Lần đầu tiên thấy được sức khoẻ đem lại hạnh phúc cho con người thế nào. Tôi tràn trề sức sống như Uâytơman từng ca ngợi: Chàng võ sĩ với đôi tay rắn chắc Giữa đấu trường sừng sững Dáng kiêu hùng Đang nóng lòng chờ đợi Phút giao phong Cùng đối thủ! Ở vũ đài này, tôi đã chọi nhau với con người khổng lồ, loại lao động cao cấp được mọi người nể sợ, và đã "hoà một – một". Thế là, một sức sống mãnh liệt và khí phách đàn ông dâng cuồn cuộn trong tôi, thậm chí tôi còn nghe rõ âm hưởng của nó như sóng thuỷ triều… Ngày hôm sau, Hỉ vẫn một mình một xe. Tôi thì vẫn đi xe của ông "đồ chó chết". khi hai xe ngược chiều gặp nhau, Hỉ không thèm nhìn tôi, nhưng nét mặt thì không giấu được nỗi buồn. Hận thù đã qua đi, anh ta chìm đắm trong một tình cảm u ám. Một con người vũ dũng, đầy sức sống, vậy mà trong phút chốc tả tơi như cây lách bị gió mưa vùi dập. Tất nhiên, đó là không phải vì bị một cú đá của tôi, mà vì bị một đòn choáng váng về tinh thần. Hồi nhỏ, tôi dễ bị khiếp sợ trước những nỗi đau của người khác. Khiếp sợ chứ không phải hoàn toàn là thông cảm. Thông cảm làm cho con người ta tích cực, khiếp nhược làm cho con người đâm sợ hãi. Đọc truyện nói về người bại liệt, bản thân tôi tê dại đến mấy ngày. Xem truyện người mù, tôi chỉ sợ bị hỏng mắt. Sự sợ hãi tai hoạ giáng xuống đầu mình át cả tình thương đối với người mù và bại liệt. Nỗi khiếp sợ có thể làm nảy nở ý nghĩ xấu xa là mình có thể bị hại, nó thủ tiêu tinh thần hy sinh. Vì vậy, giờ đây tôi không một chút thông cảm với Hỉ, mà chỉ sợ mình rơi vào hoàn cảnh bị thất tình như anh ta. Sự khiếp nhược tai hại cộng thêm quan niệm sai lầm về "người lao động cơ bắp" đã đẩy tôi xuống vực thẳm. Lúc tan tầm, tôi từ trên xe ông "đồ chó chết" nhảy xuống, đã thấy cô đứng trước chuồng ngựa, nắm trong tay vật gì đó. Cô vẫy vẫy, hất hàm về phía tôi. Tôi biết trong tay cô là cúc áo. Ăn xong cái mô mô lấy từ bếp tập thể về, tôi đến nhà cô. Tổ của tôi gồm tám người, hiện một nửa không đi làm. Nay vài người lên trụ sở nông trường, mai lại vài người lên trụ sở nông trường, khi thì đi Trấn Nam Bảo xem có thư bảo đảm không. Gửi và nhận thư bảo đảm đều phải đi ba mươi cây số! Đời sống văn hoá của chúng tôi như thế đấy. Từ khi chúng tôi đến, chưa hề thấy một tờ báo trong tháng đó, chưa hề có phát thanh, đúng là không bằng nông trường lao cải như tay "Chủ nhiệm kinh doanh" từng nhận xét. Họ bận rộn, tíu tít chạy hộ khẩu, hy vọng sớm rời khỏi nơi này. Do vậy họ không để ý là tối nào tôi cũng đến nhà Hoa. Căn "nhà" trải cỏ khô của chúng tôi chẳng qua chỉ là cái quán trọ, không ai thì giờ và tâm sức đâu mà xét nét lẫn nhau. Tối nay tôi rất vui, vừa cảm thấy mung lung lại vừa thấy một cách rõ rệt là tối nay sẽ xảy ra một chuyện gì đó liên quan đến tâm tư tình cảm của mình. Cái tâm trạng ngây ngất do mình tưởng tượng ra, êm đềm pha chút thấp thỏm đã làm phân tán ý thức của tôi, chẳng khác nào ráng chiều lướt qua đồng cỏ. Tôi bước qua cửa. Chắc là nét mặt tôi đặc biệt rạng rỡ, và trong ánh mắt thấp thoáng những tia kỳ dị, nên Hoa nhìn tôi chăm chú bằng ánh mắt như bốc lửa. Đôi lông mày cong cong, quầng mắt hơi sẫm, khiến cặp mắt càng thăm thẳm, đốm sáng con ngươi lấp lánh như sao. Vẫn như hôm qua, Hoa nằm nghiêng vỗ vỗ cho bé Xá ngủ. Cô mỉm cười, hất hàm về phía bệ đất. Rồi tiếp tục vừa vỗ vỗ cháu bé, Hoa vừa nhìn tôi không chớp, hình như cô đang có điều suy nghĩ. Trên bệ đất có nồi cơm độn, chiếc bát úp ở trên. Tôi xới một bát ăn chậm rãi, cố gắng tự kiềm chế để trở lại bình tĩnh. Tôi nghe thấy cô ru bé Xá bằng giọng hát nho nhỏ: Núi vàng núi bạc sóng đôi Từng từng lớp lớp, chân trời giăng giăng Mong người nên vợ nên chồng Thương anh đơn chiếc phòng không một mình (ạ ời) Đầu ghềnh có tổ chim câu Chim chồng, chim vợ, con nào anh ơi? Trắng đêm em đếm sao trời Nhớ anh mất ngủ, đếm hoài không khuây Cái quan niệm vê tình yêu mà tôi từng được dạy dỗ xưa kia sao mà khác xa, thậm chí ngược lại với cái tình yêu tôi đang chìm đắm hiện nay. Xưa kia là một tình yêu dìu dịu, quyến luyến, thể thốt, gắn bó, tình yêu thương pha chút xót xa, y như bông hoa khanai ngậm vài giọt sương đêm. Còn tình yêu của Hoa gửi qua lời ca sao mà thẳng thắn, minh bạch và chất phác. Tình cảm nồng nàn, phóng khoáng như gió lướt trên đồng ruộng, khó mà ngăn được. Bé Xá đã ngủ ngon trong lời hát ru. Hoa nhẹ nhàng ra khỏi giường, khẽ kéo vạt áo xuống, hai tay vòng sau gáy rũ tóc rồi nhìn tôi mỉm cười duyên dáng. Lần đầu tiên tôi thấy vẻ thẹn thùng trên gương mặt cô. Nước da màu đồng nên đôi má Hoa càng đỏ. Khi hai tay cô vòng sau gáy, người hơi ngửa ra sau, tôi nghĩ, đó là cái tư thế mà người ta gọi là yêu kiều. Cởi áo ra hay là đính thế nào hở anh? – cô cười, hỏi tôi. Cô đứng kề bên, tay cầm chiếc kim đã xâu chỉ. Gương mặt rạng rỡ của người con gái phương Nam làm tôi xao xuyến. Tôi lúng túng bảo cô mà như không biết mình nói gì. A..à…cứ để nguyên mà đính. Không có áo lót, cởi ra sao được… Anh thì… - cô cười khanh khách, kéo tôi đứng dậy – Thật tội nghiệp! Em sẽ cho anh cái áo lót..Đợi gì nữa, anh cởi dây thắt lưng ra! Cô ra lệnh cho tôi bằng một giọng mà chỉ là người vợ quan tâm sâu sắc đến chồng mới như thế. Rồi rất tự nhiên, không thấy xấu hổ gì cả, tôi cởi dây lưng, đứng trước cô. Tôi cảm thấy sung sướng được giao phó chính bản thân mình với tất cả sự tin cậy cho mối tình của mình. Cô không cần cúi xuống, vì tầm cao vừa vặn đến cổ áo tôi. Cô đính từng mũi. Mái tóc đen mượt, vài sợi buông lơi lơi xoăn rất tự nhiên, sáng lên màu xanh biếc dưới ánh đèn. Vành tai xinh xắn, đường nét phân minh, cân xứng từ trong đến ngoài, như một công trình mỹ thuật. Từ đôi gò má làm nền, tôi nhìn thấy hàng mi từng sợi đều tăm tắp xếp thành hình cánh cung đầy vẻ quyến rũ. Cô mặc áo bông không cài khuy, tôi có thể nhìn rõ khoảng giữa bờ vai và cổ. Cái cổ thon dài, tròn trĩnh không một nếp nhăn, sáng lên màu ánh ngà như đá Đại Lý, đường lượn từ bờ vai đến cổ khiến tôi liên tưởng đến cổ con thiên nga. Lúc này, tôi không kiềm chế nổi, lòng ham muốn mãnh liệt bị nén lại khá lâu, y như lúc tôi bị tay Hỉ quăng lộn tùng phèo lên trời, tôi mất cả lý trí, giang tay ôm chặt cô vào lòng. Tôi nghe thấy cô khẽ rên lên một tiếng rồi ngước cặp mắt hoảng loạn tìm mắt tôi, nhưng tôi lại không dám nhìn vào đôi mắt đó. Tôi cúi xuống áp khuôn mặt vào giữa khoảng bờ vai và cổ của cô. Hoa không chống lại, chiều ý tôi, hơi thở dồn dập và hỗn loạn. Nhưng chưa đầy một phút sau, hình như cho rằng chia sẻ niềm yêu thương vỗ về như vậy đã đủ, cô chợt vùng ra khỏi vòng tay tôi, một tay phủi trước ngực như phủi bụi, mặt đỏ như gấc chín, cô đắm đuối nhìn tôi hồi lâu, rồi lắp bắp: Thôi..thôi..Anh đừng…làm cái việc hao mòn sức sống ấy. Anh hãy cố đọc sách đi!