CHƯƠNG XXII
BÀ NĂM OÁN TRÁCH PHẬT TRỜI

Bà Năm cây thị đã được trả tự do, nhưng gia sản bà đã khánh tận. Bà chỉ còn một ít tư trang cất giấu để sinh nhai. Khi tở về nhà, thấy cửa hàng trống trơn, bà khóc rống lên rất thảm thiết. Cô Xuân con gái bà cũng không cầm được nước mắt. Cô khóc vì thấy mẹ quá đau khổ, chứ không phải vì tiếc của như bà, cô cho rằng người làm ra của chứ của không làm ra người. Hễ còn người là còn của. Cô lấy lời ngay lẽ thiệt khuyên dỗ bà, dần dần bà cũng khuây khỏa đôi chút.
Nhưng bà vẫn tấm tức oán trời trách đất. Bà vẫn chưa nhận rõ ý nghĩa của "Bài học ngàn vàng" treo ở trên trần nhà. Từ khi trở về nhà bà không thèm đoái hoài đến bàn thờ Phật Bà ở trên gác. Bà có vẻ oán trách đức Phật Bà Quan Âm, vì đã không phù hộ cho bà, không che chở cho bà trong công việc làm ăn, đến nỗi bà phải tan gia bại sản.
Càng nghĩ càng thấm giận, nên một buổi sáng kia, sau khi điểm tâm xong, bà leo lên gác, dẹp bàn thờ lấy pho tượng Phật Bà bằng sành xuống, bà gói trong giấy, bỏ vào giỏ xách lên chùa trả lại cho vị sư trụ trì ở đây.
Vị sư trụ trì đang ngồi uống trà trong liêu, thấy bà đi vào, vô cùng mừng rỡ, vồn vã đón chào:
- Mô Phật, bà Năm được thả ra hồi nào vậy? Thật phúc đức! Tôi cứ nhắn hỏi thăm tin tức của bà mãi. Trông bà vẫn không có gì thay đổi cả. Cầu mong chư Phật gia hộ cho bà từ nay về sau không gặp tai nạn nữa...
Vị sư trụ trì nói một hồi mà bà Năm vẫn xách giỏ đứng yên một chỗ. Trông bà có vẻ không vui như mọi ngày. Nhà sư cho rằng vì bà mới gặp nạn lớn nên thay đổi tánh nết, không miệng lưỡi như trước. Nhà sư mời bà ngồi xuống một chiếc ghế đẩu kê sát tường. Bà Năm lặng lẽ ngồi xuống, mở chiếc giỏ ra, lấy gói tượng Phật đặt lên bàn bên cạnh khay trà. Bà Năm chua chát nói:
- Thưa Thầy, tôi tưởng rằng thờ Phật sẽ được Phật phò hộ che chở tai qua nạn khỏi, làm ăn tấn phát, cái này Phật không phò hộ che chở chi hết, vừa rồi tôi bị tù tội, gia tài sự sản tiêu hết. Bây giờ tôi xin đem tượng Phật trả lại chùa, vì tôi không đủ quyền để thờ Ngài nữa...!
Nhà sư dịu dàng nói:
- Mô Phật, bà Năm đừng phỉ báng Trời Phật mà mang tội, chẳng qua sông có khúc, người có lúc.
Bà Năm trướng cổ cái, càng cãi càng hăng:
- Thưa Thầy, tôi nói có sách, mách có chứng, chứ không phải phỉ báng ai cả. Thầy nghĩ coi, từ ngày tôi thỉnh đức Phật Bà về thờ cho đến nay, đêm nào tôi cũng hương hoa quả phẩm cúng bái hết sức tâm thành, cầu nguyện ngài phò hộ cho tôi mua may bán đắt, tai qua nạn khỏi, thế mà tôi vẫn bị tù tội, tài sản vẫn tiêu tan, chỉ còn hai bàn tay trắng.
- Mô Phật!
- Thầy thường bảo rằng đức Phật Bà thường phò hộ cho mọi người được tai qua nạn khỏi, thế mà Ngài đâu có phò hộ cho tôi. Tôi thấy thờ Ngài cũng... không có ích gì. Cho nên hôm nay tôi đến đây...
Thầy trụ trì vô cùng xúc động, vì không ngờ sự thể lại xảy ra như vậy. Ngài niệm luôn mấy tiếng: "Mô Phật, Mô Phật, Mô Phật!"
Bà Năm định vái chào quay gót trở ra, nhưng nhà sư đã trấn tỉnh cất giọng ôn tồn nói:
- Mô Phật! Bà Năm hãy ngồi nán lại cho tôi phân trần một đôi lời.
Thực ra, tôi phải tự trách tôi trước vì đã không dẫn giải rõ ràng cho bà Năm biết trước khi bà thỉnh tượng Phật Bà này về thờ. Ðức Phật Bà Quan Âm linh thiêng lắm, Ngài thường cứu khổ cứu nạn cho những ai cầu cứu đến ngài. Nhưng đừng xem Ngài như một vị thần, ban phước cho ai thờ cúng mình, hối lộ cho mình bằng hương hoa quả phẩm, và gieo họa cho ai không thờ cúng mình. Ðức Quan Âm không phải hạng thánh thần ấy. Ngài không thể cứu vớt những kẻ gian tham ác độc, vì cứu vớt hạng này thì chẳng khác gì khuyến khích họ làm ác, gây thêm họa cho thế gian. Ngài chỉ cứu vớt những người ăn ở hiền lành, tu nhơn tích đức mỗi khi gặp tai nạn thành tâm kêu cứu đến Ngài. Khi bà Năm thỉnh pho tượng này về thờ, tôi mừng thầm rằng bà đang hướng về con đường tu nhơn tích đức, chứ tôi đâu có ngờ bà thỉnh Ngài về thờ chỉ để cầu Ngài bảo hộ cho sự buôn bán thiếu ngay thật của bà. Ðức Quan Âm đâu có phò hộ cho những việc làm như vậy được. Tôi rất buồn là đáng lẽ sau vụ giam giữ vừa rồi, bà đã nhận ra được một bài học đích đáng về lẽ nhân quả, không ngờ bà vẫn giữ cái ý niệm sai lầm oán Trời trách Phật về những hành động của chính bà. Bà treo ngay giữa nhà một bảng sơn son thếp vàng nói về bài học ngàn vàng: "Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó". Hậu quả ngày nay là sự tan gia bại sản mà trước kia, trong hành động của bà, bà không hề nghĩ đến. Ðó là lỗi tại bà, chứ đâu phải tại Phật Thánh?
Nhà sư hạ thấp giọng nói như an ủi:
- Sự thật mất lòng, tôi biết vậy. Nhưng nếu không nói ra thì bà lại còn hiểu lầm như lần trước. Thánh nhân có dạy: Biết mà không nói ra là bất nhân, nói mà không hết lời là bất nghĩa. Tôi khuyên bà từ đây về sau nếu bà không thờ Phật thì thôi, còn muốn thờ Ngài thì phải thay đổi quan niệm sai lầm của bà, đừng xem Ngài như một vị thần tham nhũng, luôn luôn hối lộ Ngài để được bảo hộ. Thôi bà đã không muốn thờ đức Phật Bà Quan Âm nữa, thì để lại đó mà về. Nhưng tôi chỉ sợ rằng nếu bà chưa nhận rõ được cái lẽ: "nhân nào quả ấy" nếu bà chưa chịu nghe theo lời khuyên của "BÀI HỌC NGÀN VÀNG", thì đời bà chắc còn phải nhiều phen vất vả nữa.
Bà Năm cây thị ngồi cúi mặt nghe lời vị sư dạy bảo, không đáp lại một lời nào. Vị sư tưởng bà giận. Nhưng không, bà Năm càng nghe càng thấm. Từ trước đến giờ, chưa bao giờ bà được nghe ai nói với bà như vậy. Mười mấy năm trời, suốt ngày đầu tắt mặt tối lo việc bán buôn với những mánh khóe gian lận, bà đâu có thì giờ nghe chuyện đạo lý. Bà tưởng rằng mình khôn, ngờ đâu đó chỉ là những cái khôn vặt. Nhưng cái khôn ấy, rốt cuộc, đã làm cho bà tiêu tan sự nghiệp. Khôn quá hóa dại, là vậy. Từ đây, bà nguyện chuyển hướng cuộc đời, hướng về nẻo thiện, để phước về sau.
Bà đứng dậy chấp tay nói với nhà sư:
- Con xin lãnh giáo những lời vàng ngọc của Thầy. Từ đây con xin nguyện làm theo lời Thầy chỉ dạy.
Nói xong bà cúi xuống lạy nhà sư ba lạy và xin thỉnh pho tượng Phật Bà về thờ lại.