Cuộc họp dự định bắt đầu vào giờ thìn. Để mặc cho Chỉ lăng xăng bày biện phòng họp thế nào cho trang trọng uy nghi, Nhạc kéo Nhật về phòng mình để nói chuyện. Không muốn mất thì giờ dài dòng, Nhạc hỏi:
- Tình hình chung thế nào?
Dù đã chuẩn bị kỹ khi được Nhạc gọi, Nhật vẫn lúng túng chưa biết phải nói cái nào trước cái nào sau. Ông trả lời một cách mơ hồ:
- Nói chung không có gì ghê gớm. Dưới phủ vẫn thế.
Giọng Nhạc hơi gắt:
- Vẫn thế là thế nào?
Nhật hắng giọng, cố nói chậm để dần dần lại bình tĩnh:
- Nguyễn Khắc Tuyên gọi bọn đóng ở cầu Phụng Ngọc về mắng cho một trận, có đứa bị giam lại chờ xét xử vì tội hèn nhát. Hắn hỏi tại sao cần bao nhiêu quân cũng giữ đủ, cần bao nhiêu khí giới, xe ngựa, không thiếu món gì hết, mà suốt một tháng trời không nên cơm cháo gì. Phần lớn đều cúi đầu không dám cãi. Có đứa bạo gan, bảo tụi lính phủ như gà phải cáo, mới nghe sắp đánh lên An Thái đã lén bỏ trốn, thì làm sao tiến qua cầu được. Tuyên nó nổi giận, sai đằng cổ tên bạo mồm quất cho đúng một trăm hèo. Hắn cử bọn khác lên thay, nhưng bọn này vừa mới biết tin sắp lên Phụng Ngọc đã cho vợ con đến lo lót mụ Tuyên. Cuối cùng chỉ có lèo tèo vài ba thằng yếu thế, thiếu tiền. Chúng án binh bất động không dám tiến lên An Thái là vì vậy.
- Chúng nó biết tình hình bên ta không?
- Tay trong của ta gài dưới phủ không biết rõ điều này. Nhưng ta có thể tin được một nguồn khác.
- Nguồn nào thế?
Nhật hãnh diện đáp:
- Nguồn các tù binh. Tôi phụ trách bọn lính phủ đầu hàng và bọn con buôn bị tình nghi. Ở trại giam, chúng khai rõ tất cả những gì chúng biết. Chúng thú thật là chúng sợ hãi. Ngoài phố phủ, vào các buổi họp chợ, thiên hạ lao xao bàn tán về chúng ta. Tức cười là họ thổi phồng lên, biến chúng ta thành những kiếm khách, hiệp sĩ thần thông biến hóa, xuất quỉ nhập thần. Về quân số, chúng tin là ta có hàng vạn quân. Dữ nhất là các toán quân Bana và Tàu ô. Họ còn kháo nhau sở dĩ ta chỉ để một toán nhỏ ở An Thái mà quân phủ không dám tiến lên vì đây là một cái bẫy giăng sẵn. Toán quân anh Huệ chỉ là cái mồi nhử, cốt "điệu hổ ly sơn".
Nhạc cười ha hả, trong cơn khoái trá quên cả phép tắc, ông vỗ đét vào vế Nhật nhiều lần. Nhật e dè cười góp, về sau thấy Nhạc thoải mái, Nhật quên dè dặt cũng cười to như trại chủ. Nhạc vỗ vai Nhật hỏi:
- Này, ông có nắm được số phận hiện canh giữ phủ Qui Nhơn không?
Nhật lo lắng, bối rối đáp:
- Cái đó...cái đó thì tôi chưa nắm được chắc. Nhưng đại khái thì...
Nhạc cắt lời Nhật:
- Đại khái thế nào được. Đây là điểm quan trọng nhất. Không biết họ có bao nhiêu quân, chút nữa họp làm sao phân công lực lượng được?
Nhật cố vớt vát:
- Tuyên nó dồn hết lực lượng phòng thủ lên Phụng Ngọc, nên quân giữ thành không còn được một phần ba số cũ. Không hơn một trăm tên đâu. Lại thêm bọn này đều nhờ lo lót hoặc có thần thế mới ở lại thành, nên chúng nó có sợ ai đâu. Phép tắc chẳng ai coi ra gì. Canh tác trễ tràng. Người của tôi bỏ đội mấy ngày lên tận An Vinh mà chúng không hay biết gì. Lúc về vào cửa thành cũng không ai xét hỏi.
Nhạc cố giảm bớt sự mừng rỡ:
- Biết đâu thằng đó nói khoác cho vừa lòng ông!
Nhật cương quyết đáp:
- Không đâu. Tên này rất thành thực. Bao nhiêu tin tức hắn cung cấp lâu nay đều đúng cả.
Rồi, để chứng minh rõ thêm khả năng điều tra tình hình phía địch của mình, Nhật rút trong thắt lưng ra một tờ giấy bản gấp lại bằng ba ngón tay. Cẩn thận mở rộng tờ giấy nhàu nhò ra vì sợ làm rách, Nhật trải lên tràng kỷ, mặt hớn hở. Nhạc ngạc nhiên hỏi:
- Cái gì thế?
- Bản đồ phủ Qui Nhơn. Có ghi chú đầy đủ vị trí các đồn canh, kho lúa, kho khí giới, tàu ngựa, nơi Tuyên làm việc, nhà giam...
Nhạc mừng rỡ cầm tấm bản đồ lên xem, quên mất mắt mình yếu không thể nhìn gần được. Ông sờ soạng tìm cái kính nơi bọc áo, tay run run. Ông không tìm thấy kính. Nhạc đành phải đưa bản đồ ra thật xa, nhíu mắt cố nhìn cho kỹ bảo vật quí giá. Đúng như Nhật nói, trên bản đồ có ghi thật tỉ mỉ những gì Nhạc cần biết. Ông hớn hở quay sang phía Nhật hỏi:
- Ông khá thật. Đứa nào mang đến thế?
Nhật cố chậm trả lời tăng sự quan trọng của mình:
- Một con buôn khả nghi. Hắn khai là người của ông Thung, mang thư riêng lên cho ông Huyền Khê để chuyển lại cho đệ nhất trại chủ. Tôi không tin, đánh cho mấy bạt tai. Hắn tức tối lôi tấm bản đồ này ra làm chứng.
Nhạc vội hỏi:
- Ông bắt được nó khi nào?
- Tối hôm qua. Tôi còn giam nó đó, chưa cho ông Khê biết.
- Ngoài tấm bản đồ này còn thư từ gì khác không?
- Không.
- Có khám xét kỹ quần áo, búi tóc nó không?
- Kỹ lắm nhưng không thấy gì khác. Nó một mực bảo chỉ có tấm bản đồ này. Nó khai ông Thung chỉ nhắn miệng với Huyền Khê là ông ấy bận không lên họp được, nhờ ông Khê chuyển bản đồ này cho trại chủ. Cuộc họp quyết định thế nào, xin truyền gấp xuống cho ông ấy.
Nhạc im lặng thật lâu, vẻ mặt lo lắng. Nhật không dám nói gì thêm. Sau đó, Nhạc hỏi:
- Còn tình hình nội bộ ta như thế nào? Có thể tin cậy được bọn Tuy Viễn không?
Nhật do dự một lúc, rồi đáp:
- Dĩ nhiên ta đã chia vùng thì khó lòng hiểu nhau, phối hợp với nhau được. Dưới An Thái cứ lộn xộn hoài vì tụi con buôn em út của Tập Đình, Lý Tài. Lính anh Huệ lỡ đi sâu một chút xuống phía đông là nhất định có chuyện. Đến tối qua, những người ta mời đều cho người đến họp cả, trừ ông Thung, và bọn Nhưng Huy, Tứ Linh. Không hiểu họ không chịu đi họp, mà còn cho người mang bản đồ phủ thành Qui Nhơn lên đây làm gì?
Nhạc tức giận nói:
- Có thế mà ông lấy làm lạ sao! Họ sợ mình nghi ngờ, nên đưa tấm bản đồ lên góp công. Có điều tôi còn thắc mắc, là hắn còn định nhắn Huyền Khê điều gì nữa!
Nhật nhỏ nhẹ nhắc:
- Ông cứ hỏi anh Lữ thì rõ.
Nhạc gật đầu chầm chậm, vì còn mải suy nghĩ. Có lẽ câu chuyện Nhật vừa kể quấy rầy ông quá nhiều, nên Nhạc quay qua chuyện khác. Ông hỏi:
- Các toán quân của ta vẫn thường chứ?
- Vẫn thường. Toán ông Tuyết hơi rắc rối vì bọn du thủ du thực bất trị, nhưng có đỡ hơn tuần trước. Phía An Vinh từ khi Tuyên (Bùi Đắc Tuyên) về mọi sự đâu vào đó cả. An Thái cũng vậy. À, lại có mấy lá đơn thưa Hai Nhiều.
- Lại Hai Nhiều. Tôi đã gọi lên cảnh cáo rồi mà!
- Lần này hơi khác. Tôi đoán bên trong có chuyện tranh chấp buôn bán sao đó.
- Phiền quá. Thế nào sau vụ này ta cũng phải tìm người thay lão già quá quắt. Nhưng tìm ai bây giờ! Ông tìm cho tôi một người đi. An Thái quan trọng lắm, không để sơ hở được. Ông xem trong số anh em bà con có ai được việc không?
Nhật cảm động vì sự ưu ái tin cẩn của trại chủ, giọng nói run run:
- Tiếc thật. Ngoài hai anh em tôi, gia đình còn lại toàn đàn bà con gái. Đứa lớn nhất mới lên mười ba.
- Tiếc nhỉ. À này, mấy đứa em gái có giống ông không?
Biết Nhạc muốn chế giễu thân mật vẻ cục mịch của mình, Nhật cười đáp:
- Không đâu! Chúng nó đẹp ra phết. Nhất là con bé lớn.
Thấy đã đến giờ họp, Nhạc đứng dậy, bông đùa lần cuối với người thuộc hạ thân tín:
- Chà ít năm nữa, tôi sẽ đứng ra làm mai giúp tìm cho nó một tấm chồng xứng đáng. Làm công không thôi. Nếu muốn trả ơn, thì được, một cơi trầu nguồn. Được chứ!
°
*
Bên phòng họp, Lý Tài và Chinh đến sớm nhất. Chinh muốn gặp Nhạc trước để báo cáo cho Nhạc rõ tình hình hai toán Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân theo lời dặn của trại chủ, nhưng người lính gác ngăn lại, bảo Bùi Văn Nhật đang ở phòng Nhạc. Anh đi đi lại lại, nóng ruột chờ. Hai người nói chuyện lâu quá, mà Chinh lại không muốn trở lại phòng họp để chạm mặt Chỉ. Anh ghét cay ghét đắng điệu bộ lễ mễ, trân trọng từng bước do thói quen nghề nghiệp của Chỉ. Sự ràng buộc, nếu đôi lúc con người ta phải thu mình tuân theo, đâu phải là một điều đáng hãnh diện đến như vậy! Nó hoàn toàn trái với tự nhiên như lá xì xào khi gió thổi, nước lụt tràn bờ sông, mồ hôi ướt rịn khi trời nóng. Chinh nhớ có lần cha nhắc đến một câu của Lão Đan: "Nóng thì cứ đổ mồ hôi, lạnh thì cứ run lên". Anh khoái được sống thoải mái tự nhiên như vậy nên thù ghét sự gò bó. Còn đối với những kẻ xem sự gò bó là một nghi thức, một nghệ thuật, thậm chí là một cách xử kỷ tiếp vật cao siêu và khôn ngoan, thì phải nói là Chinh khinh bỉ. Đôi lúc anh nghĩ có lẽ vì thế mà có hố ngăn cách giữa mình và cha.
Khi hôm cùng lên Kiên thành với Lý Tài, Chinh chưa kịp thăm cha. Sáng nay anh có thể nhân cơ hội này tìm gặp ông giáo, nhưng anh cứ ngại ngùng. Anh có một cớ chính đáng để yên tâm: anh phải chờ gặp cho được trại chủ trước cuộc họp. Chờ lâu quá, Chinh đành trở ra phòng họp. Chỉ đang nói chuyện với Lý Tài. Chỉ quen nói thật chậm, như cân nhắc từng chữ trước khi mở môi, nên Lý Tài nghe hiểu hết lời Chỉ. Họ có vẻ tương đắc, vừa uống trà vừa bàn tán một cách trang trọng, dễ dàng những điều Chinh không hiểu. Anh đến chỗ cửa phòng, đứng ngắm hình mấy con rồng màu vàng cuốn quanh bốn cây cột sơn đỏ. Nước sơn còn mới, nét vẽ vụng về của một tay chuyên trang trí các chùa miếu ở thôn quê. Chinh nghĩ: lại thêm một sáng kiến của lão thầy cúng. Thà cứ để nguyên bốn cây cột gỗ kiền kiền màu nâu lại hay hơn!
Bùi Đắc Tuyên bước vào phòng họp. Chinh gật đầu chào, không muốn đến bắt chuyện vì hai người khác tính nhau, mà Chinh lại không ưa cách nói chuyện đãi bôi, dùng dằng nào sức khỏe, gia cảnh, thời tiết, mùa màng. Tuyên có nét mặt giống Nhật, nhưng nhìn chung có vẻ thanh tú hơn. Mày Tuyên rậm, hai hàm bạnh, giống Nhật, còn cái mũi nhô và cao hơn, môi dưới mỏng mím lấy môi trên, không trệ xuống cằm như môi Nhật.
Vì Tuyên cũng không ưa Chinh nên vừa chào hỏi lấy lệ Chỉ và Lý Tài xong, ông lảng ra phía cửa sổ phòng họp. Hết đứng ôm song cửa sổ nhìn ra ngoài trời, Tuyên lại nhìn mấy con rồng. Chưa tin ở mắt mình, ông lấy tay di di lên lớp sơn. Dấu chỉ đầu ngón trỏ in trên lớp sơn ướt. Tuyên nghĩ y như Chinh: lại một trò mới của lão thầy cúng! Tuyên nhìn qua chỗ Chinh đang đứng, định tìm một người để nói điều mình vừa nghĩ. Nhưng thấy vẻ mặt lạnh lùng, cách ăn vận lạ mắt của Chinh, Tuyên do dự.
Tuyết, Lộc và Năm Ngạn cùng đến. Chinh mừng rỡ chạy đến chào hỏi Tuyết và Lộc, còn Năm Ngạn xán lại phía Chỉ.
Tuyết thân mật vỗ lưng Chinh cười ha hả. Tuyết to tiếng hỏi:
- Thế nào, khách hảo hớn?
Chinh vỗ vai Tuyết, hỏi lại:
- Mạnh giỏi, đại huynh?
Rồi cả hai cùng cười rổn rảng, làm cho Chỉ nhăn mặt khó chịu. "Khách hảo hớn" và "đại huynh" là cách hai người quen gọi đùa nhau, khi còn cùng ở chung một đội. Tuyết chỉ Lộc (Nguyễn Văn Lộc) nói:
- Mày đi hai đứa tao lẻ đạn, đâu còn đủ như Lưu - Quang - Trương kết nghĩa vườn đào nữa!
Tuyết liếc về phía Lý Tài, ghé sát Chinh hỏi đùa:
- Hậu cần cho "xếnh xáng" có mệt mé là lão Hai Nhiều như xưa! Tuy vậy bà Hai đọc được quyền uy mênh mông của chồng trên gương mặt sợ hãi, thái độ khúm núm nem nép của những người đồng hương quá quen biết. Chưa được đích danh gọi là bà Chánh, nhưng bà Hai biết lắm, mọi người đã xét nét nhìn bà như một bà Chánh. Không thể ăn mặc lôi thôi, cư xử buông tuồng dễ dãi như ngày trước được.
Nghĩ như vậy, nên chân bà Hai chùn lại. Bà do dự, nửa muốn gặp ngay An để khoe khoang đủ việc, nửa muốn trở về ngồi trên cái sập gụ nhai trầu. Cuối cùng, bà trở về nhà. Bà gọi một tên đầy tớ vốn là đầy tớ của chánh tổng, sai nó đến nhà cũ của mình bảo An lại gấp.
An vội vã theo tên đầy tớ đến nhà mợ. Do bản năng làm mẹ mà An mau mắn nghĩ ngay đến những chi tiết vụn vặt nhưng tối cần cho cuộc sống mới: chợ búa hiện giờ họp ở đâu, lúc nào, giá cả thực phẩm ra sao, có thể mượn tạm được những đồ dùng lặt vặt như cái mâm, đôi đũa, ống thổi lửa, cái sóng chén, cái gối mây, dây cột gàu xách nước được không. An giao cho Lãng nhiệm vụ dọn dẹp căn nhà hoang cho sạch sẽ, chờ Huệ gửi lính tới sửa sang lại cửa ngõ như đã hứa đêm qua, còn mình thì phải gặp mợ gấp. Bà Hai Nhiều cố dằn sự nôn nóng hân hoan của mình, ngồi yên trên sập gụ chờ An vào. Vừa trông thấy An, bà Hai cười hỉ hả nói:
- Quá lắm nghe cháu! Về hôm qua mà đến nay mới qua thăm cậu mợ. Mợ không gọi chắc phải tháng sau.
Biết mợ chỉ nói đùa chứ không có ý trách. An ngồi sà đến gần bà Hai ríu rít hỏi:
- Mợ. Sao hôm trước cậu mợ về thình lình vậy! Sao không cho con hay?
Bà Hai làm ra vẻ nghiêm trọng, nói nhỏ đủ một mình An nghe:
- Suỵt. Tại việc quan trọng, khẩn cấp quá, "ở trên" không muốn cho mọi người biết. Mình vừa lấy lại được An Thái, công chuyện rối tung lên. "Ở trên" phải mời cho được cậu mày về đây, không thì vỡ lở hết. Lệnh gấp và quan trọng như vậy, làm sao tin cho cháu hay được.
Khi nói đến hai chữ "ở trên", bà Hai nghiêm sắc mặt, mắt nhìn thẳng, sửa lại thế ngồi cho thêm kính cẩn. An buồn cười nhưng không dám tỏ vẻ diễu cợt trước mặt mợ, giả bộ lo lắng hỏi:
- Thế lâu nay "ở trên" có thường xuống đây không mợ?
- Sao lại không. Đây là mặt trận chính mà. An Thái mà thiếu một người như cậu mày, thì bọn dưới Phụng Ngọc đã tràn lên từ lâu rồi. Ôi thôi ổng bận suốt ngày. Cháu thấy đó, giờ này mà cậu mày có được ở nhà uống chén trà sớm đâu! Đã thế đêm còn phải mang giấy tờ về tra xét cho đến tận khuya. Mợ thấy cậu mày vất vả, cũng muốn giúp một tay. Nhưng mình đàn bà con gái, làm gì được. Chỉ khi nào bà con láng giềng có nhờ nhõi điều gì, thấy có thể giúp được, mợ mới nói góp cho họ một tiếng.
Rồi không chờ An hỏi, bà Hai Nhiều cà kê kể những trường hợp khó khăn bà đã nói giúp với chồng để giải quyết cho "bà con". An nghe, thấy phần lớn trường hợp đều liên quan đến việc cấp thẻ bài và tranh tụng số đồ đạc bị mất mát lúc chạy loạn.
- Bà Hai nhổ bã trầu vào một cái ống nhổ bằng thau, đưa tay áo quệt mấy giọt mồ hôi rịn trên trán sau cuộc huyên thuyên hào hứng, cười nói với cháu:
- Mợ tiếc cái thời an nhàn trên Tây Sơn thượng. Về đây trăm công nghìn việc, mệt ơi là mệt. À quên, khi hôm cháu với thằng Lữ ngủ đâu?
An trả lời. Bà Hai không tin hỏi lại:
- Thật không? Cái nhà trống hoác đó, chỗ đâu mà ngủ. Giường chiếu đâu còn nữa!
Nghe An nhắc đến tên Huệ, nét mặt bà Hai sa sầm lại. Vẻ hào hứng biến mất. Bà lúng túng, chưa biết xoay trở thế nào y như một người làm trò ảo thuật bị kẻ chơi khăm mách trước cho khán giả cách lanh tay lẹ mắt để lừa dối kẻ khác. Bà lo lắng hỏi:
- Sao cậu Huệ biết cháu về?
An thành thật đáp:
- Cha cháu có gửi cho anh ấy lá thư. Tụi cháu nhớ An Thái quá, không chịu ở lại Kiên Thành. Cha cháu cản không được, lại quá lo cho tụi cháu, nên nhờ cậu mợ với lại... với lại nhờ anh Huệ để mắt giúp đỡ cho.
Cách nói dè dặt và khéo léo của An phần nào khiến bà Hai thỏa mãn tự ái. Và để chứng tỏ mình còn ân cần giúp đỡ cháu hơn cả người khác, bà lôi An đi hết nhà này đến nhà nọ, quyết tìm cho cháu một ngôi nhà vô chủ đầy đủ tiện nghi nhất, cao sang nhất, mát mẻ nhất, bàn ghế giường tủ chắc chắn quí giá nhất. An mất cả buổi sáng để theo mợ, kiên nhẫn nghe mợ khoe khoang lòng độ lượng nhân từ của mình đối với gia đình bọn hào lý còn kẹt lại. Đi hết một vòng bảy, tám ngôi nhà vô chủ, bà Hai hỏi An chọn cái nào. Bà kinh ngạc đến sững sờ khi nghe An xin cho ở ngôi nhà cũ của Hai Nhiều!
°
*
An trở về nhà đã thấy Huệ cho người đến sửa sang cửa ngõ cho hai chị em. Họ gồm ba người: một thanh niên tóc hơi quăn, mặc cái áo đã rách ở vai trái và một cái quần đen dài gần tới đầu gối; một người đã đứng tuổi để râu cằm, cử chỉ đĩnh đạc ăn nói kẻ cả, hình như xuất thân thợ mộc nên luôn miệng sai bảo hai người kia với giọng chắc nịch tự tin. Người thứ ba ở trần, da hơi tái, trên lưng phía dưới vai độ một gang tay có cái bớt màu xanh hình giống y như một hạt đậu phộng. Vì mải lo mài đục và quay lưng về phía An, nên An không nhận ra được người thợ này già hay trẻ. Bác thợ cả hỏi An:
- Chúng tôi chờ cô về. Từ sáng đến giờ tôi mới cho phá các chỗ vách rữa để lấp khuôn cửa cho dễ thôi. Ý cô thế nào?
- Bác bảo gì ạ?
Người thợ cả nói:
- Cô muốn chúng tôi tháo cửa mấy nhà hoang gần đây lắp vào nhà này, hay làm tạm khuôn cửa tre?
An vội đáp:
- Nhà của người ta mình phá sao được, lúc họ về làm sao ở?
Người thợ ở trần đang mài đục quay lại phía An. Cô không tin mắt mình. Gã khùng còn đây à? Sao tóc tai ông ta gọn ghẽ ngay ngắn thế! Nhất là đôi mắt. Vẻ lạc lõng, hoang dại biến mất. An đọc thấy ở cái nhìn ấy vẻ mừng rỡ gói ghém vừa phải bằng sự tự chế và trầm tĩnh của một người bình thường. Không chờ An lên tiếng trước, "gã khùng" nói:
- Lâu quá phải không cô bé. Giờ cô đã lớn hẳn ra rồi!
An xúc động lắp bắp hỏi:
- Chú... chú còn sống à?
- Tôi đã nhớ lại tên mình rồi. Tôi tên Mịch, anh ruột thằng Mẫm.
An thắc mắc hỏi:
- Nhưng sao chú... chú Mịch hết...
An không dám nói tiếp. Mịch cười:
- Hết khùng chứ gì! Phép lạ đó. Chính tôi cũng chưa hiểu tại sao. Gặp lại thằng Mẫm em tôi, ban đầu tôi ngờ ngợ. Rồi tự nhiên, tôi nhớ hết. Thế mới khổ! Tôi còn nhớ như in cả cái thời tôi gánh gạo giúp cô ngoài chợ An Thái nữa. Kỳ lạ không.
Lãng thấy chuyện lạ, bỏ chổi xán lại gần. Cả hai người thợ kia, đã nghe biết chuyện gã khùng, vẫn còn tò mò đến gần chỗ An và chú Mịch đứng để nghe chuyện. Lãng cười hỏi:
- Thế chú còn nhớ mấy câu hát không?
Mịch cười đáp:
- Nhớ chứ. Nghề nghiệp của tôi mà!
An thấy lạ vội hỏi:
- Nghề nghiệp! Chẳng lẽ chú là kép hát?
- Vâng. Trước kia tôi là kép chính của một đoàn hát bộ.
Bác thợ cả chen vào:
- Anh ta hát hay ra phết. Lâu lâu đi gác chung, bọn tôi xúm lại nghe hát, quên cả giáo mác. Sau phải cắt anh ta làm việc khác, để khỏi làm rối các phiên canh.
An nổi tinh nghịch hỏi:
- Chú hát hay thế, chắc lúc trước các cô đào hát chung với chú mê chú lắm. Chú còn nhớ họ không?
Tự nhiên nét mặt chú Mịch biến đổi. Da tái hơn. Ánh nhìn trở lại hoang dại và hung dữ. An sợ hãi, chưa hiểu mình vô tình xúc phạm đế điều thiêng liêng thầm kín nào đó của chú. Mịch lấy lại được bình tĩnh, cố gượng cười bảo An:
- Tính tôi vụng về với đàn bà nên không có ai mê đâu. Chỉ có nhà tôi dại dột...
Mịch nghẹn lời không nói tiếp được. Lãng tò mò hỏi:
- Chú có vợ à? Thím ấy đâu?
Mịch buồn rầu đáp:
- Tôi cũng không biết nữa.
Lãng hỏi:
- Chú quên rồi sao?
- Quên sao được.
Mịch quay về phía An. Cô ngượng đến đỏ mặt vì cái nhìn ngưỡng mộ say dại mà từ thời trước, thời An làm hàng sáo ở chợ An Thái, An đã thắc mắc ái ngại không hiểu tại sao. Chú Mịch cố dằn xúc động, bảo An:
- Nhà tôi có khuôn mặt giống y như cô. Giống như hai giọt nước. Sáng nay chính tôi đã bảo Mẫm cho tôi đến đây sửa nhà để gặp lại cô. Thế mà lúc cô về, tôi sợ, không dám quay lại nhìn nữa. Tôi cứ tưởng nhà tôi đã biết tôi ở đây nên bỏ hết, tìm về.
An vội hỏi:
- Nhưng hiện giờ thím ấy ở đâu?
Giọng Mịch ngậm ngùi:
- Trước, thì chắc chắn ở nhà thằng khốn nạn đó. Bây giờ không hiểu ở đâu. Kể đã lâu lắm rồi!
Mọi người đoán: "lại thêm một vụ phụ tình", ái ngại nhìn chú Mịch, không dám hỏi thêm nữa.
°
*
Suốt mấy ngày lo dọn dẹp, xếp đặt chỗ ăn chỗ ở, hai chị em ít có thì giờ rỗi để ngồi nói chuyện lâu với nhau. Thế mà, lạ một điều là dường như lúc nào, cả An lẫn Lãng đều nghĩ: mình phải tâm sự với chị, với em điều này, không thể giữ riêng canh cánh bên lòng được. Cả hai đều muốn nói, và đều sợ nói ra. Đôi lúc họ nói quanh, mới mon men chạm đến điểm chính lại e ngại, lảng qua chuyện khác.
Đêm hôm ấy trăng non, không có gió. An nôn nao không ngủ được, ngồi dậy nhìn ánh trăng mờ bên kia cửa sổ song tre. Cô ngồi lặng yên trong bóng tối một lúc, lòng thêm xao xuyến. Có cái gì vô hình cuốn hút An bên kia vườn. Không thể dằn được nữa, quên cả sợ hãi, An đi ra phía cửa lớn, qua vườn nhà cũ.
Cửa lớn chỉ khép hờ. An trách thầm em lơ đãng quên cài then trước khi đi ngủ, liếc mắt nhìn vào góc tối nơi Lãng ngủ, rón rén bước ra thềm. Theo lối đường mòn quen thuộc ngày xưa An vẫn qua lại xách nước, An lần dưới trăng mờ tìm đến chỗ có lẽ là nhà bếp. Mấy mảnh vỡ của cái ang chứa nước vẫn còn đó. Cái gáo đã mất cán, sọ dừa khô cưa đôi cũng đã bể. An đang bùi ngùi đưa mắt tìm dấu chu vi chái bếp, thì nghe phía bụi tre cháy có tiếng chân người. Cô sợ đến nổi gai ốc, chân ríu lại không bước được nữa. Chính lúc đó, Lãng cũng vừa nhận ra chị. Lãng thì thào hỏi:
- Chị An phải không?
An mừng rỡ, cũng hỏi:
- Chị đây. Em phải không?
Bao nhiêu dè dặt, giấu diếm nhau chỉ trong một thoáng cởi mở ra hết. Hai chị em muốn tìm dấu vết những kỷ niệm. Những dấu vết cháy sém hoặc đã thành tro than, bụi bặm, nhưng hai chị em cứ nghĩ thứ tình cảm hoài cổ ấy yếu đuối, vụn vặt quá, không đáng thổ lộ với người kia. Thương làm gì một mảnh gáo vỡ trong khi chung quanh đây cuộc chuẩn bị giao chiến đang rộn rã, hào hứng, gươm giáo chất đống, quân lính rầm rập tập luyện. Rồi sẽ còn biết bao nhiêu đổ vỡ mất mát khác. Thương làm gì những xác quá khứ lặng lẽ và vô nghĩa! Ý nghĩ ấy ngăn hai chị em qua bên kia vườn, nên đêm nay họ lén một mình qua đây, giấu sự yếu đuối dưới trăng mờ. Không còn gì để dè dặt nữa, An hỏi Lãng:
- Em có biết chỗ mình đang đúng là đâu không?
Lãng hiểu ngay câu hỏi mơ hồ của chị. Suy nghĩ một lúc, nhìn quanh để định hướng, rồi nói:
- Hình như là chỗ kê cái tủ.
- Chắc không?
- Có lẽ đúng. Chị cứ lấy cái ngõ phía bên kia làm chuẩn. Đây là cửa chính. Cửa sổ nhà trên ở đây. Cái bàn nước ở chỗ này. Chỗ cha nằm. Còn đây, chết, em lầm rồi. Đây phải là chỗ đặt cái bàn đọc sách của cha. Còn chỗ kê tủ ở chỗ kia.
- Buồng của mẹ chỗ nào?
- Chỗ này. Cửa thông xuống bếp đây. Chị có thấy dấu tro ở đấy không?
- Khôy, cúi chào Nhạc để xin phép nói. Nhạc chỉ cười chứ không gật đầu đáp lại. Nhật tóm tắt gọn ghẽ, rõ ràng những điều ông vừa trình bày với Nhạc. Riêng về quân số hiện canh giữ phủ, để đề phòng bất trắc, ông tăng con số dự đoán lên tới ba trăm. Nhạc chờ Nhật nói xong, mới hỏi:
- Quí vị nghĩ thế nào? Chúng nó quân đông, khí giới nhiều hơn ta, nhưng tinh thần bạc nhược. Tình thế đã chín mùi, tôi tính đánh rốc một trận chiếm phủ Qui Nhơn. Quí vị nghĩ sao?
Tuy đã đoán trước được lý do cuộc họp, nhưng khi nghe Nhạc hỏi người này nhìn người kia không ai dám trả lời trước. Nhạc chờ một lúc, tưởng nhiều người còn sợ, rút tấm bản đồ trải lên bàn nói:
- Ta đã nắm rõ cách bố trí đồn trại, kho tàng, cơ quan trong phủ. Bây giờ gặp lúc thuận tiện ta không chiếm phủ ngay, sau này chúng được Thuận Hóa và Gia Định tăng cường, ta khó lòng có cơ hội tốt như thế nữa. Ông Huyền Khê có thấy thế không?
Huyền Khê bối rối đáp theo kiểu lơ lửng:
- Vâng, nếu quả dưới phủ chúng bạc nhược, canh gác trễ tràng lỏng lẻo như ông Nhật nói, thì...
Nhạc cắt lời Huyền Khê:
- Ông nghĩ chúng mạnh lắm sao! Tấm bản đồ này, chắc ông đã xem rồi. Ông thấy đấy, đồn canh như thế ăn thua gì. Ông có nhớ chỗ vẽ nhà giam không. Đáng lý chỗ đó phải canh gác cẩn mật lắm. Nhưng chúng chỉ đặt có một trạm gác ở cửa. Trại giam lại nằm sát sau lưng tòa phủ.
Khê ngơ ngác, không hiểu Nhạc đang nói gì. Nhạc thấy Huyền Khê hoang mang ngỡ ngàng như người đi lạc, mừng rỡ hiểu rằng tên con buôn chưa kịp gặp Huyền Khê đã bị Nhật bắt. Nhạc cười, quay sang hỏi ông giáo:
- Trước khi hỏi Lý tiên sinh, xin hỏi thầy:
Ông giáo đáp:
- Bên địch yếu, tôi cũng tin chắc như vậy như ông Nhật. Nhưng đồng thời ta phải nhận là bên ta chưa mạnh. Cho nên quyết định đánh lấy phủ Qui Nhơn hay không, còn tùy thuộc vào cách đánh nữa. Xin cho bàn cách đánh phủ trước.
Nhạc quay về phía Lý Tài:
- Bây giờ đến lượt Lý tiên sinh.
Lý Tài nhanh nhẩu đáp:
- Tôi cũng nghĩ như thầy giáo. Nếu ta chọn được cách đánh thích hợp, nâng sức mạnh ta lên áp đảo được địch, thì mới nên nghĩ đến chuyện đánh.
Nhạc hơi thất vọng vì thấy ba ý kiến đầu tiên của những người đứng tuổi đều khôn khéo và né tránh trả lời thẳng vào câu hỏi. Nhạc đành phải giải thích kế hoạch đánh phủ:
- Ý quí vị như vậy, tôi xin vâng. Tôi tính thế này. Hiện quân phủ dồn hết sức chống đỡ hai mặt: mặt bắc nhằm bảo vệ hai kho lương lớn là Càn Dương và Nước Ngọt và con đường thông thương ra Quảng Nam, mặt tây án ngữ Phụng Ngọc ngăn ta tấn công xuống. Bên ta hiện nay phía Thuận Truyền có Tuyết và Lộc, An Vinh có ông Tuyên, An Thái có chú Huệ, mặt nam Tuy Viễn có ông Thung và Lý tiên sinh đây. Đối mặt đánh nhau, chưa chắc ta làm gì được chúng. Quân không đông hơn. Vũ khí lại kém. Cho nên tôi tính đến đòn dùng mẹo và liều. Tôi cho chú Huệ rục rịch khua chiêng gióng trống dưới An Thái làm như ta sắp tấn công xuống. Chúng tưởng ta sắp vượt cầu Phụng Ngọc, dồn hết sức phòng ngự, quân phía bắc và nam sẽ bị trải mỏng ra. Nhờ thế, ông Thung dưới Tuy Viễn và Trung, Hòa nghĩa quân sẽ kín đáo chia từng toán nhỏ luồn lách rồi tập hợp chờ sẵn ở phía nam phủ. Tuyết, Tuyên, Lộc thì lo mặt bắc. Phần tôi sẽ chọn một số nhỏ anh em dũng mãnh, gan góc, liều lĩnh, dùng kế trở thành nội tuyến từ trong phủ đánh ra.
Nhạc dừng lại, nhìn quanh khắp phòng. Mọi người lắng nghe kế hoạch quan hệ đến lẽ sống chết của tất cả mọi người. Căn phòng im phăng phắc. Nhạc thỏa mãn vì đã gây được sự chờ đợi náo nức cho mọi người, bắt đầu trình bày kế liều lĩnh của mình:
- Những tên ông Nhật gài được vào trong phủ phần lớn đều chậm chạp, kém ứng biến, thiếu liều lĩnh. Mà không có nội tuyến mở cửa thành, ta đánh đến bao giờ mới vượt được hào lũy! Việc này thiên nan vạn nan. Làm sao ta ém sẵn được một số quân tinh nhuệ ngay trong phủ, chờ giờ thuận tiện, vùng dậy bắn hỏa pháo làm hiệu, mở cửa thành cho quân các ông ập vào? Làm sao? Các ông nghĩ giùm tôi đi!
Không ai dám thở mạnh, sợ Nhạc chỉ định mình hiến kế. Nhạc chờ thật lâu không thấy ai trả lời, mới cười nhạt nói:
- Tôi biết trước là khó tìm người dám liều lĩnh và đủ tài trí để làm việc đó. Thôi, không ai làm thì tôi lãnh. Tôi tính thế này nhé; Tôi sẽ cho đóng một cái cũi chắc chắn. Không phải để khiêng heo đi biếu Nguyễn Khắc Tuyên đâu. Tôi sẽ cho người trói chân tay, đóng gông rồi nhốt tôi vào cái cũi đó. Toán anh em đởm lược sẽ giả dân quê khiêng tôi xuống nộp cho quan phủ để lãnh thưởng. Dĩ nhiên chúng sẽ mở rộng cửa thành đón tôi vào. Nhà giam, như các ông thấy trên bản đồ, nằm sát sau lưng tòa phủ. Tuyên sẽ giam tôi ở đó. Chờ đêm đến, anh em sẽ tháo cũi cho tôi ra. Thế là chỉ cần hú lên một tiếng, bên trong bên ngoài hưởng ứng, Tuyên có chạy chắc không kịp mặc quần đâu!
Cả phòng ồ lên thán phục và mừng rỡ. Tiếng cười tiếng nói huyên náo đột ngột vỡ bùng sau thời gian im lặng căng thẳng. Nhạc cũng cười hể hả. chỉ có Nhật và ông giáo giữ được sự trầm tĩnh dè dặt. Nhạc ngạc nhiên hỏi Nhật:
- Ông sao thế? Có gì không ổn à?
Nhật liếc nhanh về phía Huyền Khê, nói:
- Cái kế liều lĩnh như vậy không thể nói cho nhiều người biết được. Chỉ cần một tên phản bội lén báo trước cho phủ Tuyên là tính mệnh của trại chủ…
Nhật không dám nói tiếp. Ông giáo vội nói:
- Ý ông Nhật hợp ý tôi. Một kẻ nào khác có thể đem mạng sống của mình liều lĩnh đặt lên chiếu bạc, phó mặc may rủi, được thì được cả, mất thì mất hết. Tôi mà làm như vậy, nếu rủi ro, thì đời bớt phải nhọc lòng vì một lão già gàn. Mấy cậu thanh niên như cậu Tuyên cậu Lộc ở đây cũng thế. Quá lắm ta đành cử người thay đội trưởng mới. Nhưng ông cả là đệ nhất trại chủ! Vâng, xin nhớ cho ông là đệ nhất trại chủ. Vận mạng tất cả anh em tùy thuộc rất nhiều ở ông. Ông không được quyền liều lĩnh. Nếu có đứa xấu phản bội báo trước cho Nguyễn Khắc Tuyên biết, như ông Nhật vừa nói, hoặc nếu phủ Tuyên giam kỹ trại chủ vào ngục sâu, thì tình thế sẽ thế nào. Bắt được một người như trại chủ, Tuyên mừng còn hơn bắt được vàng khối. Danh vọng, địa vị, cả tính mệnh của hắn tùy thuộc vào trại chủ. Đời nào hắn lơ lỏng đến nỗi để cho trại chủ tự tháo cũi thoát ra được. Xin ông nghĩ lại xem!
Những lời giải bày của ông giáo khiến Nhạc sợ đổ mồ hôi trán. Nhưng vừa sợ, ông vừa tức. Ông giáo hoàn toàn có lý, thật đáng phục. Mà cũng đáng ghét vì ông gián tiếp chứng tỏ cho mọi người thấy Nhạc chưa chín chắn khi vạch kế hoạch tấn công phủ. Nhạc ở vào thế khó xử, chưa biết phải nói gì.
Lý Tài nói:
- Các việc khó khăn nguy hiểm đã có anh em chúng tôi lo. Trại chủ hãy tin ở chúng tôi. Khỏi phải nhọc lòng dấn vào chỗ bất trắc. Tôi thấy địch đã quá yếu. Chỉ cần nhử cho chúng dồn lực lượng đối phó với An Thái, rồi phía nam có ông Thung và chúng tôi, phía bắc có các cậu trẻ tuổi đây, ta hẹn giờ cùng một lúc ép vào. Thế nào cũng lấy được phủ.
Nhạc cố vớt vát thể diện:
- Nhưng chúng tôi có thể tin chắc sức tấn công ở mặt nam không. Lý tiên sinh có mặt ở đây. Nhưng ông Thung lại vắng. Vạn nhất nếu Tuy Viễn bỏ trống thì chúng tôi ở mặt bắc có mạnh bao nhiêu cũng không ép được quân phủ thúc thủ.
Chinh đứng bật dậy nói lớn:
- Không thể tin ở ông Thung được. Có Lý tiên sinh đây làm chứng. Trước đây hai ngày, Nguyễn Thung cho người lên gặp Trung và Hòa nghĩa quân đề nghị hợp tác để đánh thành Qui Nhơn. Lý tiên sinh từ chối, bảo một việc quan hệ như thế phải do đệ nhất trại chủ quyết định.
Có nhiều tiếng xôn xao trong phòng họp. Tiếng bàn tán mỗi lúc mỗi lớn hơn, trở thành ồn ào. Nhạc hét lớn cho át tiếng ồn, hỏi Lý Tài:
- Có đúng như vậy không, Lý tiên sinh?
Lý Tài điềm tĩnh đáp:
- Vâng. Cậu Chinh nói đúng sự thực.
Nhạc lặng người vì hoang mang, và tức giận. Nhưng bao nhiêu năm quen với những bất ngờ sinh tử, Nhạc không để lộ tình cảm ra nét mặt. Trong lúc mọi người nín thở chờ đợi cơn phẫn nộ òa vỡ, Nhạc đột ngột phá lên cười ha hả. Ông cười xong, hoan hỉ nói:
- Thế mới biết ông Thung đệ nhị trại chủ của chúng ta sâu sắc đến dường nào. Vừa nhận được thư mời, ông ấy đã biết tôi muốn gì. Ông ấy bận không đi họp được, nhưng lặng lẽ lo xong cho trước phần việc mình. Một mặt ông Thung liên lạc trước với Lý tiên sinh để chuẩn bị mặt nam. Một mặt ông ấy cho người đem… đem cái gì lên cho chúng ta, các ông biết không? Chính ông Thung đã gửi cho chúng ta tấm bản đồ quí giá này. Tất cả những điều chúng ta bàn suốt buổi sáng, thì ông Thung đã lo liệu đến hơn phân nửa công việc. Thế mới xứng là đệ nhị trại chủ.
Lại có nhiều tiếng lao xao, cười nói hoan hỉ!
Lúc ấy, một người lính hầu bước vào phòng, đến đưa cho Nhật một mảnh giấy nhỏ. Nhật tiếp tục bàn tán cười vui với mọi người, nhét nhanh mảnh giấy vào thắt lưng. Chờ lúc mọi người không chú ý đến mình, Nhật lẻn ra ngoài hiên xem nội dung nguồn tin vừa gửi tới. Ông lạnh người, mắt hoa đi. Cố đọc kỹ một lần nữa, ông không còn hoài nghi mắt mình kém nữa. Mồ hôi rịn ướt cả hai bàn tay ông. Chờ cho mình trấn tĩnh lại, Nhật mới bước vào phòng họp. Mọi người còn cười nói rôm rả. Nhạc đang rót nước ra cái chén sứ ở bàn nước. Bên cạnh Nhạc không có ai. Nhật đến bên Nhạc, vờ cúi xuống xin trại chủ một chén nước trà, thì thầm vài câu với Nhạc. Cái nắp bình trà rơi xuống đất vỡ tan thành nhiều mảnh nhỏ. Mọi người quay lại nhìn trại chủ. Nhạc đặt bình nước xuống bàn, đưa chén lên uống cạn, rồi hớn hở loan báo:
- Anh em! Vừa có tin vui đây! Ông Thung vừa cho người lên báo là đã chuẩn bị sẵn sàng để cùng chúng ta tấn công chiếm phủ Qui Nhơn. Như vậy là ta khỏi lo mặt nam bị trống nữa. Tôi quyết định bắt đầu tiến quân ngay bây giờ. Bằng cách nào nhanh nhất, các ông về ngay với quân của mình. Tập họp gấp quân lính, khí giới sẵn sàng. Tôi sẽ cho đem lệnh đến cho từng người. Các ông cứ y theo lệnh mà làm, không được tự ý thay đổi. Tình thế gấp lắm. Khỏi cần nói với tôi lời từ biệt. Các ông chạy ra cổng, lên yên ngay cho.