Năm 586 trước Công nguyên, khi người Babylon xâm lược nước Jerusalem cổ đại họ đã đốt đền thờ của người Do Thái khiến những người Do Thái phải chạy sang Syria, để rồi hơn hai nghìn năm sau bị kịch lại lặp lại với họ. Năm 1947 những người Syria quá khích đã đốt thánh đường Aleppo của người Do Thái, nơi có cuốn kinh thánh Hebrew lâu đời nhất. Rất nhiều người Do Thái đã tìm cách trốn khỏi Syria. Đến cuối năm 1948 người Do Thái bị cấm rời Syria. Dư luận cho rằng họ bị quản thúc trong lãnh thổ của ba thành phố Damascus, Aleppo, Qamishli và bị ngược đãi. Chính phủ Syria có thể phủ nhận điều đó, nhưng những vụ trốn chạy bất thành đầy máu và nước mắt của người Do Thái được báo chí đưa tin, đã chứng tỏ rằng Syria là mảnh đất mà người Do Thái muốn thoát ra hơn là muốn ở lại. Năm 1971 Judy Feld Carr, một giáo viên dạy nhạc sống ở Toronto, Canada cách Syria hàng nghìn dặm đọc được tin mười hai thanh niên Do Thái trốn qua biên giới Syria đã sa vào bãi mìn và lính biên phòng Syria đứng yên nhìn từng người trong bọn họ bị nổ tung thành nhiều mảnh. Judy và chồng của cô, Ronald, muốn làm điều gì đó giúp những người Do Thái đang bị kẹt ở Syria. Họ tìm kiếm các tổ chức giúp đỡ người Do Thái ở Canada nhưng không có một tổ chức nào quan tấm đến cộng đồng thiếu may mắn này. Qua một nhà thờ của người Do Thái, họ thiết lập đường dây liên lạc bí mật với những người Do Thái ở Syria. Những người Do Thái ở Syria cho họ biết tình hình của mình bằng cách trích dẫn những câu kinh thánh để tránh bị nghi ngờ. Vợ chồng Judy bắt đầu một chiến dịch nhân đạo. Họ gặp các đại biểu Quốc hội, viết thư tới các toà báo, tổ chức các cuộc họp nhằm hướng sự quan tâm của dư luận tới tình hình của người Do Thái ở Syria. Những lời đe doạ tới tập đến với vợ chồng Judy. Một ngày đầu tháng Sáu, một lời đe doạ táo tợn được gửi tới khiến Ronald vô cùng lo lắng. Một ngày sau khi nhận được lời đe doạ đó, trong lúc chơi với đứa con gái nhỏ Ronald bị đột quỵ và qua đời. Bác sĩ cho rằng người chồng bốn mươi tuổi của Judy đã chết vì quá căng thẳng. Một nách ba con nhỏ, Judy nhận liền lúc ba công việc làm thêm. Cô thành lập quĩ giúp đỡ người Do Thái ở các nước Ả Rập mang tên chồng cô. Cô và những người tình nguyện đi khắp Toronto tổ chức diễn thuyết và quyên góp quỹ. Cô tới Bộ Ngoại giao đề nghị họ tiếp xúc với người Do Thái ở Syria nhưng bị từ chối. Cả lời đề nghị Bộ Ngoại giao lên tiếng ủng hộ người của tổ chức Ân xá quốc tế tới Syria tìm hiểu về tình hình của người Do Thái cũng bị từ chối nốt. Vào thời điểm đó trên đất Syria có khoảng 4500 người Do Thái. Judy xác định rằng bằng giá nào cũng phải giúp họ thoát ra. Với số tiền từ quỹ Ronald cô thực hiện các chuyến đi bí mật tới Syria để thiết lập đường dây đưa người Do Thái ra nước ngoài. Đó là một hành động vô cùng nguy hiểm. Tính mạng của những gia đình Do Thái được giúp trốn chạy khó mà được bảo đảm nếu họ bị phát hiện. Bản thân Judy liên tục nhận được những lời đe doạ. Cô tâm sự: "Lúc nào cũng căng thẳng hết sức. Cùng lúc tôi phải sống hai cuộc đời - vừa làm người hoạt động ngầm vừa phải làm bổn phận của người mẹ và phải sống một cuộc sống bình thường.... Tôi cảm thấy tôi còn sống được đến ngày nay quả là một điều kì diệu". Sở dĩ chiến dịch đưa người Do Thái ra khỏi Syria của Judy thành công là vì Judy đã thực hiện nó một cách hết sức bí mật. Cô không nói cho bất cứ ai biết cách thức tiến hành công việc. Ngay cả những người Do Thái được cứu giúp cũng chỉ biết rằng họ có cơ hội ra khỏi Syria là nhờ một người phụ nữ tên là Judy và điều đó cũng chỉ được tiết lộ khi họ đã đến được nơi an toàn. Cho đến tháng Ba năm 2001, khi đợt giải cứu cuối cùng hoàn tất, Judy mới cho phép công bố toàn bộ câu chuyện. Và chỉ tới kho cô bước lên bục danh dự để nhận các giải thưởng cao quý, thế giới mới biết đến Judy Feld Carr, một người phụ nữ Canada bình thường đã thầm lặng làm công việc giải cứu người Do Thái trong 28 năm và đưa được 3128 người Do Thái ra khỏi Syria! Đa số những người Do Thái ấy hiện đang định cư tại Israel. Nhiều gia đình người Do Thái được cứu thoát đã đặt tên cho con mình là Judy để nhắc nhở thế hệ sau nhớ đến người đã thay đổi cuộc đời họ. Lớn lên ở thị trấn nhỏ thuộc Sudbury nơi chỉ có duy nhất một ngôi trường dành cho trẻ em Do Thái, Judy sớm có sự cảm thông với những cuộc đời đau thương của người Do Thái. Khi cô mười tuổi một người mẹ Do Thái có hai con bị giết ở trại tập trung Auschwitz đã bảo với cô: "Các cháu phải làm điều gì đó để chuyện này đừng bao giờ xảy ra với người Do Thái nữa". Judy đã trả lời: "Vâng, cháu không quên đâu". Và Judy Carr đã giữ lời hứa.