Sau buổi dạo hoa viên. Ba tay ngự lâm Nhĩ Khang, Nhĩ Thái, Vĩnh Kỳ tụ lại ở thư phòng của Vĩnh Kỳ, mở một "phiên họp khẩn cấp". Nhĩ Khang căng thẳng nói với Nhĩ Thái và Vĩnh Kỳ: - Ba người chúng ta hôm nay phải cố gắng nghiên cứu tìm một giải pháp. Tôi cảm thấy tình trạng hiện nay gay go phức tạp lắm. Tôi thấy nguy hiểm khôn cùng. Ban nãy hẳn các người đã nghe Hoàng thượng nói gì rồi chứ? Nếu trong trường hợp Tử Vy chưa làm rõ được lai lịch của mình với Hoàng thượng. Mà Hoàng thượng lại quyết định chỉ hôn. Sự trớ trêu trái quấy xảy ra thì ta sẽ xử lý cách nào? Vĩnh Kỳ với cả một bầu tâm sự rối rắm. Đi tới đi lui trong thư phòng, mà lòng âu lo chẳng kém Nhĩ Khang. - Đúng vậy. Hiện nay trong số các cát cát còn lại trong cung thì tuổi tác của Tiểu Yến Tử với huynh là tương xứng nhau. Hoàng A Ma chỉ thấy tình cảm giữa Tiểu Yến Tử và nhà họ Phước các huynh sâu đậm, nên rất dễ hiểu lầm. Ban nãy câu nói của Hoàng thượng cũng là một bước thăm dò đó chứ. Nhĩ Thái thì có vẻ không vui. - Mỗi lần Hoàng thượng làm gì là chỉ nghĩ đến Nhĩ Khang trước chứ không bao giờ để ý đến tôi. Muốn chỉ hôn ư? Đâu nhất thiết là chỉ nghĩ đế một mình Nhĩ Khang? Tôi cũng lớn rồi vậy? Thôi được rồi, các người đừng lo, bữa nào gặp mặt Hoàng thượng, tôi sẽ nói rõ ý định của mình, để vua chỉ hôn Tiểu Yến Tử cho tôi coi như giải tỏa được nguy cơ của Nhĩ Khang ngay được chứ? Câu nói của Nhĩ Thái, làm chiếc quạt trên tay Vĩnh Kỳ rơi xuống đất. Vĩnh Kỳ trợn mắt: - Ngươi nói cái gì? Mi nói rõ với Hoàng thượng? Có nghĩa là giữa ngươi và Tiểu Yến Tử đã có một sự quan hệ nào đó? Từ bao giờ thế? Nhĩ Thái nhặt cây quạt dưới đất lên cho Vĩnh Kỳ, nói: - Chưa, chưa có gì cả. Nhưng tôi hỏi Ngũ A Ca. Nhĩ Khang huynh đây đang gặp rắc rối. Tôi là tiểu đệ, tôi không xả thân ra cứu huynh ấy thì sao? Tiểu Yến Tử trước đó đã phỗng tay trên cha của Tử Vy. Bây giờ để cho cô ấy cướp luôn người yêu của Tử Vy nữa à? Nhĩ Khang nghĩ tới nghĩ lui, rồi gật gù: - Hay, hay lắm! Vậy cũng được! Như vậy cũng tốt, ngươi hãy nói với vua đi, gả Tiểu Yến Tử cho ngươi thì cô ấy và Tử Vy sau này cũng ở chung trong nhà ta, họ sẽ vẫn là tỉ muội nhau. Rất hay, Tiểu Yến Tử chắc chắn thích cách sắp xếp này lắm. Chẳng có cách nào tuyệt như vậy. Ta hết sức cảm ơn cách tính của ngươi! Vĩnh Kỳ đứng một bên, giậm chân: - Các ngươi tính với toán. Hay thế nào mà hay? Tại sao quên cả sự hiện diện của tôi đây chứ? Nhĩ Thái quay lên nhìn Vĩnh Kỳ, chợt hiểu ra: - À! Ngũ A Ca... thì ra Ngũ A Ca cũng có tình ý gì ở đây ư? Nhĩ Khang tròn mắt kinh ngạc: - Không được! Ngũ A Ca tính vậy không được, đừng quên Tiểu Yến Tử là muội muội của huynh nhé? Vĩnh Kỳ bực bội nói: - Nhưng bấy lâu nay. Việc làm của mấy người là để làm sáng tỏ sự thật. Trả lại vị trí chính xác của mỗi người? Khi mọi việc đã sáng tỏ, thì Tiểu Yến Tử đâu còn là muội muội của tôi nữa? Giữa tôi và cô ấy chẳng hề có một chút quan hệ huyết thống nào cả. Cũng bởi vì biết trước cái chuyện này, nên tôi mới không hạn chế cái tình cảm của tôi đó chứ? Nhĩ Thái thất vọng, nhưng nói: - Như vầy thì sẽ có rắc rối đấy! Vĩnh Kỳ hỏi: - Rắc rối gì? Nhĩ Thái thẳng thắn: - Trừ trường hợp huynh lấy quyền của một hoàng tử bắt tôi không được yêu Tiểu Yến Tử, bằng không giữa hai ta sẽ có một sự đấu tranh sòng phẳng. Ai mạnh người đó thắng trong cuộc chiến này, được không? Vĩnh Kỳ nghe vậy, tái mặt: - Nhĩ Thái, ngươi cũng... Nhĩ Khang nhìn Vĩnh Kỳ rồi nhìn Nhĩ Thái nói: - Tình hình hiện nay đã vô cùng phức tạp rồi, các người làm ơn dẹp chuyện đó qua một bên, để giải quyết những vướng mắc trước mắt đi chứ? Vĩnh Kỳ mặt đỏ gấc, lúng túng nhìn Nhĩ Thái xác minh lại. - Nhĩ Thái, những điều ban nãy ngươi nói thật đấy chứ? Nhĩ Thái thú nhận: - Dĩ nhiên là nói thật. Trước người đẹp quyến rũ như vậy có quân tử nào chẳng xiêu lòng. Đâu lẽ chỉ có một mình huynh? Vĩnh Kỳ ngẩn ra, đi tới đi lui mấy vòng trong phòng. Cuối cùng đứng lại trước mặt Nhĩ Thái, khẳng khái nói: - Nhĩ Thái, ngươi hẳn biết, ta không bao giờ dùng quyền lực của mình để ép buộc ai cả, nhất là đối với ngươi. Bấy lâu nay giữa ta và ngươi chẳng khác gì huynh đệ ruột trong nhà. Tình cảm đó thật đáng trân trọng. Vì vậy... thôi thì ta xin rút lui, ngươi hãy tiếp tục con đường của mình, tiến tới với Tiểu Yến Tử. Còn ta đành cắn răng chấp nhận định mệnh, để là một người huynh bất đắc dĩ của cô nàng vậy. Nhĩ Thái nghe vậy cảm động: - Cảm ơn Ngũ A Ca đã bộc bạch điều mình nghĩ. Nhưng mà làm gì Ngũ A Ca đau lòng như vậy? Như điều ban nãy Ngũ A Ca đã nói, tình cảm giữa tôi và A Ca còn hơn cả huynh đệ ruột thịt, thì tôi làm sao có thể nhẫn tâm mà đoạt mất tình yêu của A Ca chứ? Vĩnh Kỳ nghe Thái nói, giật mình: - Ý của ngươi muốn nói là... Nhĩ Thái gật đầu: - Vâng, tôi ban nãy chỉ nói đùa với huynh thôi, chứ thật ra tôi làm sao bì được với A Ca được? Tôi đã sớm phát hiện tình cảm của A Ca dành cho Tiểu Yến Tử nên đã rút lui từ trước, mà rõ ràng là tình cảm của Tiểu Yến Tử dành cho A Ca cũng đậm hơn cho tôi. Mấy lần hai người đi chung Tiểu Yến Tử nói chuyện với A Ca, cô ấy cứ đỏ mặt... Vĩnh Kỳ nghe vậy tươi tỉnh hẳn: - Thật ư? Nói chuyện với tôi thì đỏ mặt? Điều đó biểu lộ sự việc gì? - Tôi cũng không biết. Có điều nếu tôi thấy Tiểu Yến Tử nói chuyện với tôi mà đỏ mặt, thì tôi sẽ không nhường cô ấy cho ai đâu! Vĩnh Kỳ phấn chấn: - Nhĩ Thái, ngươi nói thật đấy chứ? Chẳng phải vì để lấy lòng ta chứ? - Tôi nói thật chứ chẳng lấy lòng ai cả. Thôi được, chúng ta đã làm rõ tình cảm của nhau rồi. Bây giờ hãy thảo luận xem sau này phải ứng phó thế nào đây? Vĩnh Kỳ vui vẻ vỗ lên vai Nhĩ Thái một cái thật mạnh, nói: - Nhĩ Thái, ngươi đồng ý nhường cho ta khiến ta cảm kích vô cùng. Nhĩ Khang đang căng thẳng vì sự việc trước mắt, bực dọc nói: - Mấy người cứ ở đó cảm ơn qua lại mất cả thì giờ. Chuyện đâu đơn giản như mấy người tưởng đâu. Ngũ A Ca, huynh đang nằm mơ đấy! Hãy suy nghĩ tỉnh táo một chút xem nào? Hiện nay Tiểu Yến Tử là Hoàn Châu cát cát trên danh nghĩa là có chung dòng máu với huynh. Vậy thì không thể tính toán điều gì được. Nếu sau này khi sự việc đã rõ ràng, Tiểu Yến Tử không còn là Hoàn Châu cát cát, thì cô ta sẽ chỉ là một cô gái dân gian bình thường thôi. Huynh với chức danh là hoàng tử, Hoàng thượng liệu có chịu để huynh cưới một cô gái dân dã làm vợ không? Cùng lắm là chỉ được làm thiếp thôi. Nhưng với Tiểu Yến Tử, mặc dù xuất thân nghèo hèn, nhưng lại đầy cá tính, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện bình đẳng, bảo vệ quyền lợi phái yếu, thì làm sao chấp nhận chuyện làm thiếp hẹp hòi cho huynh? Vĩnh Kỳ nghe Nhĩ Khang phân tích, khổ sở: - Đúng đấy! Tôi rõ là người mãi nằm mơ! Nhĩ Thái thấy vậy, an ủi: - Được nằm mơ cũng là điều hay. Có người muốn mơ còn không được nữa là, nhất là với giấc mơ đẹp. Biết đâu rồi mơ sẽ thành sự thật? Làm sao biết? Nhĩ Khang thở ra: - Đã rắc rối càng rắc rối hơn, vì bây giờ Hoàng thượng lại có ý chỉ hôn lộn xộn nữa! Vĩnh Kỳ suy nghĩ, chợt nói: - Tôi vừa phái hiện ra một điều này nữa, rất là nguy hiểm. - Chuyện gì nữa? - Tử Vy là một cô gái đẹp toàn diện khiến cho Hoàng A Ma vô cùng ưa thích. Ở đây chúng ta biết Tử Vy là cốt nhục của Hoàng A Ma, Tử Vy cũng biết, chỉ có Hoàng A Ma là chẳng hay biết gì cả. Đó là điều rất nguy hiểm! Lời nhắc nhở của Vĩnh Kỳ làm cho Nhĩ Khang ngã hẳn người ra sau ghế. - Đúng rồi! Đúng rồi, đây là điều hết sức nguy hiểm! Để kéo dài không được đâu. Chúng ta cần phải cho Hoàng thượng biết ngay sự thật! - Không thể cho biết ngay bây giờ. Bởi vì Tiểu Yến Tử đã gây quá nhiều sóng gió, kẻ thù quá đông. Nếu sơ xuất, e là cái đầu của cô ấy khó mà bảo toàn. Hoàng hậu mà biết được sự thật sẽ đem gia pháp quốc pháp ra, là khó lòng mà chạy thoát. Vì vậy phải tìm một giải pháp. Làm thế nào cho Tử Vy và cả Tiểu Yến Tử đều có lệnh đại xá của Hoàng thượng, miễn được tội chết lúc đó mới nói hết sự thật ra! Vĩnh Kỳ nói, Nhĩ Khang tuyệt vọng: - Muốn có được lệnh đại xá nào có phải là dễ dàng? Từ nào đến giờ Hoàng thượng có ban cái lệnh đó bao giờ đâu? Nhĩ Thái suy nghĩ, nói một cách đầy hy vọng: - Tôi nghĩ thì chuyện này cũng không khó lắm đâu. Sao ta không lợi dụng chuyến tuần du này? Chỉ có những người thân tín bên vua, nếu chúng ta khéo lợi dụng cơ hội biết đâu sẽ thành công. Tử Vy và Tiểu Yến Tử đều là người có bản lĩnh, chắc chắn sẽ được việc. Hãy hy vọng, cứ hy vọng! Và quay qua Vĩnh Kỳ với Nhĩ Khang, Nhĩ Thái nói. - Hai người chẳng qua vì trong cuộc nên lo lắng thái quá thành u mê. Còn tôi, tôi không có dính líu gì cả nên rất bình tĩnh, rất sáng suốt. Các người hãy nghe tôi đi, chẳng có gì để lo quá vậy. Nhĩ Thái phân tích, Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang thấy có lý, chuyến đi tuần du này trở nên có ý nghĩa khá quan trọng, thành hay không là đây... Rồi Vĩnh Kỳ chợt nhớ ra, nói: - Nhưng mà Tiểu Yến Tử còn phải trả bài “Cổ tùng quân hành" mới được đi! Bây giờ phải làm sao? Nhĩ Khang đứng dậy: - Bọn mình phải giúp cô ấy. Bắt cô ấy học ngay mới kịp. Và gần như không một phúc chậm trễ, cả ba tay “Ngự lâm quân" chạy bay đến Thấu Phương Trai ngay. Tất cả bọn người trong Thấu Phương Trai được tập hợp cả ngoài sân nhỏ. Vĩnh Kỳ cầm trường kiếm múa. Ánh kiếm bạc loang loáng lúc nhanh, lúc chậm vạch thành những luồng sáng khi cao khi thấp. Mọi người há hốc mồm xem, nhất là Tiểu Yến Tử, cô nàng có vẻ vô cùng kính phục. Vĩnh Kỳ sau mấy đường kiếm khởi đầu, bắt đầu vừa múa vừa đọc bài “Cổ tùng quân hành". - Bạch nhật đăng sơn vọng phong hỏa, hoàng hôn ẩm mã bàng giao hà. Hành nhân điêu đẩu phong sa ám. Công chủ tỳ bà u oán đa. Dã vân vạn lý vô thành quách. Vũ tuyết phân phân liên đại mạc. Hồ nhạn ai minh dạ dạ phi. Hồ nhi nhản lụy song song lạc. Văn đạo Ngọc Môn do bị già. Ứng tướng tánh mạng trục khinh xa. Niên niên chiến cốt mai hoang ngoại. Không kiến bồ đào nhập Hán gia. (Ngày trắng lên non nhìn khói lửa, hoàng hôn dừng ngựa tại đầu sông, người đi che cát ù ù thổi, tiếng đàn cát cát buồn vô song. Tuyết rơi hoang dã không thành quách. Nhạn Hồ buồn bã suốt đêm khuya. Gái Hồ lệ chảy không ngừng hạt. Ngọc Môn xa quá nhìn không ra. Ứng tướng xá gì thân nam tử. Quanh năm chinh chiến cốt xương phơi. Hình như nho đỏ nhà ai đó? Đã đến quê nhà đất Hán đây...) Vĩnh Kỳ vừa đọc vừa múa kiếm, mọi người vỗ tay ca ngợi. Tiểu Yến Tử là người thích thú nhất khiến Vĩnh Kỳ lai múa thêm lần nữa. Vừa múa vừa diễn giảng. - Mũi kiếm đưa lên trên thế này, gọi là Bạch nhật đăng sơn vọng phong hỏa. Xong rút kiếm về, đọc là Hoàng hôn ẩm mã bàng giao hà. Rồi múa kiếm tới lui gọi là Hành nhân điêu đẩu phong sa ám. Đẩy kiếm tới lui thế này gọi là Công chủ tì bà u oán đa. Nào lại đây Tiểu Yến Tử, mình hãy luyện trước bốn câu này đi! Tiểu Yến Tử khoái chí nói: - Ồ! Vui quá vậy, thế này rất dễ nhớ. Nhĩ Khang đưa kiếm cho Tiểu Yến Tử, Yến Tử vừa múa vừa đọc thành văn. - Bạch nhật đăng sơn vọng phong tỏa, hoàng hôn ẩm mã bàng giao hà. Mọi người thấy vậy, vỗ tay hét: - Hay quá! Hay quá! Thuộc rồi! Thuộc rồi! Tử Vy cười hỏi Nhĩ Khang: - Cái phương pháp này hay thật. Ai bày ra vậy? Nhĩ Khang cười: - Cái đó gọi là tùy cơ ứng biến, hóa tắc thông “Dạy học mà vừa học vừa hành mới dễ nhớ chứ? " Lúc đó Tiểu Yến Tử đã quên hai câu sau nên hỏi. - Kế tiếp là gì nhỉ? - Hành nhân điêu đẩu phong sa ám. Công chủ tỳ bà u oán đa! Vĩnh Kỳ vừa múa kiếm vừa đọc. Tiểu Yến Tử múa kiếm vùn vụt rồi đọc theo. - Hoàng thượng điêu nan phong sa ám, Công chủ bối thi u oán đa! (Hoàng thượng làm khó dễ khiến cát bụi bay mịt mù. Cát cát đọc thơ mà oán hận vô song). Nhĩ Khang và Tử Vy nhìn nhau. Khang ngạc nhiên: - Xem kìa! Cô ta còn biết sửa cả thơ! Tử Vy cười: - Như vậy là quá tiến bộ rồi, đúng không? Còn Nhĩ Thái nghe lại lắc đầu: - Chỉ sợ là “Hoàng thượng nghe xong mặt tái hẳn. Cát cát lỡ lời ân hận thêm"? Trong khi Vĩnh Kỳ chẳng để ý đến chuyện sửa đổi lời thơ của Tiểu Yến Tử. Tiếp tục múa kiếm và dạy. - Đây là chiêu “Dã vân vạn lý vô thành quách", kế đến là “Vũ tuyết phân phân liên đại mạc". Rồi sau đó “Hồ nhạn ai minh nguyệt nguyệt phi". “Hồ nhi nhản lụy song song lạc". Đường kiếm của Tiểu Yến Tử càng lúc càng nhanh, càng hay. Có điều múa mấy đường là Tiểu Yến Tử dừng lại hỏi. - Cái gì... Dã nhân... Dã nhân làm gì vậy? - Không phải dã nhân mà là dã vân. Tức là mây trời lang bạt cô cứ múa kiếm, vừa múa vừa tưởng tượng đưa đường kiếm tới. Giết được hàng vạn kẻ thù phá tan hoang tất cả thành thị vườn tược vậy. Nhĩ Khang nói vào để giúp đỡ. Tiểu Yến Tử lại thắc mắc: - Và kế tiếp đó? Cái gì mưa tuyết, rồi cái gì là sa mạc nữa? Nhĩ Thái thấy vậy chen vào: - Vũ tuyết phân phân liên đại mạc. Cô cứ tưởng tượng mình múa kiếm làm mưa tuyết phải rơi. Rơi ngập cả sa mạc. Như vậy kẻ thù sẽ chẳng còn đường mà thoát. Đó là Vũ tuyết phân phân liên đại mạc. - Thôi hiểu rồi! Hiểu rồi! Tiểu Yến Tử kêu lên, vừa múa kiếm vừa nói: - Dã nhân vạn lý đánh không lại, múa kiếm như tuyết cùng cát rơi! Đúng không? Mọi người thấy Tiểu Yến Tử đọc phải phục lăn. Sau đó, Tiểu Yến Tử được Tử Vy, Nhĩ Khang, Nhĩ Thái và Vĩnh Kỳ hộ tống, cùng đến gặp vua Càn Long, để trịnh trọng đọc bài “Cổ tùng quân hành" và để tạo sự liên tưởng, giúp Tiểu Yến Tử đọc dễ dàng, họ mời cả vua ra Ngự hoa viên. Tiểu Yến Tử đầy tự tin nói với vua: - Dễ lắm! Con có thể đọc làu làu được đấy! Nhĩ Khang, Nhĩ Thái, Vĩnh Kỳ và Tử Vy thì căng thẳng vì chẳng tin tưởng Tiểu Yến Tử lắm. Cuộc trả bài bắt đầu. Tiểu Yến Tử hướng mắt về phía Vĩnh Kỳ. Vĩnh Kỳ dùng thuật múa tay tạo sự liên tưởng cho Yến Tử. Nhưng vì trước mặt vua nên không dám múa may rõ ràng chỉ đưa những ngón tay lên xuống nhắc nhở. Tiểu Yến Tử bắt đầu đọc: Bạch nhật đăng sơn vọng phong hỏa. Hoàng hôn ẩm mã bàng giao hà. Hoàng thượng khó chịu ào ào cát. Tử Vy thấy Tiểu Yến Tử bắt đầu trật đường rầy, nên tằng hắng một tiếng, khều nhẹ Tiểu Yến Tử một cái. Nhĩ Khang, Nhĩ Thái và Vĩnh Kỳ cũng quýnh lên làm mấy động tác ngăn lại. Tiểu Yến Tử dừng lại chỉ. - A... A... A... Vua thì đã trông thấy các hành động của đám Vĩnh Kỳ, nên hỏi. - Các ngươi làm gì vậy chứ? Cả đám sợ hãi, vội giả lơ, người ngó trời, người ngó mây, người làm bộ xem hoa. Tiểu Yến Tử nhớ mang máng lại, nói. - Câu ban nãy đọc trật rồi, phải là Hành nhân điêu đẩu phong sa ám. Cát cát đọc thơ oán hận nhiều. Câu sau của Tiểu Yến Tử lại khiến đám Vĩnh Kỳ, kẻ ho, người tằng hắng, người động đậy tay chân. Vua ngó đám thanh niên đứng pha trò, vừa tức vừa buồn cười, nhưng mặt ngoài lại làm ra vẻ bình thản, nói: - Được rồi, tiếp tục đọc đi! Tiểu Yến Tử nói: - Bẩm Hoàng A Ma, con thấy đoạn sau hơi khó, Hoàng A Ma làm ơn cho con mượn cây gươm đi! Vua Càn Long ngạc nhiên: - Lạ vậy, thơ và gươm có sự quan hệ gì nhau? - Dạ nếu không có gươm, con không đọc được. Tiểu Yến Tử nói, rồi đi hái một cành cây làm gươm. bắt đầu vừa múa vừa đọc thơ. - Con đọc lại từ đầu nhé? Bạch nhật đăng sơn vọng phong hỏa. Hoàng hôn ẩm mã bàng giao hà. Hành nhân điêu đẩu phong sa ám. Công chủ tỳ bà u oán đa! Mọi người thấy Tiểu Yến Tử đọc được thở phào nhẹ nhõm. Tiểu Yến Tử lại tiếp tục vừa múa vừa đọc. - Dã nhân vạn lý đánh không lại, kiếm khí như là tuyết mù sa. Hồ nhạn ai minh dạ dạ phi, Hồ nhi nhãn lệ song song lạc. Nghe nói Ngọc Môn chưa bị ám, giết ngay bọn đó một xe đầy... Nhĩ Khang nghe đọc phải thở hắt, Nhĩ Thái thì che mặt xấu hổ. Vĩnh Kỳ đứng như trời trồng, Tử Vy cũng vậy, cúi xuống không dám nhìn mặt vua Càn Long. Và quả thật vua Càn Long đã nổi nóng: - Thôi thôi thôi! Người ta đọc thơ phải tao nhã, đằng này vừa múa may vừa đọc, mà lại đọc trật lất nữa thật trẫm chẳng biết con đang làm gì nữa. Tiểu Yến Tử làm ra vẻ khổ sở: - Cũng tại Hoàng A Ma không hà, sao không chọn một bài dễ một chút, gần gũi cuộc sống đời thường thì con đã đọc được rồi. Chọn bài khó quá, nhiều câu mà chữ cũng khó. Đọc chữ trước là quên ngay chữ sau. Cái gì mà người Hồ, rợ Hồ. Tuyết rồi sa mạc. Bạch nhật hoàng hôn, rồi Hoàng thượng cát cát lung tung, những bài như vậy đọc không đã nhức đầu, đớ lưỡi. Nói chi đến chuyện trả bài thuộc lòng. Vua Càn Long hỏi: - Thế trong lúc con đọc bài, Vĩnh Kỳ và các bạn con tại sao phải múa tay múa chân chi vậy? Nhĩ Khang thở ra: - Xin Hoàng thượg đừng cười cợt. Đây là một cách dạy học thất bại. Đúng ra bọn con muốn biến bài thơ thành bài luyện võ để cát cát dễ nhớ, không ngờ. Múa kiếm thì cô ấy múa được, còn bài lại không nhớ. Bấy giờ vua Càn Long mới hiểu ra: - À thì ra là vậy, các ngươi múa tay múa chân có nghĩa là đang múa kiếm? Ai đặt ra kiếm phổ mới mẻ vậy? Các ngươi ư? Vua Càn Long tròn mắt nhìn đám Vĩnh Kỳ: - Vậy theo các ngươi đánh giá thì chuyện đọc thơ của Tiểu Yến Tử vừa rồi có nói là thành công không? Vĩnh Kỳ nói: - Vậy cũng giỏi quá rồi. Bốn câu đầu đọc rất trôi chảy. Nhĩ Khang tiếp: - Hai câu “Hồ nhạn ai minh dạ dạ phi, Hồ nhi nhãn lệ song song lạc" cũng không trật. Nhĩ Thái thêm: - Câu kế tiếp phần đầu hơi lệch lạc, nhưng hai chữ Ngọc Môn thì lại đúng. Vua Càn Long trợn mắt: - Như vậy theo các ngươi Tiểu Yến Tử đã tạm thuộc bài ư? Tiểu Yến Tử biết là mình đã bị kẹt rồi nhưng đánh bài liều, bước ra đề nghị. - Xin Hoàng A Ma cho Tử Vy trả bài hộ con được không? Vua Càn Long càng ngạc nhiên: - Có cái vụ trả bài giùm nữa ư? Ngộ thế? Tử Vy thấy Tiểu Yến Tử ở thế kẹt, mà như vậy thì rất nguy hiểm nếu ở lại trong cung, nên quỳ xuống năn nỉ. - Hoàng thượng, xin cho phép nô tỳ trả bài hộ cho cát cát một bài khác, nếu Hoàng thượng còn chưa hài lòng thì xin để cát cát về ôn lại bài rồi trả sau. - Ngươi muốn trả một bài khác ư? - Vâng. - Vậy thì ngươi đọc đi, trẫm nghe đây? - Nô tỳ thấy là trong giây phút này mọi người đều hồ hởi vì chuyện chuẩn bị tuần du của Hoàng thượng, vì vậy tạm không đọc bài “Cổ tùng quân hành". Bởi vì bài thơ đó nghe buồn thảm quá. Hiện tại đất nước ta đang ở vào thời hưng thịnh, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tại sao ta không chọn một bài khác thích hợp hơn? Vua Càn Long thấy lời của Tử Vy hữu lý, nên nói: - Thôi được, không đọc bài thơ đó, ngươi chọn một bài thơ nào vui vẻ hơn đọc cho mọi người nghe xem. - Dạ. Tử Vy nói, rồi bắt đầu đọc: Mây xuân phiêu lãng bên trời Nam Hồ quang đãng một màu thắm tươi Liễu xanh đậu nét đôi bờ Hoa kia đua sắc thiên thai như mời Khói sương lãng đãng tranh đời Lầu ai vang tiếng tiêu mời người sang Trăng vàng vũ trụ thênh thang Nửa như lưu luyến nửa như thiên đàng. Tử Vy vừa đọc xong là vua Càn Long như ngỡ ngàng. - Đây là thơ của trẫm cơ mà. Sao ngươi cũng biết vậy? - Dạ nô tỳ trộm nghe qua. Có điều vì không biết cách trình bày nên không diễn đạt được hết thâm thúy trong thơ Hoàng thượng. Vua Càn Long nhìn Tử Vy: - Ngươi có biết bài thơ này ta đã làm lúc nào không? - Dạ Hoàng thượng đã sáng tác vào lúc đang du thuyền trên Nam Hồ ở Gia Khánh, đó là lần đầu tiên Hoàng thượng đến Giang Nam. Thời gian là vào tháng hai năm Càn Long thứ mười sáu ạ. Vua Càn Long nghe nói hoàn toàn bất ngờ. Vua nhìn Tử Vy, thấy vô cùng thích thú. Đây là một cô gái hết sức tuyệt vời. Vua nói. - Tiểu Yến Tử! Con quả thật có một trợ thủ tuyệt luân. Thôi thì trẫm chịu thua. Tha cho con một lần nữa đấy. Ha ha! Vua nói xong cười lớn tiếp: - Hay lắm! Hay lắm! Mọi người đều hay cả. Tính toán cái gì cũng hay. Chỉ tiếc là có học trò dốt quá đi thôi. Nhưng cũng thật thú vị. Bài thơ “Cổ tùng quân hành" của người ta hay như vậy mà trở nên méo mó. Cái gì mà “Hoàng thượng làm khó gió âm u. Cát cát đọc thơ buồn ai oán? " Thật là hết biết. Ta chưa tưng thấy bao giờ. Thôi dẹp cả “Cổ tùng quân hành" đi, mà hãy chuẩn bị chuyện “Chuẩn bị xuất tuần" đi. Ha ha! Thật thú vị. Và khi vua thích chí cười ha ha. Thì mọi người như được xả cảng, vui lây. Không ai nín cười nữa. Nhĩ Khang thấy Tiểu Yến Tử đã vượt ải được, lòng nhẹ nhõm. Nhưng khi nhìn ánh mắt khâm phục ái mộ của vua dành cho Tử Vy. Nhĩ Khang linh cảm một điều không hay sắp xảy đến, nên vô cùng lo lắng. Còn Nhĩ Thái và Vĩnh Kỳ thì tuy cũng cười, nhưng lòng vẫn không yên. Sự việc rồi sẽ ra sao. Mỗi người căng thẳng chờ đợi chuyến đi có thể tốt đẹp nhưng cũng có thể đầy mây ám!