Hắn lại bước vào 75. Lần thứ hai hắn bước vào 75. Những tưởng không bao giờ quay lại. Cánh cửa sắt mở ra cho hắn bước vào và khép lại nuốt chửng hắn. Những ngày mới bị bắt năm nào chàm vào mặt hắn. Nhưng không giống lần trước bỡ ngỡ, hoảng loạn và tuyệt vọng, lần này hắn như một người trở về chốn cũ. Hơn nữa lần này trở về đây lòng hắn phập phồng hy vọng. Anh Chân, anh cả hắn đã vào trại QN thăm hắn, báo cho hắn biết: - Anh đã gặp ông Trần, giám đốc Sở Công an P., trình bày đề nghị... Ông Trần có nói với anh là chỉ giữ hắn ít ngày nữa cho hắn bớt chủ quan đi thôi, trong năm nay sẽ cho hắn về. ít ngày nữa là nửa năm tù rồi còn gì, từ ngày ông Trần nói với anh Chân. Với lại đến giờ cũng là hết năm rồi. Ông Trần và anh Chân trước đây cùng công tác với nhau. Ông Trần là bí thư huyện ủy, thì anh Chân là huyện ủy viên, trưởng ban quân sự huyện. Hai người đã cùng nhau lặn lội xông pha tổ chức nhân dân, xây dựng cơ sở, đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, diệt ác trừ gian... Tên hai người - đều nằm ở những dòng đầu tiên trong sổ đen của Pháp. Hắn được gặp anh Chân ở phòng khách của cán bộ, không có công an ngồi cùng. Chỉ hai anh em với nhau. Anh Chân nói những vất vả của anh trong khi tìm gặp ông Trần. Nhiều lần, người thường trực đều bảo ông Trần đi vắng. Đón ở nhà. Không gặp. Cứ ngồi ở cửa suốt trưa nắng. Anh còn ghé sát tai hắn: - Lâm, chánh giám thị ở đây hứa với tao sẽ cho chú gặp mặt hai bốn tiếng. - Anh nói khẽ hơn. - Tao mới xin cho nó một cái phiếu xe Favorit. Hắn với anh Chân rất thông cảm, yêu quý nhau. Ngoài tình anh em, còn có một lý do riêng nữa. Anh Chân cũng bị ta bắt tù oan mười tám tháng. Anh cùng mấy chục cán bộ đảng viên khác bị bắt vào cuối những năm chống Pháp trong một vụ nhầm lẫn đau xót. Một tỉnh ủy viên (có quen bố hắn và hay lại nhà hắn) tự tử. Anh Chân bị cùm cả hai chân giữa rừng, dưới một cái mái che. Mỗi người một mái che. Riêng biệt, xa nhau. Đó là xà lim dã chiến. Mỗi người được một nắm cơm to bằng quả trứng, có dùi lỗ cho muối vào. Cứ thế bẻ ăn, không có đũa. Sợ tù lấy đũa đóng vào lỗ tai tự tử. Anh bảo: "Rất ấu trĩ vì ở rừng thiếu gì cành cây. Muốn tự tử lúc nào chẳng được". Điều kinh khủng nhất là một buổi chiều anh thấy có tiếng chân người đi tới. Rồi tiếng nói khe khẽ với người lính gác sau một lùm cây: Đêm nay có tin Tây nhảy dù xuống đây để cứu bọn gián điệp. Lệnh trên: Nếu vậy thủ tiêu". “Nghe đúng là tiếng thằng Thuấn bên Doãn Khê". Hắn cũng biết Thuấn. Một thanh niên rất hăng hái, tham gia cách mạng cùng với anh Chân và rất quý anh Chân. Cả hai cùng vào chiến khu Đông Triều một đợt, cùng về cướp chính quyền ở Thanh Nguyên. Thuấn và anh không tư thù gì nhau. Thuấn chỉ truyền đạt lệnh trên với tất cả lòng căm thù anh, căm thù bọn đã làm tay sai cho giặc, phản bội Đảng, phản bội Tổ quốc. (Nhưng thật buồn cười, chỉ ít ngày sau Thuấn cũng lại bị bắt, bị cùm ở một lán xà lim ngay cạnh lán xà lim của anh, anh nghe rõ tiếng Thuấn bị đánh kêu oai oái). Kbi Thuấn đã đi, anh bị người lính gác trói chặt. Dù vẫn bị cùm. Trói hai chân. Trói hai tay. Lại trói chân giằng lên tay. Anh đã vào sinh ra tử, bị Pháp bắt, tra tấn, anh đã chui theo đường cống, trốn từ căng Máy Chai ra... nhưng chưa bao giờ anh sợ như vậy. Tiếng gió ngàn từ xa làm anh toát mồ hôi: Anh tưởng như tiếng máy bay địch. Một ánh đèn pin của đội tuần tra cũng làm anh nghĩ là ám hiệu dón máy bay nhảy dù. Anh không tin được rằng mình sẽ sống đến sáng hôm sau. Tóc anh bạc từ dêm ấy. Những chuyện đó hắn nghe lâu lắm rồi. Hắn nghe, thích thú như một người viết văn có một chi tiết hay. Vậy thôi. Hắn nghe và bỏ qua. Lúc ấy lòng hắn đang phới phới. Anh Chân bị bắt ở chiến khu Đông Bắc thì hắn đang ở Việt Bắc. Hắn đi thanh niên xung phong. Hắn vào tiếp quản Hà Nội, hát ở đường đôi bên Hồ Hoàn Kiếm. Rồi hắn đi làm báo. Hắn đi viết văn. Hắn về nông trường đầu tiên của đất nước: Nông trường bông Gia Lâm. Hắn dự lễ thông xe tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn mà không biết rằng anh Chân đập đá ở công trường Chẹ... Trong tù, hắn nhớ lại những điều anh Chân kể và trách mình vô tình. Hắn nhớ lại chuyện con tò vò của anh. Cùm hai chân, anh rình con tò vò làm tổ trên mái. Nó bay đi rồi nó tha về một ít đất. Nó nhào luyện đất xây tổ. Anh chờ đến ba ngày. Cái tổ đã gần xong. Anh ưỡn người về phía sau, xoài tay ra để đạt tầm với xa nhất, bẻ một cành cây nhỏ. Anh lấy răng tách cànn làm hai, thành một cái kẹp. Anh chờ con tò vò chui vào tổ thò ra cái đít mòng mọng. Anh chỉ đợi có vậy. Anh đưa cái cành nhỗ kẹp đít con tò vò. Anh ăn sống nó. Trải qua những điều như vậy, hẳn anh hiểu tình cảnh hắn đang chịu. Hơn hai người anh khác của hắn. Anh đã vất vả vì hắn. Vào tận trại thăm hắn. Những điều anh nói với hắn đang thành sự thật. Hắn sẽ được tha vì hắn đã được về 75. Hắn không nhớ được một người nào trong cái bê hắn ở. Đông. Rất đông. Mà không nhớ được một tên người, một nét mặt. Lại những gì gợi nhớ đến bê dê bê hắn ở cũ. Cái bể đựng nước uống ở đầu hồi phía cửa ra vào, xây sát tường. Phía trên là nộí quy. Kẻ hẳn vào tường. Nằm ở gần đó chỗ sạch nhất là nhóm trung tâm. Giữa nền xi-măng là một rãnh nước chảy suốt xuống cuối nhà, phía ấy có nhà mét. Anh em nằm trên các ván lim hai bên. ở đây mọi người đều mặc quần áo đời thường vì chưa thành án, còn giam cứu, hoặc đã xử nhưng chưa được chuyển đi. Gần trăm con người nhìn hắn bước vào. Với hòm xiểng, cặp lồng, bi-đông, chăn, ca, điếu và nhất là với bộ quần áo số. Tất cả đều kính nể vị tiền bối. Vị đàn anh, người đã dày dạn tù đày, người đã trải qua tất cả. Người đã biết nhiều điều. Ngày ấy cũng đã có cảnh trùm chăn đánh táp-lô. Cảnh ngầm dúi đồ tắc tế cho nhóm trung tâm dể đút lót. Nhưng hắn hiểu rằng hắn được kính trọng. Vì sau lưng hắn là rừng. Là các trại trung ương. Là sự từng trải. Là những điều anh em ở đây tò mò muốn biết và lo sợ phải tiếp nhận. Hắn được nằm ngay cạnh nhóm trung tâm và trả lời câu hỏi của anh em về trại trung ương bằng một câu. Câu ấy hắn đã được nghe khi hắn chuyển từ xà lim sang bê dê cách mấy năm về trước. Câu ấy làm hắn khi đó lớ ngớ - ớn xương sống: - 75 là thiên đường của nhà tù. Thế mà đúng như vậy. Không trại nào có thể so sánh được với 75. Trước tiên đây là một trại tạm giam. Vẻ mặt con người chưa bị mài nhẵn bởi đau tê. Vẫn quần ka-ki, áo sơ- mi. Cả quần xi-mi-li pha ni-lông nữa (loại quần sang nhất hồi đó mà người ta chỉ cần đổi lấy một gói bánh bích-quy). Nước máy. Chất bột thì cũng chỉ một thỏi hai gạt đấy. Nhưng không có cân, không phải dùng cân. Đã đành ở đây có những chiếc bánh mỳ vét bao một nửa là mọt, bửa cái bánh mỳ ra đỏ hồng màu hoa đào, do con mọt thôi ra. Nhưng ở Q.N thì cũng có những bát mỳ xăng người lái đầy những con sâu mỳ béo núc nổi váng. Rau thì không đâu có thể bì với 75 được. Rau của 75 là rau mậu dịch. Mùa nào thức ấy. Giáp vụ cũng chỉ ít thôi. chứ rau ở Q.N thì quá thể. Rau ở Q.N trông mong vào trại (nghĩa là trông mong vào toán của hắn). Lúc giáp vụ rau, cơm chỉ có muối. Cuối xuân phá bắp cải, su hào, trồng rau muống là chết. Rau muống lên xanh chưa được ăn, còn phải để nhân gióng sang ruộng khác. Rồi đến mùa thu rau muống ra hoa, lại phá rau muống trồng cải thìa. cải xanh. Lại chết đợt nữa. Mỗi đợt gần hai tháng thèm rau. Gần hai tháng đói. Trông mong vào mấy lát bí xanh, mấy lát bí đỏ chìm nghỉm trong bát nước, “phải thuê thợ lặn mò". Nếu được bữa khoai sọ, tỉnh đến hôm sau. Mà chính giữa vụ rau cũng kém đây xa. Thứ rau muống Trung Quốc già nhai toàn xơ, nhưng cứ nuốt cả xơ cho đầy bụng. Theo sách khoa, còn chống táo bón nữa cơ đấy. Thứ rau cải bắp già để cả cây, không rửa, cả lá già, lá xanh vứt vào bể. Bể cao hơn đầu, kín một gian kho, phải vài chục khối. Leo vào bể lấy dưa cân cho nhà bếp, dòi leo lên đến tận bẹn. Dòi trắng thành bể, h lại thành vầng ở góc bể. ở 75 rau lại có mỡ. Dù là mỡ hóa học bám vào bát mất một nửa. ở 75 lại có cả khoai tây bi để cả vỏ nấu muối làm thức ăn rất chắc dạ. ở 75 có nước máy, có điện. ở 75 không phải đi làm. Không phải gánh khoán một ngày bốn tạ phân từ chuồng bò về vườn ngoài, vườn trong, qua bốn suối, leo bảy dốc, xuống bảy dốc, chân chạy huỳnh huỵch, dội lên mang tai. Qua suối là khốn nạn nhất. Phải chạy qua những tảng đá cuội lớn rải rác ngang lòng suối. Họ gánh khỏe, họ gánh quen, họ lướt bàng băng. Hắn chỉ cố được sáu mươi cân, vắt được một chân vào tảng đá giữa suối rồi, nhưng không sao bước nốt chân kia sang được. Hắn cứ choạng hai chân giữa hai tảng đá. Bên dưới nước chảy xiết. Lẽ ra phải lấy đà ngay, nhún người bước tiếp ngay, nhưng đã thở ra mang tai rồi. Đầu gối đã run lập cập rồi. Ngã xuống suối không sợ, nhưng tiếc gánh phân. Đã đi được nửa đường. Nếu không có Lê Bá Di đã sang trước bên kia suối, đặt gánh phân quay lại kéo, không biết hắn còn đứng đến bao giờ. Di cũng chỉ khỏe hơn hắn một tý thôi, chứ không thể bằng những người khác, nên Di vẫn đi tụt lại. Qua được suối, hắn thở. Chỉ vì cố thêm chục cân. Hơi quá sức. Sức hắn, năm mươi cân là vừa. Là dẻo vai. Nhưng như thế phải tám chuyến. Hết cả thời gian đi kiếm. Xuống ruộng khoai, lên nương lạc đã dỡ, lấy đòn gánh đào đào bới bới, nhặt củ lạc, mẩu khoai dỡ sót. Hay ngược lên những nhánh suối cạn tìm ráy. Thật không ngờ củ ráy ăn cũng ngon. Thứ củ hồi bé, hắn vẫn giã ra với cua đồng, để cho thối, nén xuống ao làm mồi nhử cá rô, cá trê. Ném được một lúc, tăm cá cứ ngầu lên. ăn ráy ngứa, cu cậu đớp lung tung. Thả lưỡi câu xỏ mồi tép đúng chỗ ấy, cái phao cứ chổng ngược lừ lừ. Giật cá trê sướng lắm, eng ẻng, eng ẻng, kéo mãi mới lên. Vào tù hắn mới biết củ ráy sột sệt rất hay. Củ ráy sống thì ngứa, chứ luộc chín ăn gần như khoai sọ. Không ngứa lắm đâu. Chả thế mà các cụ vần gọi củ khoai, củ ráy, Bọn Thuận Sứt, Hỉn Sán được đi gánh phân là mừng. Họ gánh những chín mươi cân, một tạ. Nghĩa là buổi sáng ba chuyến, buổi chiều đủng đỉnh một chuyến nữa thôi. Tha hồ đi xa, lang thang kiếm sắn, kiếm củ mài, những thứ cao cấp. Hắn cố gánh sáu mươi cân, để giành lấy một hai tiếng đồng hồ cầu may ở gần gần thôi. Vì quanh đây nghe chừng ít có thứ nuôi sống được người. Ngay củ ráy cũng khó. Hắn rủ Lê Bá Di nghỉ hút thuốc lào. Di vốn rất thích thuốc lào của hắn. Thuốc lào trồng vùng đất chua nó đượm, nó ngọt khói. Hai người không nói một câu, xuống suối rửa phân bò ở chân. Hắn cởi cái điếu vẫn treo một bên đầu đòn gánh, lấy thuốc lào mời Di. Tiện tay hắn véo cho Di một véo. Hai người ngồi im lặng nhả khói, nhìn rừng. Rồi Di nhìn hắn. Hắn cũng nhìn lại Di. Bốn con mắt tù gặp nhau. Cùng cảnh ngộ, thương nhau, nhưng không ai dám cởi mở cùng ai. Hắn chờ đợi Di nói một điều gì đó. Vừa chở vừa sợ hãi. Bởi vì nếu trong lúc hai người ngồi hút thuốc lào bên hai gánh phân giữa rừng này mà Di bộc bạch, mà Di tâm sự, mà Di than thở, thì hắn biết rằng hắn không thể nào giữ dược. Hắn cũng sê bộc bạch, tâm sự, than thở cùng Di. Như vậy thật không nên chút nào. Nguy hiểm cho hắn. Nguy hiểm cho cả Di nữa. Di như cũng chờ hắn nói một điều gì đó và cũng sợ hắn nói. Rồi bằng một động tác dứt khoát, Di móc cái điếu vào một đầu đòn gánh, đứng lên: - Đi hè! Hắn cũng đứng lên. Cả hai đều đã thắng được cái ý định muốn nói, muốn nghe. Mỗi người vẫn giữ được mình nguyên vẹn là một vòng tròn kép kín, không san sẻ giãi bày. Lại huỳnh huych, huỳnh huych. Đòn gánh lẳn vào vai. Lại leo dốc. Lại qua suối. Lại xuống dốc. Ngón chân choãi ra bấm vào một đoạn đường trơn bên suối. Đã tới được cái dốc dài ven trại. Chỉ còn cố lên đỉnh dốc, rồi xuống một cái dốc thoai thoải, một bên sát hàng rào cao vút, một bên sát vực sâu suối thẳm, băng qua chiếc cầu gỗ, quành qua đầu sân trại, khi cán bộ làm việc, qua một cầu bê-tông, rồi leo một dốc không đáng kể là tới vườn ngoài. Đến đó là chỗ cân phân. Khi tới gần đỉnh dốc sát hàng rào trại ấy, thì trờiơi, Hắn không tin ở mắt mình nữa. Một bãi phân trâu mới tinh ở giữa đường. Sao bọn Hỉn Sán đi trước không thấy. Chắc là con trâu kéo gỗ nào mới đi qua đây ỉa một bãi. Đúng rồi. Vết cây gỗ miết xuống đất còn bóng đen lên đây này. Nhưng Lê Bá Di đi trước rồi. Lê Bá Di đã đỗ lại. Lê Bá Di sẽ hót bãi phân ấy. Bãi phân mới đẹp làm sao. Tròn. To. Không khô, không ướt. Thật không chê vào đâu được. Hẳn là cứt của một con trâu khỏe. Kìa, Lê Bá Di vẫn đứng. Lê Bá Di chống đòn gánh chờ hắn. Hắn mồ hôi đầy mặt, mồ hôi dán áo vì chạy gằn. Tiếng huỳnh huỵch dội từ gan bàn chân lên óc. Tới chỗ Di, Di bảo: - A Tuấn hót đi. Đó là món quà tặng tuyệt vời. Hào phóng tuyệt vời lòng tốt tuyệt vời. Hắn cúi xuống bốc bãi phân trâu. ấm cả tay. Nở cả ruột. Đống phân to, dễ đến năm cân. Năm cân chỉ phải gánh một phần tư đường đất. Hắn vét kiệt. Vét tới những hòn sỏi con. Thế này bố thắng Thuận Sứt cũng chẳng làm gì được. Nó đã làm như vô tình lấy đầu đòn gánh bẩy bẩy gánh phân của Hỉn Sán vừa cân xong, đổ sụp xuống nhà phân và bới ra một hòn đá phải đến ba cân. Nó thấy mình gánh nặng hơn bình thường là nó sẽ bới của mình ra cho mà xem. Tha hồ mày bới, chỉ có ít cát và sỏi dính vào phân thôi, con ạ. Hắn quệt tay vào cỏ, gánh phân đi tiếp. ở 75 không có những cảnh ấy. ở 75 lại còn gần. gia đình. Tháng tháng nhận tắc. Được gặp mặt. Những người không có gia đình cũng vẫn hơn. Chẳng nói gì cao xa. Ngay món nước mắm thôi, trại trung ương bao giờ có. ở đây, nếu ăn bánh mỳ nước mắm, mỗi người được những mấy thìa. Loại nước mắm tám hào mậu dịch nguyên chất. Dồn nước mắm thừa được hàng bát chậu giả nhà bếp. Chả bù cho ở Q.N toàn rau nấu muối. Hôm nào nhà bếp lỡ tay nấu canh mặn đắng thì lại rất vui. Chung nhau dồn dịch vào cặp lồng, chưng lên lấy muối cho vào ni-lông để dành sột sệt. Một ưu việt dễ thấy nữa của 75 là ma túy, tức là chất khói. Thuốc lá cũng khan, nhưng không đến nỗi. Còn thuốc lào thì thoải mái. Chỗ nào cũng thuốc lào. Thật đúng thiên đường