Trong khi cả gia đình tôi đang chìm đắm trong niềm vui ngày Tết ở Giang Tây, thì ở Bắc Kinh xa xôi đã xảy ra chuyện bất hạnh. Ngày 27.1.1971, là ngày Tết âm lịch của năm 1971. Ngày tết ta là ngày tiết lễ truyền thống, long trọng nhất của người Trung quốc. Trong khi mọi người đang bận rộn với việc tống cựu nghênh tân, thì một bàn tay ác độc đã vươn tới một con người bất hạnh.Có một số người thấy Phác Phương được yên ổn chữa trị trong bệnh viện 301, thì trong lòng họ tức tối. Bọn chúng định bày trò ma quỷ đối với Phác Phương, mà mức độ tối thiểu cũng là tống cổ Phác Phương ra khỏi bệnh viện 301. Trước đây chúng đã bật Phác Phương ra khỏi bệnh viện 301 đưa về Giang Tây, nhưng vì cha tôi viết thư cho trung ương nên chúng không làm gì được. Nhưng Tết Nguyên đán vừa qua là chúng lại động thủ một lần nữa. Với những ý đồ âm mưu ấy, Phác Phương hoàn toàn không biết gì hết. Vừa qua tết dương lịch, bác sĩ đã chụp phim cho Phác Phương, nói rằng tuỷ sống đã thông suốt được một nửa, và đang nghiên cứu xem nên điều trị tiếp thế nào. Anh hoàn toàn không thể ngờ rằng, một tai hoạ lại sắp giáng xuống đầu anh.Ngày 21.1.1971, tức là chỉ còn một tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên đán. Bệnh nhân trong bệnh viện cũng bận rộn hẳn lên, có người thì nhận được những gói to, bọc nhỏ của người thân, có người lại thu thập đồ dùng chuẩn bị xuất viện về nhà ăn tết. Hôm đó, cơm trưa xong, bệnh nhân đều trở về phòng mình, chuẩn bị đi nghỉ trưa. Đột nhiên trong phòng bệnh của Phác Phương xuất hiện mấy người của trường đại học Bắc Kinh. Thái độ của họ rất hằn học, hung hăng nói với Phác Phương: “Trên tổ chức quyết định, thay đổi nơi điều dưỡng của anh”. Đối với “thông báo” này, Phác Phương thấy vô cùng đột ngột. Từ trong đáy lòng mà nói, anh thực tình không muốn đi khỏi bệnh viện 301 này. Nhưng những người đó lại nói rành mạch rõ ràng ràng đây là quyết định của tổ chức, nên không cần hỏi ý kiến của đương sự. Như thế, thì còn biết nói sao nữa đây, Phác Phương nói với nét mặt vô cảm: “Đồng ý”. Sau đó anh hỏi một câu rất đơn giản: “Bao giờ đi?” Những người đó cũng trả lời đơn giản không kém: “Đi ngay bây giờ”.Đi ngay bây giờ! Từ khi họ đến, tới lúc ấy cũng mới chỉ được có mấy phút, mà lại “Đi ngay bây giờ!” Phác Phương chẳng nói gì nữa, mà ngay cả việc đi tới đâu, anh cũng chẳng hỏi lại. Hỏi, liệu có ích gì? Đã đến bước ấy, số phận anh, thôi thì cứ mặc cho chúng sắp đặt. Khi đến bệnh viện 301, anh chẳng mang theo đồ dùng gì, cho nên khi rời bệnh viện 301 anh cũng chẳng có thứ gì cần phải thu xếp. Chẳng có đồ đạc gì mang theo, nên anh đã ra đi ngay. Phác Phương để người ta khênh anh ra khỏi phòng bệnh, để mặc người ta đưa anh lên ô-tô, anh không nói thêm một câu nào.Chiếc xe ra khỏi bệnh viện 301 nằm ở ngoại ô phía tây thành phố Bắc Kinh, chạy rất lâu rồi rẽ vào một khu sân lớn. Sau khi xe dừng, người của trường đại học Bắc Kinh khênh Phác Phương xuống, rồi vội vội vàng vàng khênh tiếp vào trong một gian phòng, xong việc bọn họ không nấn ná thêm một phút, tếch thẳng. Đây là nhà tế bần thành phố Bắc Kinh, nằm ở thị trấn Thanh Hà, ngoại ô thành phố: Thành phố Bắc Kinh khi đó là một thành phố cũ kỹ, phương tiện giao thông chưa phát triển. Thị trấn Thanh Hà lúc đó đối với người dân trong nội thành, đã là một nơi khá xa.Trong nhà tế bần thu nạp những quân nhân tàn phế, những người thuộc gia đình liệt sĩ, cùng với những người già lão không người chăm sóc, không nơi nương tựa, còn có cả những người tàn tật và trẻ con tàn phế. Nơi họ đưa Phác Phương đến là một căn phòng rất lớn. Trong gian phòng đó có tất cả mười một người tàn tật. Trong những ngày đông tháng giá, trong phòng được nhóm hai lò than để sưởi. Những người còn có thể đi lại được trong gian phòng đó chỉ có hai người, một là ông lão đã bảy mươi chín tuổi, ông lão nghễnh ngãng, công việc chủ yếu của ông là giúp mọi người đốt lò, lấy cơm, và đưa chăn đệm bẩn đi đổi, một người khác nữa là một thằng bé ngu ngơ mất trí, có thể giúp được đôi việc nhưng lại không biết làm gì, tất cả phòng chỉ trông vào một già một trẻ đó đỡ đần cho mọi việc.Sau khi Phác Phương tới đây, một thân cô độc, không có bất cứ một thứ gì. Nhà tế bần phát cho anh một chiếc chăn, một tấm khăn trải giường và một bộ áo bông quần bông may bằng vải đen. Anh không có áo lót và cũng chẳng có quần lót, cứ thế mặc thẳng vào người. Những người cùng phòng thấy có bạn bệnh nhân mới, đều rất nhiệt tình, vẫy vẫy, và nói cho biết mọi thứ tình hình.Đó là thời kỳ Cách mạng văn hoá, có cái gì gọi là phúc lợi xã hội, cái gì gọi là nhân đạo đấy, tất cả bị đánh đồng là “việc thân thiện giả vờ” của “giai cấp tư sản”, và bị phê phán tuốt. Cho nên tất cả những cơ cấu phúc lợi, đều không được gọi là “viện phúc lợi”, mà đều gọi là “nhà tế bần”, hoặc được đặt cho một cái tên rất mỹ miều là “Viện điều dưỡng quân nhân vinh dự”. Đã gọi là nhà tế bần thì mọi điều kiện phúc lợi đều rất tồi tệ. Khi đó, sức sản xuất của xã hội đã xuống rất thấp, đời sống của dân chúng đã tương đối khó khăn, thì còn nói gì đến việc “cứu tế” cho những người ốm đau, tàn tật trong các nhà tế bần của xã hội nữa. Trong nhà tế bần, mỗi bệnh nhân mỗi tháng phải đóng hai mươi mốt đồng tiền sinh hoạt phí, trong đó có tám đồng là tiền ăn, còn lại là tiền thuốc men và các thứ chi dùng khác. Sớm tối ăn độn (ngô, khoai, sắn) trưa ăn cơm, ngày lễ ngày tết mới có tý thịt. Người bệnh phải nộp số lương thực định lượng của mình, tức là số tem phiếu lương thực hàng tháng. Tất cả phòng ốc của nhà tế bần ấy đều rất cũ và xuống cấp, nên điều kiện vệ sinh làm càng kém hơn. Tình hình bệnh tật của Phác Phương khi đó là: vị trí bộ phận bị liệt ở rất cao, không có chỗ làm điểm tựa, ngay đến việc lật xoay người cũng không làm được.Khi ở bệnh viện 301, giường bệnh có một vòng treo, có thể níu vòng đó để hoạt động cơ thể. Nhưng ở đây, làm gì có được điều kiện đó, việc lật người ăn cơm, đại tiểu tiện, đều vô cùng vướng víu, khó khăn, nếu không cẩn thận một chút là có thể bị rách da thịt đùi. Nếu một người chẳng có bệnh tật gì, rách một miếng thịt, toạc một mảnh da cũng chẳng làm sao, nhưng đối với một bệnh nhân bị liệt, toàn bộ cơ thể tính từ phần ngực trở xuống đều bị teo rút lại, thì chỉ rách một mẩu da, sẽ rất khó lành trở lại. Phác Phương bị tống từ bệnh viện 301 về đây, cuộc sống gian nan như thế, nên nếu dùng hai chữ thảm thê cũng không nói hết được nỗi lòng của anh. Chỉ có một điều an ủi duy nhất đối với anh là những người bạn cùng phòng ai ai cũng tốt. Điều đó cũng chẳng lạ, bởi “cùng một lứa bên trời lận đận” với nhau cả mà.Ngày 27.1.1971 là ngày Tết Nguyên đán, ngày tiết lễ truyền thống của nhân dân Trung quốc. Ngày tết, ngày năm mới, vốn là ngày đoàn viên vui mừng. Nhưng đối với những người bất hạnh mà nói, trong khi những người khác vui vầy, quần tụ, đón xuân, ăn tết, lại là những giờ phút đau lòng nhất, cô độc nhất.Cô của chúng tôi là Đặng Tiên Quần và chồng cô là Lật Tiền Minh, công tác ở Thiên Tân về Bắc Kinh ăn tết. Ngày một hai cô chú xách quà vào bệnh viện 301 thăm cháu, đến nơi mới được cho biết rằng, Phác Phương đã chuyển đi nơi khác. Cô tôi, chú tôi nghe nói vậy cuống quít cả lên, vội vã lao lới nhà tế bần ở thị trấn Thanh Hà. Ở đó cô chú đã gặp được Phác Phương. Thấy Phác Phương mặc một bộ quần áo đen, nhàu nát, nằm ở một nơi chật chội, thiếu thốn mọi bề như thế, khiến cô chú rất đau lòng, thấy cháu đến bộ quần áo lót cũng không có, cô chú bảo sẽ may cho Phác phương một bộ mới. Nhưng Phác Phương nhất định không chịu, đối với hoàn cảnh anh bây giờ, bớt đi một bộ quần áo hay thêm lên một bộ quần áo, đều chẳng có nghĩa lý gì..Sau khi trở về nhà, cô chú tôi liền viết thư cho anh chị ở Giang Tây, nói rõ mọi tình hình cửa Phác Phương. Cô chú không chỉ lo lắng cho tình hình của riêng Phác Phương mà còn lo cho cha mẹ tôi không biết phải đối phó với tình hình này như thế nào. Lòng cô chú nặng trĩu những lo âu, cô viết: “Bây giờ, biết tính sao đây? Nếu cứ để cháu ở đấy, cũng có được người giặt giũ và chăm sóc cho những việc tối cần thiết, nhưng cháu vẫn còn rất khó khăn. Nếu đưa cháu về với với anh chị, đúng là cũng có được một số điều hay, nhưng khó khăn của anh chị lại càng lớn. Anh chị tuổi tác đều đã cao cả rồi mà cháu mới chỉ có hai mươi mấy tuổi, bây giờ còn sống, còn chăm sóc cháu được, nhưng sau này rồi biết ra sao? Ngay cả bây giờ, anh chị cũng chẳng có được bao nhiêu sức lực mà chăm sóc cháu, tình hình sức khoẻ của anh chị cũng quá kém rồi, tự mình chăm sóc lấy mình cũng đã là một điều gay go. Theo bọn em biện pháp tối ưu vẫn là dựa vào tổ chức. Việc của “Cu Mập” (tên sữa của Phác Phương), là việc tương đối nan giải. Bọn em chỉ mong sao chữa chạy cho cháu tự mình đi đại tiểu tiện được sau này đến một công xưởng nho nhỏ nào đấy làm việc lặt vặt đã là tốt lắm rồi.Tôi còn nhớ khi đó, vừa ăn tết xong. Cả nhà chúng tôi đang bận rộn trong việc chuẩn bị cho Đặng Nam lên đường, cha mẹ tôi lại tiếp tục đi sang xí nghiệp lao động. Trong khi mọi việc đang trở lại nếp sống thường ngày, thì chúng tôi nhận được thư của cô chú tôi hết sức bất ngờ. Đọc thư xong thấy tai nạn đúng là từ trên trời rơi xuống, Phác Phương rơi vào cảnh ngộ thật thê thảm, không khí vui vẻ tết nhất vẫn còn vương vất trong nhà nay bỗng chốc biến thành nỗi đau thương buồn thảm. Mẹ tôi làm sao yên tâm được khi con trai bà rơi vào tình trạng thảm khốc đến như vậy? Bà không thể để con bà lưu lại ở Bắc Kinh trong tình trạng thảm thương đó. Bà chỉ có một mong mỏi, là làm sao cho con trai bà mau mau chóng chóng trở lại bên cạnh bà. Thư của cô chú có đề cập tới và lo lắng tới những khó khăn của những người cao tuổi, nhưng bà không thiết nghĩ tới cái đó. Bà chỉ mong đón. được con về, và được chăm sóc con bằng chính tấm thân đầy bệnh tật của mình.Trong trường hợp đó, cha tôi vẫn là người quyết định chính. Ngày 3.2.1971, cũng là ngày vừa nhận được thư của cô chú tôi, cha tôi không do dự, cầm ngay lấy bút viết thư cho Uông Đông Hưng:.Trong thư cha tôi viết:“Đồng chí Đông Hưng, tôi lại phải làm phiền đồng chí về việc con trai lớn của tôi là Đặng Phác Phương. Tình hình hiện nay của Phác Phương, đã được cô em gái tôi là Đặng Tiên Quần mới đi thăm cháu, viết thư, cho tôi biết tình hình. Tôi gửi kèm lá thư đó theo đây, cũng chẳng phải là chuyện thừa. Thư trước viết cho đồng chí, tôi vẫn chỉ mong sao cho Đặng Phác Phương được tiếp tục điều trị. Bây giờ thì chẳng còn cách nào mà điều trị tiếp được rồi. Điều kiện ở nhà tế bần Thanh Hà như vậy, thì đối với chúng tôi, những người làm cha làm mẹ, không thể bỏ qua mà chẳng nói gì. Cho nên sau khi suy nghĩ nhiều lần, tôi và Trác Lâm thấy rằng, đón được Đặng Phác Phương về chỗ chúng tôi cùng sinh sống là điều tốt hơn cả. Tất nhiên, đón về nhà, với ba người già chúng tôi trông nom quả là có khó khăn, vì việc lên xuống giường đều cần người khênh bế. Nếu như trên tổ chức phê chuẩn cho chúng tôi có thêm một người giúp đỡ trong việc mua bán, làm một số việc tạp vụ, đồng thời trông nom Đặng Phác Phương, thì chúng tôi vô cùng cảm kích, biết ơn. Nếu như trên tổ chức cho rằng đề nghị đó là không hợp lý, vợ chồng chúng tôi sẽ tình nguyện chăm nom cho Đặng Phác Phương bởi vì đó là việc mà chúng tôi không nên né tránh: Không kể là trên lãnh đạo có phê chuẩn cho một người giúp việc hay không, chúng tôi vẫn quyết tâm dề nghị lãnh đạo theo quyết định lần trước cho một người đưa Đặng Phác Phương về Nam Xương. Rất mong được lãnh đạo phê chuẩn. Nếu được lãnh đạo phê chuẩn, đề nghị báo sớm cho chúng tôi kịp thời chuẩn bị, để tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy. Mong chờ chỉ thị của đồng chí”.Với bức thư trên, ta hoàn toàn có thể thấy rõ lòng ân cần thương con của một người cha. Cha tôi, mẹ tôi đã quyết một bề rằng, dù không có người giúp đỡ, dù bản thân mình tuổi tác đã gần thất thập, nhưng vẫn cứ đón con về, để tự mình chăm nom săn sóc cho con. Với sự quyết tâm một bề như thế của cha mẹ tôi, sẽ chẳng có khó khăn nào mà ông bà không vượt qua nổi.Cha mẹ tôi giao thư cho Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây, chuyển tiếp cho Uông Đông Hưng..Thư gửi đi rồi, trong khi chờ tin phúc đáp, lại có việc khiến ông bà vô cùng thất vọng. Người của Giang Tây bảo ông bà từ sau đừng có viết thư nữa. Đừng viết thư nữa, cũng có nghĩa là, từ nay về sau, không thể viết thư cho Uông Đông Hưng được nữa. Cân biết rằng, đây là kênh duy nhất để ông bà liên hệ với trung ương. Không cho viết thư nó mang theo mùi vị gì đây? Đây là ý của trung ương, hay chỉ là ý của Giang Tây? Ông bà không biết, và cũng chẳng có ai để mà hỏi.Con trai khốn khổ ở Bắc Kinh, cha mẹ âu lo ở Giang Tây. Thư trước đã gửi đi rồi, thư sau không được viết tiếp, cha mẹ tôi cũng chẳng biết xoay xở ra sao, chỉ còn một cách tiếp tục đợi chờ. Mùa đông ở phương nam rất giá rét. Đông đã qua rồi, mà xuân vẫn chậm trễ chưa tới.Từ tháng hai bắt đầu có mưa. Đó đúng là những trận mưa xuân ở phương nam, lúc to, lúc nhỏ, mưa ngày, mưa đêm, mưa liên miên không dứt, mưa rả rích suốt ngày. Cái giọt mưa xuân làm ảo não lòng người, mưa làm trời u ám, mưa ẩm ướt bứt rứt con người, mưa làm bối rối, bất yên. Thức ăn thức uống không cẩn thận là sinh mốc, củi đóm để trong nhà kho cũng ẩm xì, ướt nhoẹt, đun không cháy, quần áo, chăn đệm ẩm ướt, đắp lên người vừa lạnh vừa hôi rình, đến ngay đôi giày đi dưới chân cũng bị nấm mốc. Chỉ có mỗi một điều hay là khi mất nước chúng tôi đem thùng đem chậu ra đặt dưới mái hiên, hứng nước từ trên mái nhà chảy xuống, chỉ một chốc đã được một thùng, rất tiện dụng. Nhưng việc sử dụng nước chỉ là chuyện thứ yếu. Ngày nào cũng mưa, mưa đến tưởng chừng như thấy mình không còn tồn tại nữa. Trời vừa u ám vừa giá buốt, đến tận tháng năm mà vẫn còn phải mặc áo bông. Trận mưa này đã rơi là rơi liền ba tháng.Chúng tôi hết mong ngóng lại đến mong chờ, mong chờ mưa tạnh. Dầm dề dằng dặc, cuối cùng mưa cũng ngừng rơi. Cũng lại đúng là khí hậu phương nam, mưa vừa dứt, mặt trời đỏ rực như một bánh xe lửa đã liềng hực chiếu trên cao. Chỉ thoắt một cái, trời đất vạn vật bỗng khô cong và nóng rực. Khí lạnh chưa đi, mà mùa hè đã tới. Mọi người cởi bỏ áo bông là mặc ngay áo cộc tay, cứ như giữa mùa đông chỉ bước một bước mạnh là đã đứng vào giữa mùa hè. Song bất kể là thế nào, người ta vẫn thích ánh sáng mặt trời hơn, người ta thích cái ánh sáng mặt trời trong vắt trải dài trên mặt đất. Chúng tôi đem quần áo, chăn chiếu ẩm ướt ra phơi phóng, đem củi đóm và than tãi ra hong, đem cả con người tù túng của mình ra sưởi nắng. Những ngọn cỏ búp cây bị những trận mưa rả rích làm cho không ngóc đầu dậy được bây giờ cũng vương cả lên dưới ánh sáng mặt trời. Những bông hoa dành dành trắng như tuyết cũng bất chợt tung ánh nơi đầu cành, nở rộ, loả ra theo gió mộc hương thơm ngào ngạt thấm đẫm lòng người. Tốt đẹp, vẫn là ánh sáng mặt trời! Nhân loại không thể thiếu được làn ánh sáng rực rỡ lan toả ra tứ phương, chói chang tới mức làm bạn không mở nổi mắt ra đó.Trong những ngày mong ngóng mưa tạnh ấy, cha mẹ tôi cũng ngày ngày tháng nhớ đứa con trai đang ở nhà tế bần trên thành phố Bắc Kinh kia. Đã ba tháng lên trôi qua, tình hình Phác Phương vẫn trĩu nặng trong trái tim mọi người. Trung ương vẫn không hề có được một tin tức gì.Trong nhà tế bần ở Bắc Kinh, Phác Phương cũng thích ứng được với môi trường sinh hoạt mới. Những người ở trong nhà tế bần đều là những con người bất hạnh nhất trong xã hội, những người không cơm áo, không nơi nương tựa, những người cần sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người nhất, đồng thời họ cũng là những người ở trong đáy sâu nhất của xã hội. Cảnh ngộ của Phác Phương lúc bấy giờ hoàn toàn giống như những người bạn khốn khổ của anh, những bạn cùng cảnh ngộ có thể sống qua ngày được, thì anh cũng vậy thôi. Anh đối diện kiên cường với tất cả mọi dày vò trong đời sống. Nhưng anh lại không ngờ rằng, trong khi anh rơi vào cảnh ngộ ấy, thì những người trong trường học của anh vẫn không chịu buông tha cho anh.Có một hôm, trường đại học Bắc Kinh phái người tới nhà tế bần báo cho Phác Phương biết, trường đã huỷ bỏ tư cách đảng viên dự bị của anh.Huỷ bỏ tư cách đảng viên dự bị có nghĩa là khai trừ ra khỏi đảng. Có bệnh không được chữa, có nhà không được về, còn bị khai trừ ra khỏi Đảng, trong bầu không gian trời đất bao la nhường này, mà đến một chỗ dung thân cũng không có được sao? Không! Tôi đòi phải được chữa bệnh, tôi đòi phải được về nhà, không thể để con người bị cầm tù mãi ở đây!Một buổi bình minh, mặt trời vừa mọc, Phác Phương nhờ người giúp, ngồi lên chiếc xe lăn tay cũ kỹ, đi ra khỏi nhà tế bần Thanh Hà. Anh vào thành, anh rẽ đến Trung. Nam Hải, anh sẽ tìm gặp cấp trên.Đó là vào ngày tháng năm ở Bắc Kinh, trời đã rất nóng bức, Phác Phương không còn quần áo nào khác, anh vẫn mặc chiếc áo bông và chiếc quần bông màu đen dầy cộp. Anh lấy tay lăn từng vòng, từng vòng cho chiếc xe lắc lư chạy, anh mải miết lăn vòng bánh xe, muốn về tới Bắc Kinh thật nhanh. Con đường từ thị trấn Thanh Hà về tới nội thành sao mà dài vậy? Bộ quần áo bông vừa dầy vừa nặng, chỉ một lúc sau, mồ hôi đã làm cho ướt đẫm. Trên đường có một cái dốc, anh không thể nào đẩy xe của mình lên được, anh quay xe xuống dốc, lấy đà lăn xe lên, cũng không sao lên được. Cái dốc này, theo như người ta nói cũng chẳng lấy gì làm cao lắm, nhưng bỗng trở thành một chướng ngại vật khổng lồ. Trong khi anh đang loay hoay, buồn bã bỗng gặp một người đi xe đạp qua đường. Người đó thấy một người tàn tật đang lâm vào cảnh khó khăn, liền xuống xe, giúp anh qua con dốc. Người khách qua đường ấy, giúp anh xong liền bỏ đi ngay, người đó hoàn toàn không biết người vừa được giúp đỡ là ai. Người đó cũng lại không biết rằng, việc giúp đỡ một tay đó, không ngờ lại cứu được một mạng người ra khỏi bước nguy nan.Phác Phương vượt qua được con dốc, lại tiếp tục dùng tay lăn bánh xe, kiên tâm can đảm lăn chiếc bánh xe. Anh cũng chẳng biết anh lăn chiếc bánh xe trong bao nhiêu thời gian, khi mặt trời lên tới đỉnh đầu, Phác Phương cũng đã lăn xe tới được cửa Tây Trung Nam Hải..Mồ hôi ướt đầm, bộ quần áo bông cũng đẫm ướt, Phác Phương nhìn vọng lên bức tường cao đỏ quạch của Trung Nam Hải, vọng nhìn cửa Tây to lớn của Trung Nam Hải mà từ lâu đã không nhìn thấy. Từ bé cho tới lớn, đã không biết bao nhiêu lần anh ra ra vào vào, đi đi lại lại ở nơi đây. Cửa Tây này quen thuộc với anh, thân thiết với anh biết bao nhiêu. Vậy mà hôm nay, làm sao nó lại biến thành xa lạ đến thế? Sao bỗng nhiên nó cao vòi vọi, không với tới được như vậy? Phác Phương lăn chiếc xe tới cạnh cửa, nói rõ thân phận mình và đưa ra yêu cầu, phải được chữa trị. Những người ở bên trong, trước hết là đuổi i anh ra khỏi cửa, đến một chỗ thật xa, chờ ở đó. Anh chờ thật lâu, lâu lắm mới có người đi ra, nhưng lại bảo anh đi sang khu nhà đối diện ở hồ Linh Cảnh. Lại phải khó khăn lắm Phác Phương mới lăn được xe tới khu nhà đó, vừa vào tới sân, đã thấy có mấy người đi ra, họ không nói một lời, lập tức khênh cả người lẫn xe của anh lên một chiếc xe Jeep, đóng chặt cửa xe, rồi phóng xe đưa trả anh về nhà tế bần.Lần đi kiện cáo, tìm cấp trên ấy, anh đã mất không biết bao nhiêu thời gian, không biết bao nhiêu sức lực, để rồi bị tống về nguyên chỗ cũ. Phác Phương nằm lại đó, mà cả đến nỗi đau khổ vò xé tâm can cũng không còn cảm thấy nữa. Con người anh chưa chết, nhưng lòng anh đã chết thật rồi. Đối với anh mà nói, tất cả mọi thứ đều đã mất hết ý nghĩa. Nét mặt anh trở nên lạnh lùng, trầm lặng ít lời, anh nằm trên giường, vắt lên vắt xuống những sợi dây thép một cách máy móc, đan những chiếc sọt đựng giấy. Mỗi chiếc sọt đựng giấy anh đan ra được trả ba xu tiền công, đan một tấm đáy được một xu: Như vậy, mỗi tháng Phác Phương cũng kiếm được dăm ba đồng. Tiền ấy anh có thể mua tý thuốc hút, và cũng có thể mua chút rượu uống. Trước cảnh ngộ của Phác Phương, những bệnh nhân cùng phòng trong nhà tế bần, chẳng ai khinh bỉ anh, ngược lại còn tỏ rõ sự thông cảm sâu sắc với anh. Họ đối đãi với anh bình đẳng và thân thiện, đã đem lại cho anh sự đầm ấm quý giá nhất trên gian.