Pháp với tôi, anh có quên tiếng an-na-mít không? Tuấn mỉm cười, xấu hổ, không trả lời. Năm 1923, các quan Annam ở tỉnh Q. điều khiển một con voi bằng đồng, để gửi ra Huế dâng lên vua Khải- Định trong dịp Tứ-tuần của ông vua này. Nơi đúc là khu vườn hoang của Kho tỉnh, ngay trước trường học, phía bên kia đường cái, sau một bức tường dài vuông vức bao bọc chung quanh Kho. Tuấn-em, cũng như số đông học trò, mê xem công việc này lắm. Buổi sáng, buổi chiều, Tuấn-em thường đến thật sớm trước giờ học, và trong các giờ chơi, Tuấn rủ một bọn học trò cùng lớp, chạy qua Kho để xem đúc tượng voi. Không biết các đồ đồng lấy ở đâu mà nhiều thế! Nồi đồng, mâm đồng, chảo đồng, lư đồng, bỏ vào bốn năm cái chảo lớn, nấu thường xuyên trên một đống củi cháy hừng-hưc, suốt mười ngày đêm, cho đến khi đồng chảy ra để đỗ vào khuôn. Khuôn voi bằng đất sét, do một ngươi thợ hồ Việt Nam xây lên, giống hình con voi, nhưng không đẹp tí nào cả: chân cẳng, thân hình, đầu và đuôi, đều thẳng cứng, cái vòi cũng chỉa ra ngay đơ, hai tai thì nhỏ, cái bụng thì bự. Tuấn-em tò mò hỏi mấy người thợ đúc, mới biết rằng các đồ đồng dùng nấu để đúc tượng voi là do các làng xã thâu nhặt của dân chúng, theo lịnh quan tỉnh và các quan phủ, huyện. Sự thực thì các quan thâu góp của dân nhiều đồ đồng lắm, nhiều gấp ba, gấp bốn số đồng để đúc tượng voi, nhưng các quan lớn lấy bớt một phần, các quan nhỏ lấy một phần. Còn lại bao nhiêu đút trong kho để đúc tượng, có lính lệ canh giữ. Một đêm tối trời, một chị đàn bà ăn ở gần đây lẻn lấy trộm được một chiếc nồi đồng bị bắt quả tang. Lính dẩn chị qua dinh Quan Án, quan truyền lịnh đánh chị mười roi, rồi đem giam bên nhà Lao. Tượng voi đúc một tháng mới xong, và phải đúc đi đúc lại ba lần, vì hai lần bị hỏng. Lần thứ nhất con voi không có vòi, vì đồng chảy không đều. Lần thứ hai có vòi, hai ngà, bốn chân, có cả đuôi lớn bằng chiếc đủa, nhưng trên đầu con voi bị sứt một cái tai, nên quan Tuần truyền lịnh đúc lại. Lần thứ ba này, các người thợ phải nấu một nồi xôi, mua một nãi chuối, một bình rượu và đèn hương, cùng cái miểu thờ Thổ thần nơi góc vườn Kho. Tuấn-em có tính tò mò,cái gì cũng muốn coi, chuyện gì cũng muốn biết, cho nên nó chạy theo ông thợ Cả cúng thần. Nó lễ phép vòng tay đứng dựa vào cột miếu,nghe ông thợ cả khấn vái như sau đây: - Con được lệnh của quan Tuần-vũ khuya nay phải đúc cho xong tượng voi đồng để kịp ngày đưa ra Huế dâng lên Đức Đại Nam Hoàng Đế, để mừng lễ khánh thọ Tứ-tuần của Hoàng đế. Vậy con lại xin Thổ- địa linh thần gia hộ cho con đúc tượng voi được hoàn thành, viên mãn, kẻo có tội với Đại Nam Hoàng đế. Cúng lạy xong, ông thợ lấy hai đồng tiền kẽm, một mặt tiền bôi vôi, một mặt không, khẻ thả rõi hai đồng tiền xuống mặt đia sành để gieo quẻ, xem Thổ-thần có ưng thuận và chứng minh cho không? Nếu tiền rơi xuống đĩa một đồng ngửa (có bôi vôi ) và một đồng xấp ( không có vôi ) tức là Thần bằng lòng. Nếu trái lại cả hai đồng tiền đều ngửa hết hoặc sấp hết, tức là Thần nhất định phá phách việc đúc tượng voi đồng dâng lên vua Khải- định. Chẳng may, khi ông thợ cả gieo quẻ thì cả hai đồng tiền đều nằm sấp. Gieo lại lần thứ hai, hai đồng tiền đều ngửa. Gieo lần thứ ba, hai đồng tiền nhảy tung ra ngoài đĩa, rớt xuống đất. Ông thợ cả rầu -rĩ muốn khóc lên được. Theo lệ gieo quẻ, quá lắm là ba lần, được hay không cũng thôi, chứ không ai gieo lần thứ tư. Ông thợ Cả nhất định xin quẻ lần thứ tư và lạy lục Thổ thần thiếu điều gãy xương sống. Lạy xong, ông cầm cây đèn nến, cúi xuống soi kiếm hai đồng tiền, nhưng chúng văng vào khe tường nào, hay nấp trốn trong bụi cỏ, lùm cây nào, ông và bốn ngườì thợ đúc lụi cụi tìm mãi không ra. Các ông thợ đành bưng xôi, chuối và cầm bình rượu đi. Ông thợ Cả lẩm bẩm nói với bốn anh thợ phụ của ông: - Cái ông Thần Thổ- địa này cứng đầu cứng cổ thật. Tượng voi đúc để dâng lên vua, mà ổng cứ theo phá phách mãi, đó là phạm tội khi quân, chứ không phải giởn à! Rốt cuộc cái tượng voi cũng đúc xong nội trong đêm ấy. Con voi không đẹp, nhưng cũng may không bị sứt vòi, sứt tai chi cả, xem cũng ra vẻ con voi! Rồi các bạn có biết, con voi đồng ấy phải chở đi bằng cách nào không từ tỉnh ra Huế? Quan An-nam truyền lệnh thợ mộc đóng một cái củi to tướng bằng gỗ, kín mít chung quanh, để đựng con voi. Rồi các làng sở tại phải bắt 40 thanh niên, họp thành hai đoàn, mỗi đoàn 20 thanh niên thay phiên nhau mà khiêng món quà kết -xù ấy đi bộ ra đến Huế! Hôm lễ Tứ-tuần cuả Khải Định, ông vua chê cái tượng voi xấu-ỉnh. Xấu là tại nó bằng đồng. Giả sử nó bằng vàng thì dù cho nó sức đuôi mẻ vòi, chắc "Đức Đại Nam Hoàng đế" cũng khoái chí tử! Tuy vậy, các quan An-nam chủ tỉnh cũng được vua ban cho một số tiền để thưởng cho mấy "thằng thợ đúc". Nhưng mấy "thằng thợ đúc" có được hưởng đồng tiền của vua hay không. Tuấn-em không biết. Còn 40 cậu thanh niên lực lưỡng khiêng con voi đồng từ tỉnh ra đến kinh đô để mừng vua hưởng thọ 40 tuổi, thì phải đem tiền nhà theo để xài. Hết tiền, bốn cậu ở lại đất thần kinh làm nghề cu-li xe kéo cho các quan, còn 36 cậu đưọc đi xe lửa về đến Tou-Ranh ( Đà Nẳng ), rồi từ Tou-ranh đi bộ về tỉnh, trên mấy trăm cây số. Niên khóa 1923-1924, Tuấn -em đã học lớp Nhất. Trường nữ học chỉ có đến lớp Nhì, và ở cách biệt trường Nam. Cả tỉnh, lần đầu tiên mới có 4 cô nữ sinh học lớp Nhất, cho nên phải học chung với tụi con trai ở trường Nam. Bốn cô cùng dãy ghế đầu trong lớp, ngay nơi cửa vào: cô Dư, cô Ánh-Tuyết, cô Yến-Tuyết, cô Tỷ. Tuấn-em ngồi dãy ghế thứ hai, sau lưng cô Nguyễn thị Dư. Cùng một dãy ghế với Tuấn, có Hường, Ái, Tế. Tế là con một quan Phủ nên có vẻ làm nghiêm, còn Hường, Aí, Tuấn, thì chính ba cậu không ngồi dẫy ghế này, vì họ thích ngồi ở phía sau, ở cuối lớp, để thỉnh thoảng lén thầy, ăn kẹo hay lánh mặt trong những hôm không thuộc bài. Nhưng tại vì hôm nhập học trong lớp Nhất có 40 trò con trai, trò nào cung mắc cở không chịu ngồi gần các cô con gái, thành ra dãy sau lưng 4 cô gái bị bỏ trống. Thấy thế, thầy giáo bèn lôi cổ ba thằng tinh-nghịch nhất chui trốn ở cuối lớp, đem chúng nó lên ngồi dãy ghế thứ hai, sau lưng mấy cô. Tuấn-em, Hường, Aí ngoan ngoãn tuân lịnh thầy, nhưng trò nào cũng mắc cỡ, đỏ mặt tía tai. Tuổi trung bình của học trò lớp Nhất năm ấy là 14 đến 15 tuổi ta. Đấy là đứa học sinh lớn nhất trong tỉnh. Thế hệ mới, có nhiều triển vọng nhất. Về việc học, có thể nói rằng tất cả đều chăm chỉ, và học trò cũng học thuộc bài, và cố gắng làm bài để khỏi bị thầy cho 'zéro '. Đối với toàn thể học sinh, sự lười biếng, không thuộc bài bị thầy phạt là một cái nhục lớn. Nói đúng ra, bạn bè không ai chê cười mình nếu thầy gọi lên bảng đen, mình trả bài không xuôi, bị ăn trứng gà, nhưng mình tự xấu hổ với lương tâm của mình vì cả lớp đều học thuộc bài. Về hạnh kiểm, thí dụ có tiếng là tinh nghịch nhất như Tuấn-em, Hường, Aí, cũng chỉ là tinh nghịch đùa dỡn với bạn bè mà thôi, chứ đối với thầy giáo, cả với thầy giáo lớp khác, học trò không bao giờ dám vô lễ, hỗn láo, xấc xược. Có thể nói rằng, học sinh của thế hệ 1920-1940 còn giữ được nề nếp nho phong của học trò chữ Hán, theo đúng phương châm "Tiên Học Lễ nhi Hậu Học Văn". Có điểm đáng chú trọng, là học sinh lớp Nhất vẫn chưa biết gì về chuyện "yêu đương" như một số thanh niên ngày nay. Trái lại, hầu hết hình như là "sợ" con gái, và học trò trai ở lớp Nhất vẫn goị 4 cô nữ sinh cùng lớp bằng "chị" mặc dầu cùng lứa tuổi. Gần Tết bỗng dưng có một thầy giáo mới đổi tới dạy riêng về Pháp-văn cho lớp Nhất. Thầy này người Huế, vừa mới đỗ "diplôme", còn trẻ măng, tuổi chừng 18, 19. Thầy đẹp trai, thường mặc áo xuyến đen, quần thật trắng, và ủi thật phẳng nếp, có vẻ bảnh bao lắm. Thầy hiền lành nhưng Tuấn-em để ý thầy không bao giờ dám ngó bốn cô nữ sinh, và thầy không khi nào gọi bốn cô nữ sinh lên bảng trả bài. Mỗi lần thầy vào lớp, mặt thầy tự nhiên đỏ bừng. Thầy bẽn-lẽn ra chiều bối rối. Để giữ uy quyền của nhà mô phạm, thầy làm nghiêm với học trò con trai, không bao giờ thầy cười hay nói đùa một câu với học trò. Ấy thế mà 4 cô nữ sinh lại sợ thầy như sợ cọp! Một lần, trong kỳ thi lục cá nguyệt, buộc lòng thầy gọi các cô lên bảng để thi bài khẩu vấn. Cô Dư bối rối không trả lời được. Thầy nghiêm trang hỏi: - Cô không học bài? Cô vừa run vừa đáp: - Dạ thưa thầy, con có học, nhưng tự nhiên con quên. Học trò trai bụm miệng, không dám cười to, học trò gái cúi đầu lấy quyển vở che mặt. Thầy giáo không hề nhếch môi. Thầy nói tiếng Pháp đuổi cô Dư về chổ vì cô không thuộc bài văn phạm: - Allez-vous-en! Vous ne savez pas votre leçon de grammaire. (Không thuộc bài. Về chỗ) Rồi thầy tặng cô con zéro tròn vo trong sổ điểm. Lúc ra về, Tuấn-em theo sau cô Dư, nghe cô thút-thít. Mặc dầu có nghiêng chiếc nón bài thơ để che mặt. Tuấn cũng thấy cô thỉnh thoảng lấy tà áo dài trắng đưa lên lau mấy giòng nước mắt lặng lẽ tuôn trên đôi má hồng đào... Các cô đều 16 tuổi, nhưng xác đã lớn, và vẫn xưng "con" với thầy giáo 18,19 tuổi, vì kính trọng thầy. Nói cho công bằng, không phải riêng thầy giáo trẻ này là làm nghiêm với các cô học trò lớp Nhất, mà tất cả các thầy giáo đều nghiêm. Tất cả bốn cô sợ thầy, chính vì thầy là Thầy Giáo. Có điều nên nói để khen tặng các cô nữ sinh thuở ấy: "tuy là sợ thầy nhưng các cô vẫn kính mến thầy, chớ không phải thù ghét." Trước khi nghỉ hè, thầy giáo trai trẻ được lệnh đổi đi tỉnh khác, học trò lớp Nhất kéo nhau đến nhà thăm thầy để chào tiễn biệt. Bốn cô cùng đến với đám học trò trai. Thầy tiếp niềm nở, hôm ấy thầy rất dễ thương - và khi thầy nói mấy lời từ giã, bốn cô đều cảm động, rưng rưng hai ngấn lệ. Chính cô Dư đại diện cho ba cô bạn, thưa với thầy: - Thưa thầy, chúng con xin kính chúc thầy lên đường bình an mạnh giỏi... Thầy khẽ cúi đầu đáp lễ. Hôm ấy, lần đầu tiên Tuấn-em cảm thấy quý mến bốn cô bạn gái cùng lớp.Tuấn hối hận vì suốt cả năm Tuấn chuyên môn phá phách các cô. Nào là trong giờ chơi, Tuấn ra sân trường tìm bắt những con cóc, con nhái, con trùn, để lẻn vào lớp bỏ trong cạt-táp các cô. Nào là bỏ cục phấn trong bình mực tím của cô Dư hay cô Ánh Tuyết. Ba đứa học trò nghịch nhất trong lớp, lại là ba đứa vào hạng học khá nhất, Hường vẫn đứng đầu, hoặc đứng thứ hai, thứ ba, trong bảng sắp hạng hàng tháng. Ái và Tuấn cũng thế. Có lẽ nhờ học khá, nên mấy trò trai tinh nghịch này vẫn được mấy cô bạn gái mến hơn cả. Tình bạn ngây thơ, vô tội, của đám học sinh thời bấy giờ không có hậu ý gì vẩn vơ, bậy bạ. Tôi đã nói tuổi 16, 17 của thế hệ 1920-1924, chưa biết tí gì về "yêu đương", "mơ mộng". Tâm hồn thanh thiếu niên hãy còn trong sạch, chưa bị tiêm nhiễm, chưa bị cám dỗ, chưa bệnh hoạn, suy đồi. Chỉ có một lần, một câu chuyện "trai gái" của học trò bị đổ bể, làm xôn xao cả trường. Thủ phạm chính là trò A. ở lớp Nhất. Nữ đồng lõa là cô H. con một nhà buôn bán ở phố cửa Tây, mới 16 tuổi. Nhà hai cô cậu này gần nhau. Không biết hai đứa làm quen với nhau hồi nào, mà một đêm, mẹ cô H., vô tình bắt gặp con gái của mình trò chuyện nhỏ to với cậu học trò. Bà lôi cổ con gái về nhà, đánh một trận nhừ tử. Bà lại sang mét với gia đình trò A. Trò A cũng bị một trận đòn nên thân. Hôm sau cả trường đều biết vụ ấy. Toàn thể học sinh đều coi A là một đứa "học trò xấu-xa" và chế nhạo nó. A lại bị thầy giáo mắng, và bị Ông Đốc trừng phạt gắt gao. Thế là câu chuyện "trai gái" của cặp thiếu niên chưa đâu vào đâu đã bị chấm dứt ngay sau khi chàng bị phạt quỳ gối trong hai tiếng đồng hồ trong cửa lớp học. Thế hệ thanh niên 1920-1925 không chú trọng đến vấn đề tình ái cá nhân và không dùng những danh từ "yêu đương", "ái tình", "tình yêu". Ở miền Trung và miền Nam chỉ gọi là "trai gái" với nhau, hay là "phải lòng nhau", thường bị coi như làm một việc tội lỗi, không tốt đẹp, và bị chê cười. Một thanh niên Việt Nam trong những năm 1920-1925 không bao giờ viết thư cho con gái với những câu "anh yêu em ". Họ chỉ viết lén lút "tôi thương cô", đã là quá lắm rồi. Ba chữ rất tầm thường đó đã đã chứa đựng bao nhiêu... mê ly! Tìm trên các tờ báo văn nghệ cách đây 35 năm, chưa hề thấy đăng những bài thơ loại "anh yêu em ", "em yêu anh", "nhớ nhung", "nhung nhớ" tràn ngập như ngày nay. Nhưng nói rằng thời bấy giờ thanh niên không biết yêu, lại cũng không đúng, thanh niên nào mà không biết yêu? Chỉ có khác là tình yêu kín đáo, dè dặt, nghĩa là tế nhị hơn. Không bồng bột sôi nổi, không bộc lộ công khai và không trơ-trẻn. Tình yêu trước đây 30 năm, cũng được gìn giữ kín nhẹm như y phục của thiếu nữ không bộc lộ ranh mãnh, không nửa kín nửa hở, và cũng không khiêu khích. Con gái ở các đô thị xa-hoa Saigon, Hà Nội, Huế... may mặc bằng hàng lụa sang đẹp, nhưng vẫn kín đáo, e-ấp như các cô thôn nữ. Cô Dư, cô Ánh-Tuyết, cô Tạ thị Tỷ, đều là con nhà giàu hoặc con nhà quan. Các cô thuộc giới "văn minh" nhất trong tỉnh và trong xứ. Đến trường, các cô mặc y phục trắng, đen hoặc tím. Chỉ những ngày chủ nhật, hoặc đi đâu, các cô mới mặc màu xanh, màu hồng.Tuấn không thấy bao giờ các cô mặc áo đỏ chói, hay màu vàng. Ngày Tết hay các ngày lễ các cô mặc áo gấm, quần sa-tanh mang giầy thêu cườm. Ở Bắc Việt, phụ nữ mới bắt đầu mặc quần trắng vào khoảng năm 1930 trở về sau. Trước 1930, các bà, các cô đứng đắn mặc toàn quần đen. Về nữ trang, các cô thường đeo kiềng vàng trơn ( đi học cũng đeo kiềng ) và hoa tai vàng. Không bao giờ đeo nhẫn, trừ khi đã có chồng. Các cô đã để răng trắng và tóc quấn trần theo kiểu Huế. Ở Bắc, vấn tóc trong khăn nhung đen, Ở Nam, để búi tóc sau ót. Cổ áo cao một phân, tà áo dài xuống vừa đến đầu gối ( ở Trung ) ; hoặc trên đầu gối 1 phân ( ở Nam ): hoặc dưới đầu gối 1 phân ( ở Bắc ), các cô Hà nội mặc quần ống rộng, ở Huế và các tỉnh miền Trung ống vừa, ở Saigon và Lục tỉnh ống chật hơn, độ hai phân tây. Giày cao gót xuất hiện tại Hà nội và Saigon khoảng năm 1935, nhưng để riêng cho các thiếu nữ đã trưởng thành, theo phép xã giao tân tiến của Âu Mỹ. Nữ sinh các trường và các thiếu nữ dướí 21 tuổi không bao giờ mang giày cao gót.